Chẳng ai thích đau khổ, nhưng tôi nghĩ rằng đau khổ không phải là vô nghĩa đâu. Nhờ ý thức được sự đau khổ mà con người cần có niềm tin. Niềm tin nầy có thể mơ hồ hoặc dứt khoát tùy theo mỗi cá nhân và nền văn hóa mà người ấy hấp thụ được. Trong mỗi người cũng có một khoảng trống để cho sự vô tín hoặc sự nghi ngờ hiện diện. Có nhiều vấn đề người ta suy nghĩ mà không tin, cũng có những điều người ta tin mà không suy nghĩ. Có nhiều vấn đề con người tin mà không thực hữu, nhưng cũng có những điều thực hữu mà con người chưa tin. Phật Giáo cho rằng nhất thiết duy tâm tạo. Nghĩa là mọi sự do tâm con người tạo ra cả. Phật Giáo cho rằng tâm của mình tạo ra địa ngục thì có địa ngục, tâm của mình nghĩ đến thiên đường thì có thiên đường. Triết lý Phật Giáo chủ trương rằng “Vạn vật hiện hữu là do tâm của mình chấp có, nhưng nếu tâm của mình không chấp vào vạn vật thì vạn vật không có”. Người bình dân Việt Nam có câu linh tại ngã bất linh tại ngã cũng hàm chứa ý nghĩa nầy. Nghĩa là con người tin vào đâu thì linh nghiệm vào đó. Hễ cái gì con người không tin thì không linh nghiệm.
Ðây là một điều đúng rất tương đối và dễ bị sai lầm, vì cái gì được “linh nghiệm hóa” do lòng tin chủ quan trong con người thì rất hẹn hẹp. Sự linh nghiệm của Thượng Ðế thì vẫn cứ linh nghiệm dù con người tin hay không tin, vì Ðấng Tự Hữu Hằng Hữu hoàn toàn không lệ thuộc vào lòng tin của con người. Chính vì thế nên Người ban cho chúng ta Ðức Tin, vượt ra khỏi niềm tin chủ quan của chúng ta, để khi tiếp nhận Ðức Tin của Người, chúng ta kinh nghiệm được quyền năng vi diệu và sự xót thương vô đối của Người.
Theo Phật Giáo, tâm con người là thước đo và nguồn của vạn vật. Ðây là một tư tưởng, một ý nghĩ chủ quan cao cấp nhưng chỉ hạn hẹp trong phạm vi giới hạn của tâm con người. Tôi suy nghĩ vào câu nói của Chúa Jesus: “Ví bằng ta nói với các ngươi những việc thuộc về đất, các ngươi còn chưa tin thay; huống chi ta nói những việc thuộc về trời thì các ngươi tin sao được?” (Giăng 3:12). Khi Chúa nói câu nầy với Ông Ni-cô-đem là Chúa đã biết khả năng suy nghĩ và khả năng tin của ông ấy có giới hạn. Mặc dù Ni-cô-đem là một nhà thông thái, nhưng lời Chúa giảng thì ông chưa hiểu hết, mặc dù ông đã tin rằng Chúa Jesus Christ là Ðấng đến từ Ðức Chúa Trời. Chúa Jesus muốn chỉ cho ông một điều quan trọng khác nữa: đó là chính bản thân ông phải được tái sinh mới thấy được bằng chứng nước thiên đường cho chính mình khi ông đang sống trên thế gian nầy.
Ðức Tin là một điều tối quan trọng mà con người không ý thức hết. Ðó là vì sự hiểu biết của con người còn quá ít so với chân lý mênh mông. Nếu phủ nhận đức tin, còn người chỉ còn lại phần lý trí hẹp hòi mà thôi. Nhưng khi con người đã có lòng tin mà lại tin một cách thuần lý trí để rồi lòng tin ấy tiếp tục bị đặt vào sự sai lầm nữa thì khốn nạn quá! Ðức Chúa Trời biết điều nầy nên Người ban cho chúng ta Ðức Tin của Người.
