Một nhà thám hiểm thế kỷ 16, những người già thuộc thế kỷ 20 và một vị hoàng đế của Trung Quốc thời xưa, mới thoạt nghĩ, có lẽ chúng ta cho rằng ba hạng người ấy không giống nhau bao nhiêu. Nhưng thực ra họ có nhiều điểm giống nhau.
Thế kỷ thứ 16 có một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tên là Ponce de Léon. Sau khi Kha Luân Bố khám phá ra Mỹ Châu ít lâu, người ta đồn rằng ở Tân thế giới có một ngọn suối trường sinh, thế là Ponce de Léon liền sắm thuyền vượt biển sang Nam Mỹ đi tìm con suối huyền thoại đó. Giống như Léon, các bô lão trong phim Cocoon đã được cải lão hoàn đồng khi họ xuống tắm ở một hồ bơi đã được những người xa lạ từ một hành tinh khác bí mật sử dụng. Chính kinh nghiệm kỳ thú này khiến các cụ sẵn sàng nhận lời mời của các vị khách lạ đi theo họ về chốn hành tinh khác, vì theo lời các vị khách này một khi đến được hành tinh xa lạ kia các bô lão sẽ mãi mãi được trường sinh.
Và cuối cùng chúng ta nói tới một vị hoàng đế Trung Quốc thời xưa tên là Tần Thuỷ Hoàng. Ông là người đã truyền xây vạn lý trường thành ở Trung Quốc. Với chiều dài hơn 2000 dặm, vạn lý trừơng thành này là kiến trúc nhân tạo duy nhất trên trái đất mà các phi hành gia có thể nhận ra từ phía ngoài không gian. Theo tờ tạp chí National Geographic (Địa lý Quốc gia), Tần Thuỷ Hoàng rất sợ chết. Một ngày nọ các chiêm tinh gia của ông kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở Biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Thế là Tần Thuỷ Hoàng liền phái một số tàu thuyền chất đầy châu báu lên đường đi tìm các dân cư của hòn đảo lấy bí quyết trường sinh của họ. Theo lời người ta kể, các tầu thuyền này đã tìm ra đảo thần tiên nhưng cư dân ở đấy chả thèm đổi bí quyết trường sinh của họ để lấy những “tặng vật tầm thường” ấy của Hoàng đế.
Ba câu chuyện trên nói lên điều gì? Chủ ý các câu chuyện đó là gì?
Xin thưa ngay rằng: từ xa xưa, con người đã mơ ước được sống chẳng bao giờ chết, được trường sinh bất tử. Mỗi lần thấy một người thân chết đi, thì niềm mơ ước bất tử này càng ám ảnh con người dữ dội hơn. Vì thế chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu xuất hiện ở Palestine và bắt đầu nói về cuộc sống vĩnh cửu thì dân chúng liền ùa đến nghe Người nói. Đám dân Do Thái này rất chú tâm đến vấn đề này vì kể từ thời Abraham và Moisen họ triền miên sống trong mờ mịt, chả hiếu tí gì về những điều xảy đến cho những người chết. Họ tin rằng có một “thế giới của người chết”, nhưng họ chả có khái niệm gì về thế giới ấy, vì thế, họ sẵn sàng đón nhận bất cứ tia sáng nào Chúa Giêsu soi dọi vào mầu nhiệm này.
Một trong những câu nói quan trọng nhất của Đức Giêsu về đời sống vĩnh cửu là những gì Người nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Tôi xin đọc lại câu nói quan trọng ấy;
“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống… Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Bánh của Ta sẽ ban cho kẻ ấy là chính Thịt Ta, Ta ban Thịt Ta để thế gian được sống”. Chúa Giêsu mặc khải cho biết cuộc sống nơi trần gian này không phải là cuộc sống duy nhất và chết không phải là chấm hết. Còn có một cuộc sống trong tương lai không bao giờ chấm dứt, đó là cuộc sống vĩnh cửu, trường sinh.
