Anh chị em thân mến
Chúa nhật thứ III Mùa vọng này thường được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Lời kêu gọi “hãy vui lên” được lặp đi lặp lại trong các bài đọc. Chúng ta vui vì Chúa đã đến gần. Nhất là khi chúng ta họp nhau trong Thánh lễ thì Chúa rất gần. Người đang hiện diện giữa cộng đoàn chúng ta.
Ngôn sứ Xôphônia rao giảng trong thế kỷ VII trước công nguyên, vào những năm trước khi vua Giosias thực hiện cuộc cải cách tôn giáo.
Khi đó nước Do thái đang ở trong một tình trạng tồi tệ: bên trong thì đạo đức suy dồi, bên ngoài thì họa xâm lăng đang rình sẵn. Mặc dù vậy, Xôphônia vẫn kêu gọi dân chúng hãy vui lên, lý do là “Án lệnh phạt ngươi Thiên Chúa đã rút lại, và thù địch của ngươi Người đã đẩy lùi xa”.
Thánh vịnh này triển khai tâm tình lạc quan của bài đọc I: Lý do khiến dân Sion lạc quan là vì Thiên Chúa chính là sức mạnh và là Ðấng cứu độ họ.
Khi “dọn đường” tâm hồn cho các thính giả nghe Gioan giảng, ông đã nói “Hãy sám hối”. Người ta hỏi lại “Vậy chúng tôi phải làm gì?”. Và Gioan đã chỉ cho họ những việc cụ thể phù hợp với tình trạng cuộc sống của họ:
Gioan còn khiêm tốn phủ nhận những dư luận coi ông là chính Ðấng Messia, và giới thiệu Ðấng Messia thật cho họ biết.
Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Philipphê hãy vui và vui luôn mãi trong niềm vui của Chúa. Niềm vui này không chỉ là một tình cảm, nhưng phát sinh những hoa trái cụ thể trong cuộc sống: (1) sống hiền hòa rộng rãi với mọi người; (2) Không phải lo lắng gì cả, vì có gì thì cứ trình bày với Chúa; (3) Lòng trí luôn được bình an.
Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta hãy vui luôn. Nhưng làm thế nào để có thể vui luôn? Câu chuyện sau đây có thể cho ta câu trả lời.
Một người chăn cừu sai đứa con trai của mình đến hỏi một nhà hiền triết về bí quyết của hạnh phúc. Nhà hiền triết đưa cho chàng trai một chiếc muỗng đựng đầy dầu và bảo: “Hãy cầm chiếc muỗng đi vòng quanh tòa lâu đài này và cố làm sao đừng cho một giọt dầu nào bị đổ”.
Chàng trai nghe lời, đi vòng quanh tòa lâu đài, đôi mắt chẳng dám nhìn bất cứ thứ gì khác mà chỉ dán chặt vào chiếc muỗng. Khi chàng trở lại, nhà hiền triết hỏi “Có thấy gì không?”. Chàng trai đáp “Dạ chẳng thấy gì cả”. Nhà hiền triết lại bảo “Bây giờ hãy đi một vòng nữa và hãy mở mắt quan sát tòa lâu đài”. Chàng trai lại cầm chiếc muỗng đi một vòng. Lần này chàng chăm chú ngắm nhìn từng chi tiết của tòa lâu đài: những gian phòng rất đẹp, những món trang trí rất mỹ thuật, khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ, những vòi nước rất ngoạn mục... Khi trở lại, chàng kể hết cho nhà hiền triết nghe. Ông hỏi: “Thế những giọt dầu ta giao cho ngươi thì sao?” Chàng nhìn xuống chiếc muỗng. Ôi thôi, dầu đã đổ hết chẳng còn giọt nào.
Bấy giờ nhà hiền triết nói: “Ta chỉ có một lời khuyên nhỏ cho ngươi: bí quyết của hạnh phúc là khả năng vừa ngắm được mọi vẻ đẹp của tòa lâu đài, vừa không làm đổ mất một giọt dầu nào trong muỗng”. Chàng trai trẻ chợt hiểu: người chăn cừu có thể du ngoạn để ngắm nhìn những vẻ đẹp khắp nơi, nhưng không bao giờ được quên đàn cừu của mình. Bí quyết hạnh phúc là vừa chu toàn nhiệm vụ được giao cho mình, vừa vui hưởng cuộc sống.