Kinh thánh cho chúng ta biết rằng có một con đường coi đường chánh đáng cho loài người, nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẽo của sự chết (Châm-ngôn 14:12 và 16:25). Tôi tin rằng có vô số vấn đề đã được dựng nên, đã hiện hữu từ trước mà con người chưa biết, chưa nghĩ ra và chưa tin. Hay nói một cách khác, có những sự thực hữu mà tâm trí con người chưa hề với tới. Ngoài tâm trí con người còn vô số thực hữu mà “ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy” (I Cô-rin-tô 13:12b). Ngay cả khi nói đến cái tâm con người, chúng ta cũng nên định nghĩa lại cho chính xác, ví dụ chữ tâm mà Nguyễn Du nói trong truyện Kiều: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” là gì? Có lẽ Nguyễn Du chỉ nói đến lương tâm, tấm lòng, tâm hồn mà thôi chứ không phải chữ Tâm của Phật Giáo. Nhưng chữ “Tâm” của Phật Giáo chưa thể nào ra ngoài chữ “Tâm” chủ quan của nhân loại, vì nó là một chữ, một tiếng, một ý nghĩa trong ý tưởng con người hữu hạn. Có nhiều điều chúng ta tin nhưng không có thật, hoặc chưa thành hiện thực. Chúng ta chỉ tư duy về nó trong niềm tin mà thôi. Ví dụ như thiên đường, niết bàn, thế giới sau khi chết. Phật Giáo thì diễn tả rất nhiều cảnh địa ngục và đặt tên cho nhiều loại địa ngục; nổi tiếng nhất là địa ngục A Tỳ, địa ngục Vô Gián, địa ngục Thiết La. Trong Các địa ngục đó có chảo dầu, tra khảo, ma vương, đầu trâu mặt ngựa; con người đói khát phải ăn lửa, uống lửa như bà mẹ của Mục Kiền Liên, v. v. Ngược lại, cảnh Tây Phương Cực Lạc do Kinh Phật diễn tả cũng có đầy ngọc ngà châu báu, nơi đó con người hiện ra trên hoa sen mà không ai sinh ra họ cả, do đó họ cũng không còn chết nữa, vì Phật Giáo cho rằng:
Hữu sinh, hữu tử, hữu luân hồi.
Vô sinh, vô tử, vộ khứ, vô lai.
Sinh, tử, khứ, lai đô thị mộng.
(Nghĩa là có sanh, có chết mới có luân hồi. Không sanh thì không chết, không đi đâu và chẳng về đâu nữa cả. Sanh ra, chết mất; đi rồi về lại đều là mộng huyễn).
Trên thực tế, nhiều tu sỹ Phật Giáo, là những người đã giảng như thế, cho tôi biết rằng họ không tin tuyệt đối như thế đâu. Họ cho rằng đó chỉ là những phương tiện để làm cho người đời sợ hãi mà lo làm lành lánh dữ. Nếu cái phương tiện vẫn còn là một sự lừa dối thì làm sao con người vẫn cứ tin để nhờ đó mà “chứng ngộ” và để làm lành lánh dữ đúng với chân lý được?
Suy nghĩ như vậy, Phật Giáo cho rằng ai mơ về Tây Phương Cực lạc cũng là người còn ham muốn về một thế giới sung sướng giàu sang đến nỗi có hàng trăm thứ châu báu như ngọc lưu ly, san hô, hổ phách, mã não, trân châu. Phật Giáo cho rằng đó là những thứ chỉ được dùng để lót đường đi ở xứ cực lạc đó mà thôi. Do đó Phật Giáo đưa ra một cõi khác mà không ai diễn tả rốt ráo được, đó là cõi Niết Bàn. Niết Bàn là nơi không có gì hết. Nhiều sách vở khác của Phật Giáo lại phủ nhận tất cả niết bàn, cực lạc, địa ngục, luân hồi. Nghĩa là không có niết bàn, không có tây phương cực lạc, không có địa ngục luận hồi gì hết; tuyệt đối không. Chính đây là mấu chốt để cho người ta suy diễn rằng Phật Giáo là vô thần hay là hiện sinh.
