Mùa hè năm 1963, sau vụ 8 em phật tử bị sát hại tại đài phát thanh Huế, tôi được đại đức Thích Ðức Minh, hội trưởng Hội Phật Học Khánh Hòa đưa vào Phật học Viện Nha Trang. Thời gian nầy là cao điểm đấu tranh chống chính phủ Ngô Ðình Diệm. Thích Ðức Minh cho tôi ở tại Chùa Phật Học (là văn phòng hành chánh của Hội Phật Học Khánh Hòa). Nơi đây tôi có một người bạn mới tên là Võ Ngọc Minh. Ban ngày chúng tôi cùng tham gia biểu tình, ban đêm Võ Ngọc Minh dạy võ cho tôi.
Sa Di Võ Ngọc Minh là thị giả của thầy Thích Ðổng Minh, là người đầu tiên mà tôi bày tỏ ý muốn tự thiêu. Chỉ vài hôm sau đó, tôi được đưa đi Sai Gòn với hai thầy Phước Ðường và Phi Văn. Hai thầy nầy ở bên Phật Học Viện Nha Trang (nơi đào tạo tăng tài). Tôi ở bên Chùa Phật Học. Hai cơ sở Phật Học Viện và Chùa Phật Học gần nhau trên ngọn đồi Phương Sơn. Tôi chưa từng quen biết thầy Phước Ðường và Ðại Ðức Phi Văn, nhưng trên chuyến bay Hàng Không Việt Nam, cả ba anh em chúng tôi cảm thấy thân tình với nhau mà không ai cần nói với ai một lời. Khi vào tới chùa Xá Lợi, chúng tôi ở chung một phòng. Ăn chung, ngủ chung, tụng kinh riêng. Ba người chia thì giờ tụng kinh theo kế hoạch riêng của mình tại chùa Xá Lợi. Ngày nào người ta cũng tụ tập đông đúc. Chùa tổ chức lễ cầu an, cầu siêu hằng đêm. Chúng tôi chỉ tụng kinh vào ban ngày hoặc giờ khuya trước sau nửa đêm. Ngoài thì giờ tụng kinh, chúng tôi chờ đợi tự thiêu một cách mệt mỏi. Ai cũng trông cái chết của mình được xẩy ra sớm nhất, không ai nói chuyện với ai. Có khi ba người như một người, vì cùng chung một tâm trạng chờ chết. Có khi ba người như ba thế giới khác nhau, không ai biết ai nghĩ gì, không ai hỏi han ai một chuyện gì cả.
Ðây là một tâm trạng khó hiểu, vì cả ba người đều tình nguyện tự thiêu, đều chờ được chết, và không có gì để nói với nhau cả. Ngược lại năm 1976 và 1977, lúc tôi bị cộng sản giam trong xà lim, đêm đêm các anh tử tù hay trao đổi với nhau nhiều chuyện riêng tư mà tôi nghe lóm được thật là tội nghiệp. Họ nhắc tới vợ con, cha mẹ, tới những kỷ niệm tuổi thơ. Họ nói lên những thèm khát tầm thường nhất, đơn giản nhất vì biết mình sắp xa lìa tất cả. Bây giờ tôi chợt nghĩ rằng nếu một người có tội, bị kết án tử hình, nhưng quay về ăn năn với Thiên Chúa, chắc chắn sẽ được Chúa tha thứ và ban cho sự bình an để phần xác dù chết nhưng linh hồn còn lại trong phước hạnh. Hơn thế nữa, một người có thể bị kết án oan mà đem lòng đến với Chúa, có thể tìm thấy ý nghĩa của án oan và có thể bình an tha thứ cho kẻ kết án sai lầm trước khi chết. Khi tâm linh con người dừng lại trong Ðức Tin Con Ðức Chúa Trời, không có một điều chi uẩn khúc mà không giải bày được. Trong Ðức Chúa Trời không có gì oan nghiệt cả. Mọi ngang trái phù du thuộc về con người hữu hạn sẽ biến mất khi sự sáng của Thiên Chúa soi rọi vào. Giống như thánh Ê-Tiên bị ném đá khi đang giảng đạo, Ê-Tiên đã trút hơi thở trong ánh sáng và tình yêu của Thiên Chúa. Ông đã từ bỏ cõi phù du hư hoại để bước vào thế giới vĩnh hằng một cách thanh bình yêu dấu thứ tha. Trong Ðức Tin Thiên Chúa, điều oan trái cũng trở thành phước.
Vào giữa tháng 7/1963, trong một cuộc mít-tin đông đúc, thầy Giác Ðức đứng trên mui xe diễn thuyết ngay trước chùa Xá Lợi. Bốn người tình nguyện tự thiêu đã sẵn sàng, chỉ chờ cuộc mít tin bị đàn áp là ngọn lửa tự thiêu được đốt lên. Tăng ni Phật tử đông nghẹt cả đoạn đường Bà Huyện Thanh Quan. Ðồng bào tụ tập tràn ra tới đường Phan Thanh Giản, bọc lui phía sau đường Ngô Thời Nhiệm. Cảnh sát bao vây bên ngoài nhưng không đàn áp, do đó ban tổ chức tự thiêu không cho chúng tôi thực hiện đổ xăng châm lửa. Sau khi cuộc mít tin chấm dứt, sư bà Diệu Huệ đã phàn nàn vì mất cơ hội được chết.
Tôi nhớ rõ tâm trạng của người tình nguyện tự thiêu là không muốn kéo dài sự chờ đợi. Những cuộc biểu tình ồn ào kích động nhất là lúc người tự thiêu muốn được chết nhất. Trong khi đó, ban tổ chức biểu tình luôn luôn muốn người tự thiêu phải kiên nhẫn và bình tỉnh tuân theo kế hoạch của họ để ngọn lửa đốt lên đúng lúc, đúng địa điểm mới gây được tiếng vang. Tôi có cảm giác khó chịu, và ý muốn tự thiêu giảm dần vì sự chờ đợi nầy. Phía sau cuộc mít tin tại chùa Xá Lợi hôm đó, nhiều người trong ban tổ chức đã có những ý kiến khác nhau về việc thiêu hay không thiêu. Tôi đã nghe được những lời bàn của họ, nhưng không nói lại với Phi Văn và Phước Ðường. Tôi chỉ biết rằng bản thân mình không bao giờ được chọn trước, “may mắn lắm” thì được đóng vai phòng hờ. Bao giờ thiếu người tự thiêu người ta mới nghĩ đến tôi. Người ta ái ngại vì thấy tôi còn nhỏ quá. Dần dần tôi có cảm tưởng rằng cái chết tình nguyện của mình có thực hiện được hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào ý kiến của những người khác. Cảm nghĩ nầy đã làm cho tôi giảm dần ý muốn tự thiêu, nhưng tôi vẫn không nói ra.
Những người trong ban tổ chức muốn cho cái chết của chúng tôi phải gây được tiếng vang trước dư luận quốc nội và quốc tế. Còn chúng tôi thì quan sát nhau xem ai sẽ được chết trong giờ phút đó. Chúng tôi biết chắc chắn không bao giờ có hai người tự thiêu một lúc tại một địa điểm. Hôm đó sư bà Diệu Huệ là người đã sẵn sàng đốt ngọn lửa tự thiêu. Cửa phòng của bà đóng kín, hai ba người canh gác bên ngoài. Ba anh em chúng tôi im lặng chờ đợi và có thể đi lui đi tới trong phạm vi cho phép. Khi cảm thấy cái chết tình nguyện của mình bị lệ thuộc quá chặt chẽ vào ban tổ chức, ý muốn tự thiêu trong tôi bắt đầu khô cứng lại, mặc dầu tôi vẫn cần cái chết. Ấy là những cảm giác mâu thuẫn trong tôi.
Tại Nha Trang tôi hăng hái tình nguyện tự thiêu, nhưng khi vào đến chùa Xá Lợi, tôi thấy sư bà Diệu Huệ hăng hái quá đến nỗi mất bình tĩnh, khiến sự hăng hái của tôi mất dần. Là người tự thiêu, tôi không được tham gia đi biểu tình, không được ra khỏi chùa vì sợ bị bắt cóc hoặc sợ bị người ta tổ chức cho thiêu bừa bãi. Cứ quanh quẩn trên lầu, phía sau chánh điện chùa xá Lợi, thay phiên nhau tụng kinh Pháp Hoa suốt ngày đêm. Tình trạng nầy đã làm cho tôi mệt mỏi muốn về lại Nha Trang. Thỉnh thoảng các thầy vào thăm viếng chúng tôi, họ nói rằng: “Sự hy sinh của quý ngài rất là cao cả, nên phải được tổ chức chu đáo thật đúng lúc và đúng địa điểm thuận lợi nhất để có kết quả cao nhất cho Ðạo Pháp”. Những câu nói như thế đã trở thành điệp khúc nhạt thếch, nhưng hồi đó tôi cứ tỏ ra đồng tình với họ để tránh bị nghe thêm.
Thế nhưng bây giờ ngẫm nghĩ với hồi ức của mình, tôi nhớ rằng trong con người tôi có hai cảm nghĩ khác nhau sau khi đã cố tình tìm cái chết. Tại Nha Trang, lúc nào tôi cũng sẵn sàng chết, không sợ hãi, không thay đổi. Ở đó nhiều người yêu mến tôi. Họ bị lựu đạn cay ngất xỉu, bị đánh bằng cục bu lon buộc ở đầu dây lòi tói, máu me phun đầy đầu. Chính tôi cũng đã bị đòn vài lần khá đau. Nhưng khi vào tới Sài Gòn, một bầu không khí lạ lẫm, các thầy đến hỏi thăm cũng là người lạ; những lời khen ngợi quen thuộc của họ đã làm cho tôi mất dần ý muốn tự thiêu. Lúc đó tôi không thích nói ra ý nghĩ của mình cho ai nghe. Chỉ khi nào tôi nhớ tới mẹ, lòng tôi được thúc dục tìm cái chết tự thiêu để được gặp và xin lỗi mẹ. Tôi nghĩ rằng mình chết như thế là có lợi cả hai bề: được gặp mẹ tôi và linh hồn mẹ tôi được giải thoát nhờ công đức tự thiêu của tôi. Gia đình tôi cũng sẽ không đau đớn nhiều vì tôi chết như thế là có ý nghĩa cho Ðạo Pháp. Mỗi ngày tôi tụng kinh và yên lặng không muốn tiếp xúc với ai cả. Tôi nghĩ rằng không một người tự thiêu nào muốn cái chết của mình được xẩy ra âm thầm, vì tự thiêu là một cách gây tiếng vang trước dư luận. Chết tự thiêu là một cái chết tự nguyện. Ý nghĩa cao cả của sự hy sinh nầy thì ai cũng biết, nhưng lý do riêng để đi đến quyết định tự sát thì tôi không hề nói ra.
