Kính anh Huệ Nhật,
Thank you very much for your nice letter. I ' m sorry. Xin anh đừng đánh giá tôi qua sự quen biết với Bác sĩ Jahn. Có thể tôi là đứa mất dạy. Ðó rồi anh sẽ xem. Mỗi con người trên trần gian nầy, một khi đã chọn cho mình một con đường thì cố mà đi nốt con đường của mình. Ông Jahn chọn cho mình cái nghề bác sĩ, thì phải có trách nhiệm mà cái nghề đó vạch ra. Không ai bắt mình phải làm bác sĩ cả. Liệu làm được thì làm, đã làm thì đừng trốn tránh trách nhiệm. Do vậy mà tôi chơi với ông ta. Liệu có ông sư nào, mục sư nào, linh mục nào làm được như ông ta không? Ai bắt họ gánh trách nhiệm ấy? Tự họ chọn mà. Kẻ nào không hoàn thành trách nhiệm mà mình đeo mang thì tôi xem kẻ ấy không ra gì. Ðừng đổ thừa rằng tại thế nầy thế nọ. Anh nói: "Nhưng nào ai biết được về tâm linh của các em ấy có thể thóat khỏi tật nguyền hay không?!" Ai chịu trách nhiệm nầy? Ai sinh ra nó? Ai làm cho nó bị? Mà để cho Bác sĩ Jahn phải nhọc nhằn. Một kẻ thì tung, một kẻ thì hứng. Muốn nói chuyện với anh thật nhiều, nhưng tay viết khó khăn do ảnh hưởng của tai biến mạch máu não, đành phải thu gọn lại. Thư anh làm cho tôi nhớ lại những điều nầy:
1. Ðã trót tương phùng trong một quán, dẫu trà ôi, chuyện nhạt cũng là duyên.
2. Phẩm Phương Tiện và thí dụ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
3. Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn, vô lượng sinh tử, ư kim hận hỉ
4. Meister Eckhart, tu sĩ dòng tu Dominicain của Thiên Chúa Giáo thời trung cổ đã có cái nhìn về Thượng Ðế rất lạ lùng. Năm 1327, Eckhart chết, hai năm sau, Ðức Giáo Hoàng Jean XXII đã kết án khai trừ tư tưởng Eckhart. Ông ta đã phá hoại một cách vũ bão không như Luther đã nhẹ nhàng tách mình ra khỏi giáo hội và sửa sai lại để làm nên hội thánh Tin Lành.
5. Nietzsche nói "Das Gott tot ist"
6. Paul Tillich là mục sư trong Hội Thánh Tin lành Luther. Anh tìm đọc cuốn The Courage To Be của ông để biết đưộc cái nhìn của ông về Thượng Ðế.
7. Với anh (trở lại điều 2 ở trên) chỉ là vị thầy tu thường của Phật Giáo, đã cải đạo. Trong giáo hội (Phật Giáo) và ngoài xã hội, anh chẳng là cái gì cả.
Riêng phần tôi: 1. Nếu trong thư trước tôi có đề cập đến PCT là một việc làm sai trái trong trường hợp ấy. Tôi cũng trân trọng ông ta. Anh có biết ông ta từng là tín đồ Thiên Chhúa Giáo, từng là một chủng sinh không?
2. Xin lỗi anh! Tôi không biết gì nhiều về cơ cấu Tin Lành. Chỉ biết Tin Lành qua Thiên Chúa Giáo. Tôi cũng đã đọc Thánh Kinh. Trước 1975 tôi có 1 cuốn, nay thì không còn; anh có cho tôi một cuốn, được chứ?
