Trong gần năm mươi năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều vụ tự tử. Nạn nhân kết liễu đời mình bằng nhiều cách như tự trầm mình xuống nước, tự thắt cổ, tự cắt mạch máu, uống thuốc rầy, thuốc trụ sinh, v.v. Họ chán đời do thi rớt, thất tình, làm ăn thất bại, mặc cảm phạm tội, v.v. Họ tìm cái chết để trốn chạy thực tại bất đắc ý của mình. Sau khi đất nước hoàn toàn rơi vào tay cộng sản vào năm 1975, tại miền Nam Việt Nam, nạn tự tử trở thành phổ biến. Thậm chí có những gia đình tự tử cả nhà, bởi thoáng chốc họ mất hết vào tay cộng sản. Nhiều gia đình bị mất sạch tài sản, gia cảnh chia lìa, chồng mắc vòng tù tội, con mất học, quyền sống không còn nữa, v.v. Nhất là ở Ðà Lạt sau ngày mất nước 30/4/1975, người ta tự tử nhiều đến độ chính quyền cộng sản Việt Nam phải ra thông cáo phạt tiền những gia đình nào có thân nhân tự tử. Cộng sản cho rằng người tự tử là phản động, bất mãn chế độ, bôi bác chế độ, v.v. Họ xếp tội tự tử vào tội ngu. Tiền nộp phạt được gọi là tiền ngu. Thử hỏi có bao nhiêu người Việt Nam không nghe tới điều nầy”
Khi còn bé, tôi đã thấy người ta tự tử bằng cách tự cắt cổ mình bằng con dao cạo tóc của thợ rèn Việt Nam. Người thứ nhất thắt cổ đã chết trước khi được phát hiện. Nhưng người thứ hai đã cắt cổ từ đêm hôm trước cho đến ngày hôm sau mới chết, có lẽ vì mất máu. Hai người nầy là hai anh em chú bác ruột đã có gia đình vợ con riêng, sống xa nhau cả cây số và bên ngoài không hề có một biểu hiện xích mích hay bất mãn gì với ai cả. Cả hai người đều để lại vợ con đông đúc. Thời điểm tự tử của họ cách nhau một năm. Người ta đồn rằng nhà đó có con ma Vòng. Cả dòng họ phải mời thầy phù thủy làm lễ cúng giải oan. Thầy phù thủy mời hung thần nhập cốt về chất vấn và hòa giải, đốt nộm thế mạng, chạy đàn Bát Ðộ. Ðàn Bát Ðộ là một điệu múa tập thể gồm ta 8 người đệ tử của thầy phù thủy. Họ mặc y phục phù thủy vẽ đầy rồng rắn, chạy vòng quanh giữa sân vào ban đêm. Trên tay mỗi người cầm hai ngọn đèn hoa sen. Dân làng đi xem như trẫy hội.
Hồi đó (1956-1959) ở quê tôi, Phật Giáo mới truyền về. Ai cũng tự cho mình là Phật tử, nhưng thực chất niềm tin của họ bị ảnh hưởng bởi truyền thống Nho Giáo và nặng nhất là Lão Giáo. Hầu như các nan đề về bịnh tật, thi cử, gác đòn dông, xây nhà, coi tuổi, cưới gã, khai trương, gieo giống, vỡ ruộng, thu hoạch mùa màng, chữa bịnh nan y, đuổi tà ma, trừ yêu quái, sửa bếp núc, làm chuồng heo, dựng bia mộ, mua ruộng, sắm trâu, thuê heo nọc, đi xa, v. v., đều nhờ thầy bói, thầy pháp (thầy phù thủy) và thầy tụng giúp đỡ. Tất cả những ông thầy đó đều có đoán xăm, bói quẻ, coi tướng, coi dò gà, bấm độn, cho bùa, v. v. Ông thầy tụng mặc áo cà sa, vừa tụng kinh Phật, vừa hợp tác cúng quảy theo kiểu thầy phù thủy. Các ông thầy nầy đều thủ sẵn quyển “sách thánh hiền” bằng chữ Nho dày cộm, bìa mầu đỏ in hình Ông Thọ. Quyển “sách thánh hiền” nầy được dùng như một quyển tự điển “bách khoa” để tra xem ngày lành tháng tốt giúp bà con làng xóm quyết định công việc làm ăn quan trọng. Trước hết, thầy hỏi tên tuổi thân chủ, kế đến là đốt vài cây nhang khấn vái rồi mở sách ra, bấm độn, tìm ngày giờ theo tên 12 con giáp kết hợp với ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Mọi sự đều được các ông thầy giải đáp bằng “sách thánh hiền” đàng hoàng. Làm thầy phù thủy hay làm thầy tụng là nghề sinh sống. Khi thân chủ đến nhờ thầy thì phải mang theo thù lao bằng tiền, gạo, lít rượu, cau trầu, đầu heo, gà vịt, thúng lúa, hoặc vài xấp thuốc lá Phù Lai Cẩm Lệ, v. v.. Tùy vào mức độ quan trọng của mỗi trường hợp, tùy hoàn cảnh kinh tế của thân chủ, và tùy vào lễ lớn lễ nhỏ mà giá cả thù lao và lễ vật cúng kiến được linh động tăng hoặc giảm.