Thật dễ có hạnh phúc khi ta làm điều ta muốn làm. Nhưng để tìm được hạnh phúc không phải trong điều ta muốn làm mà trong điều ta phải làm thì phải có ơn Chúa.
Hạnh phúc thật không do thỏa mãn được những ước muốn ích kỷ của mình. Hạnh phúc thật không thể có khi những điều ta làm lại khác với những điều ta tin. Hạnh phúc thật không thể có khi không có tình yêu. Bởi vậy nỗi buồn sẽ ập xuống trên ta mỗi khi ta trả lời “không” với tình yêu.
Chúng ta cũng không nên đồng hóa vui và sướng. Sướng thuộc về thể xác, còn vui thuộc về tinh thần. Sướng chẳng bao lâu rồi cũng sẽ chán, còn vui thì không bao giờ chán.
Ðiểm cuối cùng: chỉ có Chúa mới đong đầy mọi mơ ước của chúng ta, do đó nguồn phát sinh hạnh phúc chính là sự hiện diện của Chúa. Có Chúa trong đời ta thì đời ta sẽ vui. Ngôn sứ Isaia kêu gọi “Hãy vui lên”. Nhưng tại sao vui? Thưa vì “Có Chúa ở giữa chúng ta”. Và Thánh Phaolô viết cho tín hữu Philipphê “Tôi muốn anh chị em hãy vui luôn”. Tại sao? Thưa “Vì Chúa đã đến gần”. Niềm vui mà thế gian này không thể ban cho chúng ta là niềm vui xuất phát từ ý thức về Chúa và về tình yêu của Người đối với chúng ta. (FM)
Ngày xưa có một người thắp đèn thường được người ta gọi là Ông T. Ông làm nhiệm vụ thắp đèn hết sức chu đáo và đúng giờ. Mỗi tối khi màn đêm vừa buông xuống thì lập tức ngọn đèn của ông cũng sáng lên. Không ai biết ông làm thế nào để canh đúng giờ mà thắp đèn, bởi vì ông không có đồng hồ. Cuộc sống của ông cũng chẳng khá giả gì, nhưng ông yêu nghề của mình. Mọi người đều thương mến ông, nhất là trẻ con: khi trời tối khiến chúng không chơi đùa được nữa, thì ông đến, mang lại ánh sáng và chúng có thể tiếp tục chơi.
Công việc của Ông T. thật có ý nghĩa. Nhưng điều khiến ông vĩ đại là ông bị mù! Ông mang ánh sáng cho mọi người trong khi bản thân ông thì không nhìn thấy ánh sáng!
Cuối cùng thì điện đã đến với thị trấn này. Dân chúng trước đây quý mến ông thì bây giờ không còn nhớ gì đến ông nữa. Ánh điện sáng hơn ánh đèn nên chẳng ai màng tiếc nuối quá khứ làm chi nữa.
Ông T. nhắc chúng ta nhớ tới Thánh Gioan Tẩy giả. Cũng như Ông T., Thánh Gioan đã cần mẫn mang ánh sáng đến cho mọi người. Trong một thời gian, thánh nhân là sự ngưỡng mộ và quý mến của mọi người. Nhưng người luôn ý thức mình chỉ là kẻ dọn đường, một ánh sáng lớn hơn sẽ đến, và người sẽ không được đi trong ánh sáng tuyệt vời ấy. Và khi ánh sáng tuyệt với ấy là Chúa Giêsu đến, người lùi lại phía sau để nhường bước cho Chúa Giêsu. Thật là vĩ đại.
Không ai thành đạt chỉ nhờ vào bản thân mình, mà luôn có ai đó ở phía sau giúp đỡ mình, hướng dẫn mình, khuyến khích mình, nói tóm lại là chuẩn bị cho mình. Rồi khi mình thành đạt thì người ấy lặng lẽ biến đi vào quên lãng.
Ðể làm một kẻ dọn đường cho người khác thì cần phải có tinh thần khiêm tốn và quảng đại cao cả lớn lao. Thật vậy, vì đó là một hình thức chết đi chính mình. Rút lui khỏi một chức vụ lớn để rồi chết dần mòn trong một cuộc sống âm thầm là điều mà chỉ những người vĩ đại mới làm được. Có nhiều người làm hỏng mọi việc chỉ vì bám giữ quá lâu địa vị và quyền lực của mình.
