Chương 13 Tin Mừng Mác-cô (thường được gọi là “Diễn từ Cánh chung”, kể từ câu 5 đến hết, c. 37) đã được trích đọc vào Chúa nhật 1 Mùa Vọng (cc.33-37) để khai mạc năm phụng vụ B, mà cũng được trích đọc hôm nay để kết thúc năm phụng vụ này. Bài Tin Mừng hôm nay là thành phần của Diễn từ Cánh chung đó.
Sau các câu 5-13 bàn tới các nguy hiểm khác nhau và các câu 14-23 mô tả cơn thử thách tột đỉnh của các tín hữu là đến đoạn văn ta đang suy niệm. Trên cái nền u tối vừa thấy, bản văn diễn tả cuộc chiến thắng cuối cùng của Con Người, cuộc quy tụ vĩ đại của toàn thể nhân loại; nó đồng thời trở lại với câu hỏi đã khiến Đức Giê-su nêu lên Diễn từ Cánh chung: “Bao giờ các sự việc ấy xảy ra, và khi tất cả sắp đến lúc tận cùng, thì có dấu hiệu gì báo trước?” (c.4).
Bản văn sử dụng ngôn ngữ khải huyền (đã có từ trong Cựu Ước) là một ngôn ngữ có những nét đặc trưng: không được hiểu các chi tiết theo mặt chữ, bao giờ cũng hướng về tương lai, hướng về chung cục, “ngày của Đức Chúa”, lúc Thiên Chúa toàn thắng, và sau hết nhắm mục đích giúp tín hữu vượt qua các quẫn bách hiện thời.
Trước tiên, Đức Giê-su nói: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống.” Đó sẽ là kết thúc của một lịch sử rất dài, vốn đã khởi đầu với “big-bang”, vụ nổ lớn nguyên thủy làm phát sinh vũ trụ. Kinh Thánh đã kể điều không thể kể này với nhiều từ của loài người: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời và đất... Người làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao” (St 1,1.16). Cũng với các từ của loài người chúng ta mà Đức Giê-su đã gợi lên cảnh tận thế trong thể văn khải huyền truyền thống, với cùng bộ tam: mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, nghĩa là thế giới, vũ trụ. Lúc khởi đầu đã nổi lên một thế giới với không gian và cuộc tiến hóa của nó qua bao thế kỷ. Lúc cùng tận sẽ nổi lên một thế giới khác, trong một không gian khác và sẽ tồn tại đời đời.
Xuyên qua những dò dẫm, những đảo lộn, những khốn khổ, thậm chí những đại họa, lịch sử của vũ trụ luôn quy hướng về Con Người đang đến. Cuộc “tiến hóa” vật chất vô sinh rồi hữu sinh đã dẫn tới sự xuất hiện của con người. Với nội lực là tinh thần, con người từ đó thực hiện cuộc “văn hóa” (động từ), cố gắng biến mọi sinh hoạt của mình và thế giới quanh mình nên tốt (thiện), đúng (chân) và đẹp (mỹ). Nhưng công cuộc này đã chẳng mấy thành công, duyên do là vì tội lỗi và cái chết. Cần phải có một nội lực mới mẻ, nội lực Thánh Thần, đã được Ngôi Lời nhập thể mang lại, để nâng đỡ cuộc văn hóa và chuyển nó thành cuộc “thánh hóa”. Công cuộc thánh hóa này đưa con người tới Con người mới (x. Ep 2,15), hay nói cách khác tới Con Người mà trong đó tất cả nhân loại được quy tụ, có Đức Ki-tô phục sinh là đầu, về với Thiên Chúa Đấng Thánh là Chân, Thiện, Mỹ đích thực.
Và đó là điều mà bản văn Kinh Thánh hôm nay muốn cho trình bày cho ta. Nó không tìm cách làm chuyện khoa học (như ta có thể thoạt nghĩ qua những hình ảnh mô tả) nhưng làm chuyện tôn giáo, nó mạc khải dự định của Thiên Chúa là: như đã có một khởi đầu, Sáng tạo, thì cũng sẽ có một kết thúc và một tái khởi đầu in dấu cuộc Quang lâm (đến trong vinh quang) của Đức Ki-tô: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn.” Đây là điều chủ yếu, là không gian mới, là lịch sử mới: mọi người đều sống vĩnh cửu với Đức Ki-tô.
Một Đức Ki-tô mặc lấy những chiều kích đích thực của mình (chiều kích vũ trụ): chính Người là kết điểm của thế giới chúng ta, chính Người là khởi điểm của thế giới mới, chính Người là tụ điểm, là vĩnh cửu. Mác-cô đã viết Tin Mừng của ông để nói với ta rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Làm sao diễn tả điều ấy tốt hơn nữa? Thì với nhãn quan này: Đức Giê-su Ki-tô sẽ đến, Người sẽ tổ chức lại mọi sự, và đó sẽ là sự sống vĩnh cửu, đời đời.
