Bối cảnh chính trị của đất nước Việt Nam cách đây hơn 150 năm, nước Việt Nam là một nước theo chế độ quân chủ dưới sự cai trị của nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn có chính sách bắt bớ Ðạo Chúa rất khắt khe bắt đầu từ vua Minh Mạng. Ðó là một trong những nguyên nhân người Pháp lấy cớ xâm lăng nước ta. Từ đời vua Tự Ðức trở đi người Pháp đô hộ Việt Nam và thẳng tay đàn áp tất cả phong trào khởi nghĩa giành độc lập. Trong khi cùng với các phong trào của người quốc gia nổi lên chống Pháp, Hồ Chí Minh và các thuộc hạ đã ngấm ngầm xây dựng cơ sở hạ tầng cho đảng cộng sản quốc tế tại Ðông Dương. Vào những năm cuối của Thế Chiến Thứ Hai, người Nhật lật đổ người Pháp để cai trị Ðông Dương trong đó có Việt Nam. Cho tới 1945, người Nhật bại trận vào tay quân đội Ðồng Minh và Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Khi đó Việt Nam rơi vào khoảng trống chính trị. Hồ Chí Minh là người giỏi thủ đoạn, thừa cơ hội này để tiêu diệt các nhà ái quốc khác và đọc bản tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945. Vì Pháp là một thành phần của lực lượng đồng minh, cho nên không lâu sau đó quân đội đồng minh đưa người Pháp trở lại Ðông Dương để giải giới quân đội Nhật. Nước Việt Nam lại một lần nữa rơi vào tay Pháp. Hồ Chí Minh tuyên bố toàn dân kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Việt Minh. Hồi đó đảng Cộng Sản còn núp bóng trong mặt nạ Việt Minh. Cuộc kháng chiến kéo dài tới năm 1954 thì chấm dứt sau sự bại trận của quân Pháp tại Ðiện Biên Phủ. Sau đó hiệp định Genève (1954) được ký kết để chia đôi đất nước Việt Nam. Miền Bắc thuộc đảng cộng sản; miền Nam thuộc Pháp và chính quyền nhà vua Bảo Ðại. Sau đó, Ngô Ðình Diệm, là đương kim thủ tướng, áp lực vua Bảo Ðại thoái vị và trở thành Tổng Thống đầu tiên của Miền Nam Việt Nam (1955).
Trong thời gian bị Pháp đô hộ, đạo Thiên Chúa (hay Công Giáo La Mã) được tự do truyền bá. Tuy vậy, tới năm 1955, lúc đó tôi đã lên 10 tuổi, làng tôi chưa có ai theo đạo Chúa cả. Gần làng tôi có nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Dân làng gọi nhà thờ Thiên Chúa là cái Tháp Ác, hay là Thập Ác. Nghĩa là cái tháp có chữ thập (thập giá) là ác. Người ta gọi tín đồ đạo Chúa là “người bên giáo”. Chữ “giáo” phát xuất từ chữ tôn giáo hay là Ðạo. Nhưng khi dân chúng ở quê tôi nói “người bên giáo”, họ hiểu ngầm chữ giáo là ma giáo hay tà giáo hay là “giáo mác gươm đao” nhằm phân biệt với người Lương, là người không theo đạo Chúa. Lương nghĩa là lương thiện. Cách gọi Lương và Giáo như thế giữa dân quê với nhau đã hàm chứa một sự kỳ thị rồi. Khi cụ Ngô Ðình Diệm, là một người Công giáo lên nắm chính quyền, các giới chức thôn xã ở quê tôi hầu như thành người Công Giáo cả. Tại làng tôi những người ấy là bà con họ hàng với tôi. Cả làng đều cảm thông họ vì giai đoạn nầy trong xã hội quê tôi, ai theo đạo Chúa thì được hưởng điều kiện sống thoải mái hơn.
Năm 1959, khi tôi đã đi tu tại Huế, những câu chuyện trà dư tửu hậu về Lương và Giáo khá đặc biệt. Ví dụ, dưới con mắt người Phật Giáo tại Huế, lực lượng Thanh Niên Tiến Hành Công Giáo và lực lượng mật vụ của ông Ngô Ðình Cẩn chỉ là một. Tôi nghe nói rằng ông Ngô Ðình Cẩn thường mời Thượng Tọa Thích Trí Quang vào dinh đánh cờ tướng. Phật tử truyền miệng nhau để biến những câu chuyện đối đáp, những thế cờ mưu trí của Thượng Tọa Trí Quang với ông Ngô Ðình Cẩn thành những huyền thoại vinh quang về một thầy Trí Quang “khôn khéo” và một ông Ngô Ðình Cẩn “hiểm độc”. Người ta đồn rằng mỗi khi biết ông Ngô Ðình Cẩn ra câu cá trên sông Hương, thầy Trí Quang thuê một chiếc thuyền chạy qua chạy lại để làm cho nước giao động khiến cho ông Ngô Ðình Cẩn không câu cá được. Ðó là cách thầy Trí Quang “chào” cụ Cẩn để cứu những con cá thoát khỏi lưỡi câu của cụ. Chúng tôi, những chú tiểu trong chùa bàn và nghe những câu chuyện như vậy hằng ngày. Chính tôi cũng đã có những kỷ niệm xấu đối với nhóm Thanh Niên Cộng Hoà trong làng tôi khi họ đi gác đêm với gậy gộc và mõ tre trong làng khoảng thời gian từ 1957-1959. Năm 1960, khi tôi ở Huế, chú Phú tại chùa Từ Ðàm bị bắt cóc tại dốc Nam Giao. Chú Phú giảng rất hay tại các khuôn hội Phật Giáo trong thành phố Huế. Chú Phú bị hăm dọa nhiều lần cho đến khi bị bắt cóc. Mấy năm sau người ta mới biết chú Phú còn sống và đã bị giam trong khu 9 hầm phía sau núi Ngự Bình. Chú Phú trở thành Ðại Ðức Thích Huệ Minh, sau đó xuất tu, có gia đình, hiện đang sống tại Biên Hòa. Trước khi rời Việt Nam, tôi đã đến thăm anh Huệ Minh tại Biên Hòa. Tôi được biết chế độ cộng sản hiện nay không tin tưởng anh Huệ Minh gì cả dù ngày xưa người ta đồn rằng Chú Phú (Huệ Minh) đã bị bắt vì bị tình nghi là Việt Cộng.
Phật Giáo Việt Nam không thích chính phủ Ngô Ðình Diệm; trong khi chính phủ Ngô Ðình Diệm tin tưởng Giáo Hội Công Giáo hơn Phật Giáo. Tại Huế, các cơ sở giáo dục, các địa thế thuận lợi đều nằm trong tay Giáo Hội Công Giáo, hoặc do người Công Giáo đứng đầu. Trong tình trạng chênh lệch đó, Phật Giáo càng thích treo thật nhiều cờ mỗi khi có dịp. Ðây là nguyên nhân gây ra vụ hạ cờ Phật Giáo và dẫn đến vụ đài phát thanh Huế tự động bải bỏ chương trình phát thanh của Phật Giáo nhân ngày Phật Ðản. Ðêm 08/5/63 đồng bào phật tử kéo đến đài phát thanh Huế để yêu cầu cho phát thanh chương trình Phật Ðản như đã dự định. Nhưng thiếu tá Ðặng Sỹ đã cho xe tăng đến đàn áp. Lựu đạn của cảnh sát đã ném vào đồng bào mình và hậu quả là tám em phật tử bị thảm sát đêm hôm đó. Ðây là hành động mà chỉ có kẻ tàn bạo ngu xuẩn nhất mới dám làm đối với đồng bào mình. Biến cố đó là ngòi nổ trực tiếp đưa đến cuộc đấu tranh của Phật Giáo Việt Nam chống chính phủ Ngô Ðình Diệm. (Khi tôi đang viết quyển sách nầy, một vài nhân vật chính trị quen biết nói rằng có một sỹ quan Hoa Kỳ tự nhận là đã âm mưu giết hại Phật Giáo để gây ra cuộc đấu tranh chống cụ Ngô Ðình Diệm. Tôi rất mong giới hữu trách làm sáng tỏ vấn đề nầy. Người Việt chúng ta vẫn thích tin lời đồn hơn là tin bằng chứng cụ thể!)
Người được xem là một vị thánh tăng, đốt ngọn đuốc đầu tiên để tự thiêu rong thời gian Phật giáo đấu tranh chống chính phủ Ngô Ðình Diệm (1963). Biến cố này đã tạo được tiếng vang rất lớn và đem thắng lợi lớn nhất về cho Phật Giáo Việt Nam. (Sau đó, nhiều vị tu sỹ khác đã tự thiêu tiếp theo, nhưng không có một vụ tự thiêu nào nổi tiếng bằng. ) Ngoài ra, vụ tự thiêu này còn đem lại kết quả thắng lợi cho gia đình Người, như anh ruột, con ruột, và các đệ tử được hưởng nhiều ưu đãi. Tôi không trực tiếp chứng kiến vụ tự thiêu của Hoà Thượng Thích Quảng Ðức, nhưng tôi có thể tóm tắt những tài liệu của Phật Giáo để lại như sau:
Trong cuộc biểu tình được tổ chức rất chu đáo ngày 11/6/1963, người đã được chở đến bằng chiếc xe hơi của giáo sư Trần Quang Thuận (chiếc xe hơi ấy nay vẫn còn giữ tại chùa Linh Mụ Huế). Người xuất hiện trong bộ y vàng trang nghiêm trước sự bảo vệ của hàng ngàn tăng ni và phật tử. Người ngồi xuống giữa ngã tư Phan Ðình Phùng & Lê Văn Duyệt, Quận 3 Sài Gòn trong tư thế thiền, tự đổ xăng lên mình và châm lửa. Khi ngọn lửa cháy bùng lên, người ta chụp những bức hình rất hoành tráng. Người tin chắc chắn rằng mình đã dâng mạng sống cho Chánh Pháp, đã đẩy mạnh tinh thần đấu tranh của Phật Giáo Việt Nam lên tới đỉnh cao để Ðạo Pháp trường tồn, đã gióng lên một tiếng nói để cảnh tỉnh lương tâm chính phủ Ngô Ðình Diệm. Trong Phật Giáo, người ta tin rằng cá nhân người được siêu thoát về cõi vô sanh vô tử vô khứ vô lai đầy ngọc ngà châu báu như Kinh Phật đã dạy.
Sau vụ tự thiêu thành công vẻ vang này, thầy Thích Quảng Pháp tại thị xã Phan Thiết, đã dùng dao tự mổ bụng. Dao cùn quá mổ không đứt, thầy phải tự cắt cuống họng. Cắt cuống họng máu chảy đầm đìa, nhưng cũng không chết, cuối cùng thầy được bác sỹ cứu sống. Vì được cứu sống, hành động tự sát của thầy Quảng Pháp không được nổi tiếng và không đem lại hiệu quả như các vụ tự thiêu khác.
