Mùa Thu năm 1972, sau vụ tự sát của thầy Lưu Bổn ở Ðà Nẵng, tôi bàn giao trại tạm cư Trung Nghĩa cho trại Hắc-Kinh Hòa Khánh để về Sài Gòn tìm cái chết dứt điểm cuộc sống phù du. Tôi bắt chước thầy Thích Toàn Thành, mua vài típ Optalidon để uống. Rất bình tĩnh, tôi nghe lời bạn tôi là Ðoàn Minh Du, đang dạy học ở trường Bồ Ðề Quảng Ngãi, đọc truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ để giải khuây trước khi chết. Du biết tôi hay buồn nên khuyên tôi đọc truyện tầu để giải khuây. Du hay kể cho tôi nghe chuyện Trận Tiền Xích Bích trong Tam Quốc Chí, chuyện Lộc Ðỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Cô Gái Ðồ Long, Lục Mạch Thần Kiếm... Mỗi khi quyết định tự sát, tôi luôn luôn có sự dây dưa kèo nài để bòn mót sự sống thêm một vài hôm.
Tôi đã đọc bộ tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ và hai cuốn của Hermann Hesse: Câu Chuyện Của Dòng Sông và Ðôi Bạn Chân Tình (Siddhartha và Narsiz und Goldmund). Dù ít khi đọc sách, nhưng hễ đọc sách là tôi chìm sâu vào những câu chuyện trong sách. Ba tựa sách nói trên đã gợi cho tôi những ý tưởng mới: “Mình phải sống để xem cuộc đời ra sao. Chết lúc nào chẳng được. Chết là một sự kiện không bao giờ quá trễ. Tại sao mình không chấp nhận sống phiêu bạt bụi đời như Goldmund, như Lệnh Hồ Xung, như Siddhartha. Mặc ai khinh, ai chê, ai cười cợt, mình cứ phong trần la lết cho hết một kiếp làm người để thử xem sao!” Tôi bắt chước tinh thần dấn thân và tính liều lĩnh của các nhân vật tiểu thuyết như Lệnh Hồ Xung và Goldmund để gác cái chết qua một bên, sẵn sàng cởi áo xuất tu, dấn thân làm kẻ bụi đời. Tôi viết mấy câu thơ để từ giã ý định tự sát như sau:
Chào Cõi Chết
Này cõi chết em ơi chờ ta nhé
Bởi trần gian chẳng hiểu ta đâu
Ðã bao lớp tóc trên đầu
Chỉ thành sương thoảng ra câu thơ buồn
Tiếng thơ không gọi được hồn
Nước mắt thêm nặng vong, tồn, cô, lưu
Xưa trần thế gọi Tỳ Khưu
Nay thì dâu biển gắn câu bụi đời
Trước sau vóc dáng con người
Chẳng ai nhìn thấy nụ cười ban sơ
Mõi mòn ta vẫn đợi chờ
Mấy lần đã chết, bây giờ còn đây!
Cứ mỗi lần chán nản là mỗi lần tôi nhớ đến tình yêu của mẹ mà ngày xưa mà vì không hiểu hết nên tôi đã trót làm mẹ mình buồn. Nhiều khi ý định tự tử vương vấn trong tôi như một món nợ. Lắm khi tôi đã quyết định mạnh dạn dứt bỏ ám ảnh tự tử để làm cho mình can đảm lên và chấp nhận cuộc sống dù nó ra sao cũng được. Những lúc suy nghĩ như thế tôi đã tự tâm sự với mình qua những câu thơ. Tôi cũng cảm thấy những suy nghĩ của mình đã cám dỗ mình vào hành động tự sát. Ðể tránh sự cám dỗ nầy, tôi đã viết những bài thơ nói với sự chết và hẹn rày hẹn mai với nó để trì hoãn ý định tự sát trong tôi. Ðây là một sự mâu thuẫn nội tâm. Lắm khi tôi cho rằng chết là sự bắt đầu một bước ngoặt để vào ngõ cụt khác. Tôi tự nói với mình rằng đời chẳng có chi đáng sợ. Mình sống với tất cả những gì mình có, rồi cũng phải đến ngày chào vĩnh biệt trần gian. Tôi lần lựa hẹn rày hẹn mai với ý định tự sát, để kèo nài từng phút sống lênh đênh một cách mâu thuẫn. Tôi liều lĩnh xem cuộc đời như trò chơi lẩm ca lẩm cẩm, lận đận long đong, thế nào rồi sự chết cũng đón tiếp mình thôi. Tôi cho rằng ai cũng có thể phản bội mình được cả, nhưng đau khổ và sự chết là chung thủy nhất đối với mình. Thế mà đã mấy lần tôi lỗi hẹn với ý nghĩ tự sát của tôi. Tôi phải làm thơ để xin khất lần khất hồi với sự chết:
Lỡ Hẹn
Hãy kiên nhẫn chờ ta nghe cõi chết
Nỗi đau này dành dụm một mình em
Ðã bao đêm ta thoi thóp chong đèn
Trằn trọc mãi bởi em chờ ta đó.
Giờ hiện tại trời mây sông núi nọ
Tình lang thang quyến luyến cõi vu vơ
Trái tim đau mệt mỏi đến bao giờ
Yêu đắm đuối nỗi đau nào chưa dứt.
Những bất chợt linh hồn ta hậm hực
Chỉ vì yêu mà khốn khổ em ơi
Cõi tương tư là cõi chết muôn đời
Mắt sẽ nhắm cho màn đêm khép mãi.
Giờ bịn rịn giữa hồng trần tê tái
Ðể hai chân lật lật mấy năm liền
Những mùa đi rồi trở lại như nhiên
Còn cõi chết ta cam đành lỡ hẹn.
Nầy em nhé! Bao giờ mắt ráo hoẽn
Chốn phù du thôi chảy giọt tương tư
Chén tương chao, gừng muối mặn tạ từ
Là khi ấy ta tìm về cõi chết.
