Khi là phó tổng thống Hoa Kỳ, ông George Bush đã đến tham dự tang lễ của nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô là Leonid Brezhnev. Ông đã chứng kiến một cử chỉ hy vọng thật can đảm của bà góa phụ Brezhnev. Khi quan tài sắp sửa đóng lại, bà đã làm dấu thánh giá trên ngực người chồng quá cố – một phản đối âm thầm nhưng táo bạo ngay trong lòng một thế lực trần tục, và vô thần. Qua cử chỉ này bà nói lên niềm hy vọng rằng chồng bà đã có những tin tưởng sai lầm, rằng sau đời này thực sự còn có đời sau, và tiêu biểu cho sự sống đời sau là Chúa Giêsu Kitô, người đã chết trên thánh giá. Bà hy vọng rằng Chúa Giêsu sẽ thương xót chồng bà. (theo Gary Thomas, nguyệt san Christianity Today, tháng Mười, 1994).
Hy vọng là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống. Mỗi người chúng ta sống với những hy vọng mà nó khuôn đúc hành động và những lựa chọn của chúng ta. Cha mẹ hy vọng con cái trở thành người tốt. Học sinh hy vọng có được điểm hạng cao. Sinh viên tốt nghiệp hy vọng có được ngành nghề đầy ý nghĩa. Người đau yếu hy vọng được lành bệnh. Chúng ta sống với hy vọng, dù lớn hay nhỏ, và hy vọng thường gia tăng lớn mạnh trong những hoàn cảnh tuyệt vọng.
Đây là tình trạng của người Ít-ra-en trong thời gian của Ngôn Sứ Baruch, khoảng thế kỷ II trước Tây Lịch. Nước này đang dưới sự đô hộ của đế quốc Xê-lu-xít, nhiều người Ít-ra-en phải đau khổ trong cảnh lưu đầy. Họ tuyệt vọng tự hỏi, “Thiên Chúa chúng ta ở đâu? Không lẽ Người đã quên lời hứa?” Nhưng Ngôn Sứ Baruch trấn an họ rằng sự vinh hiển và bình an của Thiên Chúa sẽ trở lại, đánh dấu một thời đại mới cho dân của Người. Những lời chúng ta nghe trong bài đọc một hôm nay là để khơi dậy niềm hy vọng của người Ít-ra-en, và nhắc nhở họ rằng Thiên Chúa luôn trung tín, ngay cả khi họ chờ đợi đấng Mêsia đến.
Sang thời kỳ của Chúa Giêsu, người Ít-ra-en vẫn dưới sự cai trị của ngoại bang, lúc bấy giờ là người La Mã. Phongxiô Philatô, tổng trấn miền Giuđê, thì thối nát và độc ác. Hêrốt, một ông vua bù nhìn, cai trị xứ Galilê dưới quyền của La Mã, và các thượng tế Anna và Caipha giữ các chức vụ bởi sự chỉ định của La Mã chứ họ không thuộc dòng dõi tư tế Lêvi. Các thực tại chính trị và tôn giáo này cho thấy người Ít-ra-en rất tuyệt vọng, họ cần được giải thoát – họ mong chờ đấng Mêsia đến đem lại tự do và bình an.
Trong sự tuyệt vọng, ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện, ông là ngôn sứ cuối cùng của người Ít-ra-en, chu toàn lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: “Có tiếng kêu trong hoang địa: ‘Hãy chuẩn bị con đường của Đức Chúa.’” (Is 40:3). Ông Gioan là tiếng kêu đó, ông kêu gọi dân chúng chuẩn bị cho đấng Mêsia. Cũng như các thành phố làng mạc chuẩn bị đón một ông vua đến thăm thì phải san bằng các lồi lõm, dọn dẹp các chướng ngại, thông điệp của ông Gioan kêu gọi sự chuẩn bị về tinh thần: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” (Luca 3:5).
Lời tuyên bố của ông Gioan thì vượt trên những hành động bên ngoài. Ông kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, ông thúc giục người ta thay đổi tâm hồn và quay về đường lối của Thiên Chúa. Chính ông làm gương cho sự sám hối này qua lối sống khiêm hạ trong hoang địa và cam chịu những kham khổ. Ông làm phép rửa ở sông Giođan – mà ngày xưa dân Ít-ra-en phải vượt qua để tiến vào đất hứa – như muốn nhắc lại hành trình từ nô lệ đến tự do.
