Vào thế kỷ 8, trong nhà thờ thánh Legonzianô miền Lancianô nước Ý, có một linh mục dòng thánh Basiliô, khi truyền phép Thánh Thể, bỗng nghi ngờ sự hiện diện thật của Mình Máu Chúa trong bánh rượu. Tức thì sự lạ xảy ra ngay trong tay vị linh mục: bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành 5 cục to nhỏ. Ngày nay ta còn thấy rõ bánh đã biến thành thịt này có màu hơi nâu, nhìn dưới ánh sáng thấy máu hồng. Năm cục máu màu vàng nghệ. Các di tích thánh này được đặt trong một mặt nhật quý giá (thịt) và trong một chén thánh thủy tinh (máu) ở nhà thờ Lancianô cho giáo dân tự do kính viếng.
Trong 12 thế kỷ qua, giáo quyền đã cho làm nhiều cuộc giám nghiệm vào năm 1574, 1637, 1770, 1886. Mới đây, theo yêu cầu của nhiều người, giáo quyền lại cho phép khảo sát thánh tích bằng những thiết bị khoa học tối tân. Công việc được giao cho ông Odoardo Linoli, giáo sư giải phẫu nhân hình kiêm mô học bệnh lý, hóa học và hiển vi học, cộng tác với giáo sư Ruggero Bertelli thuộc đại học Siena (Ý).
Kết quả được công bố ngày 4-3-1971 tại nhà thờ thánh Phanxicô ở Lancianô trước giáo quyền, chính quyền, các giới khoa học và có trình bày một loạt phim ảnh trên truyền hình. Nhiều tạp chí khoa học trên thế giới cũng đăng tin về sự kiện. Kết luận như sau: 1- Thịt này thật là thịt, máu này đúng là máu. 2- Thịt máu này đúng là thịt máu của một con người. 3- Thịt máu này thuộc cùng một người có nhóm máu AB. 4- Đồ hình của máu ấy giống với đồ hình của máu được lấy ra từ cơ thể của một người trong cùng một ngày. 5- Thịt lấy ra từ mô cơ tim (myocarde) (phải chăng đó là biểu tượng Tình Yêu?). 6- Thịt máu này hoàn toàn giống với thịt máu của một con người còn sống (chứ không phải lấy từ một cơ thể đã chết). 7- Trong thịt máu không có vết tích của chất nào được dùng để ướp xác cả. 8- Miếng thịt lấy ra từ phần thịt của một trái tim cách khéo léo tuyệt vời như do một nhà phẫu thuật tài giỏi. 9- Các chất protein chứa trong máu được phân phối đều đặn theo một tỷ lệ y hệt như trong đồ hình huyết thanh của máu tươi hiện có. 10- Trong máu có chất clorure, phosphore, magnesium, potassium, sodium và calcium. 11- Việc các thánh tích này được lưu giữ bao nhiêu thế kỷ cách tự nhiên, lại chịu ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, sinh hóa mà vẫn giữ nguyên tình trạng như thế là một hiện tượng kỳ lạ, khoa học không sao giải thích được.
Một miếng thịt bình thường để ra ngoài không khí sẽ bị ươn, thối hay khô đét lại rồi biến chất. Nhưng miếng thịt này và các cục máu này trải qua 1200 năm rồi mà vẫn giữ nguyên trạng như thế. Ngoài ra, trọng lượng của 5 cục máu không rõ ràng: mỗi viên đều có trọng lượng bằng nhau và trọng lượng mỗi viên cũng bằng cả năm viên cộng lại! Đó là những điều khiến khoa học đành nhường bước cho ơn siêu nhiên và lời giải thích đến từ Thiên Chúa. Như thế, ngoài sự lạ xảy ra vào thế kỷ 8, còn có sự lạ về việc thịt và máu được bảo trì thường xuyên suốt hơn 12 thế kỷ. Nó chẳng có mục đích củng cố niềm tin của ta vào những lời tuyên bố (bị phản bác) của Đức Giê-su về Thánh Thể hôm nay sao?
