Xin kể lại chuyện cũ của tôi sau đây để quý độc giả thấy tại sao hôm nay tôi vui mừng trong khi ngày trước tôi lại lăn lộn giữa cuộc chết chóc phù vân. Mỗi khi hồi tưởng đời mình, tôi nhận ra mình đã có ý định tự sát từ khi còn bé và không ngờ mình cả gan muốn chết. Lần đầu khi mới lên 11 tuổi, tôi bị mẹ đánh về tội ăn vụng. Cảm thấy xấu hỗ, tôi đã trầm mình dưới bàu sen để tự tử, nhưng lúc đó nước cạn quá, sau mỗi lần hụp xuống đều phải trồi đầu lên vì ngộp thở không thể chịu được! Một người đàn ông trong làng thấy thằng bé con ai hụp lặn một mình có thể chết nước, bèn xuống lôi cổ tôi lên. Hóa ra ông là người chú họ của tôi. Ông phết cho tôi vài phết và đưa về nhà.
Phật Giáo bắt đầu truyền về làng sau vụ tự tử hụt của tôi. Tôi chăm chỉ học kinh học kệ để trở thành một em oanh vũ đội trưởng trong đoàn thể Gia Ðình Phật Tử Cổ Lũy. Càng thuộc kinh bao nhiêu tôi càng được gia đình yêu mến, và đó cũng là động cơ thúc đẩy tôi đi tu theo Ðức Thích Ca sau khi tôi đọc tiểu sử của người.
Thần tượng tuổi thơ của tôi không phải Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Trãi hay là Quang Trung, nhưng là thái tử Tất Ðạt Ða, một thanh niên tuấn tú ưu sầu áo não vì thấy cuộc đời đau khổ mà lòng buồn rười rượi, cương quyết từ bỏ vua cha đi tìm chân lý giải thoát cho mình trước và cho nhân loại sau. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn thuộc lòng nhiều câu trích dẫn ý và lời của thái tử Tất Ðạt Ða trong quyển Ánh Ðạo Vàng của Võ Ðình Cường như: Hỡi nhân loại đang quằn quại đau thương, hỡi cõi đời sầu khổ, vì các ngươi mà ta đành bỏ tuổi măng tơ, bỏ ngôi báu, bỏ những ngày vàng và đêm ngọc... Hỡi phụ vương, hiền thê, bào nhi và xã tắc, ta không muốn tắm bánh xe trong máu đào để rồi lưu lại hậu thế những kỷ niệm đỏ gớm ghê, lòng từ bi của ta là muốn xòa nhòa những kỷ niệm ấy. Ðây là những câu văn réo rắt trong tâm hồn thơ ấu của tôi.
Tuổi thơ của tôi có những buổi sáng đi học trường làng, có những buổi chiều đi chăn trâu. Ngồi trên lưng trâu vừa đọc vừa khóc; tôi cảm động vô cùng vì những hình ảnh tuyệt vời của con người thiết tha đi tìm chân lý giải thoát cho nhân loại. Ðó là thái tử Tất Ðạt Ða, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia thành Ca Tỳ La Vệ. Ðơn giản chỉ có thế mà đã đưa cuộc đời tôi vào cuộc đổi áo thay quần, gian truân nội tại, bại hoại cuồng mê, tái tê lòng dạ, băng giá linh hồn, vong tồn thế sự, đảo tứ tam điên, triền miên rắm rối, sớm tối đăm đăm, khuya rằm sáng lễ, chẳng trễ bao phen, sách đèn lận đận, vương vấn trần lao, đón chào trần lụy, mục thị phù du, vi vu đáo để, bất kể lạ quen... Cho đến lúc tôi được gặp Chúa Jesus Christ mới thấy con đường Người dành sẵn cho mình quả là kỳ diệu mênh mông, hương nồng thánh ái, thư thái an bình, ân tình vô lượng, sung sướng vô cùng.
