Cuối năm 1972, sau khi cởi áo tu vào, tôi phải học tập thích nghi làm một người bình thường. Năm 1973, tôi lập gia đình lần đầu tiên nhưng hôn nhân chúng tôi bị gẫy đổ ngay sau đó mấy tháng vì bà vợ của tôi ngoại tình với người bạn tôi cũng là Ðại Ðức Phật giáo. Từ đó, tôi sống độc thân trong một căn nhà bên Tân Thuận và chuyên tâm tu thiền để tiếp tục đi tìm ý nghĩa của đời sống, và cố vượt qua khỏi cơn khủng hoảng mới. Tôi tu thiền cho đến năm 1975; Việt Cộng tràn vào Sài Gòn, tôi bị bắt và tiếp tục ngồi thiền trong nhà tù cộng sản.
Tôi quen biết với Bùi Giáng từ năm 1969 cùng với các nhà trí thức nổi tiếng của Phật Giáo Việt Nam như Ngài M. Châu, M. Giác, Tuệ. Sỹ, P. C. T, Ch. Pháp, Ch. Hạnh, v. v. trong khu nội xá đại học Vạn Hạnh. Tôi chú ý đến cách sống lặng lẽ, cô đơn, trầm tĩnh và cách ăn mặc tréo cẳng ngỗng của ông ngược lại với các nhà “đại trí thức” nói trên. Ðầu năm 1974, Bùi Giáng đến sống chung với tôi cho đến ngày 30/4/1975. Sau đó tôi bị cộng sản bỏ tù hai năm và xa cách Bùi Giáng từ đó. Lần cưới vợ thứ hai (1978) tôi không mời bạn bè nào cả, kể cả Bùi Giáng.
Khoảng mùa thu 1979, bất ngờ Bùi Giáng đến thăm tôi trong lúc tôi đang ru con ngủ tại căn phòng thuê trên lầu 4, số nhà 92 Tổng Ðốc Phương, Phường 7, Quận 5. Ðây là thời gian tôi bi quan nhất vì thất nghiệp, giấy tờ hộ khẩu không có, bị công an khu vực theo dõi thường xuyên, và phải ở nhà nuôi con. Thậm chí quyển sách tôi đang đọc cũng bị tên công an khu vực đên dựt phứt và lấy đi. Ðây là thời gian tôi có ý định tự sát luôn với cả vợ lẫn con. Phải nói rằng mỗi ngày tôi đã ngắm nghía đứa con xinh đẹp để sống và vật lộn với ý nghĩ ý tự tử. Dù tôi yêu vợ thật lòng, nhưng bà ấy cư xử khá độc ác đối với tôi. Còn đứa con của tôi, tuy hồn nhiên vô lượng nhưng bị sinh ra trong ngang trái điên rồ. Tôi nghĩ rằng nếu tôi để một đứa trẻ xinh đẹp như thế lớn lên trong một xã hội cộng sản thì mình có tội với nó. Tôi thấy trước rằng các thế hệ trẻ con lớn lên trong xã hội cộng sản đều bị nhuốm đau khổ, nghèo nàn, phi nghĩa, bất nhân, gian ác. Tôi làm rất nhiều bài thơ về não trạng nầy nhưng một loạt các bài thơ ấy đã bị mất ngay trong tủ áo ở nhà. Càng bị mất thơ, tôi càng viết những bài thơ bi quan, rất bóng bẩy và khó hiểu. Thật sự tôi còn sống là nhờ hơi ấm của đứa con thơ mà mình bồng ẳm và cho bú hằng ngày. Trong đau khổ phiều ưu đó, tôi vẫn lê la cuộc sống bằng cách gởi gắm lòng mình vào những câu thơ kiêu sa ngạo nghễ cho đến khi Bùi Giáng ghé qua thăm. Ông chọc ghẹo tôi vì thấy tôi cứ ủ rủ buồn bã trong khi ru đứa con hồn nhiên vô lượng đẹp đẽ như thiên thần. Lúc đó trước mắt tôi có hai hình ảnh tuyệt vời: một ông già Bùi Giáng, người hiểu tôi và yêu mến tôi, và đứa con trai mới ba bốn tháng, người tôi hiểu và yêu mến. Khi Bùi Giáng đến thăm là lúc tôi tuyệt vọng tới cùng cực rồi.