Hiện nay xã hội Việt Nam là một xã hội bói khoa và cúng phù thủy rầm rộ nhất trong lịch sử văn hóa mê tín. Sau 1975, những người vượt biên là những người coi bói nhiều nhất, kể cả chính tôi trước khi tin Chúa. Cả đảng viên Cộng Sản, cán bộ, công ty tư nhân và quốc doanh đều coi bói, cúng bái. Ðặc biệt là họ dùng ma thuật mê tín để tìm xác người chết mất tích trong chiến tranh. Ở Hà Nội ngày nay có nhiều thầy phù thủy kiểu mới xuất thân từ đảng viên bộ đội.
Khi có người tự tử chết, người ta chỉ đem chôn và cúng kiến chứ không buồn điều tra nguyên nhân tại sao. Vài năm trước đây, có một người trạc bằng tuổi tôi, bà con gần của hai anh em chú bác nói trên, đã tự tử bằng thuốc rầy. Người làng đồn rằng, theo kiểu “tai vách mạch rừng”, người ấy buồn vì tiền bạc do bà con nước ngoài gởi về mà chia không công bằng. Mới đây gần làng tôi ở Quảng Trị, có một bà, là y tá, đang làm dâu một gia đình khá giả thuần túy Phật Giáo (chồng bà từng là một cựu huynh trưởng Gia Ðình Phật Tử trước 1975, bố chồng bà ăn trường chay 30 năm, đã qua đời). Có lẽ bà buồn chồng về một chuyện gì đó nên đã loan tin rằng “tôi muốn tự tử” trong khi các con của bà còn dại. Câu chuyện chỉ nói miệng qua loa như thế cho đến một hôm bà ấy bị chó dại cắn. Bà cố tình không trị liệu và nói rằng “nếu số tôi đến hồi phải chết thì chết cho rảnh nợ”. Thế là hai tháng sau bà ấy qua đời. Trước khi qua đời, bà trối lại với các con những điều thật đáng thương. Thậm chí khi lên cơn bịnh dại, bà còn nói với đứa con lớn rằng: “Con đừng để em đến gần mẹ, vì mẹ sẽ bị mất trí và cắn các con”. Những câu chuyện tôi viết trên đây là có thật, vì tôi quen biết những người đó.
Tôi tin rằng căn bịnh tâm lý tự tử di truyền tiếp nối qua đời con đời cháu. Danh từ Phật Giáo gọi là “nghiệp tự sát”, người đời gọi là có huông, do “số mạng”, “do tuổi tác”. Một số người Tin Lành Ngũ Tuần hay Ân Tứ gọi là “linh tự sát” đến từ Satan. Tôi sẽ lần lượt kể tiếp những vụ tự tử khác nữa để đi đến câu chuyện của tôi. Ðó là lời chứng của một người đã từng có ý định tự tử từ khi còn bé, từng đi tu, từng tình nguyện tự thiêu cho Ðạo Pháp mà bất thành, rồi cứ đeo đẳng ý định tự tử cho đến ngày nhận được Ðức Tin trong Chúa Jesus Christ và đã được Chúa giải phóng ra khỏi căn bịnh u trầm khốn nạn ấy.
Khi đi tu, tôi cũng có dịp quen thân với một số đồng đạo trong chùa, là những người có tính tự tử ngầm như tôi. Càng nhiều năm về sau nầy, tôi suy gẫm lại và nhận thấy rằng trên đời có những con người mang tâm lý tự tử tiềm ẩn. Có thể người ta gặp phải một cú sốc, một sự thất bại bẽ bàng, một mối thù hận, một sự bất mãn đối với người thân, một điều lầm lỗi đáng xấu hổ, một sự cắn rứt lương tâm, một ý định của bản ngã muốn để lại cho ai đó một cái gì mông lung khó nói... Những khi không chịu nổi những điều bất đắc ý của mình là ý định tự tử tiềm ẩn trong họ có cơ phát triển thành hành động. Ý định tự tử của tôi cũng có những mục đích của nó. Thời gian tôi có ý định tự tử mạnh nhất là lúc Phật Giáo đấu tranh chống chính phủ Ngô Ðình Diệm. Về sau, tôi đã nhiều lần tự hứa với mình để chấm dứt ý định tự tử, thậm chí tôi đã viết thành những bài thơ. Nhưng mỗi khi có chuyện gì bất đắc ý quá độ, tâm trạng tự tử lại xuất hiện trong đầu.
Thầy Toàn Thành, tục danh là Phan Công Ðức, đi tu trước tôi mấy lớp. Thầy và tôi thân nhau nhiều năm. Thầy ăn chay trường, sống bằng phương pháp ăn cơm gạo lức đúng sách Ohsawa Nhật bản. Thầy ngủ ngồi, chuyên tâm thiền định, tận tâm tu niệm hơn các vị khác nhiều. Tánh tình thầy ôn hòa, vui vẻ. Một hôm người ta phát hiện thầy hấp hối trong phòng riêng. Khi đó thầy học năm cuối tại đại học Dược Khoa Sài Gòn. Thầy được đưa đi bịnh viện Cơ Ðốc Phú Nhuận cấp cứu kịp thời vào nửa đêm. Một hôm đến thăm thầy, tôi hỏi:
- Chuyện gì đã xẩy ra cho anh vào đêm.... đó?