Tôi đã hầu cơm đại đức Thích Quảng Hương hằng ngày tại tịnh cốc thầy Ðổng Minh trên núi Phương Sơn, Nha Trang vào cuối tháng 6/1963. Nơi đây, đại đức Quảng Hương đã viết lá thư tuyệt mạng. Tôi không biết người từ đâu đến, nhưng người đã sống yên lặng chừng vài tuần lễ tại tịnh cốc thầy Ðổng Minh. Ðại đức Quảng Hương không nói chuyện, chỉ viết thư và trầm tư. Tôi đã được ngắm xem phong cách của một người tình nguyện chết là như thế nào. Khi ấy tôi còn nhỏ, lòng tôi đầy sự tin tưởng và kính trọng đối với một bậc thầy sẵn sàng chịu chết cho đại cuộc. Một vài tuần sau người được đưa vào Sài Gòn. Sau đó, tôi không gặp lại đại đức Quảng Hương nữa. Không ngờ sau khi thầy Quảng Hương rời tịnh cốc núi Phương Sơn, tôi cũng tình nguyện tự thiêu theo gương người. Người đã tự thiêu trước bùng binh chợ Bến Thành trưa ngày 05/10/1963 trong khi tôi đã về lại Quảng Trị.
Là một vị tu bán thế xuất gia. Bà có gia đình, có chồng con trước khi đi tu. Một người con trai của bà là bác sỹ Bửu Hội, từng làm đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc. Ba anh em chúng tôi, Phước Ðường, Phi Văn và Huệ Nhật, những người tình nguyện tự thiêu, được đưa từ Nha Trang vào chùa Xá Lợi Sài Gòn bằng máy bay. Chúng tôi được ở cạnh phòng của sư bà Diệu Huệ trên lầu một, phía sau chánh điện chùa Xá Lợi, khu dành cho những người sẵn sàng đốt ngọn lửa đấu tranh. Tại Nha Trang, tôi thấy đại đức Quảng Hương phát nguyện tự thiêu một cách yên lặng. Tại Sài Gòn tôi thấy sư bà Diệu Huệ phát nguyện tự thiêu một cách ồn ào. Bà luôn luôn đòi hỏi được chết trước tiên. Vì sợ ban tổ chức cho anh em chúng tôi tự thiêu trước, bà Diệu Huệ đã mấy lần lén lút kiếm xăng dầu để tự thiêu. Do đó ban tổ chức đã cho người canh chừng chúng tôi ráo riết. Sau khi ba anh em chúng tôi được đưa về lại Nha Trang không lâu, sư bà Diệu Huệ đã tự thiêu tại Sài Gòn.
Ðại đức Thích Phước Ðường thuộc lớp anh cả của tôi trong hệ thống Phật Học Viện Trung Phần, là một hệ thống đào tạo tăng tài cho giáo hội Phật Giáo. Trước 1950, Phật Giáo Việt Nam chưa có Phật Học Viện. Ðại đức Thích Phường Ðường lớn tuổi hơn tôi nhiều. Ông rất hiền hậu. Ông là em ruột của đại đức Thích Thiện Châu, một cao tăng đẹp trai, nổi tiếng học giỏi, được du học tại Pháp và có mấy bằng tiến sỹ. Ðại đức Phước Ðường có nhiều nét trái ngược với anh ruột mình. Khi nghe tin tôi tình nguyện tự thiêu tại chùa Phật Học Nha Trang, đại đức Phước Ðường và tiếp theo là Phi Văn đang ở bên Phật Học Viện cũng viết thư tình nguyện tự thiêu. Cả ba anh em chúng tôi được đưa đi Saigòn rồi được đưa về lại Nha Trang, nhưng cuối cùng không ai thực hiện tự thiêu được cả.
Thời gian sau đó, mối liên hệ giữa tôi và đại đức Phước Ðường lúc nào cũng thân mật như anh em ruột. Mỗi khi chúng tôi gặp nhau, ông thường nhắc đến kỷ niệm tự thiêu: “Huệ Nhật, hai anh em mình còn sống sót, đừng bỏ nhau nghe”. Ðại Ðức Phước Ðường được cử làm trụ trì chùa Phước Ðiền dưới chân núi Phật Học Viện từ 1969, đến năm 1980 ông được thượng tọa Thích Thiện Châu bảo lãnh qua Pháp để giữ chức trụ trì một ngôi chùa Việt Nam. Nay thầy Phước Ðường đã lên chức hòa thượng, 69 tuổi đời. Còn Thích Thiện Châu đã tạ thế sau một thời gian bị bại liệt do tai biến mạch máu não. Thiện Châu là một tu sỹ đã từng tiếp xúc và chụp ảnh chung với Hồ Chí Minh và trung thành với Việt Cộng cho đến chết. Ông là một Việt Kiều có nhiều công lao đối với Việt Cộng từ trước cũng như sau 1975.
Ông lớn hơn tôi vài tuổi, dáng người khôi ngô tuấn tú, đẹp trai “râu hùm hàm én”, có giọng tụng kinh áo não thần sầu. Phi Văn hiền hòa, thật thà, nói tiếng Huế rất ngọt. Ông ăn mặc sạch sẽ tươm tất, làm việc gì cũng tận tụy và ôn hòa, khiêm tốn. Tháng 8 năm 1963, khi cả ba anh em chúng tôi được chuyển về lại Phật Học Viện Nha Trang để tự thiêu thì Phi Văn và Phước Ðường từ bỏ ý định này. Năm 1965, ông rời Phật Học Viện vào tu ở chùa Bảo Quang đường Ngô Tùng Châu, Gia Ðịnh. Tại đây, tôi có dịp ở chung với Phi Văn một lần nữa. Chùa Bảo Quang nhỏ hẹp, có cửa sổ thông qua con hẻm của khu lao động mà phần đông là đồng bào phật tử từ miền Bắc di cư vào. Giọng tụng kinh “chiêu hồn đoạt mộ” của Phi Văn đã vọng đến nhà hàng xóm, khiến cho một thiếu nữ 15 tuổi người Bắc di cư sa lệ suýt vong tình. Gia đình cô ta hú hồn hú vía bởi tiếng sét ái tình của cô bé 15 tuổi được phát hiện kịp thời.
Không ngờ đầu thập niên 1970, Phi Văn cởi áo tu, không biết lý do. Năm 1972 cựu đại đức Phi Văn bị bắt giam tại đơn vị 2 quân lao đường Ðỗ Thành Nhân, ngay bên dưới núi Phước Hải của Phật Học Viện Nha Trang. Anh em trên Phật Học Viện xuống thăm nuôi được vài bữa thì nghe tin ông đã chết mà không ai biết rõ lý do. Sau nầy mới biết rằng ông đã bị đánh chết ngay trong quân lao. Sự kiện tra tấn người tù bằng roi vọt và dụng cụ kềm kẹp dã man của chế độ Việt Nam Cộng Hòa không biết do ai để lại. Có thể do Pháp, cũng có thể do truyền thống bốn ngàn năm văn hóa Việt Nam. Họ tra tấn làm cho tù nhân khiếp sợ chứ không phải chỉ để điều tra tin tức. “Không có thì đánh cho có, có thì đánh cho chừa”. Ðây là một đường lối chính trị kém cỏi và thất nhân tâm gián tiếp giúp cho cộng sản có lý do tuyên truyền xuyên tạc. Trong khi đó, chế độ cộng sản tuyệt đối không cho ai biết có nhà tù, dù tù nhân bị hành hạ ngàn lần khủng khiếp hơn. Cộng sản có đường lối chính trị độc ác hơn, khủng khiếp hơn mà lại thành công hơn tại Việt Nam! Cộng sản Việt Nam có phương pháp tra tấn bao tử và lao động mỏi mòn thê thảm. Một tù nhân kể lại sự đói khát đau thương của mình suốt hàng chục năm liên tục trong chế độ nhà tù của cộng sản Việt Nam thì khó tin hơn là một tù nhân khác kể lại sự tra tấn bằng roi vọt của chế độ cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa. Tra tấn bằng roi vọt chỉ đau nhất thời mà ai cũng biết, nhưng tra tấn bỏ đói, bỏ khát và hành hạ tinh thần trong xà lim thì đau dai dẳng mà chỉ có người tù biết mà thôi. Khi nhận ra cộng sản Việt Nam quá gian ác, người dân mới thấy chế độ Việt Nam Cộng Hòa coi vậy nhưng dễ thở hơn nhiều.
Văn Trang là một người thanh niên trong đoàn thể Gia Ðình Phật Tử Khánh Hòa. Anh đã phát nguyện tự thiêu năm 1963 tại Nha Trang, nhưng gia đình ngăn cản kịp thời. Văn Trang lớn hơn tôi vài tuổi, lưng dài vai rộng, biết chơi đàn ghi ta. Anh vào chùa tu từ cuối năm 1964 tại Phật Học Viện Nha Trang. Khi tôi đã được thọ Sa-Di giới thì Trang mới bắt đầu vào tu. Anh Trang và tôi được ở chung trong hậu liêu của chánh điện để cùng làm công tác nhang đèn trong chùa. Người làm công tác nầy chuyên lau bàn quét bụi trong điện Phật, bàn thờ tổ, các bàn thờ người quá cố và dưới nền chùa. Ðây là công việc nhẹ nhàng dành cho người sạch sẽ, cẩn thận, ý tứ và siêng năng tụng kinh. Văn Trang và tôi là hai người siêng năng tụng kinh nên được cử làm công tác đó. Riêng tôi thích làm công tác hương đăng (nhang đèn) để được ăn chuối cúng trong chùa. Chính vì thế mà tôi được đặt tên “Thánh Chuối”. Anh em bạn bè gọi tôi là Thành Chuối, thật dễ thương.
