Vào hôm thứ Hai, 20/1, ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Kitô Hữu được dạy phải cầu nguyện cho các viên chức chính quyền, bất kể quan điểm chính trị. Vì vậy, khi đất nước bước vào một chương mới trong lịch sử, dưới đây là năm cách mà Kitô Hữu có thể cầu nguyện dựa trên Kinh Thánh cho chính quyền sắp tới.
Trước tiên, chúng ta phải xác định nền tảng Kinh Thánh cho lý do tại sao Kitô Hữu nên cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo chính quyền. T. Phao-lô đã dạy môn đồ của mình là Ti-mô-thê: “Trước hết, tôi khuyên mọi người phải cầu xin, khẩn nguyện, nài van, và tạ ơn cho tất cả mọi người, cho các vua và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta có được một đời sống bình an và yên ổn, sống đạo đức và đứng đắn” (1 Ti-mô-thê 2:1-2).
Ngữ cảnh của mệnh lệnh này là một lá thư tập trung vào việc tổ chức hội thánh và giữ gìn Phúc Âm—những vấn đề vẫn còn quan trọng trong việc thực hành Kitô giáo ngày nay. Điều này không chỉ gia tăng sự tin tưởng của chúng ta vào sự thích đáng của mệnh lệnh này, nhưng còn dẫn chúng ta đến suy luận rằng việc cầu nguyện cho các viên chức chính quyền là thích hợp trong bối cảnh hội thánh địa phương và phù hợp với Phúc Âm mà chúng ta rao giảng. Đây không phải là một vấn đề phụ có thể bỏ qua.
Ngoài sự mô tả chung — “cầu xin, khẩn nguyện, nài van, và tạ ơn” — T. Phao-lô không quy định cụ thể điều gì hay cách nào Kitô Hữu phải cầu cho các nhà lãnh đạo, nhưng ông giải thích lý do. Những lời cầu này là để “chúng ta” — tức là Kitô Hữu — “có được một đời sống bình an và yên ổn, sống đạo đức và đứng đắn.” Nói cách khác, Kitô Hữu nên cầu nguyện cho các viên chức chính quyền để chính quyền giúp họ sống đạo. Điều này bao gồm việc truyền giáo và đi theo Chúa, như các câu tiếp theo ám chỉ (1 Ti-mô-thê 2:3-4).
Tony Perkins, Chủ Tịch Hội Đồng Nghiên Cứu Gia Đình, phát biểu trên chương trình “Washington Watch” rằng: “Chính quyền sắp tới của Trump sẽ không ‘sửa chữa các vấn đề gây đau khổ cho nước Mỹ.’ Đây không phải là vấn đề chính trị. Đó là vấn đề tinh thần. Vì vậy, trách nhiệm thuộc về hội thánh… để đào sâu vào, xắn tay áo lên, và cùng làm việc với người hàng xóm và cộng đồng của mình.” Nhưng ông nói thêm: “Vai trò của chính quyền là đảm bảo rằng những người ấy có thể thi hành điều đó nhân danh Chúa Giêsu, và họ có thể sống đức tin của mình mà không bị cản trở và hạn chế bởi chính quyền.”
Thuật ngữ hiện đại mô tả tình trạng này là tự do tôn giáo. Kitô Hữu nên cầu nguyện để các viên chức chính quyền duy trì và bảo vệ sự tự do tôn giáo.
Cũng cần lưu ý rằng Kitô Hữu được dạy phải cầu nguyện cho mọi người, vì một số Kitô Hữu có thể bị cám dỗ chỉ cầu nguyện cho một số nhà lãnh đạo mà không phải tất cả. Một số Kitô Hữu có thể tìm cách biện minh cho việc không cầu nguyện của mình khi phàn nàn rằng Thống Đốc California Gavin Newsom là một bạo chúa nhỏ nhen, hoặc Tổng Thống Trump là một kẻ yêu mình và nói dối. Tuy nhiên, T. Phao-lô đã khuyên Ti-mô-thê hãy cầu nguyện cho “các vua,” mà trong ngữ cảnh thời bấy giờ có nghĩa các hoàng đế La Mã nổi tiếng vô đạo đức, những kẻ đã bách hại hội thánh tiên khởi. Và, để chúng ta không bị cám dỗ loại trừ bất cứ nhà lãnh đạo nào, T. Phao-lô còn thêm một danh mục toàn diện: “và tất cả những ai có địa vị cao.”