Ðầu tròn trịa, cà-sa vuông sẽ hết
Tóc thôi dài, chuông mõ cũng thôi ngân
Là khi ta đi trọn kiếp hồng trần
Nơi ngõ cụt, hãy chờ ta em nhé! (1972)
Khi cởi áo Cà-sa ra khỏi chùa, tôi mặc vào bộ đồ tây, đi lang thang ngoài phố để ngắm xem thiên hạ và mình có giống nhau không. Tôi cảm thấy được tự do hơn, bởi vì mình muốn đi đâu thì đi, chẳng ai chú ý tới mình qua chiếc áo nữa.
Trong con mắt thế thái nhân tình, chiếc áo trên mình tôi không còn là cái cớ để người ta phải e dè hoặc kính nể nữa. Người ta gọi tôi bằng chú, bằng anh; người ta mời chào tôi mua hàng hóa. Tôi có thể dừng chân ghé quán ăn một tô phở để ngắm nghía cuộc đời. Tôi đến những ngôi chùa xa lạ để tỏ ra mình là một phật tử xem các phật tử nghĩ gì về các thầy. Tôi đứng chung trong hàng ngũ những người đi lễ để nghe họ khấn vái thì thầm. Tôi đi vào các nhà thờ để xem ở đó người ta cầu nguyện ra sao. Tôi tò mò đủ thứ trên đời vì những ngày ở Chùa không có dịp, hoặc không được phép, hoặc không dám tò mò. Tôi đi bộ lang thang vào các khu chợ búa để ngắm nhìn đồ nữ trang trong các tủ kính, các áo quần phụ nữ xinh xinh. Tôi lắng nghe các bà hàng tôm hàng cá chưởi bới nhau bằng những lời lẽ tận cùng thạnh nộ bầm gan. Ðối với tôi, các câu tục tĩu mà họ chưởi bới, nguyền rủa nhau trong chợ búa còn hấp dẫn hơn tiếng kinh lời kệ ngày xưa. Tôi nghe ngóng, ngắm nhìn thưởng thức say sưa, đến khi người ta ngừng tiếng chưởi, tôi cảm thấy bâng khuâng nuối tiếc. Thái độ họ chưởi nhau hết mình, trông họ thật thà với nhau hơn những người ăn nói đạo đức mà tôi đã từng quen. Tôi thấy người lao động chưởi bới nhau hết lòng, lời lẽ cạn tàu ráo máng không che giấu gì cả. Chưởi cho đã rồi lo làm ăn buôn bán. Nhưng người tu hành chưởi nhau bằng triết lý cao siêu sâu sắc truyền thừa từ các thế hệ sư môn đến hàng đệ tử hậu lai và cứ nhớ dai mà ít ai bên ngoài biết đến. Ðôi lúc người tu hành muốn nói một câu thô tục nhưng phải ngậm miệng, khi muốn chưởi nhau thì chưởi bằng sách vở giáo lý có hệ thống để ghim gút nhau cả đời. Người tu hành rất dễ bị thương tổn, khó quên những ai đã làm cho mình bị thương tổn, khó tha thứ cho nhau; chứ không phải ồn ào náo nhiệt và dễ bỏ qua như người trần tục. Tôi nhớ lại lời thầy tôi hay nói khi thuyết pháp:
Dao đâm có lúc lành thương tích
Lời nói đâm nhau hận suốt đời
Những câu ca dao tục ngữ nầy áp dụng cho giới tu hành thì đúng hơn. Thật ra bây giờ tôi nghĩ rằng không riêng gì người tu hành trong Phật Giáo mà có thể nói chung là giới tăng lữ đứng đầu các tôn giáo, giáo phái khác cũng vậy. Vì tôi đã thấy ở thế gian người đàn ông hàng xóm chưởi nhau chí chóe, sau đó lại cùng nhau nhậu nhẹt hả hê. Những người đàn bà nguyền rủa nhau quá cỡ, rồi cũng ngồi xòe bài tứ sắc với nhau. Lúc đầu tôi bị choáng bởi những câu chưởi thề tục tằn nhất đối với chữ Mẹ. Tôi tự hỏi “Sao người ta nói được những từ ngữ chưởi thề kinh khủng như thế với chữ Mẹ qua cửa miệng? Thậm chí hai anh em ruột, hai cha con, hai mẹ con cũng nói chữ ÐM ấy với nhau?” Nhưng lần hồi tôi mới nhận ra rằng miệng người ta chưởi thế quen rồi, nhưng lòng họ không nghĩ thấm thía như mình. Những lúc thân thiện nhất người ta cũng đem danh từ Mẹ ra mà ÐM chứ không phải chỉ lúc giận dữ. Tôi quen nhiều vị lãnh đạo của một số tôn giáo khác nhau, là những người có chức tước, có tiếng tăm đạo đức, nhưng khi đụng trận với những bạn đồng liêu, họ không dễ bỏ qua cho nhau một vài trục trặc đã thành rễ đắng trên chức vụ của nhau. Bởi thế tôi đã sửa những câu ca dao nầy lại cho chính xác hơn đối với nhận thức mới mẻ của tôi:
Thế gian chưởi chán rồi quên bẵng
Ðạo giáo phang nhau ghim gút hoài.