Tôi nghe Bùi Giáng bảo rằng:
- Chúa Jesus Christ nói ai trở nên như con trẻ mới được thấy nước thiên đường.
Câu nói nầy tức khắc đập mạnh vào tâm hồn tôi. Tôi hỏi Bùi Giáng:
- Chúa Giê-xu nói câu nầy trong sách nào?
- Thì trong Kinh Thánh chớ sách nào nữa! Mày chưa đọc há?
Tôi chưa bao giờ nghe ai nói một câu hấp dẫn như thế cả. Trong pháp môn tu thiền của Phật Giáo, người ta muốn bỏ hết tất cả những kinh nghiệm khôn ngoan, tri thức, phiền não để trở nên một đứa trẻ hồn nhiên và như thế là đạt được trạng thái tự tại vô ngại của đạo giải thoát. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng chưa có một người nào tu thành công đến mức từ bỏ được tất cả những kinh nghiệm khôn ngoan, tri thức và phiền não để trở nên đứa trẻ vô tư bao giờ. Câu nói của Bùi Giáng như đánh động vào sự thao thức của tôi từ lâu. Bây giờ câu nói nầy lại là của Chúa Giê-Xu, là một Ðấng mà tôi chưa hề quan tâm dù đã nghe rất nhiều. Tôi tự hỏi tại sao lâu nay mình chưa đọc một cái gì về Chúa Giê-xu cả. Câu nói của Chúa Giê- xu là phải trở nên như con trẻ mới thấy nước thiên đường quả là một câu hấp dẫn, thú vị và gợi sự tò mò khiến tôi muốn đọc thêm về chúa Giê-xu. Nhưng đối với tôi bấy giờ đứa con trẻ tiêu biểu và hấp dẫn nhất là đứa con của tôi mà Bùi Giáng xem như thiên thần tuyệt đẹp. Ông lục đục cúi lạy nó thục mạng để chọc cười tôi.
Ông bảo:
- Trẻ con là thiên thần mày ạ. Ðứa nào không biết kính trọng trẻ con là đáng xử lăng trì. Mày có một đứa con đẹp xinh vô lượng mà sao tao thấy mặt mày ủ rủ chán chường như con ma vậy?
Câu nói của Bùi Giáng chỉ có thế, nhưng đủ sức thuyết phục để tôi phải đi tìm lại hai quyển Kinh Thánh cất trong ngôi nhà Tân Thuận. Cộng sản đã tịch thu căn nhà này trong lúc tôi bị tù và nay nó đã đổi chủ. Trong nhà không còn một miếng dẻ rách. Tất cả cầu chì, công tắc, bếp núc, nồi niêu, áo quần, tủ, bàn ghế, sách vở đều bị cộng sản tịch thu và tháo gở sạch sành sanh. Thế mà hai quyển Kinh Thánh để trên cái đà gỗ vẫn còn sau mấy năm ròng rã. Tôi trở về ngôi nhà cũ để xin phép người chủ mới cho tôi rờ tay lên cái đà gỗ xem có còn hai quyển Kinh Thánh không. Người ta tưởng tôi cất đô la trên mái nhà nên miễn cưỡng cho tôi tìm nhưng bồn chồn bám sát sau lưng. Tôi móc ra hai quyển Kinh Thánh vẫn còn nguyên bụi đóng đầy. Một quyển Kinh Thánh trọn bộ do trưởng hướng đạo Việt Nam Nguyễn Quang Minh tặng tôi năm 1971 tại nhà thờ Nguyễn Minh Chiếu. Một quyển Tân Ước do cụ Truyền tặng cho tôi vào tháng 10, năm 1973; cụ đến chứng đạo trong khi tôi đang nằm điều trị tại bịnh viện Saint Paul. Lúc đầu tôi không chịu nghe và muốn mời cụ đi cho rảnh. Nhưng thấy cụ cứ kèo nài, tôi làm bộ tin Chúa để lấy quyển sách Tân Ước cho vui. Cả hai quyển Kinh Thánh đó tôi chưa hề đọc từ lúc nhận cho đến khi tìm lại. Khi tìm ra hai quyển Kinh Thánh như thế, tôi có một cảm giác lạ. Lúc đó, tôi nghĩ rằng chắc Chúa cũng linh. Ðó là ý nghĩ của người khốn cùng chưa biết Chúa. Sau nầy được biết Chúa rồi, tôi mới thấy rằng chẳng có sợi tóc nào trên đầu mình mà Người chưa đếm trước khi nó mọc ra! Chúa thật là tuyệt vời, Người bảo rằng đã nhìn thấy mình khi mình chưa được Người dựng nên trên đất.