Mùa hè năm 1965, Trang đi đâu mất mấy ngày. Vào một buổi trưa khi đại chúng đang thọ trai, bỗng nhiên nghe tiếng la ơi ới của đại đức Thích Diệu Tánh rằng: “Ai liệng vào phòng tôi một cây đèn néon kèm theo tờ giấy có chữ viết bằng máu, ghi rằng Trang đã chết, xác hắn trôi tại Hòn Chồng”. Thầy Diệu Tánh người Huế giữ chức trưởng ban nghi lễ của Phật Học Viện. Phòng của thầy Diệu Tánh ở bên kia hậu liêu đối ngang với phòng của tôi và Trang. Bên ngoài phòng thầy Diệu Tánh là một căn phòng lớn dành riêng cho Hòa Thượng Trí Thủ tiếp khách. Tôi chạy vào phòng thầy Diệu Tánh, thấy cây đèn néon mà Trang học bài hằng đêm bị vứt vỡ tung tóe. Miếng giấy viết bằng máu chưa khô. Vị trí và chiều hướng vỡ tung của cây đèn cho thấy rằng nó được liệng từ trên cao xuống. Phòng thầy Diệu Tánh nằm bên trong khu hậu liêu sát chánh điện, không có một kẻ hở nào từ bên ngoài để người ta có thể vứt cây đèn vào trong phòng. Người lạ mặt phải vào hẳn trong phòng mới có thể vứt cây đèn với một sức mạnh khiến nó vỡ tung tóe như thế. Nhìn lên trên, tôi thấy phòng thầy Diệu Tánh không đóng trần, nhưng bên trên chánh điện có trần. Nếu leo lên đầu tủ, có thể nhìn thẳng vào trong trần nhà của chánh điện. Nhiều người và tôi đoán chắc là phải có ai từ trên trần chánh điện vứt cây đèn xuống. Thế là anh em leo lên trần chánh điện rọi đèn pin xem. Ðúng! Trang đang ngất xỉu nằm im trên đó. Thật vất vả mới đưa người thanh niên lưng dài vai rộng từ trên trần chánh điện xuống dưới đất. Trang đã đem cả mền gối lên trần chánh điện nằm mấy ngày đêm rồi mà không ai hay biết. Anh ta còn đem theo cả trái cây để ăn nữa. Trái cây lấy từ bàn Phật đem lên chứ không đâu xa. Trang có cả một cái thau nhỏ để đại tiểu tiện trên đó nữa. Chúng tôi đưa anh Trang đi bịnh viện, vài hôm sau, anh ta khỏe mạnh về lại chùa. Nhưng rồi anh ấy cứ buồn bã u sầu. Ba mẹ của Trang lên chùa xin đem con đem về nhà tại Xóm Mới. Không ngờ Trang đã tự thiêu ngay trong phòng riêng của nhà mình khoảng mủa hè 1966, khi đó tôi đã vào Sài Gòn.
Người là một vị cao tăng có tiếng tăm về đức độ và tài giảng dạy. Tuổi đời và tuổi đạo của người cao hơn Hòa Thượng Thích Trí Quang. Người có nét mặt đạo vị, uy nghi, hiền hậu và hai trái tai thòng xuống giống tai Phật. Chức vụ của người là Chánh Ðại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất miền Vạn Hạnh. Người trụ trì chùa Linh Mụ rất lâu năm, một ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất tại Huế nay đã bị Việt Cộng nắm quyền quản lý hoàn toàn. Nếu người còn sống, thì nay cũng trên 90 tuổi. Trong trận đánh tết Mậu Thân 1968 tại Huế, Hoà Thượng Ðôn Hậu đã đi theo Việt Cộng. Lúc đó ai cũng nghĩ rằng người bị Việt Cộng bắt dẫn đi, nhưng căn cứ vào lời kêu gọi đồng bào “chống Mỹ cứu nước” của người đọc trên đài phát thanh Giải Phóng hằng ngày thì không thể nào nói rằng người không phải là Việt Cộng. Thật ra Hoà Thượng Ðôn Hậu đã có mối liên hệ cá nhân với ông Lê Duẩn từ khi cả hai người còn nhỏ tại làng Trung Kiên, Hậu Kiên, Triệu Phong, Quảng Trị. Họ là những người đồng hương sinh ra và lớn lên sau lũy tre làng. Ðôn Hậu cũng là bổn sư của các vị cao tăng nổi tiếng, trong đó một vị đã xuất tu và đã tham gia trong các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (cựu đại đức Thích Trí Không). Tiến sỹ Lê Mạnh Thát, tức thượng tọa Thích Trí Siêu cũng là đệ tử của Hòa Thượng Ðôn Hậu. Tôi thấy rõ ràng là người quốc gia và người cộng sản trong chùa không có biên giới. Ví dụ như Hoà Thượng Ðôn Hậu là Việt Cộng thứ thiệt, nhưng các đệ tử của người ngày hôm nay là những người chống cộng cực kỳ hăng hái, mà tình cảm thầy trò của họ vẫn không bị tổn thương. Sau ngày 30/4/1975, những người có lương tâm thật sự, dù trước đây đã dành tình cảm cho Việt Cộng, cũng quay lại chống cộng hết mình. Chính Hòa Thượng Ðôn Hậu cũng trở thành người chống cộng dù đã quá trễ.
Hòa Thượng Ðôn Hậu không tình nguyện tự thiêu trong thời gian Phật Giáo đấu tranh chống các chính phủ miền Nam. Sau khi đi theo Việt Cộng vào bưng năm 1968, người được đưa ra Hà Nội. Cho đến sau 30/4/1975 người được Việt Cộng đưa vào lại miền Nam như một con bài tủ để trấn an Phật Giáo. Bắt đầu từ đó người mới tỏ ra bất đồng với cộng sản Việt Nam. Thật đáng tiếc, dân tộc Việt Nam có nhiều người tốt nhưng đã bị đảng cộng sản lừa phỉnh cho đến ngày tàn. Ðôn Hậu cũng thế. Ông đi theo Việt Cộng, phục vụ cho Việt Cộng. Ông đã im hơi lặng tiếng chứng kiến những hậu quả mà Việt Cộng đem lại cho dân tộc mình cho đến khi chết. Sau 1975, Ðôn Hậu đã đòi hỏi đảng cộng sản Việt Nam thực thi tự do tín ngưỡng. Với uy tín của người đối với Phật Giáo, đảng Cộng Sản Việt Nam không thể làm gì hơn là giam lỏng người tại chùa Linh Mụ Huế. Tại đây, người đã đòi tự thiêu để phản đối đảng cộng sản. Do đó họ đã giam lỏng người cho đến khi qua đời. Tôi không nhớ người qua đời năm nào.
Ngay trong thời cụ Ngô Ðình Diệm, Phật Giáo Việt Nam đã có nhiều cao tăng thân cộng, nhưng họ khó tạo cơ hội chống đối chính phủ cụ Ngô, vì cụ Ngô là người nổi tiếng thanh liêm. Rủi thay bà Ngô Ðình Nhu có tánh ngang ngạnh vô lễ với đồng bào, do đó dân chúng mất cảm tình với chính phủ cụ Ngô và xem đó là chế độ gia đình trị. Thái độ và lời lẽ kích bác vụ tự thiêu của Hoà Thượng Thích Quảng Ðức của bà Ngô Ðình Nhu là cái ngòi nổ cho trái bom quần chúng phật tử. Chỉ năm ngày sau vự tự thiêu nầy, chính phủ Ngô Ðình Diệm phải nhượng bộ. Hai phái đoàn chính phủ và Phật Giáo đấu tranh đã mất ba ngày làm việc để đi đến một bản thông cáo chung được ký kết vào nửa đêm 16/6/1963. Tiếc thay cuộc đấu tranh đợt hai được bắt đầu ngay sau đó để đòi thực thi thông cáo chung chưa kịp ráo mực! Phía Phật Giáo đấu tranh cho rằng chính phủ Ngô Ðình Diệm cố tình không thực thi bản thông cáo chung, vì tăng ni và phật tử vẫn còn gặp khó khăn với các chính quyền địa phương tại một số nơi. Cho đến đêm 20/8/1963, toàn thể chùa chiền miền Nam Việt Nam đều bị phong tỏa. Hàng ngàn tu sỹ Phật Giáo và những tín đồ cốt lõi bị đưa vào tù. Thượng tọa Trí Quang, linh hồn tranh đấu của Phật Giáo đã vào tỵ nạn trong tòa đại sứ Hoa Kỳ. Bầu không khí chính trị tại miền nam lúc đó rất nặng nề. Giáo Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn Lục Hòa Tăng được chính phủ cụ Ngô sử dụng đưa đi các tỉnh giải độc. Các vị sư sãi nầy được sử dụng giống như Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh của đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ, nhưng rời rạc, yếu ọp và quê mùa hơn các sư sãi của Phật Giáo quốc doanh cộng sản hiện nay. Sau nầy tôi được biết nhiều vị sư Phật Giáo Cổ Sơn Môn mà cụ Ngô Ðình Diệm sử dụng đã là Việt Cộng rồi.
Sau khi chính phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, Phật Giáo bắt đầu đi vào thời kỳ suy thoái đau thương nhất. Phật Giáo bắt đầu xem các chính quyền tiếp nối như con rối của mình. Bây giờ chúng ta hãy bình tĩnh mà xem xét lại: sau khi lật đổ chính phủ Ngô Ðình Diệm, Phật Giáo Việt Nam bị chính quyền đàn áp hay Phật Pháo Việt Nam đàn áp những chính quyền kế tiếp?
Nội bộ Phật Giáo bắt đầu tranh giành quyền lợi và thế lực. Những tranh chấp đó đã thay đổi phẩm chất người tu sỹ Phật Giáo tận gốc rễ. Những chiếc áo cà sa đã trở nên triệu phú nhờ hàng viện trợ cho các cô nhi viện, tiền quyên góp, và tiền dâng hiến do các đảng phái và cá nhân muốn ra tranh cử. Các bà vợ của những ông tướng phật tử làm đệ tử chùa nầy chùa nọ, biết cách dùng thầy và chùa để chứa hàng quân tiếp vụ rất an toàn. Quân cảnh Mỹ và cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa làm sao dám vào chùa kiểm tra hàng quân tiếp vụ Mỹ? Ngay tại góc đường Ngô Tùng Châu & Võ Tánh sát bùng binh Ngả Sáu Sài Gòn, có một miếng đất trống bên dưới hai bồn chứa nước, cũng bị các thầy lấy danh nghĩa tôn giáo chiếm ngang xương. Họ dùng vật liệu quân đội Hoa Kỳ để xây sơ sài một ngôi chùa có tượng, có bàn thờ, có tụng kinh, có tín đồ lui tới. Không ai dám đụng vào một cơ sở như vậy vì sợ mang tiếng “đàn áp tôn giáo”. Ngôi chùa nầy là một cái ổ Việt Cộng cho đến ngày nay. Vị trụ trì ngôi chùa nầy hiện giờ là tổng thư ký Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh, hòa thượng Thích Hiển Pháp. Ông và cả gia đình ông đều là Việt Cộng.