Phật giáo đưa ra luật nhân quả. Thật ra luật nhân quả không phát xuất từ Phật Giáo. Nhân quả là một quy luật khách quan mà con người đã tìm ra hàng ngàn năm trước khi Ðức Thích Ca ra đời. Chúng ta tìm trong Thánh Kinh cựu ước từ các chương nói về sáng tạo trời đất vạn vật, nói về nguyên nhân tội lỗi và hậu quả của tội lỗi; nguyên nhân và kết quả của điều lành và điều ác, nguyên nhân và kết quả của sự vận hành thiên nhiên, v. v. Như thế, luật nhân quả là một khám phá từ vạn vật và trong thực tế cuộc sống mà con người đã tổng hợp lại. Còn nhân quả do điều lành điều dữ thì Kinh Thánh đã nói từ lâu trước khi Ðức Phật ra đời. Gióp nói “Ðức Chúa Trời báo ứng loài người tuỳ công việc mình làm” (Gióp 34: 11), và “Ðấng toàn năng chẳng trái phép công bình” (Gióp 34:12b). Gióp sinh ra trước đức Thích Ca nhiều thế kỷ. Kinh Thánh nhấn mạnh rằng mọi quy luật nhân quả đều nằm trong năng quyền tạo dựng của Thượng Ðế. Thượng Ðế đứng trên những quy luật ấy, vì Người dựng nên tất cả. Người biến không ra có, và biến có ra không. Luật nhân quả là luật công bình của Thượng Ðế. Tôi nghĩ rằng vũ trụ được tạo dựng như một hệ thống máy điện toán. Mọi thực thể của vật chất là cương liệu (hardware), luật nhân quả là nhu liệu (software), kỹ sư là người tìm ra nguyên tắc và các vật thể để biến chế, lắp ráp và cài đặt. Nhưng Thượng Ðế là Ðấng dựng nên tất cả, kể cả kỹ sư. Ngay trong sách Gióp cũng xác nhận rằng mọi biến động của vũ trụ đều nằm trong tay Ðức Chúa Trời, và ngay cả loài vật cũng được Người ban cho bản năng biết trước thời tiết mưa bão “Người dấu sấm sét trong tay Người, và truyền nó phải đánh nơi nào. Tiếng sấm sét báo cáo việc Người, và chính súc vật cũng đoán điềm dông mưa gần đến” (Gióp 36:33). Chính vì thế mà Gióp nói rằng “Kính sợ Chúa, ấy là sự khôn ngoan. Tránh khỏi điều ác là sự thông sáng” (Gióp 28:28). Nghĩa là trong vạn vật và cuộc sống vốn đã có một luật nhân quả thật đáng kính sợ, chứ không phải chỉ do Ðức Phật tìm ra (Chứng Quả).
Phải chăng Phật giáo không chủ trương Ðức Tin? Ðiều nầy cần được xem xét lại. Thật ra Phật Giáo có đề cập đến niềm tin, nhưng vì Phật Giáo có quá nhiều sách vở và bị diễn dịch sai lạc để cuối cùng tự mình mâu thuẫn với chính mình. Ngay cả những vị tu hành trong Phật Giáo cũng có những tư tưởng và pháp môn tu mâu thuẫn nhau kịch liệt. Sau 500 năm Ðức Thích Ca nhập diệt, lời giảng của người mới được chép lại bằng trí nhớ truyền khẩu lần thứ nhất. Sau nầy các bộ kinh Phật được đối chiếu trong hai bộ Ðại Tạng Kinh bằng tiếng Paly và chữ Hán cho thấy có nhiều bộ kinh khác hẳn nhau. Ðại Tạng Kinh Hán Văn có những bộ kinh mà Ðại Tạng Kinh Paly không hề có.
Ngày nay người ta cho rằng Kinh Thủy Sám, Kinh Lương Hoàng Sám trong Hán Văn không do Ðức Phật giảng tại Ấn Ðộ mà do các vị sư hoặc vua viết ra tại Trung Quốc. Có những cái gọi là Kinh nhưng thực chất là luận do các bậc tu hành suy gẫm và ghi lại. Cuối cùng Phật Giáo lấy nhiều điều cao siêu huyền diệu qua nhiều thế hệ tư duy của nhân loại ở vùng Ấn Ðộ, Tây Tạng, Trung Hoa và Nhật Bổn để triển khai giáo lý đạo Phật. Nếu nghiên cứu thật kỹ, Phật Giáo của mỗi quốc gia đều có những tính chất đặc thù của những nền văn hóa khác nhau và đã mâu thuẩn nhau vô cùng. Nhưng tựu trung tư tuởng luận của Phật Giáo là đi đến cái Không sau khi không còn hạnh phúc và đau thương nữa. Còn hành đạo thì làm lành lánh dữ.
