Các độc giả Kinh Thánh thì rất quen thuộc với những câu chuyện thù hằn giữa anh em trong các gia đình miền Địa Trung Hải xưa: Giacóp và Esau (St 27); Giuse và mười một người anh (St 37). Sự thừa kế thường là một yếu tố chính gây nên sự thù hằn này.
Các anh em được khen ngợi trong Thánh Vịnh 133:1 vì sống đoàn kết với nhau minh họa cho tình trạng người cha chết đi và không nói rõ việc phân chia tài sản. Theo luật La Mã, sự phân chia di sản chỉ đòi hỏi nếu cả hai phần tử muốn có di sản đó. Luật Do Thái cho phép phân chia theo yêu cầu của một người con trai (xem Luca 15:12), nhưng đó là sự xỉ nhục bởi vì nó hiển nhiên nói lên sự ao ước là người cha bị chết.
Trong câu chuyện hôm nay, Đức Giêsu được mời làm người hòa giải, một vai trò rất khó khăn nhưng vinh dự trong nền văn hóa này. Những xung đột có thể dễ leo thang đến thù hận đổ máu mà không ai muốn. Vai trò chính của người hòa giải là ngăn chặn những thù hận đổ máu. Vai trò này được vinh danh và cổ vũ trong Các Mối Phúc của Mátthêu (5:9): “Thật đáng kính mến và quý trọng thay những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được coi giống như Thiên Chúa.”
Một cách lý tưởng, người hòa giải là một người bà con tối thiểu cách năm đời với các phần tử tương tranh. Trên hết, người hòa giải phải là một người mà, bởi vì nhân cách, địa vị, sự kính trọng, giầu có, ảnh hưởng, hay các đặc tính khác, có thể khiến các người kiện tụng tuân theo quyết định của mình.
Đức Giêsu đáp trả lời mời vinh dự ấy theo hai cách. Thứ nhất, Người theo vai trò phổ thông của sự khiêm tốn. Ngỏ lời và đón nhận những lời khen trong nền văn hóa này thì nguy hiểm. Đức Giêsu bảo vệ mình khỏi sự ganh tị và con mắt độc ác bởi làm bộ khiêm tốn: “Này bạn, ai đặt tôi làm quan tòa hoặc người phân xử các bạn?”
Thứ hai, Đức Giêsu đưa ra lý do thực tế để từ chối. Người cho rằng mình bị lôi vào cuộc tranh chấp này bởi sự tham lam.
Trong xã hội Địa Trung Hải xưa, quan điểm thịnh hành của người dân quê là họ tin rằng “điều này không còn ở đâu khác,” Đủ mọi thứ - sức khỏe, của cải, vinh dự - hiện có một cách giới hạn mà nó đã được phân phối. Số lượng này thì đủ cho từng người. Bất cứ ai có được sự gia tăng, ngay cả không cố ý, thì được coi là một tên trộm. Người nào đó chắc chắn đã bị mất. Bất cứ ai có ý muốn và cố sức có thêm là tham lam.
Các văn gia xưa xác nhận những ấn tượng này. Aristotle nhận xét: “Lượng của cải đủ cho một đời sống tốt lành thì không phải không giới hạn” (Politics III, 9, 1256b). Clement ở Alexandria quan sát: “Không ai phải bần cùng khi nói đến các nhu yếu phẩm của đời sống, cũng không ai bị bỏ qua” (Paidagogos, II, 14, 5). T. Giêrôm quả quyết: “Bất cứ ai giầu đều là kẻ trộm hoặc thừa kế của một tên trộm” (On Jeremiah, II, V, 2).
Trong dụ ngôn của Đức Giêsu về người có vụ mùa bội thu, Thiên Chúa không hài lòng về hoạch định của ông này là “tích trữ cho tương lai” trong các kho lớn hơn. Thiên Chúa gọi ông này là một người dại dột! Người này đáng bị sự phán xét của Thiên Chúa. Hiển nhiên người này là một điền chủ, một thiểu số rất nhỏ trong xã hội thời Đức Giêsu. Ông ta có vẻ sống trên phần đất của mình và hưởng hoa lợi của ruộng đất. Khi ông nhận thấy sự to lớn của thu hoạch, ông dự định phá hủy các kho cũ và xây những cái lớn hơn.
Nhưng “hoạch định tương lai” của ông bị Thiên Chúa lên án và ngay cả bởi những lời dại dột của chính ông. “Ngươi có của cải phong phú để dành cho nhiều năm,” người dại dột nói. “Hãy nghỉ ngơi, ăn uống, và say sưa” (c. 19). Ông dự trữ cho những năm mất mùa tương lai, nhưng không chỉ để vui thú của chính mình. Khi các tiểu chủ trong làng phải đến với ông và mượn lúa thóc, ông sẽ tính giá cắt cổ với hy vọng tịch thu thêm đất cho chính mình.
Người dại dột này phải làm gì? Cũng giống như bất cứ ai trong địa vị này phải làm: phân phát của cải dư thừa cho người khác, ngay lập tức. Người chủ đất may mắn này ở một vị thế tốt là trở nên một “ông chủ” (patron), để chọn lựa thêm các thân chủ (client), hoặc đơn giản là một người từ tâm. Ông có thể thi hành những gì Đức Giêsu đã khen ngợi người quản lý khôn ranh (Luca 16:1-9) vì biết dùng của cải dư thừa như một phương tiện để có thêm các bạn hữu để khi không còn của cải nữa, các bạn hữu sẽ vẫn đền đáp sự tử tế ấy, như nền văn hóa này mong đợi.
Các tổ tiên của chúng ta không bao giờ thất bại khi thách đố chúng ta.