Lần tự tử thứ hai khi tôi lên 15 tuổi đang tu tại chùa Hải Hội dốc Bến Ngự. Sau khi vào tu được vài năm, tôi có những kỷ niệm vui và buồn tại chùa Hải Hội. Vui vì tôi siêng năng làm việc, được chùa yêu mến tin dùng cho tôi lau bàn, quét bụi am miễu chùa chiền, học kinh học kệ. Buồn là vì tôi bị giằng xé giữa hai người bề trên. Hòa thượng chùa Hải Ðức vốn là bổn sư của bà Ðạo Cô (chủ chùa Hải Hội). Khi nghe tôi là chú tiểu ngoan từ chùa Kim Quang được đưa lên Hải Hội, người đã ra lệnh cho bà Ðạo Cô bàn giao tôi cho chùa Hải Ðức của người. Ðơn giản là Hòa Thượng Hải Ðức muốn tôi về chùa Hải Ðức để hầu người. Còn bà Ðạo Cô muốn giữ tôi lại trong chùa Hải Hội để làm việc. Tôi không dám cãi lời ai cả. Dù hòa thượng gọi lên, dù Ðạo Cô giữ lại, tôi chỉ biết cúi đầu dạ dạ vâng vâng. Tôi chán nản mỗi khi nghe người ta nói xấu nhau cho mình biết.
Những ngày đó tôi chơi thân với một em gái tên là Vân. Em là trẻ mồ côi không cha mẹ, được ông bà Thông (hai vợ chồng không con) nhận làm con nuôi. Bà Thông là chị ruột của bà Ðạo Cô. Vân lúc đó chừng 11-12 tuổi, rất thích ngủ trưa trên giường tôi. Vân nhờ tôi cất những hạt cườm xanh xanh tím tím. Vân vén áo cho tôi xem những vết bầm tươm máu do cán chỗi lông gà của bà Thông quất ngang lưng. Tôi lấy dầu Nhị Thiên Ðường thoa lên và đắp mền cho Vân ngủ. Một hôm nọ trong khi Vân đang nằm gác chân ca hát trên giường tôi, tôi đã ôm Vân hôn một cái và nói tao thương mày lắm. Không ngờ Vân chạy ra méc với bà Thông. Bà Thông la lên cho cả chùa nghe là chú Uỹ mần bậy bạ với con gái bà. Tôi bị chùa xử như một người phạm tội lỗi xấu xa nhất. Không có một sự xấu hỗ nào lớn lao kinh khủng như thế đối với tôi. Thế là tôi đã quyết định tự tử. Chùa lúc nào cũng đông người, không có chỗ kín để thắt cổ, tôi bèn lên bàn Phật khẩn nguyện để tìm cách chết. Thế nhưng sau mấy ngày điên đảo, tôi vẫn sống bình thường. Và mọi việc cũng qua đi không bao lâu sau đó.
Câu chuyện lần tự tử thứ ba của tôi hơi dài dòng và rắc rối. Một hôm tôi được Chùa Hải Hội cho phép về Quảng Trị thăm gia đình. Mẹ tôi vui lắm; bà đã nấu cháo gà cho tôi ăn. Tôi không chịu ăn mà còn rầy la mẹ mình, vì nếu mình ăn cháo gà, thì tôi sẽ ăn nói làm sao với nhà chùa sau đó? Nếu không ăn thì mẹ buồn. Tôi tranh chiến một hồi rồi đổ lỗi cho mẹ tôi là quấy rối sự tu hành của tôi. Mẹ tôi khóc, tôi cũng khóc. Càng yêu mẹ, tôi càng giận mẹ. Tôi vùng vằng bỏ nhà vô chùa Hải Hội.
Lúc đầu tôi chỉ định xách gói ra đi để làm nư với mẹ thôi. Thế mà tôi đã đi bộ luôn một lượt 7 km đường quê. Khi ra đến chợ Diên Sanh tôi nghe người lơ xe hỏi: Ai đi Huế lên xe. Chính hai chân tôi đã quyết định thay tôi để lên xe đi Huế! Sau đó mấy tháng, có lẽ mẹ tôi lo quá nên đi tìm thăm tôi. Bà vào tới chùa là đã xỉu vì bị say xe. Tôi lại cằng nhằn la rầy mẹ nữa vì đôi lúc tôi phải bỏ công việc nhà chùa để lo cho mẹ và còn bị nhà chùa rầy la chuyện nầy chuyện nọ. Thế là tôi mong mẹ tôi khỏe để bà về, vì quy luật và công việc nhà chùa không thuận tiện để cho tôi chăm sóc mẹ tôi lâu. Mẹ tôi buồn lắm. Bà trở bịnh. Tôi chăm sóc bà cho đến khi khỏe mạnh, bà về lại Quảng Trị và bị bịnh tiếp. Tôi phải về quê săn sóc mẹ. Mẹ tôi biểu: con tụng kinh cho mẹ nghe đi, nhưng tôi mắc cỡ, vì nghĩ rằng tụng kinh gì mà không có bàn thờ Phật. Phật không nghe mà chỉ một mình mẹ nghe thì kỳ cục quá. Mẹ có phải là Phật đâu!
