Một chiếc tàu đánh cá Xô Viết được đưa vào sửa chữa bên cạnh chiếc tàu tuần dương Hoa Kỳ tại bờ biển New England. Các quan chức Mỹ-Liên Xô cùng ngồi trong chiếc tàu Nga bàn luận sôi nổi về kỹ thuật đánh cá ở Bắc Đại Tây Dương. Cuộc hội thảo đang tiến hành tốt đẹp thì vào đêm nọ, một sự cố bất ngờ đã đe doạ bầu khí thuận thảo giữa hai bên.
Chuyện xảy ra là có một thuỷ thủ người Nga tên Simas Kudirka lẻn ra khỏi tàu Xô Viết, bơi khỏi mười bộ (khoảng 3m) qua bên tàu Mỹ. Kudirka nài nỉ được tỵ nạn chính trị, nhưng vị chỉ huy tàu Mỹ từ chối. Quyết định này về sau bị các thượng cấp quở trách. Còn chàng thuỷ thủ hụt hẫng ấy bị giao lại cho nhà cầm quyền Xô Viết, bị trả về Nga, sau đó bị giam vào tù. Trong thời gian ở tù, chàng đã nhiều lần tuyệt vọng. May thay giữa cơn thử thách ấy, một tù nhân khác đã dạy chàng vần thơ của thi sĩ Ruydyard Kipling người Anh. Về sau, Kudirka cho hay rằng chính những dòng thơ này đã gíup chàng đương đầu với tương lai. Một đoạn trích từ những dòng thơ ấy:
”Nếu dành được chiến thắng hay gặp cơn hoạn nạn, con vẫn xử sự như nhau,
Nếu điều chân thực con nói ra, lại bị những tên vô lại vu khống là gian dối hại người, mà con vẫn tỏ ra bình thản.
Nếu nhìn toàn bộ sự nghiệp đời mình đang vỡ tan, mà con vẫn bình tâm nhẫn nhục xây dựng lại, bằng những phương tiện cùn lụt.
Nếu con vẫn có thể dồn toàn bộ năng lực của tâm hồn, thần kinh và gân cốt, để tiếp tục sinh hoạt như bình thường, sau khi chúng gần như bại liệt…
Và nếu con vẫn kiên gan bền chí, khi tất cả mọi sự đã tiêu tùng, chỉ còn lại ý chí trong con bảo con phải kiên trì…
Nếu con làm được như thế, thì trái đất và mọi sự trên đó sẽ thuộc về con.
Hơn thế nữa, hỡi con Ta, con sẽ là một con người đích thực.”
Thỉnh thoảng, Kudirka lại nhẩm đi nhẩm lại những lời trên, dần dà chúng đem lại cho chàng một sức mạnh đáng kể giúp chàng kiên vững. Câu chuyện còn dài nhưng tôi xin rút ngắn lại Kudrika vẫn sống sót sau khi bị tù, và hiện nay anh đã được tự do. Kudirka cho rằng sở dĩ anh sống sót chính là nhờ sức mạnh tinh thần do bài thơ của Kipling đem lại. Bài thơ ấy giúp cho anh có sức mạnh để kiên trì khi nơi anh chẳng còn lại gì ngoài ý chí truyền bảo anh: hãy cứ bền gan.
***
Câu chuyện trên cho ta thấy rõ điểm trọng yếu trong bài Tin Mừng hôm nay, điểm trọng yếu đó là: Trong cuộc đời, có những lúc chúng ta dường như bị dồn vào chân tường và hầu như đang sắp sửa mất tất cả. Có những lúc chúng ta cần phải có một cái gì gíup chúng ta đừng nản chí. Chúng ta cũng thấy tâm trạng đó trong bài Tin Mừng hôm nay. Các môn đệ Chúa Giêsu cũng bị đẩy vào chân tường. Niềm tin của các ông nơi Đức Giêsu bị thử thách trầm trọng, vì trong bài giảng Người nói rằng Người sẽ hiến chính thịt Người cho họ ăn.
Các môn đệ phản ứng lại thách đố này bằng hai cách: Một nhóm cảm thấy không thể nào chấp nhận được những lời Đức Giêsu nói ấy, nên họ từ giã Người, không còn theo Người nữa. Nhóm còn lại thắng được cơn thử thách và vẫn trung thành với Đức Giêsu. Tại sao nhóm thứ nhất thất bại và nhóm thứ hai thành công trong cuộc thử thách ấy?.
