Khung cảnh Đức Giêsu ôm một đứa bé, được bao quanh bởi các môn đệ là những người vừa mới cãi nhau về thứ tự vinh dự thích hợp trong nhóm, được nhiều lần trình bày trong các bức tranh nghệ thuật. Như chúng ta biết, nghệ thuật thường phản ánh nền văn hóa của nghệ nhân hơn là khung cảnh văn hóa của chủ đề. Nhiều khi, nghệ thuật lý tưởng hóa thực tại.
Thời xưa, thời thơ ấu là một giai đoạn kinh hoàng. Tử xuất của trẻ em đôi khi lên đến 30 phần trăm nơi các trẻ sơ sinh. Sáu mươi phần trăm bị chết khi đến tuổi mười sáu. Các con số này không chỉ phản ánh sự tàn bạo của các bệnh bất trị nhưng còn là hậu quả của sự thiếu vệ sinh.
Hơn nữa, trong khi các nền văn hóa Tây Phương có khuynh hướng đặt trẻ em lên hàng đầu và liều mất tất cả để cứu các em, các nền văn hóa Trung Đông xưa thì đặt trẻ em vào hàng chót. Thần học gia người Địa Trung Hải thời trung cổ là T. Tôma Aquinas dậy rằng trong cơn hỏa hoạn, người chồng có bổn phận cứu cha mình trước, rồi đến mẹ mình, kế đến là vợ mình, và sau cùng là con nhỏ. Khi nạn đói xảy đến trong vùng, trẻ em sẽ được cho ăn cuối cùng, sau những người lớn. Những ưu tiên như thế hiện vẫn phổ thông trong nhiều nền văn hóa không phải Tây Phương.
Trong gia đình và cộng đồng, một đứa trẻ hầu như không có thân thế. Một đứa trẻ vị thành niên được coi ngang hàng với một nô lệ. Chỉ khi đến tuổi trưởng thành thì một đứa trẻ mới trở nên người tự do được quyền thừa hưởng tài sản của gia đình. Khi Đức Giêsu so sánh các người đồng hương với trẻ em là những người không biết cách đáp ứng với những ám hiệu xã hội (Mt 11:16-19), Người có ý nhục mạ họ.
Sách Châm Ngôn và Huấn Ca (Sirach) cổ vũ người cha hãy trừng phạt các con trai về thể xác bởi vì căn bản chúng bị coi là xấu và cần phải mạnh mẽ sửa trị nếu người cha không muốn đau khổ vì bị bỏ rơi và bị lạm dụng sau này trong cuộc đời (Cn 13:24; 19:18; 22:15; 23:13-14; 29:15, 17, 19; Hc 30:1-13).
Điều này không có nghĩa trẻ em không được yêu thương hay quý mến. Kỷ luật của người Địa Trung Hải thì kết hợp tình yêu với bạo lực như các cha mẹ giải thích: “Thương con thì cho roi cho vọt.” Ngay cả Thiên Chúa cũng sửa dạy “những ai Người yêu mến, và trừng phạt mọi đứa con trai mà Người đón nhận” (Cn 3:11-12).
Trẻ em được yêu thương bởi vì chúng cung cấp “sự an toàn xã hội” cho cha mẹ. Hiển nhiên nếu chúng sống sót đến tuổi trưởng thành, chúng cũng đảm bảo sự tiếp tục của gia đình này. Trẻ em rất được khao khát trong một gia đình mà người vợ sẽ không bao giờ được chấp nhận trọn vẹn vào gia đình chồng cho đến khi sinh được một đứa con, tốt nhất là con trai. Quan hệ tình cảm giữa đứa con trai và bà mẹ thì mạnh mẽ nhất trong mọi quan hệ gia đình điển hình ở vùng Địa Trung Hải.
Trước nền tảng này, những lời tuyên bố của Đức Giêsu trong bài phúc âm hôm nay có một ý nghĩa mới. Trong các câu 30-32, đây lần thứ hai Đức Giêsu nói với các môn đệ về sự phản bội, sự chết, và trở lại đời sống. Máccô nhận xét rằng họ không hiểu, và rất có thể họ không thể hiểu sự phối hợp tất cả các yếu tố này trong một câu tuyên bố.
Không có khó khăn để hiểu sự phản bội dẫn đến cái chết. Trong thế giới Địa Trung Hải, người ta sẽ tìm cách phá vỡ một kế hoạch như thế nhưng nếu điều đó không thể, người có vinh dự sẽ tìm cái chết trong một kiểu cách đầy nam tính. Chỗi dậy đến sự sống mới làm mờ đục hình ảnh đó. Tuy nhiên các môn đệ lại sợ không dám hỏi Đức Giêsu để hiểu rõ.
Vì lời tuyên bố của Đức Giêsu có liên quan đến vinh dự của Người, điều không ngạc nhiên là các môn đệ tham gia cuộc cãi nhau về vinh dự của họ trong nhóm của Người. Điều ngạc nhiên nữa là câu trả lời của Đức Giêsu cho sự cãi cọ của họ. Câu hỏi của Đức Giêsu thì thừa. Trong nền văn hóa này không ai nói thầm, và những cuộc cãi nhau về vinh dự thì thật om sòm. Đặt câu hỏi thẳng thừng như Đức Giêsu là hành động đầu tiên của Người làm xấu hổ các môn đệ. Nhưng Đức Giêsu không ngừng ở đó.
Bởi yêu cầu các môn đệ mở rộng sự hiếu khách (“tiếp đón”) một em bé, một tạo vật thấp kém trong văn hóa của họ, Đức Giêsu lại làm cho những người trưởng thành này xấu hổ hơn nữa. Sự hiếu khách được mở rộng cho những người hoàn toàn xa lạ để bảo đảm sự an toàn đi ngang qua một vùng đất xa lạ và thù nghịch. Mở rộng sự hiếu khách cho các trẻ em (“tiếp đón chúng”) sẽ làm bất cứ ai trong nền văn hóa này phải phì cười. Hơn nữa, tuy các người khách không được mong đền đáp sự hiếu khách này, họ được mong quảng bá sự tử tế của người chủ cách sâu rộng, như thế danh tiếng vinh dự của ông càng lan xa. Các trẻ em thì thất thường nên không thể trông mong chúng thi hành điều đó, sao lại phiền hà đến chúng?
Đức Giêsu dạy rằng đời sống thì đầy những ngạc nhiên. Vinh dự đích thực chỉ có thể tìm thấy ở những nơi không nghĩ đến.