Từ một quan điểm văn hóa, tối thiểu có hai vấn đề nổi bật trong bài đọc hôm nay. Sự ngoại tình là gì? Dựa trên nền tảng nào Đức Giêsu được yêu cầu xét xử trường hợp này?
Trong thế giới Địa Trung Hải nhân vật chính trong sự ngoại tình là người vợ (phụ nữ đã kết hôn), và vấn đề chính là mất danh dự, hoặc xấu hổ cho người chồng (xem Hc 23:22-27). Các phụ nữ được tin rằng mạnh tính dục và vì thế phải có sự trông chừng thường xuyên của nhân vật chính trong cuộc đời của họ: cha trên con gái (Hc 42:9-10), anh trai trên em gái (2 Sam 13:7-39), chồng trên vợ (Hc 26:1-9).
Nếu một người chồng tình nghi sự ngoại tình, ông có thể đưa vợ qua “sự thử tội” (xem Ds 5:11-31; có thể đây là sự thử tội mà ông Giuse đã không muốn bà Maria trải qua trong Mt 1:19). Nếu có thể minh chứng sự ngoại tình (Tl 22:22), cả hai đương sự phải bị giết.
Bài đọc hôm nay thú vị ở điểm người phụ nữ có tội được cho rằng bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, nhưng dường như tình nhân của bà đã trốn thoát. Sách Thứ Luật 19:15 đòi phải có hai nhân chứng về sự kiện này, không kể người chồng, và hiển nhiên tối thiểu hai nhân chứng đã gài bẫy người phụ nữ đáng thương này.
Trong sự hiểu biết này, tình cảnh văn hóa nào giúp hiểu được biến cố này một cách hợp lý? Có phải người chồng biết sự sa ngã của vợ và gài bẫy, biết rõ là bà sẽ bị giết? Hoặc ông từng bị cắm sừng và các kẻ thù của ông gài bẫy để ông thêm xấu hổ? Không thể nào quyết định, nhưng sự hiểm độc trong việc gài bẫy để bắt quả tang các đương sự thì vượt quá sự bối rối của hoàn cảnh này.
Trong Gioan 8:15, Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi không xét đoán ai,” tuy nhiên trong 8:26 Người lại nói: “Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông.” Các học giả nhìn nhận hai câu này thì phát xuất từ hai truyền thống khác nhau được tách biệt sau một thời gian đáng kể.
Câu hỏi trong câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang tội ngoại tình là: Tại sao người Biệt Phái và luật sĩ đưa bà đến với Đức Giêsu? Làm thế nào Người được cho là có thẩm quyền xét xử? Câu trả lời có vẻ đúng nhất là Đức Giêsu chắc chắn được những người khác nhận biết là một ngôn sứ và vì thế có quyền công bố sự phán xét của Thiên Chúa. Một nhận xét của ban biên tập trong câu 6 nói với chúng ta về động lực căn bản: đó là để gài bẫy Người để có thể truy tố Người ra tòa.
Có một truyền thống là khoảng năm 30, người La Mã đã lấy quyền phạt tử hình khỏi tay Thượng Hội Đồng. Đây là lý do họ không thể kết án tử Đức Giêsu. Trong khi không thể biết là có sự xếp đặt này hay không khi người phụ nữ này bị bắt, lý do đáng tin nhất để Đức Giêsu dính dáng đến vấn đề này là giả sử rằng đã có sự xếp đặt.
Cái bẫy này là một tình trạng khó xử. Nếu Đức Giêsu đề nghị tha phụ nữ này, hiển nhiên Người vi phạm Luật Môsê và tự minh chứng là một người không tôn trọng tôn giáo. Chắc chắn Người không phải là ngôn sứ. Nếu Người ra lệnh ném đá bà ta, Người gặp khó khăn với giới thẩm quyền La Mã, họ đã lấy quyền này khỏi tay người Giuđê.
Đức Giêsu, như thường lệ, thì khôn ngoan trong việc luồn lách khỏi tình trạng khó xử. Người câu giờ bằng cách vẽ nguệch ngoạc trên đất, một thói quen phổ thông của nông dân Địa Trung Hải khi bối rối. Sau cùng, để trả lời cho việc không ngừng quấy rầy của các kẻ thù, Đức Giêsu thách đố đám người hạ cấp đố kỵ này hãy kiểm tra động lực của họ: “Hãy để người nào trong các ông mà không có tội – hãy để người ấy ném đá bà ta trước hết.”
Đây không phải là một lý luận chống lại hình phạt tử hình. Đúng hơn đó là câu hỏi về động lực của những người kết án. Có lẽ người chồng sai trái đã cay độc xếp đặt trước để vợ ông bị bắt thay vì tìm cách đưa bà trở về với tình yêu (theo khuôn mẫu của Hôsê 2:14-15). Có lẽ các luật sĩ và Biệt Phái không chính yếu nhắm đến Luật Môsê và các quy tắc của nó, hoặc hoàn cảnh cuộc đời của phụ nữ này, nhưng chỉ nhằm gài bẫy Đức Giêsu.
Đức Giêsu, vị ngôn sứ, người lên tiếng cho ý định của Thiên Chúa ở-đây-và-bây-giờ, nhắc nhở họ – và tất cả các người cuồng tín – hãy cố gắng tinh lọc động lực khi họ theo đuổi các mục tiêu đúng đắn của mình.