*17 Ai gieo sự sợ hãi cho ai? Ở đâu? Ai là người tự nhận mình có đức vô uý? Nếu đã có đức vô úy thì làm sao còn sợ hãi? Có ai không hề sợ hãi mà chỉ do người khác gieo sự sợ hãi vào? Khoa tâm lý học chứng minh rằng con người có phản xạ sợ hãi ngay từ buổi sơ sanh. Ðó là phản xạ sợ bị rơi xuống, phản xạ sợ tiếng động bất ngờ. Lớn lên, con người sợ bóng tối rất sớm, hay là sợ ma, dù chưa hề thấy ma. Cũng có người sợ nước, sợ lửa, sợ ánh sáng, sợ sự thật, sợ sự dối trá, sợ uy quyền, sợ độä cao, sợ vực sâu, sợ một số mầu sắc, sợ các âm thanh cọ xát của hạt lúa hay tiếng nghiến răng, sợ sợi dây thừng hay con rắn, sợ một chiếc giầy lẻ loi, sợ một ngôi nhà vô chủ, sợ hình tượng vô tri, sợ con chuột, sợ cây cỗ thụ, sợ con sâu, sợ sự sần sùi, sợ máu... Ôi có vô vàn điều đáng sợ đối với con người vốn yếu đuối mỏng manh. Nhưng có những cái rất đáng sợ mà nhiều người vẫn chưa biết sợ. Ðó là sợ tội lỗi, sợ địa ngục. Anh đã gặp ai là người chứng thật "tội tánh bổn không" và "chẳng có gì đáng sợ cả" chưa nào? Lòng anh đã có một con đường thực chứng hay chỉ là một niềm tin có lý, hoặc niềm tin vô lý? Anh đã đạt đến sự giác ngộ, sự giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn phiền, khỏi thương yêu, khỏi thù hận... để khỏi bận bịu thê nhi, chi li tài sản, bất mãn hư danh, tam bành lục tặc, hục hặc nội tâm, âm thầm lo lắng, liến thoắng lo toan, chứa chan vui vẻ, mạnh khoẻ ù ù, đường tu êm ái, thoải mái trần lao, hư hao bóng tối, bối rối gạo tiền, ưu phiền sinh tử, mệt lữ sinh nhai, lai rai sinh đẻ, lẻ tẻ sinh tồn, bồn chồn sinh hóa, tá hỏa sinh cơ, mập mờ sinh diệt, oanh liệt sinh thời, chơi vơi nguồn cội, lặn lội tìm chi, vô nghì tìm kiếm, lấp liếm chàm ngoàm, và lang thang tư lự... chưa?
Trở lại vấn đề sợ hãi, Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng tội lỗi làm cho con người sợ hãi. Ai ở trong Yêu Thương thì chắc không có sự sợ hãi, mà Thượng Ðế là Yêu Thương, chính Người là Tình yêu. Tuy nhiên có nhiều điều rất đáng sợ và cần phải biết sợ. Sau khi Adam & Eva sợ mình bị thấy sự lõa lồ và sợ sự hiện diện cuả Thượng Ðế đến nổi phải lấy lá vả che thân để trốn vào bụi cây, họ sinh ra cả dòng dõi loài người với bản tính sợ hãi. Tại sao thế? Ðơn giản là tại vì tội lỗi. Thượng Ðế có một phương pháp giải thoát con người ra khỏi tội lỗi bằng cách đóng đinh tội lỗi con người vào trong sự chết cứu chuộc của Chúa Jesus Christ. Vì loài người không đủ tri năng để hiểu hết chân lý của tình yêu và lòng tha thứ, nên Người ban cho loài người đức tin trong Chúa Jesus Christ để nhận lấy Hồng Ân Tha Thứ của Người. Ai đã ăn năn tội và nhận ra ơn tha tội của Chúa thì không còn sợ hãi, mà lại có sự bình an vui thỏa trong tâm hồn. Kinh thánh dạy rằng Thượng Ðế là tình yêu thương. Ai ở trong tình yêu thương thì không còn sự sợ hãi.
Tại sao Kinh Kim Cang cũng viết bằng chữ, cũng có tư tưởng để dạy cho chúng ta học, nhưng bây giờ anh Hai nói rằng Với Kinh Kim Cang thì mọi tư tưởng trên đời đều đi đoong cả, và kể cả tôn giáo? Vì kinh Kim Cang cao siêu nên anh Hai phải nói như vậy chăng? Hay là anh Hai nói như vậy để làm cho kinh Kim Cang cao siêu? Hay là anh Hai tin rằng kinh Kim Cang cao siêu? Hay là anh Hai nhất định cho rằng kinh Kim Cang phải là cao siêu? Nếu tôi chứng minh kinh Kim Cang chẳng cao siêu gì lắm, anh Hai có muốn lắng nghe không nào? Tại sao Người Thần Tú tu theo Tiệm Giáo đề huề mà vẫn ganh tuông đố kỵ suýt gây án mạng chém giết Huệ Năng sau khi biết Huệ Năng "ngộ Ðốn Giáo"? Thế thì cái đạo đức tối thiểu của một thiền sư ở đâu? Tu ở đâu? Có khác chi hai nhà kinh doanh tranh giành thị trường hại nhau bất hợp pháp? Tại sao Huệ Năng đã làm một bài thơ hay với câu "bổn lai vô nhất vật", nhưng cuối cùng cũng giành lấy y bát mà chạy khiến Thần Tú tham quyền phải đuổi theo? Tại sao chiếc y vàng Huệ Năng vứt ra bị dính chặt trên đá đến nỗi Thần Tú kéo lên không nổi? Quyền lực nào vậy? Ngày xưa tôi có hỏi một vị thầy về các ý nghĩa trên, thầy trả lời rằng: Y pháp bất y nhơn. Tôi thưa lại: "Bạch thầy con y pháp nên mới mong tìm thấy hiệu năng của pháp trên hai vị thiền sư kia. Tại sao Pháp là chân lý mà hai vị cao tăng lại không tỏ ra mình có chân lý một cách công khai? Tại sao Huệ Năng đã đốn ngộ Chân Không Diệu Hữu rồi mà phải sợ Thần Tú đến nỗi ôm y bát vô tri trốn chạy thục mạng? Và sau cùng phải nhờ một "Thần Lực vô hình" giải quyết? Như thế Thiền Tông có chấp nhận Thần quyền không?" Vị thầy của tôi đã nổi giận mà cho rằng tôi chỉ có lý lẽ cùn, tỏ ra bất kính với thầy tổ. Còn tôi vẫn không thể chấp nhận đạo lý và hòa bình chỉ viết ra trong sách; tôi muốn thấy hòa bình trên hành động con người. Suốt mấy ngàn năm không ai chê hai bài thơ tuyệt hảo của Thần Tú và Huệ Năng, nhưng hành động thiếu nhân nghĩa của Người Thần Tú, thái độ sợ hãi của ngài Huệ Năng, và sự trao y bát một cách lén lút của ngài Hoằng Nhẫn thì không có ai dám phê bình đến cả. Trong một lớp học Lịch Sử Thiền Tông, một người học trò thắc mắc nhưng không được thầy giải đáp mà còn bị ghép tội "phạm thượng khi quân, coi chừng chú ấy ỷ mình là thánh sống tự thiêu rồi khởi tâm cống cao ngã mạng... "
Anh Hai ạ, thời kỳ tôi ở Phật học viện Nha Trang, có một vị thầy giảng ý nghĩa từ bi rất hay. Nhưng tôi cần thấy cái chân hạnh từ bi nơi một con người đang sống, chứ không phải chỉ nghe trên miệng và chỉ đọc trong trang giấy. Tôi đã muốn thưa riêng với vị cao tăng ấy về những câu nói, những hành động của chính ông mà tôi đã chứng kiến để mong ông dạy cho tôi về chân nghĩa của hai chữ từ bi trên hành vi khác với lời nói và sách vở như thế nào. Tôi đố anh vị cao tăng ấy đã cư xử với tôi như ra sao suốt 32 năm nay? Nếu tôi kể thật, anh có dám tin không? Vị cao tăng ấy nay là một đại lão hòa thượng có tiếng tăm. Thỉnh thoảng tôi đến thăm ông. Vị cao tăng nầy đã dành thì giờ thảo luận Kinh Thánh và kinh Phật với tôi đôi ba lần, nhưng chưa có một lần nào ông ta thành thật nói chuyện với tôi. Lắm khi người ta cảm thấy thỏa mãn vì sự thiếu thành thật của mình, nhưng đó không phải là đạo lý đâu. Tôi nói cho anh Hai biết rằng những kẻ đạo đức giả rất ghét sự thật. Nhưng ai tôn trọng sự thật thì luôn luôn muốn người ta ghi nhận sự thật ấy bằng mọi cách. Tôi có một kinh nghiệm khá mỉa mai, ấy là tôi biết người tu hành dễ vướng căn bịnh đạo đức giả hơn người đời.
Vậy "Tin Lành cà chớn và Thiên Chúa Giáo giả hiệu" đánh nhau hằng trăm năm tại Bắc Ái Nhĩ Lan thì có gì lạ hơn so với hai cá nhân Huệ Năng & Thần Tú? So với Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang? So với những cuộc cãi lộn đầy oán hờn cay đắng của các bậc vĩ nhân lãnh đạo trong giáo hội PG Việt nam mà nay có người chết rồi vẫn chưa giải quyết được? Còn cuộc nội chiến giửa người Tin Lành và Công Giáo La Mã ở Ái Nhĩ Lan là do nhu cầu độc lập và quyền tự trị của đôi bên chứ không phải vì lý do tín ngưỡng. Là một huynh trưởng cấp Tín, anh thường nghiên cứu về tôn giáo, nhưng riêng cái tôn giáo mà hiện nay anh đang theo, anh cũng chưa biết đủ mọi lắc léo đáng buồn, mọi cội nguồn nhân thế, mọi yết đế chân không, mọi bập bồng chân nghĩa, mọi mai mỉa chân như, mọi ngất ngư chân lý, mọi túy lúy chân tay, mọi loay hoay chân cẳng... Phải không? Anh có chứng minh được trái tim bất diệt của hòa thượng TQÐ không? Phải chăng vì đã khẳng định Phật Giáo là khoa học nên anh tin chắc bẳm rằng trái tim hòa thượng TQÐ không thể cháy trong sức nóng 4.000 độ? Tôi đố anh tại sao một trái tim đặc biêt như thế dù đã được tôn thờ khắp nơi, nhưng nó không có khả năng giúp hàn gắn sự đổ vỡ của những người thờ kính tôn vinh trái tim ấy?
Bất cứ khi nào tôn giáo còn đơn thuần là sự nỗ lực của loài người, nghĩa là tôn giáo mà không có quyền năng siêu nhiên của Thượng Ðế; thì tôn giáo ấy vẫn còn dẫn đến tội lỗi một cách tinh vi. Tôn giáo ấy phải tiếp tục che đậy tội lỗi bằng những mặt nạ, những nghi lễ rườm rà. Thật ra không phải những tổ chức tôn giáo làm ra tội lỗi tinh vi, nhưng những con người tổ chức ra các tôn giáo ấy đã lạm dụng chúng để gây ra tội lỗi. Tôn giáo là một trong những dụng cụ gây tội lỗi "khéo léo" nhất. Khi người tu sĩ có độc quyền nói đạo đức, thì ông ta cũng có độc quyền che giấu cái phi đạo đức của mình. Ðiều đáng thương là hàng triệu tín đồ cúi đầu tin theo họ. Giống như Việt Nam ngày nay chỉ có những người tham nhũng mới đủ quyền chống tham nhũng. Vì vậy con người cần có sự chăn dắt của Ðấng Tối Cao. Nếu tìm chân lý trong các tổ chức tôn giáo của nhân loại, anh Hai nên dè dặt một chút. Không có một tôn giáo nào tránh khỏi những tệ nạn như sau:
Ngổn ngang quyền lợi hư danh.
Ngổn ngang chức tước ngọn ngành hơn thua.
Ngổn ngang đội thiếu đạp thừa.
Ngổn ngang bóp chẹt bốn mùa thiêng liêng.