- Anh uống vài típ Optalidon để tự tử.
- Tại sao anh tự tử?
- Buồn quá!
Trước 1970, tại Nha Trang, một giáo sư toán tên là Hồ Văn Ðồng, người Huế, ăn chay trường, ngồi thiền theo phái Pháp Hoa và đạt đến tình trạng chết khô. Có người cho rằng ông ta đã bị tẩu hỏa nhập ma, có người cho rằng ông ta sắp ngộ đạo như thái tử Tất-Ðạt-Ða bên bờ sông Ni-Liên, có người cho rằng ông ta đam mê Cảnh Lạc Thiền trong thiền định. Cảnh Lạc Thiền là một trạng thái hoan lạc nội tâm của thiền giả. Khi vào đến lạc thiền, người tu thiền không còn tha thiết với bất cứ điều gì khác ngoài việc ngồi thiền để hưởng trạng thái an vui lạc thú và sẵn sàng xả bỏ xác thân. Thật ra đây cũng là một tình trạng bị tẩu hỏa nhập ma của thiền. Dù bạn bè và gia đình khuyên ông trở lại cuộc sống bình thường, nhưng ông Ðồng vẫn cứ nhịn ăn và ngồi thiền cho đến khô héo. Nhiều lần ông bị hôn mê, được đem đi cấp cứu sống lại. Cuối cùng ông cũng phải đến chổ kết thúc bằng cái chết.
Một vụ tương tự xẩy ra vào năm 1981 tại Chợ Lớn. Một người tu thiền thứ hai đã đạt đến tình trạng giống y như ông Hồ Văn Ðồng. Ðó là anh Ẩn, còn trẻ, độc thân, cũng ăn chay trường, ngồi thiền theo giáo lý Cao Ðài. Anh Ẩn vừa ngồi thiền vừa nghiên cứu Kinh Thánh. Anh ta còn nói với Mục Sư Ðinh Thiên Tứ và với tôi rằng Kinh Thánh cũng có dạy về thiền! Hồi đó tôi chưa đọc hết Kinh Thánh, nhưng khi nghe anh Ẩn nói như vậy, tôi cũng thích nghe thiền trong Kinh Thánh lắm. Dĩ nhiên Mục Sư Ðinh Thiên Tứ là người am hiểu Kinh Thánh nên đã bác bỏ ý kiến của anh ấy. Còn tôi tuy hiểu biết về thiền, nhưng chưa biết nhiều về Thánh Kinh nên không dám cãi lại anh Ẩn. Cả hai chúng tôi và gia đình anh Ẩn đã không thuyết phục nổi anh ấy. Anh ấy có một lòng tin xác quyết vào thiền định để được chết mà không ai lay chuyển nổi. Theo anh Ẩn, chết nghĩa là không chết, sống nghĩa là chết như Kinh Bát Nhã của nhà Phật đã nói: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc; sắc bất dị không, không bất dị sắc”. Gia đình anh Ẩn buồn vô cùng khi thấy đứa con của mình “vui chết” một cách khô héo.
Thái tử Tất-Ðạt-Ða sau sáu năm tu khổ hạnh chỉ còn da bọc xương, nhưng thái tử vẫn cương quyết ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề bên dòng sông Ni Liên và thề rằng “Nếu không tìm ra chân lý, ta thà chết chứ không rời khỏi chỗ nầy”. Cũng thế, chân lý của anh Hồ Văn Ðồng và anh Ẩn là ngồi thiền cho đến chết chứ không thể nghe lời cha mẹ vợ con để ăn uống bình thường. Những người tu thiền như thế thường có các lý lẽ riêng không ai thuyết phục nổi. Hình như những người đó càng quyết tâm ngồi thiền hơn sau khi nghe bạn bè và bà con can gián.
Theo tôi, những người vốn có máu tự tử mà còn tin vào những tôn giáo nặng tư tưởng yếm thế, xem cuộc đời là bể khổ và phù du, tự gieo vào cho mình một số ảo tưởng để tìm đường giải thoát. Nhưng thật ra đó chỉ là tâm lý tự vẫn được trang bị bằng niềm tin tôn giáo “cao siêu” để được chết một cách “vẻ vang”. Niềm tin tôn giáo rất quan trọng đối với con người, nhất là những người có đời sống nội tâm ưa tìm tòi những điều cao siêu huyền bí. Khi một người nhịn ăn vài ba ngày hoặc một tuần lễ, thân thể họ có cảm giác lâng lâng, nhẹ nhõm. Họ ngồi yên để nhập thiền định, tâm hồn họ nhìn thấy rất nhiều ảo ảnh lạ lùng, nào là gặp Phật, gặp các thánh nhân, có khi gặp cả “Chúa Jesus” nữa. Họ đến những thế giới đầy dẫy sắc mầu và âm nhạc mộng ảo huyễn hoặc vô vi diệu hữu... Khi ấy họ tin rằng mình sắp thành Phật. Thế là họ dám bỏ tất cả. Lịch sử đức Phật ghi lại là thái tử Tất Ðạt Ða ngày xưa đã tu khổ hạnh 6 năm trời mà vẫn thất bại. Sau đó thái tử ngồi thiền chỉ một đêm mà đã chứng sáu phép thần thông để thành Phật!!!
