Một thầy giáo ra bài làm ở nhà cho các học sinh: “Hãy viết lại quãng thời gian trong cuộc đời mà em là 'một người Samari tốt lành' đối với ai đó.” Một trong các học sinh đã viết bài ấy như sau:
“Vào mùa hè trước khi tôi lên trung học, giáo xứ chúng tôi tổ chức một ngày đi thăm người già và người tàn tật ở một bệnh viện gần đó. Cả một dẫy xe lăn và bệnh nhân làm tôi choáng váng. Lúc đầu tôi chỉ nhìn thấy xe lăn.
“Sau đó tôi nhận thấy có người ngồi xe lăn nhìn chăm chăm vào đôi chân của tôi.
“Chỉ có thế. Bấy giờ tôi không chỉ nhìn đến xe lăn và tôi bắt đầu nhìn thấy người ngồi trong đó. Tôi thấy các bà tàn tật, những cựu chiến binh bị tê liệt, những ông già không ai chăm sóc, các em nhỏ thật mảnh khảnh. Tất cả đang chờ đợi xem có ai đó để ý đến họ. Tôi ngột ngạt; vội vàng bước đi.
“Tôi rảo bước quanh bệnh viện có đến một giờ đồng hồ. Tôi cảm thấy tức giận Thiên Chúa và hoàn toàn hoang mang khi thấy quá nhiều sự đau khổ trong một nơi chốn. Tôi cảm thấy cô đơn hơn bất cứ bệnh nhân nào. Tôi là người cần sự giúp đỡ, chứ không phải họ.
“Nhưng một lúc sau, vị Thiên Chúa mà tôi trút sự giận dữ lên Người bỗng dưng trở nên thực tế hơn bao giờ hết trong cuộc đời. Tôi cảm thấy Thiên Chúa đã yêu thương những người này một cách đặc biệt.
“Đó là một cảm nghiệm kỳ lạ; bỗng dưng đức tin sút giảm và bỗng dưng đức tin gia tăng--tất cả xảy ra trong khoảng khắc.
“Tôi trở lại nơi có những người già và tàn tật. Và tôi bắt đầu làm bất cứ gì có thể để làm họ vui: lấy cho họ ly nước ngọt và chỉ nói chuyện với họ. Tôi làm cho gương mặt họ sáng lên vào buổi chiều hôm ấy.
“Nhưng trong tất cả các khuôn mặt rạng rỡ hôm ấy, một khuôn mặt nổi bật hơn tất cả. Tôi không bao giờ quên được khuôn mặt ấy. Đó là khuôn mặt của chính tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình tốt lành đến thế; chưa bao giờ tôi cảm thấy vui như vậy.”
Câu chuyện này thích hợp với bài đọc ngày hôm nay. Đặc biệt, nó thích hợp với điều mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ sau khi họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất.
Chúa Giêsu nói, “Ai muốn là người đầu thì phải tự đặt mình chót hết và trở thành người phục vụ tất cả” (Mc 9:35).
Và vì vậy Chúa Giêsu đã dùng cơ hội này để nhấn mạnh đến một chủ đề nổi bật trong phúc âm: giúp đỡ người khác, nhất là người có nhu cầu. Chúng ta hãy xem xét chủ đề này kỹ hơn.
Hãy nhìn đến chủ đề từ hai quan điểm. Trước hết, hãy nhìn nó dưới quan điểm của người có nhu cầu. Thứ hai, hãy nhìn nó dưới quan điểm của những người giúp đỡ.
Trong cuốn sách Majority of One, tác giả Sydney Harris đã diễn tả quãng thời gian ông bị gẫy xương ở bàn chân, khiến ông phải chống gậy đi khập khiễng trong vài ngày. Về cảm nghiệm này, ông viết:
“Điều khoan khoái về cảm nghiệm này mà nếu không có nó sẽ thật đau lòng là phương cách người ta đối xử với tôi. Họ mở cửa cho tôi, giúp tôi bước lên xe taxi, nhường chỗ cho tôi trong thang máy. Tinh thần tôi phấn khởi khi được đối xử như vậy.”
Nhận xét của ông Harris cho thấy sự phục vụ đã làm gì theo quan điểm của người có nhu cầu. Nó đã làm cho khuôn mặt họ rạng rỡ. Nó làm họ cảm thấy có người lo lắng đến họ. Nó làm họ cảm thấy có người thương mến họ.
Điều này đưa chúng ta đến quan điểm thứ hai: sự phục vụ làm gì cho những người giúp đỡ. Không có gì tốt hơn để minh họa bằng nhận xét của em học sinh trên, khi em nói:
“Tôi làm cho gương mặt họ sáng lên vào buổi chiều hôm ấy. Nhưng trong tất cả các khuôn mặt rạng rỡ hôm ấy, một khuôn mặt nổi bật hơn tất cả. Tôi không bao giờ quên được khuôn mặt ấy. Đó là khuôn mặt của chính tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình tốt lành đến thế; chưa bao giờ tôi cảm thấy vui như vậy.”
Sự nhận xét của em minh họa điều mà sự phục vụ đã làm cho những người giúp đỡ. Nó làm cho gương mặt họ rạng rỡ hơn cả khuôn mặt của những người được sự giúp đỡ.
Và tôi nghĩ lý do của điều này thật đơn giản. Nó phát xuất từ điều mà chúng ta quên. Nó xuất phát từ điều mà chúng ta không thấy. Nó phát xuất từ điều mà chúng ta cần được nhắc nhở luôn luôn. Để tôi minh hoạ bằng một câu chuyện.
Có một bức tranh thời thế kỷ 19 vẽ một hàng dài những người nghèo trong một khu tồi tàn của thành phố, họ đang đứng đợi trước một nhà phát chẩn.
Đó là một bức tranh đáng chú ý. Nhưng điều đáng chú ý nhất trong bức tranh là một trong những người nghèo đứng xếp hàng. Ông ta có vòng hào quang trên đầu. Nhìn kỹ lại thì đó là Chúa Giêsu. Và điều này cho chúng ta thấy lý do mà khuôn mặt những người giúp đỡ lại rực rỡ hơn những người được giúp đỡ. Chính vì khi giúp đỡ người nghèo, họ khám phá ra Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay. Người ở ngay trong những người có nhu cầu.
Đây là điều chúng ta quên. Đây là điều chúng ta không thấy. Đây là điều chúng ta cần được nhắc đi nhắc lại.
Vì không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu đã nói: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy!” (Mt 25:35-36, 40).
Chúng ta hãy chấm dứt bằng sự thành khẩn lắng nghe lời mạnh mẽ của Albert Schweitzer, một trong những Kitô Hữu vĩ đại trong thế kỷ của chúng ta.
Vào lúc 30 tuổi, ông hy sinh sự nghiệp của một nghệ sĩ trình tấu cho những người nhà giầu ở Âu Châu và trở nên một bác sĩ đi truyền giáo và chăm sóc người nghèo ở Phi Châu. Khi về già, ông nói:
“Tôi không biết định mệnh của bạn ra sao, nhưng tôi biết chắc một điều: chỉ có người thực sự hạnh phúc là người tìm cách phục vụ người khác.”
Chúng ta hãy lập lại những lời này một lần nữa vì chúng thật quan trọng.
“Tôi không biết định mệnh của bạn ra sao, nhưng tôi biết chắc một điều: chỉ có người thực sự hạnh phúc là người tìm cách phục vụ người khác.”