Anh chị em thân mến
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Ðức Giêsu cứu chữa một người vừa điếc vừa ngọng. Về mặt thiêng liêng, chúng ta cũng điếc và ngọng, vì tai chúng ta chưa biết lắng nghe Lời Chúa cho đủ và miệng lưỡi chúng ta chưa biết ca tụng Chúa cho xứng. Chúng ta hãy tha thiết xin Chúa cứu chữa chúng ta.
Chương 35 sách Isaia là những lời an ủi dân Do Thái đang sống kiếp lưu đày khổ sở. Bằng những hình ảnh rất cụ thể, Isaia mô tả ơn giải thoát Chúa sẽ ban cho họ: người điếc nghe được, người què đi được, người câm nói được. Dĩ nhiên đây chỉ là những hình ảnh được mượn để nói đến những ơn cao trọng hơn: điếc, què và câm là tình trạng khốn khổ của con người bị tước mất những khả năng tự nhiên; nghe, đi và nói là tình trạng được ơn Chúa phục hồi.
Ðiều Isaia tiên báo sẽ được Ðức Giêsu thực hiện.
Thánh vịnh này mang cùng nội dung với bài đọc I, nghĩa là nói về ơn giải thoát của Thiên Chúa. Nhưng tác giả Thánh vịnh xử dụng những hình ảnh khác hơn: xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng người tù tội, mở mắt kẻ mù lòa v.v.
Phép lạ này có nhiều ý nghĩa biểu tượng:
Thánh Giacôbê khuyên tín hữu đừng đối xử thiên vị coi trọng người giàu và coi khinh người nghèo. Người còn lưu ý rằng Thiên Chúa ưu ái người nghèo.
Nghe và nói là khả năng rất quan trọng của con người.
Cho nên nghe được và nói được là hai ơn rất lớn Chúa ban cho con người.
Ðức Giêsu chữa cho một người câm điếc hôm nay không chỉ có ý nghĩa với người đó, mà cũng có ý nghĩa đối với chúng ta. Có ý nghĩa không phải vì chúng ta câm điếc, mà vì chúng ta được Chúa ban cho hai khả năng quý báu đó. Tuy nhiên nhận được hai ơn ban ấy không hẳn là chúng ta biết xử dụng đúng hai ơn ban ấy. Trong chúng ta, nhiều người có đôi tai tốt nhưng không biết lắng nghe, nhiều người có miệng lưỡi tốt nhưng không biết nói những điều đáng nói. Cho nên cả chúng ta ta nữa cũng cần được Ðức Giêsu chữa trị.
Nghe được mọi chuyện nhưng lại không nghe được Lời Chúa thì cũng như điếc. Nói đủ thứ chuyện nhưng không biết tuyên xưng lòng nhân lành của Chúa thì cũng kể như câm.
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể chuyện Ðức Giêsu làm phép lạ cứu chữa cho một người khỏi tật câm và điếc. Có một vài chi tiết trong câu chuyện này đáng chúng ta lưu ý, đó là:
Tại sao Ðức Giêsu cư xử như vậy? Thưa vì Ðức Giêsu không muốn đám đông ồn ào biết đến phép lạ này. Nếu biết, họ sẽ ồn ào đổ xô theo Chúa, nhưng theo như vậy không phải vì tin cho bằng vì óc hiếu kỳ, vì muốn được lợi lộc.
Con người ta rất dễ bị kích động vì những chuyện lạ thường. Khi nghe nói chỗ nào có Ðức Mẹ hiện ra thì người ta ùn ùn kéo đến. Nhưng thử hỏi, những người đổ xô đi tới những nơi nghe đồn có chuyện lạ thường ấy, họ đi đến đó vì động lực nào thúc đẩy? Chắc không phải vì lòng đạo đức chân thật, không phải vì đức tin chân chính, cho bằng vì óc hiếu kỳ muốn thấy chuyện lạ, và vì óc vụ lợi muốn được khỏi bệnh.... Một hành động không vì niềm tin chân chính mà vì óc hiếu kỳ và tính vụ lợi rất dễ đưa tới mê tín dị đoan. Mà mê tín dị đoan thì làm lu mờ đức tin chân chính, làm méo mó sai lệch bộ mặt của đạo giáo.