3. Bác sĩ Jahn đã bày tỏ với tôi về quan điểm tín ngưỡng duy thực tế. Về phương diện sự của ỗng thì tuyệt vời. Ðáng trân trọng. Ðừng có biện minh ông ta có điều kiện mà chính vì ông ta yêu thương Thượng Ðế mà hành động
4. Lý lịch trích ngang của tôi:
5. Niềm tin vô úy. Gieo rắc sợ hãi và đe dọa là thái dộ không thể chấp nhận được. "Yết đế yết đế, ba la yết đế... " Anh còn nhớ không?
6. Với kinh Kim Cang thì mọi tư tưởng trên đời đều đi đong cả kể cả tôn giáo.
7. Anh đã đọc "Chơn Giả Luận" chưa? Cuốn sách nhỏ mà những người tin Chúa đã làm để vinh danh Chúa và chưởi Phật Giáo. Bên Phật Giáo cũng đối đáp trở lại bằng cuốn sách nhỏ, tuồng như "Tập tranh luận". Hồi tu bên Phật Giáo, anh đã đọc chưa? Tính tôi tò mò, nên ai nói gì tôi cũng ngẫm nghĩ xem sao. Cho nên biết nhiều cái vặt vãnh.
8. Về Thượng Ðế thì thầy Thích Giác Ðức đã cho tôi một câu trả lời thật hoàn chỉnh và gọn. Ở cái cõi Ta Bà nầy, nếu có ngẫm nghĩ thì không thể nuốt được.
9. Tin Lành và Thiên Chúa Giáo dã đánh nhau hơn 100 năm (thánh chiến) chưa đủ, đang chuẩn bị đánh nhau nữa ở Bắc Ái Nhĩ Lan đó. Ai bảo họ đánh nhau? Ai? Tại sao?
10. Cũng không có thời giờ để đọc lại thư nên cũng phạm nhiều lỗi về chính tả và về văn viết, về cái lịch sự. Xin anh bỏ qua cho. Viết vậy mà cũng dài thật. Phải chi cái tay của tôi đừng tệ, chắc còn viết nữa.
Trân trọng kính chào anh.
Ph. v. Hai, pháp danh Minh Thông, Pháp hiệu Tịnh Giác.
Anh Hai thân mến,
Ðược thư anh, tôi mừng lắm. Rất cám ơn anh đã viết cho tôi lá thư dài và thẳng thắn. Tôi biết anh đã bị bịnh, thế nhưng anh viết thư dài cho tôi như vậy cũng là Bồ Tát hạnh rồi.
* 1. Anh viết: Xin anh đừng đánh giá tôi qua sự quen biết với bs Jahn. Tôi xin thưa với anh Hai rằng tôi quí mến anh Hai vì anh và tôi đã cùng là bạn của Jahn, một con người có tài và có tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp rất cao. Sự quen biết Jahn là tốt, anh Hai không cần phải ngại bị ai đánh giá.
* 2. Anh viết: Có thể tôi là đứa mất dạy. Ðó, rồi anh xem. tôi nghĩ rằng khi anh viết câu nầy là lòng anh cũng có thương mến tôi. Vì anh muốn nói thẳng thừng, nếu có ai cho đó là mất dạy thì mặc kệ họ, mình cứ viết cho nhau. Tôi quí trọng anh, vì Jahn đã viết cho tôi rằng Anh Hai là một người bạn tốt tôi luôn luôn nhớ đến. Sau khi đã gặp anh, tôi vẫn quí mến anh.
* 3. Về tinh thần trách nhiệm mà anh đề cập trong trang thư đầu: Tôi cũng đồng ý với anh, nhưng tôi thấy thêm rằng mỗi con người có một cái phước báo khác nhau, hay nói theo P. G thì mỗi con người có cái biệt nghiệp khác nhau trong cái cộng nghiệp vô cùng vô tận giữa cõi sinh diệt nầy. Vậy tinh thần trách nhiệm và ý thức trách nhiệm của mỗi người cũng rất khác nhau, tuỳ theo cái tư chất bẩm sinh từng người qua bối cảnh giáo dục, xã hội, văn hóa, đạo đức của họ. Khi một người có đời sống thật sự thiêng liêng thì lại còn khác nữa. Ôi, chừng đó cũng đã thấy mênh mông không làm sao nói hết, anh Hai ạ!
