Kính anh Huệ Nhật
Nhận được thư và ảnh đã lâu, lúc nhận tôi đang ở vườn, gần núi trong khu vực Tứ Quí, nên chẳng viết thư trả lời cho anh được, mong anh thông cảm và cám ơn thư + ảnh của anh.
Sau hôm anh về, tôi nhận được thư của Dr. Jahn, thư viết đi từ Rwanda. Ông ta đang giải phẩu cho trẻ em tại đó. Hành động của ông ta liệu có hơn một vị sư, một vị linh mục, một vị mục sư không? Có lần ông ta viết cho tôi rằng: "Giáo đường của tao là bịnh viện. Thượng Ðế của tao là trẻ em thoát khổ. Tại sao người ta cứ nhân danh cái nầy, cái nọ để mà đấm đá nhau, thậm chí cả một trăm năm mà không thắng bại".
Cách đây hơn một tuần, có thằng bạn cũ, bây giờ là Tin Lành, nó khuyên dụ tôi bỏ đạo Phật để theo đạo Tin Lành của nó. Ðối với tôi, tôi không còn bận tâm những thứ ấy nữa. Thượng Ðế là gì? Câu trả lời là ngôn ngữ của thế gian không có cho loài người sử dụng.
Việc anh theo Tin Lành là việc của anh, tôi không dám đụng chạm. Riêng tôi, tôi đã đọc quá nhiều về Phạm Công Thiện. Paul Tillich, Nikos Kazantzekis. Ðứa con hoang không cần một bữa ăn thịnh soạn, như cái thằng ma tuý thèm hút thèm choát.
Xin lỗi anh đã viết những điều nầy không đáng viết. Thành thật xin lỗi anh. Tôi vẫn chưa viết cho Alfred, khó cái là nhờ tôi dịch một bức thư ra tiếng Anh, thư của Ðinh Minh Dung.
May God bless you. Yours, Ph. V. Hai.
Saigon ngày 2. 8. 97
Kính anh Phan Văn Hai
Cám ơn anh đã viết thư cho tôi. Thật đáng quý khi chúng ta thẳng thắn trao đổi những điều khác nhau trong niềm tin của mỗi chúng ta. Sự kiện Dr. Jahn yêu quí anh cũng là một yếu tố để tôi tin tưởng anh Hai hơn. Tôi nghĩ anh không bao giờ muốn đụng chạm đến đức tin trong Chúa Jesus của tôi như anh đã nói. Nếu anh nêu lên những thắc mắc về đức tin của tôi, tôi rất thích được trao đổi cùng anh. Có bạn để chia xẻ niềm tin, và học hỏi đạo lý cao siêu với nhau thì quí hóa lắm. Do đó tôi mạo muội phúc đáp thư nầy cho anh, và tôi trao đổi với những thắc mắc trong thư anh.
*1. Tôi rất quí Dr. Jahn và lòng tốt của ông ấy. Nhưng tôi không so sánh Dr. Jahn với bất cứ một vị sư, một mục sư, hay một linh mục nào. Tu sĩ cũng có nhiều loại và nhiều hạng khác nhau. Tuy nhiên chúng ta khó có thể xem ai hơn ai, ai kém ai. Mỗi người có một giá trị riêng. Kẻ xấu nhất cũng có một vàøi đức tính tốt mà đôi khi kẻ tốt không có được. Ngược lại kẻ tốt cũng có khi còn một vài đức tính xấu hơn cả kẻ xấu. Con người có thể tốt mặt nầy nhưng lại xấu ở một mặt khác mà mình không thể hiểu hết. Nhân vô thập toàn mà!. Một người có lòng tốt như Dr. Jahn thì cũng hiếm lắm. Dr. Jahn thật là diểm phúc khi ông có đủ điều kiện giúp những người lâm hoàn cảnh nghiệt ngã. Ông ấy xem bịnh viện là giáo đường theo nghề nghiệp của ông. Thật ra bịnh viện hay chợ búa, hay đầu