Khi đọc Kinh Thánh Cựu Ước tôi chẳng hiểu gì cả mà chỉ thấy con người phản phúc vô ơn, Ðấng quyền năng trừng phạt và tha thứ. Tôi nói với bà vợ muôn thuở rằng “Chúa ác quá”. Thế mà tôi không thể bỏ qua quyển Kinh Thánh được. Ðọc chưa hết Cựu Ước, nhưng tôi không thể đọc tiếp được nữa, vì có nhiều chi tiết và nhiều câu chuyện khó hiểu quá. Ðọc Thánh Kinh Cựu Ước rất dễ buồn ngủ. Tôi đành bỏ qua sách Cựu Ước để đọc Tân Ước. Từ đây tôi bắt đầu hiểu được câu chuyện gia phả của Chúa Giê-xu và sự giáng sinh của Người.
Trong Tân Ước, lời Chúa rõ ràng, ngắn gọn, thực tế hơn lời Ðức Phật nhiều. Ðọc đến đoạn 11 sách Ma-thi-ơ từ câu 25 đến câu 30, tự nhiên tôi thấy một điều gì quen quen như mình đã học ở đâu rồi trong Phật Giáo. Bắt đầu từ đây tôi mới phân biệt Lời Chúa Giê-xu giảng trực tiếp khác với lời các môn đệ của Người ghi lại về Người. Tôi quay về đoạn 5 để đọc lại Bài Giảng Trên Núi, Muối và Sự Sáng, Luật Pháp và Lời Tiên Tri, Yêu Thương Kẻ Thù Nghịch. Qua đến đoạn 6, một lần nữa tôi đọc Sự Cầu Nguyện, Sự Lo lắng. Và tôi đọc hết đoạn 7. Cả ba đoạn nầy đều ghi lại Lời Chúa Giê-Xu trực tiếp giảng. Cũng cả ba đoạn nầy tôi thấy Chúa Giê-xu nói nhiều điều mà các Kinh Phật cũng đã nói. Nhưng Lời Chúa ngắn gọn, rõ ràng, dứt khóat và đầy đủ hơn Kinh Phật. Kinh Phật chỉ bàng bạc, mơ hồ và quá nhiều về lượng nên bị mâu thuẫn về phẩm chất, nội dung phức tạp và mơ hồ; trong khi Lời Chúa Giê-xu ngắn mà chứa đầy đủ nội dung rõ rệt.
Tôi trở lại đoạn 11, đọc lướt qua câu chuyện Giăng Báp tít ở tù muốn biết chính xác về Chúa Giê-xu và lời Chúa cáo trách các thành Cô-ra-xin, Bét-sai-đa, Ca-bê-na-um... Nhưng khi đọc lại cái tựa đề nhỏ: Ðạo Tin-Lành Tỏ Ra Cho Con Trẻ, lòng tôi còn bị thu hút hơn lần trước nữa. Chúa Giê-xu phán: Hỡi Cha! Là Chúa của trời đất, tôi khen ngợi Cha, vì Cha đã dấu những điều nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay. Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành. Qua hai câu nầy, tôi hiểu rằng Chúa Giê-xu không nói với loài người. Người đang nói với Cha của Người là Ðức Chúa Trời. Có một “Ðiều Nầy” là điều mà Cha trên trời che giấu đối với những kẻ thông minh sáng dạ, nhưng Người tỏ ra cho những con trẻ biết. Tôi thật sự rùng mình và cảm thấy Chúa Giê-xu nói lên một điều gì đó rất cốt yếu mà lâu nay tôi chưa thể nào biết được, vì tôi vốn là một kẻ tự nhận mình có học thức. Nhưng những đứa trẻ thì biết được “Ðiều Nầy” nhờ Cha, là Chúa của trời đất tỏ ra cho chúng chứ không bởi chúng tự tìm biết như Phật Giáo dạy. Như thế, tôi nghĩ rằng trong đứa trẻ có một cái gì đó để được Cha, là Chúa của trời đất bày tỏ ra “Ðiều Nầy”, trong khi đó người sáng dạ học thức không được Người tỏ ra mà còn bị Người che khuất. Không phải đứa trẻ tự làm cho mình biết được “Ðiều Nầy”, nhưng nó là đứa trẻ nên nó được Cha tỏ ra “Ðiều Nầy”. Tôi nhớ lại câu của Bùi Giáng bảo rằng: Chúa Giê-xu nói “Hãy trở nên như con trẻ mới thấy nước thiên đường” thì không phải câu nầy, nhưng câu nầy lại là một câu mà Chúa Giê-xu đang nói về một điều cốt yếu gì đó trong đứa trẻ.
