Có một vấn đề cốt lõi dễ bị hiểu lầm, đó là chân lý của sự sống và nghệ thuật thi ca, văn chương, hội họa rất khác nhau. Trong các lãnh vực nầy người ta hay đem Thiền vào. Nhưng Thiền là gì đối với thi ca nghệ thuật triết lý, trong thi ca nghệ thuật triết lý? Câu hỏi nầy sẽ gợi nhiều câu trả lời rất khác nhau. Vậy chân lý Thiền ở đâu? Thiền là chân lý hay là phương tiện? Cái sau cùng có thể khóa miệng người ta thì phải nói rằng thiền là không gì cả, hoặc hơn thế nữa là không không gì cả. Nhưng để tuyệt đối hơn cũng phải nói là chân không diệu hữu. Và đừng nói gì thêm nữa. Im Lặng! Tịnh Lự!
Thiền trong Phật Giáo đã bị nghệ thuật hóa, văn chương hóa và triết lý hóa đến nỗi bị nhầm lẫn quá nhiều. Một người không biết gì về thiền cũng có thể mang thiền ra giảng dạy và viết lách tự do. Một người khác thực hành cặm cụi về thiền rồi thấy mình thất bại và làm thinh luôn. Nhưng một người khác nữa, không thực hành gì hết mà chỉ đọc sách chiêm nghiệm, lại cho rằng mình đã ngộ vào chân lý thiền và tuệ giác, đã gặp được bản lai diện mục, chân như. Họ thuyết giảng và nói năng bằng những ngôn từ cao siêu đến nỗi không ai hiểu được cái sai của họ để mà cãi lại. Nếu những người đó có một số thành công khác, được tiếng tăm sẵn rồi thì càng không có đối tượng phê bình. Như “Ðông Phương Bất Bại, Ðộc Cô Cửu Kiếm” chẳng hạn. Thế là số đông cứ vậy mà tiếp nối qua sách vở nhiều đời. Ví dụ Nguyễn Du có tác phẩm Truyện Kiều mà ngày nay người Việt Nam ai cũng biết. Cụ Tiên Ðiền quả thật là một nhà bác học tiếng nôm vô địch trong thể thơ Lục Bát Việt Nam. Với lời thơ, giọng thơ, chất thơ giầu có, cụ Nguyễn Du đã diễn đạt bao nỗi niềm tức tưởi, bao oan trái ngửa nghiêng, bao bất công gian ác, bao ngớ ngẩn chân tình, bao cảnh huống đảo điên của một xã hội bất công phong kiến, mê tín dị đoan, mạnh được yếu thua, niềm hiếu thảo và lòng chung thủy như bọt bèo trước lòng tham lam và bất nghĩa. Cụ Tiên Ðiền dùng chất liệu văn chương bác học để diễn đạt giá trị nhân phẩm bị vùi dập đến tận cùng mà không có ai binh vực; lương tâm và truyền thống của xã hội bệ rạc đến nỗi không ai còn ý thức chống lại bọn đầu trâu mặt ngựa. Văn chương nghệ thuật của cụ Tiên Ðiền quá hay, quá hấp dẫn đến nỗi người ta lạm dụng trích dẫn để chứng minh vào lãnh vực triết lý, thần học, thiền mà thực chất trong đó chẳng có gì giống như thế.
Lâu nay không thiếu những nhà “trí thức” văn nghệ sẵn sàng lạm dụng kiến thức và nghệ thuật của các vĩ nhân nhằm gộp vào chân lý ảo của họ để vênh vang nở mũi phừng phừng. Một cái tượng nghệ thuật dù có được tạc một cách tinh xảo sống động hơn người thật thì cũng không có sự sống thật. Nó chỉ nói lên ngón tay tài hoa và một phần tâm hồn của tác giả. Nhưng khi người ta đã say đắm, đã cảm phục rồi thì không thiếu gì những điều “cao siêu” được gán oan vào. Một bài thơ hay mang âm vần sắc điệu và ý nghĩa phong phú lắm khi chỉ nói lên được một vài “sự thật” chủ quan trong ý nghĩ, nỗi niềm của tác giả, chứ không phải sự thật của sự sống khách quan. Thế nhưng người ta vẫn mang những bài thơ ấy ra để chứng minh sự giác ngộ, sự chứng quả của tác giả và của... mình! Chính vì thế mà nhiều người trí thức đã đua nhau lâm căn bịnh dỗm trong thi ca nghệ thuật, và khốn khổ nhất cho họ là khi đọc Lời Hằng Sống của Chúa họ không thấy gì hết! Sự sống khác với tri thức và nghệ thuật, dù đôi khi chúng ta thấy nó gần kề với tri thức nghệ thuật. Tôn giáo chỉ có tri thức và nghệ thuật, dù tri thức và nghệ thuật không chuyên chở nổi sự sống. Không chuyên chở nổi sự sống, nhưng có khả năng làm cho con người nhầm lẫn giữa sự sống và tri thức nghệ thuật. Theo tôi, tri thức và nghệ thuật có thể là dụng cụ cao cấp để con người mô tả một phần nào sự sống, nhưng sự sống thì linh hoạt, phong phú, biến hóa ngay cả trong thế giới tưởng như không có tri thức nghệ thuật.
Không ai có thể phủ nhận được những thành quả lớn lao và tráng lệ về mặt văn hóa nghệ thuật, tư tưởng và đạo đức qua những ngàn năm do Phật Giáo đem lại cho nhân loại. Nhưng con đường rốt ráo để thoát khỏi tội lỗi hay ra khỏi luân hồi như đạo Phật chỉ dẫn thì còn mơ hồ vô tận. Giả thử như có một ai đó làm được đôi điều tốt thì họ trở thành con người tốt (rất tương đối) chứ không phải là con người thật sự giải thoát khỏi tội lỗi. Vì có nhiều giới luật có thể giữ được nhưng không dính dấp gì đến việc giải quyết tội lỗi, trong khi đó có nhiều giới luật dư thừa và nhiều giới luật đáng có thì lại không có. Mà cho dù các giới luật ấy đầy đủ để cho ai áp dụng được đi chăng nữa thì cũng chỉ mới áp dụng được bề ngoài mà thôi. Trên thực tế, con người không thể làm đúng được vài phần trăm của những giới luật chi li đó. Trong khi những giới luật bên ngoài rất chi li ấy chỉ áp dụng cho một thiểu số thầy tu để họ được kính trọng, được thờ phượng một cách quá đáng, còn đại đa số tín đồ không hiểu mấy về tôn giáo của mình.
