Anh Hai kính mến,
Sau 3 tuần lễ vất vả ngoài Quảng Trị, tôi về lại Sài Gòn để được đọc thư anh. Anh viết nhiều chi tiết, nhiều "ý nghĩa" hơn lá thư trước. Những dòng thơ của anh gợi lên cho tôi một số vấn đề. Chúng ta trao đổi như thế nầy chẳng khác gì thiện hữu tri thức anh Hai nhỉ!
Trước khi trả lời thư anh, tôi chia thành số câu và đoạn để trao đổi cho chính xác. Có một vài điểm trong lá thư trước tôi chưa nói rõ, vì thế đã làm cho anh Hai hiểu lầm tôi. Chúng ta hiểu ít nhưng còn có niềm tin. Ví dụ anh tin tuyệt đối rằng thái tử Tất Ðạt Ða đã chứng Lục Thông. Tôi cũng muốn tin thái tử Tất Ðạt Ða chứng Lục Thông như Kinh Phật ghi lại. Nhưng tiếc thay Phật Giáo chuộng khoa học hơn, vì thế sự đắc chứng lục thông là trái với tinh thần khoa học! Niềm tin là sự mầu nhiệm, không phải muốn tin là có thể tin được đâu, dù rằng ý muốn của mình vẫn là một yếu tố tích cực. Tôi biết đạo của người đã truyền suốt mấy ngàn năm, và vẫn có giá trị cao trong tiến trình nổ lực tự tu của nhân loại. Trong lịch sử tôn giáo và triết học, còn có những triết lý tôn giáo khác đạo Phật, khác đạo Chúa; đã xuất hiện từ xa xưa, nay vẫn tồn tại giữa cõi Ta Bà. Trong Kinh Thánh, sách Truyền Ðạo đoạn 1: 9-11 viết: "Ðiều chi đã có, ấy là điều sẽ có; điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều gì mới dưới mặt trời. Nếu có một vật chi mà người ta nói rằng: hãy xem, cái này mới, vật ấy thật đã có rồi trong các thời đời trước ta. Người ta chẳng nhớ các đời trước, và các đời sau, những người đến sau cũng sẽ chẳng nhớ đến nữa. "
Anh Hai ơi, trong đoạn mở đầu của lá thư anh, anh bảo rằng: Ðọc đến cái thư ấy, tôi mới biết phần nào cái lý do anh cải đạo. - Một vị cao tăng nào đó đã cư xử với anh thế nào đó trong suốt 32 năm. Thật là phí phạm, thời gian luôn luôn là vàng bạc.
Tôi chưa bao giờ viết cho anh một câu nào để nói lý do tôi cải đạo cả. Chuyện xích mích với một vài vị cao tăng, thấp tăng với nhau vốn là những chuyện thường. Ðó không phải là lý do để cải đạo. Tôi thật lòng tha thiết đi tu từ khi còn bé, lúc lớn lên mới thấy ra mình không tu được. Ðó là lý do tôi trả áo ra về sau 15 năm trui rèn thét luyện ở chốn thiền môn. Những ngày tu học trong chùa luôn luôn quí giá đối với tôi. Tôi đã học từ thực tế để biết ý nghĩa đời và đạo một cách tương đối. Tôi, nếu có bị xử tệ, hay bị gì gì đó thì cũng chỉ là việc đụng chạm với một vài cá nhân thường tình. Nói chung từ trên xuống dưới trong hàng ngũ Hội Phật Học Việt Nam hồi trước 1964, và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau 1964 đều là cái nôi nuôi dạy tôi ăn học, làm việc và phục vụ rất tốt. Tôi học tập và phục vụ hết lòng vì yêu đạo pháp, yêu thầy, yêu giáo hội, yêu đồng lao, yêu tín đồ. Những ngày