Có một lần tôi đem chiếc máy ảnh hư đến Hội Dục Anh ngay Bùng Binh Cống Quỳnh Phạm Ngũ Lão để nhờ ông thợ sửa, nhưng nghe tiếng la ơi ới trong chợ Thái Bình, tôi chạy vào xem. Có hai người con gái đang vật lộn ngay trước sạp trái cây giữa chợ. Họ bấu tóc nhau, cào mặt nhau, họ xé áo quần của nhau như hai con thú dữ. Trái cây đổ lăn long lóc. Người ta đứng nhìn rất đông. Có người nói: “Mày đánh chết nó đi cho tao”. Có người nói: “Thôi, lo làm ăn đi tụi bay”. Có người nói “Thây kệ nó”. Tôi đang say sưa thưởng ngoạn sự cắn xé của hai cô gái, không ngờ hai cô buông nhau ra thật là mau chóng. Cô nào cũng bù xù tóc tai, mặt mày đỏ gắt, nút áo hở hang bày cả đồ lót bên trong. Tôi nhận ra hai cô nầy giống nhau quá. Hai chiếc áo trên người họ cũng giống nhau. Có lẽ họ là hai chị em ruột. Ðứa em có vẽ hung hãn hơn người chị. Nó tròn trịa đứng nhìn chị hằm hằm. Ðứa chị thì khóc tức tưởi và lượm từng trái cam bỏ vào giỏ. Tôi thấy những ngón tay của đứa chị đẹp quá. Nhìn kỹ hơn một chút, tôi thấy họ tơi tả áo quần để lộ ra những nét đẹp của người con gái đầy sức sống trẻ trung ngay cả khi họ đang hung hăng giận dữ. Nhìn họ say sưa, lòng tôi mơ ước làm sao mình quen thân được một người xinh đẹp như thế để yêu thương, để nâng niu chiều chuộng, để an ủi nhau và kể cho nhau nghe những chuyện đời riêng tư và không che giấu nhau một tý gì hết cả, để cùng chung sống trong một nhà riêng, để sinh con đẻ cái và dạy dỗ chúng nên người, để “đi đâu đem thiếp đi cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo” như lời mẹ tôi thường ru các em tôi. Bây giờ nhớ lại, quả thật tôi là một người khao khát được sống chứ không phải kẻ thèm chết, trừ phi mình mắc phải một sự tắc nghẽn nội tâm, mình không đủ can đảm để chịu đựng một điều gì đó nên đi tìm cái chết cho xong việc. Người tự tử không phải là người can đảm, không phải là người có bản lĩnh đâu, họ là người chủ bại, buông xuôi và bỏ cuộc. Tôi không dám nói người tự tử là hèn nhát, nhưng họ là người trốn chạy sự bế tắc.
Bây giờ đã trở về trong Chúa, tinh thần tôi tỉnh táo, sáng suốt hơn, nên tôi có thể hiểu được chính mình hơn ngày trước. Tôi thấy cái ngõ bí của tôi ngày trước cũng từ tôi mà ra chứ không do ai cả. Cái khó của tôi là đã tự đặt cho mình những tiêu chuẩn quá sức mình ngay khi còn tấm bé. Ví dụ tôi muốn đi tu như thái tử Tất Ðạt Ða, nhưng khi vô chùa thì tôi không vừa ý với kết quả tu chứng của các thầy. Nếu bỏ áo ra về thì mắc cỡ và mặc cảm thất bại bởi lẽ thái độ hăng hái đi tu khi còn nhỏ, tôi đã trót làm buồn lòng mẹ tôi... Những suy nghĩ đó thúc đẩy tôi đi tìm cái chết để trừng phạt mình, để xin lỗi mẹ, chứ kỳ thật lúc đó tôi cũng không tin chắc rằng sau khi chết tôi có thể gặp mẹ tôi hay không. Khi tự thiêu mà không được, tôi mang thêm một gánh nặng mới, ấy là tôi buộc mình sống đàng hoàng để giữ uy tín của một người vốn đã được kính trọng, được yêu mến. Nhưng giữ uy tín hoài rồi cũng có lúc mệt mỏi đâm ra chán nản. Khi quá chán nản thì nghĩ đến cái chết. Cứ thế mà lẩn quẩn lanh quanh.
Sau khi ra khỏi chùa khoảng một năm tôi gặp thất bại gia đình. Sự thất bại nầy khiến tôi tu thiền một cách cương quyết theo Pháp Hoa Hội Thượng của Người Phổ Quang. Ngay buổi đầu tiên gặp vị thầy thiền định, tôi được ngài hân hoan chào đón với lời khích lệ “chắc chắn anh sẽ thành công trên đường tu tiến với pháp môn thiền”. Khi ấy tôi có một căn nhà ván bên bờ sông Tân Thuận. Tôi làm một căn phòng đóng lưới muỗi cho thoáng mát để ngồi thiền. Tôi ngồi thiền đúng cách thức, đúng phương hướng, đúng giờ giấc và trở lại ăn chay, phóng sanh mỗi tháng hai lần. Chỉ ngồi thiền một thời gian ngắn là đã thấy những hiện tượng mật pháp xẩy ra như tay bắt ấn chú, miệng há hốc, nghiến răng, trẹo hàm, cổ đánh vòng tròn đến mức văng người ngã lăn ra, xuất hồn đi các thế giới mênh mông, gặp đủ thứ trên đời mà từ lâu mình chưa bao giờ thấy. Những chuyện như thế tôi đem trao đổi với những anh em tu trước mình để học hỏi. Nhiều người tu thiền trước tôi đã trải qua những kinh nghiệm như vậy. Tu thiền thì cứ tu, vì tu thiền giúp cho mình có thêm bản lĩnh, thêm sức chịu đựng những gì bất đắc chí. Nhưng có một số đam mê và tội lỗi khác gia tăng do sự ngồi thiền đem đến, nổi bật hơn hết là tội kiêu ngạo và tội dâm dục. Người tu thiền lúc nào cũng cảm thấy mình cao hơn kẻ không tu, tự cho mình là người tìm thấy một cái gì đó sâu xa hơn người thường. Ðây là những căn bịnh về thiền mà khi đang ngồi thiền người ta khó thấy được.
