Trong ngày đầu năm mới, người Việt chúc nhau rất là văn hoa. Ở trên mạng có rất nhiều lời chúc, tỉ như, “Cung chúc tân niên. Vạn sự bình yên. Hạnh phúc vô biên. Vui vẻ triền miên. Kiếm được nhiều tiền. Sung sướng như tiên”. Hầu hết các lời chúc đều chúc nhau giầu sang, “tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà-phê phin”, và "Vạn sự như ý".
Ngày đầu năm mà được chúc “phát tài, phát lộc, vạn sự như ý” thì ai cũng thích. Tâm lý chung của con người là muốn được mọi sự xảy ra theo như ý muốn của mình: muốn có sức khoẻ, có gia đình êm ấm, được thành công phát đạt, v.v., và hầu như ai ai cũng nghĩ rằng có nhiều tiền thì sung sướng – có tiền là có tất cả, có tiền là có hạnh phúc, có gia đình êm ấm. Nhưng sự thật có đúng như thế hay không?
Một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi các giáo sư thuộc Đại Học Princeton và các tâm lý gia của các đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ về “cái giá của hạnh phúc”, và họ tóm lược như sau: “Người ta thường tin rằng lợi tức cao đi đôi với tâm trạng sung sướng, nhưng điều đó dường như ảo tưởng! Người có lợi tức trên trung bình thì tương đối hài lòng với cuộc đời của mình nhưng hầu như không hạnh phúc hơn người khác trong các cảm nghiệm hàng ngày, họ thường bị căng thẳng, và không có thêm thời giờ cho những sinh hoạt mà họ rất ưa thích.” 1
Bài viết còn nhiều chi tiết khác rất đáng suy nghĩ, nói chung nó giúp chúng ta thấy rằng sung sướng vật chất chưa chắc đem lại hạnh phúc.
Kết luận của các giáo sư đại học và các tâm lý gia nổi tiếng này không xa lạ gì với người Công Giáo chúng ta, bởi vì Chúa Giêsu từng nói với chúng ta về hạnh phúc thật trong Phúc Âm. Tỉ như trong bài phúc âm hôm nay, Chúa đề cập đến vấn đề phúc lợi con người mà thoạt nghe qua nhiều người đã lầm tưởng rằng Chúa khuyên chúng ta lười biếng, vô lo, và khoán trắng mọi sự cho Thiên Chúa. Nói theo ngôn ngữ bình dân là chỉ cần “ăn welfare, lãnh food-stamp và đi nhà thờ”, thế là lên thiên đường! Nhưng nếu đọc kỹ và suy nghĩ, chúng ta thấy Chúa muốn chúng ta sống đúng và sống khôn ngoan.
Chúa nói, “Trong đời sống, các con đừng lo lắng phải ăn gì hay uống gì, hay lo lắng phải mặc gì cho thân xác. Mạng sống thì đáng lo hơn thực phẩm, và thân xác thì đáng lo hơn quần áo.”
Chúa Giêsu đặt lại sự hợp lý của thực phẩm và y phục bề ngoài. Có phải vì thức ăn ngon và đắt tiền mà tốt cho sức khoẻ đâu? Trong thời đại này, vì thức ăn quá ngon nên người ta ăn uống nhiều, mà cũng từ đó lại sinh ra quá nhiều bệnh hoạn, nào là tiểu đường, cao máu, cao mỡ, đau tim, đau thận, đau đủ thứ.
Cũng thế, sự lành mạnh của thân xác thì quan trọng hơn vẻ hào nhoáng bên ngoài của y phục thời trang, của chiếc xe đời mới, hay của ngôi nhà đồ sộ sang trọng. Có người phải cực khổ làm hai ba việc một ngày mới kiếm đủ tiền để trả cho tiền nhà, tiền xe, tiền quần áo mà ăn uống thì rất kham khổ; nhiều khi hai vợ chồng chỉ ăn mì gói cầm hơi qua ngày, và ngay cả khi bị bệnh họ không dám nghỉ làm để ở nhà chữa bệnh! “Mạng sống thì đáng lo hơn thực phẩm, và thân xác thì đáng lo hơn quần áo. Có ai nhờ lo lắng mà kéo dài cuộc đời mình thêm chút nào không?” Theo các dữ kiện khoa học ngày nay, những người lo lắng nhiều thì lại bị nhiều bệnh về tim mạch, dễ bị đột quỵ heart-attack. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống mạnh khoẻ và trường thọ.
Chúa nói, “Hãy xem hoa dại ngoài đồng, chúng không làm lụng, không thu góp vất vả, nhưng ngay cả cẩm bào của vua Solomon cũng không đẹp bằng các bông hoa đó… Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào kho lẫm, vậy mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng… Nào các con không quan trọng hơn chúng hay sao?” Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy để ý đến giá trị con người.
Sống trong một xã hội đề cao tiêu thụ, qua các quảng cáo trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, Internet, chúng ta bị giới con buôn tư bản lèo lái để chúng ta tin rằng nếu tôi mặc y phục thời trang đó, ngồi trên chiếc xe đó, tay cầm chiếc iPhone đời mới nhất thì tôi sẽ có giá trị! Bởi thế chúng ta đua nhau mua sắm, ngay cả những món hàng mà chúng ta không cần, ngay cả khi tình trạng tài chánh của chúng ta còn eo hẹp, nhưng chúng ta sẵn sàng kéo cầy trả nợ để có được những thứ đó!
