Đa số các nhà thờ ở Việt Nam vẫn còn phân chia nam ngồi một bên và nữ ngồi một bên. Bắt tay và ôm chào nhau là điều không thể thấy trong thánh đường. Người Việt ở Mỹ tương đối hội nhập hơn trong văn hóa Mỹ. Bắt tay và ôm chào nhau có thể thấy và chấp nhận được. Hồi tôi ở xứ Mỹ, mấy lần có một bà đi lễ gặp tôi đã ôm chào và hôn vào má tôi. Sau đó bà thấy có vết son đỏ dính vào má của tôi, bà cười rồi lấy tay lau đi.
Đụng chạm, bắt tay, ôm chào ở nhà thờ nghĩa là gì? Trước đây một người đến nhà thờ có thể ngồi yên ở chỗ ngồi một mình chẳng ai làm phiền hay động chạm đến mình. Thiếu nhi thì để ngồi vào chỗ thiếu nhi, ngồi yên không được nhúc nhích nghịch ngợm hay chọc ghẹo nhau. Em nào nhí nhố hay nghịch ngợm là bị ông quản quất cho chứ đâu có được bắt tay hay ôm chào!
Đến nhà thờ chúng ta có thể nở nụ cười và chào hỏi nhau. Cũng có người chẳng chào hỏi và cũng chẳng được ai chào hỏi. Đến rồi về mà vẫn không biết ai ngoài trừ vài người thân trong gia đình và vẫn xa lạ với những người giáo dân khác.
Hai phép lạ chữa lành trong bài Tin mừng hôm nay xẩy ra cho hai người phụ nữ; người thứ nhất mắc bệnh xuất huyết là chứng bệnh bị coi là không thanh sạch theo luật thanh tẩy của đạo Do thái; người thứ hai là cô bé 12 tuổi đã chết và xác chết cũng được coi là không thanh sạch và không được đụng chạm đến. Người thứ nhất chạm vào Chúa và được nên thanh sạch. Người thứ hai được Chúa chạm đến và cũng được phục hồi sự sống để nên thanh sạch. Cả hai được Chúa gọi là “con.” Họ được nên thanh sạch nhờ đụng chạm đến Chúa hay được Chúa đụng chạm đến. Người thứ nhất nhờ đức tin của bà; người thứ hai nhờ đức tin của ông bố. Người bị coi là không thanh sạch không làm mất sự thanh sạch của Đấng họ động chạm đến; trái lại Đấng ấy lại làm cho họ được nên thanh sạch. Họ được mời gọi đi vào tình liên hệ với Chúa.
Phép lạ chữa lành thứ nhất xẩy ra cho người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đã 12 năm. Sách luật Lê vi có những điều luật dành cho những người bị chứng bệnh này; họ bị coi là không thanh sạch và bất cứ thứ gì họ động vào cũng sẽ bị coi là ô uế. Hoàn cảnh cho thấy dường như bà này không được ai chăm sóc, bởi vì bà đã phải dùng hết các phương tiện của mình để trả cho các lang y. Bà đang trong tình trạng cùng quẫn: sức khỏe sa sút; bà nghèo túng và đơn độc. Bà không còn hy vọng vào thuốc thang hay lang y. Tôn giáo không cho bà hy vọng vì bà bị tôn giáo coi là “không thanh sạch.” Hy vọng duy nhất của bà chỉ còn nơi một người là Chúa Giê-su, Người mà bà chỉ nghe biết cách mong manh. Tuy biết rất ít về Chúa Giê-su, bà vẫn hành động. Toàn bối cảnh dẫn đến việc bà chủ ý chạm vào gấu áo của Chúa Giê-su. Chạm vào áo của Chúa Giê-su như thế là lỗi luật thanh sạch; điều này cho thấy bà chủ động và thật táo bạo, vì Chúa là hy vọng duy nhất của bà. Bà tự nhủ, “Miễn sao tôi chạm đến áo của Người thì tôi được lành.”