Khi đề cập đến đời sống tâm linh tật nguyền của các em nhỏ: tôi chỉ nêu lên một vấn đề cho anh Hai thấy rằng trên các em còn nhiều việc cho chúng ta phải làm, và những công việc ấy cần nhiều người có khả năng khác nhau, chứ không phải chỉ một bác sĩ Jahn. Thư tôi không hàm ý buộc tội ai cả. Có một triệu bác sỹ Jahn thì rất tốt, nhưng cũng không đủ khả năng thay đổi được tội lỗi và sự bất lực của thế gian nầy đâu.
Còn nói về tội lỗi, tôi thấy rằng tội lỗi khống chế con người, chứ con người có khống chế nổi tội lỗi đâu. Anh Hai có nghĩ như thế không? Kinh Thánh cho biết rằng tội lỗi là nguyên nhân khiến con người mất hạnh phúc trên đời nầy, và nếu không giải quyết được thì sau khi chết phần xác, linh hồn người ta phải vô địa ngục. Riêng các em bị bịnh tật thì đáng thương lắm. Bs Jahn chữa cho các em, ông ta rất sung sướng. Hiện nay Jahn đang chữa cho trẻ em bên Rwanda. Viết thư cho tôi, Jahn nói rằng: Tôi chưa bao giờ sung sướng như hôm nay, khi mà tôi đang giúp đỡ trẻ em nghèo ở Rwanda tại thủ đô nước nầy. Jahn là một người có phước hơn chúng ta nhiều. Vì Jahn có biệt tài, khả năng làm việc, và phục vụ cho mục đích nhân đạo. Kinh thánh dạy Kẻ ban cho có phước hơn người nhận lãnh (Công vụ 20:35). Một người muốn làm việc lành không bao giờ đủ sức làm một cách trọn vẹn. Người khoe khoang việc lành chưa hẳn là người làm việc lành đâu. Tuy nhiên anh em chúng ta đều có khả năng làm việc lành và nhất là giúp đỡ trẻ em, nếu chúng ta có tấm lòng thật sự.
* 4. Ðọc lý lịch trích ngang do anh tự giới thiệu, tôi lấy làm vinh dự được đối thoại với một ngườøi trí thức Phật Giáo có đẳng cấp như anh. Tôi đồng ý với anh và Paul Tillich: "We must be ourseves, we must decide where we go". Chúng ta có tự do quyết định và hành động theo ai để về thiên đường, hoặc theo ai để về địa ngục. Nhưng chúng ta không có khả năng tự tạo cho mình thiên đường hay là địa ngục như ý riêng của chúng ta đâu anh Hai ạ.
* 5. Thật là quí cho chúng ta vì chúng ta có duyên gặp nhau và chia xẻ cho nhau biết bao điều hay mà mình kinh nghiệm được, phải không anh?
* 6. Tôi rất thích phẩm Phương Tiện trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Hồi xưa tôi đã tụng phẩm nầy rất nhiều lần. Trên thực tế con người rất dễ hàm hồ mà lạm dụng giữa Phương Tiện và Mục Ðích. Với trí loài người thì việc ác cũng diễn dịch ra giống như việc lành. Chỉ Thượng Ðế mới phân biệt chân giả phân minh. Tôi hiểu biết tương đối thôi.
* 7. Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn, có sách in là Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Câu nầy vừa hay, vừa dở. Có người cho rằng Ðức Phật không nói câu đó bao giờ. Ðạo Phật không chủ trương độc tôn nhưng chủ trương diệt ngã. Vậy Tại sao Ðức Phật tuyên bố câu trên? Vừa độc tôn vừa chấp ngã! Ðể tránh cái chỗ kẹt nầy, có nhiều luận giả cho rằng chữ ngã ở đây nghĩa là giải thoát chứ không phải là ta. Có luận giả không thể dịch chữ ngã ra nghĩa giải thoát được, nên cho rằng câu nầy không do Phật nói. Ai đúng? Ai sai? Chưa có một bằng cớ nào cả.