Đó là sinh hoạt của một xã hội đặt nặng về vật chất. Đó là quan điểm về giá trị của người đời trong xã hội. Đó là những gì người đời thường tìm kiếm. Chúng ta là những người theo Chúa Kitô, Chúa không cấm chúng ta tiêu dùng, nhưng Chúa dậy chúng ta hãy khôn ngoan suy nghĩ để thấy giá trị đó có thật hay không? Nếu có giá trị nó sẽ đem lại hạnh phúc.
Đặc điểm của xã hội ngày nay là thay đổi không ngừng. Y phục thời trang thay đổi có khi hàng tháng, các máy điện thoại, máy truyền hình, máy điện toán, xe hơi thay đổi hàng năm. Và chúng ta phải thận trọng, phải tỉnh thức khi chạy theo những mốt mới của thời đại hay những đổi mới của kỹ thuật.
Một người không có điều kiện tài chánh, khi chạy theo vật chất, họ sẽ phải làm việc nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn, họ sẽ mất đi sự bình an, sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và như vậy đó là điều không khôn ngoan.
Và dù chúng ta có dư thừa khả năng tài chánh đi nữa, chúng ta cũng cần phải khôn ngoan, vì khi chạy theo vật chất, khi mua sắm những món đồ không cần thiết, điều nguy hiểm là càng ngày chúng ta càng nô lệ cho vật chất vì cho rằng chỉ có vật chất mới đem lại sự vui sướng, và rồi chúng ta quên đi một niềm vui khác, tuy nhẹ nhàng nhưng lâu bền, tuy phảng phất nhưng là nền tàng của mọi hạnh phúc, đó là niềm vui của một đời sống tinh thần.
Hãy thử nghĩ xem, một bữa ăn ngon trong gia đình không hẳn là thực phẩm quý hiếm đắt tiền, nhưng là bữa ăn có sự hiện diện đầm ấm của mọi người trong gia đình; vợ chồng, con cái, cùng nhau quây quần, cùng nhau chia sẻ dù chỉ là những thức ăn thanh đạm.
Một mái nhà ấm cúng không hẳn phải đầy những trang hoàng xa hoa lộng lẫy, nhưng là một nơi mà cha mẹ hy sinh cho con cái, vợ chồng hy sinh cho nhau, và nhiều tiếng cười hơn là tiếng thở dài hối hận, “Phải chi tôi đừng mua căn nhà này!”
Nơi nào có tình yêu, có hy sinh, có chia sẻ, có tha thứ nơi đó là Nước Trời, là Vương Quốc Thiên Chúa. Đây là điều Chúa Giêsu nhắc nhở trong bài phúc âm, “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời.”
Trước hết hãy nghĩ đến thực chất của đời sống, đến hạnh phúc thực sự. Nếu tôi muốn sắm chiếc iPhone mới mà vợ tôi cằn nhằn vì còn nhiều thứ khác cần phải chi tiêu thì tốt hơn tôi phải từ bỏ ý định đó. “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời.”
Nếu tôi muốn mua một sợi dây chuyền, một chiếc nhẫn hột soàn đang “on-sale” mà con tôi cần phải có máy điện toán để học hành thì tốt hơn tôi nên mua máy điện toán. “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời.”
Nếu tôi giầu có, sung túc, có đủ mọi thứ tiện nghi, đủ mọi phương tiện hiện đại nhất mà vẫn không cảm thấy sung sướng, tốt hơn tôi nên tìm về niềm vui tinh thần, bởi vì vật chất không thể nào thoả mãn được con người, là một sinh vật có thể xác và linh hồn, mà chỉ có niềm vui tinh thần mới thỏa mãn linh hồn chúng ta.
Ở đâu có tình yêu, ở đó có Nước Trời. Ở đâu có tình yêu, ở đó có hạnh phúc. Nhiều người Công Giáo lầm tưởng rằng Nước Trời là thiên đàng ở đời sau nên họ sống ở đời này không khác gì người đời, vì thế, họ mệt mỏi vì ganh đua vật chất, họ chán nản vì sự chóng qua của sung sướng vật chất. Họ mất đi niềm vui thực sự mà Thiên Chúa muốn ban cho họ chỉ vì họ không nhìn đến giá trị tinh thần ngay trong đời sống hàng ngày.
Bài phúc âm hôm nay không dậy chúng ta lười biếng, nhưng dậy chúng ta chu toàn bổn phận của một người trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo Hội. Khi chu toàn bổn phận đó là khi chúng ta tập sống theo sự công chính mà Chúa Giêsu nói trong bài phúc âm, “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của Thiên Chúa.”
Khi sống công chính chúng ta sẽ khôi phục được giá trị đích thật của một con người mà cao quý nhất là chúng ta được làm con Thiên Chúa. Chúng ta không phải mệt mỏi chạy theo vẻ hào nhoáng vật chất để cảm thấy mình có giá trị. Dù trong hoàn cảnh nào, giầu hay nghèo, sung sướng hay khổ cực, chúng ta tin rằng tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Cha trên trời, là Người yêu thương chăm sóc chúng ta. Vì thế, ngày đầu năm mới, người CÔNG GIÁO thì nên chúc nhau, “vạn sự như ý Chúa” thì đúng hơn.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta trong ngày đầu năm, nhất là ban cho chúng ta sự khôn ngoan như con rắn để thấy được những gì cần thay đổi, và ban cho chúng ta sự can đảm để thay đổi những gì có thể.