Bài phúc âm hôm nay có lẽ là đoạn phúc âm nhiều ấn tượng nhất khi chúng ta nghe Chúa Giêsu nói phải chặt tay, chặt chân, hay móc mắt nếu các cơ phận đó khiến chúng ta phạm tội. Có lẽ không tín hữu nào hiểu lời Chúa trong đoạn này theo nghĩa đen vì nếu quả thật như vậy, trong Kitô Giáo đã có nhiều người khuyết tật hơn bất cứ tôn giáo nào khác!
Chúa Giêsu muốn chúng ta dứt khoát với tội lỗi, bởi vì Chúa muốn gần với chúng ta mà tội lỗi là một trở ngại. Sự cản trở đó không về phía Thiên Chúa, vì Chúa sẵn sàng đến với người tội lỗi, nhưng về phía con người, khi phạm tội chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa và như thế tội lỗi làm chúng ta xa cách Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn kết hợp với chúng ta trong tình yêu.
Thêm vào đó, tội lỗi không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân nhưng còn ảnh hưởng đến những người khác vì gương mù gương xấu. Có thể nói đây là điểm được Chúa Giêsu nhấn mạnh hơn cả tội lỗi. Bởi vì những người phạm tội thì chỉ bị què quặt hay đui mù, nhưng người làm gương xấu thì “tốt hơn hãy cột cối đá vào cổ nó và quăng nó xuống biển”!
Vấn đề tội lỗi và thánh thiện thì dễ hiểu, dễ chấp nhận, nhưng còn một vấn đề khác được thấy ngay ở đầu đoạn phúc âm, khi ông Gioan tìm cách ngăn cản những người trừ quỷ nhân danh Chúa nhưng họ lại không thuộc về nhóm các môn đệ, thì Chúa Giêsu đã phản ứng ngược lại – chúng ta tạm gọi là vấn đề bao hàm và loại trừ (inclusive vs exclusive).
Thái độ của ông Gioan là thái độ loại trừ. Đoạn phúc âm viết, “Vào lúc bấy giờ, ông Gioan nói với Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con cố ngăn cản họ vì người ấy không theo chúng ta.” Rõ ràng là ông Gioan phân biệt giữa “phe ta” và “phe chúng nó”. Nhưng điểm được nhận xét ở đây là khi nghe câu này chúng ta lại cảm thấy xuôi tai và dễ chấp nhận, bởi vì nó phù hợp với bản tính con người.
Trước khi tham gia một tổ chức nào đó, dù chính trị, xã hội, hay tôn giáo, chúng ta đắn đo, suy nghĩ, lý do là vì không ai muốn gia nhập một tổ chức tầm thường, không có giá trị. Một khi đã tham gia, chúng ta hãnh diện về tổ chức ấy – dĩ nhiên là như thế! Sự hãnh diện ấy khiến chúng ta nghĩ rằng chỉ có tổ chức của chúng ta là nhất, làm cái gì cũng hay! Ai làm giống chúng ta thì “họ chỉ bắt chước thôi!” chứ không ai bằng “phe ta” cả!
Càng hãnh diện về tổ chức của mình thì điều nguy hiểm có thể xảy ra là chúng ta chỉ nhìn thấy những ưu điểm chứ không nhìn thấy những khuyết điểm của tổ chức. Chúng ta quên rằng, bất cứ tổ chức nào – dù tôn giáo đi nữa – cũng là một tổ chức của con người nên sẽ có đầy dẫy những bất toàn. Nếu khiêm tốn thì chúng ta sẽ nhận ra các lỗi lầm nhưng sự kiêu hãnh khiến chúng ta không muốn “vạch áo cho người xem lưng” mà “sweep under the rug” – lấp liếm cho xong chuyện. Chỉ khi nào can đảm đối diện với sự thật, chúng ta mới trở nên tốt hơn.