ấy tôi chưa hề bị một lần khiển trách của thầy, của bạn, của đại chúng sơn môn về một lỗi lầm nào nghiêm trọng cả. Trái lại tôi còn được khen thưởng. Tôi đã được giáo hội tin cậy trao cho một số trách nhiệm, và tôi chưa từng làm hỏng một công tác Phật sự nào, cũng không hề lợi dụng chiếc áo casa để làm điều ô uế sơn môn như nhiều người. Chưa hề dùng nó để trốn lính hay vun trồng sự nghiệp tạm bợ của trần gian. Tôi chưa lợi dụng tu hành để tạo địa vị, lợi lộc đến nỗi phải tranh chấp, sát phạt, chia năm xẻ bảy giáo hội ra. Tôi đã sớm quyết định dấn thân tìm chân lý cho đến tận cùng bằng con đường tu. Lớn lên mới biết mình không thể nào tu được, tôi tự ý xuất tu trước khi phạm phải những sai lầm mà tôi chưa thấy một người nào tránh nổi. Có những sai lầm mà khi chưa làm bậc cao tăng thì chưa hề phạm (nên không biết), đến khi trở thành cao tăng rồi mới có cơ hội phạm phải, hoặc là chính địa vị cao tăng mới có đủ điều kiện để phạm. Cái đó mới là khó nói đối với người yêu mến con đường tu!
Những gì tôi đã làm trong giáo hội Phật Giáo hồi đó tuy không nhiều, nhưng cũng đủ cho tôi không hổ thẹn với công lao nhà chùa nuôi dạy tôi. Tôi chỉ làm đại đức có 04 năm rưởi mà thôi. Tôi có bị hiểu lầm một đôi lúc rất là thú vị, và điều nầy dạy cho tôi nhiều bài học rất quí. Trong thiện chí tu hành và làm điều lương thiện, tôi có gặp một vài ngộ nhận rất thú vị. Nếu viết thật ra, người đọc có thể cười đến chảy cả nước mắt, tắt cả nước mũi.
Cuối năm 1972, sau khi chứng kiến hai người bạn thân cùng tu mà tự tử; một vị ở chùa GL được cứu sống, một vị ở Ðà nẵng thì chết, tôi bắt đầu khủng hoảng. Tôi đã có ý định chết cho khỏi thấy mình thất bại trong đường tu. Nhưng nhờ đọc vài quyển sách của Hermann Hesse như Câu Chuyện của Dòng Sông, Ðôi Bạn Chân Tình; cũng như bộ sách Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung, bỗng nhiên tôi đổi ý mà nghĩ rằng mình phải sống để xem cuộc đời ra sao. Sống cho vui rồi sự chết tự nó sẽ đến. Tủi nhục, vinh hoa, có gì đâu mà phải bận tâm. Thế là tôi làm một bài thơ giã biệt ý định tự tử, và giả biệt cuộc đời thầy tu:
Nè cõi chết, em ơi chờ ta nhé
Bởi trần gian chẳng hiểu ta đâu
Ðã bao lớp tóc trên đầu
Chỉ thành sương thoảng ra câu thơ buồn
Tiếng thơ không gọi được hồn
Nước mắt thêm nặng vong tồn cô lưu
Xưa trần thế gọi tỳ khưu
Nay thì dâu biển gắn câu bụi đời
Trước sau vóc dáng con người
Chẳng ai nhìn thấy nụ cười ban sơ
Mỏi mòn ta vẫn đợi chờ
Mấy lần tưởng chết nhưng giờ còn đây
Em đi từ độ hoa khai
Bây giờ hoa rụng hai vai nặng sầu
Tiếng thơ gọi mãi ban đầu
Âm vang có vọng cuối cầu Ba-La?
Bao giờ bóng thoáng đằng xa
Từ sau cõi chết đó là viên dung
Biến vào gió thoảng thiên không
Chết đi là ngủ ngoài vòng đau thương.
