Làm thế nào người ta nhận ra sự hối hận cá biệt? Bởi cư xử trong một phương cách khác biệt có thể quan sát được. Gioan Tẩy Giả đưa ra những ví dụ cụ thể cho những loại người khác nhau.
Trong văn hóa vùng Trung Đông người ta thường tin rằng nếu ai đó có thêm được điều gì, tự động người khác sẽ bị ít đi. Nếu ai đó có hai áo khoác, sự thừa nhận là người nào khác sẽ không có gì. Và trong văn hóa này sự ao ước có nhiều hơn nhu cầu của một người thì được coi là tham lam, thuần túy và đơn giản. Đó là sự xấu hổ.
Tuy nhiên, người ta không buộc phải đi ra ngoài phạm vi gia đình để cho đi chiếc áo thứ hai. Người ta có thể chu toàn bổn phận văn hóa này bằng cách đem nó cho một phần tử khác trong gia đình. Nói cho cùng, đó là người mà Cựu Ước hiểu là “người lân cận” (xem Thứ Luật 15:2).
Mức độ chia sẻ này thì càng hiển nhiên hơn trong trường hợp chia sẻ thực phẩm (Luca 3:10), vì các nông dân sống ở mức tối thiểu và không bao giờ có dư để phân phối ngoài gia đình. Đây là đoạn trong Phúc Âm trước khi Đức Giêsu khuyến khích người đói nghèo hãy chia sẻ rộng rãi hơn (Luca 9:10-17). Quan điểm của họ thật giới hạn chỉ trong vòng gia đình bà con, nhưng ngay ở đây sự tham lam và ích kỷ thường xen vào (Luca 12:13-15). Vì lý do này ông Gioan khuyến khích rằng những tương giao gia đình được đặt trong một sự cân bằng lành mạnh hơn.
Hệ thống thuế khóa của Hoa Kỳ không có chút gì chung với hệ thống của người La Mã xưa. Chữ Hy Lạp mà Luca dùng ở đây để nhận biết những người này là nhân viên thu lệ phí. Công việc của họ là thu lệ phí hàng hóa đi vào, đi ra, hay được chở ngang qua một quận lỵ cũng như lệ phí trên hàng hoá đi ngang qua các giao điểm như cầu, cổng vào thành, hay các bến.
Các nhân viên thu lệ phí mà ông Gioan đề cập ở đây (và trong 5:27, 29, 30; 7:29, 34; 15:1; 18:10, 11, 13) làm việc cho một người giống như ông Giakêu (Luca 19:2), một “thủ lãnh” nhân viên thu lệ phí. Trong Đế Quốc La Mã một thủ lãnh thu lệ phí thường là người địa phương mà họ đấu được thầu thu lệ phí nhưng phải trả tiền định giá cho La Mã ngay khi thắng thầu. Sau đó công việc của ông là thu lại số tiền này và nếu có thể kiếm được tiền lời.
Nhân viên của ông thủ lãnh thu lệ phí này thường là người vô gia cư không có gốc gác, vì thế hoàn toàn không có khả năng tìm được công việc khác. Chứng cớ này cho thấy bất cứ sự gian lận hay lạm thu về phần của họ sẽ chỉ có lợi cho chủ nhân hơn là chính họ. Tuy vậy, nhiều nhân viên này thì công bằng và thành thật. Và rất ít thủ lãnh thu lệ phí thì “giầu” như ông Giakêu. Toàn thể hệ thống này thì nguy hiểm, dễ bị lạm dụng, và không có lời.
Do đó ông Gioan đề cập chính yếu đến các nhân viên của thủ lãnh thu lệ phí và thúc giục họ hãy hài lòng với “số tiền được ấn định cho họ” (Luca 3:13), đó là, tiền huê hồng của họ. Đây là ý thức chung phù hợp văn hóa. Ông không nói gì về việc cải tổ hệ thống áp bức này.
Không có các đạo binh La Mã trấn đóng ở Palestine vào thời gian này, người Giuđê ở Palestine thì được miễn phục vụ trong các đạo binh La Mã kể từ thời hoàng đế Julius Caesar. Do đó, các binh lính này tốt nhất phải được hiểu là người Giuđê được tuyển mộ để phục vụ vua Hêrốt Antipas. Các binh lính này bị khinh miệt vì họ làm việc cho vua bù nhìn của La Mã và tìm cách củng cố ý định của La Mã, nhà cầm quyền chiếm đóng. Sự kiện họ bị khích động để “hoán cải” thì đáng chú ý cũng như sự ao ước của họ là có một đời sống tốt hơn.
Theo nghĩa đen, ông Gioan nói rằng “đừng tống tiền hay đe dọa báo cáo với chính quyền.” Hãy hài lòng với số tiền trả, hoặc khẩu phần và các đồ dự phòng. Không có gì khác hơn là lối cư xử lý tưởng của quân đội được đưa ra bởi Caesar Augustus.
Trong ba thí dụ được Luca đưa ra trong sự giảng dạy của ông Gioan, thánh sử này dường như không thể hay không muốn đề nghị sự cải tổ hệ thống thuế khóa bất công hoặc khích lệ sự phản đối theo lương tâm. Thật vậy, ý định thực sự của Luca là thuyết phục Dân Ngoại rằng Kitô Hữu không phải là một đe dọa đối với nền văn minh La Mã, ông trình bày quân đội này trong một ánh sáng tích cực (xem thêm 7:1-10; 23:47).
Ảnh hưởng của sự rao giảng của ông Gioan dù sao thì quan trọng: “Dân chúng bị khiêu gợi sự tò mò.” Có thể nào Gioan là Mêsia chăng? Không, ông Gioan tự phân biệt mình một cách thận trọng với “đấng sẽ đến.”
Tín hữu Hoa Kỳ hiểu gì về những lời cổ vũ của ông Gioan Tẩy Giả? Sự tham lam, ích kỷ, và lạm dụng quyền hành cũng như chức vụ thì luôn ở với chúng ta. Ai trong chúng ta sẽ là tiếng nói thời đại kêu lên trong hoang địa? Ai sẽ kêu gọi chúng ta hoán cải và mời gọi chúng ta hãy sống trọn vẹn tin mừng này?