đường cuối phố đều là giáo đường hết cả. Vì Thượng Ðế là Ðấng vô sở bất tại. Có người nói cô nhi viện là giáo đường, hay viện dưỡng lão, hay nơi tù tội mới là giáo đường. v. v. Tùy theo quan niệm sống của họ. Bởi thế có câu: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Tôi cũng đã được nhìn thấy bao cảnh đau đớn trong bịnh viện, nhờ đó lòng mình cảm thấy cần nghe lời Chúa hơn nữa. Alfred Jahn giúp cho nhiều em bé thoát khỏi tật nguyền trên thân thể, nhưng nào ai biết được về tâm linh của các em ấy có thể thoát khỏi tật nguyền khác hay không? Ngồi một chỗ như anh để khen việc tốt của người ấy, rồi chê người khác thì khó thấy chân lý lắm. Có những người bị tật nguyền trên thân thể, nhưng họ sống hạnh phúc trong tâm linh. Ngược lại cũng có những người được đựng nên với thân thể khỏe mạnh, đẹïp đẽ, nhưng cuộc sống của họ đầy hư hỏng, đau buồn. Những đứa trẻ bị tật nguyền trên thân thể và được bác sĩ Jahn chữa trị, nhưng có những đứa trẻ khác bị tật nguyền trong tâm linh thì các vị mục sư, linh mục hơn là cần bác sĩ ngoại khoa lỗi lạc như Alfred Jahn. Chưa nói đến việc bác sỹ Alfred Jahn chỉ chữa trị cho một sồ nhỏ trẻ em tật nguyền mà thôi, còn số lớn các em ấy được hàng vạn bác sỹ khác chữa trị. Nhìn một hạt cát trong sa mạc không bao giờ thấy hết cả sa mạc. Con số những đứa trẻ thiếu giáo dục và bị hư đốn nhiều gấp ngàn lần các em đau yếu trong bịnh viện. Vậy mỗi một lãnh vực sống và phục vụ trong thế giới con người đều có một giá trị đặc thù. Anh Hai đồng ý chứ? Một con người, dù tốt đến mấy cũng chưa phải là tất cả đâu anh Hai ạ.
*2. Afred Jahn và nhiều người đều thắc mắc tại sao loài người ham đấm đá, hơn thua hằng trăm năm mà không thể chấm dứt? Ðiều nầy dễ hiểu thôi. Kinh thánh cảnh báo rằng: Trong thời kỳ cuối rốt, tội lỗi gia tăng, tình yêu nguội dần. Người ta thường ích kỷ, tham lam, khoe khoang xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn... ưa thích sự vui chơi hơn là ưa thích Nứơc Ðức Chúa Trời. . . Bề ngoài thì có vẻ nhơn đức nhưng bên trong thì chối bỏ quyền phép của sự nhơn đức đó (Timôthê II, đọan 3 câu 1-5). Tóm lại tội lỗi có năng lực điều khiển con người hơn là con người điều khiển tội lỗi. Nếu quay lòng trở về với Thượng Ðế, anh sẽ kinh nghiệm được sự sống phước diệu kỳ của Thiên Chúa. Tìm về với Thượng Ðế là từ bỏ con đường nghịch tử mà trở lại làm hòa với Thiên Chúa (II Corinto:20c)
*3. Về một người bạn của anh nay theo Tin Lành và khuyên anh bỏ Phật Giáo, tôi nghĩ đó cũng là mỹ ý của anh ta. Tuy nhiên nếu anh Hai thấy Phật Giáo có nhiều cái hay hơn thì anh cứ khuyên ngược lại ông bạn đó. Khi có niềm tin và hạnh phúc thật, người ta vui mừng và sốt sắng nói cho bạn bè biết. Ðiều đó đáng tôn trọng lắm chứ. Phải không anh Hai?
