Một tu sĩ đến hỏi tu viện trưởng của mình, “Thưa thầy, con có thể tìm thấy Chúa ở đâu?” Viện trưởng trả lời, “Chúa ở khắp mọi nơi. Người ở ngay trước mặt của con.” “Nếu Chúa ở khắp mọi nơi, và ngay trước mặt của con, tại sao con không thấy?” Tu sĩ hỏi lại.
Thay vì trả lời, viện trưởng hỏi, “Tại sao người say rượu không tìm ra con đường về nhà?”
“Thưa thầy, bởi vì họ say!” tu sĩ trả lời.
Viện trưởng kết luận, “Vậy con hãy đi tìm những gì làm con say sưa đến độ không thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa chung quanh con thì con sẽ thấy được Người.” (lược dịch từ internet)
Câu chuyện này minh họa phần nào ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, Lễ Chúa Hiển Linh, mà trong phúc âm của Mátthêu, tối thiểu có ba loại người đi tìm Thiên Chúa: các nhà chiêm tinh, vua Hêrốt, các thượng tế và kinh sư.
Theo học giả Kinh Thánh John J. Pilch, chữ Hy Lạp “magoi” ngày nay được dịch là “các nhà thông thái” thì quá tổng quát, hoặc “vua” thì không đúng, và “nhà chiêm tinh” thì có phần nào đúng nhưng mơ hồ theo các ý nghĩa hiện tại. Bản dịch tiếng Việt lại dùng chữ “đạo sĩ” thì không biết dựa vào đâu. Bởi vì vào thời Chúa Giêsu, “magoi” là các quân sư có đẳng cấp rất cao đối với nhà cầm quyền trong đế quốc Ba Tư thời bấy giờ. Nhưng “magoi” của Mátthêu lại là những nhà tử vi lý số, giải sao đoán mộng, đi tìm ngôi sao của vị vua mới sinh và đến thờ lạy Người.
Chúng ta biết các phúc âm được sáng tác sau khi Chúa Giêsu về trời khoảng vài chục năm, trong đó, ngoài những tường thuật được truyền miệng thì còn có những suy diễn thần học riêng của từng thánh sử. Hôm nay, chúng ta sẽ dựa vào sự suy diễn của Mátthêu về các nhà chiêm tinh, vua Hêrốt và các thượng tế, kinh sư để tìm hiểu xem làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa trong đời sống chúng ta.
Trước hết, các nhà chiêm tinh phải khao khát muốn biết về Thiên Chúa, nên họ tìm kiếm các dấu hiệu trên trời, và họ đã nhìn thấy “ngôi sao của Người xuất hiện.” Hành trình của họ đi tìm Chúa Giêsu tối thiểu phải hai năm dài, bởi vì Mátthêu viết rằng sau khi vua Hêrốt thấy mình “bị lừa bởi các nhà chiêm tinh, ông nổi giận, và ra lệnh giết tất cả các con trai ở Bêlem từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông xác định được từ các nhà chiêm tinh” (Mt 2:16).
Hành trình đức tin của chúng ta được bắt đầu từ khi rửa tội. Nhiều người được rửa tội khi còn nhỏ bởi đức tin của cha mẹ. Do đó, có thể nói rằng thói quen đạo đức trong gia đình sẽ hình thành đức tin của một đứa trẻ. Cùng với các lớp giáo lý, sự hình thành đó tạo nên nền tảng đức tin của một thiếu niên, nhưng khi lớn lên, nếu họ không thành khẩn tìm kiếm Thiên Chúa, đức tin của họ vẫn còn là đức tin của cha mẹ.
Niềm tin nơi Thiên Chúa đòi hỏi sự tương giao mật thiết với Người, và cần phải luyện tập suốt đời. Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta về sự tương giao này với các biến cố xảy ra trên thế giới – tỉ như đại dịch, các thiên tai, hoặc các cảm nghiệm cá nhân – đôi khi đe dọa đến tính mạng, tỉ như tai nạn xe cộ, căn bệnh ung thư, hay những câu hỏi về Thiên Chúa không dễ trả lời từ người khác, nhất là người vô thần. Những giây phút đó được gọi là sự thức tỉnh trong hành trình đức tin. Nó khiến chúng ta phải suy nghĩ về Thiên Chúa. Người là ai? Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta? Việc suy nghĩ tìm kiếm câu trả lời có thể thay đổi hình ảnh Thiên Chúa thời thơ ấu của chúng ta, và một hình ảnh mới về Thiên Chúa bắt đầu xuất hiện. Điều này tạo thành đức tin của chính chúng ta. Câu hỏi quan trọng ở đây là Thiên Chúa chúng ta đi tìm có phải là Thiên Chúa thật hay không?
Nhân vật quan trọng kế tiếp là Vua Hêrốt. Ông là một trong những người tài giỏi nhất nhân loại thời bấy giờ. Ông được gọi là Đại Đế vì biết tổ chức và có khả năng xây dựng hệ thống cầu cống, đường xá mà ngày nay các nhà khảo cổ phải khâm phục khi tìm thấy các di tích kiến trúc của ông. Vua Hêrốt còn là một người Do Thái đạo đức nên ông đã khởi công xây cất lại Đền Thờ Giêrusalem thật huy hoàng, tráng lệ và rất tốn kém. Tại sao một người tài giỏi, đạo đức như Hêrốt lại không muốn đến thờ lạy “vị vua mới sinh”, và thay vào đó lại hoạch định để giết Hài Nhi Giêsu?
