Trong văn hóa thôn quê Địa Trung Hải thời xưa, đạt được nam tính là một thử thách cả đời. Điều này là vì các con trai thường được nuôi lớn cách duy nhất bởi các phụ nữ và hoàn toàn thiếu một mẫu nam tính. Cho đến khi bước vào thế giới khắc nghiệt của nam giới khoảng tuổi dậy thì, con trai phải học trở nên một người đàn ông. Một dấu hiệu của sự trưởng thành trong nền văn hóa này là khả năng chịu đựng hình phạt và sự đau khổ về thể xác mà không nao núng hay than khóc.
Văn chương về sự Khôn Ngoan của người Híp-ri, nhất là các cuốn Huấn Ca và Châm Ngôn, được dùng như loại sách “Dr. Spock” vào thời của họ. Họ thường xuyên khuyến khích những người cha phải phạt các con trai của mình (không bao giờ là con gái) về thể xác. “Người thương con trai của mình sẽ roi vọt nó thường xuyên…” (Hc 30:1). “Đánh vào sườn nó khi còn nhỏ, nếu không nó sẽ trở nên cứng đầu và bất tuân phục quý vị…” (Hc 30:12).
Mọi thứ chúng ta biết và nói về Thiên Chúa thì được bắt nguồn và dựa trên cảm nghiệm của loài người chúng ta. Văn hóa đóng một vai trò chính yếu trong việc hình thành cảm nghiệm con người. Các tương quan giữa người cha và con trai vùng Địa Trung Hải được họ dùng như mô hình để mường tượng cách Thiên Chúa sẽ đối xử với loài người và cách loài người phải đáp ứng.
Các anh hùng trong Kinh Thánh minh họa điểm này. Hãy nghĩ đến người tôi tớ vâng phục được Isaia diễn tả là người chịu đau khổ cách bất công và trong thinh lặng. “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53:7b). “Nhưng đó là ý muốn của Đức Chúa để nghiền nát người với sự đau khổ” (c. 10). Người tôi tớ này và những người khác, như các tác giả than van trong sách các Thánh Vịnh (tỉ như, Tv 22) là người chịu đau khổ cách vô tội nhưng vâng phục các hoạch định của Thiên Chúa, được dùng như các mô hình của lối đối xử thích hợp, trưởng thành nam tính cho các người trẻ.
Các Phúc Âm trình bày Đức Giêsu như một người đàn ông Địa Trung Hải rất điển hình. Đức Giêsu là một người trẻ vâng phục. Sau khi trở về từ cuộc hành hương đến Giêrusalem, “Người đi xuống cùng với [cha mẹ] và đến Nagiarét, và vâng phục họ” (Luca 2:51).
Là một người trưởng thành, Đức Giêsu vâng phục Cha trên trời của Người. “Lạy Cha, nếu ngài muốn, xin cất chén này khỏi con; nhưng không phải ý con, mà ý ngài được thể hiện” (Luca 22:42). (Hãy nhớ rằng Luca bỏ qua dòng này trong kinh Lạy Cha trong 11:2-4 và đặt nó ở đây để có tác dụng mạnh hơn).
Đức Giêsu bắt chước các anh hùng Kinh Thánh trong cuộc đời mình. Luca và các thánh sử khác cho thấy điều này bằng cách rút ra từ Isaia II và từ Tv 22 và 69 khi viết về Đức Giêsu. Sự nhận xét của Luca rằng “chúng bốc thăm để chia y phục của Người” thì chắc chắn vay mượn từ Thánh Vịnh 22:18. Sự chế nhạo của các thủ lãnh, “Hắn đã cứu những người khác; hãy để nó cứu chính hắn nếu nó là Mêsia của Thiên Chúa, người được tuyển chọn” (Luca 23:35) thì lập lại Thánh Vịnh 22:8. Đức Giêsu được xếp vào hàng các anh hùng cao quý trong Kinh Thánh, họ là những người chịu đau khổ trong thinh lặng. Câu chuyện thống khổ chắc chắn nhấn mạnh đến điểm này.
Vị giảng thuyết viết lá thư này đã giải thích sự thống khổ của Đức Giêsu theo cách này: “Bởi vì Người là con, Người học vâng phục những đau khổ Người phải chịu; và được trở nên tuyệt hảo, Người trở nên nguồn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người…” (Híp-ri 5:8-10).
Điều này có ý nghĩa gì cho các tín hữu Kitô họ bị đau khổ? Vị giảng thuyết giải thích: “Hãy chịu đựng các thử thách vì sự rèn luyện. Thiên Chúa đối xử với anh chị em như các con trai; vì có con trai nào mà cha nó không rèn luyện?... Chúng ta có được những người cha trần thế để rèn luyện chúng ta, và chúng ta tôn trọng họ. Chẳng lẽ chúng ta lại không vâng phục Cha của các thần khí và sự sống? … Thiên Chúa rèn luyện chúng ta vì sự tốt lành của chúng ta…” (hãy đọc toàn thể đoạn Híp-ri 12:3-11).
Tối thiểu có hai thách đố về văn hóa trong bài đọc hôm nay và sự mầu nhiệm mà Kitô Hữu cử hành. Một là đọc bản dịch chính xác các bản văn cổ. Những bản dịch loại ngôn ngữ bao hàm bỏ qua chữ “con trai” trong các đoạn thư gởi tín hữu Do Thái vì sợ xúc phạm đến phụ nữ thời đại và thay thế chữ đó với “các con”, điều đó bóp méo văn hóa Địa Trung Hải và Kinh Thánh mà cả hai đều không xác định cũng không ám chỉ rằng các con gái phải bị hình phạt thể xác, và họ vô tình cho phép những người đương thời dùng Kinh Thánh như để đảm bảo cho hành vi trừng phạt con gái cũng như con trai.
Thách đố thứ hai là làm thế nào để diễn dịch một giá trị hay lối đối xử từ một nền văn hóa mà trong đó nó có thể chấp nhận và bình thường đối với nền văn hóa khác mà trong đó cùng một giá trị hay lối đối xử đó lại được coi là sự ngược đãi. Các chuyên gia về bạo lực con người nhận thấy rằng mọi hình thức bạo lực trong gia đình thì được chấp nhận trong một số văn hóa nhưng lại được coi là sự ngược đãi trong các văn hóa khác.
Trong câu chuyện thống khổ, Luca chắc chắn đã đưa ra Đức Giêsu như một mô hình để tuân theo và noi gương. Điều này thách đố các tín hữu thời nay hãy nghĩ lại hình ảnh trong Kinh Thánh và hình ảnh của họ về Thiên Chúa, ý định của Thiên Chúa, sự đau khổ, chịu đau khổ cách vô tội, phản ứng với sự đau khổ, và các ý tưởng liên hệ. Tất cả chúng ta vẫn phải nghĩ ra các phương cách thích hợp để tuân theo và noi gương Đức Giêsu miền Địa Trung Hải mà chúng hài hòa với các giá trị văn hóa Tây Phương lưu tâm đến sự nhân đạo.