Vì quá thích vào chùa đi tu, tôi đã làm cho mẹ tôi khóc. Sau khi vào chùa tôi cũng còn làm cho mẹ tôi buồn. Sự chết của mẹ tôi từ từ thấm vào những ngày cô quạnh của tôi. Khi chùa Hải Hội bắt buộc tôi cởi chiếc áo tang trước cổng chùa là đã gieo vào tôi một sự tổn thương sâu sắc làm cho tôi càng thêm ân hận với mẹ mình. Tôi quan sát cuộc đấu tranh và sự tu hành của các thầy, sự bất đồng ý kiến của họ đối với nhau đã làm cho tôi thấy thế giới con người không bao giờ có hòa bình tuyệt đối. Tôi cảm thấy buồn vì những bất đồng giữa các bậc thầy của mình như thầy Ðổng Minh và thầy Ðức Minh tại Chùa Phật Học Khánh Hòa Nha Trang.
Khi ấy tôi đã tròn 18 tuổi, tôi nghĩ rằng mình chết cho đại nghĩa khỏe hơn là sống với buồn phiền và chán ngấy. Tâm trạng tôi có nhiều mâu thuẫn, vừa bất mãn nhà chùa, vừa yêu đạo pháp mà bày tỏ sự hy sinh, vừa ăn năn lỗi lầm đối với mẹ, vừa muốn chết để đừng biết gì thêm nữa. Nếu tôi chết, người ta thờ tôi, nhưng không ai nghĩ đến những mâu thuẫn bi quan tiêu cực trong con người chịu chết của tôi. Nay tôi còn sống để viết lại sự thật nầy cũng đã làm cho một số người bực bội. Chẳng qua là người ta không đủ can đảm nhìn lại sự thật bất đắc ý.
Có người cho rằng thà sự chết chóc tối tăm vùi chôn sự mâu thuẩn xấu xa còn hơn là sống mà đem các thứ ấy ra ánh sáng cho đời suy gẫm. Có người cho rằng tôi là kẻ phản bội, vô ơn khi nói lên sự thật của mình. Có người nói rằng tôi tu không thành nên oán trách kẻ khác và nói toạc ra để trả thù. Thế thì thái tử Tất Ðạt Ða oán trách ai khi nhìn cuộc đời sanh lão bịnh tử mà buồn phiền đau xót bỏ cha mẹ vợ con hoàng cung và xã tắc để cạo đầu đi học đạo với các anh em Kiều Trần Như rồi sau cùng nhận ra mình đã tu sai pháp môn?
Vì sợ chùa Xá Lợi có thể bị đột nhập bất ngời để bắt các vị tự thiêu, chúng tôi được dời về chùa Giác Sanh gần trường đua Phú Thọ. Nhưng chỉ mấy tuần sau đó chúng tôi được đưa về Nha Trang bằng xe đò. Khi vừa về đến Nha Trang, chúng tôi nghe tin ni cô Diệu Quang đã tự thiêu tại Ninh Hòa và bị cướp mất xác.
Cách tự thiêu như ni cô Diệu Quang thì thật là thiếu tổ chức. Cô là con gái của nhà thầu khoán Ngô Ðình Hòe. Cô lấy xe hơi của gia đình, tự lái đi từ Nha Trang ra Ninh Hòa tìm cách tự thiêu. Tới Ninh Hòa, gần một cây xăng, cô dừng xe lại và xách một cái thùng rời để mua xăng với lý do xe hết xăng dọc đường. Cô tự thiêu một mình dọc đường nên đã bị chính quyền giữ xác lại. Thế là cuộc biểu tình đòi xác ni cô Diệu Quang dâng lên ngùn ngụt rất căng thẳng. Ðồng bào phật tử được thông báo tụ tập trước tỉnh đường Nha Trang.
Chiếc xe minibus Volkwagen của Phật Học Viện đã có sẵn một hay hai can xăng. Ba người ngồi trong xe với tôi: Chú Ân, Ðức Huy, và chú Khánh. Ngày hôm đó tôi đối diện cái chết thật là thoải mái. Trên xe có gắn loa phóng thanh để kêu gọi đồng bào phật tử. Chúng tôi chạy vòng vòng từ khu Mã Giồng, xuống nhà ga đường Lý Thái Tổ, bọc qua khu bịnh viện Nguyễn Huệ, trường Võ Tánh, bưu điện rồi thẳng xuống đường Duy Tân, vòng lên Lý Thái Tổ, quặt về Ðộc Lập. Giữa đường Ðộc Lập chúng tôi bị xe Jeep cảnh sát rượt đuổi. Nhờ có loa phóng thanh lớn, chúng tôi chạy tới đâu là kêu đồng bào dang ra. Ðồng bào dang ra cho chúng tôi chạy, và tức khắc gây cản trở cho xe cảnh sát ở đằng sau. Xe cảnh sát có còi hú inh ỏi càng giúp đồng bào nhận ra họ để cản trở. Bây giờ tôi nghĩ lại thấy chiến thuật rượt đuổi của cảnh sát rất dại dột, vì làm như thế rất dễ gây ra tai nạn. Nếu án mạng xẩy ra, nạn nhân được trở thành thánh tử đạo còn chính quyền là kẻ sát nhân.
Tôi ngồi trong xe như một ngòi nổ di động để làm phấn khích cuộc biểu tình. Xe chạy tới đâu là tự nhiên gây ra một sự cổ xúy mạnh mẻ. Người ta la lên “Chú Uỹ tự thiêu. Chú Uỹ tự thiêu”. Nhiều tiếng khóc la inh ỏi lẫn lộn. Tôi cảm thấy hào hứng khi nghĩ đến chính mình mang ngọn lữa tự thiêu trước mặt mọi người. Ðó là giây phút không hề sợ hãi mà lại rất hứng chí.
Tôi dự tính tẩm xăng ngay trong xe để vừa khi xe dừng lại là tôi nhảy xuống quẹt diêm tức khắc và chạy thẳng vào văn phòng tỉnh đường như một ngọn đuốc. Có khi tôi mơ ước rằng nếu thấy một ông cảnh sát nào là tôi ôm luôn. Tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc ngồi kiết già để chết như Hòa Thượng Quảng Ðức. Tôi không thắc mắc về sự giải thoát linh hồn, cũng không bận tâm đến một việc gì khác. Hình như tôi không nhớ tới bất cứ ai, ngoài sự sẳn sàng chết. Một tay tôi luôn luôn bỏ vào trong túi áo giữ chặt hộp quẹt diêm. Cảm tưởng của tôi lúc đó như là mình có những giây phút được tự do nổi loạn khiến cho chính quyền phải khiếp sợ mình.
Nhưng khi xe vừa đến trước cổng tỉnh đường thì mọi sự khác hẳn. Xe tôi đã bị bao vây giữa phật tử và cảnh sát. Xăng chưa tẩm kịp vào người. Tôi chưa kịp xoay xở thì người ta đã lôi tôi ra khỏi xe và giữ chặt. Quá bất ngờ, tôi trở thành miếng giẻ rách trong tay nhiều người; một bên là phật tử, một bên là cảnh sát. Tôi tưởng họ xé tôi ra nhiều mảnh! Khi ấy có muốn trở vào trong xe cũng đã quá muộn. Sức mạnh của một đám đông hỗn loạn thật là ghê gớm. Tôi chẳng kịp suy nghĩ gì cả, chỉ muốn nhắm mắt buông tay. Lúc đã bị lôi ra khỏi xe, tôi hoàn toàn bất lực. Nếu biết trước như thế, chắc tôi đã tẩm xăng ngay trong xe và đốt luôn cả nguời lẫn xe mới thành công.
Một cuộc thương lượng giữa cảnh sát và ban tổ chức biểu tình xảy ra. Loa phóng thanh bắt đầu kêu gọi đồng bào đứng vào hàng ngũ. “Cuộc biểu tình sẽ được diễn hành về chùa và chú Uỹ sẽ tự thiêu tại chùa”.
Ðoàn biểu tình hướng về đường Trần Quý Cáp, càng đi càng tỏ ra có trật tự hơn. Cảnh sát đứng hai bên đường như ủng hộ cuộc biểu tình.
Tôi được ngồi trong xe, bên ngoài các thầy mặc y vàng hộ tống hai bên. Thượng tọa Hạnh Hải đi sát tôi và nói vọng vào cửa kính: “Chú cứ niệm Phật để linh hồn siêu thoát. “ Tôi chẳng nghĩ gì đến siêu thoát hay không siêu thoát.
Ngay khi đó tôi đã thấy rằng sẽ không có tự thiêu. Nhìn kỹ lại trong xe chỉ có một mình tôi và thầy Minh Nghĩa làm tài xế. Mấy can xăng hồi nãy đã bị ai lấy mất rồi. Tôi bắt đầu xác định rằng sẽ không có tự thiêu như nhiều người suy nghĩ. Ðây là một sự lừa phỉnh để đoàn biểu tình tự động kéo về chùa mà khỏi mất công đàn áp. Một cuộc biểu tình ôn hòa như thế chứng tỏ không có tinh thần tự thiêu.
Nhiều tiếng khóc vọng vào tôi. Nhiều người phụ nữ đến xức dầu cho tôi qua cửa kính mở hẳn. Nhưng hào hứng tự thiêu trong tôi xuống dần, lòng tôi hoàn toàn bình tĩnh. Tôi muốn nói với các thầy không cần tự thiêu trước chùa nữa, đợi dịp khác để thiêu trước mặt chính quyền. Nhưng chưa kịp nói thì xe đã về đến chùa. Các phật tử ùa vào xe kéo bừa tôi ra. Một bàn tay rất mạnh xốc nách tôi đẩy đi thẳng lên tam cấp và đưa vào ngay trước chánh điện. Khi đứng trước chánh điện tôi đã bật khóc thành tiếng như trút bỏ một cái gì phiền phức sau lưng. Tôi nằm xuống ngay nơi bàn kinh và khóc rồi ngủ thiếp đi lúc nào cũng chẳng hay.
Tôi không nhớ mình đã ngủ bao lâu, nhưng khi tỉnh dậy thì trời đã tối hẳn. Chung quanh tôi nhiều người bị xỉu hoặc vật vã vì lựu đạn cay. Mặt họ đắp khăn và nước mắt chảy ràn rụa. Tôi không ngờ khi mình ngủ trước chánh điện là khi bà con ngoài đường bị cảnh sát ném lựu đạn cay để giải tán. Người ta cho tôi uống nước chanh và dẫn lên lầu thầy Thích Ðức Minh. Tôi biết mình còn sống và có một cảm giác chán nản, muốn quên mọi sự.