Trong thời gian tu thiền, hằng ngày tôi ăn chay và đi làm việc bình thường, đêm về tôi ngồi thiền ở nhà, mỗi tuần đến nghe pháp và ngồi thiền với anh em tại thiền đường Võ Di Nguy Phú Nhuận. Mỗi tháng tôi mua cá, lươn, ếch, chim chóc để phóng sanh vài lần. Giáo lý Phật Giáo cho rằng làm những công việc đó là để hồi hướng công đức, là bồ tát hạnh. Người làm được những công việc đó luôn luôn mở cửa cho sự tự mãn len lõi vào trong lòng mình. Con người vốn có bản chất khoe khoang giả trá. Con người muốn làm một vài điều thiện nhỏ nhoi để biểu lộ cho một ước muốn được tôn vinh thầm kính sâu xa trong bản ngã. Những hành động đó luôn luôn thực hiện với một ý thức đạt thành chánh quả, chứng đắc A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề. Khi nhận ra lòng tự mãn quá lộ liễu, người ta tự hạ mình xuống để có cái vẻ khiêm nhường. Họ cho rằng đi tu cũng là chuyện bình thường của bậc xuất thế gian chứ không phải vì tham vọng được thành Phật hay được giải thoát gì cả. Ðây lại là một ý nghĩ siêu kiêu ngạo được dùng để loại bỏ sự kiêu ngạo ra khỏi tâm tư ý tưởng mình một cách mênh mông. Tỏ vẻ khiêm nhường là một cách kiêu ngạo để che giấu sự kiêu ngạo khác bên trong. Giáo lý nhà Phật cho rằng lòng ham muốn (dục) là một nguyên nhân của đau khổ, nhưng ước muốn thành Phật cũng là một tham vọng (dục) cao hơn cả ước muốn bình thường nữa. Do đó có người vẫn đi tu nhưng không dám tỏ ra mình đi tu để thành Phật. Ðây là những mâu thuẫn, những giả hình lẩm cẩm có tính cách “cao siêu” của Phật Giáo. Trong thực tế, mình cần yêu, cần ăn, cần uống, cần cái nầy cái nọ mà mình không kiểm soát hết để hạn chế nó thì thôi, nhưng cái gì làm mình thỏa mãn âm thầm hay thỏa mãn công khai đều trở thành thói quen khó buông bỏ. Vì mình cũng biết rằng càng chèn ép, nó càng bung ra, càng để cho nó bung ra lại càng khó thoát khỏi sự cố chấp; càng khó thoát khỏi sự cố chấp của kiếp trược, kiến trược, mạng trược... để đạt đến sự chấm dứt phân biệt phải, trái, đúng, sai, hay, dở... Bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm... Nhưng mình vẫn cho mình đã ra khỏi biên kiến bỉ thử... Và cứ thế mà khiêm tốn một cách rất kiêu ngạo, kiêu ngạo một cách khiêm nhường!
Tôi đã thoát chết nhiều lần, nhưng lần sau đây là lần mà tôi cho rằng cái chết đã đụng vào tôi. Vào buổi trưa 30/4/1975, tôi lái chiếc xe hơi mini bus của cơ quan Nhi Ðồng Quaker Anh Quốc, chạy từ văn phòng Terre Des Hommes Minh Mạng Phú Nhuận, lên hướng Tân Sơn Nhất. Trong xe có bốn người bạn sinh viên: Phan Văn Sâm, Nguyễn Duy Thắng, Trung và Mến. Trước xe đề một câu xanh dờn “Chào Hòa Bình”. Chúng tôi chở mấy thùng sơn xanh, vàng, đỏ để anh em sinh viên vẽ cờ Giải Phóng Miền Nam, đón chào “Giải Phóng Quân”. Tinh thần sinh viên tương trợ lúc đó rất là hồ hởi, chào hòa bình, chấm dứt chiến tranh.
Tôi có chiếc xe chạy vòng vòng qua các phố xá lượm súng đạn rơi rớt bừa bãi để tránh nguy hiểm cho đồng bào. Ðang lái xe trên đường Cách Mạng chạy ra hướng Tân Sơn Nhất, đến ngã tư Nguyễn Minh Chiếu, gặp hai hàng lính đi bộ về hướng Sài Gòn. Một băng đạn bắn thẳng vào xe tôi xuyên qua thùng xe, qua bụng, lưng tôi. Tôi cảm thấy bàn tay trái bị thương ê ẩm; chưa nghe đau nhưng bủn rủn cả người. Khi thắng xe lại, tôi thấy hai chân mình còn làm việc được, bèn nghĩ rằng đạn chưa xuyên qua cột sống. Sau xe không còn ai nhúc nhích cả. Máu tung tóe văng đầy bên trong xe và cửa kính. Tôi đưa tay ra hiệu để họ ngưng bắn rồi quay xe về phía Sài Gòn. Tôi bình tĩnh suy nghĩ đâu là bịnh viện để lái xe đến nhanh nhất. Ðúng rồi, quẹo xuống Yên Ðỗ, qua Hai Bà Trưng đến bịnh viện Tân Ðịnh.
Thấy máu me trong xe nhiều quá nên người ta cho xe tôi chạy thẳng vào bịnh viện. Bác sỹ, y tá dìu tôi xuống xe. Chiếc áo sơ mi của tôi vấy máu cả thân trước và thân sau. Họ đặt tôi lên bàn mổ. Các bác sỹ khám lui khám tới cũng chỉ thấy vài vết xước cạn trước bụng và sau lưng do đạn đi qua. Bàn tay trái của tôi bị đen bầm giống như chất thuốc súng xuyên vào hàng trăm lỗ nhỏ dưới da.
Chụp phim, băng bó xong rồi mà tôi vẫn tưởng mình nằm mơ. Trong trí tôi cứ đinh ninh rằng mình đã đổ ruột ra rồi. Tôi hỏi họ có bao nhiêu người chết trong xe? Người ta nói không có ai cả. Tôi không tin. Chạy ra nhìn vào xe, thấy toàn máu đỏ nhòe hết cửa kính. Những thùng giấy, thùng sơn chồng lên nhau hỗn độn trong xe. Sờ tay vào là bị dính sơn dẽo dẹo! Những thùng sơn đỏ bị đạn bắn tung lên chứ không phải máu. Tôi thắc mắc hoài không biết mấy thằng bạn sinh viên của tôi đã bị bắn văng đâu mất? Nhìn lại thùng xe, tôi thấy một đường đạn đi qua băm băm dày khít từng lóng tay, tới chỗ tôi ngồi thì các lỗ thủng thưa ra vừa đúng một tấc giữa hai viên đạn, rồi trở lại băm băm dày khít một hàng nữa. Phía sau chiếc ghế chổ dựa lưng hoàn toàn nát bấy. Nếu lằn đạn cứ đi đều đặn như thế, chắc chắn thân thể tôi đã bị cắt đứt ra hai khúc rồi.
Trở về cơ quan Terre Des Hommes, tôi gặp một người Ðức, ông nói: “You have chance”. Ði tìm lại mấy thằng bạn, tôi không ngờ chúng nó đã nhảy xuống xe trước khi xe bị bắn, vì chúng đã thấy được sát khí đằng đằng của hai hàng quân đi bộ nên vội vàng nhảy xuống xe trước khi súng nổ. Sống và chết gần nhau chỉ vài phân.