Bốn chữ làm lành lánh dữ hiểu theo nghĩa bình dân khác với nghĩa bác học. Hiểu theo nghĩa đại thừa khác với tiểu thừa, hiểu theo nghĩa tiệm giáo (Tu từ từ từng bước có logic) khác với đốn giáo (Tu bằng đường tắt để đạt đạo ngay gọi là hồi đầu thị ngạn - quay đầu lại là thấy ngay bờ). Hoặc tu theo Bồ Tát nghịch hạnh nghĩa là tu theo những pháp môn nghịch lý mà không ai lường được thiện hay ác, chỉ có những vị bồ tát ấy mới biết mục đích và kết quả của họ mà thôi. Một thí dụ là vị đạo sỹ hiếp dâm một cô gái để giải thoát kiếp làm trâu cho một chúng sanh. Một thí dụ nữa là thầy Trí Quang xiển dương cuộc đấu tranh gây nhiều chết chóc. Hoặc thí dụ ở Trung Hoa có vị hòa thượng nổi tiếng tên là Tế Ðiên. Vị nầy ăn thịt cầy, chọc ghẹo các ni cô và làm nhiều điều trái nghịch giữa thế thường để gây chướng tai trái mắt thiên hạ trong khi Phật Giáo Trung Hoa đã đến hồi suy vi sa đọa gây tai tiếng giữa xã hội vào cuối thế kỹ 18 qua thế kỷ 19 và đến đầu thế kỷ 20. Người ta diễn dịch rằng hòa thượng Tế Ðiên tự làm cho người ta khinh miệt mình để chịu nhục nhã thay cho sự mang tiếng của Phật Giáo Trung Hoa thời đó. Cho nên đây là một trong những Bồ Tát Hạnh đáng được noi gương. Ý nghĩa Bồ Tát nghịch hạnh được diễn dịch vừa cao siêu vừa phức tạp. Ví dụ tại Việt Nam, trong thế hệ của tôi, có một vị tu sỹ lười biếng học tập, ông sống hoang đàng phá phách từ tuổi thiếu niên. Vì biết hút thuốc rất sớm nên ông viết những bài báo về hút thuốc, về ngủ nướng, về đời sống lang thang và làm thơ rất hay. Cá nhân tôi biết một số chuyện “nghịch lý” do ông làm mà không thể kể ra đây được. Một hôm, vào mùa hè năm 1966, vị tu sỹ nầy đứng trên sân thượng của Thiền Ðường chùa GL để ngắm cảnh. Có lẽ ông lười biếng đi tiểu tiện và có sẵn tính nghịch ngợm rắn mắc nên ông đã tiểu tiện từ trên sân thượng xuống dưới vườn. Bên dưới vườn có một con nai do hòa thượng chùa GL nuôi. Khi đang tiểu tiện như thế, ông không ngờ vị hòa thượng đang cho con nai ăn chuối sát ngay bức tường bên dưới. Vị Hòa Thượng nghe nước trên lầu tuôn xuống bèn bước ra vườn nhìn lên và thấy đích thị P. N. Â. đang tiểu tiện xuống. Hòa thượng ngỡ ngàng và hỏi lớn: “Â. ! Mi làm chi đó?” Vị tu sỹ trẻ nghịch ngợm kia trả lời: “Phật đái!” Ðây là câu chuyện có thật cười bể bụng. Có người giận bầm gan. Có người đã nện cho tu sỹ P. N. Â. một đạp sau đó mấy ngày. Người đánh P. N. Â. là thầy H. G. đã qua đời gần chục năm nay, đã từng là một võ sư có tiếng tăm, từng làm trụ trì ngôi chùa GL mà tôi kể trên. Theo tôi hiểu thì P. N. Â. lúc đó quá sợ, nhưng anh ta lanh trí biết đối phó để chuyển cái sai trái của mình ra ý nghĩa “cao siêu” bằng một câu liều mạng cao cấp mà trong Phật Giáo không ai có thể cãi được. Nhất là một vị cao tăng như hòa thượng chùa GL thì cãi cọ với một đứa học trò ngỗ nghịch như P. N. Â. để làm gì. Theo giáo lý Phật Giáo thì biết đâu P. N. Â. đã chứng quả rồi nên lập công án phá chấp qua câu nói đó? P. N. Â. hiện nay vẫn là một thượng tọa có tiếng tăm về hoạt động đấu tranh chống cộng. Suốt mấy chục năm qua, câu chuyện nầy là một trong những kỷ niệm đáng suy nghĩ cho riêng tôi vì tôi yêu kính vị hòa thượng chùa GL. Người là người có đức độ. Người là một bậc cao tăng không bao giờ lấy cây roi đánh một chú tiểu nào. Người nhịn nhục và thương yêu từng người học trò một. P. N. Â nghịch ngợm như thế, đã bị anh em đuổi ra khỏi chùa nhiều phen, nhưng hòa thượng GL vẫn lặng im và vẫn giữ P. N. Â. tại chùa. Có người cho rằng P. N. Â. là người tu theo Bồ Tát nghịch hạnh hay là Bồ Tát đa hạnh.