Sau khi đã phạm tội, thay vì quay về với Thượng Ðế để nhận lại Tình Yêu Thương và Ơn Tha Thứ để trở lại làm điều lành, con người muốn Tự mình thắp đuốc lên mà đi với cái bản tính tội lỗi của họ. Cũng với bản tính tội lỗi ấy, họ vẽ chân lý chủ quan của cho mình thành nhiều mầu sắc triết học, đạo đức học, tôn giáo... đầy vẻ bí hiễm nhiệm mầu. Họ tha thiết chân thành với các hình tượng vô tri vô giác từ thế hệ nầy đến thế hệ khác. Nhưng hiếm khi họ đủ can đảm nhìn biết sự bất lực của mình. Dù lắm lúc họ đã công nhận rằnh mình chỉ là một loài thọ tạo, nhưng họ thờ lạy nhau chứ không chịu thờ lạy Ðấng Tạo Hóa. Chúa Jesus thấy tình trạng đau thương của nhân loại, nên Người không giảng triết lý cao siêu ngoài tầm hiểu biết của loài người. Người biết rằng những chuyện giữa trần gian nầy loài người còn chưa hiểu hết, huống hồ chuyện cao siêu trên Trời thì loài người làm sao hiểu nổi. Người đã phán: "Ví bằng ta nói với các ngươi những việc thuộc về đất, các ngươi còn chẳng tin thay; huống chi ta nói những việc thuộc về trời, thì các ngươi tin sao được?" (Giăng 3:12)
Trước hết, Người chỉ cho họ con đường thoát ra khỏi tội lỗi bằng cách hoán cải địa vị tội nhân của họ thành ra điạ cị của một người công nghĩa, nghĩa là được trở lại địa vị làm con Ðức Chúa Trời. Nghĩa là Ðức Chúa trời luôn luôn tha thứ cho người có tội nhưng tỏ lòng ăn năn. Sau khi tiếp nhận ơn tha tội của Ðức Chúa Trời, người ấy không còn bị Người xem là một tội nhân nữa mà một người công bình. Từ đó bổn tánh của Ðức Chúa trời tái sinh trong người ấy để anh ta bắt đầu thể hiện những việc lành đúng nghĩa.
Thế gian tội lỗi ngày càng nhiều, nhưng ai trở về làm con của Ðức Chúa Trời thì không bị tội lỗi khống chế như trước đó nữa. Nếu tôi chỉ đơn thuần ở trong một giáo hội mang danh Chúa, thì tôi vẫn phạm tội như những tín đồ của các tôn giáo khác.
Vậy tội lỗi trong con người khiến con người đánh nhau chứ không phải Phật Giáo, hay Thiên Chúa Giáo, hay Tin Lành, Hồi Giáo, Cao Ðài, Ấn Giáo đánh nhau. Bởi thế Kinh Thánh dạy rằng: "Vì mọi người đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Thiên Chúa." (Roma 3:23). Con người phạm tội với Thượng Ðế và phạm tội với cả chính mình. Tội lỗi vẫn làm chủ con người dù con người khôn ngoan đến mấy cũng chỉ là tôi mọi của tội lỗi mà thôi. Chỉ có Thượng Ðế mới nhìn thấy tội lỗi kín giấu trong con người. Người là Ðấng quyền năng giầu lòng thương xót để giải phóng con người ra khỏi tội lỗi. Giải pháp cứu chuộc của Người là ban Con Một của Người đến thế gian để chịu chết thay cho tội lỗi của loài người. Khi chúng ta đem tội lỗi của mình đến đặt vào Chúa Jesus Christ, tội lỗi của chúng ta sẽ chết trong sự chết của Chúa Jesus Christ trên thập tự giá.
Tôn giáo có nhiều hình thức tốt đẹp. Ðúng! Nhưng những con người chỉ mặc áo tôn giáo mà thiếu Ðức Chúa Trời trong lòng; thì mục sư, linh mục, hòa thượng đều có thể tranh chấp lợi quyền và sát phạt nhau. Là một người đã từng đi tu, tôi biết người tu hành còn sát phạt hơn thua nhau hơn cả người ngoài đời nữa.
Tôi xin hỏi anh Hai: Tại sao đại đức LB, đệ tử hòa thượng TMH, phải nhảy xuống giếng tự tử vào tháng 7/1972 tại chùa tỉnh hội PG Ðà Nẵng? Và trước đó đại đức T.T.T, một vị thật lòng tu niệm đã tự tử tại chùa G.L năm 1970. (Ðược cứu sống vào lúc nữa đêm tại bv Cơ Ðốc Phục Lâm Phú Nhuận). Những kẻ sống chân thành cũng dám chết chân thành. Tiếc thay họ chỉ mới chân thành với mình trong bóng tối mà chưa có cơ hội chân thành với Thượng Ðế trong ánh sáng của Người. Chuyện tốt, chuyện xấu, sai hay đúng đều có ý nghĩa cả, nếu chúng ta muốn biết một cách chính xác.
Tôi không vì những hỗn mang đó mà "cải đạo". Tôi sinh ra trong một gia đình Phật Giáo thuần tuý. Khi còn bé, tôi yêu mến và đặt tin tưởng vào giáo lý Ðạo Phật. Tôi cũng đã từng ghét đạo Chúa như nhiều người Việt Nam khác. Tôi thành thật đi tìm Chân Lý và Hiệu Lực của Chân Lý trong thế giới chúng ta, chứ không chỉ học thuộc lòng những bài tụng tập thể trong sách. Sau nhiều năm thao thức, tôi được Chân Lý tìm thấy tôi, chọn lựa tôi giữa cõi phù du mời mịt. Ðức Phật ngày xưa cũng là một người do cha mẹ sinh ra, khi lớn lên người tha thiết tìm kiếm Chân Lý. Người biết rằng mình không phải là chân lý. Người đã hy sinh mọi quyền lợi cá nhân để nhọc công học tập, tu luyện. Thậm chí tà đạo (5 anh em Kiều Trần Như) người cũng theo học vì tưởng rằng họ là chính giáo. Người không có quyền năng và không có tư cách phù hộ, không ban phước, không giáng họa cho ai cả. Người cũng không có quyền tha tội, hay kết tội ai cả. Người không bảo một ai phải thờ lạy Người. Người dạy những ý nghĩa về vị trí của nghi lễ và giáo lý người như sau:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Dĩ âm thanh cầu ngã
Bất năng kiến Như Lai.
(Kinh Kim Cang)
Tạm dịch:
Y vào ngoại thể tìm ta
Y vào âm điệu cầu ta bằng lời
Là người tà đạo đó thôi
Không làm sao thấy cội nguồn Chân Như.
Và về lời dạy của Người:
Ngón tay ta chỉ mặt trăng, ngón tay ta không phải là mặt trăng.
Nếu bình tâm mà tin và giữ chánh niệm, chúng ta thấy Ðức Phật là một con người phi thường. Người đi tìm chân lý hằng hữu, nhưng không tìm ra nên người cho rằng không có chân lý hằng hữu. Nhưng người không hề muốn chúng ta bám sát vào những hình thức nghi lễ theo kiểu tôn giáo, cũng không muốn chúng ta lắm lời tán dương cầu đảo người. Ngay cả lời dạy của người, người cũng xác nhận đó chỉ là phương tiện để gợi ý, để dắt dìu chúng ta đi tìm Chân Lý mà thôi.