Tin Mừng không trả lời câu hỏi ấy, nhưng đã ghi lại một manh mối để trả lời. Manh mối đó là: khi Chúa Giêsu hỏi nhóm thứ hai: “Các con cũng bỏ Ta chứ?”. Phêrô trả lời thay cho cả nhóm: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai đây? Thầy có lời ban sự sống đời đời. Và bây giờ chúng con biết và tin rằng Thầy là Đấng Thánh duy nhất từ Thiên Chúa đến”. Bị dồn vào chân tường, nhóm này biết dán mắt vào Chúa Giêsu. Những lời Đức Giêsu nói ra không hề khiến họ chao đảo. Bị dồn vào chân tường, họ vẫn tin tưởng vững chắc vào Đức Kitô, đang khi nhóm thứ nhất làm ngược lại. Họ chỉ biết chú tâm vào vấn đề của họ, thắc mắc của họ. “Sao ông này lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn?”. Tóm lại, họ không biết nhìn đăm đăm vào Đức Giêsu.
Một đằng biết chú tâm vào Đức Giêsu, một đằng chỉ biết chú tâm vào những vấn đề của mình. Hai hình ảnh ấy cũng được diễn tả rõ ràng trong một đoạn Tin Mừng khác liên quan tới Chúa Giêsu và Thánh Phêrô:
Một đêm nọ, các tông đồ đi thuyền trên hồ thì một cơn bão lớn thổi tới. Khi cơn bão mạnh đến cực điểm thì Đức Giêsu hiện ra đi trên sóng tới với họ. Các tông đồ kinh khiếp quá la lên: “Ma! Ma!” Lập tức Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy can đảm lên! Ta đây! Đừng sợ!”. Bấy giờ Phêrô lên tiếng: “Lạy Thầy, nếu quả thực là Thầy, xin hãy ra lệnh cho con bước trên mặt nước mà đến với Thầy!”. Chúa Giêsu trả lời: “Cứ đến đi!”. Thế là Phêrô bước ra khỏi thuyền và bắt đầu đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu. Nhưng khi thấy gió mạnh quá, ông liền kinh sợ, thế là ông bắt đầu chìm xuống nước… ông vội la to lên: “Thầy ơi, cứu con với!”. Lập tức Chúa Giêsu đưa tay nắm lấy ông và nói: “Sao đức tin của con kém thế! sao con lại hồ nghi trong lòng?” (Mt 14: 26-31)
Câu chuyện trên cho thấy: Bao lâu Phêrô biết vững tâm nhìn vào Chúa Giêsu, thì ông được an lành. Nhưng khi ông rời mắt khỏi Người và bắt đầu chỉ chú tâm lo vấn đề của riêng mình, thì lập tức ông lâm vào nguy hiểm ngay.
Từ đó chúng ta có thể rút ra những kết luận thực tiễn:
Khi gặp bão tố, chúng ta đều xử sự giống như Phêrô. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta gặp những cơn bão tố cực kỳ nguy hiểm. Trong cuộc sống có những lúc chúng ta cảm thấy mình như muốn chìm lỉm như Phêrô. Khi gặp những cảnh như thế, chắc chắn chúng ta sẽ gặp trong tương lai, chúng ta đừng vấp phải cùng một lỗi giống như Phêrô. Chúng ta đừng chỉ biết chú ý đến cơn bão, nghĩa là chỉ biết chú tâm tới những vấn đề chúng ta. Tốt hơn, chúng ta hãy chú tâm vào Chúa Giêsu đang đứng trên thuyền và khích lệ chúng ta. Hoặc chúng ta có thể nghĩ tương tự như thế qua câu chuyện bài Phúc Âm hôm nay, tức câu chuyện Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người về bí tích Thánh Thể. Trong cuộc sống sẽ có những giây phút chúng ta cũng bị thách đố bị cám dỗ từ bỏ Chúa, không theo Người nữa. Những lúc đó, chúng ta đừng vấp phải những lầm lỗi giống như các tông đồ ngày xưa đã vấp phải. Nghĩa là đừng chỉ lo chú tâm đến vấn đề đang xảy đến cho chúng ta, mà hãy đưa mắt nhìn vào Chúa Giêsu. Chúng ta hãy xác nhận lại niềm tin vào Người như Thánh Phêrô đã làm và hãy thưa cùng Người:
”Lạy Chúa, Chúa có những lời ban sự sống đời đời. Chúng con tin… Ngài là Đấng Thánh duy nhất từ Thiên Chúa đến….”