Rất may là trong đạo Công giáo chúng ta tương đối ít có những chuyện mê tín dị đoan. Ðó là nhờ chúng ta có giáo lý vững chắc, có luật cấm mê tín dị đoan và thường được Giáo hội thường xuyên chỉ dạy nhắc nhở. Tuy nhiên, tương đối ít hơn nơi các đạo khác thôi, chứ không phải là hoàn toàn không có. Thỉnh thoảng vẫn có những người công giáo đi coi bói, đi xin bùa... Những người ấy đã làm những việc mê tín dị đoan đó trong những hoàn cảnh nào? Thường là:
Một bà kia xưa nay vẫn giữ đạo rất tốt. Nhưng rồi bà mắc một chứng bệnh kỳ lạ, chữa chạy nhiều cách không khỏi. Có người nói rằng chắc là bà ta bị thư bị ếm gì đó, cần phải nhờ thầy bùa giải dùm. Gia đình rất băn khoăn, tới hỏi ý kiến của các cha. Các cha khuyên rằng đây chính là dịp để mình chứng tỏ đức tin của mình vào Chúa. Các cha nhắc nhở về ý nghĩa của đau khổ, về sự phó thác trong tay Chúa v.v... Nhưng người thân của bà ấy chỉ im lặng, rồi buồn bả ra về, đưa bà ta đến thầy bùa. Rốt cuộc bà ta cũng chết thôi. Gia đình vừa buồn vì mất một người thân, mà lại thêm mặc cảm là mình đã phạm tội không tin tưởng trọn vẹn vào Chúa. Một người giữ đạo tốt bấy lâu nay, thế mà trong cơn hoạn nạn cũng không đứng vững trong đức tin, để còn chạy theo những giải pháp mê tin dị đoan như vậy, chứng tỏ cái cám dỗ mê tín dị đoan nó mạnh đến chừng nào!
Vậy, để chúng ta có thêm sức chống lại cái cám dỗ đó, hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ một vài điểm:
Qua bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta thấy rằng Ðức Giêsu không dửng dưng trước những đau khổ của loài người, vì thế Chúa thường làm phép lạ để cứu chữa loài người khỏi những đau khổ. Nhưng trong lần này, Chúa đã làm phép lạ xa khỏi cặp mắt của đám đông, làm phép lạ xong còn cấm người ta không được kể lại phép lạ đó. Ấy là vì Chúa không muốn những phép lạ làm cho người ta sai lạc về đức tin. Chúa muốn người ta theo Chúa vì tin thật chứ không phải vì được hưởng những chuyện lạ thường, Chúa không muốn người ta theo Chúa vì mê tín dị đoan hay vì hiếu kỳ hoặc vì lợi lộc vật chất.
Xin Chúa cho chúng con theo Chúa vì thực sự tin Chúa. Xin cho đức tin chúng con được vững mạnh, nhất là trong những lúc đau khổ, gian nan.
Báo Tuổi Trẻ có đăng bài xã luận về “Cái lưỡi và cái tai” như sau:
Một hôm trong lúc đang ngồi uống trà và hàn thuyên tâm sự với nhau, tự nhiên tôi thấy ông Hai Hưu Trí có vẻ tư lự và phát biểu như sau:
- Người đời thường hay đổ thừa mọi điều xằng bậy là do tội của “cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Nhưng tôi nghĩ nếu chỉ có cái lưỡi thì cũng chẳng có vấn đề! Anh cứ ngẫm lại mà coi, nếu chỉ có mấy cái lưỡi lươn lẹo, xu nịnh thường hay múa may với nhau thì bất quá cũng chỉ làm điếc tai hàng xóm láng giềng mà thôi. Cái lưỡi chỉ có thể làm nên những chuyện tày trời nếu nó được hỗ trợ của những “cái tai” không biết phân biệt tốt xấu, thật giả của mấy ông: “Nhà báo nói láo ăn tiền”.