Ðức Phật nói:
"Tay ta đang chỉ Mặt Trăng
Tay ta không phải Chị Hằng đâu nghe".
Thế nhưng Phật Giáo đã làm sai những điều Phật dạy, bởi thế Phật Giáo Việt Nam trở thành một tôn giáo mâu thuẫn với giáo lý nguyên thủy của đức Phật Thích Ca. Tôi đi tìm Chân Lý, tôi học kinh Phật, nhưng sau đó tôi đã căn cứ vào kinh Kim Cang để ra khỏi Tam Tạng Kinh điển; nhờ vậy tôi mới được gặp Ðấng Vô Sở Bất Tại.
Chúa Jesus đem đến cho loài người một Ðức Tin trong Ðấng Chân Thần Duy Nhất, Ðấng Ðầu Tiên và Cuối Cùng, Ðấng Tạo Hóa, là Ðức Chúa Trời có một và thật; ngoài Người ra, không có một Ðức Chúa Trời nào khác nữa. Hàng ngàn năm trước, Ðức Chúa Trời đã loan báo về sự xuất hiện của Chúa Jesus Christ để chúng ta biết Người là Ai, từ đâu đến, đến để làm gì, cho ai... Những lời loan báo ấy đã được chép trong Kinh Thánh. Kinh Thánh không phải là tất cả Lời Người đã phán, nhưng Kinh Thánh là Lời thành văn đầy đủ cho loài người tin và sống theo Người. Từng chữ, từng nét trong Lời Chúa đều có năng quyền thiên hựu soi dẫn nhiệm sâu hơn tất cả mọi tri thức của nhân loại. Vì sự nhiệm sâu ấy, Người Mạc Khải cho loài người một đức tin để chúng ta nhận biết chân lý của Người. Vì chúng ta không đủ trí để hiểu biết Người, không đủ trí để tìm thấy Người; nên Người dạy cho chúng ta sử dụng Ðức Tin (Tín Tâm) để nhận lấy ơn mạc khải của Người. Khi chúng ta có Tín Tâm rồi, Người sẽ ban cho chúng ta Ðức Thánh Linh, là Thiên Chúa Ngôi Ba, Ðấng dắt dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật mầu nhiệm mà tâm trí phàm tục của chúng ta không bao giờ hiểu nổi. Chúa Jesus dạy rằng: "Nhưng Ðấng Yên Uỉ, tức là Ðức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Ðấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi. " (Giăng14:26). Cũng về Ðức Tin, Người lại phán: "Ta nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì được mở". (Ma-thi-ơ 7:7-8). Thậm chí Người còn gạn hỏi tận đáy lòng chúng ta rằng: "Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá mà cho rắn chăng? Vậy các người vốn là người bất toàn mà còn biết cho con mình những vật tốt, huống chi Cha Các ngươi là Thượng Ðế Trọn Vẹn của thiên đường mà chẳng ban Vật tốt cho kẻ xin Người sao?" (Ma-thi-ơ 7:9-12).
Lời Chúa không cao xa đến nỗi làm cho chúng ta không hiểu thấu. Nhưng nếu chúng ta chỉ hiểu bằng cái đầu (Trí giác) không thôi, thì chẳng bao giờ chúng ta hiểu đúng. Theo tôi, mình nên hành động như Người dạy, nếù cuối cùng vẫn không có kết quả đúng như Người hứa, chúng ta cứ việc chê Người! Còn như kết quả xẩy ra đúng y như Lời Người phán, chẳng lẽ chúng ta lại phủ nhận? Ðó là cách tôi tìm kiếm chân lý trong "đường cùng" của tôi. Cuối cùng linh hồn tôi đã gặp Người như Người đã hứa. Thế là tôi tin. Dần dần đức tin của tôi trở nên tự nhiên giống như một đứa trẻ tin cha mẹ mình là cha mẹ mình, mà không cần một suy luận nào nữa. Có những lúc nó vắng mặt cha mẹ, lòng và thân thể nó cảm thấy quạnh hiu, nhung nhớ và nó tìm kiếm. Dần dần nó sẽ biết rằng nó cần cha mẹ như thế nào.
Chúa Jesus dạy cho chúng ta chiêm nghiệm về kết quả của Ðức Tin: "Nếu các ngươi có Ðức Tin bằng hột cải, có thể bảo núi dời đi, núi cũng dời, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được. " (Ma-thi-ơ 17:20). Với câu Kinh Thánh nầy, tôi tự xét rằng Ðức Tin mình dù chưa bằng hột cải mà đã hạnh phúc trong ơn Chúa. Quả thật đức tin không chỉ phát xuất bởi lòng mình mà còn bởi hồng ân Chúa ban cho nữa. Bởi Ðức Tin, con người được sự giao thông với Thiên Chúa, mới đạt đến những kết quả diệu kỳ mà lý trí của chúng ta không thể hiểu hết nổi. Kinh Thánh xác nhận rằng: "Thật nhờ ân sủng, bởi Ðức Tin mà anh chị em được cứu, chẳng tự anh chị em, mà là ơn cứu độ của Ðức Chúa Trời ban, cũng không căn cứ vào công đức để không ai có thể khoe mình. Vì chúng ta là tác phẩm của Ðức Chúa trời, được tạo nên trong Ðức Chúa Jesus-Christ để làm mọi việc lành, là việc Ðức Chúa Trời đã định trước cho chúng ta để theo đó mà tiến hành. " (Êphêsô 2:8-10- Bản dịch mới nhất). Ðức Tin là tiêu chuẩn, là nơi chốn trong cõi lòng để loài người nhận biết Thiên Chúa. Theo Kinh Thánh, tiêu chuẩn của Ðức Tin là ở trong Cứu Chúa Jesus Christ. Vì biết loài người cứng lòng khó tin nên Ðức Chúa Trời đã tiên báo từ trong Cựu Ước về hình dáng, cách thức, nơi chốn, hoàn cảnh, quyền phép, chức vụ của Chúa Jesus Christ. Ðến khi Chúa Jesus xuất hiện Người phán: "Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Ðức Chúa Trời và cũng hãy tin ta nữa" (Giăng 14:1). Thánh Phao cũng viết thư dạy rằng "Chúa Jesus là cội rễ và cuối cùng của Ðức Tin. " (Hê-bơ-rơ 12:2). Vì chỉ có Chúa Jesus là Con Ðộc Sanh của Thiên Chúa đến trần gian để bày tỏ về Thiên Chúa cho loài người, nên Thánh Kinh đã chép: "Vì chỉ có một Ðức Chúa trời, và chỉ có một Ðấng Trung-Bảo ở giữa Ðức Chúa Trời và loài người, tức là Ðức Chúa Jesus Christ, là người; Người đã phó mình làm giá chuộc mọi người." (I. Ti-mô-thê 2:5-6). Ðức Tin đặt vào Lời Chúa thì có kết quả trọn đời cho chúng ta sống thỏa lòng, một sự thỏa lòng đầy trọn, bình an mà Kinh Thánh đã nói: "Vả, sự Tin Kính cùng sự Thỏa Lòng, ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được." (I. Ti-mô-thê 6: 6-7). Dầu con người có trí khôn. Thế nhưng trí khôn con người rất hạn chế. Dĩ nhiên trí khôn của con người không do con người tạo ra, nhưng con người có quyền phát triển nó theo chiều hướng đúng hoặïc sai một cách có giới hạn. Vì vậy Ðức Tin trong Chúa vượt lên khỏi trí khôn phàm nhân.
