Thánh Martin của Người Nghèo (1579-1639)

Ngày 3/11

Hàng chữ thật lạnh lùng “không có cha” được ghi trong hồ sơ rửa tội, và danh từ “con lai” hay “vết tích cuộc chiến” là cái tên ác nghiệt mà những người “thuần chủng” gán cho những người mang hai dòng máu. Như bao người khác, Martin đã có thể trở nên một người cay đắng, nhưng ngược lại, ngay từ nhỏ Martin đã có lòng thương người đặc biệt, nhất là những người nghèo và bị xã hội khinh miệt.

Martin là đứa con bất hợp pháp của một nhà quý tộc Tây Ban Nha ở Lima, Peru và một phụ nữ Panama. Martin giống mẹ nên có nước da ngăm đen, và điều này làm cha người khó chịu, do đó mãi tám năm sau ông mới chịu nhận Martin là con. Sau khi sinh đứa thứ hai, ông bỏ rơi gia đình. Martin lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thuộc giai cấp bần cùng của xã hội Lima.

Lúc 12 tuổi, mẹ người cho theo học nghề cắt tóc và phẫu thuật, nên ngoài việc cắt tóc, người còn biết cách lấy máu (sự chữa trị rất phổ thông thời ấy), biết chăm sóc vết thương và biết chích thuốc.

Sau vài năm hành nghề, Martin xin vào dòng Ða Minh làm “người giúp việc,” vì người cảm thấy không xứng đáng để làm thầy dòng. Sau chín năm, gương mẫu đời sống cầu nguyện và hãm mình, bác ái và khiêm nhường của người khiến cộng đoàn phải yêu cầu người khấn trọn. Người cầu nguyện hằng đêm và sống khắc khổ; công việc hàng ngày của người là chăm sóc bệnh nhân và người nghèo. Người coi mọi người như nhau, bất kể mầu da, sắc tộc hay địa vị xã hội. Người là cột trụ trong việc thành lập cô nhi viện, chăm sóc người nô lệ từ Phi Châu và trông coi việc bố thí của nhà dòng. Người trở nên nổi tiếng trong nhà dòng cũng như ngoài thành phố, dù đó là vấn đề “chăn màn, quần áo, đèn nến, bánh kẹo, phép lạ hay lời cầu nguyện!” Khi nhà dòng bị nợ quá nhiều, người nói với cha bề trên, “Con chỉ là một đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của nhà dòng. Hãy bán con đi để trả nợ.

Ngoài những công việc hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc bệnh nhân, Thiên Chúa còn ban cho người những ơn sủng đặc biệt: được xuất thần bay bổng trên không, căn phòng rực sáng khi người cầu nguyện, ơn lưỡng tại (ở hai nơi cùng một lúc), ơn hiểu biết cách lạ lùng, ơn chữa bệnh và chế ngự các thú vật cách tài tình. Lòng bác ái của người còn nới rộng đến các thú vật ở ngoài đồng hay chó mèo trong phố và ngay cả chuột bọ trong bếp.

Nhiều tu sĩ thời ấy coi người như vị linh hướng, nhưng người vẫn tự coi mình là “người nô lệ nghèo hèn.” người còn là bạn của Thánh Rosa ở Lima. Người từ trần ngày 3-11-1639.

Lời Bàn

Kỳ thị chủng tộc là cái tội mà hầu như không ai muốn thú nhận. Cũng như sự ô nhiễm, đó là “cái tội của thế giới”, là trách nhiệm của mọi người nhưng không ai muốn nhận lỗi. Không ai xứng đáng là quan thầy của sự tha thứ và sự công bằng Kitô Giáo cho bằng Thánh Martin của Người Nghèo.

Lời Trích

Trong buổi lễ tuyên thánh (6-5-1962), Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã có lời nhận xét về Thánh Martin như sau: “người đã tha thứ lỗi lầm của người khác. Người đã quên đi những xúc phạm thật cay đắng, vì cho rằng người đáng phải phạt vì những tội lỗi của chính mình. Người cố gắng hết sức để đền bù các lỗi lầm ấy; người an ủi bệnh nhân một cách trìu mến; người cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc men cho người nghèo; người giúp đỡ các nông dân và người da đen, cũng như những người mang hai dòng máu mà thời ấy thường coi là nô lệ: do đó người xứng đáng với cái tên mà người ta thường gọi là 'Martin Nhân Hậu.'”