Bốn chữ làm lành lánh dữ của các tổ chức tôn giáo thường được thông qua một cách chung chung mơ hồ và nông cạn. Một điều đáng tiếc nữa là các giáo hội theo Chúa còn nặng tính cách tổ chức truyền thống và nghi lễ, luân lý, đạo đức thế gian nên chỉ đưa dẫn người tín đồ vào ý hướng làm lành lánh dữ một cách chung chung như Phật Giáo hoặc các tôn giáo khác mà không dẫn họ vào sự sống Tin Kính và sự Thỏa Lòng Trong Chúa để nhận thức điều lành, điều dữ theo con mắt Thánh Linh và sự sống phục sinh trong Ðức Chúa Jesus Christ. Trong Khi nói đến bốn chữ làm lành lánh dữ thì ai nghe cũng được cả, và ai nói cũng có thể đúng cả. Nhưng định nghĩa tội lỗi và làm lành lánh dữ thì nhiều cá nhân, nhiều tôn giáo, nhiều văn hóa có những chuẩn mực khác nhau. Ðối với tôi ngày nay, tiêu chuẩn tuyệt đối để nhìn thấy tội lỗi và sự làm lành lánh dữ là Kinh Thánh. Tôi chưa hiểu hết, nhưng nhờ ơn Thiên Chúa, tôi dạn dĩ lắng nghe và chia xẻ nếu có cơ hội, vì tôi biết Chúa đã dạy tôi điều gì một cách rất chắc chắn qua Lời Người. Người luôn luôn dắt dẫn chúng ta đi xa hơn. Người không muốn ai độc quyền nhận sự sống của Người cho riêng mình để đứng nguyên một chỗ. Bởi thế Kinh Thánh dạy Hội Thánh là Thân Thể của Ðấng Christ. Thế gian không hề có một thân thể như vậy, nhưng Chúa lập ra Thân Thể của Người cho con dân Chúa khi họ còn ở giữa thế gian. Thế gian sẽ nhìn biết Người qua Thân Thể của Ðấng Christ.
Vì những chuẩn mực khác nhau giữa thế gian nầy mà người ta lường gạt, người ta trộm cướp, kẻ sát nhân, tên khủng bố đều có những tiêu chuẩn, có những lý lẽ và mục đích riêng trên bốn chữ làm lành lánh dữ chủ quan của họ. Cho nên mạnh ai nấy làm lành lánh dữ theo ý tưởng mà mình cho là đúng, là hay, là cao siêu huyền bí... Một đứa con bất hiếu từng đi bụi đời sống bằng nghề cướp dựt, đâm thuê chém mướn đến khi có vợ có con, anh ta cũng muốn dạy dỗ những đứa con của mình về đức tính hiếu thảo đối với cha mẹ một cách hết lòng, nhưng bản thân anh ta vẫn là người bất hiếu và quen sống với nghề bất chính. Tôi có thể kể tên một vài người mà tôi thật sự quen biết, những người nầy đã ăn ở với nhiều đàn bà để có nhiều đứa con ở nhiều địa điểm và thời gian khác nhau. Nhiều đứa con của họ chỉ biết mẹ mà không biết cha, hoặc chúng yên trí rằng mình biết cha, nhưng thật ra không phải là người cha chính cống. Vài người đàn ông nầy vẫn sống bình thường và có địa vị trong xã hội, nhưng họ quên luôn cả những đứa con rơi của mình hoặc không muốn (hay không dám) biết đến những đứa con rơi ấy. Hễ khi nghe Huệ Nhật nhắc tới tên vài nhân vật trong sách, họ và bạn bè họ la toáng lên để kết án Huệ Nhật là một kẻ làm hại biết bao hạnh phúc gia đình vốn đã từ lâu “trong ấm ngoài êm”. Tôi không muốn nêu tên họ, nhưng một vài câu chuyện éo le dính dấp trực tiếp với tôi khi tôi bị hiểu lầm, buộc lòng phải nói ra đôi chút. Nếu không nói ra thì khó mà giải thích một điều gì cốt yếu. Nhưng nói ra thì rút dây động rừng. Rừng hoang thú dữ thì động mấy cũng còn lối thoát, nhưng rừng tôn giáo, rừng văn hóa, rừng triết học và “đạo lý ngàn năm” mà đụng đến là phải liệu hồn! Vậy chân lý của sự sống vĩnh cửu lắm khi không bà con gì với văn hóa, nghệ thuật, thi ca văn chương, văn nghệ, triết lý và luân lý đạo đức giữa thế gian nầy. Thế mà đã bao nhiêu ngàn năm các thứ ấy thường chiếm lấy thế thượng phong bởi những nhà tri thức chuyên môn đoạt lấy địa vị “chân thiện mỹ” cho mình rồi gào kêu như tiếng loa tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản tận cuối phố đầu làng, cuối hang hốc, đầu nương rẫy. Nếu có ai phê bình nhận xét đôi điều về sơ học đạo lý thế gian thì người ta ùn ùn hùa nhau phùng mang trợn mắt đấu tố thẳng tay như đoàn người Pha-ri-xi biệt phái Do Thái giáo ngày xưa. Thật là tội nghiệp!
Khi học Kinh Thánh, tôi thấy rằng Chúa muốn loài người nhìn nhận tội lỗi của họ qua tiêu chuẩn thiện ác của Người trong Lời mặc khải thành văn của Người và qua sự mặc khải của Người trong lương tâm nhân loại. Lương tâm nhân loại là khởi điểm của sự mặc khải mà Thượng Ðế đặt trong con người chứ không phải do con người tự tạo ra lương tâm cho mình. Môi trường xã hội và đường lối giáo dục có thể giúp con người thể hiện lương tâm một cách có giới hạn. Nhưng khi lương tâm con người được đặt vào trong tình yêu và Thánh Linh của Thiên Chúa thì lương tâm ấy được chết để tái sinh và được thánh hóa một cách vô hạn và nhiệm mầu. Bởi thế, Chúa muốn loài người giải quyết vấn đề tội lỗi bằng giải pháp của Người. Vì sao thế? Vì chỉ một mình Người mới có quyền định tội, có quyền xét đoán. Chỉ một mình Người là Ðấng ban ra sự sống đời đời ở Thiên Ðường hoặc chấp nhận cho con người vào địa ngục với tội lỗi của họ khi họ cứ khư khư giữ tội lỗi làm bản tính riêng để lánh xa Người. Không có một đứa con nào có thể thực hành lòng hiếu đạo bằng cách xa lánh cha mẹ, bắt cha mẹ làm vừa ý mình và không chịu nghe lời cha mẹ, tệ hơn nữa là nói với cha mẹ rằng không ai sinh ra tôi cả, tôi có mặt từ vô thủy đến vô chung! Ðứa con hiếu đạo là đứa con luôn luôn nhận biết giá trị cao cả của tình yêu và công ơn cha mẹ, đồng thời yêu kính cha mẹ và đặt họ vào vị trí cao nhất trong trái tim hiếu thảo của mình. Ðứa con ấy cảm thấy vui sướng nồng nàn khi ý thức rằng mình được sinh ra từ máu cha thịt mẹ.
Ở đây người cha tối thượng là Ðức Chúa Trời. Người là Cha tối thượng của loài người chúng ta. Người dựng nên chúng ta và ban cho chúng ta ảnh tượng giống như Người. Bởi thế, khi đã từ chối Ðức Chúa Trời, dù con người có theo bao nhiêu tôn giáo cũng trở nên bội nghịch đối với Người rồi. Con người có lương tâm để nhận thức điều lành và điều dữ một cách rất tương đối giữa thế gian. Ngay cả lương tâm của con người cũng là một phần mặc khải thiêng liêng tổng quát được ban cho nhân loại. Dù con người không tự tạo ra lương tâm cho mình, nhưng họ có thể trau dồi lương tâm như trau dồi mầu mỡ cho đất. Con người không đủ khả năng giải quyết toàn bộ vấn đề tội lỗi của họ để về thế giới vĩnh hằng như ý muốn riêng và lòng ích kỷ hẹp hòi của họ sau khi họ đã quay lưng khỏi Ðức Chúa Trời. Chính vì thế mà Ðức Chúa Trời ban ra giải pháp của Người để giải cứu con người. Người không bắt buộc loài người phải đi theo giải pháp ấy, nhưng Người muốn loài người tự do chọn lựa giải pháp ấy một cách vui lòng.
