Trong cuốn sách A Marriage Made in Heaven, tác giả Erma Bombeck diễn tả ngày kỷ niệm 25 năm kết hôn của bà như sau:
Tôi tưởng tượng có một cái lều trắng thật lớn với hàng trăm người khách đứng chung quanh. Ban nhạc sẽ chơi những bài chúng tôi thích, trong khi vợ chồng tôi nhún nhẩy theo điệu nhạc.
Sự thật thì ngày kỷ niệm hai mươi lăm năm thành hôn của chúng tôi rất khác biệt. Các con chúng tôi chỉ nướng vài miếng thịt “hamburger”, chia nhau ăn rồi ra về, để lại căn phòng bừa bộn cho hai vợ chồng chúng tôi dọn dẹp.
Khi chồng tôi xếp những món đồ sau cùng vào chỗ, tôi ngồi ở một chiếc ghế im lặng theo dõi ông. Chúng tôi có ba đứa con, năm căn nhà, và chín chiếc xe.
Sau đó chồng tôi bước đến chỗ tôi ngồi. Ông có giấu cái gi ở sau lưng. Ông nói, “Anh có một sự ngạc nhiên cho em!” “Cái gì đó?” Tôi phấn khởi hỏi. Ông nói, “Hãy nhắm mắt lại.”
Khi tôi mở mắt ra, trong tay tôi là một hũ bông cải trắng được muối chua. Ông hớn hở nói, “Anh giấu hũ cải này không cho các con biết, bởi vì anh biết em rất thích bông cải trắng muối chua.” Bà Erma kết luận, “Có lẽ tình yêu là điều thật đơn giản.”
Ngày nay, chúng ta nghe nhiều về khế ước hôn nhân. Nhưng đó không phải là ý nghĩa hôn nhân. Hôn nhân không phải là một khế ước nhưng là một giao ước.
Một khế ước bảo vệ trước các phần tử cam kết. Nó đề ra những gì mỗi phần tử được mong đợi. Một giao ước thì không như thế. Đó là một sự thề hứa hỗ tương vô điều kiện để yêu thương và phục vụ nhau suốt đời: khi tốt hay xấu, khi giầu hay nghèo, khi bệnh hoạn hay mạnh khỏe, khi vui hay buồn.
Hiển nhiên một giao ước đòi hỏi sự trưởng thành rất lớn lao.
Có câu chuyện cổ về một người thanh niên đến gõ cửa một căn nhà. Tiếng nói từ bên trong hỏi, “Ai đó?” Chàng thanh niên trả lời, “Con đây. Con đến để xin phép ngài cho con lấy cô con gái của ngài.” Tiếng nói vang lên, “Hãy đi đi! Anh chưa sẵn sàng đâu! Hãy trở lại một năm sau!”
Một năm sau, chàng thanh niên trở lại và gõ cửa. Tiếng nói từ bên trong hỏi, “Ai đó?” Chàng thanh niên trả lời, “Con đây. Con đến để xin phép ngài cho con lấy cô con gái của ngài.” Tiếng nói trả lời, “Bây giờ anh đã sẵn sàng. Hãy vào đi.”
Theo các nhà tư vấn, hầu hết các tương quan kết thúc bằng hôn nhân đều trải qua bốn giai đoạn. Thứ nhất, đó là giai đoạn thu hút. Đó là cảm nghiệm ly kỳ khi bị thu hút lẫn nhau trong một phương cách mà đời sống như bùng nổ với những khích động. Nó xảy ra ở bốn lĩnh vực của con người: thể xác, cảm xúc, trí tuệ, và tinh thần.
Sự thử thách ở giai đoạn này là giữ cho bốn lĩnh vực hòa hợp và quân bình với nhau, đừng để một lĩnh vực nào – như thể xác hay cảm xúc – lấn lướt các lĩnh vực khác. Nếu một đôi nam nữ vượt qua được sự thử thách này, sự thu hút của họ sẽ phát triển thành lời cam kết hôn nhân.
Thứ hai, đó là giai đoạn hội nhập. Một khi kết hôn, họ bắt đầu tiến trình du nhập sự sôi nổi của tình yêu vào những bình thường của đời sống hàng ngày. Thách đố của giai đoạn này là đôi vợ chồng vẫn đặt tình yêu lên trên hết. Đó là đừng để tình yêu trở nên một thói quen nhàm chán.