Hình ảnh đứa trẻ làm cho tôi nhớ đến Thiền. Nói tới Thiền là một pháp môn tu tắt dễ tìm chân lý nhất trong Phật Giáo. Nhưng nhiều người không tu thiền mới là những người dám ba hoa khoác lác về Thiền, còn người thật sự tu thiền thì hay gặp những điều hoãng loạn gọi là tẩu hỏa nhập ma. Tôi thật sự đã ngồi thiền và bị nhiều người ngăn trở vì họ sợ tôi điên. Ðối với tôi, thiền là xóa bôi hết mọi thứ đã ghi vào trong bản ngã qua tám thức giác: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, ý thức, ý thức tự ngã và tạng thức. (Tôi đang dùng danh từ Duy Thức Học của tôi để quý dộc giả dễ hiểu, vì tôi sợ rằng dùng các từ nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na thức và a-lại-gia thức thì quý độc giả khó hiểu). Một cách thông thường và nôm na, người tu thiền phải xóa bỏ càng nhiều càng tốt những gì mình đã huân tập vào bản ngã, ví dụ như tính phàm phu nghiệp chướng từ bao đời trước cho đến đời nầy (ly phiền não chướng, ly sở tri chướng, ly thế trí biện thông, ly kiếp trược, kiến trược, mạn trược... ) để tâm hồn mình trong trắng, vô tư, tự do tự tại, và đương nhiên sẽ đạt đến cõi đại định, giác ngộ thành Phật. Nhưng trên thực tế, không ai có thể cố gắng tự biến mình (kẻ vốn đã khôn ngoan dày dạn) thành ra một đứa trẻ được. Trên thực tế, người ta càng sống càng có thêm kinh nghiệm, càng tu học càng thêm khôn ngoan. Nếu một người khôn ngoan dày dạn mà muốn tự biến mình thành con trẻ thì người ấy phải trở thành siêu dày dạn khôn ngoan. Tự nhiên tôi nhìn nhận ra một khuyết điểm, một sự mâu thuẫn của Thiền. Sự mâu thuẩn của Thiền mà tôi thấy ở đây là càng làm cho mình trở nên con trẻ bao nhiêu, càng đưa mình đến kết quả già dặn, sâu sắc, kinh nghiệm và kiêu ngạo bấy nhiêu. Hèn chi lâu nay những ai học Phật càng nhiều họ càng khoác lác chứ không bao giờ họ khiêm tốn hạ mình. Vậy tại sao Ðức Phật không nói ra? Trong lịch sử đạo Phật, ngoài Ðức Thích Ca, cả thế gian chưa có ai thành Phật cả. Vì thế, không ai biết được sự mâu thuẫn nầy. Bây giờ đọc lời Chúa Giê-xu, tôi được Chúa soi sáng để biết. Tôi thắc mắc không biết có đúng không đây! Chúa Giê-xu nói rằng Cha tỏ “Ðiều Nầy” ra cho con trẻ. Có nghĩa là không phải do con trẻ tự đạt đến “Ðiều Nầy”, nhưng bởi sự tỏ ra từ nơi Cha. Vậy tôi làm sao mà trở thành con trẻ để được Cha tỏ ra đây?