Hồi còn ở Chùa, tôi đã đọc một quyển sách nói về Phật Giáo Tây Tạng. Trong quyển sách nầy có một chương nói về thuyết luân hồi và thiền định. Câu chuyện được kể lại rằng có một vị đạo sỹ đang tham thiền nhập định, người nhìn thấy một a-lại-gia-thức (tạm hiểu là linh hồn người đã chết) đang vất vưởng gần hai con trâu đang giao phối. Vị đạo sỹ nầy thấy dục tính của hai con trâu đang thu hút a-lại-da-thức (linh hồn) kia nhập vào bụng con trâu cái để đầu thai thành kiếp trâu. Do đó người phát ra một ý nguyện cứu độ linh hồn kia thoát khỏi kiếp trâu. Trong khi đang thiền định và suy tư như thế, đạo sỹ thấy một cô gái đi ngang qua chỗ mình. Thế là tức tốc, vị đạo sỹ nầy nhảy chồm đến hiếp dâm cô gái để cho linh hồn kia có cơ hội đầu thai làm người. Hành động hiếp dâm một cô gái như thế, tuy tầm thường nhưng phát xuất bởi lòng từ bi của một bậc đạo sỹ muốn cứu nhân độ thế. Nhờ vậy mà “một chúng sanh sắp sửa đầu thai làm trâu thì được đầu thai làm người!” (Tôi không biết hiện nay quyển sách nầy còn lưu hành nữa hay không. ) Hành động đó được gọi là Bồ Tát Hạnh, tức là hạnh tu của bậc Bồ Tát. Quyển sách ấy cho rằng tuy người con gái bị hiếp dâm kia chịu sự tổn thương trong cõi vô thường nầy, nhưng đã góp phần công đức vào hạnh bồ tát của bậc đạo sỹ nọ để giúp cho một kiếp trâu đổi qua kiếp người! Nếu bây giờ tôi còn theo Phật Giáo, tôi sẽ cho rằng kiếp trâu chứ chẳng phải kiếp người là con đường ngắn hơn để thành Phật. Vì con trâu ăn chay, không giết hại bất cứ con vật nào khác, không âm mưu gian xảo độc địa mà lại có công cày bừa. Khi về già thịt nó cũng được làm thức ăn nuôi con người! Ðó là dựa theo quan niệm ăn chay và luân hồi của Phật Giáo để nói cho vui, thật ra chân lý không đơn giản như thế. Nhưng nó cũng có thể đơn giản hơn nhiều mà con người vẫn không hiểu hết nổi nếu không bước vào lãnh vực Ðức Tin trong Thiên Chúa.
Sau khi cởi áo tu vào năm 1972, tôi lập gia đình lần thứ nhất (1973). Sau đó không lâu, hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ vì vợ tôi ngoại tình với người bạn tu hành cũ. Do đó tôi lại trở về đời sống độc thân. Vì buồn quá, tôi đi tìm một giáo phái thiền để tu. Giáo phái thiền nầy dạy cho tín hữu ăn chay trường. Nhưng hễ ai không ăn chay trường được thì cứ ăn thịt, chứ không cần cố chấp. Người ta suy luận rằng bất cứ con vật nào được bậc tu hành ăn vào thì nó cũng có thể sớm hóa kiếp đầu thai tốt hơn, nhẹ nghiệp hơn. Giáo lý này chỉ lạ tai đối với những người không biết Phật Giáo, nhưng đối với những ai tin tưởng Phật Giáo với lòng thành, họ vẫn tin. Nhưng trong tôn giáo, con người thường tin tưởng chân thành theo cảm tính mà không mấy khi thắc mắc. Riêng tôi, là người hay thắc mắc, đã đặt nhiều câu hỏi về giáo lý có liên quan đến vấn đề nội tâm khi còn ở trong Phật Giáo. Tôi hay biện giải lấy một mình, nếu những thắc mắc của tôi không được ai giải đáp thỏa đáng.
Tôi đã từng bị thầy mắng về những thắc mắc của tôi. Hồi còn tu học tại Phật Học Viện Nha Trang, tôi học Kinh Lăng Nghiêm với một vị thượng tọa người Huế từ Vạn Giã vào Nha Trang dạy. Tôi rất quý vị thượng tọa nầy nên đã nêu lên nhiều câu hỏi riêng tư nhờ ông giải đáp, nhưng nhiều câu hỏi gây phiền phức quá đã làm cho tôi bị rầy. Sau 1975, chính vị cao tăng nầy đã tự sát ngay trong ngôi chùa của ông tại Vạn Giã. Vị cao tăng nầy là người có học thức rất uyên thâm, đệ tử của ông là bạn thân học lớp với tôi, đã thôi tu nhưng hiện nay vẫn là một giáo sư tại trường Cao Cấp Phật Học Vạn Hạnh Phú Nhuận.