Khi cởi áo tu cuối năm 1972, tôi phải đối diện nhiều vấn đề như gia đình buồn giận, bạn bè phản đối, bổn sư thương tiếc, và đối diện với cả vấn đề đi lính nữa. Nhưng không mấy ai hiểu hay thông cảm những ước vọng sâu xa, những khát thèm chân lý cũng như những ước muốn tầm thường trong tôi. Cũng thế, năm 1963 không ai hiểu những lý do sâu xa khác mà tôi đã tình nguyện tự thiêu với danh nghĩa bảo vệ chánh pháp. Sự thật thì khó nói mà chân lý thì hay bị xuyên tạc. Bí quá thì cũng nói đùa rằng:
Chân lý có chi mà lấn?
Hễ ai chấn, nó phải ly
Ai có chí, nó sẽ lân.
Có chân chưa chắc có lý!
Tiện đây tôi xin kể anh Hai nghe câu chuyện nầy: tháng 3 âm lịch vừa rồi, nhân ngày giỗ cố hòa Thượng Thích Trí Thủ, tôi được Phật Học Viện (PHV) Già Lam gọi về với tư cách là cựu tăng sinh Phật Học Viện. Ngay trong giờ phút đầu tiên buổi gặp mặt, người ta chính thức đả kích và mỉa mai tôi ngay giữa đại chúng về tư cách và đức tin tôn giáo của tôi. Người lên diễn đàn nêu những câu hỏi không thích hợp với ý nghĩa của ngày Về Cội đó là thầy Bửu Ðàm, có người gọi là thầy Thiện Mãn. Ðúng ra, Thiện Mãn không thuộc vào hàng ngũ cựu tăng sinh Phật Học Viện. Thầy ấy cũng đã lập gia đình từ lâu. Nói đúng ra là thầy ấy có gia đình trong khi còn mặc chiếc áo ông đại đức. Thầy Bửu Ðàm lên diễn đàn tấn công đức tin của tôi, vô tình ông ta tạo dịp cho tôi bày tỏ đức tin và tình yêu của Chúa trong lòng tôi trong khi hàng trăm tăng chúng (còn tu và đã thôi tu) cứ tưởng rằng Bửu Ðàm làm cho tôi ê càng và đuối lý. Tôi chỉ nói vài lời ngắn gọn trong ơn Chúa, bầu không khí náo loạn ấy trở lại yên tĩnh ngay. Tôi sung sướng vô cùng, vì tình yêu Thiên Chúa tràn đầy trong lòng tôi, nên khi đó những gì tôi nói ra đã dẹp tan bầu không khí căng thẳng. Tiện dịp tôi cũng đọc lên một bài thơ về HT Thích Trí Thủ mà xuất ý cảm tác viết ra trước đó vài phút:
Thầy
Một vị thầy
Một lòng nhân ái
Một đời công phu
Một con đường đầy hoa và bụi
Một lời nói
Một ngắm nhìn
Một niềm an ủi
Suốt đời dẫn dắt con
Thầy nằm xuống mà bóng hình còn lại
Nụ cười xưa chan chứa đến bây giờ
Con còn sống là con còn nhớ mãi
Thầy nâng con ngày tháng tuổi còn thơ.