Nếu những năm trước đó Phật Giáo cho rằng giáo hội Công Giáo cậy thế cậy quyền từ nơi cụ Ngô Ðình Thục, thì sau đó các cao tăng Phật Giáo còn thao túng quyền thế hơn cụ Ngô Ðình Thục nhiều. Tiêu biểu nhất là Thượng Tọa Thích Trí Quang. Ông muốn lãnh đạo trên các vị nguyên thủ quốc gia nữa. Phật Giáo đã có một Việt Nam Quốc Tự đầy kiêu hãnh do Tướng Dương Văn Minh phê chuẩn, nhưng chỉ vài năm sau họ đã biến ngôi chùa lịch sử nầy thành nơi tranh chấp nội bộ thê thảm nhất của Phật Giáo. Tỉ dụ như những cuộc đánh lộn trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự trước khi ngôi chùa nầy được ngã ngũ về phe nào. Vụ giật sập dãy nhà do đại đức Thích Ðức Nghiệp vừa mới xây xong chưa ráo nước vôi trước mặt tiền Việt Nam Quốc Tự sau khi ngôi chùa nầy hoàn toàn nằm trong tay Phật Giáo “chống cộng”. Họ chia ra hai giáo hội (Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang) để hơn thua từng sợi tóc chính trị mà không mấy ai còn nhắc đến “trái tim bất diệt” của thầy Thích Quảng Ðức nữa. Ðến hôm nay câu chuyện trái tim đốt nóng 4000 độ mà không cháy đã đi vào quên lãng. Nếu quả thật trái tim của Quảng Ðức đốt không cháy trong nhiệt độ cao như vậy thì giáo lý đạo Phật không thể đứng vững. Ðạo Phật đề cao khoa học, đề cao lý-nhân-duyên và không chấp nhận thần quyền mầu nhiệm siêu nhiên, thế mà có một trái tim bằng thịt đã thiêu 4000 độ vẫn không cháy(?) Mầu nhiệm nầy là do Hoà Thượng Quảng Ðức tự phát chăng? Tại sao những người tu hành mà nghĩ ra những phương pháp đấu tranh chính trị quá sức “ngoạn mục, cao siêu” đến thế? Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam chưa hề có một tu sỹ chân chính nào dám làm, trừ cộng sản vô thần đã ngồi vào ghế lãnh đạo của Phật Giáo trong thời kỳ mạt pháp đau thương nhất! Thần thánh nào mà con người chế tạo ra được thì họ buôn bán được hết!
Sau khi các nhà lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam thấy các cuộc tuyệt thực và tự thiêu trở thành nhàm chán và vì thế không tạo nổi tiếng vang nữa, họ bèn nghĩ ra một chiêu thức mới thật táo bạo: nhân danh “yêu chuộng hòa bình” để khiêng Phật ra đường “nằm vạ”. Khi đó, người ta ước mong giao thông công cộng được tôn trọng, hay là thèm thuồng xe cộ đụng vào các hình tượng ấy để lấy cớ tri hô “đàn áp tôn giáo”? Ðó không phải là hành động đưa Phật Giáo vào mạt vận hay sao? Bây giờ phật tử chân chính nào dám nhìn lại kết quả của tôn giáo mình làm ra trong giai đoạn nội chiến vừa qua giữa lòng dân tộc?
Khi sự biểu tình của con người đã trở nên nhàm chán, người ta khiêng Phật đi biểu tình. Mỗi khi “Phật” đã đi biểu tình thì phật tử nào mà không dám bày tỏ thái độ đấu tranh? Ngoài đường tượng Phật càng té ngã, càng đổ bể tan hoang từng mảnh vụn, càng dễ gây sự bất mãn chính trị trong quần chúng đối với chính quyền miền Nam càng làm thỏa mãn thâm ý của các nhà chính trị đầy thủ đoạn.
Tại sao họ dám sử dụng hình tượng thiêng liêng nhất của họ để làm dụng cụ đắp mô theo kiểu Việt Cộng đã quen làm? Việt Cộng chỉ dùng cây, gạch, đá để đắp mô dọc đường quốc lộ, tỉnh lộ; còn Phật Giáo Việt Nam dùng tượng Phật đắp mô ngay trong thành phố cổ kính nguy nga tiêu biểu nhất của Phật Giáo Việt Nam! Phải chăng đây cũng là một hành động “khủng bố cảm tử tượng đúc” để quấy rối tinh thần những người yêu chuộng hòa bình?
Chúng ta hãy tưởng tượng một đàn con quá khích luôn luôn kêu gào đấu tranh đòi tự do báo hiếu cha mẹ bằng cách trói cha mẹ mình đem ra phơi nắng giữa ngã tư đường, để hễ ai đụng tới cha mẹ họ là bị kết tội “ngăn cản lòng báo hiếu” của họ. Việc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã dùng tượng Phật để đắp mô biểu tình trong thành phố Huế vào mùa hè 1966 đã làm cho Hồ Chí Minh và đảng cộng cản Bắc Việt sung sướng bao nhiêu lần hơn binh lính của họ đắp mô dọc Quốc Lộ Một. Với tình hình như thế, tôi nghĩ rằng lúc đó Cộng Sản Bắc Việt đã biết mình nắm phần thắng trong tay rồi. Sau nầy một trung ương đảng viên đã cho tôi biết rằng Hồ Chí Minh căn cứ vào tình hình mùa hè 1966 để vi phạm lệnh hưu chiến trong tết Mậu Thân và do đó thành phố Huế đã trở nên mồ chôn của trên 5000 nạn nhân của Việt Cộng. Hàng triệu phật tử đã vì tin các “thầy” mà không suy nghĩ chín chắn, vô tình đưa Phật Giáo vào tay Cộng Sản.
Trong thời đại Ngô Ðình Diệm thì Phật Giáo yếu thế thật, nhưng Phật Giáo còn kỹ cương, còn nề nếp sơn môn sắc tứ, và tín đồ phật tử cũng có trật tự, truyền thống, theo từng tông phái khác nhau. Khi Phật Giáo Việt Nam “thắng” Ngô Ðình Diệm để biến thành một lực lượng khuynh đảo quốc gia, thì sự mạt vận đến với đất nước, với dân tộc, và với chính Phật Giáo một cách nhanh chóng. Người chịu thiệt thòi nhất là các phật tử chân chính và người tha thiết tu hành. Tôi đã đặt lòng tin vào Phật Giáo mà suýt bỏ mạng sống của mình, đến mấy chục năm sau mới hiểu được vấn đề! Nếu tôi đã chết, chẳng có gì ích lợi cho Phật Giáo và cho dân tộc cả. Bởi thế hôm nay tôi không sợ hãi khi nói lên một vài sự thật mếch lòng. Chúng ta nên bình tâm để cùng nhau học bài học lịch sử khi đang còn cơ hội. Nếu không, con cháu sẽ oán trách chúng ta.
Mấy chục năm trôi qua tôi mới thấy rằng việc phong tỏa chùa chiền và các cuộc bắt bớ tăng ni phật tử của chính phủ Ngô Ðình Diệm là những món quà đắt giá dành cho đảng cộng sản. Tôi nghĩ rằng Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, một người liêm khiết và có tinh thần chống cộng cao nhất miền Nam, cũng như toàn thể tăng ni phật tử chân chính đã không hình dung được hậu quả đem lại cho quốc gia dân tộc sau khi họ đã gây ra những xích mích với nhau. Thật ra cuộc đấu tranh của Phật Giáo lúc đầu là chân chính, nhưng tiếc thay nó đã bị Cộng Sản đạo diễn, nên đã bị dẫn vào bàn cờ thế của cộng sản Bắc Việt. Ðiều nầy khó có ai can đảm thừa nhận. Dĩ nhiên thế hệ đi trước càng che giấu sai lầm của mình thì thế hệ sau càng lãnh đủ những bế tắc. Tôi nghĩ rằng điều ngu xuẩn nhất của con người chúng ta là ưa che giấu sai lầm. Dân tộc chúng ta chậm tiến một phần do ảnh hưởng tư tưởng giả hình xấu che, tốt khoe. Hậu quả do cuộc đấu tranh của Phật Giáo Việt Nam đã khiến cho chính Phật Giáo Việt Nam bị thiệt thòi và mất mát nhiều nhất trong tai họa cộng sản tại Việt Nam.
Sau 30/4/1975, Công Giáo và Tin Lành chỉ bị mất các cơ sở vật chất, nhưng đức tin của tín hữu phát triển mạnh. Riêng hệ thống Phật Giáo bị biến chất ngay sau khi cụ Ngô bị lật đổ, và tình trạng tang thương vẫn kéo dài cho đến hôm nay.
Các chính phủ miền Nam vẫn có những vụng về nhất định, một phần do họ, phần khác do tình hình chính trị sau khi đất nước bị chia cắt. Ngay từ đầu, chính phủ cụ Ngô Ðình Diệm đã lần lượt đánh mất lòng dân. Trước khi chia đôi đất nước vào năm 1954, các miền quê ở xứ tôi ít nhiều cũng có cơ sở hạ tầng của Việt Minh. Người dân lúc đó chưa hiểu ý đồ của cộng sản trong mặt trận Việt Minh, nhưng họ tin rằng chủ trương chống pháp của Việt Minh là đúng.
Xin cảm thông cho tôi khi nhắc đến những nguyên nhân sâu sắc đưa đến sự mất lòng dân trong thời huy hoàng nhất của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, khi mà Việt Cộng mới bắt đầu đánh phá, khi mà đường lối chính trị có nhiều cơ hội để chinh phục lòng dân với kết quả cao nhất, là khi chúng ta đã làm hỏng một cách thật đáng tiếc rồi! Ai còn muốn che đậy lỗi lầm của “phe mình” thì người đó chưa thật lòng đấu tranh cho dân tộc. Ai chưa đặt mình vào lòng dân thì bị dân loại bỏ ra ngoài tình cảm mộc mạc chơn chất của họ.
Tôi nhớ tới sự bất mãn của những người nông dân trong làng tôi khi lính Bảo An của Ngô Ðình Diệm về lùng bắt những người theo Việt Minh và tra tấn họ ngay giữa đường xóm. Họ làm như thế mà không hề sợ thương tổn đến lòng dân. Tôi còn nhớ như in và có thể kể tên những ai đã bị tra tấn, bị bắn què chân ngay trong làng tôi. Một vài người trong số đó sau khi bị tù về đã “đi đạo” để được yên thân. Những người đó hiện nay vẫn còn sống. Ðáng lẽ vào thời gian phôi thai ấy, chính phủ Ngô Ðình Diệm nên đặt nặng một kế hoạch đào tạo cán bộ để thực hiện chính sách hướng dẫn quần chúng về hiểm họa của chủ nghĩa cộng sản hơn là đi lùng bắt và tra tấn họ theo lối phô trương bạo lực.
Không ai giúp quần chúng Việt Nam hiểu rõ sự khác nhau giữa văn hóa dân tộc và ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản. Trong khi đất nước bị chia đôi, số đông quần chúng miền Nam đứng giữa, không theo phe nào cả. Nhưng họ có thể quan sát xem bên nào dễ có cảm tình hơn để nghiêng theo. Người Việt Nam lại có nhiều tình cảm. Khi nhìn thấy bà con mình bị tra tấn công khai như thế, tình cảm của họ đã bị bẻ lái về hướng nào rồi.
Ðể nắm chắc lòng dân, Việt Cộng nằm vùng áp dụng chính sách Ba Cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng sống trong gia đình của dân. Về mặt này Việt Cộng thành công hơn những người lính miền Nam. Vì người lính Bảo An lạ mặt, mặc quân phục kiểu Tây đến bắn vung vít một hai bữa rồi đi. Ai ở trong dân, ăn mặc nói năng và làm việc như dân mới thuyết phục được tình cảm của dân. Thời gian đó, có một số nông dân mù chữ trong làng tôi cũng nói được một câu rằng: “Việt Cộng ngoài Bắc chưa vô thì đã có Việt Cộng nằm trong ấp chiến lược của mình rồi. “ Họ không không biết chữ, nhưng họ lại biết nghĩa. Họ đã nhìn thấy một sự thật mà chính phủ không dám nhìn thấy.