Ðối với tôi, đó là một câu hỏi sinh tử. Nhưng khi tôi nhìn đứa con của tôi nằm trong nôi, tôi thấy nó là con trẻ vì nó trẻ thât sự, nhưng nó chỉ trẻ hơn tôi 34 tuổi. Vậy là 30 năm sau, nó sẽ thành ra người lớn như tôi. Tự nhiên tôi nghĩ rằng mình không cần tự biến thành một đứa trẻ đối với Ðức Chúa Trời. Ðứa con của mình trẻ hơn mình 34 tuổi mà còn ngây thơ như thế nầy, vậy mình trẻ hơn Ðức Chúa Trời bao nhiêu ngàn tỷ tuổi thì tại sao mình không phải là một đứa trẻ để được Người tỏ bày “Ðiều Nầy” cho? Ðúng rồi, đứa trẻ nầy là con mình, nên mình muốn tỏ bày, muốn trút hết lòng dạ và tình yêu cho nó; dù nó trẻ hơn mình 34 tuổi, nhưng vì nó là con của mình. Vậy Chúa Giê-xu gọi Ðức Chúa trời là Cha thì tại sao mình không gọi Ðức Chúa Trời là Cha để mình được làm con Người, vì mình gọi Người là Cha thì tự nhiên mình là đứa con của Cha. Chắc là Cha không nhìn đứa trẻ lớn tuổi hay nhỏ tuổi, vì mình mới 35 tuổi mà Cha mình vô số tỷ tuổi, vì Người là Ðấng Tạo Hóa của cả vũ trụ, là Cha, là Chúa của trời đất; Người thấy mình còn ngu ngơ hơn cả đứa trẻ trước mặt mình. Vậy đối với Người, mình có gì đâu mà gọi là khôn ngoan và sáng láng? Mình tự cho mình là khôn ngoan và sáng láng giữa thế giới phàm phu nầy thôi, cho nên mình không được Người tỏ “Ðiều Nầy” ra cho. Từ lâu mình chỉ là một kẻ khôn nhà dại chợ nên Cha không tỏ bày chân lý của Cha cho mình chăng?
Thật sự những suy nghĩ về Lời Chúa Giê-xu tôi nêu trên đây là những chấn động dữ dội trong tâm hồn tôi, một kẻ vốn có nhiều đau khổ xấc bấc xang bang. Tôi đọc tiếp câu 27: Mọi việc Cha đã gia cho ta; ngoài Cha không ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha. - tới đây tôi lại thấy thêm một điều khác mà dường như tôi đã nghĩ tới nhưng chưa kịp đọc. Ấy là ngoài Cha không ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha. Vậy là tôi đã nghĩ một nửa đúng một nửa sai. Một nửa đúng là tôi phải được Cha tỏ ra “Ðiều Nầy”, nhưng một nửa kia thì sai, vì tôi không thể trực tiếp tự mình làm con của Ðức Chúa Cha, tôi phải gặp một đứa Con của Cha, là đứa Con đã biết Cha rồi, Ðứa Con ấy chính là Chúa Giê-xu, là Ðức Chúa Con mà Người đã nói Mọi việc Cha đã giao cho ta; ngoài Cha không ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha. Vậy, có nghĩa là tôi sẽ được Cha tỏ bày “Ðiều Nầy” bởi Con của Cha. Dần dần tôi thấy vai trò Chúa Giê-xu là Ðức Chúa Con, Ðấng tỏ bày Cha cho tôi.