Ðó là xúc cảm của tôi về một vị thầy. Cái xúc cảm tình thường trong một con người có học đạo, có cầu sư, có tìm kiếm tư lương, ân tình, ân nghĩa. Tuy nhiên trong chân lý cao sâu thì văn chương văn nghệ lại giản dị hơn nhiều. Chân lý không phải văn chương triết lý, nhưng nó thực tế và hiệu năng từ nội tâm đến ngoại tướng. Ðó là chân lý được mặc khải trong Kinh Thánh mà qua đức tin mà tôi nhận được một cách nhiệm mầu; để rồi hôm đó trong cảnh huống ấy tôi vẫn được nói lên, dù rất ngắn gọn, nhưng thỏa lòng mà cảm tạ Ðấng Tạo Hóa toàn năng. Tôi cảm biết Thượng Ðế thúc dục lòng tôi để giữ lòng kính trọng và thương mến mọi người trong bầu không khí ấy. Nhờ đó mà sự bình an trong tôi đã chiến thắng sự khích động tưởng như bất kham của một hội trường đông đúc đang nóng tiết tấn công tôi. Tôi chỉ nói đôi lời mà một bầu không khí căng thẳng của hàng trăm dôi mắt khiêu khích đã phải lắng xuống. Một người lên máy nói dai nói dẳng về những kỷ niệm đi tu với cá nhân tôi. Ðó là cựu Ðại Ðức Tịnh Minh tục danh Ðặng Ngọc Chức. Ông nhắc nhiều về tôi và tự xưng là bạn thân của tôi từ ngày còn ở trong Phật Học Viện Nha Trang. Khi nhắc đến vụ tự thiêu của tôi, anh ta nói "Chính tôi đổ xăng lên mình Huệ Nhật chớ ai". Ðiều nầy hoàn toàn không có. Tịnh Minh đã nói dối ngay trong chỗ tôn nghiêm mà chẳng ai thắc mắc. Nhưng nếu chúng ta đặt lại vấn đề cho đúng sự thật là "Tịnh Minh có đổ xăng lên đầu Huệ Nhật tại Nha Trang năm 1963 không?" Ðối với tôi, điều nầy rất quan trọng. Có thì nói có, không thì nói không. Quan trọng, vì đây là một biến cố lịch sử còn ảnh hưởng đến ngày nay. Và cũng quan trọng đối với tất cả cựu tăng sinh Phật Học Viện Nha Trang, một hệ thống Phật Học Viện có cương thường luật phép, có giáo thọ minh sư, có Hòa Thượng đầy kính yêu Thích trí Thủ. Chính vì sự quan trọng ấy mà Tịnh Minh tự xác nhận mình đã đổ xăng lên đầu Huệ Nhật một cách xác quyết tự nhiên và không ai nghĩ rằng đó là lời nói dối xuất phát từ miệng thầy tu. Ðể chứng tỏ rằng mình là một người từng ăn học giáo lý cao siêu, có giáo dục tại một nơi chốn mà họ cho là thiêng liêng nhất; từng tham gia tranh đấu chống kỳ thị tôn giáo... người tạ huyênh hoang bố láo rất trắng trợn mà không có một chút hỗ thẹn. Nhưng cá nhân tôi xem các điều ấy là quan trọng.
Suốt mấy chục năm qua, tôi được gọi là "Bồ tát hụt, Thánh sống, Thánh chuối" một cách vừa thân thương vừa trêu chọc của thầy và bạn trong giới tu hành. Mấy chục năm qua, tôi nghe nhiều người đã tự nhận là đã từng "đổ xăng lên đầu Huệ Nhật". Tôi cho rằng đây là một việc cụ thể. Có thì nói có, mà không thì nói không. Thế mới có thể gọi là "pháp nhĩ như thị" (tạm dịch: chân lý là rứa đó). Vì những người có trách nhiệm rao giảng đạo của đức Thế tôn; những kẻ muốn chứng tỏ rằng lời mình nói là phát xuất tận đáy lòng, thì không nên nói dối một cách trắng trợn và lâu năm như thế. Chỉ chừng đó thôi mà không chứng tỏ được sự chân thật thì làm sao mà chân thật trong Niết Bàn, Giới hạnh, Tự Giác, Giác tha? Ðây là một điểm hoàn toàn khác xa giữa người Phật Giáo và người được Chúa tái sanh trong hồng ân cứu rỗi. Kinh Thánh nói rằng:... Cái lưỡi là một quan thể nhỏ mà khoe được những việc lớn. Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể cháy lên! Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể của chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy. Hết thảy loài muông thú, chim chóc, sâu bọ, loài dưới biển đều trị phục được và bị loài người trị phục rồi; nhưng cái lưỡi, không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ không ai hãm dẹp được: đầy dẫy chất độc giết chết. (Gia cơ 3:6-9).