Trong hoang địa Xi-nai, suốt cuộc Xuất hành, dân Hip-ri đã bày tỏ mối nghi ngờ của họ đối với Mô-sê qua nhiều lời kêu ca than vãn, đã từ chối tin vào sứ mệnh thần linh của ông và việc ông có khả năng bảo đảm cho họ bánh cùng nước trong hoang địa (x. Xh 16,2-3; 17,3). Như tổ tiên mình, người Do-thái hôm nay, qua những tiếng “xì xầm phản đối”, cũng bày tỏ một sự bất tín như thế đối với nguồn gốc, bản chất và sứ mệnh thần linh của Đức Giê-su
Họ không chấp nhận việc con người này, mà họ quá biết rõ lai lịch, tự cho mình có một vai trò và một nguồn gốc thần linh (x. 7,27). Thật vậy, theo một niềm tin bình dân, Đấng Ki-tô sẽ xuất hiện thình lình, và thiên hạ không biết Người từ đâu đến. Dĩ nhiên, qua lời ngôn sứ Cựu Ước, họ vẫn rõ Người thuộc dòng dõi Đa-vít và sinh tại Bê-lem, nhưng sau một cuộc sống tuyệt đối mai ẩn, Người sẽ xuất hiện đột ngột.
Thấy thính giả bị sốc vì lời mình tuyên bố (c. 41), Đức Giê-su liền khẳng định: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”, vì “hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Sau khi trích câu nói cổ xưa này của I-sai-a (54,13), Đức Giê-su lập tức sửa sai một lối giải thích có thể có, lối giải thích cho rằng chúng ta được Thiên Chúa trực tiếp dạy dỗ. “Không, Đức Giê-su xác định, Chúa Cha dạy dỗ anh em qua tôi, nhưng đó đúng là lời Người, vì tôi là lời của Người. Người đã phái tôi tới với anh em, tôi từ Người mà đến, từ trời mà đến; Người lôi kéo anh em tới tôi để anh em mong ước tin vào tôi; phần tôi, tôi lôi kéo anh em tới Người bằng cách tỏ cho biết Người là ai thật sự”.
Ta phải đi vào chính trong chuyển động mạc khải thần linh ấy để nhận được nhiều khẳng định gây chưng hửng khác, như có vô số dọc theo Tin Mừng. Thay vì bực dọc trước câu “Tôi là bánh từ trời xuống” vừa nói (cũng như nhiều câu trong đoạn tiếp: Ga 6,51-58), ta hãy nhìn người nói. Đây là ví dụ độc nhất vô nhị về tầm quan trọng chủ yếu của cái mà ta gọi là “lý chứng thẩm quyền” (hay “luận cứ quyền uy”) vốn thường được xếp sau cùng trong bảng giá trị các luận cứ. Ở đây, quyền uy của Đức Giê-su lớn lao đến độ chúng ta chấp nhận điều Người nói trước hết là vì chính Người đã nói điều ấy, sau đó ta sẽ cố gắng tìm hiểu, nhưng cũng là tìm hiểu bên trong thái độ gắn bó ban đầu và trọn vẹn của chúng ta với lời Người, vì đó là lời Thiên Chúa. Khi Đức Giê-su nói, là chúng ta được Thiên Chúa dạy dỗ. Xin lặp lại lần nữa, một lời trên môi miệng con người mà có sức mạnh và quyền uy như thế là chuyện hoàn toàn độc nhất vô nhị. Nếu đôi khi chúng ta xầm xì như người Do-thái, thì trước hết chớ vật lộn với các khẳng định quá cứng cỏi của Người, song hãy đánh thức đức tin của mình cách nhanh chóng nhất và tối đa nhất: lạy Đức Giê-su, lời Ngài là lời Thiên Chúa.
Nhưng nói thế chẳng có nghĩa là chúng ta phải gắn bó hoàn toàn vào quyền uy Đức Giê-su cách mù quáng, cuồng tín, tối dạ như kiểu: “Ngài có thể phán với con bất cứ điều gì, bởi lẽ chính Ngài là Đấng con đã thuận theo”. Nói thế là xúc phạm đến Đức Giê-su và đến chính chúng ta. Các khẳng định gây hoang mang nhất của Người, các đòi hỏi khắt khe nhất của Người, đến độ khiến ta nổi loạn, chỉ có thể là thông minh rất mực và đòi hỏi sự thông minh của ta. Việc được Thiên Chúa dạy dỗ chẳng bao giờ kéo theo sự bó buộc, bất xứng với một con người và với một con Chúa, là phải từ bỏ mọi ý thức tìm hiểu phê bình và thậm chí mọi hăng hái phê bình tìm hiểu. Đức tin của một hữu thể thông minh thì phải là thông minh. Quá ít Ki-tô hữu tìm cách làm cho đức tin của mình ngày càng thông minh, thật đáng tiếc ! Họ quên lời dạy của thánh Anselmô: “Đức tin đi tìm hiểu biết” (Fides quaerens intellectum). Điều này đòi hỏi suy tư, nghiên cứu, và có thể làm nảy sinh lắm xầm xì, lắm ngờ vực, nhưng đó là một cuộc chiến của con người, một can đảm xứng con người, và Thiên Chúa không chê ghét các trận đấu kiểu Gia-cóp như vậy (x. St 32,23-31). Xin Thiên Chúa cho chúng ta thông minh và dũng mạnh để giật lấy từ Người tất cả ánh sáng mà sống, vì Người rất muốn làm thầy dạy sống cho chúng ta.