Nhưng họ lại quên không chê mấy ông cấp trên quan liêu chỉ khoái được nghe những bài báo cáo thành tích khi chưa kiểm tra thực hư! Nếu chỉ chuyên có cái lưỡi thì chắc sẽ không thể “vẽ vời” để biến một công ty đang từ tình trạng làm ăn thua lỗ, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho nhà nước, bỗng dưng trở thành một công ty đang trên đà phát triển và làm ăn khấm khá. Nếu có những cái tai thực sự ngay chính thì những lời đường mật như vậy làm sao có khả năng gây ra biết bao thiệt hại được.
Nghe ông Hai Hưu Trí triết lý một hồi như vậy, tôi liền thêm vào:
- Hôm nay Bác Hai nói thật là chí lý thậm phải!
Ông Hai Hưu Trí bèn cười lên một tiếng lớn rồi ôn tồn nói:
- Nè nhá, cũng bởi cái tai của chú mày chỉ khoái nghe những chuyện xốc hông xiên xỏ, nên cái lưỡi của lão già rách việc này mới có cơ hội múa may như từ nãy đến giờ, phải không chú em?
*
Lưỡi và tai là hai cơ quan truyền thông của con người. Kẻ “câm và điếc” hoàn toàn bị tước đoạt hai phương tiện cần thiết này. Lưỡi họ như bị một sợi dây vô hình trói buộc, tai họ dường như có một cánh cửa khóa chặt. Họ không hiểu được ai và cũng chẳng ai hiểu được họ. Có thể nói, họ bị tách khỏi thế giới bên ngoài. Hôm nay, Ðức Giêsu chữa cho một người câm điếc. Người phán: “Ép-pha-ta” nghĩa là “Hãy mở ra “ lập tức tai anh mở ra, lưỡi anh như hết bị trói buộc (x. Mc.6,34-35).
Chẳng ai muốn mình bị điếc, nhưng trong thực tế không thiếu người mắc bệnh này. Chúng ta bị điếc khi để mình mất khả năng lắng nghe kẻ khác. Chúng ta bị điếc khi chúng ta nghe người khác nhưng lại cố hiểu theo ý mình. Chúng ta bị điếc khi lắng nghe mà không nhận thức được đúng sai, hay dở. Vậy điều quan trọng không nằm ở nơi người nói, mà ở chỗ người nghe suy nghĩ và quyết định ra sao. Nắm được tâm lý của con người nên hãng bảo hiểm Prudential mới chọn khẩu hiệu: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.
Vì thế, chỉ nghe bằng tai thôi không đủ, mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương, chân thành và quảng đại mới có thể hiểu đầy đủ, hiểu chính xác những thông điệp mà người nói muốn truyền đạt. Hơn nữa, không phải thông tin nào cũng nên nghe. Cần phải chọn lựa những thông tin bổ ích hữu dụng; không gây phương hại, vẫn đục cho tâm hồn.
Cha Mark Link có viết: “Chúng ta không thể luôn tin vào những gì nghe bằng đôi tai, nhưng có thể luôn tin vào những gì được thấy bằng con tim của mình”.
*
Lạy Chúa, xin phá đổ bức tường thành kiến trong tâm trí chúng con, để chúng con lắng nghe được tiếng gọi thổn thức của anh em, và tiếng thúc giục của Lời Chúa.