Trái với thái độ loại trừ là thái độ bao hàm được thấy nơi Chúa Giêsu – “phe ta” và “phe mình” chứ không có “phe chúng nó”. Ai làm tốt cho người khác là thuộc về “phe ta” dù đó là Công Giáo hay Tin Lành, Phật Giáo hay Hồi Giáo, Chính Thống Giáo hay Ấn Độ Giáo, v.v., bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa (1 Gioan 4:16).
Thành thật mà nói không dễ để chấp nhận thái độ bao hàm. Ngay cả trong Giáo Hội Công Giáo hiện thời cũng có hai chủ trương khác nhau: bao hàm và loại trừ.
Nhóm bao hàm cho rằng mọi người đều là con cái của Thiên Chúa; Chúa Giêsu là một gương mẫu của sự bao hàm; sứ điệp của Người có tính cách bao hàm và Chúa chết để tất cả mọi người có thể được cứu chuộc.
Nhóm loại trừ lại nói rằng Thiên Chúa chỉ chọn dân tộc Do Thái nên các dân tộc khác bị loại trừ; và ơn cứu độ của Chúa Giêsu chỉ được tìm thấy trong Giáo Hội Công Giáo chứ không trong các tôn giáo khác. Đến năm 2011 thì nhóm loại trừ có vẻ thắng thế khi Tòa Thánh ra lệnh thay đổi lời nguyện trong Thánh Lễ (tiếng Anh) khi truyền phép Máu Thánh, từ câu “Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội” (Jesus died for all) thành “nhiều người được tha tội” (Jesus died for many).
ĐGH Bênêđích XVI có vẻ nghiêng về phía loại trừ, nhưng ĐGH Phanxicô lại có vẻ nghiêng về phía bao hàm. ĐGH Phanxicô có những câu nói như, “Chúa đã cứu chuộc tất cả mọi người chúng ta, tất cả chúng ta, với máu của Chúa Kitô: tất cả mọi người chứ không chỉ người Công Giáo. Mọi người.” Khi được hỏi là cả người vô thần nữa hay sao? Đức Phanxicô trả lời, “Mọi người.” (Nguồn: https://www.ncronline.org/blogs/ncr-today/pope-francis-envisions-inclusive-church)
Bài phúc âm hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đứng bên ngoài và bên trên các phe nhóm. Đối với Chúa, ai không chống chúng ta được coi là ủng hộ chúng ta. Nếu câu nói này xuất phát từ một người yếu thế, họ bị coi là nhút nhát, sợ sệt, muốn an thân. Nhưng đối với người có quyền thế như Chúa Giêsu, điều đó nói lên sự khoan dung.
Dù với quyền năng vô cùng, nhưng thái độ của Chúa là “dĩ hòa vi quý”. Hãy nuôi tinh thần hòa bình hơn là tranh chấp, hãy khiêm tốn hơn là cao ngạo hống hách. Và nghĩ cho cùng, ơn cứu độ là từ Thiên Chúa và nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu chứ không do công trạng của loài người, bởi thế, chúng ta không có lý do gì để loại trừ người khác.
Đối với Chúa, tình thương, hành động bác ái là trên hết. Do đó, ngay cả người ngoài Kitô Giáo cũng được Chúa chúc phúc khi họ thi hành việc bác ái, dù rất nhỏ. “Ai cho anh chị em một ly nước vì anh chị em là Kitô Hữu, Thầy bảo thật anh chị em, họ sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Sự khoan dung của Thiên Chúa thì ngoài sức tưởng tượng và vượt trên mọi lý lẽ của con người. Chúa muốn tất cả nhân loại được cứu độ qua việc bác ái. Chúng ta may mắn được thuộc về Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, nhưng sự hãnh diện ấy không thể che mờ các khuyết điểm của chúng ta.
Càng hãnh diện về Giáo Hội của Chúa bao nhiêu, chúng ta lại càng phải trở nên giống Chúa bấy nhiêu. Nếu Chúa bao dung với tất cả mọi người, chúng ta cũng phải tôn trọng người khác để nhận ra được các ưu điểm của họ và từ đó nhận ra được những khiếm khuyết của mình và khiêm tốn hơn.
Điều duy nhất mà chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu để loại trừ, đó là tội lỗi.