Những bậc làm cha mẹ đã không ngại bỏ ra quãng thời gian tốt đẹp nhất của đời mình để chuẩn bị tương lai cho con cái. Khi con cái đã lớn, cha mẹ phải rút lui để chúng có thể sống cuộc đời của chúng. Ðó là sự vĩ đại của những người làm cha làm mẹ.
Nhiều người cứ muốn bám vào ánh đèn sân khấu rực rỡ chói chang, cứ muốn cho mình mãi sáng và đẩy người khác lùi vào bóng tối. Chúng ta không được làm thế. Chúng ta phải vận dụng hết mọi khả năng của mình để chiếu sáng tối đa, nhưng đồng thời cũng phải quan tâm đừng cản đường tiến của người khác. Vả lại, chúng ta còn phải nhớ rằng mình còn mang nợ của những kẻ đã dọn đường cho mình. (FM)
Kitô giáo là một đạo thực hành và có tính xã hội, nghĩa là không chỉ là tương quan giữa Chúa với tôi, mà là Chúa - tôi - và những người khác.
Có một câu chuyện về một người thợ giày tên là Martin. Ông sống và làm việc ở tầng hầm. Tầng hầm này chỉ có mỗi một cửa sổ, cho nên ông chỉ nhìn thấy những bàn chân của những người qua lại. Chỉ cần thấy đôi giầy của người đi qua là ông biết người ấy là ai.
Ðời ông rất vất vả. Vợ ông đã chết, để lại một đứa con trai. Tuy nhiên khi thằng con vừa đủ lớn để có thể giúp ông thì nó cũng lâm bệnh và chết. Ông Martin rơi vào tuyệt vọng. Chôn cất thằng con xong, ông bỏ đạo và rơi vào thói rượu chè.
Một ngày kia, một người bạn già đến thăm ông. Ông trút hết bầu tâm sự. Người bạn khuyên ông nên đọc Tin Mừng, mỗi ngày một đoạn. Và bảo đảm rằng nhờ đó ông sẽ tìm lại được ánh sáng và niềm vui cho cuộc sống.
Ông Martin làm theo lời bạn. Mỗi ngày làm việc xong tới chiều là ông cầm sách Tin Mừng đọc một đoạn. Ban đầu ông chỉ đọc những đoạn Tin Mừng Chúa nhật. Nhưng sau đó thấy hấp dẫn nên ông đọc luôn những ngày trong tuần. Dần dà đời ông thay đổi, niềm vui đã trở lại với đời ông.
Một đêm, khi ông đang đọc Tin Mừng thì ông nghe có tiếng nói với mình “Martin, ngày mai hãy nhìn qua cửa sổ, tôi sẽ đến thăm ông”. Vì khi đó chẳng có ai cả nên ông Martin tin rằng đó là tiếng Chúa nói với ông. Bởi đó sáng hôm sau, lòng ông rất phấn khởi. Ông vừa làm vừa nhìn qua cửa sổ. Ông chăm chú để ý mọi đôi giày đi qua đi lại để chờ xem Chúa có đến thăm ông không. Nhưng chẳng có một đôi giày nào lạ cả.
Ðến xế chiều thì ông thấy một đôi giày rất quen, đó là giày của một người lính già tên là Stephen. Mở cửa ra, Ông Martin thấy Stephen đang đứng chắn ngay cửa, hai tay khoanh chặt trước ngực vì trời đang rất lạnh. Ông Martin rất muốn hắn ta đi chỗ khác cho rồi kẻo cứ chắn cửa sổ khiến ông không thấy được Chúa nếu Người đi ngang qua. Tuy nhiên Stephen cứ đứng đấy mà run. Cuối cùng Ông Martin nghĩ rằng chắc là hắn đói nên mời hắn vào ngồi cạnh lò sưởi, đưa cho hắn một ly trà và một mẫu bánh mì. Một lát sau Stephan cáo từ. Ông Martin còn đưa thêm cho hắn một chiếc áo khoác để đỡ lạnh. Suốt khoảng thời gian tiếp Stephen, Ông Martin không quên để ý nhìn về cửa sổ. Mỗi lần có một bóng người đi qua là ông chăm chú nhìn. Nhưng chẳng có gì đặc biệt.