Ðó là tâm tình của chú tiểu đi tìm chân lý lúc 15 tuổi, chỉ ở chùa làm việc và học kinh tụng, học thuộc lòng thần chú chứ chẳng có ai dạy đạo cho. Sau mấy ngày mẹ tôi bịnh nặng. Người y tá thôn quê cho một toa thuốc, nhưng gia đình tôi không có tiền để mua thuốc. Tôi trở vào chùa mượn tiền. Bà Ðạo Cô bảo tôi đi đòi nợ, nếu đòi được nợ thì sẽ có tiền mua thuốc cho mẹ. Tôi phải đi từ Huế xuống làng Truồi để gặp một vị Ðại Ðức tên là Thích Chánh Nhàn. Thích Chánh Nhàn bảo không có tiền, tôi đành về tay không. Ðến ngày hôm sau tôi mượn được tiền của một bà tín đồ tên là bà Tham Hoặc ở tận Tây Lộc. Khi đem thuốc về tới nhà thì trời đã tối đen. Tôi thấy nhà tôi đầy người. Mẹ tôi đã qua đời. Kể từ đó, tôi tụng kinh cho mẹ đến khan cả cổ họng. Thật ra tôi đã tụng kinh cho tôi thì đúng hơn, vì tôi ân hận quá. Tôi tụng kinh như gào lên thay tiếng khóc. Ai cũng cho rằng tôi là đứa con có hiếu, vì chăm chỉ tụng kinh cho mẹ. Nhưng tôi biết mình là đứa con bất hiếu. Sau tang lễ, tôi trở lại chùa Hải Hội Huế với bộ đồ tang trên người mà thật tình tôi không để ý là mình đang mặc bộ đồ tang. Khi vào tới chùa, tôi bị ông chủ tự, chồng của bà Ðạo Cô đuổi ra khỏi chùa ngay tức khắc vì lý do tôi mặc bộ đồ tang. Tôi rất ngạc nhiên, và cảm thấy mình bị thương tổn. Tôi đã phản đối ông chủ tự. Nhưng ông giải thích rằng:
- Chú mặc áo tang vào chùa là đem sự xui xẻo đến cho nhà chùa.
- Thế thì lâu nay tôi tụng kinh cho các gia đình có tang, họ mặc áo tang đến chùa, họ trả tiền cho nhà chùa, vậy tại sao không ai nói xui xẻo?
- Chú nầy bướng bỉnh. Người ta mặc áo tang đến chùa làm lễ xong rồi về, còn chú mặc áo tang vào ở trong chùa luôn. Như vậy là đem sự xui xẻo vào chùa. Hiểu chưa?
- Thưa ông, Kinh nào dạy thế?
(Tôi hay nêu thắc mắc cho người lớn với câu “Kinh nào dạy thế” làm cho họ rất bực. Cái thói quen nầy càng lớn lên theo tôi. Tôi lại khoái đọc Kinh Na Tiên Tỳ Kheo và đọc Socrate chỉ vì trong đó có nhiều câu hỏi đáp rất hay. Có lần tôi trốn lên đồi Từ Hiếu, leo lên một cái tháp ngồi đọc kinh Na Tiên Tỳ Kheo để thưởng thức những câu hỏi của một ông đạo sỹ đặt ra cho một vua. Những câu hỏi rất đơn giản và ngộ nghĩnh, nhưng không hiểu sao lại được xem là cao siêu đến độ trở thành một quyển Kinh Tụng và nghiên cứu hàng ngàn năm. )
Ông chủ tự không chứng minh được “kinh nào dạy thế” nên nổi giận đùng đùng:
- Chú nầy ngang bướng, dám hỏi xóc óc cả người lớn!