Thái độ một người vui lòng chấp nhận giải pháp tốt hơn của Ðức Chúa Trời thay cho giải pháp bất lực của mình là một khởi điểm khiêm tốn để được nhận lấy hồng ân cứu rỗi. Vì thái độ đó bắt đầu từ bên trong tấm lòng. Ðức Chúa Trời không chỉ nhìn tội lỗi con người qua hành vi phạm tội của họ, nhưng Người nhìn động cơ đưa đến hành vi tội lỗi ấy. Ðó là bản chất A-đam và Ê-va trong xác thịt con người. Xác thịt con người không chỉ là thân thể mà tất cả nhân cách con người thiên nhiên đều là xác thịt. Xác thịt con người gồm có thân thể, tâm hồn, tình cảm, lương tâm, ý chí. Tất cả các phần đó đều bị điều khiển bởi một bản chất sâu xa do tội lỗi A-đam và Ê-va từ khi họ bị mất Ảnh Tượng của Ðức Chúa Trời (Linh Tánh) để bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen. Bây giờ con người muốn giải quyết rốt ráo vấn đề tội lỗi ấy là phải trở lại đặt thân phận tội nhân của mình trong Chúa Cứu Thế. Bằng Ðức Tin mà ai cũng có thể có được, (chứ không phải bằng sự hiểu biết kẻ có người không, kẻ nhiều người ít) để đến với Chúa Cứu Thế và được Người hoán đổi địa vị tội nhân ra địa vị một người công bình.
Chúa Cứu Thế là tiêu chuẩn duy nhất của Thượng Ðế đến giữa thế gian tiếp nhận tội lỗi con người và làm cho tội lỗi ấy có một chỗ chết. Người cũng là nơi chốn duy nhất để tội lỗi con người đến đó mà chết. Ngoài Chúa Cứu Thế ra, tội lỗi luôn luôn có những lý lẻ “cao siêu” để tồn tại một cách hợp lý trong con người. Chúa Cứu Thế đến thế gian để nhận lấy thân phận tội nhân của con người vào trong Người và chấp nhận đóng đinh tội lỗi của con người trên thập tự giá với Người. Sau khi Người cùng bản chất tội lỗi của con người bị đóng đinh trên thập tự giá, Người sống lại để ban cho họ sự sống phục sinh của Người, là sự sống mà trước đó con người đã bị mất trong tội tổ tiên. Bởi sự sống nầy được vào bên trong những người đã đến với Người mà họ được tái sinh và mang lại bổn tính của Thượng Ðế là Cha, hoặc có thể nói là mang lại Ảnh Tượng của Cha trong Con tức là trong Chúa Cứu Thế. Hoặc nói theo Kinh Thánh là mặc lấy con người mới của Ðức Thánh Linh. Thư Ê-phê-sô 4: 22-24: Rằng anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Ðức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật. Con người mới nầy sẽ lớn lên và điều khiển người tin Chúa vào điều lành theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Chính con người mới nầy là con người tự do, giải thoát, hạnh phúc, nhân từ, an vui và vinh hiển ngay khi đang sống trên đất. Con người mới nầy là con người đắc thắng tội lỗi chứ không chỉ đơn thuần là ý chí hay ý muốn của lương tâm nhân loại cũ. Con người mới nầy là con người được sanh lại trong hồng ân Thiên Chúa. Con người mới nầy không còn lệ thuộc vào lương tâm nhân loại cũ nữa mà lại sở đắc một lương tâm nhân lại mới trong Thánh Linh. Khi ấy một con người cá thể được mặc lại Tâm Linh mới của Ðấng tạo Hóa để làm lành như Thánh Kinh đã dạy. Ví dụ Ê-xê-chiên 36:26-28, Chúa dạy rằng “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. Ta sẽ đặt thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo. Các ngươi sẽ ở trong đất mà ta ban cho tổ phụ các ngươi; các ngươi sẽ làm dân ta, ta sẽ làm Ðức Chúa Trời các ngươi. “ Ðây là những ý tưởng mà loài người không thể nghĩ ra nổi. Nhưng bất cứ ai tin và tiếp nhận sự sống phục sinh nơi Chúa Cứu thế thì sự thật ấy xẩy ra cho chính người đó.
Tôi nói rằng sự thật ấy xẩy ra trong Ðức Tin của Thiên Chúa như Lời đã chép chứ không phải xẩy ra do khổ tu ép xác. Vì càng khổ tu ép xác mà đi xa Lời Chúa thì tấm lòng con người càng thành đá và cằn cỗi, cứng cỏi thêm mà thôi. Mọi người có thể đọc lời Chúa Jesus Christ qua 4 sách Tin Lành trong Tân Uớc. Theo đó, tôi xin phép được chứng minh những gì Chúa làm. Không phải chỉ cho một mình tôi mà rất nhiều người hôm nay đang sống. Cựu Ước và các thư tín của Tân Ước đều xác nhận sự sống đổi mới và sự đắc thắng tội lỗi cũng như phước hạnh tràn đầy của Thiên Chúa là Cha chúng ta khi chúng ta trở về làm con Người. Làm con của Người chứ không phải làm tín đồ của một tôn giáo có tổ chức chặt chẽ nhiều ngàn năm. Khi chưa có Ðức Tin, chúng ta đọc Kinh Thánh là đọc chữ trên giấy mà thôi. Nhưng khi đã tin Chúa, chúng ta có sự sống ngày càng nhiều, khi đó Kinh Thánh văn tự trở thành Lời sống hiện thực trong cách ăn nết ở của người tin. Và những gì chúng ta đọc tới đều được Chúa Thánh Linh dẫn vào sự sống thật để chúng ta kinh nghiệm được. Một người chưa có Ðức Tin mà đọc Kinh Thánh chỉ giống như một nhà nghiên cứu thức ăn trong sách vở. Người ấy chưa nhận được sự ngon miệng và cũng không nhận được chất bổ dưỡng nào cả. Trái lại một người có Ðức Tin rồi đọc KinhThánh, nghĩa là tâm linh người đó ăn thức ăn để nhận lấy chất bổ dưỡng.