Thứ ba, đó là giai đoạn xung đột. Nó bắt đầu khi các phần tử trong hôn nhân không vượt qua được sự thử thách ở giai đoạn hai. Khi điều này xảy ra – như mọi hôn nhân đều có ít nhiều – sự tương giao đi vào một giai đoạn nghiêm trọng.
Những lỗi lầm trước đây từng được bỏ qua bây giờ khơi dậy sự xung đột gay gắt. Từ từ bầu khí xấu đi. Người yêu được quý mến trở nên đối thủ hay mè nheo.
Thách đố của giai đoạn này là chuyển sự xung đột sang hướng xây dựng. Sự nguy hiểm là tránh né hay kềm hãm sự xung đột thay vì đối phó với nó. Nếu tránh né hay kềm hãm, sự giao tiếp đổ vỡ và sự oán giận gia tăng.
Giai đoạn bốn là giai đoạn trưởng thành. Nó khởi sự khi các phần tử quyết định đối phó một cách xây dựng với sự xung đột và tái khám phá ra tình yêu. Tiến trình này có thể là thời gian mỹ miều nhất trong hôn nhân.
Để hiểu nó hoạt động như thế nào, một tư vấn hôn nhân diễn tả sự thân mật của vợ chồng thì giống như sợi giây thun. Khi hai người yêu nhau trôi dạt ra xa – vì bất cứ lý do gì – sức mạnh còn lại của tình cảm thì đủ để kéo họ trở lại với nhau.
Thách đố của giai đoạn này là hãy tha thứ các lỗi lầm của nhau và tái khám phá ra những ưu điểm của nhau. Sự nguy hiểm là bỏ cuộc và để tình yêu chết dần thay vì hồi sinh.
Nếu các phần tử hôn nhân vượt qua được thử thách, cảm nghiệm này sẽ đưa họ vào một mức độ trưởng thành và cao quý của tình yêu.
Những ai có cảm nghiệm của giai đoạn này thì hoàn toàn đồng ý rằng tình yêu lúc bấy giờ thì xinh đẹp hơn và lãng mạn hơn tình yêu ban đầu họ trao cho nhau.
Điều này đưa chúng ta đến một thực tại đau buồn trong xã hội ngày nay. Đó là hôn nhân mà nó tàn lụi đến độ lời cầu nguyện chân thành và sự tư vấn chuyên môn không thể làm nó sống lại. Giáo Hội thông cảm nhận biết thực tại buồn thảm của một hôn nhân như thế. Giáo Hội cho phép sự ly thân của đôi vợ chồng khi sự cầu nguyện nồng nhiệt và sự tư vấn thất bại. Tuy nhiên, sự tái hôn chỉ có thể xảy ra khi một người phối ngẫu từ trần hay hôn nhân được vô hiệu hóa.
Sự vô hiệu hóa thì không phải là sự ly dị. Đó là một sự cứu xét thận trọng và thành tâm phán quyết bởi Giáo Hội rằng điều tưởng là một hôn nhân thì không phải như thế.
Một lý do để vô hiệu hóa là thiếu sự trưởng thành của một hay hai phần tử khi bước vào giao ước thiêng liêng để kết hôn.
Một lý do khác là thiếu sự tự do khi kết hôn, tỉ như, bị mang thai và cha mẹ của một hay hai bên làm áp lực phải kết hôn. Một lý do thứ ba là che giấu một tì tích để có được sự ưng thuận kết hôn, thí dụ, ý định thầm kín của một hay hai người là không muốn có con.
Những người Công Giáo tái hôn khi họ không được tự do làm như thế thì được khuyến khích hãy tiếp tục sự thờ phượng trong cộng đồng và tìm kiếm sự hỗ trợ - dù rằng họ không được rước lễ.
Chúng ta hãy kết thúc sự suy tư ngắn gọn về giao ước hôn nhân thiêng liêng này với những lời của T. Phaolô:
Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang; tình yêu thì không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận; tình yêu thì không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật; tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu không bao giờ khuất phục… Tình yêu thì bất diệt. (1 Côrintô 13:4-8)