Tuổi trẻ xông xáo bồng bột, tôi bàng hoàng ngơ ngác một lát rồi cũng quên, vì thời cuộc thu hút mình vào những điều mới lạ. Hòa bình thì vui mừng, nhưng bị bắt bớ thì sợ hãi. Tôi chẳng sợ ai cả, vì cả đời mình có đi lính đâu. Tôi tự cho mình là Phật Giáo đấu tranh mà! Lòng tôi tin tưởng rằng cộng sản thắng còn hơn là để cuộc chiến kéo dài thêm chết chóc tang thương.
Khi chiến tranh chấm dứt, mình có cơ hội xây dựng lại quê nhà. Nhờ có chiếc xe nhi đồng, tôi chở giúp một gia đình ông thiếu tá an ninh quân đội từ đường Minh Mạng Phú Nhuận xuống bến Bạch Ðằng để ra đi, vì những giờ phút ấy đối với họ quả thật là kinh khủng. Tôi không có đầu óc chính trị gì cả, ngây thơ như thằng ngốc, như người điếc không sợ súng. Tôi có thể bị giết bởi bất cứ phe nào, thế mà vẫn tỉnh bơ. Tôi giúp đỡ các bạn bè sỹ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa để họ về quê, hoặc dò hỏi tin tức cho anh em sỹ quan đang lo sợ từng giờ như thiếu tá Trương Văn Cảnh cháu ruột tướng Ðỗ Mậu, đại đội trưởng đại đội tiếp vận Ðặc Khu Rừng Sát, Thiếu tá Nguyễn Văn Năng quận trưởng Quận Tả Ngạn Huế đang ở chùa Già Lam. Thiếu tá Năng phải đưa gia đình về quê, nhưng rất sợ bị bắt dọc đường và có thể bị giết cũng không chừng. Tôi đưa thiếu tá Năng lên gặp thầy Trí Quang để xin một tờ giấy chứng nhận. Thầy Trí Quang viết cho anh Năng một tờ giấy nhỏ như sau: “Tôi, Trí Quang chứng nhận thiếu tá Nguyễn Văn Năng là một phật tử có công trong vụ ly khai Miền Trung mùa hè năm 1966.” Chỉ có mấy hàng chữ nhỏ của thầy Trí Quang mà hai anh em tôi mừng húm. Thiếu tá Năng đưa tôi ra Sài Gòn ngả tư Lê Lợi & Pasteur để photocopy tờ chứng nhận ra nhiều bản. Anh ấy còn đãi tôi một chầu nước mía góc đường Pasteur - Lê Lợi. Tôi tin chắc rằng anh Năng còn sống, có thể cả gia đình đã qua Hoa Kỳ và không chừng anh còn giữ tờ giấy nhỏ nầy.
Sau 30/4/1975 tôi hy vọng hận thù chấm dứt để xây dựng lại quê hương. Một hôm tôi gặp lại thầy cũ là Ðỗ Trung Hiếu từ trong bưng ra, được ông tin tưởng và được chính thức mời “tham gia cách mạng”. Còn bao nhiêu tiền tôi cũng bỏ ra để làm xã hội mà không tiếc gì cả. Lòng tôi muốn làm việc hết mình để xây dựng lại quê hương. Thấy những người chiến sỹ trong bưng mới ra, ra ăn mặc rách rưới, luộm thuộm, thân thể xanh xao, tôi muốn giúp đỡ. Sinh viên tranh đấu Lê Quang Nghị mượn tôi một số tiền lớn để đưa gia đình về quê, tôi cho mượn ngay.
Nhưng chưa đầy ba tháng sau đó là tôi bị bắt, vì nhà tôi chứa nhiều bạn bè đàn hát lung tung. Ðó là những ông bạn thầy tu trong chùa Già Lam Gia Ðịnh. Một anh bạn tên là Lê Anh Tuấn có tài đàn ghi ta cổ điển rất là văn nghệ. Khi khám nhà, họ thấy tôi có nhiều sách vở quá, có tiền mặt, có radio, truyền hình, có những thanh niên nửa mặc áo tu nửa mặc áo đời. Họ dàn trận, dương súng AK lên trước khi đọc lệnh tống giam khiến tôi tưởng họ bắn tôi tại chỗ. Bị đưa vô tù lảng nhách, nhưng tôi coi việc mình bị bắt oan là không quan trọng. Tôi nghĩ rằng “Cách mạng sáng suốt sẽ hiểu mình và thả mình về thôi mà!” Bốn thằng bạn thầy tu ăn ở ca hát trong nhà tôi là Lê Anh Tuấn, Nguyễn Ðẫu, Ðặng Tùng Thiện, Võ Nguyên Minh. Mỗi người bị giam sáu tháng tại Nhà Bè.
Bị vào tù mới thấy VC bắt người nờm nợp. Khoảng tháng 11/1975, một tù nhân mới đưa vào được còng chung với tôi, tên anh là Trần Văn Sấu, trung sỹ hay hạ sỹ gì đó, bị bắt tại Tân Quy Ðông. Sấu kể cho tôi nghe rằng: “Trưa 30 tháng 4, em đi bộ dọc đường Cách Mạng với đoàn quân bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu kéo về Dinh Ðộc Lập. Thấy chiếc xe trắng có hai chữ “hòa bình” chạy trờ tới, trông ngứa mắt quá, thằng bạn em chơi cho một băng. Chết hết! Sau đó nó gài đạn bắn tiếp, nhưng một người khác sau lưng chận lại kịp, bảo rằng người ta chết hết rồi mày còn bắn cái gì nữa!” Tôi nói cho Sấu biết chính tôi là người bị bắn hôm đó. Tôi đưa bụng, vạch lưng mình cho Trần Văn Sấu thấy những vết sẹo do băng đạn “vô thường” kia bắn xước qua. Tuy mang tiếng mấy lần suýt chết, nhưng chưa bao giờ cái chết đến với tôi trong phần ngàn sợi tóc như trưa 30/4/1975! Thế mà chiếc áo vấy máu của tôi sau đó cũng được Việt Cộng tịch thu để làm tang chứng CIA!