Tôi muốn được ở một mình để khóc. Thế nhưng lúc nào cũng có người túc trực bên tôi rất chặt chẽ. Ngày hôm sau tôi mới thấy chiếc áo bên trong của mình đã bị xé lên sát nách. Cái túi áo có bao diêm cũng bị xé rách, chỉ còn sót một hai que diêm gãy kẹt lại. Chiếc áo nhật bình tôi mặc bên ngoài cũng đã cởi ra đâu mất. Ai cởi ra, tôi hoàn toàn không nhớ nữa. Võ Thiện Dinh đã lấy áo của chú ấy cho tôi mặc tạm. Dinh cao hơn tôi nên áo của chú dài thượt.
Ðó là lần tự thiêu mà tôi đã kề cận với cảm giác hào hứng của cái chết tự chọn. Ngay sau đó nhiều người bô lô ba loa rằng “Tôi đã đổ xăng lên đầu chú Uỹ rồi”. Hoặc là “Tôi đã cứu chú Uỹ... “. Tôi không muốn nghe ai nói tới chuyện đó nữa, nhưng không làm sao tránh được. Người ta chăm chú vào tôi và nói với nhau về tôi. Chính vì thế, tôi đã học được một điều rất thực tế, ấy là người ta rất dễ khoe khoang nhiều điều không có sự thật; cho dù người ta có mặc bất kỳ chiếc áo gì trên thân thể. Ba mươi bốn năm sau, vào tháng 3 năm 1997 trong ngày Về Cội của các cựu tăng sinh Phật Học Viện, tại chùa Già Lam Gia Ðịnh, vẫn còn những người tự nhận mình đã đổ xăng lên đầu tôi.
Sự thật là chưa hề có ai đổ xăng lên mình tôi một lần nào cả. Vì người ta đồn đãi quá nhiều về việc đã “đổ xăng lên mình chú Uỹ” nên nhiều “anh hùng” đã hứng chí thổi phồng sự thật để gây thêm sự hiểu lầm dài dài. Chính tôi cũng không cản được nhiều người nói bừa bãi trước mặt tôi rằng Huệ Nhật đã đổ xăng lên mình nhưng chưa lịp bật lửa. Dần dần tôi thấy cứ để sự nói dối bừa bãi như thế thì nhiều người được thỏa mãn hơn mà lương tâm tôi cũng chẳng bị cáo trách gì cả.
Sau nầy, khi Chúa bắt đầu hiện diện trong tâm linh tôi, Người thay đổi tôi từ bên trong tâm hồn một cách nhẹ nhàng yêu dấu và giải phóng tôi ra khỏi sự nói dối như thế. Tôi nhận ra rằng Chúa không làm theo cách loài người là chỉ dạy lý thuyết đạo đức bên ngoài, nhưng Người tái sinh mình thành một tạo vật mới từ bên trong. Dù một lời nói phét mà người đời cho là vô hại cũng chẳng lọt qua được chân lý hằng hữu.
Kẻ được sống sót như tôi ở giữa một thế giới đầy dối gạt, phỉnh phờ, giả trá, đành phải chấp nhận những thử luyện trái ngang như bị xuyên tạc tào lao, bị ganh tuông đố kỵ. Cụ thể nhất là một số người có địa vị, quyền thế trong giới tu sỹ đã ganh tỵ với tôi khi thấy nhiều phật tử yêu mến tôi. Nhưng chính cái thế giới dối gạt phỉnh phờ đó mà tôi đã tìm thấy những tấm lòng chân thật đáng quý. Những bạn bè trang lứa của tôi hầu như ai cũng yêu mến và thông cảm cho tôi.
Nhiều người vẫn mang cái bịnh thâm căn cố đế là dựng nên thần tượng để thờ nó theo ý thích của mình. Rồi một hôm họ cao hứng xuyên tạc luôn cả sự thật mà không ý thức được rằng mình đang chà đạp lên thần tượng đó. Hoặc người ta tạo ra thần tượng để sau đó chà đạp nó một cách rất ý thức, để xây lên một thần tượng khác mới hơn: thần tượng tư tưởng luận, thần tượng tu chứng, thần tượng đạo thi thiền thi, thần tượng giảng luận, v. v. Khi một người được xem là thần tượng rồi, tính ngông nghênh láu cá của họ cũng được “cao siêu hóa”. Ai không chấp nhận những thần tượng ấy thì bị coi là kẻ “lạc lõng, lập dị” trước con mắt của những người say đắm thần tượng.
Thế giới tôn giáo là thế giới có nhiều thần tượng nhất, cũng vì thế mà trong đó có nhiều sự ganh tuông, đố kỵ, tỵ hiềm, kích bác, mỉa mai, cay đắng dai dẳng nhất. Tôi nghĩ rằng con người mang bao nhiêu lớp áo bề ngoài cũng khó lột bỏ được cái bổn tính “phàm tục” ở bề trong. Con người làm ác nhưng cứ quảng bá, rêu rao, khoe khoang và ngụy biện để điều ác được hiểu là điều lành. Trong lịch sử nhân loại, kể cả lịch sử tôn giáo, chính trị, con người đã từng gây ra tội lỗi, nhưng luôn luôn che giấu tội lỗi đó bằng triết lý cao siêu vĩ đại. Chỉ có loài người biết hóa trang tội ác bằng những hình thức cao siêu. Còn loài vật là loài không có lý trí nên không biết giả hình tinh vi như thế được. Ðây là một điểm mà loài vật không bao giờ có được. Nhưng không vì thế mà tôi đánh giá thấp con người, vì con người là ảnh tượng của Thượng Ðế.
Nguyên nhân tôi quyết định tự thiêu thật là đơn giản: để được chết, được gặp mẹ tôi, được làm ích lợi cho Ðạo Pháp nhờ đó gia đình tôi không buồn nhiều. Nguyên nhân sau cùng và cũng rất quan trọng là được trả thù những câu tuyên bố xấc xược của bà Ngô Ðình Nhu trên đài phát thanh về vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Ðức.
Ngày xưa tôi chưa ý thức đủ về chính mình. Tôi chỉ hành động một cách ngờ nghệch. Thế giới chung quanh cũng chỉ nhìn tôi qua hành động quá hăng say của tôi để bàn tán xôn xao, nhưng không mấy ai đem lòng thông cảm để thắc mắc hỏi han, tâm tình, chia xẻ, tìm hiểu điều tôi suy nghĩ. Họ tỏ ra kính trọng, quý mến hoặc e dè giữ kẽ rồi sau đó tùy theo tình cảm để ngợi khen hoặc đoán xét tôi. Nhưng lâu ngày những biến cố chung quanh và thái độ của người lân cận đã làm cho tôi suy nghĩ đến nhiều vấn đề đạo lý, giải thoát, giác ngộ, chân thật, từ bi, quả báo, niết bàn, không có và có không. Nếu tôi đã cháy ra than trong ngọn lửa, thì đâu còn gì để nói, nhưng khổ một nỗi là tôi còn sống và còn muốn đi tìm cho ra ý nghĩa của cuộc đời để giải đáp cho những bế tắc của mình.
Sự trầm tư đem đến cho tôi một thái độ bình tĩnh cần thiết để gẫm suy các vấn đề của mình và của người. Kết quả là tôi đạt được một vài giải đáp đơn giản, cũng có khi sâu sắc hoặc phức tạp. Sau mấy chục năm được sống sót, tôi nhận ra rằng những người tự thiêu như tôi lúc đó luôn luôn là những con bài tủ được dùng để kích động phật tử tham gia biểu tình, đồng thời để khủng bố tinh thần chính phủ Ngô Ðình Diệm. Sự tự thiêu đó là một loại tự sát nặng tính thù hận khoác lên bởi một chiếc áo tôn giáo cực đoan bất kể lợi hại cho cả một dân tộc, hay nói rộng ra là cả nhân loại. Vì những lý do nội tại cá nhân, tôi đã tự đặt mình vào một cơn lốc của thời đại nhiễu nhương. Khi lớn lên, tôi hiểu biết thêm; nhất là khi tôi nhận được ơn Cứu Rỗi của Chúa Cứu Thế, con người tôi được thay đổi cơ bản từ cá tánh cũng như nhận thức và cách nhìn đối với tha nhân, với đạo giáo, với truyền thống văn hóa quê nhà và chính mình.
Những nhận thức ấy dục lòng tôi nói ra để bày tỏ sự vui mừng của Ơn Cứu Rỗi trong Chúa Cứu Thế. Nếu tôi đã được cái chết tự thiêu một cách “đầy ý nghĩa” trong con mắt hàng triệu tín đồ Phật Giáo thì quả thật quá vô phúc cho tôi và chẳng ích gì hơn cho Phật Giáo. Nay tôi còn sống, những đổi thay trong tâm hồn tôi, sau khi nhận được Ơn Cứu Rỗi, đã đem đến cho tôi biết bao hạnh phúc, biết bao ý nghĩa sống động quý báu, ngọt ngào, thân thiết, thiêng liêng khiến lòng tôi muốn nói với người thân, với đồng bào, với nhân loại, dù đôi khi điều mình nói ra bị bẻ bác, bị đả kích, bị chống đối, bị giận hờn và bị nghi ngờ bởi nhiều người đang vướng nặng tính bảo thủ, tính hồ nghi hoặc tính cực đoan văn hóa, tôn giáo, ý thức hệ...
Ngày trước tôi lận đận bao nhiêu, giờ đây tôi vui mừng bấy nhiêu khi nhận biết Hồng Ân Thiên Chúa. Ðó là một sự vui mừng ngay trong khi bị người ruột thịt đập lên đầu, bị bè bạn ruồng bỏ, bị vợ phản bội, bị con hiểu lầm, bị anh em giả dối chèn ép, bị cả một chế độ chính trị cộng sản khủng bố kềm kẹp. Thế nhưng hoàn cảnh ngang trái nầy vẫn không thể nào đưa tôi trở về con đường chán nản để tự sát như xưa. Chẳng những thế, lòng tôi được trưởng dưỡng trong tình yêu và hạnh phúc một cách thực tế và sâu xa đến nỗi Lời Chúa luôn luôn là sự sống quý giá, là thức ăn của linh hồn, là ánh sáng của suy tư và hành động, là hơi thở của giấc ngủ, là tình yêu để vui mừng hưởng thụ trong thân thể trong tâm linh khi vui, khi buồn, khỏe mạnh, khi yếu đuối mà không phải lo âu sợ sệt rằng mình sẽ sống sẽ chết như thế nào gữa thế giới nầy. Linh hồn và thân thể tôi không còn phải lưu linh lưu địa như ngày xưa nữa.