Năm 1982, tại hội thánh Tuy Lý Vương, vào một buổi tối, lần đầu tiên tôi nghe Mục Sư Nguyễn Ðình Chương đọc những câu Kinh Thánh nêu trên trong bài giảng của ông sau khi ông trở về từ lao tù cộng sản ở Cao Nguyên Việt Nam. Vừa khi nghe qua câu Kinh Thánh nầy lòng tôi rúng động. Khi ấy lý trí của tôi hoàn toàn tỉnh táo để biết rằng đó là lời một người đứng trên bục giảng đọc từ một quyển sách, gọi là Kinh Thánh. Nhưng trong tâm thần tôi hoàn toàn khác. Tâm thần tôi có một ấn chứng, một sự xác quyết vững mạnh, tin chắc thật sự vì tôi đã nếm, đã trải qua, đã kinh nghiệm thế nào là một trái tim bằng thịt và Thần Mới của Người đã đến trong tôi. Nhưng trước đó tôi chưa đọc đến, chưa nghe đến câu Kinh Thánh trên bao giờ cả. Khi Mục Sư Chương đọc các câu Kinh Thánh nầy trên bục giảng, tâm thần tôi hoàn toàn nghe một lời xác nhận của Thiên Chúa cho riêng tôi. Người nói: “Ðó là lời hứa từ ngàn xưa, nhưng nay đối với con thì Ta đã làm xong cho con rồi, thần mới của ta đã tái sinh tâm linh con để con nhận biết đây là chân lý hằng hữu mà từ nay trở đi chỉ có thêm chứ không hề thay đổi. Con đã thấy tội lỗi con được tha, tấm lòng bằng đá của con đã vỡ, nay con có thần mới, nghĩa là Ta ở trong con và con ở trong Ta - I am in you”. Sự thật nầy tôi cũng đã nhận trong Lời Chúa Jesus được ghi lại trong Phúc Âm Giăng đoạn 14 và 15.
Hơn hai mươi hai năm qua tôi thụ hưởng những thành công và chịu đựng những thất bại trên bước đường đi theo Chúa. Cho nên tôi muốn nói rằng đây không phải do tưởng tượng, không do cảm xúc, không do tự kỷ ám thị; mà là chứng cớ của Ðức Chúa Trời đặt vào con người tôi khi tôi tin Người. Tôi sống qua với những vui, buồn, thành công và thất bại, nhưng Ðức Tin Chúa ban cho tôi chưa bao giờ cũ kỹ hao mòn mà lại tươi mới luôn và thành công luôn. Có rất nhiều thành công do đức tin đem đến cho tôi từ nhiều thất bại của tôi ở giữa thế giới chúng ta đang sống. Khi mình lay hoay xoay xở, mình tưởng Chúa đang phạt mình, nhưng không bao lâu sau đó Người cho tôi thấy toàn là hồng ân không chi sánh được.
Suốt 22 năm nay tôi đã sống với những ấn chứng diệu kỳ thực tế vô lượng vô biên của Người. Người sống trong tôi để chỉ dẫn tôi những điều tôi thất bại. Người thay thế vào những thất bại của tôi bằng những thành công của Người mà tôi bằng lòng tiếp nhận và ăn nuốt cho cả linh hồn và thân thể tôi. Do đó điều lành chân thật và điều cao siêu chân thật đến trong tôi mà không phải của tôi, nhưng của Ðấng đã chết cho tôi và đang sống cho tôi. Tôi không có gì để khoe khoang kiêu ngạo, nhưng tôi có nhiều điều để được khiêm tốn một cách bình an và hưởng lấy hạnh phúc tràn trề vô lượng như đứa trẻ nằm ngủ trong trong lòng mẹ. Ngay khi đứa trẻ nằm khóc trong lòng mẹ và bị mẹ đánh vào đít nó, nó cũng đang hưởng hạnh phúc. Nghĩa là ngay khi tôi yếu đuối, khù khờ, còn sai trật, khuyết điểm thì tôi vẫn hưởng phước và sự sống của Người ban. Chứ không phải tôi tuyệt đối thánh sạch (theo như mắt tôi thấy đã) mới được Người ban phước cho đâu. Cảm tạ Chúa. Chân lý nầy đã không bao giờ có trong tôi khi tôi còn mặc chiếc áo cà sa, còn thao thức, còn thiền định.
Trước đây tôi đã mang lấy bao điều lành điều dữ của riêng mình, để buồn phiền lủi thủi tự mình thắp đuốc lên mà đi, và để đi vào cõi chết! Nay tôi thấy đời sống mình là công việc của Thượng Ðế để mình được làm con của Người trong thời đại Tân Uớc. Tôi tiếp tục đọc Kinh Thánh, lời Chúa Jesus nói với cụ già Ni-cô-đem trong sách Tin Lành Giăng đoạn 3 về sự tái sanh, Lời Người nói với người đàn bà Sa-ma-ri trong Giăng 4, Lời chứng của Giăng trong Tin Lành Giăng 1:12-13 và 14-18, Lời Chúa Jesus nói với môn đồ trong Giăng 14 và 15, Lời Người cầu nguyện trong Giăng 17, Lời Phao Lô được soi sáng để chép vào trong sách Rô-ma, Ga-la-ti, Hê-bơ-rơ, Lời Phi-e-rơ và Giăng, Gia-Cơ trong các thánh thư... Tất cả đều đủ để xác nhận cho tôi chân lý sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nghĩa là Kinh Thánh đã xác nhận cho tôi một sự thật mà Chúa đã nói trước và đã ban từ trước khi tôi chưa được sinh ra, chứ không phải do tôi tưởng tượng. Nhiều điều tôi đã nhận được trước khi đọc qua KinhThánh mà tôi không biết, hoặc tôi biết nhưng chưa đọc kỹ Kinh Thánh nên cứ đinh ninh rằng đây là do mình làm theo Chúa mình mới có. Nếu mình không theo Chúa nhưng thành tâm theo bất cứ một vị nào khác thì chắc cũng có như vậy, như người ta thường nói linh tại ngã bất linh tại ngã ấy mà. Không! Không phải thế đâu. Chỉ có KinhThánh mới xác nhận những điều đó đến từ Chúa. Chỉ có một Ðức Tin trong Chúa Cứu Thế mới là Ðức Tin để làm Con Thiên Chúa. Kính Thánh dạy rằng chỉ có Con và người nào Con muốn tỏ ra cùng thì mới được đến cùng Cha. Và ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không tin Con thì chẳng có sự sống đời đời đâu. Chúa Jeus đã xác nhận: Vã, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Ðức Chúa Trời có một và thật, cùng Jesus Christ là Ðấng Cha đã sai đến (Giăng 17:3). Bởi thế, nếu chúng ta sốt sắng đặt đức tin trong bất cứ một Ðấng nào khác thì giống như chúng ta đang chạy ngược chiều, càng chạy càng xa mục đích, càng sốt sắng càng đánh mất mục đích.
Ðức Tin là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là đặt Ðức Tin vào Ðấng đáng tin duy nhất: Thiên Chúa trong Ðấng Christ, ảnh tượng của Cha trong Con và Thánh Linh. Ma-thi-ơ 11:27, Công Vụ 4:12, 10:43, I Ti-mô-thê 2:5, Giăng 3:13-16, Giăng 7:16-17, Giăng 14:6 đều xác nhận chân lý nầy cho chúng ta, không cần một lý lẽ nào khác sau khi chúng ta đã nhận được Lời Chúa rồi. Bất cứ điều gì đến với tôi mà không đúng như Kinh Thánh dạy, tôi phải cầu nguyện, suy nghĩ để được Chúa soi sáng. Vì ma quỷ có trăm phương ngàn kế để nói những lời đạo đức giả đầy văn hoa hư đản để lừa phỉnh những người vốn có lương tâm yếu đuối như tôi. Vì thế Ðức Tin phải có việc làm. Việc làm của đức tin là sống với Lời Chúa. Tôi xin nói lại là sống và làm theo Lời Chúa chứ không phải chỉ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình (Gia-cơ 1:22).