*4. Về chữ Thượng Ðế là gì. Coi vậy mà rất khó trả lời anh Hai ạ. Ví dụ Niết Bàn là gì? Phật là gì? Tất cả các câu giáo khoa trả lời trong sách chỉ là chữ viết trên giấy. Ðiều quan trọng là chúng ta sống thế nào để thể hiện bổn tính thiêng liêng của các đấng thiêng liêng khi chúng ta tin theo quý Người. Những đứa trẻ mồ côi cần có tình yêu cha mẹ hơn là cần nghiên cứu về tình yêu cha mẹ. Thượng Ðế không phải là hai chữ Thượng Ðế như anh Hai nghĩ. Ý tưởng của loài người rất hạn hẹp, không làm sao hiểu thấu Thượng Ðế đâu. Chỉ có những người ở trong Thượng Ðế; biết lắng nghe Người, biết sống theo Lời Người trong Kinh Thánh mới cảm nghiệm được Thượng Ðế là gì trong từng giây phút cuộc sống đi qua. Thượng Ðế đã mặc khải chính Người cho tôi, do đó tôi tin Người dễ hơn là không tin Người. Dù người ta không tin Người thì Người vẫn hiện hữu. Ai không tin Người chẳng bao giờ nếm được sự sống của Người. Ðức Tin là một phần thưởng, một ân huệ, một món quà quý báu mà Thượng Ðế ban cho nhân loại. Không tiếp nhận Ðức Tin của Chúa là một điều đáng tiếc. Người khước từ Ðức Tin của Thượng Ðế là người tự giam mình trong giới hạn phàm nhân tội lỗi mãi mãi.
*5. Anh đề cập đến PCT và các thức giả khác... Anh tự cho rằng đã đọc quá nhiều sách của PCT... Tôi đã có dịp sống gần ông ấy. Tôi cũng biết cách tu hành thực tế của ông ta nữa. Tôi đã từng là học sinh của PCT về môn "Ðạo Học", nhưng tôi cũng có những điều khác muốn chỉ bày cho PCT anh Hai ạ. Ông ấy là một người thông minh, nhưng ông ấy không phải là một người mẫu về tri thức và hiểu biết cho tôi được. Anh Hai nên nhớ rằng trí thông minh của con người không do mình tạo ra đâu. Dù thông minh đến mấy cũng không hiểu hết lẽ nhiệm mầu của Thượng Ðế. Nếu chúng ta gộïp hết sự hiểu biết của con người tự cổ chí kim cũng không đáng chi so với vũ trụ mênh mông đã được Thượng Ðế dựng nên. Kinh Thánh ghi lời Chúa phán rằng "Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu. Vả, như mưa và tuyết xuống từ trên trời và không trở lại nữa, mà đượm nhuần đất đai, làm cho sanh ra và kết nụ, đặng có giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời nói của ta cũng vậy đã ra từ miệng ta thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta sai khiến nó. Vì các ngươi sẽ ra đi vui vẻ, được đưa đi trong sự bình an. Trước mặt các ngươi, núi và đồi sẽ trổi tiếng ca hát, mọi cây cối ngoài đồng sẽ vỗ tay. Cây tùng sẽ mọc lên thay cho bụi gai, và cây sim sẽ lớn lên thay cho gai gốc; điều đó sẽ làm cho biết danh Ðức Giê-hô-va, và là một dấu đời đời không hề tiệt diệt. " (Ê-sai 55:8-14).
Bộ óc con người chưa đủ khả năng hiểu hết tất cả những điều cần hiểu đâu. Theo Kinh Thánh thì trong con người mình có hình bóng Thượng Ðế, nhưng đã bị đánh mất vì tội lỗi. Ai quay lòng về với Người, Người sẽ tái lập hình bóng thiêng liêng ấy vào trong họ. Nhờ đó mà người ta nối lại mối giây liên lạc với Người. Từ đó con người nhận biết Người và chân lý của Người chứ không phải chỉ nhờ kiến thức sách vở thôi đâu.
Ngoài Kinh Thánh, tôi cũng đọc một số sách khác, nhưng không nhiều lắm. Ðọc sách cũng như quan sát sự vật, lắm khi cái giả trông đẹp hơn cả cái thật. Nếu người quan sát không đủ nội công và ngoại lực thì không hiểu rốt ráo đâu. Anh Hai có nghĩ vậy không? Ngày mai tôi đi về Huế, Quảng Trị. Tôi viết thư nầy cho anh lúc nửa đêm. Sáng mai bỏ vào thùng thư trước khi lên xe đò. Ðây là nỗi lòng của tôi, tôi viết ra một cách mộc mạc cho anh, vì tôi yêu quí anh. Kính chào và chúc anh bình an trong thân thể và tâm hồn một cách dồi dào.
Nguyễn Huệ Nhật.