Khi nghe về đời sống tu hành thất bại của tôi, nghe về đời sống gia đình đổ vỡ của tôi, bạn đọc nghĩ rằng cuộc đời tôi đau khổ quá, thất bại nhiều quá. Nhưng khi tôi viết ra những điều đó là tôi đã nhận được hạnh phúc tràn trề trong tình yêu Thiên Chúa nhiệm mầu. Ngay bây giờ tôi sống lẽ loi ở cái tuổi về già, tôi vẫn nhận thức và kinh nghiệm hồng ân Thiên Chúa trong từng miếng ăn đơn giản, từng ngày chiêm nghiệm một mình để nhớ đến quê nhà thân thuộc, để nhìn xem và học hỏi xã hội văn minh kỹ thuật tinh vi của nước Ðức nầy với tình bạn bè tin cậy sâu sắc bên cạnh những con mằt kỳ thị như cắt đứt nhân nghĩa, xé nát tình người... để tôi cảm biết tình yêu Thiên Chúa là cao trọng đến mức nào. Quả thật đây là hạnh phúc.
Nhiều điều mới mẻ lạ lùng mà chỉ có Chúa là Ðấng đã biết trước để chuẩn bị để đưa tôi đi từng bước qua con đường thập tự và tình yêu. Con đường thập tự giá đối với tôi không phải là một gánh nặng mà là hồng ân tuyệt diệu đầy nhân ái bao dung mà trong đó, tôi được làm đứa con của Thiên Chúa lớn lên từng ngày để trở về thiên quốc. Khi thân xác nầy còn thở, tôi còn ngẫm nghĩ, chuyện trò với Thiên Chúa bằng cách hưởng thụ giá trị của sự nhận biết Người với lời tạ ơn và ước muốn được tôn vinh Người hơn nữa. Ðôi khi những cám dỗ thấp hèn lai vãng đến; tôi lấy lời tạ ơn Chúa để thực chứng quyền năng đắc thắng của Người đưa tôi vượt qua một cách nhẹ nhàng thoải mái chứ không như thời gian gay gắt khổ tu mà chẳng chiến thắng được chút nào. Ðúng như Chúa phán:... hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta ; thì linh hồn các ngươi được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu, gánh ta nhẹ nhàng (Ma-thi-ơ 11:29-30). Tôi nói với Chúa rằng:
Chúa ơi,
Trở về trong Chúa Giê-Xu
Thấy ra con đã bị tù quá lâu
Ngày xưa giọt lệ hoen sầu
Bây giờ lệ ấm chan mầu phước ân
Ngày xưa mỏi bước phong trần
Giờ ôm Thiên Chúa hai chân nhảy mừng
Ngày xưa nước mắt rưng rưng
Bây giờ nước mắt vui mừng tạ ơn
Ngày xưa mấy bận tủi hờn
Bây giờ bỏ giận thôi hờn hát ca
Ngày xưa lạc nẻo quê nhà
Bây giờ cố quận ơn Cha con về...
Trong niềm vui sướng hạnh phúc nầy, tôi cũng muốn xin lỗi đồng bào phật tử chân chính, vì càng được hạnh phúc trong Chúa bao nhiêu, tôi càng làm cho nhiều bậc cao tăng và phật tử đau lòng khó chịu khi nhìn tôi như một kẻ phản phúc, một kẻ đã thề nguyện quy y Tam Bảo mà nay lại thờ Trời.
Tôi đọc Kinh Thánh, lời Chúa đã dạy rằng chớ có thề thốt, nhưng phải thì nói phải, không thì nói không hầu cho anh em khỏi bị xét đoán (Gia-cơ 5:12). Trung thành với lời thề nguyện là đức tánh tốt, nhưng tốt hơn nữa là từ bỏ lời thề nguyện khi mình chưa ý thức hết vấn đề chân thiện mỹ để trở về với nguồn cội ban sơ của Ðấng Tạo Hóa năng quyền yêu thương, chân thật đã dựng nên tổ tiên nhân loại và cả bản thân mình. Như một đứa trẻ mồ côi đã từng thề thốt với bạn bè để chung sống với nhau, nhưng nếu cha mẹ nó đã tìm ra nó, nó không thể nói với cha mẹ mình rằng “con đã trót thề với bạn bè là không từ bỏ họ, nên còn phải tiếp tục từ bỏ cha mẹ để làm người chung thủy với đời!”.
Bây giờ tôi nhận thức rằng Phật là chúng sanh đã thành, nhưng Thượng Ðế là Ðấng dựng nên tất cả vũ trụ và tất cả chúng sanh. Phật đưa ra giáo lý để làm phương tiện tìm chân lý, nay tôi gặp chân lý, đương nhiên tôi từ bỏ phương tiện. Ðức Chúa Trời không phải là phương tiện mà là Con Ðường, Chân Lý và Sự Sống cho hết thảy nhân loại (Giăng 14:6). Hôm nay ai còn bám vào phương tiện cũ ấy để tìm chân lý qua hằng triệu kiếp theo niềm tin của họ là việc của họ. Nhưng tôi đã gặp Chúa và tôi biết Người đặt chân lý và sự sống của Người thành một con đường trong Ðức Tin của tôi để tôi cảm nghiệm ơn tha thứ, sự tái sinh, tiến trình thánh hóa để thoát khỏi tội lỗi và trở nên giống Người hơn từng ngày một. Vậy làm sao tôi có thể cứ bám mãi vào con đường thất bại cũ của tôi? Ai có thể ngăn cản hay phá hủy hạnh phúc của tôi trong Thiên Chúa? Chỉ có ma quỷ muốn làm việc đó và nó dám làm. Nhưng tôi ở trong Thiên Chúa quyền năng vô lượng thì ma quỷ nào có thể bứng tôi ra khỏi Người trừ khi tôi chọn lựa nó. Chúa đã chết cho tôi được sống, nhưng Người vẫn cho tôi tự do chọn lựa đi theo Người hay từ chối Người, thế thì ai có thể ép tôi theo họ?
Khi tôi bị một anh huynh trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đưa nắm tay để đánh vào mặt vào năm 1981, vì ngày xưa anh ta yêu quý tôi lắm nhưng nay thấy tôi đi theo Chúa, tuy rất buồn nhưng tôi cũng đã cảm thông anh ấy. Mặc dầu lúc đó đức tin của tôi còn mới mẻ, tôi chưa biết Lời Chúa nhiều.
Ngày nay, một người trí thức Phật Giáo tên là Trần Chung Ngọc viết sách thóa mạ Chúa Cứu Thế và xuyên tạc nội dung quyển sách của tôi, và một người trí thức Phật Giáo khác tên là Trần Kiêm Ðoàn viết một bài báo để ví von tôi như một con chó phản chủ. Cũng như Trần Chung Ngọc, ông ta còn nêu lên hơn 20 chi tiết không hề có trong sách tôi để xuyên tạc sự thật. Thật ra con người mới là kẻ phản chủ, con chó không phản chủ đâu, nhưng những ông chủ chó phản con chó thì nhiều. Các ông hay nói đến sự cao siêu của Thiền và sự giải thoát giác ngộ, nhưng thực chất tìm tòi những điều tôi không nói tới trong quyển sách Từ Áo Cà Sa Ðến Thập Tự Giá hầu kiếm cớ quy chụp và xuyên tạc khiến cho lòng tôi thương cảm các ông hơn.
Tôi không viết một cái gì cao siêu cả; mà con người chúng ta có cái gì là cao siêu đâu? Chúng ta có nhiều thất bại, nhiều nhầm lẫn đáng phải bỏ đi, còn những gì cao siêu là thuộc về Ðấng Tạo Hóa toàn năng. Bất cứ người nào tự cho mình là khôn ngoan sáng láng thì người đó dễ gây nhiều sai lầm hơn người khiêm tốn. Người khiêm tốn không làm mất sự khôn ngoan của mình mà lại ít bị sai lầm hơn vì sẵn sàng học hỏi để được hoàn thiện khi có cơ hội. Kinh Thánh dạy rằng Kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu mọi sự tri thức (Châm Ngôn 1:7a).
Ðúng thế, vì Thiên Chúa là Ðấng đáng kính sợ vô cùng. Người dựng nên vũ trụ và dựng nên chúng ta. Ðời sống của chúng ta quá nhỏ nhoi ngắn ngủi, nếu không kính sợ Người, chúng ta dễ lắm mà làm thêm điều ác. Loài người vương vào nhiều tội ác vì chưa kính sợ Chúa đủ, chưa vâng lời Chúa đủ. Các giáo hội gây những sai lầm cũng vì con dân Chúa chưa sống hết lòng với Người. Vậy điều đáng làm là chúng ta kêu gọi nhau tìm kiếm hồng ân Thiên Chúa và kính sợ Người. Dù sự hiểu biết của chúng ta còn ít ỏi, trí óc của chúng ta có giới hạn, nhưng không vì thế mà chúng ta để mất tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người với nhau.
Nếu các ông đã thành đạt, đã đắc chứng; nếu các ông đã tìm thấy chân lý trong Phật Giáo một cách chắc chắn thì không có lý do gì các ông bực phiền với hạnh phúc đức tin mà Chúa ban cho tôi. Ai nhân danh chân lý để gây hấn là tự chứng minh sự bất hạnh của mình, đó là người nói dối. Dù nhân danh chính nghĩa để gây hấn thì cũng tự chứng minh rằng hành động ấy là phi nghĩa. Ai nhân danh tôn giáo để khủng bố là người đó không có gì hạnh phúc cả mà chỉ có cuồng tín và vô minh.
Con người sai trật là bình thường, triết lý tôn giáo cũng lắm khi sai trật với người nầy và đúng với người khác, nhưng chân lý cứu rỗi luôn luôn đúng với người có Ðức Tin trong Chúa. Ai không thích có đức tin, ai không tìm kiếm Thiên Chúa mà cứ ôm chặt cái ách bản ngã để cố chấp và cay đắng là tại họ chứ không phải vì Chúa bất lực. Khi nhận biết Chúa là Ðấng nào, tôi cũng nhận biết mình là ai, do đó tôi không trách móc những người xuyên tạc tôi, nhưng không vì thế mà cứ im lặng để cho các vị thao túng một cách dại dột. Khi tôi nhận được tình yêu Thiên Chúa thì lòng tôi yêu mến họ, vì tình trạng của họ hôm nay giống y như tình trạng giẫy chết của tôi ngày trước.