Tôi nằm trong tù chỉ hai năm rưỡi. (Ðúng ra là chỉ 2 năm, 3 tháng và 11 ngày) Tôi bị hỏi cung, bị xếp vào tội CIA. Bị đem ra ruộng Nhà Bè dọa bắn lúc nửa đêm để “thành thật khai báo hưởng lượng khoan hồng”. Tất cả đều không làm cho tôi sợ sệt, nhưng tôi sợ hai hạng người khác. Một là các ông chiêu hồi, hai là những ông cảnh sát quốc gia. Những người nầy bị giam chung với tôi, nhưng họ ghét tôi, vì tôi là sinh viên, là cái thứ đã không đi lính mà hay đi biểu tình chống chính phủ. Họ thù tôi hơn thù Việt Cộng. Họ được làm trưởng phòng giam. Họ hiểu tâm lý người cán bộ du kích để báo cáo, để nịnh bợ. Họ biết vu khống những người “đáng ghét” như tôi một cách hợp tình hợp lý để trả thù cho sự thất bại của miền Nam.
Người tiêu biểu nhất là ông Hứa Kỳ Huệ. Tôi thật sự là một tù nhân cấp hai trong nhà tù. Nghĩa là những người cùng ở tù với tôi đã có quyền làm cho tôi khốn khổ hơn họ. Hai chân tôi bị xiềng sát cái thùng đại liên chứa phân và nước tiểu. Ngoài giờ đại tiện tập thể, những ai cần đại tiểu tiện ban đêm hoặc bất thường thì được mở xiềng ra để đến với cái thùng đại liên ngay chỗ tôi nằm. Những người bị kiết lỵ ngồi quá lâu trên miệng thùng đến nỗi hai bàn mông của họ bị cắt đứt. Có người đại tiểu văng nước vào mặt tôi. Gần một trăm mạng người ép chặt trong căn nhà gia binh mái tôn thấp, chật như nêm, quá sức nóng, mồ hôi chảy như tắm, nhờ vậy mà phân và nước tiểu văng ra không thể bám lâu trên mặt mũi tôi. Tôi bị xiềng đúng sáu tháng như thế mà không bị bịnh. Trong khi đó nhiều người bị nhặm mắt, ghẻ chốc, bại xuội, ngất xỉu mặc dù thỉnh thoảng họ được gọi ra ngoài làm việc như đào hồ cá, làm thợ mộc.
Lại một hôm vào nửa đêm họ đem tôi ra để xử bắn nữa. Họ nêu lý do là đã tìm ra bằng chứng tôi làm CIA rồi. Họ nói rằng CIA đã cho anh uống thuốc gì để giữ sức khỏe tốt trong những hoàn cảnh khó khăn? Tôi vừa bực bội, vừa chán nản, vừa tức cười, vừa khinh bỉ họ khi đọc được sự nghi ngờ quá đáng của họ. Tôi nói rằng: “Thế thì một là các anh đưa tôi lên cấp cao hơn để điều tra cho ra loại thuốc của CIA đó, hai là các anh bắn tôi chết phứt đi cho rồi. CIA có thuốc gì cũng thua viên đạn của Cách Mạng”. Nhiều câu hỏi khác của họ đã làm cho tôi hiểu được rằng những báo cáo của ông Hứa Kỳ Huệ sau khi ông ta làm bộ tâm sự với tôi. Tôi nghe nói Hứa Kỳ Huệ là trưởng an ninh ấp ở Tân Quy Ðông trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã học được đôi điều thực tiễn để thấy những người chiến sỹ “bên nầy” tương nhượng với “bên kia” giữa Nam và Bắc, giữa Quốc và Cộng, giữa hèn hạ và ác nhân, trí thức và bình dân, Hoa Kiều và Việt Tộc.
Ðối với cán bộ Việt Cộng, tôi nhẹ nhàng, lễ phép, có khi làm bộ khúm núm; nhưng khi thấy được sơ hở của họ, tôi buồn cười một cách mỉa mai. Tự nghĩ rằng mình chẳng có tội gì ngoài những sự nghi ngờ ngu dốt của họ, tôi nói nhẹ nhàng nhưng rắn mắc để thử xem họ phản ứng ra sao.
Một ông chấp pháp Bắc kỳ chính cống hỏi tôi:
- Anh Nhật, trong các tờ khai, anh cho rằng anh đã làm công tác nhân đạo. Thế thì chế độ Mỹ Ngụy có nhân đạo hay không?
- Dạ thưa có thể có chút đỉnh.
- Yêu cầu anh nói rõ có chút đỉnh là có như thế nào? Bọn đó mà có nhân đạo hả?
- Dạ thưa cán bộ, ví dụ như họ có nuôi trẻ mồ côi, và tôi được tham gia công tác đó.
- Anh cho rằng anh tham gia nuôi trẻ mồ côi của Mỹ Ngụy là công tác nhân đạo há? Anh có biết rằng anh đã cài hoa cho tội ác hay chưa?
- Dạ thưa cán bộ, tôi cho các em bú sữa bột, lau đít cho các em sau khi chúng ỉa đái xong; tôi không có một cái hoa nào để cài lên các em cả.
- Anh nầy ngoan cố nhỉ. Anh làm công tác đó để tuyên truyền cho đế quốc, để tạo thêm sức mạnh chính trị cho chúng, để chúng có lý do đánh phá cách mạng. Anh biết chưa? Anh có biết rằng chính những hoạt động mang danh đạo dức giả đó đã làm cho Cách Mạng gặp biết bao nhiêu tổn thất không?
- Tiếc quá, nếu trước đây cán bộ vào sớm hơn một chút để dạy chính trị cho tôi, để tôi bỏ đói các em, để cho mình có lý do tố cáo địch vô nhân đạo! Hồi tôi ở chùa cũng tưởng rằng nuôi trẻ mồ côi là nhân đạo.