Khi sinh hoạt trong giới những người tin Chúa, tôi nhận thấy rằng không phải tất cả những người theo đạo Chúa là những người thật thà hết cả. Không phải mục sư là nói thật hết. Không phải tất cả tín đồ Tin Lành là được sự mặc khải phong phú từ Ðấng Tạo Hóa hết đâu. Những ai giả bộ tin Chúa, hoặc tin Chúa không vì mục đích tìm kiếm nước thiên đường thi làm sao mà sống và nói đúng sự thật được! Những người nầy còn tệ hơn cả những người vô tín, vì họ sẵn sàng buôn thần bán thánh cho cái hư vinh, phàm dục trước mắt họ. Ngày xưa những người như thế cũng đã len lỏi vào trong Hội Thánh Chúa rồi. Chúa Jesus gọi họ là "sói đội lốt chiên" (Ma-thi-ơ 7:15). Nhưng có một điều đặc biệt là những sói đội lốt chiên ấy rất ít và không tồn tại lâu trong Hội Thánh Chúa, vì quyền năng của Ðức Thánh Linh hiện diện trong Hội Thánh Chúa, trong khi bầu không khí thiền môn thì những việc trái khuấy đó bị che giấu và giả dạng lâu dài một cách tự nhiên. Ðối với tôi đây là những điểm khác nhau rất then chốt trong hai cuộc sống của những người tin Chúa và người tu theo Phật. Phải nói rằng tôi được trải qua cả Phật Giáo và Ðạo Chúa nên cái gì tôi đã biết, đã tin là rất xác thật.
Nói về Ðạo Ðức, theo nghĩa chung chung và thuần lý thuyết, thì cũng có nhiều điểm giống nhau giữa các tôn giáo. Ví dụ tình thương yêu, lòng vị tha, tính độ lượng, đức hiếu thảo, làm lành, lánh dữ... Những đức tính ấy xã hội nào cũng muốn xây dựng, tôn giáo nào cũng muốn nhắm đến, chủ nghĩa chính trị nào cũng muốn nhân danh. Ai cũng mong ước sống theo những chuẩn mực đạo đức như thế. Những kẻ đâm thuê chém mướn, những kẻ buôn dân bán nước, những kẻ buôn thần bán thánh, những kẻ đạo đức giả, những kẻ đầu trộm đuôi cướp, kẻ thất phu đầu đường xó chợ cho đến bậc sa môn, tu sĩ, trí thức, nhà triết học, chính trị gia, người quyền cao chức trọng, giàu sang phú quí... đều muốn mình có đạo đức, có trung hiếu, có tình nghĩa, có nhân hậu, có danh dự... và mong mọi người nhìn thấy "đạo đức" của mình.
