Nhiều năm trước đây Leonard LeSourd, cựu chủ bút tờ Guidepost, ngồi ăn tối với mười người khác. Họ đang bàn tán về một cuốn phim về Đức Giêsu. Bỗng dưng một phụ nữ trẻ, hiển nhiên là nhàm chán cuộc đối thoại, lên tiếng, “Nói cho cùng, có ai muốn giống Đức Giêsu đâu?” Một sự im lặng nặng nề lan ra cả phòng. Sau đó cuộc đối thoại chuyển sang một hướng khác.
Về sau LeSourd tự nhủ, “Tại sao nhận xét của người phụ nữ đó đã tạo nên một sự im lặng nặng nề?”
Ông kết luận rằng, một số người cảm thấy bị đe doạ bởi nhận xét đó. Những người khác, có lẽ, cũng nhàm chán cuộc đối thoại như bà này. Và những người khác nữa đã không biết nhiều về Đức Giêsu để thấy rằng họ có thích Người hay không.
Sau đó LeSour tự hỏi mình về sự hiểu biết về Đức Giêsu. Ông kết luận rằng, trong cuộc đời ông từng biết đến năm Đức Kitô.
Đầu tiên ông gặp Đức Giêsu trong lớp giáo lý. Ông được giới thiệu về Đức Giêsu dưới hình thức một người có cái nhìn nghiêm khắc mà hình ảnh được treo đầy trên các tường lớp giáo lý.
Hình ảnh Giêsu này không tạo được một ấn tượng nơi đứa trẻ chín tuổi mà nó chỉ thích chơi banh hơn là tìm hiểu về một người đã sống cách đây 2,000 năm trong một nước thật xa.
Và vì vậy Đức Giêsu đầu tiên mà LeSourd biết đến là một “Đức Kitô không có thật”, chỉ hiện diện trong tâm trí non nớt của ông.
LeSourd gặp Đức Giêsu thứ hai trong khuôn viên đại học. Đây là Đức Kitô trong lịch sử. Đó là Đức Kitô có ấn tượng mạnh mẽ trên lịch sử đến nỗi ngay cả những người ngoài Kitô Giáo cũng gọi Người là “nhân vật vĩ đại nhất lịch sử.”
Nhưng Đức Kitô lịch sử này không chạm đến ông LeSourd một cách cá biệt. Người cũng chỉ là một vĩ nhân, giống như Lincoln. Ông nói, “Đưa Đức Kitô vào khung cảnh này là một giải pháp đơn giản trong thời gian đại học và bốn năm làm phi công cho Không Quân. Đức Giêsu lịch sử này không dính dáng đến bất cứ gì tôi muốn thi hành.”
Và như thế Đức Kitô thứ hai mà LeSourd gặp là “Đức Kitô lịch sử.”
LeSourd gặp Đức Kitô thứ ba sau khi ra khỏi quân ngũ, ông kiếm được một công việc với tờ Guidepost là phỏng vấn người ta về đức tin. Trong thời gian phỏng vấn này, ông ngạc nhiên khi biết nhiều người thành công trong đời đã sống theo những giảng dậy của Đức Giêsu.
Không bao lâu, ông thấy mình tìm đọc Phúc Âm để biết nhiều hơn về những giảng dậy này. Và như thế LeSourd gặp Đức Kitô thứ ba là “Đức Kitô bậc Thầy”.
LeSourd gặp Đức Kitô thứ tư trong cuộc tĩnh tâm. Chủ đề của buổi tĩnh tâm là cam kết với Đức Giêsu. Trong buổi tĩnh tâm, một người trẻ đứng lên và nói với người khác nghe làm thế nào anh đã đi đến một nguyện đường, quỳ xuống, và cam kết cuộc đời cho Đức Giêsu.
LeSourd cảm thấy bối rối vì sự hoàn toàn cởi mở của người trẻ này. Nhưng đồng thời, ông cũng muốn có được điều mà người trẻ này đã tìm thấy trong nguyện đường đó.