Thế nên có gì là lạ khi nhiều người Do Thái lắc đầu nhìn Chúa Giêsu nhất là khi Người nói: “Ta là bánh… từ trời xuống!”. Có gì là lạ khi họ làu bàu với nhau; “Người này chẳng phải là anh chàng Giêsu con trai ông Giuse đó sao? Bộ chúng ta không biết bố mẹ anh ta sao mà anh ta lại dám mạo nhận là từ trời xuống?”.
Chỉ mãi đến khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, nhiều người trong đám dân Do Thái này mới bắt đầu biết trân trọng những câu nói của Người.
Và cũng chính vì chấp nhận mầu nhiệm này mà chúng ta cũng cùng tụ tập với nhau trong giáo đường ngày hôm nay: Chúng ta cùng tụ tập với nhau, để nghe Chúa Giêsu nói về cuộc sống vĩnh cửu. Để được dưỡng nuôi bằng Mình Thánh Chúa Giêsu, bánh hằng sống. Ngọn suối trường sinh mà Ponce de Léon khổ công lên đường đi Châu Mỹ để tìm kiếm, cuộc sống muôn đời mà các bô lão trong phim Cocoon sẵn sàng ra đi để tìm kiếm và Bí quyết trường sinh mà Tần Thủy Hoàng cho người ra đi đến tận các đảo thần tiên thuộc biển đông để truy lùng, hiện đang ở giữa chúng ta ngay trong ngôi giáo đường này. Đó là Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, nguồn mạch trường sinh đang hiện dịên ở nơi đây ngay trong lúc này. Người ở với chúng ta bằng thần trí Người như Người đã từng nói với các môn đệ: “Bất cứ ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta sẽ ở đó với họ” (Mt 18:20). Người hiện diện với chúng ta bằng lời nói của Người, điều Người đã nói cách đây hơn 2000 năm với dân chúng cũng chính là điều Người vừa nói với chúng ta qua bài Phúc Âm hôm nay. Chúa Giêsu còn hiện diện với chúng ta qua vị linh mục đại diện của Người như Người đã nói: “Ai nghe các ngươi là nghe Ta” (Lc 10:16)
Và cuối cùng, Đức Giêsu hiện diện với chúng ta trong bí tích ban sự sống đời đời. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã ám chỉ bí tích ấy: “Ta là Bánh hằng sống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Khi đã thấu hiểu toàn bộ việc này, chúng ta sẽ không còn ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu ngỏ lời với chúng ta:
“Phúc cho các ngươi biết bao khi các ngươi thấy được những điều các ngươi đang thấy! Ta nói cho các ngươi biết nhiều tiên tri và vua chúa từng ao ước thấy điều các ngươi đang thấy, nghe được điều các ngươi đang nghe, mà không được” (Lc 10:23-24)
Đứng trước mầu nhiệm lớn lao như thế, chúng ta chỉ còn biết dâng lời cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa Cha chúng con, Chúa đã ban cho chúng con qúa nhiều rồi, xin hãy thứ tha cho chúng con nếu chúng con vẫn nài xin Cha thêm một điều gì nữa, đó là:
Xin tăng thêm đức tin cho chúng con để ngay lúc này đây chúng con nhận ra thần khí của Con Cha hiện diện nơi tâm hồn anh chị em chúng con trong giáo đường này.
Xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con nhận ra tiếng nói của Con Cha trong những lời Kinh Thánh vừa được giảng giải cho chúng con.
Và nhất là xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con nhận biết Mình Thánh Con của Cha trong tấm bánh hiện giờ chúng con đang chuẩn bị chia xẻ cùng nhau. Chúng con nguyện xin nhờ Chúa Kitô, nhờ Người, với Người và trong Người, một ngày kia chúng con sẽ được sống với Cha cùng với Chúa Thánh Linh muôn thuở ngàn đời.