Xin cho chúng con đừng câm điếc trước lời mời gọi của Chúa và tha nhân. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
Những chuyện dưới đây có thể dùng để minh họa lời khuyên của Thánh Giacôbê trong bài đọc II hôm nay:
a/ Hôm đó, một đệ tử của một vị thiền sư đi dự một buổi lễ trở về, mặt mày hớn hở. Khi được hỏi tại sao hớn hở như vậy, người đệ tử ấy cho biết là mọi người đều khen anh mặc áo đẹp. Vị thiền sư ôn tồn chỉ dạy: “Con chẳng có gì để vui mừng hớn hở cả, vì người ta khen chiếc áo đẹp chứ đâu phải khen con đẹp”.
b/ Một ông nhà giàu mở tiệc khoản đãi tất cả những người láng giềng. Cạnh nhà ông có một người rất nghèo. Vì nễ tình hàng xóm nên người này cũng đến dự. Tuy nhiên người này nghèo nên chiếc áo anh mặc rất là tầm thường. Khi tới cổng, anh bị các đầy tớ của người nhà giàu không cho vào. Tức quá, anh mượn một chiếc áo rất đẹp của một người nhà giàu khác và lại đến. Lần này, anh được mời vào tử tế. Rủi thay, đang lúc lấy thức ăn thì một cánh tay áo rơi vào dĩa thức ăn. Lý do là chiếc áo đặc biệt này có hai cánh tay loại tháo ráp được. Người nhà nghèo chưa quen mặc nên đã không cẩn thận cài nút ở chỗ ráp nối. Những đầy tớ thấy vậy bảo anh nhà nghèo mau lượm cánh tay áo lại. Nhưng anh nhà nghèo thản nhiên nhìn cánh tay áo và nói: “Mày nằm trong dĩa thức ăn thì cứ tha hô mà ăn cho thoả thích đi nhé, vì người ta kính trọng mày chứ đâu phải kính trọng tao”.
Chủ tế: Anh chị em thân mến, thời Ðức Giêsu người ta đem các thứ bệnh nhân đến để xin Chúa chữa lành, chúng ta cũng hãy đến với Chúa với tất cả mọi lo âu và bệnh tật hồn xác, và dâng lên Chúa lời nguyện sau đây:
1. Hội thánh ngày nay đang sống giữa đa số những người nghèo khổ bệnh tật cả xác hồn / Xin cho mọi người trong Hội thánh trở nên bạn của những người nghèo khổ bệnh tật / và sẵn sàng chia vui sẻ buồn với họ.
2. Ða số các nước trên thế giới còn sống trong tình trạng kém phát triển, chậm tiến, đói khổ và bệnh tật / Xin cho các nhà lãnh đạo các nước kém phát triển biết thật tình quan tâm hơn đến đa số dân còn nghèo đói và chậm tiến.
3. Chung quanh chúng ta còn nhiều người bệnh tật cả phần xác lẫn phần hồn / mà không có ai đem họ đến với Chúa / Xin cho họ sớm gặp được người an ủi giúp đỡ và dẫn họ đến với Chúa.
4. Trong họ đạo chúng ta còn nhiều người mắc bệnh câm điếc thiêng liêng sợ hôn câm điếc thể xác / Xin cho họ được chữa lành để nghe tin Chúa và ca tụng cảm tạ.
Chủ tế: Lạy Ðức Giêsu, Chúa luôn quan tâm sẵn sàng giúp đỡ mọi người đang gặp cảnh khốn khó, xin Chúa chấp nhận những y nguyện chúng con vừa dâng lên, để mọi người nhận biết quyền năng Chúa, và dâng lời cảm tạ tôn vinh. Chúa là Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Anh chị em hãy ghi nhớ một câu Tin Mừng hôm nay: khi Ðức Giêsu chữa cho người vừa điếc vừa ngọng, Người nói: “Epphata”, nghĩa là hãy mở ra. Sống trong tuần này, chúng ta hãy cố gắng mở lòng, mở tai và mở rộng bàn tay để vừa đón nhận tình yêu của Chúa vừa đón tiếp anh chị em chúng ta.