Trong Phật Giáo, sách Ðại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh, là một quyển sách nổi tiếng nói về Tín Tâm. Ý nghĩa chính mà sách nầy luận giải là lòng tin. Nhưng đây là lòng tin một chiều của con người phàm tục. Tin rằng mình là Chân Lý, mình là Chân Như, mình là Phật; cũng tin rằng mình hòa hợp với bản thể vũ trụ. Tin rằng mình và vũ trụ tuy hai mà một. Ý nghĩa chữ tín tâm trong sách Ðại Thừa Khởi Tín Luận là lấy con người làm trung tâm điểm của vũ trụ. Con người là chúa tể của chính mình. "Khởi tín đưa lên tột đỉnh của sự tự tín, xác quyết rằng chúa tể của ta chính là ta đây". (HT Thích Trí Quang, trang 9, Khởi Tín Luận-1994). Thật ra khi nói rằng "chúa tể của ta chính là ta đây", người ta chứng tỏ rằng mình chưa hiểu hai chữ chúa tể đúng nghĩa của nó; cho nên họ dám tự xưng mình là chúa tể của mình. Quả thật con người quá bé nhỏ trong vũ trụ mênh mông huyền bí nầy. Chỉ cần một lần gặp bão ngoài biển, chúng ta nhận thức ngay về sự yếu đuối và bé nhỏ của mình. Nhưng ai ngồi làm bậc "thế gian sư" cho mọi người quì lạy thì sự móng tâm kiêu ngạo như thế là lẽ thường tình. Trong khi Ðấng chủ tể vạn vật nhìn cả thế gian nầy như "một mảy buị rơi trên cân" (Isaiah40:15b).
Khi giảng về tín tâm trong Khởi Tín Luận, dịch giả T.T.Q tỏ vẻ hằn học chỉ trích một sự nhầm lẫn nào đó giữa tín tâm của Khởi Tín Luận và đức tin của người Cơ Ðốc. Hình như có một học giả nào đó của Cơ Ðốc Giáo cũng đã lầm tưởng tín tâm trong Ðại Thừa Khởi Tín Luận giống như đức tin trong Thiên Chúa. Nếu lầm tưởng như vậy thì không khác gì sự nhầm lẫn của Suzuki và Thầy Nhất hạnh trong nhận định của họ về Cầu Nguyện, Ðức Thánh Linh với Thiền Ðịnh. (Theo lời than phiền của HT Trí Quang trong phần 2, trang 22, sđd). Thật ra luận giả của Ðại Thừa Khởi Tín Luận không có một ý niệm nào về Ðức Tin mà Thiên Chúa mạc khải trong Kinh Thánh cả. Tín tâm là một ý niệm, một niềm tin để làm phương tiện xu hướng vào một mục tiêu thiên về tự ngã nhằm tự mình thoát ra khỏi những nghi hoặc trong nội thức gây nhiễu loạn tâm hồn hành giả (như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. ) Tín tâm chưa phải là một hành động của đức tin như Chúa dạy đâu. Niềm tin trong Phật Giáo là tin có Phật rồi mới có Phật. Tin không có Phật là không có Phật. Ðức tin trong Chúa không phải như vậy. Nghĩa là dù mình tin Chúa hay không tin Chúa thì Chúa vẫn là Ðấng hằng hữu. Sự hằng hữu của Người vượt lên trên ý niệm, sự hiểu biết của trí tuệ chúng ta. Khi mình không tin Chúa là mình không thể biết Người, dù mình hiểu biết rất nhiều thứ khác. Nhưng khi mình tin Chúa là mình có được sự giao thông với Chúa. Niềm tin trong Phật Giáo thường là phương tiện để đạt đến chân lý, mà chân lý cũng tự mình tạo ra. Sau khi đạt đến Chân Lý (ngộ đạo, thành Phật, đạt Chân Như Tự Tánh) rồi, người theo Phật không cần phải tin gì nữa hết, dừng lại như một phương tiện dùng xong rồi bỏ (hành nhi xả- xả hành động và xả cả niềm tin, vì tin cũng là một hành động nội tâm).
Nhưng đức tin trong Chúa là Sự Làm Ðẹp Lòng Ðức Chúa Trời: Vả, không có Ðức Tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Người; vì kẻ đến gần Ðức Chúa Trời phải tin rằng có Ðức Chúa Trời, và Người là Ðấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Người." (Hebơrơ 11:6). Và "Ðức Tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy. " (Hebơrơ 11:1). trong sách Công Vụ Các Sứ Ðồ cũng viết: "Ấy là bởi đức tin trong danh Jesus, người què mà quí vị thấy và biết đã được lành mạnh. Chính danh Jesus và đức tin trong Người đã làm cho người què được chữa lành trước mặt tất cả quí vị. ( Công Vụ 3:16). Trong sách I. Corinto 2:5 viết: Vì thế, đức tin của anh chị em không xây dựng trên sự khôn ngoan loài người, nhưng trên quyền năng của Ðức Chúa Trời. Và rằng: Nhưng những ai tiếp nhận Người, nghĩa là tin danh Người, thì Người ban cho quyền trở nên con Ðức Chúa Trời. Ðây là những người không sinh ra theo huyết thống, ý phàm hay ý người, nhưng do chính Ðức Chúa Trời sinh thành. ( Giăng 1:12-13). Khi có đức tin, chúng ta phải hành động (sống) với đức tin. Nếu đức tin mà không bày tỏ hành động cụ thể, đó chỉ là đức tin chết (Gia-Cơ 2:14). Kinh Thánh dạy rằng: Nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết. (Gia -Cơ 2:17b).