Một cuộc cãi vã đã xẩy ra trong chùa giữa những người lớn với đứa con nít đang để tang. Tôi thua! Vì ai cũng cho rằng “chú nầy ngang bướng, dám hỏi ông chủ tự kinh nào dạy thế”. Tôi bị bắt buộc phải trở ra ngoài cổng tam quan cởi áo tang và mặc áo cà sa lên người mới được vào chùa. Khi đứng tại cổng tam quan để cởi áo tang, tôi nhớ ra mấy tháng trước mẹ tôi vào chùa thăm tôi và xỉu ở đó. Tôi bắt đầu suy nghĩ về mẹ và những lỗi lầm của mình đối với mẹ. Càng giận mình, tôi càng khinh những người lãnh đạo trong chùa. Càng khinh họ, tôi càng ân hận vì mình đã đối xử tệ với mẹ mình. Ðây là thời kỳ tôi muốn tự sát cao nhất, vì tôi chỉ nghĩ về mẹ và muốn tìm cách gặp mẹ tôi để được nói lời xin lỗi. Tuổi thơ dại dột, dù muốn chết mà không biết làm cách nào cho mình chết được cả. Tôi cứ loay quay tìm cách chết trong chùa. Mỗi khi nhà chùa có việc, tôi được sai đi đâu là tôi quên chuyện tự tử.
Trong tôi thành hình một tâm tình chán nản và oán trách đối với ngôi chùa Hải Hội. Khi lòng kính trọng đối với nhà chùa đã mất dần, tôi quyết chí tụng kinh nhiều hơn bình thường để tránh giáp mặt với mọi người trong chùa. Ðôi lúc tôi lợi dụng những cơ hội được ra ngoài để đi chơi. Có một lần chùa sai tôi ra phố mua bút lông và mực tàu để viết sớ cúng vong cho phật tử, tôi đã đạp xe thẳng xuống Bao Vinh, đi dọc bờ sông Hương để xem ghe thuyền. Khi về gần tới Chùa tôi mới sực nhớ ra là mình chưa mua mực và bút cho thầy. Lúc đó trời gần tối, tôi quay lại phố Trần Hưng Ðạo để mua, nhưng gặp ông chủ tự, chồng của bà Ðạo Cô cũng đang mua bút mực trong một nhà sách. Ông hỏi tôi: “Chú đi đâu cả buổi chiều bây giờ mới vào đây mua bút mực?” Thế là tôi lúng túng xanh mặt xanh mày. Nhưng tôi không xin lỗi mà cứ im lặng đạp xe về chùa một cách bất cần như không có gì xẩy ra.
Một lần khác cũng tại chùa Hải Hội, mọi người tri hô mất một quả bồng đầy cam quýt trên bàn thờ Quan Thánh Ðế Quân. Trái cây để cúng, nhưng bị mất là một chuyện thường, vì chú tiểu nào đói bụng cũng quen thói ăn vụng trái cây trên bàn thờ. Nhưng lần nầy tôi bị nghi oan. Hôm ấy tôi không ăn cắp mâm trái cây đó, nhưng tôi biết ai đã ăn cắp. Thay vì phải minh oan, tôi cứ để cho người ta nghi oan mình và tìm cách chọc tức họ. Không ngờ lúc đó có một vị thánh tên là “Ðức Bà” nhập về trên xác Ðạo Cô và tuyên bố rằng “chú Uỹ đã ăn cắp đồ cúng, nếu không sám hối thì bị Ðức Bà chôn hồn sâu bảy thước”.
Chùa Hải Hội là chùa lên đồng chữa bịnh. Mỗi khi “các vị thánh” nhập cốt đồng giáng trần thì ai nấy cúng bái lạy lục để xin bùa xin phép. Tôi cũng thế. Nhưng hôm nay người hiện về để kết tội tôi ăn cắp trái cây. Tôi biết người nói sai, nhưng lòng vẫn tin rằng chắc người sẽ giết oan mình. Thế là tôi cố tình không sám hối để được người giết cho khỏi mất công tự tử. Nhu cầu của tôi lúc đó là được chết để xin lỗi mẹ mình. Tôi cố tình tỏ ra ngang bướng để dùng quyền năng Ðức Bà tìm cái chết thử xem sao. Ngờ đâu Ðức Bà không có quyền năng gì cả. Cả chùa lo sợ Ðức Bà gieo bịnh cho tôi, hoặc làm cho tôi hộc máu chết ngay tại chỗ. Riêng tôi không còn tử tế với các vị “thánh” ấy nữa. Thế mà tôi vẫn sống an toàn, chẳng hề bị Ðức Bà cho chiêm bao dẫn về âm phủ như lời “thánh truyền” lúc bà nhập đồng cốt. Bao nhiêu người năn nỉ tôi xin lỗi và sám hối Ðức Bà, nhưng tôi nhất quyết không là không. Người ta không hiểu tôi giở trò gì. Hầu như ai cũng nói tôi bị loạn trí. Những bà Tham Hoặc, bà Tham Nghi, bà Nghè, bà Phủ đều muốn bỏ tiền ra xin cho tôi một lễ chuộc hồn. Họ làm cho tôi chán nản hết chỗ nói. Có một người nói rằng Ðức Bà sẽ thư đá và tóc vụn vào trong bụng tôi. Nhưng tôi không bị đau bụng, không nhức đầu, không mất trí, không mất hồn... như người ta chờ đợi. Từ đó tôi nghĩ rằng lên đồng là giả đò. Tôi bắt đầu để tâm quan sát từng người lên đồng để xem họ linh thiêng chỗ nào. Ðây là một cuộc nghiên cứu lâu dài của tôi.