Tôi sẽ viết về sự giải thoát và những điều thực tế sinh động đầy hiệu năng của sự giải thoát mà Chúa Jesus Christ đã ban cho khi tôi sống với Lời Chúa, vì tôi muốn cho độc giả biết rằng Người là Ðấng đứng trên tất cả tư duy thiền định.
Người nhìn thấu sốt ruột gan lòng dạ con người nên Người mới ban cho họ Ðức Tin để đem người có đức tin của Người vào cõi đại định bình an thánh khiết mà Thiền không thể nào đạt tới được. Ðây là một khám phá tuyệt vời nhất trong Chúa mà tôi rất háo hức muốn trình bày với bất cứ ai có lòng tìm kiếm.
Tôi muốn quý vị đặt cho tôi nhiều câu hỏi hay nhất của quý vị để nhờ đó giúp tôi trình bày một cách thích hợp và thực tế hơn. Chúa sẵn sàng giúp tôi, nhưng Người muốn tôi được làm việc chung với nhiều người đã được Ơn Cứu Rỗi cũng như người chưa nhận được Ơn Cứu Rỗi. Ðây là một điều đơn giản vô cùng mà nhiều người trí thức không thể thấy được vì người đó luôn luôn nghĩ rằng mình là trí thức.
Tôi sẽ căn cứ vào sự sống trong Lời Chúa Jesus và Kinh Thánh Tân & Cựu Ước để chứng minh một sự thật hạnh phúc trong Chúa rằng Lời Chúa đem tôi vào nơi Ðại Ðịnh như thế nào. Nơi Ðại Ðịnh của tôi là nơi Chúa hiện diện. Khi đọc tới đây, độc giả nào chưa nhận biết Chúa có thể nghĩ rằng tôi là người cuồng tín. Nhưng nếu quí vị đến với Chúa, tiếp nhận Ơn Cứu Rỗi của Người, Người sẽ tái sinh trong quí vị một tâm linh mới. Khi ấy quí vị sẽ được thỏa lòng và hạnh phúc như tôi. Ðó là sự thật, là kết quả của Tình Yêu trong Chúa Jesus Christ. Ai đến với Chúa sớm sẽ không hối tiếc. Chúa luôn luôn tha thứ cho bất cứ ai biết ăn năn về những sai sót của mình. Khi con người trở về trong Chúa để ăn năn những sai lầm của mình để nhận lại tình yêu trong Chúa Jesus Christ, tội lỗi người ấy được tha thứ hoàn toàn. Nghĩa là tình yêu trong Chúa Jesus Christ xóa tan vết tích tội lỗi cho tội nhân.
Khi nhắc tới những điều nầy, tôi biết rằng sẽ gây sự va chạm và sự hồ nghi nơi những bạn đọc chưa kinh nghiệm Ðức Tin của Chúa. Nhưng đây là một điều rất thú vị đối với tôi. Tôi yên tâm vô cùng vì Lời Chúa đã phán “Tôi sẽ chẳng chết đâu, nhưng được sống; thuật lại những công việc Ðức Giê-Hô-Va” (Thi Thiên 118:17). Tôi xin được viết ra để trước hết nói lên bài học quan trọng của mình, sau đó để xin lỗi các phật tử đã yêu mến tôi, xin lỗi quốc gia dân tộc, vì tôi đã đem cái chết cá nhân để đặt mình vào một cái chết có ý nghĩa chung, nhưng thực chất là phù du sai lạc nhất thời mà lại công khai nói rõ cả sự thật phù du ấy nữa khiến cho nhiều người cảm thấy bẽ mặt. Nhưng tâm hồn ai đã ở trong chân lý vĩnh cửu thì chắc chắn không còn bị sự phù phiếm làm phiền.
Tôi tin rằng Thiên Chúa đã cứu sống tôi qua đường tơ kẻ tóc của biển bạc dâu xanh trong khi hàng chục ngàn người khác vừa giành giật vừa bạc đãi tôi với những mục đích chênh lệch kỳ cùng của sự chết xa hoa rắm rối. Bây giờ tôi đang được sống, dù hàng triệu người không được thỏa mãn về tôi đi chăng nữa, tôi cũng chúc phước cho hết thảy bà con thân tộc, đồng bào.
Hôm nay tôi đang vui sống và được sống trong Ðức Tin Con Ðức Chúa Trời với ý nghĩa cao đẹp hơn cả những gì mà tôi từng mơ tưởng tới. Tôi cảm tạ Chúa vì Người đã hạ sinh Con Người vào trong tôi để chết cho tôi về tội lỗi, sai lầm, ngu dại; và sống cho tôi về tình yêu, sự tha thứ nhiệm mầu. Tôi không thể làm cho ai vui lòng hết được, nhưng tôi ao ước mọi người trên thế gian nầy, nhất là người Việt Nam chúng ta đều có được Ðức Tin và vui sống như tôi. Trong khi đang viết những dòng chữ nầy, tôi vẫn gặp những khó khăn về an ninh chính trị, về sự kỳ thị chủng tộc tại Ðông Berlin, về nỗi buồn chết chóc do khủng bố ở New York và hậu quả của nó ở Afghanistan, về hồ sợ xin tỵ nạn của cá nhân tôi tại nước Ðức vẫn chưa được cứu xét. Nhưng tôi là một người hạnh phúc trong từng buổi mai buổi chiều buổi tối.
Tôi được gặp nhiều người Ðức trong hội thánh, họ là những người có sự cảm thông nhân ái bình thường đối với tôi và đối với cộng đồng người tỵ nạn đang tạo ra vô số nan đề xã hội cho nước Ðức nầy. Vâng! Tôi xin cám ơn Chúa và cám ơn song thân phụ mẫu, ơn chùa chiền, ơn tín hữu, ơn bà con đồng tộc, anh em ruột thịt, ơn quốc gia xã hội, ơn thầy bạn; riêng chính phủ Ðức đã nuôi tôi hơn ba năm ròng rã để tôi được cơ hội nói lên tấm lòng bé nhỏ đơn sơ tưởng như rất thê thảm nhưng thật là hạnh phúc. Nhưng trên hết là chúng ta nên cám ơn Chúa, vì chúng ta ăn cơm Trời, uống nước Trời, thở không khí Trời ban và hưởng thụ vạn vật đã được dựng nên một cách hoàn hão.
Cuộc sống của tôi giữa thế gian càng thê thảm bao nhiêu thì hạnh phúc Chúa ban cho tôi càng quý giá bấy nhiêu. Tôi sẽ không bao giờ nói hết nỗi lòng của mình, nhưng lúc nào cũng tin rằng chỉ có Thượng Ðế ở trong lòng người mới làm thỏa mãn những gì con người ước mong chính đáng. Khi cố gắng tìm cách thỏa mãn những ước vọng của riêng mình, chúng ta càng thêm thất vọng, nhưng khi mình dám đặt những ước vọng ấy vào trong Thiên Chúa thì chúng ta sẽ thấy Người dành cho chúng ta những ước vọng tuyệt vời hơn.
Ai tự cho rằng mình là kẻ nắm chân lý, là kẻ yêu chân lý nhưng từ chối Ðức Tin Con Ðức Chúa Trời thì người đó chưa phải là một người thật sự tìm kiếm chân lý mà chỉ ôm ấp cái ách bản ngã để khoe khoang, để nghi ngờ, để hoang mang, để mệt mỏi, để băn khoăn thắc mắc với lý lẽ hư không giữa nhân loại đảo điên.
Tôi sung sướng quá vì đã nhận được một cái “tôi” mới trong Ðức Chúa Jesus Christ để được nhìn thấy ý nghĩa cuộc đời bằng tình yêu của Người trong bản thân tôi và với tha nhân. Tôi muốn được gởi lại những nỗi niềm chân thành nhất, vì xung quanh tôi có đầy dẫy bất trắc ngoài khả năng bao quát của mình. Sự hiểu biết của tôi chưa thể nào đầy đủ nhưng Ðức Tin trong Chúa đã cho tôi sự thỏa lòng và yên nghỉ. Tôi tin tưởng và hưởng thụ sự chăm sóc của Thiên Chúa nên sẵn sàng làm chứng lại hồng ân của Người cho bất cứ ai muốn nhận lấy hồng phúc cho mình.
Sống thỏa lòng với đức tin trong Chúa là một cuộc sống không nuối tiếc những gì đã mất, không hấp tấp chụp dựt vì những ham muốn tầm thường ích kỷ mà sẵn sàng chia xẻ, ân cần, sẵn sàng quan tâm đến người lân cận. Những đau đớn, những thiệt thòi, những oan ức ngang trái, những thù oán cũ không còn khả năng làm phiền mình nữa. Thế giới chúng ta sống vẫn còn là một thế giới hỗn độn, nhầm lẫn, nhưng Chúa dẫn dắt mình đi trong thanh bình trật tự và yêu thương tha thứ; không sợ hãi lo âu trước những bất trắc và tội lỗi của thế gian.
Chúng ta không nhất thiết phải hiểu biết một cách trọn vẹn mới có được sự bình an phước hạnh nầy, không nhất thiết phải giàu sang phú quý hơn người mới ca hát vui mừng, không nhất thiết phải sống lâu dài hơn trăm tuổi mới thỏa mãn, không nhất thiết phải tài ba xuất chúng, không nhất thiết phải hoàn toàn thánh thiện tuyệt đối theo ý muốn của mình nhưng sẵn sàng lắng nghe và chờ đợi những ý nghĩa mới mẻ đang đến và sắp đến với mình trong khi mình tin chắc rằng không có một cái gì bí mật đối với Ðấng dựng nên mình. Người sẽ chỉ bày hơn nữa từng giờ từng phút cho đến khi mình gởi lại tất cả phù du mà đi về vĩnh cửu, trong đó sẽ có những giải đáp tuyệt đối của Thiên Chúa đang chờ đón mình.
Hôm nay chúng ta còn những thiếu sót để được tiếp tục hoàn thiện hơn. Hôm nay chúng ta còn những khờ dại để được học khôn thêm, và mọi người chung quanh chúng ta cũng thế. Chúng ta ước mong điều tốt đẹp nhất, nhưng đó không phải là những yêu sách bức thiết để nó trở nên gánh nặng khốn khổ hành hạ mình, vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn, nói tiên tri cũng chưa trọn vẹn; song lúc sự trọn lành đã đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ (I Cô-rin-tô 13:9-10).