- Anh đừng có làm cái trò trông gà hóa quốc. Anh chưa thật thà khai báo. Anh đã làm việc cho Mỹ Ngụy để tiếp tục chống phá Cách Mạng mà đến nay vẫn cố tình chối cãi. Anh không chịu nhận ra tội lỗi đối với Cách Mạng. Nên nhớ rằng Cách Mạng chỉ khoan hồng cho ai thành khẩn tự giác và thật thà khai báo mà thôi. Anh phải viết vào đây thật cụ thể là anh đã làm gì cho chúng. Anh được cài lại để làm gì? Cách Mạng đã nắm tất cả kế hoạch của bọn chúng. Hãy viết rõ ràng là chúng đã chỉ thị cho anh và đồng bọn làm gì trước khi chúng bỏ chạy? Mạng sống của anh tùy thuộc vào lòng thành khẩn khai báo của anh. Anh còn cơ hội đóng góp cho Cách Mạng, đừng dại mà chết. Tôi cho anh về phòng suy nghĩ tiếp.
Lại một hôm khác tôi được chấp pháp Nhà Bè kêu lên hỏi cung tiếp. Người cán bộ chấp pháp nói tiếng địa phương. Trông anh ta còn trẻ măng.
Anh hỏi tôi:
- Trước khi bị bắt, anh sinh hoạt ở đâu?
- Dạ thưa cán bộ, trước đó tôi sinh hoạt trong Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước.
Anh ta chép lại câu trả lời của tôi vào tờ giấy. Tôi ngồi đối diện và nhìn thấy anh ta nắn nót từng chữ giống như đánh vần một cách chậm chạp. Khi viết tới chữ “sinh hoạt” anh ta viết “sinh quạt”. Tôi liền yêu cầu anh ta viết lại:
- Thưa cán bộ, tôi nói “sinh hoạt” chứ không phải là “sinh quạt”!
- Tôi chưa hỏi. Anh không được phép trả lời!
- Thưa cán bộ, tôi nói cán bộ viết chữ sai!
- Anh dạy tôi há? Nên nhớ rằng trước mặt tôi, anh là một can phạm. Tôi đang hỏi cung anh.
- Nhưng cán bộ chưa biết chữ nghĩa gì cả. Cán bộ viết tiếng Việt Nam sai như thế thì làm sao ghi đúng lời khai của tôi?
- Anh im đi!
- Nếu cán bộ đi theo Ðảng thì phải học hành đàng hoàng để viết chữ cho đúng. Còn không thì xin chuyển tôi lên cấp cao hơn để tôi được làm việc với người có ăn học đàng hoàng.
- Tên nầy ngoan cố. Tao sẽ cho quản giáo cùm đầu mày.
- Trước khi cùm tôi, xin cán bộ sửa chữ “sinh quạt” ra chữ “sinh hoạt” dùm!
Nhờ vậy mà tôi bị cùm chỉ đúng một năm, sau đó tôi được chuyển từ Nhà Bè lên xà lim Sở Công An đường Trần Hưng Ðạo, Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 21/7/1976.
Ðược giam riêng trong xà lim số 13, tôi cảm thấy sung sướng hơn ở Nhà Bè nhiều. Ðược yên thân nằm ngủ, tắm, đi cầu tự do trong một căn phòng mờ mờ tối, bề ngang chừng 1.3 m, bề dài chừng 2.5 m, có cái bệ xi măng và chiếc chiếu rách tả tơi, có cái cầu tiêu và vòi nước khi đóng khi mở. Tôi bắt đầu ngồi thiền chăm chỉ hơn những năm trước. Tụng kinh và suy gẫm về thiền. Ngắm nghía lại chính mình, tôi thấy cuộc đời thật là vô nghĩa. Mình tu cho lắm mà có thấy gì đâu. Tất cả chỉ là lý thuyết mơ hồ. Con người sống với lòng dục vô đáy, chỉ khi nào sa chân lỡ bước mới kêu cầu chút đỉnh với các Ðấng thiêng liêng rồi lại quên ngay sau đó. Tôi thấy trên vách tường xà lim có nhiều câu than thở, nhiều câu kinh của những tôn giáo khác nhau. Nào là Phật Bà Quan Âm, nào là Mẹ Maria, nào là các thánh, nào là hồn thiêng sông núi, nào là thần chú Chuẩn Ðề. Nhưng chỉ có một câu “Chúa ơi sao đời con khổ quá” gieo vào lòng tôi một tiếng kêu than có ý nghĩa, dù lúc đó tôi chưa có một tình cảm gì về đạo Chúa cả.
Khi ra khỏi tù, tôi còn chới với hơn cả khi còn bị giam. Nhà cửa bị tịch thu, bản thân tôi bị cưỡng bách hồi hương, hoặc phải đi kinh tế mới. Tiền bạc không còn. Hộ khẩu không có. Tôi đi tìm anh Lê Quang Nghị, một sinh viên từng kiên cường biểu tình tranh đấu vào tù ra tội ngày xưa, người đã mượn tôi một số tiền khá lớn để đưa cha mẹ về quê sau 30/4/1975.
Lúc đó tôi dò hỏi mới được biết Lê Quang Nghị đang nằm trong ban lãnh đạo đoàn thanh niên Giải Phóng quận Bình Thạnh. Tôi đến đường Hoàng Hoa Thám Gia Ðịnh đợi Nghị nhiều lần. Có một lần tôi cương quyết không về và chấp nhận chờ cho bằng được. Chờ suốt một buổi thật gan lỳ.
Khi Nghị thấy sự kiên nhẫn của tôi không thay đổi, y mới chường mặt ra tiếp tôi với những câu nói thẳng thừng rất “cách mạng”: “Anh Nhật muốn gặp tôi để làm gì? Anh muốn đòi nợ phải không? Tôi khuyên anh về nhà suy nghĩ thật nghiêm túc xem thử đồng tiền mà mấy năm trước anh cho tôi muợn đó là do đâu mà có, và đồng tiền đó có đáng để anh đòi lại hay không?” Tôi ngán ngẫm đến tận gáy sau khi học được những điều xót xa xấu hỗ như thế nơi bạn bè.