Người phụ nữ này bị coi là người không thanh sạch. Bà không được đến gần người khác chứ đừng nói là chạm vào người khác. Cả đám đông không ai để ý đến bà. Bà cũng chẳng dám cho ai biết đến mình. Bà chỉ âm thầm, kín đáo chen vào đám đông để đến gần và cố chạm vào Chúa Giê-su. Quyết tâm này giúp bà không còn e sợ những rào cản của xã hội và tôn giáo để bà đến với Chúa. Chúa Giê-su cũng bỏ qua những luật lệ rào cản giao tế xã hội để công khai nói chuyện với bà. Không gì ngăn cản Chúa Giê-su thiết lập mối liên hệ của Người với những người đặt tin nơi Người. Bà đã không làm Chúa Giê-su mất thanh sạch; trái lại, nhờ động chạm đến Chúa Giê-su bà lại được trở nên thanh sạch. Những ai tin tưởng đến với Chúa Giê-su như thế sẽ trở nên thành phần của gia đình Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã gọi bà là “hỡi con!” Đây là một cách nói thật âu yếm vì đức tin của bà và bà được nhìn nhận là một phần tử của gia đình Thiên Chúa.
Không ai quá ‘dơ bẩn’ đến nỗi Chúa không thể làm cho nên thanh sạch nếu họ đến với Chúa. Không thương tích nào nơi chúng ta làm cho Chúa Giê-su phải khiếp sợ; và chúng ta cũng không phải khiếp sợ, bao lâu chúng ta thành thật và chủ tâm vững lòng và táo bạo chạy đến với Chúa để được chữa lành. Chúa muốn thấy chúng ta đến với Người. Chúa muốn thiết lập mối liên hệ mật thiết với chúng ta giống như Chúa muốn thấy nơi lòng tin của người phụ nữ này. Những lần chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trong ơn thánh đều là lời mời gọi để chúng ta đi vào tình liên hệ yêu thương thân thiết với Chúa Giê-su.
Ông trưởng hội đường và là cha của bé gái 12 tuổi bị đau bệnh đến với Chúa và ở gần Chúa trong suốt ngày hôm ấy và đã chứng kiến những gì xẩy ra. Khi những người đưa tin đến báo cho ông biết con ông không còn sống nhưng đã chết rồi. Người ta khuyên can ông không nên làm phiền “Thầy” nữa. Nhưng ông Jairo biết Chúa Giê-su còn cao cả hơn một vị “Thầy”, và ông phải làm một quyết định – nên làm theo lời khuyên can của những người chung quanh hay nên tiếp tục vững tâm tin tưởng cùng đi với Chúa Giê-su? Chúa Giê-su mời gọi ông chọn tiến bước trong đức tin hơn là lo sợ; ông đã cùng Chúa tiếp tục đi về nhà, nơi con gái ông đang chết nằm đó. Ông cùng Chúa Giê-su bước vào nhà. Chúa Giê-su yêu cầu mời tất cả những người đang khóc, không có lòng tin đi ra ngoài. Lúc này ông Jairo chọn chấp nhận những dèm pha chế diễu của những người thân cận. Họ nghĩ con ông đã chết rồi còn làm gì được. Nhưng ông nhất định vượt qua tất cả các rào cản và tin tưởng không thất vọng. Chúa Giê-su chạm đến xác của cô bé. Làm thế là Người vi phạm luật thanh sạch, không được đụng chạm đến xác người chết, hay bước vào phòng có xác người chết. Chúa nói, “Ta truyền cho con hãy chỗi dạy.” Cô bé không những được phục hồi sự sống nhưng bây giờ cô được chia sẻ sự sống lại với Chúa Giê-su. Cô đã chết sao còn nghe được lời Chúa gọi cô, “Hãy chỗi dạy!” Cô đã chết nằm bất động không còn làm được gì cho mình. Đúng thế, nhưng chính cha cô là người đã tin và cầu khẩn cho cô. Cha cô là người đã đi mời Chúa Giê-su và cùng đồng hành với Chúa Giê-su về nhà. Cha cô là người đã vượt qua tất cả những rào cản của xã hội và tôn giáo để mời Chúa Giê-su đến nhà. Đức tin của người thân có thể cứu người đã chết; không phải là cái chết phần xác, nhưng còn hơn nữa là cứu cái chết phần linh hồn. Chúng ta tin tưởng và vững lòng cầu nguyện cho nhau. Chúa Giê-su ban cho con gái của ông Jairo nhiều hơn là cho cô sống lại phần xác; Chúa Giê-su ban cho cô sự sống phong phú mới trong tình liên hệ mật thiết với Ngài. Ông Jairo đã tin tưởng trong hoàn cảnh vô vọng và dám làm ngược lại những lời khuyên can ngăn cản của những người khác.
