Các chuyên gia đồng ý rằng văn hóa Địa Trung Hải có tâm điểm là nhóm. Một đức tính then chốt trong các xã hội như thế là sự trung thành với nhóm và người lãnh đạo. Chữ Hy Lạp và Hebrew thường được dịch là “đức tin” phải được dịch thích hợp hơn là “trung thành”. Quan niệm này được thấy hiển nhiên trong bài đọc hôm nay dù chữ “đức tin” hay “trung thành” không được sử dụng rõ ràng.
Các nhóm quy tụ quanh một người lãnh đạo, và các phần tử của nhóm thề hứa và biểu lộ sự trung thành của mình với người lãnh đạo đó. Các môn đệ của Đức Giêsu muốn bảo vệ căn tính độc đáo và các đặc quyền của nhóm. Vì thế, họ không từ chối rằng một người không phải phần tử của nhóm thì có thể trừ quỷ, nhưng nếu họ dùng danh của Đức Giêsu thì phải gia nhập nhóm và hứa trung thành với vị lãnh đạo. Nếu không, họ phải chấm dứt dùng danh của Đức Giêsu. Đó là một quan điểm tiêu chuẩn trong xã hội tập trung vào nhóm.
Đức Giêsu mở rộng khái niệm về sự trung thành. Theo sự suy xét của Người, không có lý do gì những người không ở trong nhóm mà không thể trung thành với Người và hành động trong danh của Người. “Bất cứ ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c. 40). (Chính việc sử dụng từ “chúng ta” phản ánh sự tập trung nhóm).
Trong những năm gần đây, các cuốn sách loại “bới móc tình dục” trở nên một thời trang chính trị của người Hoa Kỳ. Các bạn bè của một tổng thống mà họ được chọn phục vụ trong chính quyền của ông thì có hoàn toàn tự do để kể lại đủ loại câu chuyện khi sự bổ nhiệm của họ chấm dứt. Trong hệ thống giá trị của văn hóa Hoa Kỳ, sự trung thành thì tạm thời và thực dụng.
Các câu còn lại của đoạn phúc âm hôm nay cho thấy một ý tưởng hoàn toàn khác biệt về sự trung thành trong thế giới Địa Trung Hải. Những người trung thành với Đức Giêsu là các “kẻ bé mọn” mà họ tin vào (trung thành với) Người (c. 42). Như thế, “kẻ bé mọn” không phải là các trẻ em nhưng đúng hơn là các môn đệ của Đức Giêsu mà đôi khi Người gọi họ là các con (Máccô 10:24; x. Mt 11:25).
Sự lưu tâm của Đức Giêsu về những ai làm cho các “kẻ bé mọn” của Người phải “phạm tội” là sự lưu tâm về những người làm gián đoạn sự trung thành của những kẻ bé mọn đối với Người. Đức Giêsu coi sự trung thành không lay chuyển đối với Người thì rất quan trọng đến độ bất cứ ai gây ra sự gián đoạn thì đáng phải phạt nặng (bị chết chìm với khối đá cột vào cổ).
Những nhận xét của Đức Giêsu về các nguồn làm gián đoạn sự trung thành cá biệt thì phản ánh tâm lý người Địa Trung Hải ở thế kỷ thứ nhất, mà nó hoàn toàn không ở trong nội tâm nhưng đúng hơn dựa trên các giá trị được quy cho các chiều kích bên ngoài của sự sống con người.
Từ đầu cho đến cuối Kinh Thánh, hiển nhiên rằng người Hebrew nhìn thấy con người gồm ba khu vực nối với nhau được biểu tượng bởi các phần của thân thể. Tay và chân tượng trưng sự hoạt động có mục đích. Nếu hoạt động của một thứ (tay hay chân) làm cho người ta sa ngã trong các thử thách sự trung thành, người ấy phải chấm dứt lối đối xử như thế.
Trong Kinh Thánh, cặp mắt luôn được đi đôi với con tim để tượng trưng cho khu vực tư tưởng kết hợp với cảm xúc, sự suy nghĩ chín chắn về hành động thích hợp. Nếu con mắt, cơ quan cung cấp thông tin cho con tim, thì không đáng tin cậy trong các thử thách sự trung thành, người ta phải có hành động nghiêm trọng để chặn đứng sự thiệt hại.
Những người chú giải có xu hướng giải thích các câu này theo nghĩa bóng hơn là nghĩa đen. Chắc chắn Đức Giêsu không có ý định tụ tập một nhóm người què và đui mù chung quanh mình. Trong khi quan điểm này có giá trị, người ta cũng đừng quên là ngày nay ngay cả loại hình phạt thể xác này vẫn còn áp dụng cho các tội phạm vùng Trung Đông.
Điểm chính của Đức Giêsu là dù đau đớn đến đâu, bất cứ nỗ lực nào để bảo đảm sự trung thành với Người ở đời này thì thật ít đau đớn hơn hình phạt vì bất trung được thi hành trong thế giới sắp đến.
Lời cổ vũ nghiêm trọng của Đức Giêsu hiển nhiên trở nên nhức nhối trong các tường thuật về khổ hình thập giá và cái chết của Người. Các người cầm quyền xứ Giuđêa mà họ đã âm mưu để Đức Giêsu bị tử hình thì đứng cạnh thập giá và chế diễu Người, họ nói: “Nó đã cứu người khác, nhưng nó không thể cứu chính mình. Nếu nó xuống khỏi thập giá ngay bây giờ, chúng ta sẽ đặt sự trung thành nơi nó” (xem Mc 15:32; Mt 27:42).
Sự trung thành của người Địa Trung Hải có nghĩa “trung tín bất kể điều gì.” Nó thách đố sự trung thành có điều kiện được đưa ra bởi những người cầm quyền khi Đức Giêsu trên thập giá và ý tưởng trung thành thực dụng của người Hoa Kỳ. Sự trung thành có ý nghĩa gì đối với bạn?