Theo những câu Kinh Thánh trưng dẫn trên, và với sự từng trải tôi nhận được trong đức tin của Chúa ban, tôi biết rằng đức tin vào Ðức Chúa Trời cũng là mục đích, là đền thờ Chúa trong lòng tôi, là sự sống hằng ngày cho linh hồn tôi. Giống như hơi thở luôn luôn mới trong thân thể tôi. Sự khác nhau của tín tâm trong Phật học và đức tin trong đạo Chúa cũng là một sự khác nhau kỳ lạ. Khi mới biết qua, mình tưởng là gần; nhưng thực hành để thấy kết quả thì mới "ngộ" một sự khác nhau rất xa. Vấn đề cầu nguyện của người Tin Lành và thiền của Phật Giáo Chân Tông cũng khác nhau như thế. Vấn đề an định trong nội thức thiền giả, và Chúa Thánh Linh trong lòng người Cơ Ðốc cũng khác nhau biền biệt. Tôi nghĩ rằng những người không sống Ðạo mà chỉ chuyên nghiên cứu về Ðạo trong sách vở, chỉ làm cho cái đầu họ lớn lên, trái tim nhỏ lại. Họ hiểu lầm một cách rất là sâu sắc, nhưng mới nghe người ta tưởng họ là đúng lắm! Giống như hai ngài luận giả nổi danh Zusuki và Thích Nhất Hạnh đã diễn tả sai hoàn toàn về sự cầu nguyện và Ðức Thánh Linh. Tôi không biết phải diễn tả thế nào cho anh rõ, vì đây là một chứng nghiệm mà tôi nhận trong đức tin Con Ðức Chúa Trời. Nếu tham lam diễn tả nhiều, tôi sợ mình đi quá xa với những điều cao quá lẽ. Như những bài viết của Zusuki và thầy Nhất Hạnh đã làm hại biết bao nhiêu người chưa thật sự có đức tin. Thực chất những người vốn chưa hề chứng nghiệm sự khác nhau của đức tin, Ðức Thánh Linh, sự cầu nguyện trong Cơ Ðốc Giáo và của tín tâm, thiền định trong Phật Giáo, đều là những người sẵn có sự mù mờ tâm trí giống như bản thân hai luận giả kia. Cho nên càng đọc Thiền Luận của Suzuki và Living Buddha, Living Christ của thầy Nhất Hạnh, người ta càng hiểu sai như vốn đã hiểu lầm.
Ðể hiểu thêm về sự khác nhau trong giáo lý Phật và Lời Chúa, tôi muốn thưa thêm với anh một lần nữa rằng lời Phật dạy là phương tiện giúp người ta tìm chân lý. Còn Lời Chúa là Chúa. Lời Chúa là Ngôi Lời dựng nên thế gian:
"Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi lời ở cùng Ðức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Ðức Chúa Trời. Ban đầu Người ở cùng Ðức Chúa Trời. Muôn vật bởi Người làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Người. " (Giăng 1:1-3). Trong Cựu Ước, Ðức Chúa Trời phán:"Ta Là Ðấng Tự Hữu, Hằng Hữu. " (Xuất Ê-Díp-Tô 3:14). (Có một vị hòa thượng cho rằng đây là pháp thân, hiểu theo P.G). Người tỏ năng quyền trong Cựu Ước, tình yêu thương, ơn tha thứ, sự mầu nhiệm, và năng quyền thánh hóa con người (vị hòa thượng nói trên cho là hóa thân, theo P.G). Và Người hiện ra một cách kỳ lạ như Người đã tiên báo trong Chúa Jesus Christ và nói rằng: "Ta là đường đi, chân lý và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai đến được cùng cha". (Giăng 14:6). Và "Chúa là Ðức Chúa Trời, Ðấng hiện có, đã có và còn đến, là Ðấng toàn năng, phán rằng: ta là Alpha và Oméga. " (Khải Huyền 1:3). "Ðừng sợ chi, ta là Ðấng trước hết, và là Ðấng sau cùng, ta là Ðấng sống; ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ". (Khải Huyền 1:17-18, 3:7, 9:1, 20:1) và (Ma-thi-ơ 16:19). -(Cũng vị hòa thượng trên cho rằng đây là hiện thân, theo P.G).
Cuối cùng và trên hết, Người dạy một điều răn mới: "Hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây cũng như vậy: ngươi hãy yêu kẻ lân cận mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều đều bởi hai điều răn đó mà ra. " (Ma-thi-ơ 22:37-40). Về tình yêu hay lòng từ bi thì đạo nào cũng giảng dạy. Có khi kẻ vô đạo cũng giảng dạy. Kẻ ác cũng dạy yêu thương để ru ngủ con người, hoặc tô son trát phấn cho sự ác của con người. Mặc dầu lý trí con người định nghĩa về tình yêu rất rành mạch. Chúa Jesus không dạy ý nghĩa về tình yêu, không dạy phương pháp yêu mà Người yêu chúng ta trước đã. Nếu chúng ta chưa từng trải kinh nghiệm được-Người-yêu thì chúng ta rất khó mà yêu thương thật. Nếu chúng ta chăm chỉ, công phu học hỏi, luyện tập cả tri thức lẫn thói quen biểu hiện của tình yêu thì chúng ta cũng chỉ thể hiện bề ngoài mà thôi. Nhận ra điều nầy là cả một phước báo nhiệm mầu anh Hai ạ. Vậy trong sự yêu, Chúa dạy rằng: "Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau thì tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận ra các ngươi là môn đồ ta. " (Giăng 13:34-35).
Lời Chúa đã ban ra suốt mấy ngàn năm, nhưng vẫn có người còn từ chối. Người thấy trước điều đó, nhưng Người vẫn kiên nhẫn đợi chờ chúng ta. Kinh Thánh chép: "Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Người; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Người. Người đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. " (Giăng1:10-11).
Tuy còn nhiều người chưa trở về với Chúa, nhưng hiện nay đã có hàng tỷ người tin Chúa Jesus. Tại Việt Nam, số người thờ Chúa lên hàng triệu, và càng ngày con số người tin Chúa vẫn nhiều hơn. Con người hoàn toàn tự do tin, hoặc tự do không tin Người.