Phật Giáo không nhấn mạnh đến đức tin mà chỉ tin những gì mình biết là đúng, là có lợi cho mình và cho đời, có lợi cho hôm nay và ngay mai mà thôi. Tin như thế là tin theo sự suy nghĩ của con người, gọi là nhất thiết duy tâm tạo. Có những cái mà hôm qua con người cho là đúng thì hôm nay con người vừa thấy nó sai. Chính vì vậy mà một số người trí thức Phật Giáo ngày nay ưa vịn vào khoa học và tự cho rằng tôn giáo mình là khoa học. Những người nầy quên rằng sự hiểu biết của khoa học cũng còn rất giới hạn. Khoa học không sáng tạo gì cả mà chỉ tìm hiểu, khám phá những cái đã được dựng nên để ứng dụng vào đời sống con người và để thỏa mãn sự tò mò của con người. Ngay cả thế giới vật chất cũng chưa được khoa học khám phá hết huống hồ là thế giới thần linh, thế giới mà khoa học chưa hề léng phéng.
Những người tình nguyện chết suy nghĩ gì trước khi thực hiện cái chết? Tôi cũng đã từng tự hỏi rằng trước khi tự tử vì niềm tin tôn giáo (như những tu sỹ Phật Giáo đã tự thiêu và các tín đồ Hồi Giáo), những người đó có tin gì về đời sau một cách chắc chắn không? Chắc là có. Nhưng theo tôi, ngay những giây phút trước khi chết, người tự nguyện chết không bận tâm đến đời sau lắm. Trong những giây phút hồi hộp éo le đó, họ đặt hết sự chú ý vào việc thực hiện cho bằng được cái chết hơn là suy nghĩ đến điều nầy điều nọ vào đời sau.
Một chiến sỹ bị thương nặng ở chiến trường có thể nghĩ về cha mẹ vợ con trước khi chết. Tôi nghe một vài thanh niên sống sót trở về từ chiến trường Campuchia sau 1983 kể lại rằng một số thanh niên Việt Nam gào kêu hai tiếng “mẹ ơi” trước khi chết. Nhưng tâm trạng của những người tình nguyện chết vì niềm tin tôn giáo khác với những thanh niên bị bắt buộc ra chiến trường. Khi người tu sỹ Phật Giáo tự thiêu vì Chánh Pháp, ông ta không thấy mình làm việc ác, vì ông ta tự cho rằng mình chỉ đốt thân thể của mình. Ông cho rằng ông có quyền quyết định trên mạng sống của ông và không chịu lỗi với ai cả. Người tu sỹ Phật Giáo tự thiêu không tin rằng mạng sống của mình do Thượng Ðế ban ra để mình phải tôn trọng theo ý Người. Ông nghĩ mình có cái quyền hy sinh mạng sống quý báu của mình để nói lên sự đồng lòng với những người phật tử đấu tranh; để làm cho đối thủ của mình phải chịu thua, phải khâm phục ý chí, ý muốn của tôn giáo mình. Nghĩa là trong đó có hai loại tình cảm đối chọi nhau để binh vực bên nầy và chống đối bên kia. Ðây là tình cảm bỉ thử biên kiến mà Phật Giáo thường diễn tả. Ðây cũng là động cơ chính khiến họ muốn hy sinh tính mạng hơn là muốn về niết bàn hay thiên đường tùy theo niềm tin tôn giáo của họ. Nhưng chính niềm tin niết bàn hay thiên đường trong họ là một phần động lực thúc đẩy lý trí và tình cảm của họ để cho cái chết của họ được trở thành chính nghĩa. Tình cảm của họ binh vực phe mình và chống đối phe kia. Tôi nghĩ tình cảm nầy là động cơ mạnh nhất để họ hành động. Ðây là loại tình cảm và niềm tin rất chủ quan và hạn hẹp đầy tính biên kiến. Họ thấy cái “phải” của họ mà không chấp nhận cái “phải” của người khác. Nhưng vấn đề thiên đường hay niết bàn thuộc về cái thiêng liêng tuyệt đối của kinh điển và đức tin vượt ra ngoài sự phân chia xét đoán của con người. Ðây là vấn đề thuộc về sự xét đoán của Thượng Ðế, Ðấng dựng nên thiên đường và địa ngục.
