Người không hướng nội thì dựa vào hình dáng bên ngoài để đánh giá người khác và họ phát triển sự tinh xảo để tạo ra và phô diễn những phong thái bề ngoài. Để được đánh giá tích cực từ người khác và nhờ đó có được vinh dự từ những người này, họ học cách “mang bộ mặt giả dối,” hay “đeo một mặt nạ.”
Những người thủ đoạn đặt câu hỏi với hy vọng gài bẫy Đức Giêsu đã khen ngợi Người khi nói, “Thưa thầy, chúng tôi biết ngài không thiên vị bất cứ ai [theo nghĩa đen, ngài không lột mặt nạ]” (Luca 20:21). Trong khi nhiều người không thể xét đoán hơn những gì họ nhìn thấy, một số người, như Đức Giêsu, có thể nhìn thấu qua mặt nạ con người. Đây là điều phi thường.
Hãy tưởng tượng quang cảnh của các thầy dậy hay người lãnh đạo tương lai, họ là những người chuyên nghiệp đeo mặt nạ và đưa ra lời khuyên những người khác về sự cải thiện đạo đức. Ở Trung Đông, bối cảnh này thì rất dễ tưởng tượng. Nó luôn luôn xảy ra. Các khán giả thường muốn biết về thầy dạy này. Và thầy dạy này luôn tìm cách mang bộ mặt tốt nhất!
Tuy nhiên, Đức Giêsu gọi các thầy dạy này là “người giả hình.” Trong văn hóa Hy La và cổ điển, chữ này có nghĩa “người trình diễn,” “người dẫn giải,” “người diễn thuyết,” ngay cả “diễn viên sân khấu.” Trong trường hợp sau cùng, chữ Hy Lạp này có thêm ý nghĩa “người dối gạt” và “người giả vờ.” Trong kịch nghệ, đây là một kỹ năng đáng được giải thưởng. Trong thực tế – ngay cả trong văn hóa Địa Trung Hải – kỹ năng và chiến lược này làm cho đời sống khó khăn. Người ta có thể tin tưởng vào ai?
Trong các Phúc Âm nhất lãm, chỉ có Đức Giêsu dùng chữ “giả hình” để chỉ trích người nào đó. Ở đây (6:39-42) Người nhận diện các thầy dạy sai lạc và người lãnh đạo xúi bậy là giả hình. Về sau trong Phúc Âm này Người gọi đám đông là “giả hình,” là những người biết “giải thích bề ngoài [nghĩa đen, bộ mặt!] của đất và trời, nhưng không biết giải thích thế nào về thời gian hiện tại” (Luca 12:56). Trong chương kế tiếp, Người lại khiển trách đám đông, là những người phản đối việc Người chữa lành một phụ nữ vào ngày Sa-bát: “Hỡi những kẻ giả hình! Không phải là các ngươi cứu con bò hay con lừa của mình vào ngày sa-bát khi cần hay sao? Tại sao tôi không được cứu người phụ nữ này?” (13:15). Trong mỗi trường hợp, Đức Giêsu nhìn xuyên qua cái mã bề ngoài mà từng nhóm dựng nên.
Trong Bài Giảng trên Cánh Đồng, Đức Giêsu cổ vũ khán giả hãy ngay thẳng tự xét mình và thực sự cố gắng cải tiến chính mình trước khi tìm cách giúp người khác cải tiến chính họ. Thiếu nỗ lực này, các thầy dạy và người lãnh đạo như thế thì mù quáng, không xác thực và không đáng tin. Họ là những người lừa gạt, diễn viên, giả hình!
Một cách khác để nhận diện những người giả hình trong thế giới xưa là hãy để ý đến sự mâu thuẫn trong lối sống. Tổ tiên trong Đức Tin của chúng ta tin rằng loài người phải sống kiên định, tuy nhiều người không như thế.
Sự kiên định được định nghĩa như thế nào? Thân thể con người có thể chia ra làm ba khu vực biểu tượng khác biệt nhưng xuyên vào nhau: mắt-tim (đôi mắt để thu thập thông tin mà con tim cần để xét đoán); miệng-tai (các cơ quan này thu thập và chia sẻ lời tự diễn đạt); và chân-tay (các phần thân thể này hành động theo hoặc thi hành những gì người ta học được hay biết được).
Mắt-tim. Đức Giêsu nói về các thầy dạy và hướng dẫn với cái nhìn sai lạc (6:39-42). Người nhận xét khả năng của con tim để tạo ra cả sự thiện và sự dữ. Người thúc giục rằng các thầy dạy hãy cố phát triển cái nhìn, sự sáng suốt cách đúng đắn và một con tim tốt lành.
Miệng-tai. Với Đức Giêsu, đó là mệnh lệnh hiển nhiên rằng một người trau dồi tâm hồn tốt thì sẽ tạo ra kết quả tốt, “vì chính từ sự dạt dào của con tim mà miệng nói ra” (c. 45), những lời mà người khác sẽ nghe, nhớ, và hành động theo.
Chân-tay. Nhưng chỉ nói thôi thì không đủ. “Tại sao anh em gọi ta, ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ và không thi hành những gì ta nói với anh em?” (c. 46). Đó là một mệnh lệnh phải hành động theo những gì người ta biết, sống theo những gì người ta học được.
Đây là cách người ta hành động cách kiên định, với tất cả mọi phần biểu tượng của cơ thể đồng bộ: tim-mắt, miệng-tai, chân-tay. Nói cách khác, điều quan trọng là những ý nghĩ được kết hợp cảm xúc (tim-mắt), lời tự diễn đạt (miệng-tai), và hành động có mục đích (chân-tay) của một người được hòa hợp tuyệt hảo. Mọi thứ khác là diễn xuất sân khấu.
Nếu tổ tiên trong Đức Tin của chúng ta có thể dò xét chúng ta khi chúng ta đang theo dõi họ, họ sẽ coi chúng ta là kỳ lạ như chúng ta coi họ. Nhưng chúng ta sẽ đồng ý về điều này. Con người nợ lẫn nhau – và Thiên Chúa – sự thành thật và liêm chính trong mọi khía cạnh của đời sống.