Chỉ mấy năm sau, sau một cuộc thưa kiện bên gia đình chồng bà Ðạo Cô, ngôi chùa Hải Hội được thay đổi bảng hiệu: Từ Ðường Phan Tộc. Bà Ðạo Cô dời vào Long Khánh và đã tạo thêm một thời vang bóng lên đồng chữa bịnh tại đây.
Năm 1996, tôi đến Long Khánh Gia Kiệm- Bình Lộc, nơi có ngôi Chùa Linh Sơn. Bà Ðạo Cô vào ở đây suốt mấy chục năm và vẫn lên đồng thuyết pháp. Bà đã trở thành Ni Trưởng cai quản cả chục ngôi chùa khác trong vùng Dầu Giây, Tân Phong, Dốc 97, Suối Tre, Gia Kiệm, Phương Lâm, ấp Kinh Tế Mới 25... Bà vẫn tiếp tục thuyết pháp, chữa bịnh, coi tướng, bấm quẻ, giải xăm.
Tôn giáo là những thứ được dùng để lừa phỉnh con người dễ dàng nhất. Sự thiêng liêng không ai thấy được, nhưng nhiều người muốn tin. Khi đã tin thì người ta nghĩ rằng chẳng ai dám buôn thần bán thánh để làm gì. Kẻ buôn thần bán thánh nắm được cái chìa khóa tâm lý đó để kiếm sống.
Tôi đã thí mạng cùi để đi tìm chân lý, nhưng cũng chỉ khám phá được một số vấn đề tôn giáo và hiểu được sự nhầm lẫn kinh khủng giữa thiêng liêng và phàm tục. Nhưng sau cùng Ðức Chúa Trời đã biết tâm tư khờ dại của tôi. Người đã chuẩn bị sẵn cho tôi một con đường trong Ơn Cứu Rỗi của Chúa Cứu Thế Jesus Christ. Cám ơn Chúa. Người là Ðấng chân thật, yêu thương, tha thứ và đầy quyền năng. Chỉ có Thượng Ðế là Ðấng nhìn thấy thấu suốt tận cùng mọi ngõ ngách tâm tư ý tưởng của con người dù con người có đi theo Người hay không. Khi tôi đọc Kinh Thánh, dù đã cảm nhận được chân lý trong Lời Người, nhưng tôi cũng thử Người mà cầu nguyện. Nếu tôi cầu nguyện mà không có kết quả thì chắc chắn tôi cũng không dám tin Người đâu. Bây giờ tôi biết Ðức Chúa Trời là Ðấng nhịn nhục đối với tôi như thế nào. Tôi đã nếm trải ơn tha tội, quyền năng tái sinh và sự dắt dẫn của Ðức Thánh Linh. Bây giờ tôi thấy rằng không tin Chúa mới là việc khó làm. Có thể tôi còn yếu đuối, còn dễ bị té ngã, nhưng không vì thế mà tình yêu Thiên Chúa xa cách tôi. Khi tôi bằng lòng bước đi trong tình yêu và ơn khải thị của Người, tôi được thêm sức lực và niềm vui.
