Trong một nền văn hóa dựa trên vinh dự, sự xung đột là điều không thể tránh. Mọi người nam phải tham dự hoặc công khai phô bày vinh dự của mình hoặc thách đố vinh dự của người khác. Người Biệt Phái và các luật sĩ thường dò xét Đức Giêsu và các môn đệ để thách đố danh tiếng ngày càng gia tăng của các đấng. Trong bài đọc hôm nay, họ thách thức các môn đệ của Đức Giêsu vì không tuân giữ “Đại Truyền Thống.”
“Truyền thống của tiền nhân” (c. 5) được diễn tả bởi các nhà nhân chủng học ngày nay là “Đại Truyền Thống,” đó là, một bộ phong tục được xác định, duy trì, và thi hành bởi giới thượng lưu sống trong các thành phố. Người Biệt Phái đòi hỏi mọi người tuân giữ truyền thống thuộc về thành phố này. Dân quê trong vùng nông thôn, hoặc những người lưu động như Đức Giêsu và các môn đệ, sẽ gặp khó khăn tuân giữ truyền thống này. Nước thì hiếm và/hoặc không có sẵn để thanh tẩy, và ngư dân thường va chạm đến cá chết, thú vật chết, và các loại ô uế khác.
Bởi thế dân quê lập ra “Tiểu Truyền Thống” mà nó sửa lại các đòi hỏi của “Đại Truyền Thống” để phù hợp với những thực tế và sự thiếu thốn của đời sống nông thôn. Đức Giêsu, người thợ công nhật, không chỉ đứng về phía “Tiểu Truyền Thống” nhưng còn đưa ra một thách đố khác để phản công người Biệt Phái vì giảm thiểu và bỏ qua Luật Môsê mà ưu đãi “Đại Truyền Thống” của họ (Mc 7:9-13).
Tiến trình mà chúng ta có thể quan sát trong bài đọc hôm nay được gọi là “thách thức và phản công” về kỹ thuật. Trong thế giới Địa Trung Hải, ít có câu hỏi nào là vô thưởng vô phạt. Mọi câu hỏi là một thách thức, nếu không vì lý do khác hơn, người bị hỏi có thể không biết câu trả lời và bị xấu hổ hoặc buộc phải nói dối.
Câu hỏi mà người Biệt Phái nhắm đến Đức Giêsu thì liên quan đến kiểu cách mà các môn đệ ăn: họ không thanh tẩy (rửa) đôi tay theo nghi thức trước khi ăn (c. 5).
Câu trả lời của Đức Giêsu ở đây là điển hình của mọi câu trả lời của Người trước một thách đố. Người luôn luôn trả lời với một sự nhục mạ. Trong trường hợp này Người gọi giới Biệt Phái là “giả hình.” Chữ Hy Lạp hypokrites có nghĩa “diễn viên.” Một cách thích hợp để diễn tả sự nhục mạ của Đức Giêsu trong tiếng Việt là: “Này các diễn viên! Sách Thánh có thể là những dòng chữ các ông trích dẫn, nhưng đó không phải là kịch bản mà các ông sống.”
Sau đó Đức Giêsu thường trích dẫn hay nhắc đến Sách Thánh. Ở đây Người trích Isaia 29:13 để chống lại các đối thủ. Đó là một kỹ năng đặc biệt thật vinh dự khi người ta có thể trích dẫn một cách sáng tạo dựa vào truyền thống trong một cuộc xung đột hoặc tranh luận sôi nổi. Người Biệt Phái hy vọng làm Đức Giêsu xấu hổ, nhưng thay vào đó Đức Giêsu làm họ xấu hổ bởi sỉ nhục họ khi trích dẫn Sách Thánh một cách sáng tạo, và quăng ra một phản pháo: họ quý trọng truyền thống của con người hơn là bộ Tôra, Luật của Môsê.
Kế tiếp Đức Giêsu thay đổi đề tài, một chiến thuật Người thường sử dụng trong các cuộc xung đột. Người Biệt Phái hỏi về “phương cách” các môn đệ ăn (với bàn tay ô uế theo nghi thức), Đức Giêsu thay đổi đề tài thành “những gì” các môn đệ có thể ăn, đó là, thực phẩm ô uế và không ô uế (c. 15).
Vì tính cách công khai là dấu xác nhận thiết yếu của sự tự nhận và thách đố vinh dự, đám đông đóng một vai trò quan trọng. Bản văn này không nói rõ là đám đông đứng về phía Đức Giêsu, nhưng bối cảnh dường như cho thấy điều đó. Trong sự phán đoán của đám đông, Đức Giêsu đã thắng cuộc chạm trán này với người Biệt Phái.
Ở thời điểm này trong câu chuyện, người sáng tạo Sách Bài Đọc phải thao túng bản văn phúc âm và thay đổi khung cảnh của thánh sử. Theo Máccô, lời tuyên bố của Đức Giêsu về thực phẩm ô uế và không ô uế là một “dụ ngôn.” Người cố ý nói những gì muốn nói nhưng còn có vài ý định khác và hơn nữa.
Trong Máccô, sự giải thích thêm được ban cho các môn đệ và không phải đám đông. Vì một số lý do, bài đọc hôm nay bỏ qua một yếu tố của sự giữ bí mật mà đó là đặc tính của Phúc Âm Máccô và cả xã hội Địa Trung Hải nói chung. Không giống như Hoa Kỳ, trong thế giới Địa Trung Hải không ai có “quyền được biết” bất cứ gì. Đơn giản, nó không phải là việc của bạn.
Người Hoa Kỳ bàng hoàng bởi sự ưa thích đối chất và xung đột của Đức Giêsu hơn là đối thoại và dựa vào sự lăng mạ hơn là tài xử trí và khéo giao thiệp. Bởi thay đổi đề tài xung đột, Đức Giêsu thao túng hoàn cảnh để có lợi cho mình. Đức Giêsu có trình bày một gương mẫu tốt để bắt chước không? Một tín hữu có thể viết lại hoàn cảnh này như thế nào để phù hợp với các giá trị của người Hoa Kỳ?