Cha John Powell viết một cuốn sách có tựa đề “He Touched Me” (Người Chạm Đến Tôi).
Phản ứng với cuốn sách đó là rất nhiều lá thư thật xúc động của các độc giả gửi về. Hiển nhiên, nhiều độc giả được Chúa đánh động qua cuốn sách ấy.
Một trong những lá thư mà Cha John Powell nhận được là từ một phụ nữ, bà nói rằng cuộc đời của bà quá xấu xa đến độ bà quyết định kết liễu đời mình.
Vào một buổi sáng thật sớm bà đi ra biển. Bãi biển thật vắng. Khi bước dọc theo đường nước ở bờ biển, bà chuẩn bị bơi ra đến một điểm mà không bao giờ trở lại, bà nghe có tiếng nói, “Hãy ngừng lại! Hãy quay đầu và nhìn xuống cát”.
Bà ngừng lại, quay đầu nhìn xuống bãi cát ướt ở sau lưng. Các đợt sóng đã xóa đi các dấu chân của bà. Một lần nữa, tiếng nói lại vang lên:
“Ta gọi con để sống và để yêu thương, không để chết. Như các đợt sóng đã xóa đi các dấu chân của con, tình yêu và lòng thương xót của ta cũng xóa đi các tội lỗi của con.”
Bất kể chúng ta có thể giải thích tiếng nói ấy như thế nào, điều chắc chắn là nó đã có một ảnh hưởng biến đổi trên bà. Bà rời bãi biển, khép lại cánh cửa cuộc đời cũ, và mở ra một cánh cửa cho cuộc đời hoàn toàn mới.
Bà nói với Cha Powell rằng bà chưa bao giờ chia sẻ cảm nghiệm ấy với bất cứ ai, bà nói thêm, “Có ai tin con không?”
Câu chuyện của bà thật phù hợp với người phụ nữ bị bắt quả tang về tội ngoại tình trong bài Phúc Âm hôm nay; và cũng như câu chuyện ấy, nó nói lên ý nghĩa của mùa Chay.
Đó là Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống và hãy yêu thương, không phải để chết. Đó là Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy mở lòng đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Người trong bí tích Hòa Giải.
Điều này nên lên một câu hỏi phiền toái: Tại sao nhiều người do dự mở lòng cho Chúa Giêsu trong bí tích thật tốt đẹp này?
Một ông giải thích sự do dự của mình theo cách này:
“Tôi cứ xưng đi xưng lại cùng một tội, nên sau cùng tôi chấm dứt. Tôi cảm thấy ngớ ngẩn cứ xưng hoài một tội.”
Chúng ta có thể trả lời ông này như thế nào? Tôi nghĩ một số dữ kiện căn bản có thể giúp ông.
Trước hết, ông phải nhớ rằng tất cả chúng ta được sinh ra với một chiều kích thể xác và một chiều kích tinh thần.
Về thân xác, mỗi một người chúng ta được sinh ra với sự bất toàn về thể xác hoặc có khuynh hướng dễ bị một loại bệnh nào đó, tỉ như hen suyễn, dị ứng, hoặc mắt yếu kém.
Và vì thế, thỉnh thoảng chúng ta tìm kiếm sự chữa trị của y khoa – hoặc thường xuyên đến bác sĩ.
Trong cuốn sách “The Christian Vision” (quan điểm Kitô Giáo), Cha John Powell đưa ra thí dụ của một người bị khuyết điểm về mắt. Cha viết:
Tôi biết có một thiếu niên bị cận thị rất nặng. Em chỉ nhìn được xa chừng có một thước… Khi nhà trường gửi thông tin này về nhà, cha mẹ anh lý luận, “Khi chúng tôi ở tuổi của nó, chúng tôi không cần đến mắt kính. Tại sao nó lại cần?”
Và như thế cậu bé lớn lên trong một thế giới lờ mờ vì mắt bị cận thị.