Lê Quang Nghị là một thanh niên bại xuội, học ở truờng Khoa Học Sài Gòn, đã từng tranh đấu, chịu tù đày vì “chính nghĩa dân tộc”. Tôi từng giúp đỡ hắn như tình bạn bè dù hắn nhỏ tuổi hơn tôi. Tôi nghĩ mình lớn tuổi hơn hắn, nhưng về việc ác thì chắc là chỉ đáng học trò hắn mà thôi.
Trong khi đang chới với như thế thì được một chị bạn người Công Giáo tên Hoa, đã từng tham gia trong Uỷ Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước giới thiệu cho tôi một người đàn bà. Người đàn nầy đã từng đổ vỡ gia đình, đã có một đứa con riêng. Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên là đã phải lòng nhau. Khi chuẩn bị đám hỏi, tôi được nghe bà ấy nói: “Ðám hỏi của chúng ta bị công an ngăn cản, vì lý lịch anh xấu”. Bà phải nhờ tới bố nuôi của mình để vận động ông Lê Ðức Thọ thuyết phục thủ trưởng của bà là Mai Chí Thọ, Giám Ðốc Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh cho phép bà lấy một thằng chồng bê bối, mới ở tù ra như tôi. Ðám hỏi được tổ chức ở miền quê Phước Hải cũng bất ngờ thành đám cưới ngang xương. Ðây là lần thứ hai tôi lập gia đình cuối năm 1978 sau khi vừa ra tù.
Chung sống với nhau rồi mới thấy mình làm chồng một vị nữ trinh sát đã từng là đặc công Việt Cộng trong lực lượng nội thành trước 1975 gọi là K25 của Trần Bạch Ðằng, sáu Chiến, Nguyễn Văn Hàm, Vũ Hạnh, luật sư Trừng... Bà đã có con riêng, đã trải qua đôi ba đời chồng tạm bợ. Nhưng tôi vẫn yêu một người như thế, vì nghĩ rằng bà ta cũng đã tan nát như mình thì chắc chắn cũng yêu mình và dễ cảm thông mình. Ðâu ngờ tôi đã làm một việc sai lầm nhất trên đời. Ðó là cưới một người mà người đó không bao giờ làm vợ. Người đó đã không làm vợ mình, thì mình cũng khó được làm chồng người đó. Tại sao kỳ cục thế? Khó nói vô cùng! Khi con người đã dấn thân vào nghề mật vụ, họ không phải là họ; họ không sống cho họ. Tất cả những giọt nước mắt chân thành, những tức tưởi đê mê, những lời nói thân thương, những ngày dài và đêm vắn, những đạo lý thâm trầm, những tình thâm đứt ruột, những giá buốt cô liêu... của họ đều thuộc về tổ chức, cơ quan lãnh đạo “vô hình” như mớ bòng bong vậy. Tất cả những nỗi niềm thân thiết chân thành mình hiến dâng cho họ đều được họ khai thác như một miếng giẻ, lau xong rồi bỏ không chút luyến lưu. Họ diễn kịch giữa đời thường y như kịch sỹ trên sân khấu.
Thế nhưng tôi lại cương quyết đi tới tận cùng với con tim nồng nàn yêu đương đắm đuối hầu cho có thể kéo bà ta khỏi mê cung ngành mật vụ công an chìm. Ðây là một sự mạo hiểm vô ích do cái tật cố hữu của tôi sau khi đã thôi tu nhưng vẫn còn thói quen dấn thân thực hiện “bồ tát hạnh” biến dữ ra lành, biến tam bành ra đạo nghĩa. Những thằng bạn đi tu của tôi đã từng mến phục cái tính liều mạng ngu si kiểu “bồ tát” nầy. Tôi không cho rằng đây là số kiếp gì cả, vì chính tôi quyết định yêu đương và cương quyết làm chồng bà ấy để hiểu và để mong “giải phóng” bà ra khỏi kiếp sống cuồng mê cộng sản. Nhưng sau vài năm vật lộn với cuộc tình dại dột nầy, tôi đã trở nên chán ngán tận cùng.
Mỗi khi tâm tư tôi tắt nghẽn, tôi muốn tìm cái chết để giải quyết cho xong cái ngõ bí cuối cùng. Thật ra lúc ấy tôi vẫn thèm khát cuộc sống tầm thường mà tôi đã từng khinh bỉ. Tôi thấy tôi vẫn đeo đuổi cuộc sống phản phúc phù du mà chính tôi đã từng khinh bỉ. Thế rồi, thay vì tự sát để kết liễu cuộc đời, tôi lại miên man nghĩ đến nó để tự an ủi mình. Trong khi cứ kéo dài cuộc sống tạm bợ, tôi nghĩ rằng nếu mình bị cộng sản giết thì cũng chẳng sao, vì mình vẫn muốn tự sát kia mà. Tôi tưởng tượng mình là một Hamlet của Shakespere đang nửa điên nửa tỉnh đón chào tất cả trái ngang như chào sự Khốn Khổ bằng lời thơ đã làm sẵn khi ở trong xà lim số 13:
Chào Khốn Khổ, em về yêu tim héo
Dệt vần thơ ươm nước mắt trần gian.
Ðêm đổ xuống em hôn anh đắm đuối
Ngày đi lên em cười vỡ u mê
Em tha thiết ru anh trong tù ngục
Ôm ấp anh như cánh cửa nhà lao
Cám ơn lắm em dạy anh bài nhẫn nhục
Dẫu chết đi anh cũng vẫy tay chào
Trong khốn khó em cùng anh kể lể
Cuộc tình người đâu bến đâu đò
Em gởi gắm cho anh nguồn suối lệ
Cuộn thành thơ làm khúc hát tự do
Anh chẳng biết yêu ai bằng Khốn Khổ
Em là thầy, là bạn, với ái tình
Em đã đến cho anh yêu đời từ đó
Và ở trong anh như tủy ở xương mình
Anh yêu em vì đời Khốn Khổ
Anh yêu đời như máu đỏ trong anh
Bởi yêu em nên nước mắt xây thành
Cây thập tự đóng hình hài Thiên Chúa
Rồi một mai Chúa gọi anh về vĩnh cửu
Anh xin Người được ở lại đây
Thế gian khốn khổ với đầy
Ra đi anh bỏ tình nầy cho ai?