Còn biết bao nhiêu điều mình chưa được nghe hết, biết bao nhiêu điều mình chưa được nói hết, biết bao nhiêu điều mình chưa hiểu hết. Nhưng cuộc sống còn diễn tiến đến khi mình được gặp Chúa mặt đối mặt, mình sẽ hiểu mình như Người đã hiểu mình vậy (I Cô-rin-tô 13:12). Ví dụ, tôi có một đứa con trai duy nhất đang sống xa cách tôi và nó cũng chưa hiểu tôi, nhưng tôi tin rằng mọi sự sẽ được Chúa làm cho tốt đẹp. Mình yêu thương nó và những mong ước tốt lành cho nó là ưu tiên hơn cho chính mình. Những tội lỗi, những u ám tối tăm của ngày cũ sẽ phải qua đi hoặc trốn mất khỏi tình yêu và sự bình an trong Chúa. Dù hôm nay tôi chưa có cơ hội nói với đứa con trai mình đôi lời thân thiết, nhưng tôi tin rằng Chúa sẽ nối lại tình yêu giữa cha con tôi. Nghĩa là trong tình huống tệ hại nhất, chúng tôi cũng không tuyệt vọng, vì trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Satan không thể tiêu diệt được tình cha con của chúng tôi. Tôi biết Satan đang tìm mọi cách để phá nát tình cha con của chúng tôi. Nó chia lìa tình cha con chúng tôi suốt 12 năm ròng rã. Nay tôi ở trong trại tỵ nạn Ðức, chưa được tự do đi lại; trong khi con tôi ở Mỹ vẫn bị ngăn trở để xa lánh tình yêu quý báu giữa cha và con.
Hai quốc gia có nhân quyền và tự do vào bậc nhất thế giới nầy vẫn bị Satan bịt mắt trói tay để tình cha con của chúng tôi tiếp tục bị ngăn trở bởi quyền lực của nó. Nhưng tôi tin chắc, nói đúng hơn là tôi đang thấy rõ bằng con mắt tâm linh, rằng Chúa sẽ chiến thắng sự ác của ma quỷ để cha con tôi được gặp nhau và hiểu nhau. Bất cứ một chính phủ hay một người cầm quyền nào cũng sẽ được Chúa ban phước khi họ có lương tâm giúp đỡ để hàn gắn lại tình cha con chúng tôi. Nếu không bởi hồng ân Thiên Chúa, làm sao con người (vốn có nhiều rắc rối quá khứ như tôi) có thể sống khỏe mạnh bình an để viết những dòng chữ hạnh phúc nầy? Tôi tin rằng con tôi cũng sẽ tha thứ cho người mẹ của nó, người vì yêu nó một cách ích kỷ và vì mục đích cộng sản mà đã làm những điều sai lạc giữa nó và tôi. Cám ơn Chúa, Người đã có cách dắt dẫn tâm linh tôi để tôi thực tập yêu thương với mỗi người để học tập sống theo Lời Chúa: dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự (I Cô-rin-tô 13:7), và để hưởng hạnh phúc trong bất cứ cảnh huống nào. Nhờ vậy, tôi tin rằng Người là Ðấng làm ơn cho bất cứ ai khao khát chân lý và sự sống thật. Người biết nhu cầu chính đáng của từng người một trên thế giới nầy. Người không bỏ sót một sợi tóc nào của chúng ta, vì không có một sợi tóc nào của chúng ta mà không do Người dựng nên từ trong vô lượng nhiệm mầu được dấu kín qua nhiều đời. Kinh Thánh dạy rằng “Những bí mật thuộc về Ðức Chúa Trời chúng ta, song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời để chúng ta làm theo mọi Lời của Chúa” (Phục Truyền 29:29). Cái gì con người biết được vẫn còn quá ít ỏi so với hoàn vũ mênh mông và lòng người sâu thẳm. Cái gì con người thành đạt được vẫn còn thiếu sót cần được trau dồi hơn. Sau mỗi lần té ngã là cơ hội để đứng lên nhìn lại bài học của mình. Chúng ta tập tểnh bước đi trong hồng ân Thượng Ðế nên không có gì phải kiêu căng ngạo mạn, mỗi bước của chúng ta đều được sự dắt dẫn của Người để khám phá thêm nhiều điều mới mẻ, vì “mỗi buổi sáng thì lại mới luôn và sự thành tín của Người là lớn lắm” (Ca-Thương 3:23).
Sau ngày tôi tự thiêu hụt trước tỉnh đường Khánh Hòa Nha Trang, bố tôi từ Quảng Trị vào khuyên: “Con đừng chết. Việc tranh đấu là cả nước chứ có phải riêng gì cá nhân mình đâu mà con phải chết”. Vào nửa đêm hai cha con tôi đang tâm sự trước chùa Tỉnh Hội, bất ngờ cảnh sát tràn vào chùa bắt tất cả. Họ đạp cửa chùa, cửa bếp. Họ lục lọi từ toa lét đến bàn thờ. Mọi người bị bắt buộc phải đứng yên bất động. Cha con tôi bị bắt bỏ lên xe GMC quân đội.
Xe quá chật không đủ chỗ để chở hết số người bị bắt nên họ lựa lọc bỏ bớt lại. Nhiều người được thả ngay tại chỗ, bố tôi và tôi cũng được xuống xe. Ngày hôm sau bố tôi sợ quá nên ông về Quảng Trị. Ông muốn đưa tôi về Quảng Trị luôn, nhưng tôi nói các thầy đã bị bắt hết rồi, con không làm sao xin phép được. Cha con chúng tôi chia tay vội vàng.
Mấy ngày sau, có người lạ mặt vào chùa hỏi ai là Chú Uỹ. Người ta đoán rằng tôi bị truy nã vì đã tình nguyện tự thiêu. Nghe vậy, tôi trốn về Quảng Trị ở với thầy tôi và thỉnh thoảng về thăm gia đình cách chùa 14 cây số.
Ở với thầy, tôi có radio để biết tin tức hằng ngày, nhưng khi về làng thì tôi hoàn toàn không được nghe tin tức gì cả. Vào sáng 30/10/1963, trong khi đang ở nhà tại làng Cổ Lũy, đại đức Thích Ðức Huy đến hỏi tôi “Uỹ còn ý định tự thiêu không?” Tôi trả lời “còn”. Ðức Huy viết giấy, chỉ đường cho tôi liên lạc với các phật tử tại chợ Quảng Trị để vào Huế. Tôi lặng lẽ ra đi mà không có cảm giác chết chóc gì lắm. Tâm trạng của tôi vừa sẵn sàng chết, vừa tò mò xem tình thế ra sao. Vì thế, khi ngồi trong nhà chị Như Ý số 29 Nguyễn Thành- Thành Nội Huế, tôi vẫn thăm dò xem sự chết của mình sẽ diễn ra như thế nào, tại đâu. Một cô gái khóc lóc muốn tôi đổi ý vì “chú Uỹ còn nhỏ quá”. Tôi khuyên cô ta đừng khóc lớn tiếng, sẽ bị lộ.
Tôi quan sát tất cả dụng cụ đã có sẵn như xe xích lô, xe mobylet, áo mưa, áo cà sa, xăng, hộp quẹt diêm và gói thuốc Ruby hay Cotable gì đó. Dù chuẩn bị chết, nhưng khi ấy tôi vẫn còn phân vân, chưa quyết định dứt khoát là nên tự thiêu hay không trong dịp nầy. Tuy thế tôi vẫn muốn xem tình hình ra sao; nếu thuận lợi thì tiến hành việc tự thiêu, ngược lại thì chờ dịp khác. Người ta giao cho tôi mấy thùng xăng nhỏ để chuẩn bị tẩm vào áo Cà-Sa mặc trên người. Có thể đi tới đó bằng xe xích lô hoặc xe gắn máy rồi làm bộ lấy thuốc hút và bật diêm.
Trong khi ngồi chờ đợi tại nhà chị Như Ý, người ta cho tôi biết rằng phái đoàn điều tra nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đang ở khách sạn Thuận Hóa. Bầu không khí chính trị xã hội lúc đó rất nặng nề nghiêm ngặt khiến tôi cảm thấy cần cương quyết tự thiêu để làm một điều gì đó chống lại chính phủ Ngô Ðình Diệm, để an ủi đồng bào phật tử, và sau cùng để được gặp lại mẹ tôi.
Ðang ngồi chờ đợi người tiền trạm đem tin tức cuối cùng về để quyết định thiêu hay không, tôi nghe tin một người sinh viên tên Khiết báo cho biết là trễ rồi. Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã xuống phi trường Phú Bài về Sài Gòn. Mục đích cuộc tự thiêu hôm nay là để nói lên tình trạng thiếu tự do của Phật Giáo trong dịp phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc đến Huế. Nhưng họ đã ra phi trường về Sài Gòn trong khi chúng tôi chưa kịp thực hiện, do đó cuộc tự thiêu phải hoãn lại. Tâm trạng của tôi lúc đó khá dững dưng, chết hay sống đối với tôi dường như không có gì đặc biệt lắm. Thế nhưng đối với nhiều người, ai cũng cho là quan trọng, họ càng thổi phồng nhiều tình tiết hồi hộp để làm cho sự việc trở nên rắc rối.
Mấy hôm sau chính phủ Ngô Ðình Diệm sụp đỗ. Tôi được mọi người cảm mến như một anh hùng. Trong bầu không khí đó, tôi khá mệt mỏi, không thiết gì cả. Tôi hy vọng rằng Chư Phật sẽ có cách làm cho mẹ tôi biết lòng tôi ăn năn với bà. Thầy Phan Minh Nghĩa, vốn là một tu sỹ nổi tiếng tham nhũng khi nắm toàn bộ tài chánh của nhà in và nhà sách Hoa Sen Nha Trang, mua một chiếc xe Simca Auron nhỏ gọn để chở thầy Ðức Huy và tôi đi một tua từ Huế vào Nha Trang. Dọc đường, ba anh em chúng tôi ghé từng tỉnh một, ăn uống và ngủ lại.