Cụ Ngô Ðình Diệm là một nhà chính trị liêm khiết, yêu nước, nhưng không thấy được hoàn cảnh và tâm trạng của người nông dân trong ấp chiến lược. Bởi thế số nông dân Việt Cộng chính cống đã thong dong bám trụ trong ấp chiến lược để xây dựng cơ sở hạ tầng và chuẩn bị cho Việt Cộng Bắc Việt vào sau nầy. Trong khi đó, tại những nơi khác, Việt Cộng áp dụng chiến thuật gài mìn khủng bố để cướp tinh thần, để tạo tiếng vang. Cứ mỗi lần bị như vậy, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đi hành quân truy quét để bắt bớ, tra tấn và vô tình làm mất lòng dân thêm. Bắt được vài anh Việt Cộng để bỏ tù vài năm rồi thả. Nhiều trường hợp bắt oan người dân rồi đánh đập tra tấn để tạo cho họ lòng căm thù chế độ, sau đó thả ra để họ biết cách theo Việt Cộng triệt để hơn.
Ngay từ đầu, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cũng không nhìn thấy hiểm họa cộng sản trong hàng ngũ tu sỹ Phật giáo. Tiêu biểu nhất là hai người Thích Trí Quang và Thích Ðôn Hậu. Hai vị cao tăng nầy vốn có liên lạc mật thiết với Trí Ðộ ở chùa Quán Sứ ở Hà Nội, là ngôi chùa mẫu quốc doanh của Cộng Sản. Dưới ảnh hưởng của hai vị cao tăng nầy, vô số tu sỹ Phật Giáo đi theo cộng sản. Các vị tu sỹ Phật Giáo cấp cao khác như thầy Trà Am, thầy Hiển Pháp, thầy Thích Minh Nguyệt, thầy Thích Thiện Hào, Thích Thiện Châu, thầy Thích Minh Châu, thầy Nhất Hạnh, v. v. cũng đã theo Việt Cộng. Ngoài ra còn rất nhiều huynh trưởng trong tổ chức Gia Ðình Phật Tử là Việt Cộng chính cống. Ðó là chưa kể đến vô số người tự nhận là Phật tử nhưng thực chất là Việt Cộng nằm vùng. Tôi chưa dám nói đến sự thâm nhập của cộng sản vào trong hệ thống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Dân biểu Trần Ngọc Châu đã che giấu hoạt động tình báo cộng sản của anh ruột là Trần Ngọc Hiền. Dân biểu Kiều Mộng Thu, con đẻ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang cũng là tay sai của Việt Cộng. Tôi nghĩ rằng lịch sử sẽ tiếp tục làm công việc phán xét của lịch sử, mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều người không đồng ý với nhận xét của tôi, vì họ xem tôi là một người không chuyên môn về chính trị.
Sau nhiều năm sinh hoạt trong Phật Giáo, và được sống dưới hai chế độ chính trị (Quốc Gia và Cộng Sản), tôi tin chắc rằng sự thất bại của chính phủ Ngô Ðình Diệm là do thiếu chú trọng đến việc lấy lòng dân, đặc biệt là chinh phục tình cảm chính trị của giới phật tử. Trong thời gian chống Pháp, có nhiều nhà chùa đã làm căn cứ quân sự cho Việt Minh. Hành động này vào lúc đó được xem là có chính nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, sau khi cộng sản cướp công kháng chiến thì các nhà chùa ấy phải phản tĩnh. Nếu các ngôi chùa không phân biệt được Quốc-Cộng, ai cấm Việt Cộng tiếp tục sử dụng cơ sở hạ tầng trong tôn giáo sau khi đất nước chia đôi?
Cộng Sản Việt Nam chẳng những khéo léo khai thác kẻ hở thênh thang nầy mà còn khai thác những mâu thuẫn của Phật Giáo và Công Giáo, là hai tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam. Mâu thuẫn đó gây ra do sự khác biệt về quyền lợi chính trị và vật chất kể từ thời Pháp để lại. Tỉ dụ như một anh Việt Cộng khi đi tù về, muốn được yên thân là phải đi đạo, được Cha bảo lãnh để làm xã trưởng, ấp trưởng. Bởi thế, quê tôi đã có những câu “Ði đạo có gạo mà ăn, theo Chúa có lúa trong nhà. Có thực mới vực được đạo. Theo Việt Cộng bị còng theo nhà dòng được mở”. Ngoài ra, chính phủ Ngô Ðình Diệm có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho hơn một triệu người Công Giáo di cư từ Bắc vào Nam sau năm 1954 tại các khu dinh điền, khu trù mật, những giáo xứ được xây dựng tại các vùng Gia Kiệm, Hố Nai, Phương Lâm, Ðức Trọng, Tùng Nghĩa, Bảo Lộc, Ðà Lạt, Ban Mê Thuột; chưa kể những trường đại học, trung học của Công Giáo, cơ sở đất đai đồn điền của nhà dòng, ruộng đất, khách sạn, ngân hàng.... Một số nhà dòng nắm hầu hết ruộng đất trong quận 9 Thủ Thiêm từ xóm Ðình, xuống An Lợi Ðông bọc xuống các xã. Nông dân làm ruộng phải đóng thuế đất cho nhà dòng chứ không đóng cho chính phủ.
Khi làm chánh đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Quận 9 Thủ Thiêm, tôi nghe nhiều người nói rằng đó là đất của Tây để lại cho nhà dòng. Ðiều nầy tôi hoàn toàn không có cơ sở kiểm chứng. Nhưng sự đồn đãi, và lời ta thán của phật tử cũng đủ tai hại cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ðúng hay sai vẫn còn cơ hội xác minh. Nhưng vấn đề quan trọng là lòng dân đã bị mất mát khó lấy lại được. Khi có cơ hội lấy lại lòng dân như hôm nay, thì những người trách nhiệm đã rã tan từ quần áo cho đến tâm hồn. Nhiều người che giấu mặc cảm xấu hổ thua trận bằng cách cố quên chuyện cũ, hễ ai nhắc tới tội ác cộng sản thì họ cho rằng người đó ham làm chính trị. Họ sống trong một xã hội tự do no ấm nhờ máu của người khác đã đổ ra, cho nên họ không thích nói tới hai chữ chính trị để chứng tỏ rằng mình đã thoát khỏi thế gian. Họ đã trở nên những người giả hình quá lố bịch!
Tôi tiếc mãi cho đồng bào và đất nước vì có nhiều người như tôi hồi nhỏ không được hưởng một nền giáo dục tiến bộ khách quan để được thoát ly khỏi sự tỵ hiềm phe phái, tôn giáo. Trong khi đó những phong trào bình dân học vụ và các phong trào chống nạn mù chữ của miền Nam lại nằm trong tay của nhiều phật tử nổi tiếng mà sau nầy tôi mới biết rõ là Việt Cộng nằm vùng. Phong trào Bình Dân Học Vụ miền Nam có liên hệ với chùa Xá Lợi và cụ Mai Thọ Truyền. Khi họ dựa vào tiếng tăm của cụ Mai Thọ Truyền, một Quốc Vụ Khanh Văn Hóa, thì ai dám phê bình chỉ trích được nữa? Cả Chùa Thuyền Tôn đường Huỳnh Mẫn Ðạt Chợ Lớn, Chùa Giác Lâm Phú Thọ Hòa là hai nơi mà các ông Huỳnh Tấn Phát, ông Nguyễn Hữu Thọ, ông Trần Bạch Ðằng, ông Rum Bảo Việt (tức Sáu chiến), Trần Ngọc Hiền (anh ruột của dân biểu Trần Ngọc Châu) có phòng ngủ, phòng ăn và phòng làm việc bí mật dưới đất cho đến ngày 30/4/1975.
Tôi thấy rằng các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tiếp nối sau chính phủ Ngô Ðình Diệm gần như bỏ ngõ hoàn toàn mặt trận chiến tranh tâm lý chính trị để tranh thủ lòng dân. Không đắc nhân tâm thì làm sao mà chiến thắng? Chính phủ chỉ biết dựa vào súng ống và ngoại viện Mỹ để càng ngày càng xa dân hơn. Vì chính phủ không có ý thức Quốc-Cộng rõ ràng, nên không thể hướng dẫn người dân về hiểm họa của chủ nghĩa cộng sản. Họ cũng không thể hướng dẫn dân chúng phân biệt bổn phận quốc gia với tình cảm riêng tư, hoặc thái độ đối với đồng minh khác thái độ đối với kẻ thù, v. v.
Dân chúng miền Nam nhận viện trợ Mỹ nhưng chống Mỹ. Hàng trăm ngàn nhân viên Việt làm việc cho các cơ quan Mỹ đã ăn cắp đồ Mỹ gây thiệt hại rất nhiều mà không ai thống kê hết để lượng giá lại công cuộc chiến đấu chung của lực lượng Việt Mỹ. Chúng ta tức tối vì Hoa Kỳ cắt viện trợ chứ không bao giờ tức tối vì chúng ta đã phung phí sự viện trợ của họ. Nếu chúng ta xem sự viện trợ vật chất của Hoa Kỳ là quan trọng hơn chính nghĩa quốc gia của chúng ta, thì chúng ta giận họ là đúng.
Trong khi đó, dân chúng miền Bắc một mặt bị kềm kẹp bằng chính sách hộ khẩu, tem phiếu, mặt kia bị dồn ra chiến trường để chiến đấu đến giọt máu cuối cùng với miếng lương khô của Tầu, súng ống của Nga. Trong tình thế như vậy mà Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu cho đến ngày 30/4/1975 là quá giỏi. Nếu quân đội Hoa Kỳ tiếp tục chiến đấu sát cánh với quân lực Việt Nam Cộng Hòa tại chiến trường, thì ngay tại hậu phương dân chúng vẫn nuôi dưỡng cộng sản. Còn các nhà lãnh đạo thay nhau tranh chấp quyền lợi khiến cho quân đội bị mất tinh thần chiến đấu trước khi mất sức mạnh vũ khí. Ngày nay ai là người cảm thấy mình đã có lỗi với hàng triệu chiến sỹ đã hy sinh, có lỗi với hàng trăm ngàn thương binh và gia đình tử sỹ? Ai đã đẩy dân đi vào con đường loạn lạc, lừa mị đúng quỷ kế của họ Hồ? Tôi tưởng tượng nếu Tổng Thống Ngô Ðình Diệm biết nhìn xa thấy rộng hơn vào thời gian mới lên làm tổng thống, để chịu khó tiếp xúc với các cao tăng Phật Giáo như Hồ Chí Minh đã từng làm, thì chắc chắn tình hình đã khác đi nhiều. Ngoài Bắc, ông Hồ Chí Minh vận động từng tôn giáo một; thậm chí cả Tin Lành là một tôn giáo rất ít người nhưng ông cũng không bỏ sót. Ông Hồ Chí Minh rất sợ cụ Ngô Ðình Diệm được lòng dân. Giai đoạn đầu, cụ Ngô đã được lòng dân thật sự, nhưng không ngờ cụ Ngô quan tâm tới lòng dân ít hơn là quan tâm xây dựng cơ chế gia đình trị. Tôi nghe nói cụ Ngô Ðình Diệm không đọc báo, không nghe radio, cụ đối xử với các vị tướng lãnh và các tỉnh trưởng như cha đối với con. Cụ muốn rầy la ai thì rầy la như cha mẹ rầy con chứ không theo tư cách một người đứng đầu chính phủ.