Một ngày kia khi được mười tám tuổi, tự anh đi gặp bác sĩ nhãn khoa. Bác sĩ để anh ngồi xuống ghế và thử các loại kính cho đến khi chọn được cặp kính phù hợp nhất với đôi mắt của anh. Sau đó bác sĩ nói anh nhìn ra cửa sổ.
“Đẹp quá!” người thanh niên thốt lên. Đây là lần đầu tiên trong đời, anh có thể thấy bầu trời xanh với các đám mây trắng. Anh có thể thấy nụ cười trên khuôn mặt người khác.
Anh thực sự bị mê mẩn.
Nếu người trẻ này đã bỏ cuộc và chấp nhận sống với một thị lực nghèo nàn của mình, có lẽ anh đã bỏ qua cả một cuộc đời xinh đẹp.
Điều này đưa chúng ta đến chiều kích tinh thần mà tất cả chúng ta đều có khi được sinh ra. Thí dụ, có thể chúng ta được sinh ra với một tính khí mà nó làm cho chúng ta dễ nóng nẩy, ghen tị, hay thiếu kiên nhẫn.
Hậu quả là chúng ta thường xuyên phải chiến đấu với những bệnh tật tinh thần này. Đó là khi chúng ta cần đến bí tích Hòa Giải.
Cũng như chúng ta thường cần thuốc để chữa trị bệnh thể xác, chúng ta cũng cần đến “thuốc” để chữa trị loại bệnh tật tinh thần nào đó.
Điều bi thảm là có thể chúng ta quá thất vọng với loại “thuốc” chữa trị bệnh tật thể xác và tinh thần đến độ chúng ta muốn bỏ mặc hay không dùng đến nó nữa.
Không phải là không phổ thông khi người có bệnh tật thể xác lại bỏ qua việc chữa trị và sống với bệnh tật – như cậu bé cận thị phải sống như thế trong 18 năm.
Tương tự, không phải là không phổ thông khi người ta bỏ qua sư chữa trị các bệnh tật tinh thần.
Điều này có thể dẫn đến điều bi thảm hơn: mất hết “cảm nhận về tội” trong đời sống chúng ta. Điều này rất đúng với loại “tội quên sót”.
Không như “tội vi phạm”, nó bao gồm những gì chúng ta đã làm mà lẽ ra không nên làm, “tội quên sót” bao gồm những gì chúng ta không làm mà chúng ta buộc phải làm.
Nhiều người ngạc nhiên khi biết Chúa Giêsu thường cảnh cáo một cách nghiêm khắc về “tội quên sót” của chúng ta. Điều này đặc biệt đúng với bổn phận kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Sự cảnh cáo mạnh mẽ nhất về bổn phận phải yêu mến tha nhân thì có liên hệ đến điều Chúa nói trong Ngày Phán Xét.
Chúa Giêsu nói với những ai không lắng nghe lời cảnh cáo của Người về bổn phận này:
“Hãy đi khuất mắt ta… Xưa ta đói nhưng cái ngươi không cho ăn,… ta trần truồng nhưng các ngươi không cho quần áo mặc… Bất cứ khi nào các ngươi từ chối không giúp đỡ một trong những người bé mọn này, các ngươi đã từ chối không giúp đỡ ta” (Mt 25:41-43, 45).
Trong hai tuần còn lại của mùa Chay, chúng ta hãy cầu xin để được ngày càng ý thức hơn về “tội thiếu sót” của chúng ta.
Đặc biệt, chúng ta hãy cầu xin để biết tìm kiếm sự tha thứ, sự giúp đỡ, và được chữa lành bệnh tật tinh thần của chúng ta trong bí tích Hòa Giải.
Thi hành việc này, có thể đó là quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta.
Nó có thể mãi mãi quan trọng hơn là quyết định của cậu bé bị cận thị khi tìm sự giúp đỡ và chữa trị của bác sĩ nhãn khoa.