Tiếp đến, Đức Giê-su lặp lại câu khẳng định ban đầu: “Tôi là bánh trường sinh... bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết... nhưng sẽ được sống muôn đời” (cc. 48-51)
Khẳng định này trước hết gây kinh ngạc qua kiểu nói “Tôi là...”. Trong Tin Mừng Gio-an, các nhà chú giải đã đếm được 7 câu xác quyết “Tôi là...” như thế (7 là con số chỉ sự trọn vẹn): Tôi là bánh sự sống (6,35tt), ánh sáng thế gian (8,12; 9,5); cửa đàn chiên (10,7-8), mục tử tốt lành (10,11.14), sự sống lại và là sự sống (11,25), con đường, sự thật và sự sống (14,6), cây nho đích thực (15,1-5). Cách nói “Tôi là / Ta là” với thuộc ngữ (attribut) là một giá trị sự sống như vậy gợi lên trong óc của thính giả Đức Giê-su một ý niệm về tuyệt đối. Duy Thiên Chúa mới có quyền bảo “Ta là...”. Con người chỉ có thể nói: tôi là kẻ này, người nọ, tôi có cái này, vật nọ... nhưng không được bảo (và ai dám bảo?): Ta là bánh, là ánh sáng, là sự sống, là sự thật... Thế mà Đức Giê-su đã làm vậy. Một xác quyết kiểu đó sẽ gây nên công phẫn hay niềm tin như đã nói.
Thứ đến, từ “bánh hằng sống/ bánh trường sinh” tự nó quả là kỳ dị, vì bánh không bao giờ sống, ngoại trừ khi ám chỉ cách tỷ dụ một con người sống, như trong trường hợp đây. Đức Giê-su là bánh hằng sống, bởi vì Người là Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Phục sinh, luôn sống mãi. Bởi thế, tín hữu được lôi kéo đến cùng Người, để ngay từ giờ thông phần vào mầu nhiệm của Người và cuối cùng được dẫn tới phục sinh vinh quang.
Đức Giê-su là bánh hằng sống, vì Người giữ cho sống những ai ăn lấy Người. Ta ăn lấy Đức Giê-su bằng đức tin mà ta tuyên xưng và giữ mãi đối với bản thân và sứ mệnh Người (cc. 35-36.40.47); ta cũng ăn Người qua Thánh Thể. Nhưng đức tin là một hồng ân của Chúa Cha, Đấng giao kẻ tin cho Đức Giê-su để Người cứu vớt và phục sinh trong ngày cùng tận (cc. 37-40.47). Thật ra, ai ăn lấy Đức Giê-su thì không hề chết (cc. 50-51), vì việc đi từ cái mà chúng ta gọi là ân sủng sang vinh quang không tạo nên một đứt đoạn, nhưng là một nối tiếp. Đối với thánh Gio-an, tất cả những cái này (ân sủng và vinh quang) được gọi là sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu.
Sự sống ấy được gọi là sự sống đời đời, vĩnh cửu, trước hết vì là của Đấng Đời Đời, Đấng Vĩnh Cửu. Đó là sự sống tràn đầy và trọn vẹn của toàn thể con người, một sự sống không tàn lụi và được kéo dài, trong trường hợp chết thể xác, bằng niềm hy vọng sống lại. Đó là sự sống thần linh, vì sự sống luôn là một đặc điểm của thần tính; và không những là sống thiêng liêng mà còn là sống thể xác nữa. Sự sống vĩnh cửu là sự sống đáng sống, sự sống hạnh phúc. Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a đã hiểu điều đó khi viết về Thánh Thể: “Bánh này là linh dược ban bất tử tính, một thuốc giải độc để khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời trong Đức Giê-su Ki-tô”.