Tính sổ lại từ đầu đến cuối, các chính phủ miền Nam đã làm cho mình thua trận một cách sâu đậm đến nỗi bây giờ không ai đủ can đảm nhận khuyết điểm. Chẳng những họ không muốn nhận khuyết điểm mà còn muốn quên luôn quá khứ của mình. Phải chăng làm như thế mới có ích lợi cho các thế hệ mai sau?
Nhờ sống hơn 20 năm trong chế độ cộng sản tôi mới hiểu chút ít về các nguyên nhân đưa đến sự thất bại của chúng ta. Những chuyện đáng buồn như lệnh hạ cờ Phật Giáo của chính phủ cụ Ngô năm 1963, vụ tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn anh Việt Cộng đang bị trói cánh gữa phố Sài Gòn năm 1968, vụ một nhà báo Pháp bị cảnh sát bắn chết ngay trước văn phòng Nha Cảnh Sát đầu năm 1975, và tư cách ngổ ngáo và trình độ chính trị kém cỏi của nhiều tướng lãnh miền Nam đã cho tôi biết khả năng lãnh đạo của các chính phủ miền Nam rất dở. Có người cho rằng cụ Ngô Ðình Diệm không kỳ thị Phật Giáo; chỉ “sơ ý” triệt hạ cờ Phật Giáo mà thôi. Sự “sơ ý” đó giống như một người có đủ sức khỏe, nhưng chỉ uống nhầm độc dược mà chết chứ không phải cố ý tự tử đâu! Cố ý hay sơ ý đều bị hại cả.
Ngày nay ở hải ngoại, sau gần 30 năm lưu lạc, ai đã học bài học thất bại là mẹ của thành công? Phải chăng có người âm thầm “cám ơn” tội ác cộng sản Việt Nam, vì nhờ tội ác cộng sản Việt Nam mà những sai lầm của họ được xem nhẹ một cách “đáng thương”. Nhờ đó, họ yên tâm ngồi nắn nót những trang hồi ký, tìm lãng quên trên chén rượu Hồ Trường của bậc “đại trượng phu”! Nhưng tôi biết còn quá ít. Mới đây hai quyển sách Lái Buôn Tổng Thống và Cụm A 22 của tác giả Trần Trung Quân cho tôi thấy thêm rằng cộng sản Bắc Việt đã đưa gián điệp vào điều khiển cả dinh độc lập và hàng ngũ lãnh đạo tối cao của giáo hội Công Giáo Việt Nam Cộng Hòa suốt từ đầu thập niên 1960 đến 30/4/1975. Nếu đúng như thế thì Hoa Kỳ rút chân ra khỏi cuộc chiến Việt Nam là hoàn toàn đúng, vì họ không thể hợp tác với một đồng minh chống cộng a-ma-tơ như các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Còn chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã tồn tại đến đến 30/4/1975 là quá dài, nhưng đó là nhờ xương máu của thanh niên miền Nam, thanh niêm Mỹ và vũ khí của Hoa Kỳ. Hàng triệu thanh niên trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh mạng sống để cho các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và các nhà lãnh đạo tôn giáo miền Nam (Phật Giáo và Công Giáo) đưa miền Nam Việt Nam xuống vực thẳm cho đến ngày nay!
Ðến bây giờ tôi vẫn chưa biết chắc thành phần cộng sản nằm vùng đã tham gia trực tiếp hay gián tiếp trong ban tổ chức cuộc biểu tình cho Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu là bao nhiêu. Thật tội nghiệp cho những người thành tâm tình nguyện tự thiêu mà không lường trước hậu quả, đó là sự chia rẽ trong Phật Giáo và cả dân tộc ngày hôm nay. Do đó, chúng ta cần định giá lại lòng thành đó, cho dù nó có cao cả đến đâu, nhưng hậu quả quá sức tổn hại. Chính những vị Bồ Tát tự thiêu ấy là những người thành tâm mà không đủ trí hiểu. Chúng ta kính trọng họ, nhưng chúng ta cũng rất cần hiểu biết hơn nữa để tránh lạm dụng lòng tốt của mình, hoặc không để cho lòng tốt của mình bị quỷ ma khai thác.
Khi tôi còn nhỏ, tôi bị người lớn dắt dẫn sai lầm, điều đó có thể tha thứ được. Nhưng khi tôi trưởng thành, tôi phải chịu trách nhiệm với sai lầm của tôi. Hòa Thượng Thích Quảng Ðức và các thánh tự thiêu khác hoàn toàn không biết trước hậu quả họ sẽ đem lại cho Ðạo Pháp qua sự hy sinh của mình. Sau khi lật đổ được cụ Ngô Ðình Diệm, Phật Giáo Việt Nam thắng thế nhất thời với sự ủng hộ của tướng Dương Văn Minh trong thời gian vỏn vẹn chỉ 30 tháng (từ cuối năm 1963 đến giữa năm 1966). Nhưng cả một quốc gia dân tộc phải chịu hậu quả xấu hơn nhiều từ mùa hè 1966 đến nay. Tinh thần thừa thắng xông lên của Phật Giáo tiếp tục bị cộng sản Việt Nam lợi dụng cho đến 11 giờ trưa ngày 30/4/1975 khi chính phủ VNCH đầu hàng. Từ đó Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị cô lập và bị giải thể một cách oan ức. Những ngôi sao tranh đấu bị giết chết. Còn ngôi sao Thích Trí Quang hoàn toàn trao cán cho Cộng Sản Việt Nam để ngồi rung đùi uống sâm Bắc Cao Ly chứ không còn tuyệt thực 100 ngày trước Dinh Ðộc Lập nữa. Trong khi đó chính quyền cộng sản xem Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một tổ chức phản động và bất hợp pháp. Thật là đáng tiếc và đáng thương cho sự nhầm lẫn nầy nếu hôm nay chúng ta vẫn không chịu học bài học lịch sử.
Tôi nghĩ rằng sự kiện Việt Cộng thâm nhập hàng ngũ Phật Giáo không phải lỗi của Phật Giáo. Ðâu có nơi nào mà Việt Cộng không muốn chui vào? Trách nhiệm của chính quyền là phải biết kẻ thù ở đâu. Nếu chính quyền không biết, làm sao người dân biết? Các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã bị Việt Cộng thâm nhập thì làm sao trách được Phật Giáo Việt Nam! Hơn nữa những tu sỹ Việt Cộng không thể đại diện cho Phật Giáo Việt Nam. Tôn giáo nầy đã có mặt tại Việt Nam hàng ngàn năm trước khi chưa có danh từ Việt Cộng. Dù các tu sỹ Việt Cộng có địa vị cao trong tổ chức Phật Giáo, nhưng họ là những con sâu mọt làm mục rửa tôn giáo của họ chứ tôn giáo ấy vẫn có giá trị văn hóa nhân bản hơn cộng sản.
Chúng ta không nên đồng nhất những tu sỹ đó với một tôn giáo lớn nhất của dân tộc mình. Có người mặc áo cà sa nhưng không hề đại diện cho Phật Giáo. Ví dụ như thầy Nhất Hạnh. Ông viết sách, giảng thiền, nhưng thực chất chỉ là một nhà trí thức theo cộng và nặng văn hóa cực đoan. Tuy vậy, ông lại tỏ ra “am hiểu” cả Kinh Thánh để thu hút những người Tây Phương vốn có tinh thần tìm hiểu tư tưởng, văn hóa và tôn giáo Á Ðông. Một vị tu sĩ chân chính không bao giờ dám nói dối công khai để binh vực tội ác cộng sản và xuyên tạc lịch sử như thầy Nhất Hạnh trong bài diễn thuyết của ông tại New York ngày 25/9/2001. Ví dụ như Trần Chung Ngọc và những anh Việt Cộng trá hình trong nhóm Giao Ðiểm, họ chưa chắc là phật tử đúng nghĩa. Chính họ là những con sâu mọt làm cho người ta tưởng Phật Giáo là hung dữ và dối trá như họ. Có thể thầy Nhất Hạnh và nhóm Giao Ðiểm vì muốn binh vực tội ác Việt Cộng mà không ngại làm tổn thương đến uy tín của Phật Giáo chăng?
Phật Giáo không bao giờ theo cộng sản, nhưng Phật Giáo là một tôn giáo biết cách tự biến hóa mình để hòa đồng với thế gian mà danh từ Phật Học gọi là tùy duyên bất biến. Phật Giáo Thái Lan mang mầu sắc Thái Lan. Phật Giáo Nhật Bản mang mầu sắc Nhật Bản. Phật Giáo Trung Hoa mang mầu sắc Trung Hoa. Phật Giáo Tây Tạng mang mầu sắc Tây Tạng. Phật Giáo Việt Cộng mang mầu sắc Việt Cộng. Việt Cộng cảm tử khủng bố thì Phật Giáo Việt Cộng cảm tử tự thiêu. Dĩ nhiên có những vị tu sỹ tự thiêu vì Ðạo Pháp, nhưng cũng không thiếu người tự thiêu do Việt Cộng đạo diễn và ngụy trang dưới danh nghĩa Ðạo Pháp.
Trên nghĩa rộng, giáo lý Ðạo Phật xem tất cả các giáo lý tôn giáo và triết học trên thế gian đều là Phật Giáo cả. Câu kinh căn bản mà ngày xưa chúng tôi học trong chùa là: “Nhất thiết thế gian pháp giai vi Phật Pháp”. Nghĩa là tất cả các giáo lý, triết học, tư tưởng văn hóa trên thế gian đều là Phật Pháp hết. Nếu một ngày nào đó có một vị thiền sư giảng rằng chủ nghĩa cộng sản và Hồi Giáo đều là Phật Giáo thì cũng không dễ gì mà tranh cãi cho hết lý với họ. Phật Giáo còn cao siêu tới độ “Dâm phòng tửu điếm vô phi thanh tịnh đạo tràng”. Nghĩa là nơi dâm bôn đĩ điếm rượu chè cũng không phải là nơi người tu hành không tu niệm được. Ðiều nầy chỉ hay trên lý thuyết và miệng lưỡi mà thôi. Thực chất người thật tâm đi tu phải biết sợ những chỗ đó hơn là sợ vi trùng HIV nữa. Hiện nay có nhiều trí thức Phật Giáo ưa đề cao Phật Giáo là khoa học. Khoa học càng tiến bộ thì Phật Giáo càng tiến bộ. Càng tiến bộ càng chứng tỏ tình trạng chưa đạt tới chân lý trọn vẹn, chưa nói đến những tiến bộ theo chiều hướng phi luân bại lý mà khoa học không lường trước được.