Tôi vui sướng vô cùng khi phân biệt được điều tốt của Chúa và điều tốt của mình. Ðiều tốt của mình dù rất tốt vẫn còn mang tính phàm phu. Nhưng điều tốt của Chúa vượt ra khỏi ý niệm tốt - xấu, vì điều tốt của Người là Thánh. Chúa đến không phải để sửa con người xác thịt của chúng ta từ xấu qua tốt, nhưng Người làm cho con người xác thịt của chúng ta chết đi trong quyền năng tha tội của Người, chết cả điều xấu và điều tốt thuộc về thế gian (vì con người xác thịt là thuộc về đất) và Người dựng nên trong chúng ta một con người mới thuộc về nước trời. Con người mới nầy vượt ra ngoài ý niệm tốt xấu của chúng ta. Ðó là một con người có địa vị Thánh trong Chúa. Bởi thế tôi tin chắc chắn nếu không có Thượng Ðế hiện diện trong tôi, thì tôi vẫn cứ mù mờ dù đem vào đầy trí óc mình bao nhiêu kiến thức. Suốt 22 năm qua tôi đã được thử thách, biết bao nhiêu ngang trái, nhưng tôi luôn luôn nhìn thấy sự xót thương của Chúa trên từng bước đi nhỏ bé vấp ngã của mình; nhờ vậy tôi vẫn là một người sống và có đầy ân phúc hôm nay để những bước đi nhỏ bé vấp ngã được đặt vào trong năng quyền và ân điển, và đắc thắng của Người, để cho tôi được vững vàng hơn từng ngày. Nói chính xác hơn là từng giờ phút. Bây giờ tâm trí tôi có sự hiểu biết hơn ngày trước, nhưng tâm hồn tôi luôn luôn là một đứa trẻ đối với Thiên Chúa. Một đứa trẻ trong Thiên Chúa là một đứa trẻ khôn ngoan và hạnh phúc. Ðứa trẻ ấy luôn luôn hiểu biết điều lành trong hơi ấm của Cha nó, và nhận được tình yêu của Thiên Chúa hơn tất cả những người thông thái giữa thế gian. Tôi là một đứa trẻ có Ðức Tin của Con Ðức Chúa Trời để nhận biết Người là Cha đời đời của mình và của cả nhân loại. Cảm tạ Chúa. Cảm tạ Chúa. Người là Chân Lý tuyệt đối cho bản thân tôi trước nhất!
Bởi thế, nay tôi dám nói rằng bất cứ ai đã tiếp nhận sự chết cứu chuộc của Chúa Cứu Thế để được sống lại trong Người thì cả vạn pho sách cao siêu của con người trở nên một đống tro tàn vô nghĩa khi Lời Chúa trở thành sự sống đơn sơ giản dị, ngọt ngào, thương xót, thứ tha thấm vào tâm hồn người khao khát kiếm tìm. Ai sống thật với Lời Chúa mới kinh nghiệm được sự nên thánh như lời chúa Jesus Christ cầu nguyện trong Giăng 17:17 “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh, Lời Cha tức là lẽ thật”.
Hiểu Lời Chúa là rất quý, nhưng đó không phải là mục đích chính. Mục đích cao nhất của Lời Chúa trong chúng ta là để chúng ta ăn nuốt, tiêu hóa và sống như Rô-ma 12:1-3. Làm sao chúng ta hiểu nổi những câu kinh thánh nầy nếu không dâng thân thể mình làm của lễ sống cho Chúa? Tỉ dụ như nghiên cứu thức ăn là một điều quan trọng, nhưng mục đích của nó là để ăn vào, tiêu hóa và sống. Bởi thế những câu Kinh Thánh ngắn ngủi của Người như “Ai gõ thì mở, ai tìm thì gặp, ai khát thì được uống” là chân lý giản dị sống động đến nỗi chẳng có gì phải phân tích khi chúng ta đã gõ cửa, được Người nghe và mở cho chúng ta, được bước vào thế giới của Người, được hưởng thụ sự sống thánh khiết thiêng liêng như uống lấy chất liệu sống của Ơn Trời. Ai là người chưa thật sự gõ cửa, chưa thật sự kiếm tìm thì sự thật của những câu Kinh Thánh nầy vẫn nằm ngoài kinh nghiệm đức tin của họ. Giống như đứa trẻ bú sữa là một điều đơn giản, nhưng nếu vì một lý do nào đó đứa trẻ không thể bú được, và nếu không kịp thời giải quyết, chắc chắn nó sẽ gặp phải tai họa. Ðức Chúa Trời khiến cho trẻ sơ sinh biết bú sữa khi nó chưa cần biết sữa là quý giá tới mức nào. Nhưng nếu một đứa trẻ “thần đồng” nào đó nhận biết giá trị của sữa rồi không bú nữa, chắc chắn nó phải bị nhiều vấn đề. Trong trường hợp nầy, rõ ràng là sự hiểu biết làm nên sự sai trật hoặc sự chết. Bất cứ sự hiểu biết nào mà không tuân theo sự sáng tạo của Thượng Ðế đều là sự hiểu biết sai. Vì thế Chúa dạy “sự vâng lời quý hơn của lễ” (I Sa-mu-ên 15:22).
Vâng lời Chúa không bao giờ bị mất tự do, nhưng vâng lời Chúa là sống theo sự sáng tạo liên tục của Người một cách có thứ tự như đứa trẻ ban đầu đi tìm cái núm vú, bú và ngủ chứ không cần thắc mắc nghiên cứu gì cả. Khi chúng ta vâng lời Chúa, chúng ta sẽ thấy thế giới đã được dựng lên một cách đầy đủ cho chúng ta như khi một đứa trẻ mới ra đời. Dù tuổi tác chúng ta già đến mấy thì sự tạo dựng của Thiên chúa cho chúng ta cũng cứ tiếp tục mới mẻ để cho chúng ta làm việc, tận tụy, yêu thương, sản xuất, nhưng vẫn làm trong trạng thái tin cậy và nghỉ ngơi như đứa trẻ tìm núm vú, bú, ngủ, mỉm cười và cười cả trong giấc ngủ.
Ðiều nầy Phật Giáo đã cố gắng đạt tới khi họ đưa ra giáo lý “Hành Nhi Xả”. Nhưng tôi biết rất nhiều người càng hành càng khó xả. Càng phi hành càng khó phi xả. Càng vô phi hành càng khó vô phi xả. Ðó là vì họ không có đức tin trong Ðấng đáng tin để cho linh hồn họ được yên nghỉ. Họ tìm kiếm quá nhiều thứ “cao siêu” bằng sức riêng của họ. Họ càng nghiên cứu cách “yên nghỉ cao siêu” chừng nào thì càng mất sự yên nghỉ đơn giản chừng ấy. Giả thử một đứa trẻ sinh ra bị đói, nó tìm sữa bằng hết sức mình, nó khóc ngất, nhưng không ai cung cấp sữa cho nó, chắc chắn nó phải chết. Thế giới của chúng ta đang sống được Thiên Chúa cung cấp quá đầy đủ, có thể nói là dư thừa nữa, nhưng chúng ta không đi theo đức tin nên chúng ta đã lo sợ sự thiếu thốn và chúng ta cố gắng tự xoay xở bao nhiêu thì càng vô tình làm hư hại nhiều điều đã được dựng sẵn. Thậm chí không khí và nước cũng đã bị ô nhiễm. Cố gắng của loài người là tốt, nhưng cố gắng để đi theo trật tự tuyệt vời của Thượng Ðế thì tốt hơn nhiều. Sự khôn ngoan của loài người chỉ có giới hạn. Nhưng nếu chúng ta đặt sự khôn ngoan của mình vào trong Thiên Chúa, hiệu quả của nó sẽ tuyệt vời một cách đáng ngạc nhiên.