* 8. Meister Eckhart: Tôi chưa hề đọc tới. Tiếc quá! Trong lịch sử giáo hội của Chúa có những giai đoạn lỗi lầm, vì giáo hội cũng là kết hợp những con người hữu hạn. Trừ những giai đoạn mà giáo hội vâng phục Chúa thật thì ít sai lầm. Giáo hội La Mã cũng như các giáo hội khác đều có những sai lầm, và lại là những sai lầm vô cùng đau thương. Kinh Thánh đã nói trước những điều nầy trong các sách tiên tri, nhưng con người rất ngoan cố. Những người chỉ theo Chúa bề ngoài thôi thì vẫn tiếp tục sai lầm. Ấy thế mà Chúa vẫn yêu con người một cách kỳ lạ anh Hai ạ. Vì con người cứ ôm ấp sai lầm của mình nên họ không nhận ra được Tình Yêu của Ðấng tạo Hóa. Kinh Thánh định nghĩa Thượng Ðế là Tình Yêu. Người là Tình Yêu. (Giăng4:16b)
* 9. Tôi cho rằng tiếng kêu thống thiết đau thương của Nietzsche phát xuất từ một nỗi tuyệt vọng của ông do ông khước từ Thượng Ðế. Nietsche đưa tham vọng cá nhân lên cao quá. Nietzsche đã nói Nếu Thượng Ðế thực hữu, tôi sẽ rất bất mãn vì không được làm Thượng Ðế. Tôi hiểu một cách mộc mạc rằng Nietzsche là một đứa con không muốn mình có cha chỉ vì sợ rằng khi có người cha, mình không được làm cha của cha mình. Nietzsche không ý thức hết cái thân phận nhỏ bé, cái kiếp sống hạn hẹp, ngắn ngủi, phù du của mình; cũng không tìm được lối thoát cho chính mình. Tiêng kêu la của Nietzche vẫn là bằng chứng đau thương của một kẻ bất lực mà cứng lòng và kiêu ngạo nên không tìm thấy nơi an nghỉ linh hồn mình. Trong khi Nietzsche quằn quại phủ nhận Thượng Ðế, hàng triệu người khác vẫn hạnh phúc trong niềm tin đặt vào Thượng Ðế. Dù Nietzsche rất chủ quan khi nói: Thượng Ðế đã chết, nhưng câu nói ấy chứng minh rằng ông ta đã tin có Thượng Ðế Sống. Tuy nhiên không phải cái gì Nietzsche nói đều là quan trọng cả. Tôi nghĩ Nietzche là người tham vọng và cực đoan nên không biết phân biệt sự khác nhau giữa vật thọ tạo với Ðấng sáng tạo. Nietzsche là một nhà triết học tham, sân, si, mạn, nghi, và ác kiến cao độ hơn nhiều người khác. Tôi khuyên anh đừng học theo hạng người như thế.
* 10. Tôi rất thích đọc cuốn The Courage To Be của Ms Paul Tillich, nhưng kiếm đâu ra? Anh còn thì cho tôi mượn với. Tuy nhiên tôi đã được Thượng Ðế mặc khải chân lý sống của Người trong tâm linh tôi rồi, và tôi rất xác tín về điều nầy anh Hai ạ.