Ðêm xuống. Ông Martin thu dọn đồ nghề và miễn cưỡng đóng cánh cửa sổ. Ăn buổi tối xong, ông cầm quyển Tin Mừng và tình cở mở ngay đoạn này: “Bấy giờ dân chúng đến hỏi Gioan 'Chúng tôi phải làm gì?' Gioan đáp 'Ai có hai áo hãy chia cho người không có. Ai có gì ăn cũng hãy làm như vậy”. Ông Martin bỏ sách xuống và suy nghĩ, rồi ông chợt hiểu rằng quả thực hôm nay Chúa đã đến thăm ông qua anh chàng Stephen ấy. May mà ông đã đón tiếp tử tế. Thế là Ông Martin cảm thấy lòng tràn ngập vui mừng, một niềm vui mà từ trước tới nay ông chưa từng cảm nghiệm.
Ông Martin đã đón rước Chúa vào đời mình bằng việc đọc Tin Mừng. Và bước thứ hai đến một cách tự nhiên: ông đã đón rước Chúa qua việc đón rước người anh em đói khổ.
Chúng ta đang dọn đường cho Chúa đến, và chúng ta tin chắc rằng Người sẽ mang quà đến cho chúng ta. Nhung hãy nhớ rằng Chúa không chỉ đến trong lễ Giáng sinh. Người luôn đến, mọi lúc, mọi nơi, dưới mọi hình dáng, nhất là dưới hình dáng những người đang cần giúp đỡ. (FM)
Cuộc đối thoại độc đáo giữa một người tân tòng và một người chưa có niềm tin như sau:
- Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?
- Vâng, nói đúng hơn là tôi theo Ðức Ki tô.
- Vậy xin hỏi anh, ông ta sinh ra trong quốc gia nào?
- Rất tiếc là tôi đã quên mất chi tiết này.
- Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi?
- Tôi cũng không nhớ rõ nên chẳng dám nói.
- Vậy ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài?
- Tôi không biết!
- Quả thật, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thật sự đi theo ông Kitô!
- Anh nói đúng một phần. Tôi rất hỗ thẹn vì mình đã biết quá ít về Ðức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: Ba năm trước, tôi là người nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối, khi trở về nhà, vợ con tôi đều tức giận và buồn tủi.
Thế mà, bây giờ tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ, gia đình tôi đã tìm lại hạnh phúc, các con tôi trông ngóng, chờ tôi về sau giờ tan sở.
Những điều này không ai khác hơn, chính là Đức Ki tô đã làm cho tôi. Và đó là tất. cả những gì tôi biết về Người.
Khi lãnh phép rửa sám hối của Gioan, dân chúng hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10). Qua câu hỏi ấy, chúng ta thấy sám hối mang chiều kích cộng đoàn, sẵn sàng đổi mới bằng hành động cụ thể.
Các thánh thường nói: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Ðó là một thái độ sẵn sàng làm theo ý Chúa. Có được tâm tình ấy quả không dễ dàng. Nhưng nói được như Ðức Maria mới thực là cao quí: “Xin Chúa thể hiện nơi tôi điều ngài vừa nói” (Lc 1,38).
Người tân tòng trong câu chuyện trên đây, sau khi được đổi mới hoàn toàn, ông đã nói: “Những điều này không ai khác hơn, chính là Ðức Kitô đã làm cho tôi”.
Như vậy:
Vì thế, sám hối chính là dành cho Chúa Ki tô cơ hội để Người thanh tẩy tâm can, thay đổi con người, nhất là để Người biến những tâm tình và ước muốn của chúng ta nên giống những tâm tình và ước muốn của Người.
Mùa Vọng là mùa của hy vọng. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Cho dù con người có sa ngã, phản bội, Thiên Chúa vẫn theo đuổi chương trình cứu độ của Người. Cho dù thấp hèn tội lỗi, con người vẫn mang hình ảnh cao đẹp của Thiên Chúa, nên mỗi người đều được Thiên Chúa tin tưởng, yêu thương. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sám hối, đồng thời cũng kêu gọi chúng ta hãy hoàn toàn phó thác và hy vọng nơi Người.
Lạy Chúa Giêsu, sám hối là dọn đường cho Chúa đến, sám hối cũng là dọn lối để đến với tha nhân.
Xin dạy chúng con biết bày tỏ lòng sám hối bằng cách mềm mại để Chúa uốn nắn, và quyết tâm sống công bình bác ái với anh em. Amen (TP)
”Chúa đã đến gần”. Câu này nghĩa là gì?
a/ Ông nhà giàu và người thợ giày
Có một người thợ giày suốt ngày vui vẻ ca hát. Lúc nào trẻ con trong xóm cũng xúm quanh nghe ông hát.