Theo giáo lý Duy Thức Học của Phật Giáo thì tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến đều là nghiệp. Ví dụ sự thắc mắc của tôi là do lòng tham lam sự hiểu biết, tham vọng có kiến thức. Tham hiểu biết cũng là tham. Sự hiểu biết được gọi là sở tri chướng, tức là chướng ngại khó thành Phật do sự hiểu biết. Phật Giáo cũng dạy rằng lòng ham muốn được thành Phật cũng là một lòng tham. Khi lòng tham không được thỏa mãn thì dễ sinh ra sân hận. Từ sân hận dẫn đến sự mất sáng suốt (si). Nhưng nếu có hiểu biết chút ít thì sinh ra kiêu ngạo (mạn) hoặc dẫn đến những nghi ngờ tiếp theo nữa (nghi) và cuối cùng là bị rơi vào những tư tưởng ác (ác kiến).
Sau nầy tôi đọc Kinh Thánh và được trở nên con cái Chúa, tôi cũng đặt vô số thắc mắc cho Chúa, và tôi đã được Chúa giải đáp thật sự. Trong ơn cứu chuộc của Chúa Jesus Christ, tôi là một người sung sướng và vững tin đến nỗi sống, chết, đau khổ, hạnh phúc, oan khiên, bịnh tật, may rủi, khinh hèn, sang trọng đều được giải đáp liên tục bởi Ðức Thánh Linh... Mỗi khi có một sự thắc mắc cần được khai thông, tôi đến với Chúa để biện luận cùng Người như Lời Chúa đã kêu gọi trong sách Ê-sai 1:18-20. Nếu tôi nói, hoặc viết những gì được Chúa giải đáp thì quả thật là xa lạ hoặc khó tin đối với những người chưa biết Chúa. Nhưng đối với những người đã sống trong Ơn Cứu Rỗi của Thiên Chúa thì biết điều tôi nói là đúng hay sai. Người Tin Lành gọi những từng trải đó là công việc của Ðức Thánh Linh. Chỉ có Chúa giải đáp người ta mới thỏa lòng. Ðức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật như lời Chúa Jesus đã dạy được chép lại trong phúc âm Giăng 14 và 15.
Tại Âu Châu, tôi đã đọc một số tài liệu của Hoà Thượng Nhất Hạnh, một cao tăng chuyên dạy về Thiền. Rải rác trong các tài liệu đó, người đã viết về Ðức Thánh Linh và KinhThánh. Nhưng quả thật người đã tưởng tượng về một Thánh Linh hoàn toàn không dính dấp gì đến sự sống của Ðức Thánh Linh từ Chúa Jesus Christ. Ðây là một căn bịnh của các bậc đạo sỹ từ xưa đến nay. Họ chuyên tìm tòi nghiên cứu các sự mầu nhiệm cao siêu để phô diễn, mặc dầu họ chẳng kinh nghiệm được sự cao siêu mầu nhiệm nào cả. Họ cũng là người như mọi người, nhưng bởi công phu nghiên cứu, bởi chiếc áo tôn giáo, cộng với những huyền thoại giáo lý, đạo lý, tư tưởng đông tây kim cổ của người xưa, họ viết sách, giảng dạy những sự huyễn hoặc với kiến thức hạn hẹp của họ mà thôi. Khi tôi đọc một số bài viết về Thánh Linh của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, cũng như chương cuối cùng của bộ sách Thiền Luận của thiền giả Suzuki Nhật Bổn viết về sự tương quan giữa Thiền Ðịnh và sự Cầu Nguyện của người Cơ Ðốc, tôi càng xác quyết rằng những người trí thức “uyên thâm” ấy dám viết những điều mà họ tưởng là đúng, chứ thật ra họ chưa kinh nghiệm về chân lý bao giờ.
Ngày xưa còn ở trong nhà Phật, tôi đã từng tin rằng tư tưởng của thầy Nhất Hạnh và Suzuki là những kinh nghiệm sống thật của họ. Một người chưa thật sự từng trải trong Thánh Linh không thể nào phân biệt được những bài viết văn hoa hư đản của những nhà trí thức “uyên thâm” như Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và thiền giả Suzuki với lời hằng sống của Thiên Chúa. Nay tôi nhận biết Chúa và nhờ Thánh Linh của Người bày tỏ cho những điều mầu nhiệm, tôi hiểu các bậc học thức uyên bác nói trên là những người suy diễn về Ðức Thánh Linh chứ không có kinh nghiệm sống với Người.
