Đại hội Thanh niên Thế giới (hay Ngày Quốc tế Giới trẻ) lần thứ 15 (15-20/8/2000) tại Rô-ma đã kết thúc hết sức tốt đẹp, ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Trong khi Ủy ban tổ chức dự trù chỉ có 400.000 bạn trẻ tham dự ngày khai mạc, con số đã lên tới hơn 700.000 người đứng chật kín quảng trường thánh Phê-rô và đại lộ Via della Conciliazione (Đường hòa giải). Trong những ngày tiếp theo, hơn 350.000 bạn trẻ đã lãnh nhận bí tích giải tội. Hàng triệu bạn đã kính viếng các nhà thờ và theo các buổi học giáo lý do 300 hồng y, giám mục phụ trách. Trong nghi thức Đi đàng Thánh giá tại hí trường Colosseo, ban tổ chức dự trù chỉ có khoảng 300.000 người tham dự, con số thật sự đã lên đến hơn nửa triệu. Vào những ngày chính thức của đại hội (19-20/8) đã có hơn 2 triệu bạn trẻ tuốn về. Đông đảo như thế mà chỉ có hai bạn bị lấy cắp đồ, mà chẳng có cành cây nào bị bẻ gẫy, thùng bia nào bị dẫm đạp. Các bạn trẻ đa phần chỉ dùng nước suối. Họ cũng ca hát, nhảy múa, trình diễn như tính cách của người trẻ, song toàn là hát thánh ca, trình diễn những hoạt cảnh lấy từ Tin Mừng. Nhớ lại năm 1969, vẫn ngày 15/8, Woodstock Festival (Liên hoan nhạc rock tại Hoa Kỳ) cũng đã quy tụ được 400.000 bạn trẻ. Nhưng ở đó chỉ có hoan hô đả đảo, ăn mặc lố lăng, thoải mái dùng ma túy và tự do cảm nghiệm tình dục (theo CD Encarta 98). Nhưng điều đáng phấn khởi nhất trong Đại hội Giới trẻ lần này là ngay sau ngày bế mạc, 5,000 bạn trẻ thuộc phong trào Tân Dự Tòng đã quyết dâng mình cho Chúa trong đời tu (theo các bản tin VietCatholic). Người ta bảo đây là một phép lạ Thiên Chúa ban cho nhân loại đầu thiên niên kỷ, một phép lạ đã mở mắt cho nhiều người, bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội. Gọi thế cũng chẳng ngoa, vì phép lạ đích thực không phải là biến đổi vật chất song là biến đổi tâm hồn, không phải là chuyện Thiên Chúa làm theo ý con người mà là con người làm theo ý Thiên Chúa..
Phép lạ hôm nay là phép lạ mở tai và lưỡi một người ngọng điếc, nhưng thật ra nhắm mở mắt các Tông đồ. Thật vậy, câu chuyện nằm trong một văn mạch mà ngay từ đầu đã nói đến sự ngu muội của họ trước các phép lạ Đức Giê-su thực hiện (x. Mc 6,52) và sẽ kết thúc với trình thuật chữa lành người mù ở Bết-xai-đa và trình thuật Phê-rô tuyên tín sau câu hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?” (x. Mc 8,22-30).
Thành thử trong câu chuyện chữa kẻ ngọng điếc này, thiết tưởng phải nhấn mạnh đến vai trò giáo huấn của các phép lạ. Sau khi đã hết sức khoái chúng, nay có lẽ ta hờn dỗi chúng (thời đại khoa học mà!) và thích các trang diễn từ hơn, vì coi các trang này dễ chịu hơn với óc phê bình và bổ dưỡng hơn cho việc suy niệm. Nếu thế thì quả là không am hiểu chẳng những về các phép lạ mà còn về chính ý nghĩa của Tin Mừng.
Trong toàn bộ hành vi và lời nói làm nên Tin Mừng, tất cả đều có giá trị giáo huấn, tất cả phải khiến dâng lên trong ta câu hỏi của Mác-cô, câu hỏi số một về Đức Giê-su: “Thầy là ai? Thầy mang đến cho chúng con những gì?” (x. Mc 8,29).
Chính Đức Giê-su đã trả lời khi Gio-an Tẩy giả còn ngập ngừng: “Phải chăng Thầy chính là Đấng người ta trông đợi?” Và câu trả lời là cả một chuỗi những phép lạ, là cả một đoạn lấy lại từ bản văn I-sai-a. Bắt đầu bằng một tin tức đầy an ủi nhưng còn mơ hồ: “Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em”, I-sai-a đã vội vàng cụ thể hóa nó: “Mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc được nghe, kẻ què sẽ nhảy nhót, người câm sẽ reo hò, nước sẽ vọt lên cho những ai chết khát” (Is 35,4-6).
Vừa rất cụ thể vừa rất biểu tượng! Qua các ví dụ này, I-sai-a muốn mô tả tất cả cảnh khổ của con người và lòng nhân từ mạnh mẽ của Thiên Chúa. Như thế ông cung cấp cho ta chìa khóa để hiểu đúng các phép lạ của Đức Giê-su. Người đã thực sự hoàn tất nhiều cuộc chữa lành và nhiều hành vi kỳ diệu, nhưng như những dấu chỉ cho thấy chính Thiên Chúa, qua Người, đang đến cứu chúng ta: mọi khốn khổ thể lý và tinh thần sắp lùi bước. Mỗi phép lạ là một kiểu áp-phích: Thiên Chúa cứu các bạn, Người có khả năng làm điều đó, và Người đang làm qua Đức Giê-su Con của Người. Hành vi ngoạn mục này thành thử chẳng phải là một điều kỳ diệu cần tranh cãi xem có thể hay không có thể. Ai có thể áp đặt các giới hạn khả năng cho Đấng Tạo Hóa? Đó là một hành vi hết sức có thực nhưng đặc biệt mang giá trị dấu chỉ, cần được chiêm ngắm như dấu chỉ.