Tin Chúa là điều tự nhiên như một em bé được cha mẹ bồng ẳm thương yêu chẳng bao giờ nghĩ rằng mình phải tin cha mẹ hay là không tin cha mẹ. Ngay cả một em bé mồ côi từ khi mới lọt lòng mẹ, nếu được cha mẹ nuôi chăm sóc thương yêu, nó cũng tin họ là cha mẹ mình. Ðối với tấm lòng của một đứa bé, dù tin hay không tin thì cha mẹ vẫn là cha mẹ của mình. Dĩ nhiên khi còn bé, đứa trẻ cũng không cần định nghĩa cha mẹ là gì, bởi vì cha mẹ là tất cả của nó rồi dù nó chưa hiểu hết. Ðức Tin trong Chúa, như tấm lòng của đứa trẻ đối với cha mẹ, vượt lên trên cả lý trí mà có khi đó chỉ là sự cố gắng định nghĩa một cách dại dột. Tuy đứa trẻ được cha mẹ thương yêu săn sóc, nhưng cũng có khi nó bị cha mẹ phết roi vào đít. Khi ấy nó vẫn úp mặt vào lòng mẹ để khóc. Nó cằng nhằng đôi chút rồi cũng ôm lấy mẹ cha để tận hưởng tình yêu mà không thắc mắc đắn đo. Chỉ có Ðức Chúa Trời là Ðấng dựng nên con người nên Người hiểu con người và ban cho họ Ðức Tin như con trẻ. Ðối với Ðức Chúa Trời, con người mình còn ngu ngơ hơn cả một đứa trẻ trong tay cha mẹ. Người đã phán trong Kinh Thánh nhiều lần “Hãy tin, đừng sợ, vì ta là Ðức Chúa Trời của ngươi”. Bởi thế, khi Chúa Jesus giảng, Người lấy hình ảnh đứa trẻ để dắt chúng ta vào Ðức Tin của Người. Ðức Tin là một thực tế. Nó là một thế giới trọn vẹn để tình yêu và quyền năng thiêng liêng của Ðức Chúa Trời chứa chan và phát tỏa. Ðức tin là nơi yên nghỉ thâm sâu vô lượng cho bất cứ tâm hồn nào đã biết mệt mỏi, đã biết sự vu vơ hão huyền của thế giới phù du.
Con người không thể tạo ra cho mình một đức tin, nhưng con người có thể tiếp nhận Ðức Tin của Ðấng tạo ra con người. Một hôm nào đó, con người tưởng mình có thể làm ra đức tin cho mình, nhưng bất cứ cái gì con người làm ra được đều bị nhàm chán và họ tìm mọi cách tạo ra cái khác mới hơn. Vì biết con người hư hỏng như thế nên Thượng Ðế đã chuẩn bị cho họ Ðức Tin của Người. Khi con người tiếp nhận Ðức Tin của Thiên Chúa, y vừa thấy mình tin và thấy mình được ban cho Ðức Tin, một Ðức Tin luôn luôn mới mẻ, mầu nhiệm, ngạc nhiên, hứng khởi, bình an, vui mừng, thanh thản, nhân từ và khỏe mạnh... Ðức Tin ấy có đủ tình yêu và tha thứ, có đủ sự giải thoát và yên nghỉ để cho người ấy có thể yêu được kẻ thù nghịch. Ðồng thời người ấy khám phá ra rằng mình vốn rất ghét kẻ thù nghịch, nhưng Ðấng đã ban Ðức Tin cho mình có thể thay đổi được bản chất hận thù, nghi ngại của mình để thế vào đây bản chất yêu thương tin cậy. Chẳng những Người yêu kẻ thù của chúng ta như Người đã yêu chúng ta, Người còn muốn chúng ta đem tình yêu đến cho kẻ thù của chúng ta nữa, vì Người muốn chúng ta bày tỏ bản chất yêu thương của Người cho thế gian nầy.
Nếu con người từ chối Ðức Tin của Thượng Ðế, họ phải tự mang lấy đủ thứ gánh nặng tốt xấu hư huyễn trong đời sống ngắn ngủi phù du của họ một cách mù mờ lẩn quẩn, không thể nào yên nghỉ được. Khi đã nhận đức tin, tâm linh mình tin Chúa như phổi mình thở, như tim mình đập, như dòng máu chạy quanh đi về nuôi sống châu thân với cả một hệ thống diệu kỳ mà lý trí con người không cần tham dự vào làm chi nữa. Ðức tin là nơi linh hồn người yên nghỉ, là chỗ để lòng mình vui mừng tạ ơn Chúa khi đi đường, khi hít thở không khí trong lành, khi nhìn một đóa hoa, khi ăn một miếng trái cây, khi hiểu thêm thiên nhiên vạn vật do Người dựng nên cho mình, cũng như khi nhìn đứa trẻ ngây thơ trong trắng trong lòng mẹ nó và ngay cả khi tai họa ấp đến cho mình, mình vẫn có đức tin của Chúa để nhờ Người soi sáng giải quyết, học hỏi biết bao ích lợi diệu kỳ trên đống ngổn ngang. Ðiều Chúa đem đến cho con người luôn luôn là điều vĩnh cửu.