Bởi thế, trước khi cuộc tĩnh tâm chấm dứt, LeSourd đến một nhà nguyện, quỳ xuống, và cam kết cuộc đời mình cho Đức Giêsu. Ông nhớ lại giây phút không thể quên đó như sau:
“Tôi thấy mình ở trong nhà nguyện, quỳ trước bàn thờ, nói lời cầu thật đơn sơ, ‘Lậy Chúa, con không biết làm thế nào con lại ở đây, nhưng con muốn trao phó cuộc đời của con cho Chúa’.”
Và như thế LeSourd gặp gỡ Đức Giêsu thứ tư. Đó là “Đức Kitô Cứu Thế”. Đó là Đức Kitô đã sống trong ông một cách sâu xa và riêng tư.
Từ ngày đó trở đi, Đức Giêsu trở nên tâm điểm và hướng đi đời ông.
Và như thế sự hiểu biết của LeSourd về Đức Kitô đi từ “Đức Kitô không có thật” đến “Đức Kitô lịch sử” đến “Đức Kitô bậc Thầy” và đến “Đức Kitô Cứu Thế.”
Điều này đưa chúng ta đến Đức Kitô thứ năm và sau cùng. LeSourd gặp gỡ Đức Kitô sau cùng một cách bất ngờ.
Một ngày kia ông thấy mình bị cám dỗ dữ dội. Đó là loại cám dỗ lớn mà tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng cảm thấy.
LeSourd cảm thấy mình sa ngã. Ông cuống cuồng tìm đến điều gì đó để bám víu vào. Ông tìm thấy điều đó trong sự cam kết mà ông đã thực hiện với Đức Giêsu nhiều năm trước đây trong cuộc tĩnh tâm.
Ông cũng tìm thấy những điều khác nữa. Ông đã tìm thấy sự tương giao ý nghĩa nhất chưa từng có với Đức Giêsu.
Đó là sự tiếp xúc với “Đức Kitô ở bên trong”. Đó là sự tiếp xúc với Đức Kitô Phục Sinh, là người đã khởi sự sống ở bên trong các môn đệ khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ vào Chúa Nhật Hiện Xuống cách đây 2,000 năm.
Giờ đây mọi sự trong Tân Ước bắt đầu phù hợp với nhau.
LeSourd nhìn thấy làm thế nào các Tông Đồ thường cam kết với Đức Giêsu trong sự tha thiết bất chợt. Nhưng khi sự cám dỗ lớn đến với họ, họ đã rơi vào con đường cũ.
Giuđa phản bội Đức Giêsu, Phêrô chối bỏ Người, và phần còn lại đã bỏ trốn.
Mãi cho đến ngày Hiện Xuống, khi các ông nhận được Thần Khí của Đức Giêsu, lúc đó các Tông Đồ mới thực sự biến đổi.
Vào ngày Hiện Xuống đầu tiên 2,000 năm trước, thần khí của Đức Giêsu phục sinh bắt đầu ngự trong các môn đệ cách mạnh mẽ.
Và đó là điều chúng ta cử mừng hôm nay. Chúng ta mừng ngày quan trọng đó trong lịch sử Kitô Giáo khi, qua sự ngự đến của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu phục sinh bắt đầu ở trong các môn đệ với một sự hiện diện cá biệt.
Chúng ta có thể so sánh sự gia tăng từ từ của LeSourd trong sự hiểu biết về Đức Giêsu với năm giai đoạn tăng trưởng của một thực vật.
Đức Kitô đầu tiên, “Đức Kitô không có thật” của thời thơ ấu của ông, tương ứng với hạt mầm của cây này. Đó chỉ là khởi đầu.
Đức Kitô thứ hai, “Đức Kitô lịch sử”, tương ứng với một thân cây phát sinh từ hạt giống.
Đức Kitô thứ ba, “Đức Kitô bậc thầy”, tương ứng với nụ hoa mà nó từ từ sẽ hình thành ở đầu cuống hoa.
Đức Kitô thứ tư, “Đức Kitô Cứu Thế”, tương ứng với bông hoa nở ra từ nụ.
Đức Kitô thứ năm, “Đức Kitô ở bên trong”, tương ứng với trái cây được hình thành từ bông hoa của cây này.
Chính giai đoạn thứ năm và sau cùng này mà chúng ta mừng lễ Hiện Xuống. Đó là sự hiện diện của “Đức Kitô ở bên trong” trong Hội Thánh như một tổng thể và trong mỗi người chúng ta một cách riêng tư.