Tôi đọc tiếp lời Chúa Giê-xu: 28 Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. 29 Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường ; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi được yên nghỉ. 30 Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng. Những câu Kinh Thánh tiếp theo nầy đối với tôi là những câu mà chính tôi nghe Chúa nói thẳng vào trong tâm hồn tôi. Tôi thấy như Chúa đang nhìn vào trong mắt tôi. Tôi nghe như Chúa đang nói vào tai tôi. Tôi cảm nhận linh hồn tôi mệt mỏi đầy gánh nặng mà lâu nay tôi muốn trốn chạy buông xuôi trong khi Chúa đã thấy và hiểu tôi nên Người gọi tôi, một kẻ mệt mỏi hãy về với Người để được yên nghỉ. Từ lâu tôi tưởng mình hiểu biết, mình thao thức, mình tu hành, mình xây dựng, mình nhịn nhục, mình vị tha... Nhưng thật ra là mình quằn quại, mình đau đớn, mình mệt mỏi, mình bất lực, mình dối trá, mình tự phụ, mình tham lam... Và tất cả đó là gánh nặng khốn kiếp nhất. Tự nhiên tôi khóc cho mình và tôi cảm thấy Chúa Giê-xu hiểu tôi chứ đức Phật chưa bao giờ hiểu tôi cả. Tôi vẫn kính trọng Ðức Phật, nhưng người ở đâu tôi không hề thấy. Phật Giáo nói Phật Tại Tâm, nhưng bây giờ tôi hiểu ra thì đó là Phật tự kỷ ám thị mà thôi. Còn Ðức Thích Ca không có gì cụ thể ngoài thiên kinh vạn quyển mù mờ mênh mông như rừng như biển, riêng tôi là kẻ lạc đường trong đêm tối mà chưa có ai thắp ngọn đèn cho tôi. Phật Giáo dạy hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, nhưng trên thực tế mấy ngàn năm người ta đã dùng ngọn đuốc giáo lý của Phật để làm mồi cho ngọn đuốc bản ngã và chưa có ai thành đạt như Phật cả. Vì chưa có ai thành đạt nên những ngọn lửa mồi vẫn còn được giải thích, được quảng bá, được trông chờ và được sử dụng để còn hy vọng. Với tư cách là Ðấng Cứu Thế, nhưng Chúa Giê-xu nói những lời trên bằng thái độ khiêm tốn, nhu mì. Người bảo rằng Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.
Quả thật Chúa Giê-xu đã hạ mình xuống cho tôi đủ tay tầm với tới Người. Người là Chúa mà có lòng nhu mì và khiêm nhường, trong khi tôi đã từng làm ông Ðại Ðức, làm một bậc thế gian sư, thì làm sao mà nhu mì và khiêm nhường được? Dù tôi có phạm tội đến mấy đi nữa tôi cũng phải kiêu căng tự phụ để giữ vai vế ông Ðại Ðức đáng kính trọng! Chỉ những câu Kinh Thánh nêu trên, tôi đã dừng lại một thời gian để tự hỏi mình. Tại sao Chúa Giê-xu là Con Một, và đến thế gian để tỏ bày Chân Lý của Cha? Tôi đã chìm vào những suy nghĩ mà không có giải đáp. Tôi lại tiếp tục đọc. Khi đọc đến sách Tin Lành Giăng tôi mới nhận thức rõ hơn. Ðúng là 18 câu đầu tiên trong sách Giăng đã tỏ cho tôi một ý niệm lạ lùng, mầu nhiệm về Chúa Giê-xu qua từ ngữ Ngôi Lời, là Ðấng đã đến thế gian, nhưng bị thế gian từ chối. Tôi đọc tiếp theo lời làm chứng của Giăng Báp-tít: Kìa, Người là Chiên Con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi (Giăng 1:29)... Thế là tôi đọc sách Giăng còn say sưa hơn các sách trước nữa. Nào là Tinh Yêu Thương, đặc biệt trong Giăng 13:34-35, nào là phép lạ Chúa làm, nào là hành động Chúa rửa chân các môn đồ, nào là Chúa cầu nguyện trong đoạn 17... Nhưng tôi chú ý 2 câu 13, 14 trong Giăng 14: Các ngươi nhơn danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi con. Nếu các ngươi nhơn danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho. Kể từ đây tôi nghỉ đọc Tân Ước, vì tôi nghĩ rằng mình đã hiểu được phần nào về Lời Chúa Giê-xu rồi. Bây giờ mình cầu xin Người vài điều. Nếu Người ban cho thì mình sẽ tính tiếp. Nếu Người không ban cho, tôi không biết mình có còn nghiên cứu