Lịch sử cho thấy ông là người đầy tham vọng muốn kiểm soát tất cả, muốn điều khiển tất cả. Tham vọng đó khiến ông vô cùng cao ngạo và điên cuồng đến độ giết cả vợ và hai người con trai của mình để giữ ngai vàng và quyền lực! Qua đời sống của Hêrốt, chúng ta thấy quyền bính có thể trở nên xấu khi bị lạm dụng, và có thể cản trở chúng ta không thấy được sự thật.
Đôi khi cha mẹ lạm dụng quyền bính của mình đối với con cái. Thay vì giúp chúng đạt được các ơn gọi độc đáo của chúng, cha mẹ lại ép buộc chúng phải đi theo đường lối của mình. Vì thế, chúng ta cần được nhắc nhở điều này trong kinh Lạy Cha khi cầu nguyện cho thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện ở dưới đất, chứ không phải ý riêng của mình.
Thái độ của các thượng tế và kinh sư Do Thái trong bài phúc âm hôm nay cũng đem cho chúng ta một ý tưởng về sự đạo đức và các hoạt động tôn giáo. Các thượng tế và kinh sư Do Thái là những người rành rẽ Lề Luật và họ cũng thông thạo Kinh Thánh. Khi được hỏi về nơi sinh hạ của vua dân Do Thái, họ đã trích dẫn ngay lời ngôn sứ Mica để cho biết đó là Bêlem, miền Giuđê, nhưng cũng như vua Hêrốt, họ đã không hành động theo lẽ thường tình. Tại sao?
Thực tế đời sống cho thấy, từ sự hiểu biết sự thật đi đến hành động theo sự thật thì không dễ. Biết vua Do Thái mới sinh ở Bêlem nhưng các thượng tế và kinh sư không muốn nhìn nhận sự thật đó, bởi vì nó có thể khiến họ mất địa vị hiện thời trong triều vua Hêrốt, mất đi các mối lợi trong tôn giáo cũng như xã hội. Sống theo sự thật đòi hỏi rất nhiều can đảm.
Đối với chúng ta, hiểu biết Kinh Thánh thì tốt, trích dẫn phúc âm đúng từng câu thì đáng khâm phục, nhưng kiến thức đó phải được thể hiện trong đời sống hàng ngày, nếu không, chúng ta sẽ không thấy được chân lý trong lời Chúa. Sống lời Chúa là một cách để kiểm chứng sự thật trong lời Chúa. Sự thật đó sẽ củng cố đức tin chúng ta.
Ngoài ra, các sinh hoạt tôn giáo là một phương cách để thờ phượng Thiên Chúa, chứ không phải là cùng đích của tôn giáo. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta lại coi đó như phương tiện duy nhất và sau cùng của bổn phận Kitô Hữu. Ngoài việc xem lễ ngày Chúa Nhật, chúng ta còn phải phát triển thêm điều quan trọng là sự tương giao mật thiết với Chúa Giêsu.
Sau cùng, Mátthêu muốn chúng ta tin rằng Hài Nhi Giêsu đây là Đấng Cứu Thế qua các món quà của các nhà chiêm tinh, đó là vàng, nhũ hương và một dược.
Người xưa coi vàng là vua kim loại, họ tặng vàng để nói lên vương vị của Hài Nhi Giêsu; nhũ hương được dùng trong việc tế lễ thần thánh, họ tặng nhũ hương để nói lên thần tính của Hài Nhi Giêsu; và một dược là để ướp xác người chết, họ tặng một dược để nói lên nhân tính của Hài Nhi Giêsu (xem thêm T. Peter Chrysologus). Các quà tặng này tóm lược con người của Đức Giêsu. Người là Thiên Chúa thật và là người thật.
Vào thứ Năm vừa qua, Giáo Hội đã từ giã Đgh Benedich XVI, người là một thần học gia vĩ đại của thế kỷ và đã để lại nhiều di sản quý báu về thần học. Trong Di Chúc Tinh Thần của đức giáo hoàng, người viết: “Tôi muốn nói với tất cả những ai đã tín thác tôi trong sự phục vụ Giáo Hội: Hãy giữ vững đức tin! Đừng nhầm lẫn!... Trong 60 năm, tôi từng theo đuổi con đường thần học, nhất là nghiên cứu Kinh Thánh, và từng thấy các luận án tưởng như không lay chuyển thì đã sụp đổ với các thế hệ thay đổi, hóa ra chúng chỉ là các giả thuyết… Tôi đã từng thấy, và đang thấy, làm thế nào từ mớ giả thuyết này [trong các ngành khoa học], sự hợp lý của đức tin đã hiện ra và lại đang xuất hiện. Chúa Giêsu Kitô thực sự là Đường, Sự Thật, và Sự Sống – và Giáo Hội, với mọi thiếu sót, thì thực sự là Nhiệm Thể của Người”.
Giáo Hội cử hành lễ Hiển Linh để nói lên rằng Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho Dân Ngoại. Chúng ta là Dân Ngoại, nhưng để biết về Chúa Giêsu, chúng ta phải tìm kiếm Người cũng giống như các nhà chiêm tinh. Nỗ lực này là điều nên làm bởi vì Chúa Giêsu không chỉ là Mêsia của người Do Thái, Người còn là Đấng Cứu Độ của chúng ta.