Ví dụ, thiên nhiên là tài sản vật chất vô biên mà Chúa dựng nên cho chúng ta, nhưng vì thiếu đức tin và thừa tính kiêu ngạo, người vô thần cộng sản đã từng đòi “làm chủ thiên nhiên”. Trên thực tế họ đã tàn phá thiên nhiên đến mức đau lòng. Khi Chúa Jesus giảng về sự lo lắng thức ăn và áo mặc, Người dùng mầu hoa huệ tầm thường ngoài trủng để chỉ cho chúng ta thấy rằng sự giàu sang trên mầu áo của vua Sa-lô-mon chỉ là một sự nghèo nàn đối với mầu hoa ấy. Người dùng sự no đủ của con chim sẻ nhỏ nhoi để ví sánh sự tích lủy của nhà giầu cũng chỉ là một tình trạng nghèo nàn hơn con chim sẻ. Người ban cho chúng ta những ví dụ đơn giản và cụ thể nhất để dẫn chúng ta vào chân lý sống động hạnh phúc mỗi ngày. Chúa bảo chúng ta đừng lo về ngày mai nghĩa là gì? Ngày nay khoa học tiến bộ, con người khôn ngoan, nhưng họ không dám tin rằng ngày mai Thiên Chúa vẫn làm cho đất sinh trưởng và nuôi đủ loài người. Vì thiếu đức tin trong Chúa, chúng ta đã đem quá nhiều sự khôn ngoan nhân tạo vào thế giới để gây thêm tai họa sâu sắc hơn, để phải bi quan khi nghĩ đến ngày mai: chiến tranh, đói kém, dịch lệ, hận thù, thiên tai, bò cũng điên, cá cũng bịnh, heo cũng lở mồm và con người cuồng tín lấy đức tin sai lạc để khủng bố đồng loại nữa. Càng lo lắng, chúng ta càng làm cho các vấn đề ấy thê thảm hơn khi nó chưa kịp xẩy ra. Nhưng Chúa đã nói những tai họa ấy không thể nào tránh được, ai có đức tin và bền đổ cầu nguyện thì được cứu thoát. Cảm tạ Chúa, Người không dạy cho chúng ta những gì quá cao siêu ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Người dạy những điều thật là thực tế và đơn giản, và khi chúng ta tin là khi chúng ta hiểu và sống một cách an hòa. Rõ ràng Ðức Tin Thiên Chúa dắt dẫn sự hiểu biết chúng ta, và sự hiểu biết chúng ta chỉ trở thành ngu dại khi lìa bỏ Ðức Tin Thiên Chúa. Vì lìa bỏ Thiên Chúa, tâm linh con người bị mù lòa nên không thể nhìn thấy sự mặc khải mầu nhiệm của Người qua sứ điệp thiên nhiên.
Vậy để đóng góp vào các vấn đề lớn lao của nhân loại, người con Chúa có trách nhiệm loan truyền Ðức Tin Thiên Chúa và sự Chết của Con Ðức Chúa Trời cho đến lúc Người trở lại. Nhưng chúng ta loan truyền Ðức Tin và sự Chết ấy sau khi đã được chết trong Người và sống trong Người, vì thế gian nhận biết sự sống và sự chết của Người qua đời sống Ðức Tin của chúng ta. Khi Lời Chúa thành sự sống cho chúng ta hằng ngày thì chúng ta thành cái bảng để viết Lời Chúa. Thế gian sẽ đọc được Lời Chúa qua chúng ta dù họ đang chạy vội vàng nhưng cũng đọc kịp. Chúa cứu chúng ta để dùng chúng ta đem Nước Trời vào trong thế giới hôm nay trước khi chúng ta về với Người trong vĩnh cửu. Chúng ta luôn luôn có khuyết điểm, do đó chúng ta luôn luôn cần được học tập, cần được trang bị nhiều hơn. Sự trang bị cao cấp nhất, hiệu năng nhất là sự trang bị của Ðức Thánh Linh. Ðức Thánh Linh nói cho chúng ta biết điều chúng ta sai trật nhiều hơn mình có thể thấy. Khi được Ðức Thánh Linh chỉ dẫn, chúng ta dễ ăn năn thay đổi hơn là tự mình lay hoay xoay xở một cách riêng rẻ âm thầm.
Nếu biết mình có tội và cần được tha thì người đó mới có nhu cầu nói câu xin lỗi (ăn năn). Khi thấy tội mình được tha, tự nhiên lòng có sự vui mừng bất tận. Sự vui mừng vì được tha tội là một điều vô cùng quan trọng. Nhưng Ơn Cứu Rỗi không chỉ dừng lại ngang đó. Vì kết quả của sự tha tội trong Chúa Jesus mới là bước đầu để đưa con người vào thế giới chiến thắng tội lỗi và xa lìa nó như phương đông xa phương tây qua lòng thương xót và quyền năng vô lượng của Người. Khi tiếp tục sống trong ơn tha thứ của Người mới thấy sự tha tội của Ðức Chúa Trời trong Ðức Chúa Jesus Christ là chân lý giải phóng con người ra khỏi tội căn để bắt đầu một tư cách mới, một con người mới và từng bước đổi mới từ trong ra ngoài trước, chứ không phải chỉ từ ngoài vào trong.
Cái bản thể đầu tiên của con người mà Phật Giáo gọi là Bổn Lai Diện Mục, bây giờ tôi mới hiểu, chính là ảnh và tượng của Ðức Chúa Trời đặt vào trong tổ tiên con người sau khi Người đã dựng nên họ. Nhưng ảnh tượng của Người đã mất khỏi tổ tiên chúng ta khi họ nghe theo lời cám dỗ của tội lỗi để từ chối lời dặn dò của Chúa. Giải pháp của Ðức Chúa trời trong Chúa Cứu Thế Jesus Christ là để ban lại cho mỗi chúng ta ảnh tượng của Người, tức là Thánh Linh Người ngự trong chúng ta. Phật Giáo dùng chữ Bổn Lai Diện Mục là những từ ngữ rất hay, nhưng lại không chỉ ra được chân lý và sự sống thật.
