Trong năm Chúa Nhật liên tiếp, từ thứ 17 cho đến thứ 21 Thường Niên Năm B, Giáo Hội cho chúng ta nghe hầu như toàn thể chương 6 Phúc Âm của T. Gioan để nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Giáo Hội Công Giáo tin rằng bí tích Thánh Thể chính là thân xác, linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu.
Đây là điểm vô cùng khó hiểu nên những người theo Chúa Kitô cũng không hoàn toàn đồng ý với nhau và từ đó Kitô Giáo phân chia thành các giáo hội khác nhau. Nói chung, người Tin Lành cho rằng bí tích Thánh Thể chỉ là biểu tượng cho Chúa Giêsu chứ không phải chính thân xác, linh hồn, và thần tính của Chúa Giêsu như Giáo Hội Công Giáo tin.
Nếu theo quan điểm của Tin Lành cho rằng Thánh Thể chỉ là biểu tượng của Chúa Giêsu thì điều đó không giải thích được ý nghĩa của lễ vật được hiến tế theo truyền thống Do Thái Giáo. Kitô Giáo xuất phát từ Do Thái Giáo. Để hiểu được Kitô Giáo, chúng ta phải hiểu được các ý nghĩa quan trọng trong Do Thái Giáo.
Theo luật của người Do Thái, khi một người có tội thì phải dâng lễ đền tội, xin Thiên Chúa thanh tẩy tội lỗi qua trung gian sự sống của một con vật. Tùy theo đối tượng thanh tẩy mà lễ vật hy sinh nhỏ hay lớn. Để thanh tẩy hay đền tội của một người thì có thể dùng chim bồ câu, nhưng đền tội cho cả làng thì phải dùng đến một con bò. Tại sao như vậy? Bởi vì sau khi dâng lễ vật, con thú bị giết và một phần thịt được thiêu đốt ngay trên bàn thờ để dâng lên cho Thiên Chúa, phần thịt còn lại được trao cho người dâng lễ để ăn cho hết. Một người ăn thì ít nhưng cả làng ăn thì phải một con bò mới đủ! Họ phải chia nhau ăn cho hết vì có như thế mới được hiệp thông với Thiên Chúa qua trung gian sự sống của một con vật.
Ý nghĩa thứ hai xuất phát từ biến cố Vượt Qua thời dân Do Thái còn làm nô lệ cho người Ai Cập. Lúc bấy giờ, qua lời của ông Môsê, Thiên Chúa ra lệnh cho dân Do Thái phải giết và ăn hết một con chiên tinh tuyền, rồi lấy máu của nó bôi lên cửa nhà để đêm hôm ấy thần báo tử sẽ vượt qua nhà của họ mà không vào nhà giết hại con đầu lòng, trong đó có con của Pharaô, vua Ai Cập. Kết quả là dân Do Thái được ra đi, thoát khỏi cảnh nô lệ. Sau đó, hàng năm, dân Do Thái cử hành lễ Vượt Qua để tưởng nhớ đến công ơn của Thiên Chúa.
Đức Giêsu cũng bị giết vào dịp lễ Vượt Qua. Đức Giêsu đã hy sinh tính mạng để trở nên của lễ đền tội cho nhân loại. Đức Giêsu đã trở nên “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, giống như con chiên bị giết trong đêm Vượt Qua để dân Do Thái được sống.
Và cũng như dân Do Thái phải ăn thịt con chiên, chúng ta, để được sự sống của Thiên Chúa, cũng phải “ăn thịt và uống máu Chiên Thiên Chúa”. Toàn thể chương 6 của Phúc Âm Gioan là để nói lên ý nghĩa này.
Đức Giêsu nói rõ, “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời” – chữ “ăn” ở đây theo tiếng Hy Lạp “trogein” có nghĩa ăn ngấu nghiến, và người Do Thái thời bấy giờ hiểu đúng như vậy nên họ cảm thấy ghê tởm và bỏ đi vì cho rằng Đức Giêsu là người điên! Nếu Đức Giêsu muốn nói chữ “trogein” theo nghĩa bóng, có lẽ Người đã chặn họ lại để giải thích, nhưng Đức Giêsu vẫn để họ đi vì Người cốt ý dùng chữ này theo nghĩa đen để người Do Thái thấy được Người là ai, có vai trò gì trong sự cứu độ một khi họ hiểu câu nói của Đức Giêsu theo truyền thống hiến tế của người Do Thái.
Tóm lại, khi cử hành Thánh Lễ, nếu bí tích Thánh Thể chỉ là biểu tượng của Chúa Giêsu thì “của lễ hiến tế” không có giá trị trung gian bởi vì không có sự sống! Chúa Giêsu phải hiện diện thực sự trong Thánh Thể để trở nên trung gian giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người và để thông phần sự sống của Thiên Chúa cho loài người như Đức Giêsu tuyên bố trong bài phúc âm: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi và tôi có sự sống nhờ Chúa Cha, thì ai ăn tôi cũng nhờ tôi mà có sự sống như vậy” (Gioan 6:57).
Chúng ta may mắn hơn những người Do Thái thời bấy giờ khi nghe Chúa Giêsu nói như vậy, họ đã bỏ đi, vì họ nghĩ đến việc ăn thịt người. Chúng ta may mắn là vì trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã dùng bánh và rượu để thay cho máu và thịt của Chúa.
