Bất cứ ai đọc những câu này một cách thận trọng thì không thể không nhận thấy âm điệu mạnh mẽ và rõ ràng về Thánh Thể. Và rồi câu hỏi được đặt ra: có thể nào Đức Giêsu nói những lời như thế ở giữa tác vụ của Người hay không? Trước khi xảy ra bữa Tiệc Ly, làm thế nào bất cứ ai – đám đông hay môn đệ – hiểu được hay đánh giá đúng những giải thích về Thánh Thể? Do đó, khi các câu này xuất hiện trong Phúc Âm thì có lẽ không phải là hình thức mà Đức Giêsu đã nói.
Tuy thế, bất cứ ai đọc Phúc Âm Gioan đều biết rằng trong khi tác giả dành năm chương (13-17) cho bữa Tiệc Ly, sự tường thuật của người thì không bao gồm việc thiết lập Thánh Thể. Vì lý do này và các lý do khác, các học giả tin rằng việc bánh hóa nhiều và bài diễn thuyết trong chương 6 thì tương đương với sự tường thuật về việc thiết lập của Gioan.
Có phải những câu này thuần túy được thánh sử tạo ra? Những hướng dẫn của Giáo Hội về sự dẫn giải Kinh Thánh nhìn nhận rằng đôi khi các thánh sử tường thuật truyền thống mà họ nhận được từ Đức Giêsu một cách sáng tạo. “Từ nhiều điều được truyền lại, họ chọn lựa một số điều, bỏ bớt một số điều khác để thành một tổng hợp, (tuy vậy) những điều khác họ cắt nghĩa theo hoàn cảnh của các giáo đoàn” (Historical Truth of the Gospels, số 9).
Dựa trên các hướng dẫn này và sự nghiên cứu thêm nữa, các học giả Công Giáo không tin rằng các câu 51-58 là kết quả của óc tưởng tượng sáng tạo của thánh sử này (không như câu chuyện hồ nghi của ông Tôma). Các câu này có thể hợp lý là một phần suy tư của Đức Giêsu về các bài đọc được nghe trong hội đường trong mùa Vượt Qua, nhưng âm điệu Thánh Thể có lẽ là kết quả suy nghĩ của Kitô Hữu về chủ đề này và được thêm vào trong giai đoạn cuối trong phiên bản sau cùng của Phúc Âm Thứ Tư.
Sự chống đối, “Làm thế nào ông này có thể cho chúng ta thịt của ông để ăn?” (c. 52) thì nghiêm trọng và dường như phát sinh trong thời của Đức Giêsu. Vấn đề này cũng không kém thực tế trong thời của thánh sử, sáu mươi năm sau. Việc uống máu theo nghĩa đen thì bị cấm trong Do Thái Giáo và có lẽ cả trong thời Kitô Giáo tiên khởi (x. St. 9:4; Lêvi 17:10, 12, 14; xem Công Vụ 15:29).
Tuy nhiên “uống máu và ăn thịt của Đức Giêsu” trở nên một cách thông thường cho Kitô Hữu khoảng thời gian của Phúc Âm Gioan để diễn tả sự tham dự trong Thánh Thể. Đức Ignatius ở Antiôkia nói, “Tôi khao khát ‘bánh của Thiên Chúa’ là thịt của Đức Giêsu Kitô… và thức uống tôi khao khát là máu của Người” (Romans 7.3).
Học giả chuyên nghiên cứu về Gioan là Charles H. Talbert tin rằng ngôn ngữ như thế dùng để diễn tả sự mật thiết, mối tương quan chặt chẽ của Đức Giêsu với những ai tin vào Người, hoặc những ai quyết tâm và trung thành với Người. Do đó, Chúa Cha có sự sống trong chính mình (Ga 5:26), và Chúa Con cũng như thế (cùng câu), và các tín hữu cũng thế nhờ bởi họ chia sẻ mối tương quan mật thiết với Đức Giêsu bằng cách dự phần trong bí tích Thánh Thể.
Talbert viết tiếp và nêu cao sự đóng góp đặc biệt của tư tưởng của Gioan làm thành thần học của Kitô Giáo. Theo quan điểm của Gioan, Thánh Thể thì không phải là sự tưởng nhớ về cái chết của Đức Giêsu (xem 1 Cor. 11:23-25) cũng không phải là sự kéo dài bữa tiệc với Đức Giêsu trong cuộc đời của Người và sau khi Người sống lại (Lc 24:13-35). Đúng hơn, Gioan coi Thánh Thể là một sự kéo dài về phụng vụ hay có tính cách sùng bái về sự nhập thể của Đức Giêsu. Theo Talbert, đây là lý do Gioan đặt những lời về Thánh Thể của Đức Giêsu vào lúc này, ở giữa sứ vụ công khai của Người, ngay sau “bài giảng” dài của Người về thực phẩm Người cung cấp khi tiết lộ về Chúa Cha.
Điều này minh họa lưu ý của Giáo Hội trong các hướng dẫn: “Hãy để người dẫn giải tìm kiếm ý nghĩa theo ý định của Thánh Sử khi tường thuật một lời nói hay hành động theo cách nào đó hoặc đặt trong một bối cảnh nào đó. Vì sự thật của câu chuyện thì không bị ảnh hưởng chút nào bởi sự kiện rằng Thánh Sử kể lại những lời và hành động của Chúa theo một thứ tự khác biệt, và diễn tả lời Người nói không theo nghĩa đen nhưng theo cách khác” (Historical Truth of the Gospels, số 9).
Phúc Âm Gioan được nhiều tín hữu ưa thích, nhưng ít người thăm dò chiều sâu của tác phẩm này. Cần phải đọc cách thận trọng, nghiên cứu với nhiệt huyết, và thành khẩn suy nghĩ để hòa hợp đúng vào tần số của Gioan. Âm thanh trong trẻo xuất phát từ một nỗ lực như thế thì không gì khác hơn là tuyệt trần.
.