Thế mà Chúa Jesus nói trước cả ngàn năm rằng Tội ác thêm nhiều và lòng yêu mến trong phần nhiều người nguội dần (Mathêu 24:12) Suốt mấy ngàn năm, câu nói của Chúa Jesus vẫn là chân lý. Và cũng suốt mấy ngàn năm đạo lý thế gian vẫn là sự giả hình, sa sút đáng buồn. Sự ác luôn luôn thừa, sự lành luôn luôn thiếu! Sách Nho nói "Chung thân hành thiện, thiện nhi bất túc. Nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư". Ðúng không? Trong lịch sử nhân loại, chỉ có một mình Chúa Jesus Christ nói đúng phóc về tội lỗi và các diễn biến kinh khủng của nó giữa thế giới loài người. Vì Chúa Jesus Christ là Ðấng đã biết từ trước vô cùng đến sau vô tận, nên ai tin vào Người không bao giờ lạc đường. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp thay đổi nhiệm mầu trong những người thờ Chúa Jesus. Ðó là những cô gái điếm có quá khứ đau thương đen tối, khi trở về tin nhận Chúa, họ ăn năn tội của cá nhân họ. Họ nhận được sự mặc khải của Thánh Linh như tôi đã nhận được. Tôi thấy sự mặc khải mà Chúa ban cho họ còn có cả nét mạnh mẽ, hoành tráng đến nỗi họ được thay đổi cả hành vi tâm tính. Họ trở nên người đạo đức, và tự tin. Họ trở nên những người làm chứng và cũng là người truyền đạt ơn cứu rỗi. Tôi cũng gặp một số các anh du đãng đâm thuê chém mướn, vào tù ra khám nhiều năm, nhiều lần, nhưng khi tin Chúa, họ ăn năn xưng tội và được đầy dẫy ơn mặc khải của Thánh Linh khiến cho họ được thành con người mới. Con người hoạt bát, phục vụ, học tập điều tốt, khiêm tốn ôn nhu với anh em, vui mừng vì được Chúa tha tội và không mặc cảm về quá khứ của mình. Một số anh chị em nghiện xì ke lâu năm, khi gặp Chúa trong tâm hồn, họ cũng được tái sinh thành con người mới giải thoát khỏi những hư hoại. Ðây cũng là những bằng chứng sống về ơn Cứu Chuộc của Thiên Chúa ở giữa cuộc sống chúng ta mà tôi thật sự chứng kiến. Vì vậy, đức tin tôi dựa vào Kinh Thánh càng thêm vững chắc: Kinh Thánh nói rằng đức tin càng dẫn đến đức tin. Ơn càng thêm ơn (Giăng 1:16b).
Ngày nay kết quả của Ðức Tin trong Chúa Jesus Christ vẫn xẩy đến với nhiều người giữa thế giới chúng ta. Thế nhưng cũng có nhiều kẻ bịt tai, bịt mắt không muốn tin. Vì họ sợ phải thấy những điều kỳ diệu của Thượng Ðế mà vốn họ muốn không nghe, không muốn thấy để khỏi phải tin. Chúa Jesus đã nhắc lại Lời Thánh Kinh trong sách Cựu Ước về tình trạng cứng lòng của những con người như thế:
Vậy, về họ, đã được ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-Sai rằng: Các ngươi sẽ lóng tai nghe, mà chẳng hiểu chi;
Lấy mắt xem mà chẳng thấy chi.
Vì lòng dân nầy đã cứng cỏi;
Ðã làm chi nặng tai
Và nhắm mắt mình lại,
E khi mắt mình thấy được,
Tai mình nghe được,
Lòng mình hiểu được,
Họ tự hối cải lại,
Và ta chữa họ được lành chăng? (Mathêu13:14-15)
Thiên Chúa biết sự bất lực của con người. Không ai có thể làm điều lành một cách trọn vẹn được. Do đó Người vạch ra chương trình giải phóng con người ra khỏi điều ác trước khi giúp con ngưởi làm việc lành. Ðó là chương trình cứu chuộc con người ra khỏi sự khống chế của tội lỗi bằng cách làm chết tội lỗi của chúng ta trong sự chết của Chúa Jesus. Khi một người đến với Chúa để ăn năn tội, Người tha thứ tất cả tội lỗi của người đó. Tiếp theo, Người ban năng quyền tái sinh người ấy thành con người mới.