Có những chuyện rất đơn giản, nhưng trí óc và tình cảm con người chưa từng trải nên họ không thể nào hiểu nổi. Ví dụ sau 30/4/1975, hàng ngàn người Việt Nam vượt biên tình nguyện trở về trên con tàu Thương Tín. Họ tin chắc rằng khi trở về là sẽ được Việt Cộng tiếp đón niềm nỡ, trong khi người Mỹ thuyết phục họ ở lại kẻo bị nhầm to. Vào thời gian đó báo chí và đài phát thanh Việt Cộng ở trong nước liên tục ca ngợi người Việt Nam trên con tàu Thương Tín là những “đứa con yêu tổ quốc” trở về. Nhưng khi trở về tới Nha Trang, tất cả đều bị cạo trọc lóc, bị còng đầu giam tù hàng chục năm sau mới thả. Khi biết ra thì đã xong rồi! Việt Cộng lường gạt quá tài ba trong khi đó trình độ nhận thức chính trị của nhiều người miền Nam ngây thơ tới mức đó! Tôn giáo, triết học còn lừa phỉnh con người hay hơn thế nữa. Các nhà tôn giáo và triết học thường viết những điều cao siêu để tự lừa dối chính mình trước khi xuất bản ra để lừa dối thế gian. Tại sao một số người Việt chúng ta ưa tự đặt mình vào sự lường gạt như thế? Tôi sẽ chứng minh điều nầy trong một quyển sách khác để cảnh giác nhiều người trí thức tây phương đang lạc đường vào mê hồn trận của những người nhân danh thiền định.
Tôi quen thân với đại đức Lưu Bổn từ khi gặp nhau trong đại giới đàn Nha Trang năm 1968. Thầy Lưu Bổn có lẽ cùng tuổi tôi. Ông là một trong những vị đệ tử của Hòa Thượng T. M. H., chùa T. L. Huế. Thầy Lưu Bổn đã nhảy xuống giếng sâu sau nhà bếp chùa Phật Học Ðà Nẵng vào một buổi trưa mùa hè đỏ lửa năm 1972. Ðây là vụ tự tử vì bị nghi ngờ một chuyện xấu.
Những ngày đó, tôi tổ chức trại tạm cư tại ấp Trung Nghĩa cho một số đồng bào nạn nhân chiến cuộc từ Quảng Trị chạy vào. Công việc cứu trợ nạn nhân chiến cuộc quá bộn bề. Lúc đó tôi không trực tiếp làm công tác cứu trợ với các thầy tại Chùa Phật Giáo Ðà Nẵng do Thượng Tọa Thích Quang Thể lãnh đạo. Mười lăm phút trước khi tự tử, đại đức Lưu Bổn đã ngồi ăn cơm với tôi. Ngay trong bữa cơm cuối cùng đó, tôi đã thấy thầy Lưu Bổn có một cái gì rất buồn. Nhưng hôm ấy tôi đến chùa Phật Học Ðà Nẵng dự họp và tiện thể ăn uống vội vàng, không kịp hỏi han lý do tại sao trông thầy buồn bã như vậy. Sau khi xác của thầy Lưu Bổn được vớt lên rồi, tôi mới được nghe nguyên nhân dẫn đến sự lộn xộn giữa đại đức Lưu Bổn và các anh huynh trưởng Gia Ðình Phật Tử Ðà Nẵng. Khi nhìn xác thầy Lưu Bổn, tôi nhớ lại người đồng đạo cùng một giới đàn tỳ kheo với tôi tại Nha Trang năm 1968; một người có thân hình tròn trịa, tính tình nhu hòa khiêm tốn. Chính cái chết của thầy Lưu Bổn đã làm cho tôi suýt tự tử sau đó mấy tháng tại đại học Vạn Hạnh.
An cũng là một người bạn đồng tu với tôi. Anh đứng ra tổ chức một ngôi trường tiểu học Bồ Ðề được xây dựng bằng ván ép do quân đội Hoa Kỳ giúp gần nhà ga xe lửa Ðà Nẵng. An là một người đã từng tuyên bố tình nguyện tự thiêu tại Ðà Nẵng trong biến cố “miền Trung ly khai” năm 1966. Ðến năm 1970 An đã tự thiêu vì một lý do riêng (tôi biết rõ).
Tuy thời gian đó Phật Giáo không tổ chức tranh đấu, nhưng vẫn luôn luôn đối lập căng thẳng với bất cứ chính phủ nào của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Vì thế vụ tự thiêu của An đã được một số dư luận báo chí cho rằng “tự thiêu để cầu nguyện cho hòa bình”. Tôi để ý thời gian đó thường có một loại dư luận “phản chiến” nhằm bẻ cong những cái chết do tự tử trong giới “tôn giáo”. Mục đích của họ là làm lu mờ những lý do riêng không mấy sáng sủa, thay vào đó bằng những lý do cao cả để an ủi gia đình của nạn nhân và tránh tai tiếng cho tôn giáo của mình, hoặc để gây tiếng vang chính trị. Trong những vụ tự tử đó, có người bất mãn chuyện riêng, đến khi quyết định tự tử thì viết vài câu di chúc ám chỉ một sự hy sinh vì đạo pháp để cứu vãn danh dự, hoặc truyền miệng những câu di chúc không thể kiểm chứng nổi. Một người tự kết liễu đời mình, dù nhân danh gì đi nữa, chắc hẳn nội tâm anh ta cũng phải có vấn đề. Nó có thể là ký ức thất bại, mặc cảm tội lỗi, đau khổ về một tương lai đen tối trong kiếp sống hiện tại, cuồng tín về một kiếp sau được giải thoát, hận thù, uất khúc cá nhân không được giải tỏa (đây là một vấn đề ít ai biết đến, nhưng rất phổ thông trong giới tu hành), tình cảm tôn giáo hay dân tộc cực đoan và mù quáng. Từ đó, nhu cầu hưởng vinh quang của “Thánh Tử Ðạo” bị nhập tâm họ như một thứ thần tượng.