* 11. Trong mục (6) của anh, anh xác nhận tôi chỉ là vị thầy tu thường của Phật Giáo, đã cải đạo. Trong giáo hội (Phật Giáo) và ngoài xã hội, tôi chẳng là cái gì cả. Ðiều nầy không sai lắm đâu. Nhưng tôi biết chắc rằng anh chưa hề thấy một ông thầy tu nào phi thường cả. Mọi người đều bình thường như nhau thôi. Chỉ có Ðấng Tạo Hóa mới là Ðấng siêu việt. Thượng Ðế xem linh hồn của mỗi người là quí hơn bất cứ bảo vật nào trên trần gian. Vì linh hồn của chúng ta mà Thượng Ðế đã đến làm người giữa trần gian nầy. Người yêu linh hồn tôi như Người yêu linh hồn anh và linh hồn của bất cứ ai. Tiếc thay nhiều người đã từ chối Người, và không biết giá trị của linh hồn mình trước mặt Người là như thế nào. Kinh Thánh cũng ghi rõ sự thật đau lòng nầy suốt bao nhiêu ngàn năm nay.
* 12. Thư trước anh có đề cập PCT. Tôi đã ở chung với ông ấy vài năm tại Nha Trang, Saigon. Tôi biết ông ta, biết gia đình ông ta, các em của ông ta, dòng tu của ông ta, một số sách của ông ta và một vài phong cách tu hành của ông ta nữa (sau khi ông ta bỏ Thiên Chúa Giáo qua Phật Giáo... ) Tôi biết cả con rơi của ông ta khi ông ta đã thọ Cụ Túc Giới làm Ðại Ðức tên là TNT. Việc nầy khiến cho một nữ sinh viên Phật tử suýt tự tử ở đại học VH. Vì vậy mà đại học VH đưa ông ta qua Pháp để tránh tai tiếng. Khi qua Pháp, ông ta cởi áo và cưới con gái bs. LKQ. Vậy là tốt hơn lúc mặc áo cà sa. PCT là một người thông minh. Tuy nhiên sự thông minh ấy đã không dẫn ông ấy đi tìm chân lý mà chỉ làm xiếc nhào lộn trong rừng triết học. Có khi tôi cảm thấy sung sướng vì mình không biết nhiều như PCT. Tôi nghe nói con trai PCT về VN và có ghé thăm Bùi Giáng. Tôi thường gặp bà con PCT luôn. Sở tri chướng đã làm cho trí óc con người không thể thấy chân lý dù bỏ đạo nầy theo hằng chục đạo khác cũng thế thôi. Chân lý không do nơi các tổ chức tôn giáo, cũng không do nơi chiếc áo tu sĩ thay ra mặc vào.
* 13. Anh hai muốn đọc Kinh thánh. Tôi sẽ tặng anh Hai một quyển Kinh Thánh tân cựu ước. Nếu anh về Saigon ở với tôi vài hôm, tôi sẽ đãi anh như một người anh em thân thiết và sẽ rất vui. Chịu không?
* 14. Anh đã sốt sắng giới thiệu lý lịch trích ngang của anh, tôi xin ghi ra lý lịch trích ngang của tôi:
* 15.Tôi được Người cho thấy những sự lạ lùng vô lượng, khiến tôi biết chắc về sự hiện hữu của Người một cách vô cùng xác tín và rất hạnh phúc anh Hai ạ. Câu nói của Paul Tillich anh trích trong trang 148 là một câu rất tương đối. Những người thông minh cũng vẫn phạm tội. Những người đọc quá nhiều sách và viết nhiều sách, có khi lại không hiểu những thực tế tầm thường của cuộc đời. Linh hồn con người là vô cùng quí giá đối với Ðấng Tạo Hóa. Tiếc thay con người vì chối bỏ linh hồn mình nên cũng đã đánh mất bản thể của mình, mà chỉ lõm bõm học lóm của nhau để khoe khoang một cách sai lạc từ thế hệ nầy đến thế hệ khác. Khi con người đụng phải một điều đáng tin cậy nhất đó là Thượng Ðế, thì lý trí của họ bị lẩn quẩn trong vô thức tội lỗi (nghiệp?) để tự đánh lừa bản thân mình, để rồi tự dắt mình vào cái vòng u minh của Satan và nghe theo con rắn như khi nó dẫn dụ và lừa phỉnh bà Eva. Khi biết mình đã phạm tội, bà bà Eva kiếm đồng minh để có thêm đồng phạm. Khi hai ông bà Adam và Eva thật sự chối bỏ lời răn dạy của Ðấng Tạo Hóa (là thân phụ ban sơ của họ), họ đổ lỗi cho nhau một cách khờ khạo, dù họ không thể trốn được sự nhìn thấy của Người. Mầm tội lỗi từ đó di truyền trong huyết quản của dòng giống con người. Mỗi chúng ta đều có tội và đều mang cái tánh che dấu tội lỗi như tổ tiên mình. Chúng ta hay chạy quanh chạy quẩn, hay luồn lách cho đến bao giờ không thể chối được mới chịu ngậm câm. Albert Camus viết ý nầy trong vỡ kịch Ngộ Nhận do Bùi Giáng dịch.