Sự chết cứu chuộc của Chúa Jesus trên thập tự giá trở thành một sự chết về tội lỗi quá khứ trong mỗi người đã tin nhận Người; đồng thời sự phục sinh của Người cũng được thể hiện trong tâm tánh con người ấy để họ sống một cuộc sống mới trong hiện tại. Từ đó những bông trái yêu thương, nhân từ, vị tha, vui mừng, nhịn nhục... được thể hiện qua con người có lòng tin. Chúa muốn chúng ta đặt lòng tin vào Người và tiếp nhận Người vào lòng mình ngay để nhận lại bản-tánh-tốt được tái sinh từ nơi Người. Bản-tính-tốt nầy sống trong kẻ tin Người để thế chỗ cho bản-tánh-xấu của người ấy vốn đã chết một cách mầu nhiệm trong sự chết của Người. Ðức tánh tốt đó hiện diện trong người tin, và xuất hiện bằng những bông trái của tâm hồn tươi mới, ý thức mới, nhân cách mới và hành vi mới thích hợp với đạo lý của nước thiên đường (chứ không phải thích hợp với đạo lý trần gian giả tạo như trước khi chưa có lòng tin). Vì đạo đức là một cái gì rất khó đánh giá, rất dễ bị hiểu lầm, và thường bị giả tạo vô cùng tinh vi. Kinh Thánh cho biết rằng ma quỉ, tức là Satan thông minh hơn loài người, nó dắt dẫn loài người vào những triết học hư không, nó vẽ vời những tôn giáo, đạo đức giả khiến cho con người rất thành thạo vào việc giả trá phi nhân. Lịch sử loài người đã có nhiều kế hoạch cách mạng về đạo đức, chủ nghĩa nhân bản, triết học tiến bộ, giáo dục cải tạo cho tốt hơn... nhưng sau bao nhiêu năm thực hiện thì mới thấy kết quả là sai lầm. Thậm tệ hơn nữa là họ không dám nhìn nhận sự thất bại của mình. Những người học thức mà tự phụ, những người kiêu ngạo nhưng núp trong bộ tịch khiêm nhường là những người rất khó đến với Thượng Ðế.
Kinh thánh xác quyết rằng Dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình nhưng không ích chi để chống lại lòng dục của xác thịt. (Colose 2:23) Lòng dục của xác thịt ở đây không chỉ là dâm dục, vật dục, mà còn cả những tham lam hư vọng ưóc mơ hão huyền của cái thị dục huyễn ngã, tức là con người phàm phu của chúng ta. Lòng dục của xác thịt thúc dục người ta hành động với tất cả những ước vọng thiết tha thương yêu, hòa bình, hiểu biết, thành phật, thành thánh, nổi danh, vị tha, chiến thắng, ích kỷ, tư dục, ăn, ngủ, thỏa mản bao nhiêu đòi hỏi khác từ cá nhân đến dòng dõi, tập thể, quốc gia, dòng giống. v. v.
Như trường hợp PCT mà anh Hai lại cho rằng đó là "PCT đã hành động theo luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã tạo ra. Thiên Chúa đã đã rút bớt cái xương sườn của Adam để tạo cho ổng một người nữ Eva. PCT đã vâng ý Chúa. Tôi cũng tâm đắc điều đó và ai nữa." Sự vấp ngã của PCT là một sự vấp ngã mà nhiều người đã gặp, nhất là những tu sĩ. Thượng Ðế dựng nên người nam và người nữ. Người kết hợp tình chồng nghĩa vợ thiêng liêng bằng hôn nhân. Ðây là một điều loài vật không bao giờ có. Thế mà anh Hai xem sự phạm giới tà dâm của PCT và của các tu sỹ là điều anh tâm đắc. Nếu người phụ nữ bị mất thân với PCT là con gái của anh, anh có tâm đắc không? Tối thiểu anh Hai cũng biết rằng ông ta làm như thế là phạm giới tà dâm trong Phật Giáo, ông ta cũng phạm luật luân lý đạo đức theo tiêu chuẩn thế gian; đó là phá hoại đời con gái, trốn trách nhiệm làm cha. Khi đọc thư của anh Hai, đến chỗ anh khen sự phạm giới của PCT, tôi có cảm tưởng anh Hai đang tự nhạo báng niềm tin của chính anh.