Giáo huấn của Đức Giê-su trong Mc 9,38-48 bàn đến nhiều vấn đề có vẻ rất khác biệt. Câu Gio-an hỏi và lời Người đáp về kẻ trừ quỷ xa lạ với Nhóm Mười Hai làm nên một khối duy nhất (cc.38-40). Nhưng với câu nói về ly nước cho môn đồ (c.41), chúng ta thay đổi đề tài cách đột ngột. Và đoạn văn từ câu 42 đến 48 về gương xấu xem ra lại nhảy sang một chuyện khác nữa.
Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một sợi chỉ xuyên suốt trang Tin Mừng này. Sợi chỉ đó là “sự từ bỏ” mà Đức Giê-su luôn kêu mời môn đệ thực hiện. Ở đây, Người kêu mời môn đệ trước hết hãy từ bỏ tinh thần bè phái, tiếp đến là từ bỏ những gì có thể làm anh em và chính bản thân mình vấp ngã.
Đối với Gio-an, chỉ Nhóm Mười Hai mới có quyền hành động nhân danh Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giê-su lập tức bẻ gãy tính ích kỷ này bằng cách mở rộng tối đa phạm vi đón tiếp: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”
Tuy nhiên, nơi Mát-thêu, ta đụng phải câu nói: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi.” Phản ứng khác? Vâng, vì hoàn cảnh khác. Trong Mt 12:30, Đức Giê-su chiến đấu với những kẻ lăng nhục mình. Họ kết án Người thông đồng với quỷ! Người mạnh mẽ phản ứng: Các ông không muốn đi với tôi. Thật rõ ràng, họ đã chủ ý thực hiện sự chọn lựa khủng khiếp nhất mà một con người có thể thực hiện: dầu đã thấy Đức Giê-su, đã nghe Đức Giê-su, họ vẫn chống lại Người.
Trong Mác-cô (và Lu-ca) thì rất khác: đây là chuyện một con người thiện chí: Vì đã làm nhiều phép lạ nhân danh Thầy, kẻ ấy không thể là một đối thủ. Anh ta chẳng chống lại chúng ta! Vậy anh ta theo chúng ta à? Nói thế xem ra khá lạc quan đấy! Ở đây chúng ta sẽ luôn chia rẽ thành Ki-tô hữu cởi mở và Ki-tô hữu ngờ vực. Gio-an đứng về phe đóng kín: Tay ấy không thuộc nhóm ta! Phải biết nhìn. Tiếp đón cách mù quáng không phân biệt cũng chẳng tốt hơn khép kín trong một nội bộ kiểu bè phái.
Khi nghĩ đến một số kẻ sẽ kêu danh Người (“Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà tuyên sấm, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?”) Đức Giê-su đã nói cách nặng nề: “Ngày phán xét, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi” (Mt 7,22-23). Vì sao? Vì họ từng thực hiện cái tách ra khỏi Đức Giê-su hơn cả: cuộc sống giả hình. Họ đã nói rất hay: “Lạy Chúa, lạy Chúa!” Họ từng lão luyện trong các chuyện thiêng thánh, nhưng họ sống một cuộc đời xấu xa: “Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,22-23).
Đó là tiêu chuẩn sẽ giúp chúng ta quyết định ai thuộc nhóm mình: không phải tiếng kêu “Lạy Chúa, lạy Chúa!” nhưng là nỗ lực tránh trở thành xấu xa. Tiêu chuẩn rộng rãi chăng? Chắc chắn rồi. Càng rộng rãi vì phải sử dụng nó một cách năng động: xem lúc này đây, con người đó có nỗ lực nên tốt lành không. Nếu thế thì đương sự theo chúng ta dẫu có quá khứ nào chăng nữa. Chớ xua đuổi anh ta vì anh ta hơi ra khỏi các chuẩn mực, không hành đạo bao nhiêu, chẳng chính thống bao nhiêu. Và thậm chí khá xa Đức Ki-tô, nhưng lại được Người lôi kéo.
Chúng ta có phận sự xem nhóm Ki-tô hữu của mình phải chăng là một hạt nhân thu hút hay một câu lạc bộ khép chặt. Đức Giê-su đã đến quy tụ mọi người. Nếu đóng kín các cửa để nhóm mình vẫn mãi nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ được riêng tư. Nhưng Đức Giê-su có lẽ sẽ chẳng ở đó.
Sang phần hai, giọng điệu Đức Giê-su càng trở nên nghiêm trọng, với một chuỗi dài những câu được liên kết bằng từ mấu chốt: “làm cớ sa ngã” (4 lần).