Không quan trọng mấy những điểm tối tăm, khó hiểu ở cuối bản văn: như việc Đức Giê-su chẳng biết ngày giờ cùng tận và nghĩa chính xác của thành ngữ “thế hệ này”. Chớ hoang mang về chuyện vô tri này, đó chỉ là cực điểm của mầu nhiệm Nhập thể: Đức Giê-su Ki-tô sẽ là vĩnh cửu của chúng ta, nhưng lúc nói ở đây, ngay trước khi bước vào cái chết, Người không biết ngày và giờ của big-bang cuối cùng được! Dầu sao chỉ có một chuyện đáng kể: “Thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự trong đám mây mà đến,” Cuộc Sáng tạo đã được thực hiện là để hướng về cuộc Quang lâm. Lịch sử đi qua một tiến trình “tam hóa”: từ tiến hóa sang văn hóa rồi đến thánh hóa, một công cuộc kết thúc với việc Đức Ki-tô tái xuất hiện huy hoàng.
Nhân loại được sinh ra cho buổi sáng rạng ngời nầy. Lịch sử của loài người là sự cưu mang, là sự chuẩn bị cho cuộc đản sinh thứ hai và chung quyết của họ, sinh vào thế giới của Đức Ki-tô, thế giới của Thiên Chúa. Trong lúc chờ đợi, bất chấp những nước mắt, những đêm tối và những tiếng kêu thét, loài người đang sống một mùa xuân, phải dám khẳng định điều này, cành cây uốn mềm và lá cây xuất hiện. Chỉ Thiên Chúa mới có thể thấy điều đó và mới có thể nói một ngày kia: “Ta sắp làm mùa hè cho các con rồi”.
Phần chúng ta, chúng ta phải tin vào mùa hè, tin rằng Đức Giê-su “ở ngay ngoài cửa”. Theo nghĩa là hết thảy những gì được loài người sống từ khởi thủy đang tiến đến ngày và giờ sẽ biến mất thế giới cũ và sẽ khởi đầu một thế giới mới, thế giới mà Cha chúng ta trên trời đã mơ ước cho loài người và đã tổ chức chung quanh Đức Ki-tô.
Chúng ta đang tiến về cùng tận. Trước hết về cùng tận của riêng mình. Dẫu chúng ta già hay trẻ, Đức Ki-tô vẫn đứng ngoài cửa chúng ta; mỗi ngày đều loan báo ngày sau hết, mỗi ngày biên giới giữa đời này với đời sau càng trở nên mỏng hơn nữa. Đây chẳng phải là một cái nhìn đầy hãi sợ song là một cái nhìn thanh thản, nếu quả thật là chúng ta tin vào mùa hè. Mùa hè của chúng ta khi chúng ta đặt chân vào thế giới của Đức Giê-su, một mùa hè kỳ diệu khi nổi lên trống kèn loan báo cuộc đại phục sinh của toàn thể vũ trụ.
Nhưng đâu là mùa xuân hiện thời của tôi? “Anh em hãy tỉnh thức!” (Mc 13,37), Đức Giê-su nói vào cuối diễn từ. Có nghĩa là ở trong tình trạng chuẩn bị cho mùa hè vĩnh cửu. Người đã mạc khải cho ta ý nghĩa của thời kỳ ta đang sống: đấy là thời kỳ chờ đợi, trong đó môn đệ phải là kẻ canh thức, trông ngóng chủ trở về (13,35). Đấy là thời kỳ đầy mơ hồ cần biết phân định, và chúng ta được mời gọi phải canh phòng cần mật, chớ để mình bị phỉnh gạt chạy theo những Ki-tô trả giá (x. 13,6.22). Đấy là thời kỳ phấn đấu và chịu bách hại (x. 13,9-13), thời kỳ chuyển bụng của một thế giới đang đau đớn trước khi sinh con. Đấy là thời kỳ được ban cho các chứng nhân để rao giảng Tin Mừng cho mọi dân mọi nước (x. 13,10). Đấy là thời kỳ của Thần Khí, Đấng hướng dẫn miệng lưỡi các vị tử đạo (x. 13,11). Đấy là thời kỳ để thực thi lòng bác ái hầu chuẩn bị cho và chuẩn bị đi vào thế giới yêu thương của Cha trên trời.
Vậy phải chăng các cành của tôi trở nên xanh tươi nhờ tình yêu đối với anh em? nhờ lòng can đảm bênh vực sự thật? nhờ ý chí chống lại thế gian dối trá? Phải chăng các hành vi công bình và quảng đại của tôi đã đâm chồi, các thái độ hiên ngang vì công lý và cương quyết chống bạo quyền của tôi đã nảy lộc? Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, chỉ mình Chúa mới có thể làm cho các ngày sống của con thành những ngày vừa đầy sự sống vừa đầy chờ đợi. Xin biến chúng con thành những người canh thức cho thế giới, những kẻ nhắc nhân loại biết sẽ có ngày tất cả sẽ được tính sổ, thanh tẩy và hoàn thiện. Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin hãy đến, xin hãy đến mỗi sáng trước buổi sáng vĩ đại cuối cùng. Maranatha!