Với tâm trạng một con người bình thường, tôi rất yêu đạo Phật. Những gì tôi học được trong đó đều vô cùng quý báu, vì nhờ hiểu biết phần nào về Phật Giáo mà hôm nay tôi dứt khoát đến với Chúa hơn. Càng sống trong Lời Chúa, tôi càng thấy rõ triết lý thâm sâu Phật Giáo là cả một rừng tư tưởng hỗn độn không giúp con người thoát ra khỏi tội lỗi, nhưng giúp con người sa đà vào tri thức, tuệ giác hư không. Ngày nay tôi hiểu rằng Phật Giáo là một tôn giáo có nhiều kinh điển được gọi là phương tiện cao siêu để giúp con người đạt đến bậc cao siêu chánh đẳng chánh giác. Ai đạt được rồi thì không cần đến phương tiện ấy nữa.
Trên thực tế, con người chưa hiểu hết những cái tầm thường của mình, nói chi đến những điều cao siêu mà họ chưa có, hoặc đúng hơn là không có. Những cái tầm thường của chúng ta thì nhiều đến nỗi chúng ta không đếm hết và cất giấu cách gì cũng còn dư thừa ngổn ngang. Tôi tin rằng con người không thể tự mình đạt đến một Ðấng nào cao siêu hơn chính mình được. Dù con người có bao nhiêu phương tiện cao siêu, họ cũng không nhờ đó mà đạt đến sự cao siêu. Sau khi Ðức Phật đã thành đạo, giáo lý của người là phương tiện cho nhân loại sử dụng để thành đạo như người. Nhưng trên thực tế mấy ngàn năm nay chưa có ai áp dụng phương tiện ấy để thành đạt như người. Phương tiện ấy lại bị diễn dịch sai lạc quá nhiều và trở nên tự mâu thuẩn kinh khủng. Bởi thế, con người vẫn là con người muôn thuở với những sai trật nhất định và tội lỗi tầm thường. Thế mà chưa đủ, con người càng ngày càng sai lầm nghiêm trọng hơn.
Chúa Jesus Christ đã nói ngắn gọn là “Nhiều tiên tri giả nổi lên và dỗ dành lắm kẻ, lại vì cớ tội ác càng thêm nhiều, thì lòng yêu mến của phần nhiều người nguội dần” (Ma-thi-ơ 24:11-12). Lời Chúa Jesus khi nào cũng ngắn gọn nhưng mô tả hoàn toàn chính xác với thực tế. Người mô tả thực tế bên ngoài hoàn toàn chính xác. Người cũng mô tả thực tế bên trong của tôi cũng rất chính xác. Từ đó tôi thấy Lời Người là chân lý. Trong khi tôi thấy Lời Người là chân lý thì chính tôi cũng vẫn còn là một người tầm thường, nhưng là một con người bắt đầu tin Người qua Lời của Người và sống theo Lời Người để mỗi ngày được đổi mới nhiều hơn. Tôi là một người tầm thường, thất bại đảo điên, chẳng có gì đáng khen cả, có thể nói là đáng xấu hỗ thì đúng hơn. Thế mà Chúa Jesus Christ vẫn chấp nhận tôi khi tôi dám mời Người vào lòng với niềm tin đơn sơ như Kinh Thánh dạy. Chỉ một hành động nhỏ nhoi của niềm tin mà tôi dám mời Chúa Jesus vào trong tôi, và những điều lớn lao đã thật sự xẩy đến như Người đã phán hứa. Người biến niềm tin nhỏ bé của tôi thành Ðức Tin. Người cất khỏi tôi biết bao gian ác láo lường. Người chữa những vết thương sâu sắc của tôi. Người chữa một số bịnh tật trong thân thể tôi như bịnh nhức đầu, bịnh đau bao tử, bịnh nghi ngờ hoang mang, lo sợ trong tâm hồn... Và đời sống tôi trở nên kết quả đúng như Người dạy: “Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Người chặt hết; và Người tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho. Hãy cứ ở trong ta thì ta ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng ở trong ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta ở trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta ra các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:1-5).
Về những công việc của thiên đường thì ngoài Chúa ra, tôi chẳng làm gì được; nhưng về những công việc của địa ngục thì tôi đã làm được nhiều điều khi chưa có đức tin trong Lời Chúa. Nay tôi hiểu được điều nầy bởi ơn soi sáng của Chúa. Nếu những Lời của Người không xẩy ra trong tôi đúng như Kinh Thánh chép, thì tôi chẳng có gì để tin và chẳng có kết quả gì sau khi theo Chúa. Nhưng thực tế là Lời Người trở thành chân lý sống trong tôi mỗi ngày. Người đã hiện ra trong tôi và làm cho tôi trở nên một con người khác từ tâm hồn, nhận thức và hành vi nhân cách.
Những tội ác xấu xa mà tôi không bao giờ chiến thắng hồi trước bằng giới luật và giáo lý đạo Phật, thì ngày nay Người chiến thắng trong tôi một cách kỳ diệu khiến tôi vui vẻ, hân hoan, chiêm ngưỡng và yên nghỉ. Tôi không phải bận tâm để chiến đấu như trước đây nữa. Ngày trước tôi vốn đã thất bại quá nhiều. Nay tôi có thể ngắm xem một cuộc chiến do Chúa thực hiện trong tôi khi tôi ở trong Người và Người ở trong tôi bằng Ðức Tin Người ban cho tôi. Hiện nay tôi cũng chẳng thành đạt một đấng nào khác tôi hết cả, nghĩa là tôi cũng không thành Phật hay thành Bồ Tát gì hết. Nhưng tôi thành một con người mới có sự hiện diện của Ðấng Tạo Hóa với thân vị Ðức Thánh Linh và Người tiếp tục làm cho tôi thành đạt như Lời Người hứa trong Thánh Kinh.
Ngày xưa tôi có nhiều bất mãn, chán chường vì thất bại và mâu thuẫn. Ngày nay Người tống khứ các thứ ấy ra khỏi tôi từng chút một để tôi vui mừng, tin cậy, hát ca và chiến thắng những cám dỗ thấp hèn, chiến thắng những ác niệm xấu xa. Tâm hồn tôi hiểu Chúa qua những bằng chứng mới của Người chứ không phải tâm trí tôi hiểu Chúa nhờ nghiên cứu sách vở. Tôi đọc Kinh Thánh để nghiệm xem những kết quả Chúa hứa đã trở nên sự thật trong tôi bao nhiêu rồi, chứ không phải đọc những lý thuyết, phương pháp, hay phương tiện như kinh Phật. Khi tôi áp dụng Kinh Thánh vào đời sống của mình là tôi có năng lực Thánh Linh để thể hiện chân lý sống của Chúa trong tôi, chứ không phải áp dụng một phương tiện hay một lý thuyết để tìm ra chân lý sống ấy. Nghĩa là chân lý sống của Chúa đang hiện diện càng ngày càng nhiều thêm trong tôi, nhưng tôi vẫn phải đọc Kinh Thánh để đối chiếu với chân lý đang có trong tôi có ăn khớp với Lời Chúa hay không. Vì nếu không tra xem Kinh Thánh, tôi có thể nhầm lẫn những gì Chúa làm và những gì tôi làm, những gì Chúa cho xẩy đến trong tôi, hoặc chính tôi cho xẩy ra bởi tự kỷ ám thị, hoặc bởi ước muốn thầm kín của bản ngã.
Tra xem Kinh Thánh cũng chưa đủ, tôi chuyện trò với Chúa bằng sự suy gẫm và cầu nguyện. Tương giao với Chúa thật là tuyệt vời, không thể nào diễn tả hết được. Ngắm một đóa hoa, nghe một tin buồn, đối diện với một sự hiểu lầm của tha nhân, chịu đựng một sự vu khống, nghe một lời khen chân thành hay xã giao, thưởng thức một miếng ăn, giấc ngủ; gẫm lại một ý tưởng tốt lành hay tối tăm, một ý định, một ước muốn, một điều không đắc ý, một nỗi nhớ nhung người thân, một thèm khát tầm thường, một sự biết ơn, một điều sai trật, một cảm nghiệm về đời sau. v. v. Với tất cả những điều đó, tôi được chuyện trò với Chúa hằng ngày. Còn gì tuyệt vời hơn sự tương giao với Chúa Jesus Christ trong Ðức Thánh Linh không? Ðối với tôi thì hoàn toàn không. Và đây là cõi Ðại Ðịnh của tôi mà tôi chưa thấy một vị thiền sư nào đạt được. Ngày nay tôi còn biết được một cách chắc chắn tại sao họ không đạt được mà họ vẫn có thể diễn tả cho người khác nghe theo suốt nhiều ngàn năm. Thật tôi như một đứa trẻ không cần định nghĩa tình yêu là gì trong khi tôi đang hưởng thụ tình yêu, và biết rằng mình được yêu như thế nào thì mình cũng biết thực tập sự yêu thương đó giữa cuộc đời nầy như thế ấy. Ðạo Chúa là thế đó.
Ðạo Chúa không phải là phương tiện cho kẻ tầm thường áp dụng để trở nên cao siêu, nhưng đạo Chúa là Ðấng cao siêu hiện diện trong kẻ tầm thường để biến hóa kẻ tầm thường càng ngày càng giống Ðấng cao siêu, từ nội tâm đến tri thức và ra ngoài hành động. Kẻ tầm thường không cố gắng hết sức mình để làm lành lánh dữ một cách nhọc nhằn, nhưng chỉ Tin và ngắm xem sự đổi thay trong chính mình do năng lực phục sinh của Con Một mà Cha đã ban cho mình sau khi mình bằng lòng tin nhận và mời Người vào trong đời sống cá nhân mình. Sự làm lành lánh dữ của Chúa là chân lý trong tôi ngay bây giờ, và đây là chân lý hoàn toàn khác với sự làm lành lánh dữ theo kiểu đạo đức giả tinh vi trong tôi ngày trước. Cám ơn Chúa, sự thật là “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). Tôi nói chuyện với Chúa hằng ngày thật dễ dàng. Nói chuyện với Chúa dễ hơn là nói chuyện với bất cứ ai trên đời nầy. Nếu tôi gặp khó khăn khi nói chuyện với một người nào khác, tôi dẹp qua một bên để nói với Chúa bằng cả tâm tình và nước mắt cho đến lúc lòng tôi thấy được Lời Chúa phán: “Ừ con, ta có trong con rồi, con có thể đến với họ như ta đến với con bây giờ”. Ok, I am in you. You can be free with them as I am with you now. Tôi nói “Con cám ơn Chúa, Người là Ngôi Lời trong xác thịt con, đầy ơn và lẽ thật, Người là Vinh Hiển của Con Một đến từ Cha. Người làm cho con nên thánh ngay khi con còn trong xác thịt một người phàm. Cảm tạ Chúa. Người tuyệt vời quá. Tin theo Người dễ hơn là không tin theo. Ôi, con sung sướng quá Chúa ơi! “
Nhiều người Phật tử đã tỏ ra bực bội khi nghe tôi bỏ đạo Phật để theo Chúa, vì họ hiểu lầm rằng Ðạo Chúa là các tổ chức giáo hội. Lịch sử cho biết Ðạo Chúa đến Việt Nam qua những dấu chân xâm lăng của đế quốc Pháp, nhưng đồng thời Ðạo Chúa đem đến cho hàng triệu người dân Việt Nam hồng ân cứu chuộc trong Chúa Cứu Thế Jesus Christ. Nhiều người Việt Nam theo Chúa bị giết, bị ngược đãi, bị xuyên tạc do nền văn hóa cực đoan cố chấp trong lịch sử đã đem lại cho hàng triệu Việt Nam có đức tin trong Chúa để thoát khỏi những thói tục tối tăm và đưa vào văn hóa Việt Nam một hệ thống chữ viết tuyệt vời ngày nay. Tôi tin chắc rằng những bậc phi thường như Ðức Thích Ca rất vui mừng khi thấy tôi hạnh phúc trong Ơn Cứu Rỗi của Chúa Cứu Thế. Nếu các vị ấy còn sống với chúng ta hôm nay, họ không nhìn đạo Chúa như một số người phật tử cực đoan nhìn. Kinh Thánh Cựu Ước chưa đến trong nước Ấn Ðộ vào thời đại vua Tịnh Phạn nên thái tử Tất Ðạt Ða đã thao thức đi tìm chân lý và người cũng đã từng đi lạc vào các tôn giáo khác. Vì trước công nguyên, đạo Chúa chưa lan rộng khắp thế giới mà chỉ khu trú trong dân tộc Do Thái, do đó, người Ấn Ðộ cũng như hầu hết các dân tộc khác chưa có Kinh Thánh để đọc.