Nếu muốn thoát ra khỏi sự khống chế của tội lỗi, trước hết mỗi cá nhân chúng ta phải xét lại cái thân-phận-tội-nhân của mình trong vòng "cộng nghiệp" ấy. Nhưng ai là người thật sự xét mình một cách công minh trong khi không tin vào Ðấng Tối Cao có quyền xét đoán? Tôi dùng chữ cộng nghiệp cho anh khỏi bị "dị ứng", thật ra là phải dùng từ nguyên tội mới đúng. Trong lịch sử tôn giáo, chúng ta cũng từng thấy có người lạm dụng tôn giáo như một cái rừng u minh nhằm che đậy tội lỗi của mình qua những nghi lễ phức tạp đầy vẻ thần bí. Cũng không thiếu những người đã lạm dụng ơn hồng cứu độ của Thượng Ðế mà biến thành các tổ chức tôn giáo, giáo hội; rồi phân chia phẩm trật, quyền lợi phàm tục và tranh chiến với nhau. Khi người ta chối bỏ Thượng Ðế, họ thay vào đó bằng những hình thức thờ hình tượng đất, đá, gỗ, vàng và các triết lý, giáo lý "rất hay". Thượng Ðế đã tiên báo tình trạng nầy trong sách Esai 29:13 rằng Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, vì chúng nó chỉ dẫn theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra (Isaiah29:13). Còn Thánh Phao lô viết trong sách Roma 1:22-23 rằng Họ tự xưng mình là khôn ngoan mà trở nên điên dại. Họ đã đổi vinh quang không hề hư nát của Thượng Ðế mà lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu thú côn trùng. Trên thực tế đã có quá nhiều tu sĩ mang cái vỏ tôn giáo bề ngoài. Thực chất họ là những kẻ giả hình tiêu biểu nhất.