Trong Phật Giáo, chữ thì hay nhưng nghĩa thì kẹt. Vì Phật Giáo quan niệm rằng con người vốn không có khởi đầu, không có kết thúc, gọi là vô thủy vô chung. Ðã là vô thủy vô chung thì làm gì có bổn lai diện mục! Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Ðức Chúa Trời hà hơi vào cho con người bụi tro để y trở nên ảnh tượng giống Người, nghĩa là con người trở nên một linh vật thiêng liêng sau khi được Người dựng nên và hà hơi sinh khí vào con người. Những từ ngữ triết học dù hay đến mấy cũng chỉ bồi đắp kiến thức làm cho con người càng thêm khốn khổ một cách sâu sắc. Kinh Thánh nói: “Vì nếu sự khôn ngoan nhiều, sự phiền não cũng nhiều; ai thêm tri thức ắt thêm sự đau đớn” (Truyền Ðạo1:18). Nhưng giải pháp cứu chuộc của Ðức Chúa Trời trong Chúa Jesus Christ là giải pháp thực tế để con người được chết về tội lỗi ngay khi mình đang có cơ hội thuận tiện giữa thế giới hôm nay. Ðây là phương cách do Ðức Chúa trời hoạch định. Người thực hiện chương trình của Người qua Con Một của Người để con người tiếp nhận, đồng công và thừa hưởng. Ðã từ lâu con người cứ cho mình là kẻ tự hoàn thiện được nên khước từ ân huệ thứ tha và linh lực dẫn dắt. Nếu con người thật lòng muốn hoàn thiện thì chắc chắn con người phải biết rằng sự hoàn thiện khó khăn hơn sự làm ác. Vì vậy được Ðấng thiêng liêng giúp cho chúng ta hoàn thiện thì không ai dại gì mà từ chối nếu thành thật muốn làm điều thiện. Tiếc thay con người vốn ưa nói lành để thực hành hung dữ. Bởi vậy, họ càng chối từ Thiên Chúa càng không che giấu được sự mâu thuẫn trong họ. Trong vô thức, con người biết rằng chỉ có Thiên Chúa thấy hết mọi kín dấu trong lòng họ. Vì thế một cách vô thức con người từ khước Thiên Chúa, vì sợ bản ngã của mình bị đặt trong ánh sáng của mắt Chúa. Ngày nay có nhiều tôn giáo, triết lý dạy con người tự tin vào mình một cách tuyệt đối. Ðây cũng là một cách trốn chạy khỏi ánh sáng của Thiên Chúa như hành động của tổ tiên chúng ta sau khi thua mưu chước của ma quỷ trong vườn Ê-đen.
Ðiều chắc chắn mà tôi nói ở đây là Chân Lý Cứu Rỗi. Chân lý cụ thể, vì đó là tôi, một con người có bản tính tội lỗi di truyền. Tôi bất lực với tội lỗi của tôi. Tôi không giải quyết được một cách rốt ráo như ý muốn của mình. Chẳng những thế, khi tôi càng muốn giải quyết, tôi lại càng làm cho rắc rối thêm và tôi cũng đã từng không đủ can đảm để thừa nhận điều đó nữa. Bởi vậy, tôi trốn vào trong các phương pháp tôn giáo. Tôi hẹn rày hẹn mai rằng kiếp này không giải quyết xong thì còn vô số tỷ kiếp khác để giải quyết tiếp. Khi đang sống, đang hứa hẹn như thế, tôi phải bám theo những phương pháp, những đường lối, những phương tiện, những triết lý, chủ nghĩa chính trị và tôn giáo. Tôi mặc lên cho tôi đủ loại áo bên ngoài với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Tất cả là nhu cầu bức thiết của tôi và của thế giới mà tôi đang đóng kịch cuộc sống. Tôi cố gắng yêu tôi và yêu nhân loại. Tôi cố gắng làm cho tôi tốt đẹp (ít ra thì tôi cũng có cố gắng). Tôi cố gắng bỏ cái tôi xấu xa tội lỗi vốn đang bị che giấu rất kín (với chính tôi và mọi người) sau những lớp áo ấy. Cuối cùng sẽ ra sao hạ hồi phân giải. Nhưng cách gì thì tôi cũng là tôi chứ không chạy đi đâu được. Thậm chí ngay khi tôi từ chối tôi, đó cũng là tôi. Trong tình trạng khốn khổ nầy, Ðức Chúa trời ban Chúa Cứu Thế đến thế gian để cứu tôi ra. Khi tôi đặt lòng tin vào Ơn Cứu Rỗi của Người, nghĩa là tôi tiếp nhận Ơn Cứu Rỗi của Người cho chính tôi bằng Ðức Tin như Người đã phán dạy, khi ấy Người sẽ làm chết cái tôi tội lỗi của tôi trong sự chết của Con Một Người. Và Người ban sự sống phục sinh của Con Một Người cho tôi được sống với cái tôi mới, đó là cái tôi được tái sinh bởi quyền phép thiên thượng. Nó không phải là cái tôi của hạ giới nữa. Cái tôi thiên thượng sẽ liên tục lấn chiếm các lãnh địa của cái tôi hạ giới đã chết, để dần dần xóa bôi toàn diện vết tích phàm nhân. Tôi được nên thánh để giống Chúa Jesus Christ càng hơn. Cảm tạ Chúa.
Khi tôi Tin Chúa và Tin theo Lời Người, đức tin thúc dục tôi nói lên ý muốn của nó để bày tỏ thái độ mời Người vào lòng tôi để Người làm những điều lớn lao mà lâu nay tôi chưa từng làm được (Giê-rê-mi 3:33). Ðó là Người rửa sạch tội lỗi cho tôi bằng Ơn Tha Thứ trong dòng huyết hy sinh Cứu Chuộc của Con Một Người, Ðấng mà Người đã chuẩn bị cho tôi từ trước khi tôi ra đời trong dòng dõi vốn đã nhiễm và phạm tội. Khi Người hiện diện trong tôi và làm công việc lớn lao mà lâu nay tôi chưa hề làm được ấy, thì tôi không còn là tôi nữa, mà tôi thuộc về Người. Người là Tôi mới trong tôi. Tôi mới nầy làm những công việc mới mà cái tôi cũ đã từng cố gắng nhưng không bao giờ làm được. Trước đây Người vẫn hiện diện, Người vẫn là Người, nhưng vì tôi đã từ chối Người, nên Người ở ngoài tôi và để cho tôi một mình giữa thế giới vốn nhiễm tội lỗi. Khi tôi không tin Người, Người vẫn hiện diện, nhưng thái độ không tin của tôi là thái độ khước từ sự kiện Người bước vào lòng tôi. Vì Người không bắt buộc, không chiếm hữu lòng tôi một cách bất pháp. Người cho tôi tự do tin Người hay tự do từ chối Người, nhưng Người vẫn đứng ngoài cửa mà gõ. Người gõ vì tình yêu của Người đã có sẵn cho tôi. Người gõ cho đến bao giờ tôi bằng lòng mở cửa.