Bây giờ đã trở về trong Chúa, tôi nhận biết điều lành và điều dữ cũng như tội lỗi và ân phúc một cách rõ ràng hơn thời gian tôi còn ở trong Phật Giáo. Tôi muốn nói rõ chân lý và sự sống trong Ơn Cứu Rỗi của Chúa Cứu Thế hoàn toàn khác với lý thuyết triết học, khác với giáo lý tôn giáo vốn là phương tiện cho con người sử dụng để tìm chân lý. Vì đã thành thật nhìn nhận giáo lý Phật Giáo là phương tiện để tìm chân lý, vì đã thành thật áp dụng giáo lý Phật Giáo cho bản thân mình, tôi mới khám phá ra sự thất bại của con người trong khả năng tự hoàn thiện để tìm chân lý hằng hữu. Nếu tôi chưa tha thiết đủ với Phật Giáo, chưa chắc tôi dám nhìn nhận sự thất bại của mình trong con đường đi tu theo tôn giáo nầy. (Ai là người thành thật tự nhận mình đã thành đạt trong Phật Giáo là quyền của họ, và đó là điều rất đáng tôn trọng và đáng mừng).
Thái độ đi tìm chân lý của tôi là tích cực loại bỏ tình cảm cá nhân, tình cảm tôn giáo, tính biên kiến bỉ thử qua một bên. Vì lý trí, lương tâm và tình cảm trong mỗi người là ba yếu tố trói buộc y vào biên kiến bỉ thử hẹp hòi để chân lý khách quan bị méo mó. Sự mặc khải của Thiên Chúa vào Ðức Tin trong con người qua năng quyền của Ðức Thánh Linh giải phóng con người ra khỏi ba cái xiềng lý trí, lương tâm và tình cảm của con người phàm tục. Làm một con người bình thường giữa thế gian thì ba yếu tố nầy rất là cao quý, nhưng với một người tìm chân lý hằng hữu thì ba yêu tố nầy trở nên ba vật cản lớn nhất cho y. Chỉ có Ðức Thánh Linh mới giải phóng chúng ta ra khỏi ba cái xiềng lý trí, lương tâm và tình cảm phàm nhân của con người chúng ta. Khi một người được Thiên Chúa ban cho một cái tôi mới trong Ðấng Christ, anh ta mới nhận ra lẽ đạo của Thiên Chúa, và anh ta cũng thấy được Ảnh Tượng của Thiên Chúa trong đời sống mình là gì, nghĩa là anh ta đang có lại phần thiêng liêng đã mất trong A-đam. Ai chưa dám nhìn nhận sự thất bại của mình trong khi đi tìm chân lý vĩnh cửu thì cũng khó mà nhận biết giá trị thiêng liêng của Ơn Cứu Rỗi qua thập tự giá Chúa Jesus Christ. Ai đã nhận được chân lý thiêng liêng trong Chúa Jesus Christ rồi thì dù có bị người đời chê cười chế nhạo đến mấy cũng không sao cả, vì niềm vui của người ấy là do sự biết chắc tên mình đã được ghi trên trời mà bằng chứng của sự biết chắc ấy là điều lành của Thiên Chúa đang đâm hoa kết trái trong đời sống của người ấy ngay hôm nay.
Khi đã được sống trong Ðức Tin của Thiên Chúa, tôi hay nhận xét về tội ác cộng sản, vì sau 23 năm sống với chế độ cộng sản, tôi đã kinh nghiệm sự tàn phá quá kinh khủng về mặt văn hóa và đạo đức con người trong chế độ này. Kinh khủng hơn nữa là những người có đạo đức tôn giáo đều bị cộng sản phá huỷ một cách sâu đậm. Ngược lại, những người chấp nhận sự bắt đạo, bất cần tổ chức, bất cần giáo phái, chỉ sống với Lời Chúa thì thắng được sự tàn phá đó cho đến chết. Riêng một số ít những người xuất chúng, can đảm đấu tranh chống lại tội ác cộng sản thì họ đã hy sinh quá nhiều về tinh thần và vật chất. Tôi biết, lắm khi họ đã mỏi mòn thất vọng.
Chỉ có ai ở trong Chúa mới có sự yên nghỉ và bình an một cách vô điều kiện mà thôi. Ðây là một điều quan trọng mà tôi muốn nói với đồng bào mình. Thật ra, sau khi nhận được Hồng Ân Cứu Rỗi, nếu tôi chấp nhận ở lại trong nước cho đến khi về với Chúa thì tôi cũng đã hạnh phúc rồi. Nhưng vì chế độ cộng sản ngăn cản, tôi không thể tiếp tục rao truyền đức tin của mình đến với đồng bào trong nước, nay ra nước ngoài tôi có nhiều phương tiện và được tự do để truyền rao đức tin trước khi được về với Chúa. Cộng sản đã cài mật báo viên vào tình yêu chồng vợ của tôi, dùng anh em ruột trong gia đình tôi để đánh tôi, nhưng tôi vẫn cứ ca hát hoài vì hạnh phúc của Chúa ban cho. Những sự bắt bớ đó thật là kinh khủng, nhưng cũng làm cho tôi được phước hơn và càng muốn được nói lên chân lý Cứu Rỗi hơn nữa. Ai dám nghiên cứu sự kiện những người tử đạo dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam không? Nay tôi đã ra khỏi Việt Nam, tôi muốn hỏi ai là người dám tìm hiểu hoàn cảnh của những gia đình tử đạo ở vùng cao nguyên và các vùng thôn quê Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản không?
Tôi biết nhiều người đã phê bình những lỗi lầm của Hội Thánh mà bỏ Chúa. Phê bình Hội Thánh của Chúa là quyền của chúng ta. Nhưng ai chỉ căn cứ trên một số sai lầm của Hội Thánh Chúa mà từ bỏ Chúa, ấy là người tự đưa mình vào sai lạc. Ðúng vậy. Lịch sử hội thánh Tân Ước từ nhiều thế kỷ qua đã để lại những vết tích thương đau do những người chăn chiên của Chúa đã không theo đúng Thánh Kinh. Mãi cho đến bây giờ một số giáo phái vẫn chưa ăn năn để trở về với Chúa và Kinh Thánh. Hội thánh đã trở nên những tổ chức giáo hội bị nhiễm truyền thống thế tục và trở thành một cái nền chôn chặt và trồng tỉa địa vị tăng lữ mà hàng vạn người đang bị giam chặt. Chính những lớp người thụ hưởng địa vị tăng lữ cao sang ấy không dám ăn năn thay đổi nên càng đưa hội thánh đi xa Lời Chúa. Quyền lợi và địa vị của giai cấp tăng lữ đã trói chặt họ, khiến họ không làm sao vùng vẫy ra khỏi vũng lầy sai lạc. Nhưng tôi tin rằng Chúa không bao giờ từ bỏ Hội Thánh của Người vì Người đã phó mạng sống mình để mua chuộc bầy chiên và thành lập Hội Thánh. Chúa vẫn yêu thương và dắt dẫn chiên của Người.
Bất cứ ai thật sự muốn nhận hồng ân Thiên Chúa đều có thể tìm đọc Lời Chúa để được hiểu, hoặc ít nhất cũng được thắc mắc, được soi tỏ, được dắt dẫn để sống theo Lời Chúa. Người nào thật sự ở trong ơn Cứu Chuộc là người không bao giờ sống xa cách hội thánh, vì Hội Thánh là thân thể của Ðấng Christ (Ê-phê-sô 1:23). Thân Thể nầy được nhiều chi thể kết hợp lại trong một Thánh Linh của Người tại mỗi địa phương. Thân Thể nầy cũng có nhiều chi thể. Mỗi chi thể đều đáng được chăm sóc, đáng được thánh hoá từng ngày để càng giống Chúa hơn. Người là Ðấng Chăn và là đầu của Thân ấy. Các chức dịch trong đó là những dụng cụ của Người để Người dùng vào việc rao giảng Tin Lành. Khi hội thánh còn trong thế gian, ma quỷ vẫn còn cơ hội xen vào quấy phá. Nhưng ma quỷ không thắng được Hội Thánh của Chúa bao giờ. Ai neo mình trong Chúa là người thừa hưởng sự đắc thắng của Người. Hội Thánh cũng là nguồn rao giảng Lời Chúa vào thế gian. Và Lời Chúa không quá cao, không quá xa so với tầm hiểu biết của con người như Phục Truyền 30:11-14 đã xác nhận. Trừ những ai không yêu chân lý và không yêu sự sống đời đời thì cứ muợn những sai lầm của giáo hội nhằm viện lý do để từ chối Ơn Cứu Rỗi của Chúa. Dù nhiều Hội Thánh đã biến chất thành những tổ chức giáo hội và bị phân rẽ thành giáo phái, nhưng không có một giáo phái nào trọn lành trước mặt Chúa cả. Chính vì thế mà Chúa Thánh Linh vẫn chăn từng con chiên một trong từng giáo phái khác nhau. Ngày nay mỗi giáo phái tự cho mình là nhất để xây hàng rào ngăn cách không cho chiên của chuồng nầy chạy qua chuồng kia. Ðây là một thực trạng mà Chúa đau đớn hơn người chăn chiên của Chúa.