Ðối diện nhà anh là một ông nhà giàu suốt đêm lo đếm tiền, đến sáng mới đi ngủ nhưng cũng không ngủ được vì tiếng hát của anh thợ giày. Một hôm ông nghĩ ra một cách buộc người thợ giày im tiếng hát.
Ông mời người thợ giày sang nhà ông và tặng anh một túi đầy những đồng tiền vàng. Anh thợ giày trở về nhà ngồi đếm tiền cả ngày. Ðám trẻ con nhìn anh, anh sợ chúng biết anh có nhiều tiền nên đuổi chúng đi và đóng cửa lại. Ban đêm anh cứ nhớ tới túi tiền nên không ngủ được, anh ngồi dậy đem túi tiền giấu ở một nơi kín đáo. Sau đó anh nghĩ rằng nơi đó cũng chưa đủ an toàn nên lại ngồi dậy đem giấu nơi khác. Ban ngày lòng anh cũng canh cánh lo sợ. Thế là anh không còn hát ca gì nữa, cũng không đóng được đôi giày nào nữa. Tệ hại nhất là trẻ con không còn tới chơi với anh. Một thời gian sau anh chịu không nỗi nửa, đem túi vàng trả lại ông nhà giàu. Thế là từ đó trở đi anh lại vui vẻ, hát ca và trẻ con trở lại chơi với anh. (Willi Hoffsemmer).
b/ Tiếng cười - tặng phẩm
Sau mấy ngày hội thảo đầy căng thẳng, hai nhà truyền giáo Theodore Cuyler và Charles Spurgeon đi ra ngoài xả hơi. Họ chạy nhảy giữa cánh đồng như thể các học sinh được nghỉ học, vui chơi thỏa chí. Cuyler kể một câu chuyện vui làm Spurgeon bật cười sảng khoái. Rồi thình lình ông nói:
- Này bạn Theodore, chúng ta hãy quì gối cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta tiếng cười vui vẻ vừa rồi.
Và rồi cả hai nhà truyền giáo vĩ đại đó thản nhiên quì trên bãi cỏ xanh tươi cám ơn Chúa trước quà tặng là tiếng cười đó.
Ðâu có gì mâu thuẫn giữa cầu nguyện và cười vui? Vì một đàng là biểu hiện của sức khỏe tâm linh, một đàng là của sức khỏe thể xác.
7. Bài giải thích của Origène (+ 253)
Phép rửa của Chúa Giêsu là rửa “bằng Thánh Thần và lửa” (Lc 3,17). Nếu bạn thánh thiện, bạn sẽ được rửa bằng Thánh Thần; nếu bạn tội lỗi, bạn sẽ bị rửa bằng lửa. Cùng một phép rửa sẽ thành án phạt và lửa cho những người tội lỗi bất xứng; nhưng các thánh, tức những người trở lại cùng Chúa với một niềm tin tưởng trọn vẹn, thì họ sẽ nhận được ơn sủng của Chúa Thánh Thần và ơn cứu độ.
Vậy, Ðấng được nói là “rửa bằng Thánh Thần và lửa” ấy, “tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẫy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Lc 3,17-18). Tôi muốn tìm hiểu xem vì sao Chúa cầm nia trong tay, và bởi luồng gió nào mà thóc lép bị thổi bay đi trong khi lúa mẫy, nặng hơn, thì gom lại một chỗ. Vì, nếu gió không thổi thì người ta không thể tách thóc mẫy ra khỏi thóc lép được.
