"Hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô,” là lời thúc giục của Đức Gioan Phaolô II trong bài giảng Thánh Lễ khi người được tấn phong giáo hoàng năm 1978.
Sinh ở Wadowice, Ba Lan, Karol Jozef Wojtila mồ côi mẹ, mồ côi cha và mất người anh ruột trước khi 21 tuổi. Tương lai học viện đầy hứa hẹn của Karol tại Đại Học Jagiellonian ở Krakow bị đứt đoạn khi thế chiến II xảy ra. Trong khi làm việc ở hầm mỏ và xưởng hóa học, anh ghi danh theo học một chủng viện “chui” ở Krakow. Sau khi được thụ phong linh mục năm 1946, ngay lập tức Cha Karol được gửi sang Rôma để lấy bằng tiến sĩ thần học.
Trở về Ba Lan, một thời gian ngắn làm cha phó của một giáo xứ ở ngoại ô trước khi là tuyên úy sinh viên rất thành công. Không bao lâu người lấy bằng tiến sĩ triết và bắt đầu dậy môn này tại Đại Học Lublin ở Ba Lan.
Cộng sản Ba Lan cho phép người được bổ nhiệm làm giám mục phó của Krakow năm 1958, cho rằng người là một trí thức gia ngây thơ. Họ thật sai lầm!
Người tham dự bốn khóa họp của Công Đồng Vatican II và đặc biệt góp phần cho Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay. Năm 1964, người được bổ nhiệm là tổng giám mục của Krakow, ba năm sau người được chọn là hồng y.
Tháng Mười 1978, người được chọn làm giáo hoàng và lấy tên của vị giáo hoàng tiền nhiệm trong thời gian thật ngắn ngủi. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý trong 455 năm. Người đã thực hiện các chuyến tông du mục vụ đến 124 quốc gia, kể cả một vài quốc gia rất ít Kitô Hữu.
Người cổ vũ sự đại kết và các sinh hoạt liên tôn giáo, đặc biệt là Ngày Cầu Cho Hòa Bình Thế Giới năm 1986 tại Assissi. Người đã đến thăm Hội Đường Do Thái ở Rôma và bức tường than khóc ở Giêrusalem; người còn thiết lập các quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Do Thái. Người cải thiện các tương quan Công Giáo-Hồi Giáo và vào năm 2001 người đã viếng ngôi đền Hồi giáo ở Damascus, Syria.
Năm Thánh 2000, một sinh hoạt then chốt trong tác vụ của Đức Gioan Phaolô II, được ghi dấu bởi những nghi thức long trọng ở Rôma và ở bất cứ đâu có người Công Giáo và các tín hữu Kitô khác. Các quan hệ với Chính Thống Giáo được cải tiến đáng kể trong thời gian người làm giáo hoàng.
“Đức Kitô là trung tâm của vũ trụ và của lịch sử nhân loại,” là câu mở đầu tông thư 1979, Đấng Cứu Chuộc Loài Người. Năm 1995, trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, người tự cho mình là “một chứng nhân của niềm hy vọng.”
Chuyến thăm Ba Lan của người năm 1979 đã khích lệ phong trào Đoàn Kết lớn mạnh ở đây và 10 năm sau đưa đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở các vùng trung và đông Âu Châu. Người mở đầu Ngày Giới Trẻ Thế Giới và du hành đến một vài quốc gia để cử hành sinh hoạt này. Người rất muốn đến thăm Trung Cộng và Liên Bang Xô Viết nhưng các chính phủ ở đây đã ngăn cản điều đó.
Một trong những hình ảnh đáng nhớ của người là cuộc nói chuyện năm 1983 đối diện với Mehmet Ali Agca, là hung thủ đã có ý định ám sát người hai năm trước đó.
Trong 27 năm làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã viết 14 tông thư và năm cuốn sách, tuyên thánh cho 482 vị và tuyên chân phước cho 1,338 vị.
Trong những năm cuối đời, người bị bệnh Parkinson và buộc phải hủy bỏ một số hoạt động.
Đức Giáo Hoàng Bênêđích XVI đã tuyên chân phước cho Đức Gioan Phaolô II năm 2011, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên thánh cho người năm 2014.
Trước Thánh Lễ an táng Đức Gioan Phaolô II ở quảng trường Thánh Phêrô, hàng ngàn người đã kiên nhẫn chờ đợi để được cầu nguyện trước thi hài của người, được đặt cung kính trong đền Thánh Phêrô trong vài ngày. Các hãng truyền thông tường thuật về tang lễ của người thì chưa từng thấy.
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc bấy giờ là Trưởng Hồng Y Đoàn và sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđích XVI, đã chủ sự Thánh Lễ an táng và kết thúc bài giảng với lời nói: “Không ai trong chúng ta có thể quên được, làm thế nào trong Chúa Nhật Phục Sinh sau cùng của đời người, Đức Thánh Cha dù đau đớn, đã đến cửa sổ của Dinh Tông Đồ và chúc lành cho thành phố và toàn thế giới lần sau cùng.”
“Chúng ta có thể đoan quyết rằng đức giáo hoàng yêu dấu của chúng ta hôm nay đang đứng ở cửa sổ nhà Cha trên trời, người nhìn chúng ta và chúc lành cho chúng ta. Phải, hãy chúc lành cho chúng con, hỡi Đức Thánh Cha. Chúng con phó thác linh hồn yêu dấu của ngài cho Mẹ Maria, là Mẹ của ngài, đã dẫn dắt ngài hàng ngày và sẽ dẫn dắt ngài bây giờ đến sự vinh hiển của Con của Mẹ, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.”