Vậy tôi cho rằng động cơ chính thúc đẩy hành động tự sát của họ không hoàn toàn lệ thuộc vào niềm tin liên hệ đến đời sau mà lệ thuộc nhiều vào tình cảm và các yếu tố cục bộ theo quan niệm của đời nầy. Những khái niệm anh hùng tử đạo, những lời khen trong sâu thẳm tâm hồn họ, sự thỏa mãn có ác tính khi hình dung cái chết của mình sẽ đem lại thiệt hại lớn lao cho đối thủ, những tình cảm họ gởi gắm trong lòng người ủng hộ họ (kể cả sự thương tiếc xót xa) là những yếu tố quan trọng hơn niềm tin vào đời sau của họ. Khi tin vào đời sau tuyệt đối thì tự nhiên họ biết suy nghĩ đến hậu quả của đời nầy do họ gây ra. Thượng Ðế dựng nên con người tuyệt đối bình đẳng. Người cho con người tự do quyết định làm điều lành hay điều ác và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Con người có khuynh hướng phạm tội cao hơn nên sự bất công, phi nghĩa lan tràn mọi nơi. Nhưng khi con người tin vào bản thể công bình tuyệt đối của Thượng Ðế, họ có thể đem khái niệm công bình của Người vào thế giới bất công của họ. Nhờ vậy, thế gian mới nhìn nhận sự khác nhau về mặt đạo đức giữa người có đức tin thật của Chúa trong Kinh Thánh và người không tin Chúa, hoặc tin vào “một thượng đế” mà không theo Kinh Thánh. Có một số nơi, con người không tin Thượng Ðế theo Kinh Thánh, vì họ chưa có Kinh Thánh, nhưng trong tâm trí con người vốn có sẵn một niềm tin về Thượng Ðế. Nhờ vậy, khi có Kinh Thánh, người ta bắt đầu xác định lại niềm tin ấy một cách rõ ràng nhanh chóng. Trước hết KinhThánh dạy Ðức Tin chứ không phải niềm tin. Kinh Thánh dạy rằng Ðức tin là tặng phẩm, là ân sũng của Ðức Chúa Trời ban cho từng người. Sách Rô-ma 12:3 chép rằng: “vậy nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Ðức Chúa Trời đã phú cho từng người”. Phi-e-rơ, vị sứ đồ lớn nhất trong 12 sứ đồ trực tiếp sống bên Chúa Cứu Thế cũng đã viết: “Si-mon Phi-e-rơ, làm tôi tớ và sứ đồ của Ðức Chúa Jesus Christ, gởi cho những kẻ cậy sự công bình của Ðức Chúa Trời chúng ta và của Cứu Chúa là Ðức Chúa Jesus Christ đã lãnh phần đức tin đồng quý báu như chúng tôi” (II Phi-e-rơ 1:1).
Chỉ có con người mới cần đến niềm tin hay là Ðức Tin. Niềm tin hay lòng tin là từ con người, nhưng khi niềm tin hay lòng tin trở nên Ðức Tin thì đây là một thực thể nội tại được hình thành bởi hai phía: Người có lòng tin và Ðấng ban Ðức Tin. Con người tin, và Ðấng ban Ðức Tin qua những dấu chứng, mặc khải, hồng ân và nhất là Lời để người đó thể nhập lòng tin của mình vào Ðức Tin mặc khải. Từ đó người có Ðức Tin sống bằng Ðức Tin, nghĩa là người đó hành động với những lý lẽ dẫn dắt bởi Ðức Tin được mặc khải trong Lời Chúa. Ðức tin mặc khải nầy đưa con người vào thái độ sống vâng phục hơn là dâng của lễ vì không có của lễ nào đẹp lòng Ðức Chúa Trời bằng sự vâng Lời Người cả. Vậy của lễ dâng mạng sống mình cho Người có bày tỏ sự vâng lời Người hay không?