Chúa Jesus bảo rằng Người đang đói khát trần truồng trong bịnh viện, nơi góc phố vỉa hè, trong tù tội tối tăm. Nào có mấy ai vào đó mà thăm Người không? Khi Chúa Jesus nói câu đó, một số môn đồ của Người cũng chưa hiểu. Mãi cho đến khi Người làm trọn SỰ CHẾT CỨU CHUỘC CỦA NGÀI CHO NHÂN LOẠI, và Người ban ÐỨC THÁNH LINH - Thiên Chúa Ngôi Ba vào trong họ, lúc ấy họ mới được khai tâm và hiểu về chân lý tuyệt đối. Vậy nếu không có sự khai tâm (mặc khải) của Thánh Linh thì con người cũng không thể hiểu được chân lý tuyệt đối. Cho nên tri thức của con người là thế trí biện thông và sở tri chướng chuyên cản trở chúng ta khỏi chân lý tuyệt đối. Ðối với tôi, sau khi đã biết về Thiên Chúa thì mọi sự cao sang, hiểu biết, khôn ngoan... đều là sự lỗ đúng như Kinh Thánh đã dạy (Philip 3:8). Còn nhận biết thân phận mình trong vũ trụ vô biên của Tạo Hóa và nhận biết Tình Yêu vô lượng của Ðấng Tạo Hóa đặt vào trong thân phận bé nhỏ mỏng manh nầy mới là cái lợi, cái quí giá và là bằng chứng của miền yên nghỉ vĩnh hằng hôm nay và đời đời. Vậy, thay vì nói như Paul Tillich: We must be ourselves, we must decide where we go, (Paul Tillich). Còn tôi thì nói: "Chúng ta có tự do để mời Người vào lòng mình, xin Người đóng đinh tội lỗi của chúng ta vào trong sự chết của Người trên thập tự giá; để chúng ta được tái sinh trong sức sống phục sinh của Người". Nhân loại đã vạch nhiều con đường cho họ, nhưng đến cuối cùng vẫn là ngõ bí của họ. Kinh Thánh viết: Có một con đường coi dường chính đáng cho loài người, nhưng cuối cùng nó thành ra nẻo của sự chết. (Châm ngôn 14:12).
* 16. "Yết đế ba la yết đế ". . . cụ thể là gì trong tâm hồn anh? Chính tâm hồn anh ngộ ra "Yết Ðế Ba La Yết Ðế" là cái gì thì mới là quan trọng. Ở đây, anh chỉ đọc như thế rồi cũng không biết gì hết. Ðó là thần chú chứ không phải là điều để cho tâm trí nhận thức. Xin đừng nhầm lẫn giữa đức tin với sự hiểu biết. Tôi tin chắc rằng anh không hiểu ý nghĩa "Yết Ðế Ba La Yết Ðế" là gì cả!
Cái gì không nói được thì người ta dùng từ: bất khả tư nghị. Bất khả tư nghị thì làm sao mà nói? Bất khả tư nghị hay bất khỉ tư ngạ cũng chỉ là ngôn ngữ, âm thanh, cảm tính, logic. Bất khả tư nghị tận cùng là không gì cả, là không không gì cả, hay là kha kha gì cổng hay khổng khổng gì ca, hay khả khả gì công? Nhưng nó còn mang ẩn ngữ của một con người sau đây:
Lưu tồn ẩn ngữ thênh thang
Em sờ mó được bàng hoàng như chơi
Ngàn thu có mấy khung trời
Mắt chưa nhìn thấy cõi đời lở loang (a)
Em về nghe tiếng chuông vang
Ðộng lòng trần lụy trên ngàn phù vân
Ai chưa nhuốm hạt bụi trần?
Thần kinh cốt tủy bao lần nhịp sai?
Dẫu còn đôi nhịp tồn lai
Ðoạn đành lẩn trốn ra ngoài bổn tâm!
Yêu em một lỗi hai lầm
Ðể tình đắm đuối sương dầm biển dâu
Thương ai mạc hỷ hoan sầu?
Bình nguyên hỏi nắng mưa dầu dãi chi
Hỏi từ cây cỏ vô nghì
Hỏi về cố quận khôn bì thiệt hơn
Hỏi từ những giọt Mưa Nguồn
Chẳng hay Bùi Giáng lưu tồn ở đâu?
Em về cuối phố ngõ sau
Thấy người tóc bạc nghe râu mỉm cười
Răng long rớt hột lâu rồi
Hai hàm trơn trợt nụ cười hài nhi (b)
Chân thường chúm chím làn mi
Ðứng-ngồi-bò-lết-quì-đi ấy mà
Ấy người giữa cõi người ta
Chân đi tay múa miệng ca biệt mù
Biệt mù bù miệt vi vu
Vu là khống chỉ, vi là diệu tâm
Dạo chơi suốt cõi hồng trần
Bao phen lầm lỡ bấy lần bao dung
Thương ai nhập cuộc tao phùng?