Trước hết là một lời cảnh báo nghiêm khắc cho những người dựng lên chướng ngại vật, khiến những “kẻ bé mọn” (tức các tín hữu mà đức tin non yếu) bị vấp ngã. Thánh Phao-lô cho ta biết có nhiều loại Ki-tô hữu trong các giáo đoàn và họ ảnh hưởng lên nhau: những người có “hiểu biết” dễ trở thành cơ hội vấp ngã cho những kẻ yếu kém muốn bắt chước họ dù không có hiểu biết như họ (x. 1Cr 8,7-13 ; 9,22 ; 10,24-29 ; Rm 14,1-23). Và thánh Phao-lô kết luận: “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Ki-tô” (1Cr 8,12). Xác quyết này nhấn mạnh cách khác sự liên đới giữa Đức Giê-su với kẻ nhỏ nhất trong các tín hữu như Mc ghi nhận trong bài Tin Mừng. Thành thử tính cách trầm trọng của gương xấu tố giác ở đây phát xuất từ phẩm giá của người tín hữu lu mờ nhất. Và sự nghiêm khắc của Đức Giê-su đủ nói lên lòng kính trọng và mối ưu tư phải dành cho kẻ ấy. Bất hạnh lớn nhất có thể xảy tới cho một người là lôi kéo phạm tội một trong các kẻ nhỏ này: một bất hạnh lớn hơn việc bị xô xuống lòng đại dương với một cối xay lớn cột vào cổ.
Tiếp đến, sự trầm trọng của gương xấu được xác định theo mối nguy nó gây ra cho mỗi người. Bất cứ ai đều có thể tìm thấy trong bản thân một cơ hội gây gương xấu và như thế liều mình đánh mất Sự sống vĩnh cửu. Sự sống này quá quan trọng đến nỗi ta phải chấp nhận hy sinh một phần thân thể nếu cần thiết. Sao chỉ có 3 chi thể (tay, chân, mắt)? Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, là trộm cướp, bạo hành, ước muốn xấu xa (x. Mc 7,21-22)
Để hiểu những lời này của Đức Giê-su, phải lưu ý đến lối nói cụ thể và thường nghịch lý trong cuộc đàm thoại của Người. Thật vô ích khi tìm xem những tội nào mà bàn tay, bàn chân hay con mắt có thể là cơ hội. Vả lại việc cắt bỏ chúng chẳng loại trừ được nguy hiểm đâu. Chúng tượng trưng tất cả các dịp tội mà một Ki-tô hữu có thể tìm thấy trong chính bản thân hay trong tương giao với bên ngoài. Nói thế, Đức Giê-su chỉ muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Vương quốc Thiên Chúa”, tiêu chuẩn dứt khoát cho mọi lựa chọn của con người (x.Mc 8,35-37 ; 10,23-27 ; Mt 13,44-45).
Một lần kia, thánh Phan-xi-cô A-xi-di-ô ngã bệnh đau bao tử. Một đồ đệ của ngài là anh Giu-ni-phê-rô, lo việc y tá, liền trổ tài: chữa bệnh bằng thịt quay. Giu-ni-phê-rô bắt được đâu đó một con sáo, đem làm thịt, ướp dầu ô-liu rồi nướng thật ngon lành, dâng lên “cha” bề trên. Nuốt xong miếng thịt sáo cuối cùng, thánh Phan-xi-cô bỗng thấy ray rứt khôn tả: “Khốn nạn thật. Chính ta hằng ngày vẫn ra rả khuyên mọi người sống đời nghèo cực, chính ta đã từng đuổi một anh em ra khỏi dòng vì tội ham ăn ham uống, cũng chính ta đã từng từ chối không chấp nhận vào dòng một người khác vì lỗi coi trọng tư sản hơn số phận kẻ nghèo... Thế mà vừa rồi ta lại lén lút xơi nguyên cả một con sáo! Đồ tham ăn! Đồ dối trá! Thật là một gương xấu tầy trời!”
Phan-xi-cô gọi một đồ đệ khác là anh Gia-cô-bê đến, bảo lấy sợi dây thắt một cái tròng. Gia-cô-bê nhất nhất vâng lời “đấng thánh”. Hai người cùng đi đến đầu thành phố A-xi-di-ô thì Phan-xi-cô đút đầu vào tròng, rồi bảo Gia-cô-bê cứ thế dắt đi. Vừa đi, Gia-cô-bê vừa lớn tiếng hô (như Phan-xi-cô đã truyền buộc): “Đây, mời bà con ra mà xem! Đây là người đã yêu cầu bà con nhịn ăn nhịn mặc, sống đơn giản, nghèo cực, nhưng tự mình lại nại cớ đau bao tử để ăn cả một con sáo nướng đây. Mời bà con ra mà xem”. Cả một đám trẻ con lũ lượt theo vây xem cảnh người dắt người. (trích Cây đàn của thánh Phan-xi-cô).