Ðà Nẵng, Quảng Ngãi đón tiếp chúng tôi như những chiến sỹ đem chiến thắng trở về. Tôi vừa về đến Nha Trang cũng gặp nhiều người han hỏi đến nỗi không ăn được một bữa cơm trọn vẹn. Tôi xin qua Phật Học Viện ở để tránh bớt không khí ồn ào. Nhưng từ đó tôi bắt đầu nghe chọc ghẹo từ các thầy. Sự “nổi tiếng” vô duyên của tôi đã đem lại bầu không khí khó chịu cho một số người trong giới tu hành. Tôi quá ngây thơ khi bị chọc ghẹo. Ví dụ người ta nói “Uỹ, có phái đoàn báo chí đang chờ chú ở dưới phòng khách. Ði mau. Ði mau. Họ chờ lâu rồi!” Lúc đầu tôi tưởng thật, vội vàng đi xuống phòng khách. Thế là họ cười ồ lên. Một chú tên là Huệ, đệ tử của Thầy Viên Giác ở Vạn Giã, tưởng tôi có nhiều tiền lắm nên xúi tôi mua món nầy món kia cho chú. Nhiều người phật tử lớn tuổi đi tìm thăm tôi, họ xem tôi như “thánh sống”. Một cụ già tên là Uông, đến Phật Học Viện mời tôi về nhà thăm gia đình cụ gần đài phát thanh Nha Trang. Nơi đây có nhiều anh em trong Phật Học Viện đã đến trước rồi. Bữa cơm trưa đã dọn sẵn. Tôi là người “khách quý” được cả nhà chờ đợi mà chính mình không biết. Khi tôi nghe lời giới thiệu của Cụ Uông mới vỡ lẽ ra rằng đây là bữa tiệc mà gia đình cụ muốn đãi tôi, nhưng bất cứ thầy nào đến thì cụ sẵn sàng tiếp. Cụ bảo rằng “lên Phật Học Viện mấy lần mà không được trực tiếp gặp chú Uỹ, chỉ nhờ các thầy các chú nhắn lại”. Thế mà các thầy đã đến chật nhà cụ, còn tôi không biết gì hết cho đến khi người nhà cụ lên Phật Học Viện tìm tôi. Tôi rất cảm động và cũng rất áy náy xấu hỗ đối với gia đình cụ, vì trước đó tôi quá vô tư để cho “tinh thần đạo pháp” của gia đình cụ suýt bị “mất cắp” do sự vắng mặt của tôi. Người tín đồ tôn giáo thường đặt nhiều lòng tin vào giới tu sỹ mà không bao giờ nghĩ rằng trong giới đó đôi khi còn tệ hơn cả tín đồ bình thường nữa. Quả thật, người tu hành rất cần tình cảm của tín đồ. Nếu không có tình cảm của tín đồ, có lẽ không bao giờ có người khóac áo làm thầy tu!
Chính phủ Ngô Ðình Diệm vừa sụp đỗ loạn kiêu tăng khởi sự lộng hành trong Phật Giáo ngay tức khắc. Nhiều tu sỹ trẻ đã bỏ chùa đi sống trong nhà tín đồ. Nhiều tín đồ đã sẵn sàng nuôi các thầy ăn học để góp công đức cho Ðạo Pháp. Từ đó giới tu sỹ chúng tôi có một danh từ mới “Tu sỹ lưu vong”. Dần dần tôi khám phá ra rất nhiều vụ lạm dụng chiếc áo cà sa để làm bậy bạ. Nếu kể ra thì quá chướng và tốn nhiều giấy bút vô ích lắm. Dầu đau xót, tôi cũng phải nói rằng sau khi lật đổ cụ Ngô Ðình Diệm rồi, Phật Giáo Việt Nam đã nhanh chóng làm hỏng chính mình. Ðây là một điều mà lịch sử Phật Giáo Việt Nam chưa có một vị nào đủ can đảm công khai thừa nhận. Các tu sỹ cấp cao cậy quyền cậy thế, các tu sỹ cấp thấp lợi dụng lòng tin của tín đồ. Nhiều chuyện bậy bạ xẩy ra không bút mực nào tả xiết. Một người tinh ý, lõi đời có thể giả dạng một vị thầy tu, học thuộc vài bài kinh, tự may cho mình một chiếc áo cà sa là có thể đi vận động tài chánh xây chùa đúc tượng. Phật Giáo chê giáo quyền, giáo chế, chê tín lý và tín điều, nhưng thật ra Phật Giáo vẫn có các thứ ấy một cách thiếu cân đói và có thể nói là rất ấu trĩ. Tình trạng tu sỹ lưu vong hoặc tăng sinh lưu vong kéo về Sài Gòn ngày càng nhiều. Họ kiếm tiền rất dễ nhờ đi bán lịch Phật Giáo, bán nhang hoặc quyên góp trong các chợ búa phố xá.
Tôi trở lại việc học hành một cách khó khăn, vì tâm lý bị giao động. Nhưng ai chăm chỉ học hành mới có thể bình thường hóa cuộc sống trong hoàn cảnh xôn xao giao động như thế. Võ Ngọc Minh, đệ tử của Thầy Ðổng Minh từ bên chùa Tỉnh Hội cũng xin qua Phật Học Viện ở với tôi. Một người bạn thân thiết nhất của tôi là Quảng Minh từ Quảng Trị cũng vào Phật Học Viện.
Ba anh em chúng tôi học chung một lớp. Chúng tôi thi đua nhau học và chiếm điểm rất cao trong lớp Ðệ Ngũ, Ðệ Tứ trường Bồ Ðề Nha Trang. Chúng tôi nhờ một anh thanh niên phật tử dưới phố lên dạy toán mỗi tuần 2 buổi tối tại Phật Học Viện. Ba anh em học chung dưới xuởng làm nhang.
Một hôm, chúng tôi đang hăng hái giải bài toán quỹ tích, thình lình thầy Trừng San bước vào phòng một cách giận dữ, bắt buộc chúng tôi phải tháo gỡ đèn, dẹp bảng đen, giải tán giờ học. Chúng tôi năn nỉ cách gì cũng không được. Người thanh niên dạy toán rất ngạc nhiên vì thái độ ngăn trở phi lý ấy. Anh ta nói: “Tôi không ngờ kỷ luật của các thầy khắt khe mà lại phi lý đến thế!” Ba anh em chúng tôi hết sức bất mãn vì đang học hành ngon trớn mà bị ngăn cản.
Trong lúc tinh thần tăng chúng còn giao động bởi dư âm của các cuộc biểu tình đấu tranh, ba anh em chúng tôi tìm được hứng thú học hành và nhờ Phật Tử trí thức dạy kèm thêm, đáng ra phải được khuyến khích, nhưng ngược lại chúng tôi đã bị dẹp và bị coi như những tăng sinh cứng đầu tự thị. Chẳng những thế, chúng tôi còn bị đem ra trước buổi họp chúng để nghe các thầy kết tội “muốn phá nội quy tăng chúng” bằng cách lập nhóm học riêng để “tỏ ra hơn người”. Võ Ngọc Minh và Quảng Minh chán nản không muốn đi học nữa. Chúng tôi rủ nhau xuống các triền đồi ăn cắp xoài, mít và bàn chuyện bỏ đi.
Tôi không thể diễn tả hết những điều tai hại do vấn đề thiếu kiến thức sư phạm của các thầy tu như thầy Trừng San, Ðổng Minh và nhiều thầy khác đã gây khốn khổ, oan ức tai hại cho các chú tiểu rất nhiều. Nào là roi vọt, nào là áp dụng kỹ luật độc đoán mà không chịu hiểu tâm lý tuổi trẻ của chúng tôi. Sau nầy tôi mới được biết rằng chính thầy Trừng San là một võ sư, đã từng tham gia chống Pháp, bị tù, bị tra tấn nhiều, vì thế ông ghét những đứa ham học Anh Văn. (Lúc đó tôi học Toán và học cả Anh Văn nữa. )
L. Q. Ð. là một người rất giỏi toán, có lần viết hai chữ “bất công” trên bảng phân chia công tác của thầy Trừng San nên bị ông đè sấp xuống đất đánh một trận đòn mà chính mắt tôi thấy. L. Q. Ð. uốn cong cả người như con tôm và nghiến răng chịu đựng. Người ta cho rằng ăn xôi chùa thì phải ngậm miệng. Bạn học chung lớp với tôi là Tr. K. L., hiệu là T. P. H. cũng bị thầy Ðổng Minh bắt nằm sấp đánh năm roi thẳng cẳng gọi là “đánh để cúng dường chư Phật” với một cái tội chẳng đáng đòn.
Người ta thích viết những quyển sách từ bi bác ái cao siêu huyền diệu từ chốn thiền môn thanh tịnh, chứ không ai thích kể lại những kỷ niệm thực tế đáng buồn để tìm cách làm cho nơi đó tốt hơn. Ðó là một phần hậu quả của quan niệm “xấu che tốt khoe”! Nếu thật sự tu hành, tôi nghĩ rằng giới tu hành nên loại bỏ quan niệm xấu che tốt khoe nầy. Khi che cái xấu là khi người ta không thích sửa chữa nữa. Khi khoe cái tốt quá nhiều làm cho người khoe trở nên háo danh, kiêu ngạo và giả hình. Người nào cũng có cái xấu và cái tốt nhất định. Suốt một đời người chúng ta luôn luôn có cơ hội để hoàn thiện cái tốt và loại bỏ cái xấu, đáng tiếc là chẳng mấy ai thật lòng làm đúng như thế. Bao lâu người tu sỹ còn quan niệm xấu che tốt khoe, bấy lâu họ còn làm ngược lại mục đích tu hành của mình.
Tôi nghĩ rằng mình đi tu, học đạo để phụng sự Ðạo Pháp chứ không phải là người lợi dụng ăn nhờ hột cơm chùa để tiến thân. Gia đình tôi không giầu có gì, nhưng lợi dụng cơm chùa không phải là ao ước của tôi. Khi ở chùa, tôi làm việc từ sáng sớm đến chiều tối chứ không phải chỉ ăn và học. Khi nhận thức ra thực tế sai lạc với ý nguyện của mình, tôi quyết định ra khỏi chùa.
Ngày nay dù không còn tu nữa, tôi cũng có cái quyền nhận xét điều hay điều dở qua kinh nghiệm sống của cá nhân tôi. Thế nhưng với nhiều người, khi biết tôi nói thật chút ít như thế nầy là phiền lắm. Tôi là người hay nói thẳng nên thầy Trừng San không ưa. Có thể vì thế mà Quảng Minh và Ngọc Minh chơi thân với tôi và được các phật tử ủng hộ dạy kèm là một điều trái mắt thầy Trừng San chăng? Có một khuyết điểm “nhỏ” mà người tu hành khó tránh đó là họ muốn nắm toàn bộ hiện tại và tương lai của các thế hệ học trò mình; nắm cả tinh thần, vật chất, quyền quyết định tương lai và tình cảm cá nhân. Ðứa học trò nào tỏ ra không chịu cúi đầu tuân thủ là đứa “đáng ghét”. Thái độ hống hách của thầy Trừng San đã gây bất mãn cho Ngọc Minh và Quảng Minh đến tột độ. Hai đứa đó thức suốt đêm để bàn với tôi trốn vô Sài Gòn sống lưu vong. Tôi hoàn toàn phản đối. Cả hai đứa bắt đầu giận tôi và bỏ Phật Học Viện đi ngày nầy qua ngày khác. Hai người nầy đều nhỏ hơn tôi vài tuổi nên còn bồng bột.
