Diễn từ về Bánh sự sống là nguồn gốc một cuộc khủng hoảng sứ vụ tại Ga-li-lê. Tin Mừng Nhất lãm cũng nhận rằng một khủng hoảng như thế đã được khai mào tại quê hương Đức Giê-su ngay giữa bà con Người, sau khi Người giảng dạy trong hội đường của họ (x. Mt 13,54; Mc 6,1; Lc 4,15). Riêng Gio-an đã mô tả khủng hoảng này cho đến cao điểm của nó. Luôn đi trước trình thuật, ông rút ra từ hoàn cảnh đang mô tả những triệu chứng của việc Đức Giê-su bị dân chúng bỏ rơi, Giu-đa bội phản và thủ lãnh Do-thái mưu hại lúc đến “giờ” của Người. Việc một số môn đệ từ bỏ Thầy hôm nay tiên báo sự từ bỏ (hầu như của tất cả) khi Đức Giê-su bị treo trên thập giá. Thái độ phủ nhận mạc khải về Bánh hằng sống tiên báo quyết định thủ tiêu con người sẽ tự xưng là “sự sống lại và là sự sống” đang khi thực hiện một cuộc hồi sinh lừng lẫy (x. Ga 11). Tất cả chỉ vì đã nghe Đức Giê-su cách quá “xác thịt”.
Noi theo đại diện nổi tiếng của mình là Ni-cô-đê-mô, những người Do-thái đã bực tức trước đây và đám môn đệ đang khó chịu lúc này chỉ xét mọi sự dưới khía cạnh phàm tục. Khi phê phán các lời của Đức Giê-su trong ý nghĩa nguyên thủy của chúng cũng như trong lối giải thích của Gio-an trên những nền tảng nhân loại, thì các lời ấy là phi lý quá rõ. Nhưng đọc những lời nói đến sự sống vĩnh cửu trong một viễn tượng nhân loại thì lại còn phi lý hơn.
Họ từ chối, hoặc đối với vài kẻ, chưa đến giờ tin, tất cả là vì không hiểu lời Đức Giê-su trong Thần khí. Họ chẳng chịu vượt qua lối hiểu biết vật chất và “xác thịt” về những lời của Người. Xác thịt đây, theo nghĩa Thánh Kinh, là bản tính loài người, một bản tính bất lực trong việc cứu rỗi chính mình cũng như đón nhận ơn cứu rỗi và sự thật do Đức Giê-su mang đến (x. Mt 16,17). Tại sao họ không chịu vượt? Vì tâm trí họ đóng kín trước điều mới mẻ, tâm hồn họ chẳng sẵn sàng đón tiếp. Họ giam mình trong thế giới vật chất mà họ coi là dễ chấp nhận hơn và dễ kiểm chứng hơn, Những gì Đức Giê-su nói không thể nào có được xét theo loài người, thành thử phải bị loại bỏ. Ở đây, họ tỏ ra thiển cận, chỉ muốn phê phán điều có thể và không có thể ; họ chẳng có ý định đi tìm quan điểm mà từ đó một số tâm hồn đơn sơ (nghĩa là không thành kiến) tự nhiên thấy được lối vào trong thực tại vô biên, thực tại của Thiên Chúa. Chúng ta đang đứng trước một trường hợp điển hình của sự tự mãn ngoan cố và hẹp hòi của trí tuệ con người chỉ muốn phủ nhận cái bên kia những chân trời của nó, thứ trí tuệ từng bị Pascal quở trách: “Đồ ngu dại, hãy im đi!”
Các tay duy vật tân thời dựa trên khoa học để bác bỏ Thiên Chúa cũng thuộc nòi giống này. Họ tiên thiên cho rằng những gì mắt thấy tai nghe, kiểm chứng đo lường được bằng phương tiện khoa học thì mới là thực tại. Tệ hơn nữa, họ còn có thể dùng những biện pháp hành chánh, giáo dục nhồi sọ hay vũ lực nếu cần để bắt người ta thừa nhận điều đó.
Nhưng mối nguy ấy, chính các Ki-tô hữu vẫn có thể gặp. Mất tiếp xúc với Thánh Thể, rồi mất tiếp xúc với Tin Mừng, đức tin chúng ta sẽ không được Thần Khí soi sáng và sẽ dần dần tiêu tan. Thình lình, thánh lễ làm ta chán ngán, một nhà giảng thuyết làm ta tổn thương, cái chết của một kẻ vô tội làm ta công phẫn, Giáo Hội hay đơn giản là ông cha xứ làm ta thất vọng vào chính lúc ta sắp sửa mất thăng bằng, khiến bắt chước “nhiều môn đệ rút lui, ta không còn đi theo Đức Giê-su nữa”.
Thực hiện một nỗ lực vào lúc đó để nhìn Đức Giê-su, và rốt cục nói với Người: “Con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban lại sự sống vĩnh cửu”, có lẽ là một phản ứng cứu thoát ta. Như các Tông đồ đã có được một phản xạ giải thoát họ. Nhờ ân sủng bên trong của Thần khí trợ giúp, họ đã vượt thắng sự khó hiểu bằng cách trung thành với Đức Giê-su chỉ vì Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chắc chắn họ đã chẳng hiểu hết những gì Đức Giê-su đã cố gắng mạc khải về bản thân Người và về sự kết hợp có thể thiết lập giữa Người với chúng ta, nhưng họ đã nắm được cái cốt yếu: chính Thầy mới có thể cho chúng con sự sống vĩnh cửu.