Mùa Vọng mời chúng ta hãy chuẩn bị cho hai biến cố vĩ đại trong lịch sử nhân loại: mừng đón sự giáng trần của Đức Kitô và sự trở lại vinh hiển của Người vào lúc tận thế. Những bài đọc tuần qua nhấn mạnh đến sự giáng lâm lần thứ hai của Đức Kitô. Tuần này, chúng ta chú trọng đến việc chuẩn bị sự giáng sinh của Chúa, lắng nghe lời kêu gọi của ông Gioan Tẩy Giả chuẩn bị tâm hồn và đời sống.
Chúng ta có thể chuẩn bị như thế nào?
Chúng ta sống trong một thế giới mà tinh thần đích thực của mùa Vọng thường bị trùm lấp bởi tiếng ồn ào của chủ nghĩa tiêu thụ. Những tuần lễ trước Giáng Sinh trở nên đồng nghĩa với sự điên cuồng mua sắm, với danh sách thật dài những gì phải làm, và tập trung quá mức vào những chuẩn bị vật chất. Các sinh hoạt thương mãi như “Black Friday,” “Cyber Monday,” và “đại hạ giá cuối năm” làm chủ tâm trí chúng ta, thu hút chúng ta vào chu kỳ bận rộn khiến quên đi mục đích tinh thần của mùa thánh thiện này. Thay vì chuẩn bị tâm hồn đón Chúa giáng trần, chúng ta thấy mình bị vướng bận vào việc mua sắm nhiều đồ đạc hơn hay lo lắng tổ chức những bữa tiệc hoàn hảo hơn.
Mùa Vọng mời chúng ta hãy dừng lại và suy nghĩ. Đây là không phải thời gian cho những món quà đặt dưới cây Noel, nhưng cho món quà vĩ đại nhất mà nhân loại đã từng có – sự giáng trần của Chúa Giêsu Kitô. Trong bài đọc hai hôm nay, những lời của T. Phaolô gởi cho tín hữu Philípphê nhắc nhở chúng ta về những gì thực sự quan trọng: “Điều tôi cầu xin, là lòng mến của anh chị em càng thêm dồi dào, trong sự hiểu biết và mọi loại nhận thức, để nhận ra những gì có giá trị, như thế anh chị em được nên tinh tuyền và không đáng trách trong ngày Đức Ki-tô quang lâm.” (Phil 1:9-10). Những lời này thách đố chúng ta hãy bước ra khỏi những sao nhãng của thế gian và tập trung lại vào những gì lâu dài và vĩnh cửu.
Mùa Vọng là để tái khám phá ra những gì thực sự có giá trị – không phải những vui thú chóng qua hay giầu sang vật chất, nhưng là tình thương, đức tin, và sự tương giao với Thiên Chúa. Đó là một lời kêu gọi hãy biến đổi các ưu tiên của chúng ta từ các lợi ích thế gian sang sự gia tăng tinh thần, từ việc mua sắm sang việc cho đi, từ sự bận rộn sang việc nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Mùa Vọng kêu gọi chúng ta hãy chuẩn bị một chỗ cho Hài Nhi Giêsu giữa những ồn ào và xô bồ, để sống lời của ông Gioan Tẩy Giả: “Hãy chuẩn bị con đường cho Đức Chúa, hãy sửa lối cho thẳng để Người đi.”
Khi đi qua các tuần lễ mùa Vọng, chúng ta hãy thành thật tự hỏi mình: Tôi có bị chìm đắm trong những ồn ào của thế gian khiến tôi thấy khó khăn để lắng nghe tiếng Chúa không? Tôi có bị lọt vào những vòng lẩn quẩn của sự tuyệt vọng, lo lắng, hay tội lỗi, cảm thấy như không có ai và không có gì thực sự giúp được tôi không? Tôi có nhìn nhận rằng tôi cần đến Đấng Cứu Thế để giải thoát tôi khỏi sự ràng buộc của tội lỗi, và lấp đầy sự trống rỗng của tâm hồn tôi không?
Xin Thiên Chúa ban ơn giúp sức để chúng ta có thể vượt qua những bận rộn của đời sống, và thực sự chuẩn bị cho sự ngự đến của Chúa Kitô. Bởi theo gương của T. Gioan Tẩy Giả, chúng ta hãy tạo một khoảng trống trong tâm hồn để Chúa Kitô ngự vào, biến đổi chúng ta trở nên các ngọn đèn sáng tỏa tình yêu và niềm hy vọng của Thiên Chúa cho thế gian. Amen.