Giáo lý Ðạo Phật có khuynh hướng bi quan: Ðời là bể khổ. Cõi Ta Bà là cõi phiền não, vô thường, có có không không, sinh sinh diệt diệt. Triết lý bi quan đó làm cho những người vốn có sẵn những vết thương tâm lý càng bi quan tiêu cực hơn. Họ lý luận rằng hủy hoại thân mình cũng là một cách trả nợ nghiệp báo để kiếp sau được khá hơn. Thậm chí có người đã đốt từng ngón tay, chặt luôn cả bộ phận sinh dục để cố tu, nhưng sau cùng cũng chọn lấy đại nguyện tự thiêu cúng dường Ðạo Pháp, vì nghĩ rằng đại nguyện tự thiêu có ý nghĩa nhất và được kính trọng nhất.
Dư luận thường cho rằng người tự thiêu hành động với tất cả thành tâm thiện chí. Tuy nhiên, ai thật sự quan tâm và gần gũi với người tự thiêu mới thấy rằng phần lớn họ là những người ít nhiều có một số trục trặc tâm lý. Tệ hơn nữa, trục trặc tâm lý đó bị cộng hưởng bởi giáo lý bi quan trong bối cảnh của một xã hội chiến tranh mà lòng thù hận của con người đã thâm nhập vào các ngõ ngách tôn giáo. Do đó, nó bị tràn ngập bởi những cảm xúc và được thần thánh hóa bởi sự “niềm tin tôn giáo”. Trên lý thuyết, giáo lý đạo Phật có nhiều điểm rất lạc quan và tích cực. Trên thực tế, những người đi theo giáo lý lạc quan, tích cực ấy là những người thành đạt, có địa vị và quyền lợi vừa ý. Trái lại, những người đã từng thất bại trong cuộc sống thích đi tìm những “thành công chắc chắn” vào đời sau hơn. Còn hiện tại họ hay đọc tụng những bài kinh bi quan chán đời. Dần dần họ bị dẫn vào tình cảm u uẩn, bi thương với đầy lòng từ bi bác ái, hy sinh cao cả để gởi thân mình vào giọt sương trên ngọn cỏ phù du mà vẫn biểu lộ được tinh thần uy dũng, vô úy như tinh thần của các câu thơ nổi tiếng sau đây:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Tác giả là thiền sư Vạn Hạnh thời nhà Lý, khoảng 1018)
Thi ca, âm nhạc và lời kinh đọc tụng đều ảnh hưởng sâu xa vào đời sống nội tâm của con người. Một người càng tụng bài kinh sau đây nhiều bao nhiêu thì càng rơi vào tình trạng yếm thế bi quan bấy nhiêu:
Ðệ tử chúng con từ vô thủy
Gây bao tội ác bởi lầm mê
Ðắm trong sinh tử đã bao lần
Nay đến trước đài vô thượng giác
Biển trần khổ lâu đời luân lạc
Với sinh linh vô số điêu tàn
Sống u hoài trong kiếp lầm than
Con lạc lỏng không nhìn phương hướng
Ðàn con dại từ lâu vất vưỡng....
Bài kinh trên đây không nói lên cụ thể tội lỗi cá nhân của tín đồ để họ ăn năn thống hối, vì đạo Phật không hề chấp nhận sự tha tội. Ðức Phật cũng là một chúng sanh đã từng có tội, nhưng nhờ tu hàng tỷ kiếp mới thành. Cho nên người không tha tội, không xét đoán, không ban phước, không giáng họa cho ai cả.
Những câu kinh trên đây được đọc trong các buổi lễ sám hối, lễ cầu siêu làm cho tín đồ tưởng rằng cứ đọc cho thật nhiều là bao nhiêu tội lỗi từ vô số kiếp trước cho đến nay tiêu tan hết chứ không cần sự tha tội của đấng nào cả. Tôi xin nhắc lại rằng những tín đồ Phật Giáo tưởng tội lỗi của họ tự động tiêu tan nhờ đọc tụng các câu kinh trên thật nhiều lần.