Bị dồn vào chân tường bởi câu Thầy hỏi “Anh em cũng bỏ Thầy chứ?”, nhóm Mười Hai đã biết dán mắt vào Đức Giê-su. Những lời Người nói ra không hề khiến họ chao đảo. Lâm cảnh tiến thối lưỡng nan, họ vẫn tin tưởng vững chắc vào bản thân Người, vào những câu tuyên phán của Người, đang khi nhóm môn đệ nói trên đã làm trái ngược. Họ chỉ biết chú tâm vào vấn đề của mình, thắc mắc của mình: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt của ông?”
Thái độ chú tâm vào Đức Giê-su như thế chính là đức tin, một điều được nhấn mạnh trong cuộc khủng hoảng đang thấy. Đức Giê-su ta gặp trong bản văn hôm nay không có dịu dàng. Người phản ứng như đã luôn phản ứng khi chạm trán với những kẻ bỏ cuộc. Người chẳng còn nói đến tình yêu nhưng đến đức tin, vì “Người biết” trong số các môn đệ, “kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người”. Nhưng đức tin đó, tiếng kêu tin mến đó không phải chúng ta sẽ tự rứt khỏi lòng mình, mà cần phải cầu xin: “Thầy đã bảo anh em, không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban cho ơn ấy”. Lời này xem ra cũng gây kinh ngạc, ta không mấy thích vì khiến ta lúng túng. Chúng ta được yêu cầu phản ứng, làm một cái gì! Nhưng làm gì nếu người ta lại nói đến một ơn huệ nhiệm mầu mà chúng ta chỉ có việc đón nhận? Dĩ nhiên chúng ta cần làm một cái gì đó, nhưng không phải bằng cách hỏi Thiên Chúa về các lựa chọn của Người, mà bằng cách hết sức nhận lấy cái Người đã quyết định ban cho chúng ta.
Thay vì tưởng tượng quá nhanh rằng mình đã đến với Đức Ki-tô, mình muốn đến với Đức Ki-tô và sẽ làm mọi sự vì điều nầy, hãy bắt đầu bằng cách khiêm tốn chấp nhận rằng tất cả tùy thuộc Chúa Cha. Điều đó trước hết sẽ thúc đẩy chúng ta van xin Người cách say mê hơn nữa cái ân huệ được lôi kéo đến với Con của Người. Và chúng ta cũng sẽ quyết tâm hơn trong việc khai thác tối đa sự lôi kéo ấy, mà thánh Gio-an gọi là “tin” theo nghĩa gắn bó tối đa toàn thể con người mình.
Tiếng “tin” rất mạnh nầy đúng ra là tất cả Tin Mừng của ông. Chẳng có vấn đề tỉnh thức, đau khổ, bố thí v.v... như trong Nhất lãm. Nơi Gio-an, tất cả quy về đức tin. Cái mà ta phải làm sẽ nảy sinh cách bình thường từ việc bám rễ vào Đức Ki-tô như thế. Sở dĩ ta có thể nói như Phê-rô: “Chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”, đó là vì Chúa Cha lôi kéo ta và vì ta không ngừng củng cố sự lôi kéo ấy ; câu ta nói “chúng con biết đến với ai?” sẽ chẳng phải là tiếng thở than trước cơ hội cuối cùng hay chút gắn bó tình cảm còn sót lại với một Đức Giê-su thời ta còn nhỏ. Trong nước mắt và nụ cười của lòng tin-mến nơi ta, câu đó sẽ như lời thách thức mà thánh Phao-lô đã từng đưa ra: “Hãy nói cho biết ai có thể tách tôi khỏi Đức Ki-tô được?” (x. Rm 8,39).
Tên anh ta là Claude. Mới sinh thì cha mất, mẹ phải gởi viện mồ côi. Mẹ lấy chồng mới, lại về với mẹ. Cha ghẻ, mẹ ruột không thương. Là sĩ quan quân đội, cha ghẻ trị con bằng roi vọt. Lớn lên 9 tuổi Claude đã đi ăn trộm, rồi trở thành một tay anh chị nổi tiếng, vào tù ra khám như cơm bữa. Vượt ngục 10 lần. Bị hành hạ tra tấn càng lì lợm. Lần nọ, anh ta vào ăn trộm nhà một bà góa, giết bà chết. Bị bắt, án tử hình giam hậu. Ở được 10 năm, hôm nọ xin cha tuyên úy cho mượn ít sách để đọc. Bị đánh động bởi hạnh thánh Phao-lô, một tù nhân bị án tử như mình. Muốn viết lại hạnh đó vì có nhiều chỗ thiếu sót. Cha tuyên úy mời một số số chuyên viên Kinh Thánh đến trình bày cho anh. Viết sách, được in. Tổng thống ân xá. Ra tù Claude bắt đầu đi học, lấy cử nhân rồi tiến sĩ, chuyên về tội phạm học. Xác tín: có phạm nhân là do thiếu tình thương và học hành. Trong tù phải yêu thương, giáo dục họ, nhất là cho họ một niềm tin tôn giáo.