Sau khi xác định rằng Kitô Hữu phải cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo, chúng ta có thể nhận ra các cách khác theo Kinh Thánh để cầu nguyện cho họ bằng cách xem xét những gì Kinh Thánh kêu gọi các nhà lãnh đạo phải làm. Kinh Thánh nhìn nhận rằng một lưu tâm cơ bản của mọi chính quyền là sự thịnh vượng kinh tế của lãnh thổ mà họ cai quản.
Dĩ nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các viên chức chính quyền không thể trực tiếp tạo ra sự thịnh vượng kinh tế. Nhưng họ ảnh hưởng đến các yếu tố khuyến khích hoặc cản trở sự cần cù lao động của người khác. Trong Giảng Viên 5:8-9, nhà rao giảng mời gọi thính giả hãy suy gẫm về việc thịnh vượng kinh tế hầu như không thể cùng tồn tại với sự bất công và đàn áp: “Nếu ngươi thấy trong một tỉnh có sự áp bức người nghèo, luật pháp và công lý bị chà đạp thì đừng ngạc nhiên về việc đó, vì quan lớn bị giám sát bởi quan lớn hơn, và cả hai còn có những quan lớn hơn nữa. Nhưng đây là lợi ích cho đất nước trên mọi phương diện: một vị vua chăm lo đến ruộng đất được canh tác.”
Điều gì nhà rao giảng—rất có thể là vua Sa-lô-môn—muốn nói? Trước tiên, ông nhìn nhận các quan chức chính quyền bóc lột những người dưới quyền để trục lợi cá nhân thì rất phổ biến; nói cho cùng, họ tuyệt vọng tranh đấu với người khác để đạt đến đỉnh cao quyền lực. Sau đó, ông so sánh những viên chức vị kỷ này với một người “chăm lo đến ruộng đất được canh tác,” điều này tượng trưng cho sự thịnh vượng kinh tế trong một nền kinh tế nông nghiệp. Nhà rao giảng dường như có nghĩ đến trường hợp dưới đây.
Hãy nghĩ đến một xã hội với quyền sở hữu tài sản yếu kém, là nơi những kẻ quyền lực thường cướp bóc của người nghèo mà không bị trừng phạt. Hoặc một xã hội với thuế xuất tàn khốc (hoặc lạm phát, một biến thể tinh vi của cùng vấn đề), nơi các nhà lãnh đạo lấy hết lợi nhuận của người nghèo, chỉ để cho họ vừa đủ sống qua ngày. Sự đàn áp như vậy khiến người nghèo siêng năng không có phương tiện để cải thiện đất đai cũng như công sức của họ, và làm những người khác mất động lực để trở nên siêng năng. Trong những trường hợp cùng cực, như nạn đói, các chính sách đàn áp như vậy thậm chí có thể khiến người ta rời bỏ tình cảnh nghèo khổ để đi tìm một đời sống tốt hơn ở vùng đất khác (xem Rút 1:1 hoặc biên giới phía nam Hoa Kỳ). Tình hình quốc gia sẽ còn tồi tệ hơn khi những người siêng năng, thông minh và giàu có bỏ đi.