thêm Kinh Thánh nữa hay không. Ðiều tôi cầu nguyện là xin Chúa Giê-xu khiến cho vợ của tôi đồng ý ký đơn xin Sở Nhà Ðất một chỗ ở tầng trệt để tôi có thể thuê một chiếc xích-lô đạp kiếm sống và khỏi phải sống cái cảnh ở nhà thuê phiêu lưu quá. Mỗi khi cầu nguyện như thế, tôi không quên nhân danh Chúa Giê-xu. Tôi còn bắt chước các bạn Công Giáo để nói nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Khi đã biết Chúa, nhiều điều mơ hồ thắc mắc của tôi trong Phật Giáo đều được Chúa Jesus giải đáp một cách rõ ràng trong Thánh Kinh. Tôi rất muốn viết một cuốn sách đối chiếu Phật và Chúa khác nhau như thế nào qua kinh điển, cũng như trên thực tế mà cá nhân tôi đã học được cả hai bên, dù sự hiểu biết cá nhân mình còn tương đối thế nào đi nữa, nhưng một số kinh nghiệm chân thật đối với tôi vẫn là quan trọng. Ðiều nầy phải có thời gian và cần người đồng sự đã từng trải Ơn Chúa để thu thập tài liệu, thảo luận, chia xẻ những gì chứng thật nhất để khỏi phí giấy bút. Những bài báo kích bác của các trí thức phật tử đối với tôi có thể giúp cho tôi viết thêm nhiều điều lý thú và thực tế hơn. Ngay cả khi họ chỉ trích tôi cũng đã làm cho tôi thấy rõ hơn những nguyên nhân thất bại của họ bây giờ. Nhờ vậy tôi có thể cảm thông họ như nhìn lại con người cũ khốn nạn của mình ngày xưa. Nếu quả thật con người có lương tâm đi tìm chân thiện mỹ thì không cần hằn học nhau, nhưng nên lắng nghe những khác biệt của nhau. Ai cũng có quyền nói lên điều mình tin là tốt đẹp, nhờ đó mà điều tốt đẹp của mình có thể được người khác bồi đắp thêm để làm cho phong phú hơn nữa. Tôi tin rằng Thượng Ðế là chân lý như Người đã xác nhận, nhưng tôi đã hiểu hết Thượng Ðế đâu. Tuy nhiên sự hiểu biết và lòng tin của tôi tới đâu là điều quý báu và ích lợi cho tôi tới đó.
Trong lãnh vực cao siêu, con người càng thực hành càng thất bại, nhưng khi con người nghỉ ngơi để ngắm xem sự thực hiện của Thiên Chúa, thì kết quả xẩy đến rất lạ lùng. Chúa Jesus đã nhấn mạnh chân lý nầy trong sách Ma-thi-ơ (11:25-30). Cái gì cao siêu đến nỗi người thông thái không thể nào thấy được bằng lý trí của họ, Ðức Chúa Trời soi sáng để con người có thể thật sự nhìn thấy bằng đức tin. Khi Chúa soi sáng cho con người những vấn đề ngoài tầm hiểu biết của con người, thì kẻ dại khờ như con trẻ cũng thấy được. Nhưng khi con người từ chối sự soi sáng của Người thì dù họ thông minh đến mấy cũng không thể nào hiểu thấu được. Sự soi sáng (mặc khải) của Ðức Chúa Trời chỉ thông qua Con Một của Người, vì Con đến từ Cha. Con Biết Cha và bày tỏ Cha cho ai đến với Con.
Tội lỗi của con người là điều không thể chối cãi được. Những giải pháp tôn giáo để con người tự kềm chế mình khỏi tội lỗi và tháo gỡ nó ra khỏi đời sống nội tâm cũng như hành vi của họ, thì quả thật là điều không tưởng. Trong Phật Giáo, không ai biết được mình phải trải qua bao nhiêu tỷ a-tăng-kỳ-kiếp để tu cho sạch trơn tội lỗi của mình và để thành Phật. Mỗi A-tăng-kỳ-kiếp thì không thể tính nổi chiều dài, vì nó có tới vô số kiếp. Ai là người đã từng thành thật tháo gỡ tội lỗi của mình hôm nay mới biết mình bất lực. Ai là người siêu giả dối, tự lừa phỉnh mình bằng triết lý cao siêu đầy hư vọng mông lung thì cứ rơi vào rừng triết lý tối tăm mù mịt để tiếp tục nói dốc cho thiên hạ nể nang mình. Nếu không nhìn nhận tội lỗi của mình bằng Lời Chúa và không tiếp nhận giải pháp cứu chuộc, thứ tha của Thiên Chúa thì bao nhiêu cá nhân trong nhân loại sẽ có bấy nhiêu định nghĩa về tội lỗi và bấy nhiêu giải pháp bất lực để che giấu sự đầu hàng tội lỗi trong từng người một.