Khi một đứa trẻ mồ côi đã tìm ra người cha, nó vẫn nghi ngờ, vẫn không tin cha nó, nó vẫn dè chừng và nghĩ rằng ông nầy đang âm mưu hãm hại mình hay lợi dụng mình để làm gì đây. Ðứa trẻ không-tin-cha ấy, dù được cha chăm sóc, nó cũng còn mang tâm trạng đứa-trẻ-mồ-côi và tình yêu của cha nó không chảy vào trong tâm hồn nó được; hoặc có chảy vào thì nó cũng làm cho tắt nghẽn mà thôi. Nghĩa là tình yêu của cha nó không thể hòa nhập với nó, vì sự nghi ngờ hay vô tín của nó. Tình yêu chỉ tuôn chảy và tràn dâng khi có sự tin cậy. Dù đứa trẻ mồ côi khao khát tình yêu, nhưng tâm trí và kinh-nghiệm-mồi-côi của nó vẫn tiếp tục ngăn chận tình yêu của cha nó. Khi nó thoát ra khỏi nghi ngờ và kinh nghiệm đó bằng cách quyết định tin và nhận biết Cha mình thật bằng Ðức Tin, thì nó được nằm ngay trong tình yêu của Cha nó (tình yêu nầy lâu nay vẫn có sẵn cho nó, nhưng nó không quan tâm kiếm tìm, nó hư mất mà!) Nay nó quay lòng tiếp nhận lấy tình yêu của người Cha cho chính nó để tình yêu của người Cha vào cư trú trong tim nó và tái tạo nó thành con người mới để mỗi ngày càng trở nên giống ảnh tượng của Người (như tổ tiên nó trước khi phạm tội). Khi ấy nó được sự bình an mới. Nó thoát ra khỏi u tối và tội lỗi, nó cảm thấy yêu mọi người xung quanh, cảm thông họ và gần gũi họ hơn dù nó chưa trải qua thời gian tập rèn gì mấy cả. Nó ngạc nhiên khi thấy tình yêu của cha nó làm cho nó khôn ngoan và hạnh phúc hơn trước đây, khi mà nó còn từ chối Cha mình bằng ý nghĩ nghi ngờ và thái độ tự che giấu nó đối với Người. Ðược tình yêu của Cha rồi, nó lần lượt loại bỏ thói quen cũ để bày tỏ một phong cách của con người mới: phong cách của một Ðứa Con Trong Nhà Cha. Nó có thể khóc vì bị Cha rầy, nó có thể cằng nhằng vì có lỗi với Cha nó, nhưng nó luôn luôn có hạnh phúc và được Cha yêu thương, chăm sóc và dắt dẫn. Khi ấy Ðức Tin mà lúc đầu thúc dục nó đứng dậy mời Cha vào lòng sẽ được lớn lên thêm vì Cha nó xây đắp cho đức tin nầy trở thành Ðức Tin trọn vẹn của Con Ðức Chúa Trời, là cội nguồn gốc rễ trong Chúa Jesus Christ.
Vậy cái tôi cũ của nó đã chết trong tình yêu của Cha nó. Cái tôi cũ mà nó đã từng cố gắng làm cho tốt, đã từng cố gắng tự vun trồng nhưng đã thất bại. Ðến khi cái tôi cũ ấy được đặt trong Con Một của Cha để chết trên thập tự giá và được sống lại với Con Một trong sự phục sinh, thì nó là đứa con thật sự của Cha nó với tờ khế ước mới đã được lập lại. Ðến với thập tự giá là để làm thủ tục khai tử thời gian mồ côi và khai sinh thời gian trở về làm đứa con hợp pháp, để được công xưng là đứa con thật của Cha có đóng dấu ấn Thập Tự Giá Con Một Người. Thập Tự Giá là thủ tục tái lập mối liên hệ cha con cho nó. Thủ tục nầy do Ân Ðiển của Cha đưa ra cho nó để Satan không còn kiện cáo về đời sống lang thang bất pháp của nó ngày xưa nữa. Ngày xưa Cha nó lập luật pháp bắt nó theo, nó cũng không theo cho trọn, nay Cha nó lập thủ tục mới của Người để cho nó tin và nhận bắt tay vào làm thủ tục hợp pháp, vì mọi sự được trọn (do Cha nó đã làm sẵn cho nó rồi). Thủ tục nầy là thủ tục của cha nó đưa ra để nó bắt tay thực hiện với Người. Cha con kết hiệp lại với nhau. Vì khi nó thực hiện với Người thì Satan không dám xen vào chuyện nội bộ của cha con họ. Bao lâu nó còn đứng ngoài thủ tục đó là nó chưa thể nào có tư cách làm đứa con hợp pháp dù trong thực tế cách gì thì nó cũng là con rồi, nhưng cái địa vị làm con để thừa hưởng tình yêu và gia sản thì nó chưa có mà thôi. Vì sao? Vì những đứa con hoang và con hợp pháp vẫn khác nhau trong thực tế của thế gian tăm tối nầy. Phao-lô viết trong thư Cô-lô-se 3:14 rằng Người đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự. Sau khi đã làm xong thủ tục Thập tự Giá với Con Một của Cha, đứa con hư mất được lại quyền và có tư cách ở trong nhà Cha. Nói chuyện với Cha. Xin Cha làm cho mình những gì mình và Cha mình muốn làm với nhau. Nó không còn mặc cảm tội lỗi, không còn sợ cha trách phạt nữa mà lại được cha sửa chữa dắt dìu, khích lệ luôn. Nó cũng học tập để từng bước làm quen, để thích nghi với cách sống mới trong nhà Cha nó. Chắc chắn phải đến lúc đó đứa con nầy thấy ra chân lý của Lời mà Cha nó đã rao chứ không cần ai giải thích thêm nữa: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá của Ðấng Christ, mà tôi sống, không phải tôi sống nữa, nhưng Ðấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong Ðức Tin Con Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Người vì tôi” (Ga-la-ti 2:20). Dần dần, đứa trẻ ấy biết phân biệt được điều tốt lành trong hồng ân của Cha nó, biết được giá trị của sự hy sinh mà Cha nó đã làm trên Con Một Người. Sự hy sinh nầy là Hồng Ân trọn vẹn mua chuộc nó về từ trong bơ vơ tối tăm lầm lẫn. Nó sống với một tập thể anh chị em trong Nhà Cha như từ Một Thân Thể của Cha mà ra và nó biết phân biệt ai là những đứa con mà Cha nó mong đợi. Nó không phân biệt giáo phái như những người tự xây dựng “Cha” trong các tôn giáo của họ. Nhưng nó biết ngôi nhà của Cha nó có nhiều chỗ ở, có nhiều ngăn nắp khác nhau rất phong phú. Thế là nó tiếp tục nói thêm: “Tôi không muốn làm cho Ân Ðiển Ðức Chúa Trời ra vô ích, vì nếu bởi luật pháp mà được sự công bình, thì Ðấng Christ chịu chết là vô ích” (Ga-la-ti 2:21). Khi ấy nó chứng minh cho bất cứ ai biết rằng sự ích lợi và kết quả sau khi làm xong thủ tục Thập Tự Giá là một đời sống vui mừng, đắc thắng, yêu thương, bình an, nhịn nhục, nhân từ, mềm mại, vị tha và luôn luôn hạnh phúc bằng chính tư cách và đời sống mới của nó dù khi đó nó còn đi qua khó khăn thử thách va chạm với cuộc đời tạm bợ nầy.
Sự khôn ngoan và lý lẽ của loài người vẫn còn tiếp tục làm cho thế giới đảo điên, nhưng tình yêu và sự sống của Thiên Chúa làm cho con người tìm lại hòa bình. Tình trạng hòa bình nầy được bắt đầu từng cá nhân một khi người ấy thật sự đến với Chúa. Ðây là hai thực tế trong một thế giới và là hai thực tại trong một con người mà tôi rất muốn nói lên.