Một Thiên Chúa vô cùng toàn năng mà lại hiện diện trong hình thức vô cùng đơn sơ là bánh và rượu! Đó là điều không ai có thể tưởng tượng được! Trong con mắt thế gian, người cao trọng thì phải đi đôi với sự giầu sang. Ông vua hay tổng thống thì không thể nào trong y phục thô thiển, tầm thường được. Nhưng đường lối của Thiên Chúa thì khác với đường lối thế gian, và suy nghĩ kỹ, chúng ta thấy có những lý do để Chúa Giêsu dùng hình thức bánh và rượu.
Thứ nhất, khi dùng bánh và rượu, Chúa Giêsu giúp chúng ta khỏi bị mang tiếng là man di mọi rợ vì ăn thịt người. Thứ hai, hình thức bánh và rượu phản ảnh sự đơn sơ, thanh bạch của Đức Giêsu khi còn sống ở thế gian. Đức Giêsu là một người nghèo: sinh ra đã nghèo, lớn lên cũng nghèo và chết đi cũng nghèo, do đó hình thức Chúa đến với chúng ta cũng thật đơn giản là bánh và rượu. Nhưng chính nhờ sự đơn giản đó Chúa mới có thể hiện diện với loài người trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù giầu hay nghèo, dù tự do hay tù đầy, vì ở bất cứ đâu người ta cũng có thể kiếm được bánh và rượu để cử hành Thánh Lễ. Khi ở trong ngục tù cộng sản, cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận từng cử hành Thánh Lễ trong lòng bàn tay với vài giọt rượu và mẩu bánh để đem Chúa đến với các tù nhân khác.
Điểm thứ ba, hình thức bánh và rượu là để chúng ta ăn uống, nếm được hương vị của tình yêu Thiên Chúa. Đây là khía cạnh rất thực tế của Chúa Giêsu. Chúa biết nếu tình yêu không được thể hiện qua hành động hay qua một hình thức có thể cảm nhận được thì tình yêu ấy không có thật. Giống như hai người yêu nhau mà không bao giờ tặng nhau một món quà, không bao giờ tỏ lộ tình cảm qua lời nói hay cử chỉ thì không ai tin rằng họ yêu nhau. Tương tự như thế, nếu chúng ta không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa qua các giác quan thông thường – có thể là phép lạ chữa lành thể xác, hay cảm được bằng xúc giác – thì thật khó cho chúng ta mường tượng được tình yêu của Thiên Chúa. Chúa biết như vậy nên ngoài các phép lạ chữa lành, Người còn lập bí tích Thánh Thể dưới hình thức bánh và rượu để chúng ta có thể nếm được mùi vị ngon ngọt của tình yêu Thiên Chúa. Nói cách khác, Chúa Giêsu đã cụ thể hóa tình yêu của Thiên Chúa.
Điểm thứ tư, bí tích Thánh Thể là sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu, chứ không phải trong các hình tượng, và như thế, người Công Giáo chúng ta không bị mang tiếng là thờ ngẫu tượng! Các tôn giáo khác phải đúc ra hình tượng thần thánh của họ bằng đất sét, thạch cao, bằng đồng hay bằng vàng để thờ lậy. Người Công Giáo không thờ lậy các tượng ảnh, mà chúng ta thờ lậy Chúa trong bí tích Thánh Thể.
Qua các điểm nêu trên, chúng ta thấy được tình yêu của Chúa Giêsu. Chúa yêu chúng ta đến độ Người sẵn sàng trao quyền hiện diện vào bàn tay con người, các linh mục, và hiện diện trong một hình thức vô cùng đơn sơ đến độ loài người có thể khinh thường và xỉ nhục như những người vô thần đã từng làm.
Để đáp trả tình yêu ấy, chúng ta phải làm gì? Trước hết, chúng ta cần ý thức rõ rệt về bí tích Thánh Thể – đó là chính Chúa Giêsu, chứ không phải miếng bánh hay rượu. Điều đó có nghĩa chúng ta nên chuẩn bị tâm hồn cách xứng đáng. Khi rước lễ, chúng ta không buộc phải quỳ hay đứng – đó chỉ là hình thức bề ngoài. Điều quan trọng là đời sống của chúng ta có thực sự làm chứng cho Chúa Kitô khiêm nhường và hy sinh hay không. Giáo Hội cũng không bắt chúng ta phải rước lễ mỗi khi dự lễ, do đó, nếu chúng ta đang trong tình trạng bất xứng, vì tội trọng hay đang sống trong một hôn nhân mà Giáo Hội chưa tán thành, thì đừng lên rước lễ. Thánh Phaolô có nói, “Ai ăn và uống mà không phân biệt đó là thân thể của Chúa, là ăn và uống án phạt chính mình” (1 Cor. 11:29).
Sau cùng, ngoài nghĩa đen của chữ “ăn” ở đây, chúng ta cần hiểu chữ “ăn” theo nghĩa bóng. “Ăn” có nghĩa là “biết”. Để dậy một đứa bé thế nào là chua, chúng ta đưa nó nếm thử miếng chanh. Ăn là biết một cách cụ thể. “Ăn Chúa” có nghĩa là “biết Chúa”. Biết một người, có nghĩa chúng ta có sự tương giao mật thiết với người ấy. Cũng như vợ chồng “biết nhau” qua sự tương giao mật thiết thì chúng ta cũng cần có sự tương giao mật thiết với Chúa qua sự học hỏi, tìm hiểu về Chúa Giêsu, sống những lời Chúa dậy và tâm sự với Chúa bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, bất cứ hoàn cảnh nào. Có như thế, lời Chúa nói hôm nay, “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời”, chắc chắn sẽ được thể hiện nơi chúng ta.