Hai con mắt, một khóc cùng mắt em
Lệ pha chén rượu say mèm
Tóc râu sướt mướt lấm lem giọng cười
Hồng ân dâng tặng đười ươi
Muôn trùng ngẫu nhĩ nụ cười viên ââm
Ðến đi vốn dĩ ân cần
Buộc ràng vốn dĩ đem gần phù hoa
Vòng nguyệt quế tặng hằng nga
Cũng là tạm bợ hải hà chân như
Nắng vàng rực dậy khắp bờ
Thiết tha với những hững hờ cỏ cây
Dật mình một tiếng chuông bay
Rơi vào lòng đất tháng ngày phù dung
Chín năm đá vốn lạnh lùng
Sát na vọng tưởng muôn trùng lạnh căm
Người ngồi diện bích chín năm (c)
Sát na bịn rịn thương thầm dáng em
Âm thầm sư phụ nửa đêm
Lén trao y bát giữ yên thiền tòà
Ðâu ngờ lòng dạ người ta (d)
Câu thơ tuyệt kỹ hóa ra vô hồn
Ngàn năm đá chẳng vô ngôn
Chín năm diện bích người khôn bất toàn
Cổ kim một tính mười toan
Hiện là hữu thể tình tang dông dài
Những gì chưa có lai rai
Cũng là y hệt dẫu ai chưa từng
Nhân sinh nhuệ khí bập bùng
Sương tỳ hải nghiện tao phùng một phen
Hài Nhi tóc bạc chong đèn
Ðôi dòng tha thiết lạ quen gởi người
Ðầu đường xó chợ rong chơi
Tay quờ quạng múa, mắt ngời sáng trong
Chó mèo túi xách nồi soong
Dép giầy, đồ lót tèng toong trên mình
Cỏ xanh vào tiết thanh minh
Hài nhi thơ thẩn một mình bước ra
Một hai ly rượu la đà
Giữa bờ mục diện quê nhà bổn lai
Mắt trông phố dưới thôn ngoài
Gà con, vịt mẹ mèo choai thắm tình
Phiêu bồng trôi dạt lênh đênh
Trăng hoa mấy vẫn một mình yêu em
Quê nhà la liệt thân quen
Chân đi biền biệt lòng chen chúc về
Hỏi rằng em có yêu quê?
Dạ thưa em vốn rất mê xóm làng
Thủy chung tình có một nàng
Dẫu chân vấp ngã muôn ngàn tình riêng
Hoàng hôn nắng tưởng muộn phiền
Hài nhi vuốt sợi râu nghiêng vẫy chào
Nụ cười tặng giấc chiêm bao
Vần thơ thêm chút ngọt ngào làm duyên
Tay chân ngang dọc múa thiền
Hồn minh mẫn ngắm mắt huyền tuyết in
Giữa đường bá tánh lặng thinh
Tìm ai thiết nghĩa chân tình hỏi han
Nữa đêm thức giấc ngỡ ngàng
"Tưởng mình đã sống hơn ngàn rưởi năm"(e)
Cười pha tiếng khóc âm thầm
Rằng cô liêu ấy lỡ lầm bao phen!
Tình ai nửa lạ nửa quen
Tình ai lặng lẽ chong đèn nấu kinh
Ngón tay nhúc nhích một mình
Mơ màng đếm giấc mộng tình trăm năm
Trút hơi người lặng yên nằm
Ði vào mộng huyễn hương trầm thi ca
Một đoàn bạn hữu gần xa
Ngỡ ngàng nét chữ tờ hoa lưu tồn
Tình chia nỗi nhớ tràn tuôn
Rừng khuya hý lộng Mưa Nguồn, Rong Rêu
Yêu em Phụng Hiến trao liều
Gừng cay muối mặn nhiễu điều giá gương
Ai gieo trăm nhớ mười thương
Nơi người gởi giấc vô thường chia phôi...