Điều gì có thể ngăn chặn sự suy thoái vì áp bức, đau khổ, và di dân? Một nhà lãnh đạo mà quan tâm hơn đến việc đảm bảo người dân được an toàn và hạnh phúc với thành quả lao động thì không chỉ quan tâm đến việc làm đầy túi tiền của mình, họ là “một vị vua chăm lo đến ruộng đất được canh tác.” Mặc dù Kitô Hữu không có một mệnh lệnh trực tiếp để cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo như vậy, nhà rao giảng này dường như kêu gọi những lời cầu nguyện như thế, vì “lợi ích cho đất nước trên mọi phương diện” là một món quà mà Thiên Chúa có thể ban cho toàn thể vùng đất nói chung.
Kitô Hữu cũng có thể cầu nguyện cho các viên chức chính quyền thực hiện nhiệm vụ của họ một cách công bằng và không thiên vị. (Nói một cách tiêu cực, chúng ta có thể cầu nguyện rằng họ không sử dụng chính quyền như một vũ khí cho chương trình nghị sự đảng phái của riêng họ hoặc tạo ra một hệ thống công lý hai tầng.)
Tính không thiên vị được coi là lý tưởng cho các viên chức chính quyền vì nó phản ánh bản tính của Thiên Chúa (Gióp 34:19, Rô-ma 2:11). Chúng ta thấy điều này, cùng với những điều khác, trong bài diễn văn từ biệt của Môi-se với dân Ít-ra-en:
“Tôi đã chọn những người đứng đầu các chi tộc của anh em, là những người khôn ngoan, từng trải, và đặt họ làm đầu anh em, làm người chỉ huy một ngàn, chỉ huy một trăm, chỉ huy năm mươi, chỉ huy mười người, và làm ký lục cho mỗi chi tộc của anh em. Thời ấy, tôi đã truyền cho các thẩm phán của anh em rằng: ‘Các ông hãy nghe những điều anh em đồng hương các ông kiện tụng, và hãy xử công minh giữa một người đồng hương với một người đồng hương, hoặc với một ngoại kiều ở với người ấy. Các ông đừng thiên vị ai trong khi xét xử: hãy nghe người nhỏ cũng như người lớn, đừng sợ ai, vì xét xử là việc của Thiên Chúa.” (Đệ Nhị Luật 1:15-17).
Về thực tế, tính không thiên vị đòi hỏi một viên chức chính quyền phải trung thành thực hiện nhiệm vụ của mình mà không ưu đãi bất cứ ai. Những viên chức có trách nhiệm truy tố tội phạm nên ưu tiên công việc của họ dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, chứ không dựa trên danh tính của đối tượng. Những viên chức tuyên thệ tuân thủ Hiến pháp Hoa Kỳ phải làm như vậy ngay cả điều đó cản trở họ không đạt được các mục tiêu chính sách của mình hoặc thắng điểm chính trị.
Ngay cả khi Kitô Hữu không trực tiếp tham gia các quyết định này, họ vẫn có thể cầu nguyện rằng các viên chức nắm quyền sẽ hành xử một cách công chính và không thiên vị.
Một ứng dụng cụ thể của sự công bằng thì nằm trong việc ngăn chặn, truy tố, và kết án các tội ác. T. Phao-lô mô tả các nhà cầm quyền là những đầy tớ được Thiên Chúa thiết lập, “không phải để làm cho điều thiện phải kinh hãi, mà là điều ác.” Một nhà lãnh đạo lý tưởng là “người báo thù, làm theo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa mà phạt kẻ làm điều dữ” (Rô-ma 13:3-4). Trong một thế giới đầy người tội lỗi, sự sợ hãi bị nhà nước trừng phạt đóng vai trò ngăn cản đối với nhiều người mà nếu không họ sẽ phạm tội ác.
Đây là một món quà của Thiên Chúa vì lợi ích cho dân của Người, và chúng ta nên cầu nguyện để điều này được tiếp tục. Lịch sử Hoa Kỳ gần đây có quá nhiều ví dụ về những người thoát khỏi hậu quả hành động của mình do nạn tham nhũng, gia đình trị, lợi ích chính trị, hoặc chủ nghĩa cực đoan ý thức hệ của các viên chức chính quyền. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa hành động để đảo ngược xu hướng này, vì lợi ích của chúng ta và lợi ích của đất nước.