Trong lịch sử giáo hội của Chúa có nhiều sai trật đáng buồn. Phải chăng điều đó đã làm cho anh và nhiều người không còn muốn thấy Người nữa? Ðó là một phần lỗi của giáo hội. Nhưng về phần chúng ta, chúng ta thật sự đi tìm kiếm Chúa hay đi tìm kiếm những sự bất toàn của giáo hội giữa thế gian? Tôi quí anh Hai và tin chắc rằng nếu anh Hai muốn gặp Chúa, Người sẽ đến ngay trong lòng anh như Người đã đến trong lòng tôi từ lâu và cả bây giờ.
Tôi không kêu gọi anh Hai bỏ đạo nầy theo đạo khác. Vì nếu quan niệm đạo là tổ chức tôn giáo, là đoàn thể do con người lập ra thì dù có tốt đến mấy cũng chỉ tương đối mà thôi. Tôi muốn nói anh phải tìm gặp chân lý tuyệt đối cho chính linh hồn anh trước đã.
Anh Hai ạ, hẳn là chúng ta chưa hiểu hết cũng như chưa hiểu Ðức Phật một cách rốt ráo. Nhưng chúng ta quen sống theo tình cảm phàm phu, nên chúng ta hay gán ghép cho người những cái tốt chủ quan của mình. Chúng ta cũng thường ngụy trang niềm tin bằng sự hiểu biết, nhưng kỳ thật chúng ta tin nhiều hơn hiểu. Vậy bỏ được những hiểu biết chủ quan trong con người cũ để sống với những hiểu biết được soi sáng trong con người mới (tái sanh) quả là diệu kỳ. Mình không còn phải rán sức làm lành theo tiêu chuẩn và kiến thức của mình như xưa, mà trái lại mình được làm lành theo tiêu chuẩn của Ðấng thiêng liêng một cách thong dong tự tại Thông thường thì sự lành và sự dữ vẫn chiến đấu với nhau trong bãi chiến nội tâm của chúng ta. Trở về với Chúa để buông bỏ hết những gánh nặng tự lực của nghiệp chướng, ngu si, kiêu ngạo, tham lam ích kỷ... là được yên nghĩ thoải mái anh ạ. Ai chứng nghiệm được sự yên nghỉ nầy mới có thể hiểu được lời Chúa Jesus kêu gọi: "Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng. " (Ma-thi-ơ 11:28-30). Tôi biết anh và nhiều người cần được yên nghỉ. Nhưng cái tôi của mình nó lừa phỉnh mình. Cái tôi ấy biết rằng nó có tội nên nó phải trốn chạy nó. Ðó là lý do có giáo lý Vô Ngã. Nếu câu nói của Paul Tillich mà phát xuất từ ơn mặc khải, trong con người mới của ông ta thì chắc là đúng. Vì cái đích của sự nhận biết chính mình phải nằm trong Thiên Chúa; bởi lẽ Paul Tillich là người thờ Chúa. Còn nếu ông ta dùng kiến thức về đức tin tôn giáo, về giáo lý diễn dịch của sách vỡ, nuốt trộng kinh nghiệm của người khác mà không có sự giao thông trong Chúa thì câu trên chỉ là một logic như muôn vàn logic. Nó chỉ để thiết lập vững chắc cái tôi (ngã) một cách tinh vi mà thôi. Trước khi kêu gọi những người mệt mỏi và gánh nặng, Chúa Jesus cũng đã phán: "Chân lý là điều mà Cha trên trời che giấu đối với kẻ tự cho mình khôn ngoan, sáng dạ; Nhưng Người lại bày tỏ cho những con trẻ hay. " (Ma-thi-ơ 11:25b).
Tôi cũng thưa thêm với anh rằng khi tôi đã tin Chúa, tôi tìm những nơi có người thờ Chúa để học tập. Tôi học được rất nhiều điều hay nơi những người có Chúa thật. Họ là những người trí thức cũng như bình dân, mục sư, linh mục, cũng như các tín hữu Tin Lành đã yêu mến tôi.
*18. Chân Giả Luận: Tôi có đọc quyển sách nầy. Có người khuyên tôi đã theo Chúa thì hãy viết ra những gì Chân và Giả như vậy cho nhiều người xem. Tôi cũng đã đọc quyển Tranh Luận cuả người Phật Giáo viết đáp lại quyển Chân Giả Luận. Nhưng lâu rồi nên đã quên. Ðó là những quyển sách được viết ra để đả kích; hoặc binh vực những điều đúng, sai của những niềm tin khác nhau chứ không phải chỉ bài bác Phật Giáo như anh đề cập. Nhiều bậc thầy khi còn ở trong chùa tôi cũng học một số chuyện "kinh khủng gớm ghê" trong Thiên Chúa Giáo. Ðó là bịnh biên kiến, là những kiến trược mà trong chúng ta ai cũng có. Rồi đây trước ánh sáng của Ðấng công nghĩa, tất cả cái đúng, cái sai của mỗi chúng ta đều được phơi bày. Tôi tin thế. Khi tôi còn bé, người lớn dạy rằng: "Mấy ông cố đạo, mấy bà phước mặc áo chùng đen để bắt cóc con nít giấu vào trong áo, đem về nhà dòng dã ra thành bột mà làm bánh thánh, chia nhau ăn. " Ðây cũng là một trong những cách giáo dục chống đạo của một số người tin rằng làm như thế là bảo vệ bốn ngàn năm văn hóa của mình. Hồi còn bé tôi không dám nhìn bà xơ, ông cố đạo. Khi lớn lên, tôi luôn có ác cảm với họ. Sau nầy theo Chúa tôi mới nhận ra tuổi thơ của mình bị giáo dục sai lạc khá nhiều. Qua những sự kiện trên, tôi thấy dân tộc Việt Nam nhìn đạo Chúa như thế nào. Riêng trường hợp của tôi, tôi tin chắc rằng bất cứ Ðức Phật nào khi đã thấy Chúa thay đổi lòng tôi từ tối tăm ra ánh sáng, từ láo khoét bất mãn ra thật thà ôn nhu, từ tham lam thành rộng lượng; thì chắc chắn Ðức Phật ấy rất lấy làm vui mừng và muốn theo Chúa như tôi. Vì tin vào mục đích của Ðức Phật, tôi không cảm thấy mình theo Chúa là phản lại Phật. Tôi tin chắc rằng Ðức phật chuộng sự nhân từ, đạo đức. Nhưng để cứu tôi ra khỏi tội lỗi, chỉ có Chúa Jesus làm được. Muốn cất gánh nặng tội lỗi trong tôi, tôi đã đến với Chúa Jesus. Kinh Thánh chép: "Chúa Jesus lả Chiên Con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi" (Giăng 1:29).
