Trong thế kỷ mười ba, Phanxicô ở Assisi được nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô trên thập giá và hiểu được ý nghĩa của đoạn phúc âm hôm nay: “Ai muốn trở thành môn đệ của tôi, hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình và theo tôi” (Mc 8:34 và những câu tương tự). Không lâu sau khi người cha triệu tập Phanxicô đến trước mặt Đức Giám Mục Guido ở Assisi để từ bỏ mọi quyền thừa kế, Phanxicô còn đi xa hơn nữa và cắt bỏ mọi liên hệ với cha của mình. “Cho đến bây giờ con gọi cha là cha của con, nhưng từ giờ trở đi con có thể không do dự nói rằng, ‘Cha chúng ta đấng ngự trên trời’.”
Điều gì đã thúc đẩy Phanxicô giải thích “từ bỏ chính mình” là “từ bỏ cha và gia đình của mình”? Sự hiểu biết về “chính mình” theo văn hóa Địa Trung Hải là một căn tính có tính cách cộng đồng hơn tính cách cá nhân nằm trong tư duy nền tảng của Phanxicô.
Trong “ba truyền thống” Nhất Lãm (Máccô 8:34; Mt 16:24; Lc 9:23), lời tuyên bố của Đức Giêsu được xây dựng trong cách này:
A – hãy theo tôi;
B – hãy từ bỏ chính mình;
B’ – hãy vác thập giá;
A’ – hãy theo tôi.
Câu A và A’ thì giống nhau hoặc đồng nghĩa. Các câu B và B’ cũng thế. Do đó, vác thập giá của mình có nghĩa từ bỏ chính mình.
Trong “hai truyền thống” (Mt 10:34-38; Lc 14:25-27), vác thập giá của một người thì có liên hệ với sự khước từ gia đình hay bà con của một người. Các đoạn văn phù hợp này cho một độc giả sáng suốt biết rằng vác thập giá của một người thì tương tự như từ bỏ chính mình (ba truyền thống) và khước từ gia đình hay nhóm bà con của mình (hai truyền thống).
Các chuyên gia đa văn hóa nhấn mạnh đến sự tương phản giữa những ý niệm về nhân cách và bản ngã của Tây Phương và Địa Trung Hải. Trong văn hóa Tây Phương, người ta phát triển một cảm nhận sắc sảo về cá nhân chủ nghĩa, tự lực, độc lập với người khác, và năng lực cá nhân.
Trong vùng Trung Đông, người ta được thúc giục chú trọng chính yếu đến gia đình và rèn luyện căn tính của mình theo gia đình. Ông Simon Phêrô được biết là con trai của ông Giôna; Đức Giêsu là con của người thợ mộc hay con của bà Maria. Người Trung Đông tùy thuộc vào gia đình về đủ mọi thứ. Thật vậy, quy tắc là “hãy lo cho gia đình trước hết.” Trong các quốc gia vùng Trung Đông ngày nay, một hoàng gia chỉ thuê bà con làm việc trong chính quyền. Những người trong các văn hóa này thường cảm thấy nhu cầu phải thành hình một liên minh để hoàn thành bất cứ gì. Không ai dám mơ ước có sáng kiến riêng.
Từ một quan điểm tâm-lý-xã-hội-học, cá nhân người Tây Phương không lưu tâm đến những gì người khác nói hay nghĩ về họ hay lối sống của họ. Họ đi theo nhịp điệu khác và ca hát “Tôi phải là chính tôi” hoặc “Tôi làm theo cách của tôi.” Trong thế giới Địa Trung Hải, mọi người cần biết, “Người khác nói gì về tôi” (Mc 8:27). Điều rất quan trọng là đáp ứng và đạt được những mong đợi của nhóm và không bao giờ làm thất vọng hay vượt quá những mong đợi đó. Đứa con cứng đầu và phản loạn sẽ bị giết (Đnl 21:18-21).
Một người Tây Phương nghe các lời cổ vũ trong Phúc Âm này là hãy vác thập giá của mình và từ bỏ chính mình thì họ thường khởi sự một kế hoạch cá biệt và riêng tư về sự khổ hạnh và đời sống sám hối. Người Địa Trung Hải nghe cùng các lời cổ vũ này, giống như các môn đệ trực tiếp của Đức Giêsu và môn đệ thời trung cổ là Phanxicô Assisi, thì sẽ cắt đứt mọi tương giao với bà con thân thuộc và tìm cách tham gia một nhóm khác. Người Địa Trung Hải không thể sống mà không có một nhóm thuộc loại này hay loại khác.
Khi từ bỏ gia đình và làng xóm mình và du hành từ nơi này đến nơi khác (Mc 1:38), Đức Giêsu đã hiệu quả khước từ vinh dự được gán cho Người bởi việc sinh hạ (Mc 6:1-6). Sự giảng dạy và những hoạt động chữa lành và lối sống của Người thì sai lạc với những gì mà nền văn hóa này mong đợi nơi những người cùng nguồn gốc như Người.
Khi triệu tập mười hai môn đệ (Mc 3:13-19), Đức Giêsu thành lập một gia đình mới có tính cách giả tưởng chung quanh chính Người. Sau đó Đức Giêsu tái định nghĩa gia đình này bởi khẳng định rằng, “Ai thi hành ý định của Thiên Chúa thì họ là anh chị em, và mẹ của tôi” (Mc 3:31-35). Những câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ trong bài phúc âm hôm nay (cc. 27-30) là một nỗ lực để biết về tình trạng vinh dự mới của Người giữa công chúng và vừa giữa họ hàng mới của Người. Câu trả lời (Đấng Mêsia) tái xác nhận địa vị và thẩm quyền của Người để công bố triều đại của Thiên Chúa.
Đối với nền tảng này, lời cổ vũ của Đức Giêsu là hãy cắt bỏ các tương quan với các nhóm khác và trở nên trung thành gắn bó với Người và nhóm của Người, điều đó có ấn tượng rất mạnh. Người Hoa Kỳ nào chỉ thuộc về các nhóm một khi cá nhân của họ được thành đạt thì họ phải suy nghĩ gấp đôi.