Đại khái giữa năm 150 TTL và 250 TL một phong trào “thanh tẩy” xuất hiện ở Palestine. Rất nhiều nhóm Giuđê và Thiên Sai (Messianist) ở thời điểm này thực hành một số loại nghi thức thanh tẩy, hay rửa tội. Các nhóm này gồm người Essene ở Qumran, người Ebionite, Gioan và các môn đệ của ông, Đức Giêsu và các môn đệ của Người (xem Gioan 3:25; 4:1), và sự đa dạng của các tín hữu ngộ đạo thuyết (Gnostic).
Gioan Tẩy Giả và nhóm của ông thì rất nổi tiếng. Khi Hêrốt Antipas nghe biết về các tác vụ của Đức Giêsu, ông bày tỏ quan điểm chung thời bấy giờ rằng Gioan Tẩy Giả đã chỗi dậy từ cõi chết. “Ta đã chém đầu Gioan; nhưng người này là ai mà ta nghe biết những điều như thế” (Luca 9:7-9).
Hơn nữa, Gioan đã hoán cải nhiều người và có nhiều người đi theo ông. Trong Công Vụ Tông Đồ, là cuốn đi kèm theo Phúc Âm của mình, Luca nhận xét rằng ở Êphêsô, Priscilla và Aquila đã nhìn nhận Apollos là một môn đệ được Gioan thanh tẩy (CV 18:25). Tuy Apollos biết và giảng dạy về Đức Giêsu cách chính xác, họ đã giải thích nhiều điều cho ông này càng “chính xác hơn nữa” (18:26). Ông Phaolô cũng tìm thấy ở Êphêsô thêm mười hai môn đệ được thanh tẩy bởi ông Gioan (CV 19:1-7) và đã tái thanh tẩy họ trong danh của Đức Giêsu.
Sự thanh tẩy được thi hành bởi các nhóm khác nhau này thì có các hình thức khác nhau và các ý nghĩa đa dạng kèm theo. Luca giải thích sự thanh tẩy của ông Gioan là: “một sự thanh tẩy sám hối để được tha tội.”
Tâm điểm thông điệp của ông Gioan là cần phải sám hối. Chữ Hy Lạp và chữ Hebrew tương ứng thì rất quen thuộc với thính giả của ông. Trong đời sống hàng ngày, chữ này đơn giản có nghĩa là “một sự thay đổi tâm trí.” Trong một khung cảnh tôn giáo cũng chữ này lại có nghĩa “mở rộng chân trời, biến đổi cảm nghiệm, canh tân đời sống.” Chúng ta thường dùng chữ “hoán cải.”
Trong tâm trí người Do Thái, ý nghĩa tôn giáo của những chữ này bao gồm ý tưởng “trở về” với Thiên Chúa từ những đường lối mà nó bất tuân phục hay làm mất lòng. Trong sự cổ vũ Ngôn Sứ Êdêkien hãy kiên trì rao giảng, Thiên Chúa nói: “Nếu ngươi đã cảnh cáo kẻ gian ác, và nó không từ bỏ sự độc ác hay đường lối xấu xa của chúng, chúng sẽ chết vì tội của chúng” (Êdêkien 3:19). Hiển nhiên cần có nỗ lực của con người: một sự suy nghĩ sâu xa và quyết tâm thi hành điều gì đó mà họ khám phá ra.
Trở về với Thiên Chúa sẽ có được sự tha thứ tội lỗi. Ông Gioan Tẩy Giả không giải thích ý nghĩa của ông, nhưng trong các Phúc Âm, sự suy diễn gần nhất với câu này là sự “tha nợ.” Thật vậy, đây là điều Luca viết trong phiên bản kinh Lạy Cha của mình: “xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha thứ cho bất cứ ai mắc nợ chúng con” (Luca 11:4; x. Mt 6:12). Ở đây, tội thì cũng giống như món nợ.
Các nông dân thì rất quen thuộc với món nợ. Họ thường xuyên sống trong nợ. Trong thế giới nông dân thế kỷ thứ nhất ở Palestine, món nợ đe dọa sự mất mát đất đai, đời sống, và gia đình. Hãy nhớ lại dụ ngôn của Đức Giêsu trong Mátthêu 18:23-25 mà một người không thể trả nổi mười ngàn yến bạc ông mắc nợ thì được ra lệnh phải bán tất cả vợ con cũng như tài sản của mình để trả nợ.
Nông dân đó thành công trong việc xin vua tha nợ cho mình (c. 27). Ông đã cứu được mạng sống và danh dự của mình. Không may, ông đã không đối xử tương tự đối với một nông dân khác là người nợ ông rất ít. Cuối cùng, vị vua bắt nông dân vô ơn này “bị tra tấn” cho đến khi trả hết món nợ (c. 34).
Trong bài phúc âm hôm nay, Gioan Tẩy Giả thúc giục dân hãy trở về với Thiên Chúa từ những đường lối xấu xa để Thiên Chúa có thể tha thứ và quên đi những gì mắc nợ. Với Gioan, nghi thức thanh tẩy trong sông Giođan tiêu biểu cho sự trở lại này. Tuy ý nghĩa rõ ràng của nghi thức thanh tẩy của ông Gioan không bao giờ được giải thích dứt khoát trong các Phúc Âm, một thực hành tương tự ở Qumran cung cấp một nền tảng hợp lý.
Trong cuốn Rule of the Community (Quy Luật Cộng Đồng) ở Qumran (5:13-14) chúng ta đọc: “Họ [các phần tử có triển vọng của cộng đồng] không được bước vào hồ nước [để] chia sẻ trong bữa tiệc thanh khiết của các thánh [cộng đồng Qumran], vì họ sẽ không được tẩy sạch nếu họ không xa lánh hành vi xấu xa; vì tất cả những ai vi phạm lời của người thì không sạch.”
Trước sự vui thích khi lừa gạt và dối trá của văn hóa Địa Trung Hải nói chung, các ngôn sứ và những người cải cách quả quyết rằng Thiên Chúa không vui thích với hoặc bị lừa bởi sự giả bộ hay không thành thật. Một người quyết tâm trở lại với Thiên Chúa thì tốt hơn phải chân thành và ngay thật trong mọi chiều kích của nghi thức này. Một người như thế thì tốt hơn hãy thi hành những gì nghi thức thanh tẩy tiêu biểu.
Một tín hữu Hoa Kỳ ngày nay nghe thấy gì trong thông điệp của Gioan Tẩy Giả? Sống trong một quốc gia giầu sang và hùng mạnh “dưới Thiên Chúa,” là nơi các phúc lành của Thiên Chúa dường như được thấy ở khắp nơi, những gì một tín hữu Hoa Kỳ phải hoán cải? Và tín hữu này phải quay về đâu? Những câu này thì không dễ trả lời, nhưng tuần này của mùa Vọng là một cơ hội để suy nghĩ. Chúng ta sẽ nghe những đề nghị của Gioan Tẩy Giả vào tuần tới.