Sau cùng, Kinh Thánh dạy các nhà lãnh đạo sử dụng quyền lực của mình để bảo vệ những người yếu thế và không có tiếng nói. Thay vì phí sức lực vào phụ nữ và rượu chè (Châm Ngôn 31:3-4), các nhà lãnh đạo được dạy rằng: “Hãy mở miệng bênh vực cho người câm, bảo vệ quyền lợi của mọi kẻ khốn cùng. Hãy mở miệng phân xử cách công chính, bảo vệ quyền lợi của người nghèo và người thiếu thốn” (Châm Ngôn 31:8-9).
Ngay cả trong xã hội giàu có và công nghệ tiến bộ của chúng ta — và có lẽ một phần vì điều đó — vẫn còn rất nhiều loại người không có quyền về chính trị hoặc kinh tế, hoặc bị thiệt thòi nghiêm trọng: những người nghèo khổ, trẻ mồ côi, người vô gia cư, những người mắc bệnh mãn tính và tâm thần. Ít nhất, các viên chức chính quyền phải “bảo vệ quyền lợi” của những người này và không tước đoạt công lý của họ chỉ vì họ không có khả năng đền đáp ân huệ.
Đào sâu hơn, chúng ta có thể nghĩ đến nhiều loại người bất lực hơn nữa. Một số người bị bắt cóc, bị lạm dụng và bị buôn bán ngay cả ở Hoa Kỳ, và các viên chức chính quyền nên tìm cách giải thoát họ khỏi sự giam cầm và sợ hãi. Nhóm người bất lực nhất chính là những thai nhi chưa được sinh ra — những người hoàn toàn không có tiếng nói. Họ cần có những người biện hộ mạnh mẽ và kiên định để chống lại những ai muốn tước đoạt sự sống của họ trong bụng mẹ — những người biện hộ thì không chỉ trong hội thánh mà còn trong chính phủ.
Kitô Hữu có thể cầu nguyện rằng các viên chức chính quyền sẽ là gương mẫu của sự lãnh đạo khôn ngoan này bằng cách suy nghĩ cẩn thận và khôn ngoan về cách tốt nhất để xã hội chăm sóc và bảo vệ những người bất lực, nghèo khổ, và ngay cả không có tiếng nói. Chúng ta phải cầu nguyện nhiệt thành nhất cho những người trong chính quyền đứng ra bênh vực những ai bị lạm dụng, bị buôn bán và là mục tiêu hủy diệt ngay trong bụng mẹ.
Thiên Chúa muốn dân của Người cầu nguyện để họ học cách tin cậy Người trong đức tin, và như thế Người được vinh hiển khi đáp trả lời cầu nguyện của họ. Những lời cầu nguyện của dân Chúa bay cao lên ngôi trời của Người như hương thơm ngào ngạt (Thánh Vịnh 141:2, Khải Huyền 5:8). Những lời cầu nguyện tốt nhất là những lời cầu nguyện dựa trên lời của Thiên Chúa, khi dân Người lặp lại những lời hứa của Người và thúc giục Người thể hiện những điều đó (Xuất Hành 32:13, 2 Sa-mu-ên 7:25, 1 Các Vua 8:25). Vì vậy, khi chúng ta cầu nguyện theo lời Thiên Chúa, với sự tin cậy hoàn toàn rằng Người sẽ làm những gì Người đã phán, Thiên Chúa được vinh hiển, và “chúng ta biết rằng mình đã nhận được điều mình cầu xin” (1 Gioan 5:15).
Vì vậy, theo mệnh lệnh của lời Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu nguyện cho các viên chức công quyền theo lời Người, và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ được vinh hiển và hy vọng rằng đất nước của chúng ta sẽ được chúc phúc với sự lãnh đạo tốt — không chỉ từ chính quyền sắp tới mà còn từ những người kế nhiệm trong tương lai.