Nếu nói đến tín lý thì đạo Phật dạy con người tin vào chính mình như Hòa Thượng Thích Trí Quang đã viết “chúa tể của ta là chính ta đây” trong lời mở đầu giới thiệu quyển Ðại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh (Ðại Thừa Khởi Tín Luận, trang 9, NXB TP Hồ Chí Minh 1995). Nghĩa là, ta tự giải quyết tội lỗi của ta. Ta đã có khả năng phạm tội được thì ta cũng có khả năng làm cho mình hết tội được. Ta tự làm cho ta giải thoát, ta tự tu để thành Phật, ta tự mình thắp đuốc lên mà đi. Những giáo lý cao siêu nầy đã dẫn con người vào tình trạng kiêu ngạo tâm linh. Họ không bao giờ dám nhìn lại khả năng hạn hẹp phù du của họ trước vũ trụ mênh mông vô lượng, mà họ được sinh ra trong đó, được thụ hưởng, được tìm hiểu, được thắc mắc, được quyền tin ai là Ðấng dựng nên vạn hữu. Khi người tu sỹ Phật Giáo đạt tới địa vị giáo phẩm đáng kính, họ cảm thấy thỏa mãn với chính “địa vị thiêng liêng” của họ. Họ sẵn sàng ngồi trên cao cho hàng trăm người khác cúi đầu lễ lạy. Với sự tự mãn đó, họ đọc những lời kinh nói trên để chỉ dạy cho những người khác vốn đã tin theo họ. Càng có nhiều người tín đồ chăm chú lắng nghe lời giảng của họ, họ càng cảm thấy thỏa mãn hơn và đó là lý do sâu xa khiến lòng kiêu ngạo của những người tu sỹ ấy lên tới tầng mây. Ngược lại, những người tu sỹ không có địa vị hoặc tín đồ tầm thường đọc bài kinh nầy, tâm trạng họ trở nên u trầm bi thiết, thất bại, mệt mỏi, bi quan rất dễ mang cảm giác phù du hư hoại.
Triết lý bi quan của Phật Giáo được trang bị thêm nhang đèn, hương khói nghi ngút, cùng tiếng chuông ngân vang vọng lắng sâu dẫn tâm hồn người vào cảm giác lâng lâng xúc động. Trong bầu không khí lễ nghi tôn giáo như thế, ai có ý định tự tử rất dễ đi tới ý định tự thiêu. Người tự thiêu trong Phật Giáo thường có tâm trạng tự đồng hóa thân thể của mình như là một ngọn đèn, một ngọn đuốc được đốt lên để cúng dường mười phương chư Phật. Giáo lý đạo Phật dạy cho con người hiểu rằng thân xác là nơi trả nợ nghiệp báo và chịu sự đau khổ do nguyên nhân từ nhiều kiếp trước: “Tâm vô thường. Pháp vô ngã. Thân bất tịnh. Thọ thị khổ”.
Nhiều người đọc những câu kinh trừu tượng này mà không cần hiểu. Tuy nhiên, nếu có người hiểu một phần nào, thì lại rơi vào tình trạng giằng co trong nội tâm: hoặc là kiêu ngạo một cách cao siêu, hay là bi quan yếm thế thái quá, hoặc mặc nhiên chấp nhận “có có không không, bất khả tư, bất khả nghị, bất khả lượng, bất khả thuyết, vô lượng a tăng kỳ kiếp... “ Giáo lý Phật Giáo dẫn tư duy con người vào một thế giới được gọi là KHÔNG. Cái thế giới KHÔNG của Phật Giáo là một thế giới tưởng tượng chứ không bao giờ có thật. Bởi vì khi người ta muốn phủ nhận tất cả những gì đang có trong thực tế để nói tới một cái KHÔNG cao siêu (khó diễn tả), tâm trạng người học Phật thường tỏ ra say đắm, quay quắt một cách mông lung trong các triết lý cao siêu của họ. Họ tỏ ra như chính họ đã thật sự sờ mó cái KHÔNG “cao siêu” đó rồi. Nhưng cái KHÔNG ấy quá “cao siêu” khiến cho họ quay quắt, say sưa mà vẫn không có một ngôn ngữ nào diễn tả hết được. Thế là họ phải dùng tới chữ “vô ngôn”.
Trên thực tế tôi chưa thấy ai đạt được cái gì cao siêu ngoài con người bình thường của họ: ăn ngủ, giận hờn, vui vẻ, thoả mãn, ganh tuông, ước vọng, tranh chấp, che giấu, khoe khoang, thèm khát... Những nghệ sỹ sáng tác thi ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc cũng đã có những giây phút say đắm quay quắt đầy cảm xúc nghệ thuật. Và những người thưởng ngoạn nghệ thuật cũng có những cảm xúc tương tự như thế. Nhưng đó không phải là những giây phút “đạt đạo” hay “chứng ngộ” chân lý gì cả. Cảm hứng nghệ thuật và sự chứng ngộ chân lý hằng hữu rất khác nhau. Các nhà phê bình thi ca nghệ thuật thường có khuynh hướng cao siêu hóa những vấn đề trừu tượng. Họ có những ý nghĩ chủ quan để đem vào các tác phẩm nghệ thuật hầu diễn giải một cách quá đáng về chân lý thiền định, giải thoát, tu chứng, đáo bỉ ngạn... Ðây là một lãnh vực độc quyền của nhiều nhà trí thức Phật Giáo mà tiêu biểu nhất là thầy Nhất Hạnh, Suzuki và các nhà văn nhà thơ theo khuynh hướng đó. Họ làm như họ đã nhìn thấy chân lý rồi và cứ nói hươu nói vượn mấy cũng được. Người ngoại cuộc không làm sao biết hết. Người trong cuộc thì dựa vào nhau để gián tiếp khoe khoang sự đạt đạo của mình. Tôi có thể lôi ra ánh sáng hàng ngàn trường hợp cụ thể trong một quyển sách khác.