Ai cho rằng tôi theo Chúa là phản bội Ðức Phật ấy là người hẹp hòi cố chấp. Nhờ ra khỏi "ngục tù tôn giáo", tôi có thể yêu anh và yêu các thầy bên Phật giáo hơn cả khi còn cùng chung niềm tin với họ.
* 19. Tôi hiểu rõ câu trả lời của Thầy GÐ về Thượng Ðế, mặc dù anh cho rằng câu trả lời của thầy GÐ là hoàn chỉnh và gọn. Làm sao thầy GÐ định nghĩa được Thượng Ðế một cách thành thật trong khi thầy là một vị tu sĩ phủ nhận Thượng Ðế? Nếu anh đã từng sống gần thầy GÐ như tôi, chắc anh cũng đã thấy cách sống của thầy GÐ trong thuyền môn như thế nào! Tôi sợ mấy ông đó lắm!
Tôi cầu xin Chúa cho tôi biết học hỏi những đức tính vị tha và rộng lượng, ôn nhu và bền chí, cứng rắn và uyển chuyển để tìm thêm cho mình những tư lương quí giá để những ngày ngắn ngủi của đời mình không hóa ra vô ích. Càng viết cho anh, càng nhớ tới anh, tôi càng được soi sáng để viết thêm, thật là bổ ích cho tôi. Chừng đó cũng đủ chứng minh rằng tôi tìm thấy anh là một người có năng lực, có tình yêu trong lòng tôi. Ngoài Chúa Jesus ra, tôi không có gì để khoe với anh. Tôi có nhiều yếu đuối, xấu xa, bất ổn, ngu dại, thất bại rất tầm thường. Nhưng Chúa đã thay đổi những điều xấu xa đó mà thế lại cho tôi những điều tốt đẹp, ôn nhu thích hợp với Bổn Tánh thiêng liêng của Người. Nếu ai biết con người cũ của tôi mà khinh rẻ, chê cười tôi, tôi nghĩ cũng đáng thôi. Nhờ có Chúa, tôi dễ nhịn nhục hơn ngày trước. Nhất là khi còn làm đại đức, tôi rất dễ bị phật ý. Chính đây là bằng chứng hùng hồn cho tôi thấy ý nghĩa của Lời Chúa trong Kinh Thánh:"Vậy, nếu ai ở trong Ðấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới, những sự cũ qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới. " (II. Cô-rin-tô 5:17)
Anh Hai ạ, có rất nhiều điều chúng ta đã cho là đúng và đã tin chắc, nhưng sau cùng chúng ta thấy mình sai trật. Mỗi khi thấy ra như thế, mình vui mừng lắm. Phải vậy không? Nếu biết những điều thiêng liêng mới mẻ mà chính Ðấng Thiêng Liêng soi sáng (khai tâm hay mặc khải) thì há mình không sung sướng mà nhận lấy sao? Mình sợ người đời chê cười sao? Chẳng những không sợ (vô uý) mà lại càng nên gần gũi, thân thương cùng họ và sống thế nào, nói thế nào để có thể xẻ chia cùng họ về những kinh nghiệm phước lành của mình (vô úy thí). Kẻ tìm thấy Chân Lý trong Chúa không thể nào điềm nhiên tọa thị mặc kệ cho bao nhiêu người khác bị lùa vào trong tối tăm hư hoại của trần gian. Kẻ ấy phải là người hạnh phúc được chia xẻ niềm tin dù bị tra tấn, bị hất hủi, bị bạc đãi, bị hiểu lầm, bị lăng nhục. Những oan khiên khốn đốn mà người ấy gánh chịu, luôn luôn có Chúa cận kề an ủi một cách sâu kín nhiệm mầu. Bên Phật Giáo có Phú Lâu Na đầy can đảm. Nếu quả thật có một Phú Lâu Na như thế thì chắc hẳn ông ta cũng rất vui sướng như tôi gặp Chúa; chứ không bao giờ cố chấp đến nổi phải nói anh em là "kẻ phản đạo" đâu.
Kính chúc anh Hai và gia quyến an bình. Mong thư anh. Tôi viết thư nầy cho anh khi tôi gấp rút về Quảng Trị thăm ba tôi, vì ông cụ già yếu, vì tôi nhớ ba tôi lắm. Gần gũi săn sóc cha mẹ là làm đẹp lòng Chúa. Nhưng mê tín thờ cúng cha mẹ sau khi họ qua đời là làm buồn lòng Chúa.
Kính chào Anh Hai,
Huệ Nhật.
TB: Nhớ thư cho tôi. Mệt thì viết ít cũng là quí lắm. tôi sẽ gởi cho anh một quyển Kinh thánh, và nhất là lòng tôi cầu nguyện cho anh. Nếu thu xếp về Saigon ở lại với tôi vài hôm, tôi sẽ chở anh đi thăm các thầy, các bạn của anh và của cả chúng ta.
Hân hoan viết một đôi hàng
Câu sai chữ sót xin chàng thứ tha
Lỡ phiền xin chớ trách la
Lần sau viết tiếp ngộ mà sai hơn
Anh Hai Bảo Lộc vui buồn
Nhớ cho Huệ Nhật đôi buồng chuối cau
Vu-lan nhớ mẹ muộn sầu
Phận mồ côi, mẹ mang sầu đi xa
Nâu sòng, chuông mõ, cà sa
Chỉ còn vang vọng hải hà hư vô.
Nào ai đếm hết mả mồ
Nào ai quên hết cơ đồ hư không
Mịt mù sắc sắc không không
Tùng phèo hỗn độn ươm trồng oan gia
Những gì thấy ở người ta
Có khi mình chẳng kinh qua bao giờ.
Trăm năm biết mấy bất ngờ
Anh Hai lẩm cẩm gương mờ gờ mương
Mấy phen tan vỡ dặm trường
Anh còn thiếu hụt Tình Thương nhiệm mầu.
Vần thơ kết một hai câu
Gởi anh nghĩa trước ý sau ấy mà
Ngày xưa con rắn ranh ma
Xúi người phạm tội hẳn là éo le
Bây giờ trên búa dưới đe
Cho ai từ khước quay về thiên nhan
Ngu chi từ khước thiên đường?
Ham chi địa ngục rõ ràng đau thương?
Nơi đây là cõi vô thường
Thiên nhan là cõi yêu thương đời đời.