Tôi tin rằng phải hiểu gió là những cơn cám dỗ khiến cho trong đám đông các tín hữu lẫn lộn lộ ra những người thuộc hạng thóc mẫy và những người thuộc hạng thóc lép. Vì chưng, khi tâm hồn bạn bị cám dỗ khống chế thì không phải cơn cám dỗ ấy biến bạn thành thóc lép, mà vì chính bạn thuộc về hạng thóc lép, tức là hạng người nhẹ dạ và không có đức tin. Cám dỗ chỉ vạch trần bản chất ẩn dấu của bạn mà thôi. Ngược lại, khi bạn can đảm chống lại cám dỗ thì cũng không phải cám dỗ làm cho bạn trở nên trung thành và kiên trì. Cám dỗ chỉ giúp làm hiện rõ những nhân đức kiên trì và can đảm có sẵn trong bản chất bạn trước đây còn ẩn kín mà thôi. Chúa đã nói: “Ngươi tưởng rằng Ta còn có mục đích nào khác hơn là làm tỏ lộ sự công chính của ngươi chăng?” (G 40,3 theo bản LXX). Chỗ khác Người còn nói: “Ta đã hạ ngươi xuống và cho ngươi chịu đói hầu bày tỏ ra điều gì đang có trong lòng ngươi” (Ðnl 8,3-5)
Cũng một cách ấy, bão táp không làm vững chắc cho “ngôi nhà xây trên cát” (Mt 7,24-25). Nhưng nếu bạn muốn xây nhà thì hãy “xây trên đá”. Khi ấy dù bão tố có nổi lên cũng không đánh đổ được ngôi nhà được xây trên đá, mà chỉ làm sập ngôi nhà xây trên cát thôi. Cũng vậy, trước khi nổi lên bão tố, gió thổi, sóng ùa, khi mọi sự còn yên tĩnh, chúng ta phải chú ý đến cái nền nhà, chúng ta phải xây ngôi nhà chúng ta bằng những viên đá vững chắc là các giới răn của Chúa; khi cơn bắt bớ bùng nổ làm cho các kitô hữu phải hoang mang lo lắng thì chúng ta chứng tỏ rằng ngôi nhà chúng ta đã được xây trên đá tảng là Chúa Giêsu Kitô.
Nhưng nếu ai đó chối bỏ Người - nguyện cho chúng ta thoát khỏi điều khốn nạn này - thì người ấy phải biết rằng không phải lúc việc nó chối Chúa được tỏ lộ rõ ràng thì nó mới chối Người đâu; nó đã mang sẵn trong mình nó những gốc rễ xa xưa của việc chối Chúa rồi; chỉ sau này khi người ta khám phá điều nó mang sẵn trong lòng thì điều ấy mới được công khai ra.
Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta là ngôi nhà vững chắc không cơn bão nào đánh đổ được vì đã được xây trên nền đá, trên Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Kính dâng Người vinh quang và quyền lực đến muôn thuở muôn đời, Amen.
Chủ tế: Anh chị em thân mến, thánh Phaolô mời gọi chúng ta: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa, và giãi bày trước mặt Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Trong niềm hân hoan trông chờ Con Chúa ngự đến, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. Hội thánh luôn khuyên nhủ con cái mình / cố gắng sống bác ái yêu thương với tất cả mọi người / tôn trọng công bằng trong đời sống xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết quan tâm đến lời khuyên tha thiết của Hội thánh / và cố gắng thực hiện trong đời sống đức tin thường ngày.
2. Trên thế giới ngày nay / vẫn còn biết bao người đang đói khổ vì thiên tai / vì thiếu lương thực thực phẩm trầm trọng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang lâm cảnh gian truân khốn khó / được cứu trợ đầy đủ và kịp thời.
3. Trong cuộc sống thường ngày / có một số người chỉ lo cho bản thân mình / mà ít khi quan tâm đến người khác / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu hiểu rằng / họ cần phải sống theo lời thánh Phaolô dạy: / là vui với người vui và khóc cùng người khóc.
4. Chia sẻ cơm áo cho những ai đói rách bần cùng / cũng như tôn trọng tài sản và danh dự của mọi người / là bổn phận của những ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng chu toàn các bổn phận quan trọng này.
Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con đang hết lòng trông đợi Chúa Giêsu Kitô, Con Một Chúa giáng trần để cứu độ chúng con. Xin Chúa ban ơn thanh tẩy tâm hồn chúng con sạch mọi vết nhơ tội lỗi, để xứng đáng đón mừng mầu nhiệm Giáng sinh cao cả. Chúng con cầu xin nhờ danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
- Chúc bình an: Có lẽ từ trước tới nay chúng ta chúc bình an cho nhau chỉ bằng một cử chỉ cúi chào, hờ hững, theo thói quen. Hôm nay, ý thức lời Chúa kêu gọi “Hãy vui lên”, chúng ta hãy chúc bình an cho nhau với một tâm hồn vui vẻ và một ước muốn làm một điều gì đó cho mọi người được vui.
Lời tung hô trước Tin Mừng trong Thánh lễ hôm nay là “Allêluia. Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Anh chị em ra về và hãy luôn nhớ thực hành lời đó.