Câu chuyện đơn giản trong Phúc Âm hôm nay thường được Kitô Hữu gọi là “sự thăm viếng.” Các họa sĩ diễn tả câu chuyện này trên vải, nhưng độc giả người Hoa Kỳ ngày nay nghe gì và giải thích thế nào về câu chuyện này? Dĩ nhiên, không ai mường tượng rằng bà Maria ngồi trên xe hơi, chạy trên xa lộ xuyên bang và đến ăn trưa với bà Êligiabét. Nhưng họ mường tượng ra những gì? Đây là tình huống mà văn hóa Địa Trung Hải gợi ý.
Phụ nữ trong vùng Trung Đông xưa không bao giờ có thể làm bất cứ gì một mình. Hoặc họ luôn luôn trong một đám các phụ nữ và trẻ em hoặc dưới con mắt canh chừng của người cha, anh, chồng của họ, hoặc một vài người đàn ông bà con có trách nhiệm. Một phụ nữ, nhất là thiếu nữ mười bốn tuổi chưa kết hôn như bà Maria, mà đi bất cứ đâu một mình thì dễ bị kết tội là có ý định và hành vi xấu xa. Nếu chỉ có ông Giuse biết rằng bà đang mang thai vào lúc này, cuộc du hành một mình như thế chắc chắn sẽ khiến người khác nghĩ xấu về sự thai nghén của bà sau đó.
Chuyến đi từ Nagiarét miền Galilê là nơi bà Maria sinh sống đến một ngôi làng miền Giuđê nơi ở của bà Êligiabét sẽ mất bốn ngày. (Sau này truyền thống Kitô Giáo nhận diện đó là Ain Karem, tám cây số về phía tây của Giêrusalem). Vì sự du hành một mình thì không an toàn, người ta thường tham gia thành một đoàn lữ hành. Đây là điều có thể cho bà Maria, nhưng Luca không nhắc đến.
Có sự giải thích nào hợp lý văn hóa cho cuộc du hành đơn độc của bà Maria không? Chúng ta sẽ xem xét sự khả dĩ đó kế tiếp.
Thường khó khăn cho các tín hữu thành thạo ngày nay tạm bỏ qua kiến thức khoa học của mình để hiểu được những giải thích đơn giản hơn của con người. Chỉ trong khoảng 100 đến 150 năm qua chúng ta mới tìm hiểu các sự kiện về sinh sản và mang thai. Các tổ tiên trong Đức Tin của chúng ta chủ trương một quan điểm rất đơn giản về sự sống.
Người xưa tin rằng người nam gửi một con người tí hon, đã phát triển đầy đủ vào bụng người nữ. Người nam cung cấp một “hạt giống”; người nữ là “cánh đồng.” Theo quan điểm này, những khó khăn “thụ thai” thì hoàn toàn do lỗi của cánh đồng chứ không phải hạt giống.
Các phụ nữ mang thai thường cảm thấy sự cử động của đứa bé trong bụng. Bà Rêbécka cảm thấy sự cử động này và ngay cả nghĩ rằng bà mang thai hai đứa sinh đôi (Sáng Thế 25). Sự cử động đó được giải thích là một cuộc vật lộn giữa hai đứa trẻ, tiêu biểu cho sự tranh đấu tương lai của hai dân tộc chúng đại diện (St 25:22-23).
Bà Êligiabét giải thích sự cử động của đứa con trong bụng là một sự “nhảy mừng” khi nghe bà Maria chào hỏi. Khi bà Êligiabét cho cô em họ biết điều này, có lẽ bà Maria cũng được xác nhận trong sự tin tưởng ngày càng gia tăng về chính con của mình. Giống như thiên sứ loan báo, đứa con chưa sinh của bà thì thánh thiện (Luca 1:35). Sự thánh thiện này là một đặc tính mà nó có thể tránh khỏi hoặc bảo vệ chống lại sự dữ.
Trong biệt ngữ kỹ thuật tân thời, sự thánh thiện của một thai nhi là một sức mạnh “apotropaic”, đó là, một sức lực mạnh hơn sự dữ và các thần dữ. Bà Maria có thể dễ dàng kết luận rằng bà an toàn du hành đơn độc bởi vì bà sẽ được bảo vệ bởi sức mạnh đặc biệt của con mình, cũng như ông Tôbia (5:4) được bảo vệ bởi thiên thần Raphaen trá hình trong cuộc du hành ra nước ngoài. Con cháu của tổ tiên trong Đức Tin của chúng ta thuộc văn hóa Trung Đông thì rất tin vào bùa hộ mệnh hoặc những thứ tương tự (thường có mầu xanh dương) để bảo vệ họ khỏi sự dữ.
Năm 1946 Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh nhận xét rằng các thánh sử “chọn lựa một số điều nào đó trong nhiều điều được trao truyền lại; một số họ tổng hợp; và một số được họ giải thích với cái nhìn về hoàn cảnh của các giáo đoàn.” Đoạn này trong Luca được coi là một số điều ông phát triển như một nghệ sĩ về văn hóa và thần học gia. Nó không phải từ trí nhớ của bà Maria. Bà Maria sẽ là một cô em nhẫn tâm khi từ giã chị họ Êligiabét (như trong câu 56) vào lúc bà này cần đến nhất, khi sinh con!
Chắc chắn Luca biết đến những mâu thuẫn và những điều không chắc xảy ra của câu chuyện của mình. Các độc giả nguyên thủy của ông cũng vậy. Nhưng họ dễ nhận ra ý định của Luca. Ông muốn giải thích một chiều kích về nguồn gốc của ông Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu cho độc giả của ông. Do đó ông đưa hai bà mẹ tương lai lại với nhau để cho thấy làm thế nào cả hai đều nhận biết và chúc tụng Thiên Chúa là Đấng hoạt động tích cực trong cuộc đời tầm thường của họ.
Người Hoa Kỳ nổi tiếng về yếu kém kiến thức lịch sử, nhất là bất cứ gì xảy ra trước ngày sinh của họ. Do đó điều thật lạ lùng khi tín hữu Hoa Kỳ tìm cách theo đuổi sự kiện theo nghĩa đen của các câu chuyện trong Kinh Thánh tỉ như câu chuyện này, mà nó phục vụ một mục đích hoàn toàn khác biệt. Chúng ta chỉ có thể thán phục tài nghệ phi thường và sự linh hứng của thánh sử Luca, là người đã làm cho vấn đề của ông thật rõ ràng nếu tưởng tượng thành hình ảnh. Quả thật Thiên Chúa hoạt động trong các phương cách lạ lùng và huyền bí.