Câu truyện kết thúc với lời chỉ dạy của Chúa Giê-su cho những người trong nhà: “Hãy cho cô bé ăn.” Của ăn mà Chúa Giê-su bảo họ đem chia sẻ ngày nay là Lời Chúa và Thánh Thể. Bé gái này đã chết và là cái ‘dơ bẩn’ đối với mọi người, bây giờ lại được nhìn nhận bình đẳng trong cộng đoàn Kito hữu bởi vì Chúa Giê-su đã chạm đến cô. Chúa Giê-su nhận cô vào gia đình của Chúa. Người trao cô cho gia đình, người thân và các môn đệ; họ sẽ dạy cô Lời của Người và chia sẻ Thánh Thể với cô. Trước đó, cô không hề biết ơn thánh của Chúa Giê-su và cô cũng chẳng biết cô phải sống thế nào với ơn Chúa. Cô sẽ phải học hỏi rất nhiều, và sự chăm sóc của các môn đệ dành cho cô sẽ giúp cô trở nên người môn đệ trưởng thành. Đây là thử thách cho chúng ta về tinh thần môn đệ trong cộng đoàn Kito hữu. Đôi khi chúng ta thấy khó khăn để chào đón những anh chị em mà Chúa Giê-su đã chạm đến họ. Đôi khi chúng ta cũng có thể bỏ qua trách nhiệm cho nhau ăn món gì đó để nuôi dưỡng tình liên hệ trong cộng đoàn với Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta lại ‘dường’ khác trách nhiệm để cho người khác tự nuôi hay tự lo cho họ. Chúa Giê-su muốn sự cộng tác của chúng ta trong việc giúp đỡ nuôi dưỡng tẩm bổ cho những người mới biết Người để nhờ đó họ có thể trở nên trưởng thành hơn trong đức tin. Được Chúa Giê-su động chạm đến là khởi sự cho đời sống mới của Kito hữu.
Một người âm thầm lẻn vào nhà thờ cầu nguyện và xụt xùi như khóc. Tôi trông thấy liền ghé hỏi: “Chị có chuyện gì buồn hay sao mà khóc?” Chị lau nước mắt nói, “Cảm ơn cha. Con bị bệnh ung thư và đã lan ra khắp người. Con ở một mình không có thân nhân. Con chỉ biết đến đây cầu nguyện với Chúa.”
Không phải ai trong đám đông chung quanh chúng ta cũng bằng an, khỏe mạnh, vui tươi, hạnh phúc. Có những người đến nhà thờ vì họ cảm thấy được cảm thông, khích lệ và được chữa lành. Cũng có người đến nhà thờ lại cảm thấy bị xúc phạm, buồn lòng. Có người chia sẻ, “Thấy gương hy sinh và hăng say dấn thân phục vụ của ban tài chánh và các đoàn thể khiến con không ngồi yên được. Con chưa cảm thấy muốn gia nhập đoàn thể nào, nhưng cha cần gì thì con giúp.” Mỗi người chúng ta đều có thể gây ấn tượng đánh động tinh thần cho nhau. Với một tâm ý là chúng ta muốn chạm vào Chúa. Chạm vào Chúa rồi chúng ta sẽ chạm vào được tâm hồn của nhau.
Chúa Giê-su hỏi “Ai đã chạm đến Thầy?” Các môn đệ đã nghĩ Chúa Giê-su thật ngớ ngẩn. Đám đông chen lấn nhau như thế mà Người lại hỏi, “Ai đã chạm đến ta?” Bao nhiêu người đang chen lấn nhau chung quanh Chúa như thế thì làm sao mà biết ai đã chạm đến Người! Phê-rô, Gioan, Giacôbe, Tôma, Philip, Anrê, Mátthêu . . . tất cả các môn đệ và nhiều người thân cận đứng chung quanh đều đã động đến Chúa nhưng lại không chạm lòng của Chúa. Chỉ có người phụ nữ này chạm đến lòng của Chúa khiến Chúa phải hỏi, “Ai đã chạm đến Ta?”