Một ngày kia, hai chú Minh đi suốt ngày và trở về vào buổi chiều tối với nét mặt hớn hở tưng bừng. Họ cho tôi biết đã tìm ra chỗ thân tình tử tế chưa bao giờ có trên đời. Họ quyết định bỏ đạo Phật qua đạo Tin Lành. Hôm đó hai bạn tên Minh của tôi về kể lại rằng Thần Học Viện Nha Trang đón tiếp họ rất nồng hậu, lịch sự, đầy thương yêu xây dựng... Hai chú ấy cam kết là Tin Lành tốt hơn Phật Học Viện. Tin Lành có cả một thư viện sách, tụi mình qua bên đó mặc sức mà học, v. v. Tôi chẳng hiểu gì về Tin Lành cả, nhưng triệt để phản đối ý kiến táo bạo của hai anh bạn thân.
Chuyện đơn giản chỉ có thế mà hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Lúc đó thường xẩy ra những vụ tăng sinh trốn Phật Học Viện vào Sài Gòn sống “lưu vong”. Người ta nói “sở dĩ thầy Nhất Hạnh được làm nên cơ nghiệp cũng nhờ trốn khỏi chùa để đi học”. Thời trước, nhà chùa không cho thầy Nhất Hạnh đi học chữ Quốc Ngữ. Thầy Nhất Hạnh dám cả gan đề nghị quý thầy bề trên cho các chú tiểu đi học chữ Quốc Ngữ, học tiếng Pháp, được mang dép xăng đan thay vì đi chân không hoặc mang guốc gỗ lọc cọc. Vì thế thầy Nhất Hạnh đã bị đuổi ra khỏi chùa. Thầy Nhất Hạnh đã chịu khó vào Sài Gòn học hành đàng hoàng, nhờ vậy mới mở mắt các thầy thủ cựu.
Ðó là những luận cứ đầy nhiệt huyết và cũng đầy bất mãn của hai thằng bạn thân yêu duy nhất của tôi. Tôi cũng đồng ý với hai bạn, nhưng không chấp nhận bỏ trốn. Tại sao? Tại vì tôi đã làm buồn lòng mẹ tôi một lần quá sức đau đớn. Nếu bây giờ tôi bỏ trốn khỏi Phật Học Viện thì sau nầy hậu quả ra sao đối với thầy tôi và bố tôi! Những người đó là tất cả tình yêu của tôi. Nếu tôi không chết một cách đàng hoàng, thì tôi phải sống đàng hoàng để làm vui lòng thầy, vui lòng cha tôi và cả gia đình ruột thịt. Tôi ý thức điều nầy rất rõ. Dù còn nhỏ, nhưng lúc đó tôi đã nghĩ rằng những hành động bất công phi sư phạm của các thầy làm hại hệ thống giáo dục đào tạo tăng tài nhiều hơn là có hại cho cá nhân tôi. Tôi có một nỗi buồn riêng và dám đi tìm một cái chết cho mình, thì các việc trái khuấy của họ không làm cho tôi lo sợ, nhưng tôi tiếc cho tình trạng chung.
Ý nghĩa đấu tranh giành tự do tôn giáo thật là đẹp, nhưng khi giành được thì người ta phung phí và lạm dụng một cách không thương xót. Cái ý nghĩa mà mình đã kêu gào và được nhiều người đáp ứng, nhiều người đã hy sinh tính mạng cho mình để rồi mình huênh hoang vung vít. Ðó là một sự lẩm cẩm đáng tiếc vô cùng giữa nhân loại chứ không riêng gì Phật Giáo Việt Nam. Người ta hô hào “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Tiếng hô hào luôn luôn có vẻ hấp dẫn và đầy ý nghĩa, nhưng trên thực tế, những “ngọn đuốc”, hay những “gương sáng” trong lịch sử nhân loại chỉ được lóe lên trong một thời gian ngắn rồi suy tàn. Ví dụ như những luồng tư tưởng, triết học, những thời đại tôn giáo thịnh rồi lại suy đã không có gì vĩnh cửu mà lại còn làm cho nhân loại rối reng thêm. Những “ngọn đuốc” của loài người được thắp lên thật là le lói mà mập mờ làm vấp ngã nhiều thế hệ, trong khi Lời Chúa đã rao truyền, và quyền năng Thiên Chúa đã tỏ bày sờ sờ như Kinh Thánh đã chép (Thi Thiên 19, Thi Thiên 90, Rô-ma 1:20-23). Ðặc biệt từ khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, lịch sử loài người đã chịu nhiều thay đổi, Kinh Thánh đã được rao truyền, thế mà nhiều người cứ nhắm kín con mắt tâm linh để bước đi dưới ánh sáng có sẵn của trời đất!
Cuối cùng, một hôm nọ hai thằng bạn của tôi đã quyết định đi Saigòn. Chúng sắm rương để đựng hành trang. Chúng sắp xếp âm thầm suốt mấy ngày. Tôi không làm sao can ngăn chúng được, mà lại phải giữ kín tối đa cho chúng. Ðêm hôm ấy là đêm thứ Bảy, mọi người yên giấc, chúng tôi chào nhau, nước mắt dầm dề. Hai thằng bạn của tôi ra đi trong bóng tối trên con đường núi hướng theo hãng xì dầu thẳng xuống khu Mả Giồng để đón xe đò Sài Gòn. Chúng tôi khuân vác hành trang rất mệt. Khi xuống đến Mả Giồng để chờ xe, Võ Ngọc Minh nằm dài ra giữa lề đường.
Hai đứa ra đi, tôi mất hai người bạn quý giá nhất của tuổi thơ mình. Căn phòng tập thể của các chú sa di có hai dãy giường thẳng tắp. Trong đó có hai giường của bạn tôi, vẫn treo màn muỗi như có người đang ngủ để khỏi bị chú ý. Tôi không đủ can đảm bước vào phòng của hai bạn vì sợ bị phát giác là tòng phạm. Lúc đó tôi ở trong phòng y tá, cách dãy nhà đại chúng cả trăm mét. Nửa đêm, tôi về nằm thao thức trong phòng y tá, chờ trời sáng để dậy tụng kinh. Nước mắt tôi chảy ướt đẫm cả gối. Giờ đây tôi đã tròn 56 tuổi, khi ngồi ghi lại những kỷ niệm nầy tôi cũng không thể ngăn dòng nước mắt.
Sáng hôm sau là Chúa Nhật. Thông thường sáng Chúa Nhật có họp chúng sau bữa điểm tâm. Người ta báo cáo hai chú Quảng Minh và Ngọc Minh đã trốn đi rồi. Hai chiếc giường của họ vẫn còn treo màn muỗi, nhưng trên giường không có hai chú. Thầy Ðổng Minh nhìn tôi với nét mặt dò hỏi. Sau đó ông cười mỉa mai và nói “Uỹ xúi thằng Minh đi phải không?” Tôi im lặng, không biết phải nói gì cả. Thầy Ðổng Minh giận lắm, ông nói một câu rất bất nhã: “Cứ để hai giường trống đó cho hai con chó lên nằm”. Khi nói câu đó xong, ông thay đổi ngay thái độ bằng một câu hỏi khác: “Anh em thấy chúng tôi đối xử với anh em như thế nào mà cứ lần lượt bỏ Phật Học Viện ra đi? “ Câu hỏi nầy đã bị Lê Tư Chỉ, một người đồng môn của tôi, trả lời một cách rất văn chương và điển cố: “Thưa thầy, bộ mặt của thầy khi nào cũng giống như Ngô Ðình Diệm. “ Lê Tư Chỉ còn đọc câu Kiều:
Xưa sao phong gấm lụa là
Bây giờ tan tác như hoa giữa đường
Hai người bạn thiết của tôi trốn vào Sai Gòn để học trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội của thầy Nhất Hạnh. Sau đó Quảng Minh, tức là Lưu Quang Dũng bị giết tại Thủ Ðức vào mùa hè 1966 (hay 1967?) trong khi đang thực tập một chương trình phát triển cộng đồng. Tất cả là sáu tác viên của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đã bị bịt mắt vào nửa đêm, bị đem ra bắn tại bờ sông Ðồng Nai vùng Cát Lái. Ai giết họ? Nào ai biết! Hình như sau đó còn một người được sống sót nhưng đến nay tôi vẫn chưa có dịp gặp. Võ Ngọc Minh đã xuất tu về lập gia đình tại Bình Ðịnh, tôi cũng mất liên lạc luôn.
Vào cuối năm 1964 tôi trốn vào Sài Gòn tự thiêu lần sau cùng bởi vì tôi cảm thấy quá chán nản và mệt mỏi. Nhưng khi vào Việt Nam Quốc Tự, tôi mục kích được sự phân rẽ của các thầy lãnh đạo cấp cao nhất, lòng tôi không còn nhiệt huyết để chết nữa mà muốn sống để nhìn xem thế sự ra sao như một kẻ tò mò chân lý bâng quơ. Vì hăng hái đi tu khiến cho mẹ tôi buồn, sau khi mẹ tôi qua đời, tôi lại va chạm những chuyện kỳ cục trong chùa làm cho tôi chán nản. Những chuyện kỳ cục ngoài đời có thể nói cho nhau nghe được. Nhưng chuyện kỳ cục trong chùa thì có giới cấm, không được nói ra ngoài. Hơn nữa mình nói ra cũng không mấy ai tin, lại còn bị người ta cười cho. Ðó cũng là những lý do khiến tôi bị dồn nén, chán nản và muốn tự sát.
Cuối năm 1964 tôi bỏ hẳn ý định tự thiêu, nhưng chưa bỏ hẳn ý định tự tử. Suốt thời gian còn lại, tôi học hành sa sút, nên đã tham gia đi cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến cuộc. Tôi nghĩ rằng biết đâu mình sẽ gặp một viên đạn vô tình mà chết với đồng bào mình. Bởi thế, tôi lăn xã vào những cuộc chiến để giúp nạn nhân chiến cuộc và sẵn sàng chờ đón cái chết. Ví dụ như trận Cầu Dài Bến Ðá Trường Sanh mà người ta gọi là Ðại Lộ Kinh Hoàng. Vào ngày rằm và mười sáu tháng Ba âm lịch năm 1972, tôi đã chạy lui chạy tới trên đoạn đường ấy ba lần. Tôi đã chạy qua biết bao nhiêu xác chết, nhưng vẫn còn sống mà không bị một thương tích nào cả. Bây giờ nghĩ lại, tôi càng tin rằng sống hay chết đều nằm trong tay Trời.