Chúng ta thấy rằng Kinh Thánh xem Ðức Tin nhẹ hơn cả tình yêu thương của Thiên Chúa (I Cô-rin-tô 13). Vì Ðức Tin có sức mạnh làm được nhiều điều, nhưng động cơ để Ðức Tin ấy được thể hiện phải là Tình Yêu Thương của Thiên Chúa. Vậy nên khi chúng ta được ban cho Ðức Tin để tin Người và để sống theo Lời Người, chúng ta còn có thêm một điều quý trọng hơn nữa tiếp theo sau đó, ấy là Tình Yêu Thương của Ðức Chúa Trời cư trú trong chúng ta. Nói chính xác hơn là chính Ðức Chúa Trời ở trong chúng ta, vì “Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Ðức Chúa Trời đối với chúng ta, Ðức Chúa Trời là sự Yêu Thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Ðức Chúa Trời và Ðức Chúa Trời ở trong người ấy” (I Giăng 4:16). Tình yêu thương nầy để chúng ta chia xẻ cho người khác. Khi chia xẻ tình yêu thương cho người khác là khi chúng ta biến tình yêu thương thành sự yêu thương. Sự yêu thương là hành động yêu thương, là sự thể hiện bổn tính Ðức Chúa Trời. Khi chúng ta nhận lấy Ðức Tin của Thiên Chúa là nhận lấy cho chính mình trước tiên, nhưng khi chúng ta sống với tình yêu thương là sống cho Người và tha nhân. Nghĩa là chúng ta thể hiện Người qua đời sống của chúng ta với tha nhân. Như Chúa Jesus Christ đã nói cho chúng ta rằng ngày sau rốt Người là vua của nước trời đến xét đoán người lành và kẻ dữ, phán rằng: “Hỡi các ngươi được cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đường đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta....... Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy. “ (Ma-thi-ơ 25:35-40) (Chúng ta nên đọc hết đoạn nầy từ câu 31 đến hết đoạn thì sẽ rõ hơn. )
Vậy Chúa muốn chúng ta vâng lời Người vì tin Người, và vì tin Người, chúng ta sống với tha nhân bằng tình yêu thương của Người trong chúng ta. Vì tha nhân trước mặt chúng ta là hình ảnh Chúa Jesus Christ trong đức tin của chúng ta. Bởi thế nếu tôi quyết định đem mạng sống của mình để chết cho ai thì trước hết tôi phải biết ai đã chết cho tôi và Ðấng ấy đã chết cho tôi như thế nào. Sự chết của Người đã đem lại cho tôi kết quả gì giữa cõi đời nầy và cả đời sau. Ðấng đã chết mà tôi hằng biết đó đã giáng sinh trong tôi, đã chết trong tôi và đang sống trong tôi, là Ðấng mà tôi đã tiếp nhận sự chết và sự sống của Người cho chính tôi như cách nói của Người là tôi ăn thịt và uống huyết Người để rao truyền sự chết của Người cho đến lúc Người trở lại trên đất (I Cô-rin-tô 11:26). Vậy, thân thể của tôi bấy lâu nay do Thượng Ðế dựng nên. Bây giờ tôi trở về trong Người, tâm hồn tôi mặc lại ảnh tượng của Người, thân thể tôi được làm một dụng cụ thánh và sống để nhiếp dẫn tình yêu của Người chứ không phải là một dụng cụ để thực hiện sự chết nhằm gây thêm thù oán giữa thế gian.
Nhưng nói gì đi nữa tôi cũng không thể trả trả lời trọn vẹn câu hỏi tôi đặt ra: Người tình nguyện chết nghĩ gì? Tôi chỉ biết vì sao ngày xưa tôi muốn chết, tôi ước ao gì mà tôi cần phải chết, và những tu sỹ Phật Giáo tự thiêu với tâm trạng như thế nào, v. v. Ngày nay, trong tình yêu Thiên Chúa, câu hỏi tôi chết để làm gì hầu như vô nghĩa đối với tôi. Nhưng có một điều tôi có thể nói hoài mà vẫn không hết ở trong tôi: ấy là sống để làm gì?. Và tại sao bây giờ tôi không còn sợ sự chết nữa? Tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta chỉ trả lời đúng nghĩa sau khi đã nhận được Ơn Cứu Rỗi của Chúa Cứu Thế Jesus Christ.