Phật Giáo là một tôn giáo có nhiều kinh điển và nhiều triết lý mà phần nhiều người bình dân không hiểu nổi. Do đó ai có thể hiểu được một phần nào về kinh điển Phật Giáo là đã lấy làm kiêu hãnh. Người ấy có thể tự cho mình là kẻ hơn đời. Còn những bậc tu sỹ trong Phật Giáo thì tự cho mình là Pháp Sư hay là Thế Gian Sư. Nhưng tiếc thay Phật Giáo không đề cập sâu sắc đến vấn đề rất quan trọng mà bất cứ con người nào cũng có sẵn từ khi còn nằm trong bụng mẹ, có sẵn tự trong tổ tiên mình truyền lại; đó là bản tính tội lỗi của con người. Ngày nay Phật Giáo trở nên thích hợp với nhiều người vì họ không muốn thừa nhận mình là kẻ có tội. Phật Giáo không nhìn thấy tội lỗi một cách rốt ráo. Thậm chí tôn giáo nầy cũng không thừa nhận dứt khoát có tội lỗi hay không có tội lỗi. Tội lỗi là gì? Tội lỗi đối với ai và bắt đầu từ đâu? Làm sao để giải quyết? Giải quyết như thế nào? Ai là người có tư cách đưa ra những tiêu chuẩn đạo đức và tội lỗi? Các tiêu chuẩn đó như thế nào qua các thời đại văn minh và văn hóa khác nhau?
Tội lỗi và hậu quả của nó vào đời sau ra sao thì tôn giáo nào cũng nói được. Người ta đọc để mà tin chứ không ai chứng minh được theo phương pháp khoa học thực nghiệm. Ấy thế mà vẫn có người bài bác Ðức Tin bằng lý luận “khoa học thực nghiệm”. Khoa tâm lý học và tội phạm học mới nhìn thấy được phần nào sau lớp vỏ bên ngoài mà thôi. Tôn giáo đã đóng góp vào đời sống luân lý đạo đức một cách có giới hạn trong đời nầy chứ không làm sao giải quyết tận gốc rễ cho cả đời sau, trong khi cái đích của tôn giáo không chỉ giới hạn trong đời nầy mà còn quan trọng hơn nữa là đời sau. Tôi chưa biết nhiều tôn giáo khác để nói tới vấn đề giải quyết tội lỗi, nhưng Phật Giáo và Tin Lành thì tôi dám bàn với bất cứ một người nào muốn cùng tôi làm cho sáng tỏ thêm vì mục đích tốt giúp nhau hiểu biết. Theo tôi biết Phật Giáo chỉ dạy cho con người cách tu sửa từ hành vi bên ngoài qua các giới luật chi li tiểu tiết mà thực chất hiếm ai làm được. Những phương pháp của Phật Giáo nhằm tu sửa bên trong chiều sâu tâm hồn con người thì còn nhiều bàn cãi lắm. Ai là người đã thật sự chứng quả trong Phật Giáo mà có lòng chỉ dạy thêm cho tôi thì tôi rất muốn lắng nghe. Nhưng cho đến nay, tôi chưa thấy ai là người đã đạt đạo. Người hiểu biết thì nhiều, nhưng người đạt đạo thì không có. Người đáng kính trọng cũng nhiều, nhưng người đã chứng quả thì tôi chưa gặp. Lấy hai kinh nghiệm của tôi về cách giải quyết tội lỗi trong Phật Giáo và trong Tin Lành để trao đổi với bất cứ ai, tôi cũng mong được tiếp xúc với tinh thần hiểu biết và mục đích nhân bản từ Á sang Âu.