Đã chẳng có ai biết đọc các phép lạ của Đức Giê-su khi Người hoàn tất chúng. Bằng chứng là chính các đám đông từng khâm phục Người sẽ đẩy Người đến thập giá, các thủ lãnh tôn giáo đã giải thích chúng như do quyền lực ma quỷ và họ vẫn mãi cứng lòng, còn môn đệ Người thì cho đến cùng vẫn không hiểu. Việc chữa lành kẻ ngọng điếc đúng là nằm trong một nhóm văn bản nói về sự không hiểu của họ, và toàn bộ này kết thúc bằng một trận la mắng om sòm: “Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế? Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (8,17-18).
Nhưng chỉ có thể nhìn phép lạ như sự bày tỏ cách lẫy lừng lòng nhân hậu và sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa sau ngày Phục sinh thôi. Lúc đó, người ta mới hiểu Đức Giê-su là chính sức mạnh cứu rỗi ấy đến độ nào: “Ngài là ai, lạy Chúa? Là những gì các phép lạ nói về Ta.”
Chúng ta có hiểu không? Có biết đọc các phép lạ không? Khắp trong thế giới, Đức Giê-su phục sinh đang hành động, nhiều người điếc đang nghe, nhiều người câm đang nói, nhiều cuộc sống hồi sinh, như qua ĐH Thanh niên Thế giới nói đầu bài. Song phải có mắt mới thấy được.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải mở tai nữa. Mở tai để lắng nghe. Người ngọng điếc là biểu tượng của Ki-tô hữu chưa thực sự là Ki-tô hữu. Vì chính với ta mà Đức Giê-su nói: “Hãy mở ra”. Chúng ta quá điếc đặc! Được dựng nên để mở ra trước các sứ điệp của Thiên Chúa và của anh em mình, tai chúng ta đã đóng kín. Tại sao?
Đôi khi vì có một phản ứng nghi ngờ. Tôi hết sức yên ổn trong các tư tưởng và các xác tín của tôi. Nay bạn, kẻ khéo nói, bạn sắp làm tôi rối loạn. Thông thường hơn, nhưng thật khó để lôi nó ra ánh sáng, thái độ khinh bỉ kẻ khác làm chúng ta điếc đặc. Đúng ra chúng ta vội nói và vội bịt tai vì nghĩ rằng điều mình nói ý vị hơn các diễn từ của anh em mình. Còn nếu là một thủ lãnh cộng đoàn, thì những thành kiến và óc độc tài của chúng ta dễ khiến chúng ta không muốn nghe những cấp dưới nói thật nói thẳng. Tệ hơn nữa là có lúc tìm cách bịt miệng những anh em đó.
Chắc chúng ta đã từng tham gia vào một nhóm linh đạo Thánh Kinh, suy niệm Tin Mừng, nơi đó các buổi họp có thể khởi sự bằng một vòng phát biểu. Ai nấy phải nói và ai nấy phải nghe! Và có lúc chúng ta cảm thấy bầu khí thật nặng nề, vì một số (trong đó có chúng ta) phải hết sức cố gắng lắng nghe dẫu rất ngứa ngáy muốn cắt ngang, để bổ túc và nói ngược lại. Nhưng im lặng thì có lợi! Ta khám phá niềm vui đón nhận tư tưởng và tâm lòng kẻ khác. Điều đó sẽ giúp chúng ta, khi đến lượt mình, sẽ nói với ý thức rằng mình không đem đến tất cả. Cung giọng chúng ta sẽ khiêm tốn hơn, những người khác có thể mở tai lắng nghe, đang khi thói tự phụ của chúng ta làm họ bịt tai lại. Chính khi tai của kẻ ngọng điếc mở ra mà lưỡi anh ta cũng nói được. Chính khi đã lắng nghe kỹ, chúng ta mới có những câu phát biểu đi vào lòng người.
Nhưng lắng nghe không có nghĩa là để cho ai đó cứ độc quyền nói. Là ngôn sứ của Tin Mừng, chúng ta phải đòi (chứ chẳng phải xin) cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội được lên tiếng trong xã hội, Lời hằng sống được tự do ngân vang trên sách báo, các phương tiện truyền thông; chúng ta phải làm sao cho mọi con người, mọi công dân đều có quyền phát biểu, nhất là những kẻ “thấp cổ bé miệng”; chúng ta phải làm sao cho mọi ý kiến chính đáng không bị phớt lờ, giải thích một chiều hay bị trấn áp cấm đoán, mọi khát vọng cao đẹp nhất của tâm hồn và những cảm hứng đúng đắn nhất của tinh thần được tôn trọng và thỏa mãn; chúng ta phải làm sao để những kẻ nắm quyền chẳng còn coi mọi phương tiện thông tin là công cụ của riêng họ, cho những kẻ độc tài chẳng còn dám khẳng định mình cũng “dân chủ”, cũng “nhân đạo”, cũng “có tình có lý” khi chỉ bố thí chút quyền “kiến nghị” cho ai đã hết sức quỵ lụy hay chịu thỏa hiệp. Phải biết mở miệng, vì cất tiếng nói cách tự do là một đặc tính của con người!