Ðức tin không có thời gian, không có tuổi tác. Ðức tin không bao giờ cũ. Ðức tin là nơi chốn để Ðức Chúa Trời đặt tình yêu thương của Người vào cho chúng ta, để chúng ta chuyên chở tình yêu của Người đến cho nhân loại. Nhờ đó mà loài người bỏ được hận thù, tội ác để trở thành người tín đồ Ðấng Christ giữa thế giới nầy. Nếu không có Ðức Tin của Chúa Cứu Thế, cuộc đời của tôi hoàn toàn bế tắc, vô nghĩa. Bởi thế tôi không thích nghiên cứu tôn giáo nữa, chỉ dành thì giờ để sống và làm chứng về ân điễn của Thiên Chúa. Ơn Cứu Rỗi của Chúa Jesus đến trong tâm hồn và thân thể của tôi, để tôi mặc lấy con người mới của Người và để cho con người phàm phu tội lỗi chết đi. Tình yêu thương, sự bình an, trí hiểu biết, lòng tin cậy, tâm tính đổi thay, bổn tánh nhân đức của Người tăng trưởng trong tôi mỗi ngày. Không có một giáo lý nào, không có một tôn giáo nào, không có một triết học nào làm cho tôi nếm trải sự sống như sự sống phục sinh của Chúa Jesus Christ. Chân lý của Người bày tỏ cho tôi biết mình là ai, từ đâu đến, đã làm gì, sẽ đi về đâu từ thế giới hôm nay. Tôi không hiểu biết bằng khả năng khoa học, triết học, thần học, nhưng tôi biết chắc bằng Ðức Tin. Bằng Ðức Tin, tôi có thể khám phá và sử dụng khả năng hạn hẹp của khoa học và tư tưởng của nhân loại một cách có ích lợi và hài hòa hơn. Cõi phù du nầy vẫn là một nơi phước hạnh nếu mình đến với Chân lý của sự sống trong Thiên Chúa. Bây giờ tôi xem những áng văn chương triết lý mà thấy tội nghiệp cho các nhà triết học. Họ phân tích, tổng hợp những lý thuyết suông để đạt đến hư không huyễn mộng. Thánh Phao Lô là một nhà thông thái vào bậc nhất của Do Thái Giáo, nhưng khi nhận được Ðức Tin và Tình Yêu của Ðấng Christ, ông nhìn nhận rằng mọi tri thức và quyền lợi giữa thế gian thảy đều bị coi như là rơm rác (Phi-líp 3:8).
Sau khi chán nản ngôi chùa Hải Hội, ngôi chùa lên đồng ở dốc Bến Ngự, năm 1962 tôi tìm cách liên lạc với vị thầy đầu tiên mà tôi gặp ở quê để xin người nhận tôi tu học. Người đã nhận tôi và cho tôi ở chùa Quảng Trị. Ðây là vị thầy đã đặt tên cho tôi là Huệ Nhật. Tôi xem thầy như cha đẻ. Tình yêu của tôi dâng lên thầy hoàn toàn tự nhiên. Ngày nay thầy tôi còn sống ở chùa Kim Tiên Huế. Người cũng còn yêu tôi dù hôm nay tôi đã tin Chúa. Thầy là người cha thứ hai của tôi cùng tuổi với bố tôi. Tôi đã nói cho thầy tôi nghe về lẽ đạo trong Ơn Cứu Rỗi, và thầy tôi đã không phản đối gì cả. Người yêu tôi như khi tôi còn nhỏ hầu hạ người. Nhiều lần tôi trở về thăm thầy. Thầy tôi bảo “Huệ Nhật vào lễ Phật đi. “ Tôi đáp lại: “Thưa thầy, các tượng xi măng, đồng, gỗ trong đó do tay người ta làm ra chứ không phải là Phật thiệt đâu. Kinh Thánh dạy rằng ai lạy lục các hình tượng vô tri đó thì sẽ giống như vậy. “ Thầy trò chúng tôi uống trà đàm đạo thân tình.