Các học giả nhận thấy rằng Thánh Sử Gioan đã không sao chép tường thuật về việc nuôi ăn đám đông từ các sách Nhất Lãm nhưng thay vào đó lấy từ một truyền thống độc lập. Tường thuật của người chứa đựng một vài yếu tố rất xưa cũng như các công phu sáng tạo chi tiết được tìm thấy trong các nguồn của người.
Một thí dụ về yếu tố xưa hoặc có lẽ “nguyên thủy” là câu Đức Giêsu hỏi ông Philíp: “Làm thế nào chúng ta có thể mua bánh để những người này ăn?” (c. 5). Sự thiếu hiểu biết rõ ràng của Đức Giêsu về việc này làm cho các Kitô Hữu tiên khởi bối rối thì được thấy trong lời bình luận của biên tập viên sau đó: “Người nói điều này để thử thách ông, vì chính Người biết những gì sẽ làm.”
Một thí dụ của công phu sáng tạo là trong các câu 11-12 rõ ràng mang sắc thái Thánh Thể và dường như rất lệ thuộc vào tường thuật Nhất Lãm về việc thiết lập Thánh Thể, một truyền thống không được bao gồm trong câu chuyện thương khó của Đức Giêsu.
Để thấy rõ công phu sáng tạo truyền thống của Gioan, điều hữu ích là suy nghĩ về một giả thuyết được đưa ra nhiều năm trước bởi bà Aileen Guilding. Bà thử tái tạo lại chu kỳ ba năm các bài Kinh Thánh được đọc trong hội đường. Bài đọc một được trích từ bộ Tôra (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số và Đệ Nhị Luật). Một bài đi kèm, haphtarah, được trích từ sách các Thủ Lãnh. (Những người khác nghĩ rằng sau này một bài thứ ba có thể được rút ra từ các Thánh Vịnh. Ba năm các bài đọc lên đến 150 tuyển chọn và đã có 150 thánh vịnh.)
Trong các truyền thống Phúc Âm về Đức Giêsu nuôi ăn dân chúng, chỉ có Gioan nhắc đến thời điểm của biến cố này. “Lúc bấy giờ sắp đến lễ Vượt Qua, ngày lễ của người Giuđê” (c. 4). Câu chuyện Đức Giêsu nuôi ăn dân chúng dường như vang vọng câu chuyện Thiên Chúa nuôi dân của Người trong sách Xuất Hành với man-na và chim cút (Xh 16).
Trong sự tái tạo các bài đọc ở hội đường của bà Guilding, sách Xuất Hành được đọc trong chu kỳ 2, và Xuất Hành 11-16 được đọc trong sáu tuần sau lễ Ngũ Tuần. Bài haphtarah được đọc cùng lúc sẽ là Isaia 54-55, và Isaia 54 được trích dẫn trong Gioan 6:45. Bà Guilding đưa ra giả thuyết rằng chính các bài đọc trong hội đường vào lễ Vượt Qua này mà nó cung cấp cho các Kitô Hữu tiên khởi các ý tưởng để thành hình câu chuyện của Gioan về Đức Giêsu nuôi ăn một đám người rất đông.
Nhiều người bất đồng ý với quan điểm của bà rằng câu chuyện này là tưởng tượng. Nhưng những song song và những tương quan mà bà nêu ra cho thấy sự hợp lý là các bài đọc ở hội đường đã góp phần cho việc sáng tạo bài nói chuyện của Đức Giêsu sau khi nuôi ăn đám đông. Gioan nhận xét: “Đây là điều Người [Đức Giêsu] đã nói trong hội đường, khi Người giảng dạy ở Caphácnaum” (c. 59). Có lẽ chính Đức Giêsu đã rút ra từ các chủ đề bài đọc để hình thành bài nói chuyện của mình.
Dân chúng được ăn bánh và cá. Gioan nói rõ các ổ bánh lúa mạch. Lúa mạch là loại hạt phổ thông nhất sau lúa mì. Nó chịu được sức nóng cũng như thiếu nước tốt hơn lúa mì. Hơn nữa, lúa chín trong thời gian ngắn hơn. Vì lễ Vượt Qua trùng hợp với mùa gặt lúa mạch, sự có mặt của các ổ bánh lúa mạch trong câu chuyện này là điều hợp lý.
Chữ Hy Lạp về “cá” ở đây xuất phát từ một chữ khác có nghĩa “thực phẩm đã nấu chín và ăn với bánh.” Ý niệm này là cá không còn tươi nhưng đã được chuẩn bị, hoặc, chính xác hơn, đã được chế biến. Các nguồn tài liệu giáo sĩ Do Thái cho thấy cá được chế biến để giữ lâu và chuyên chở trong một vài hình thức: xông khói, ngâm dấm, làm mặn, hay phơi khô. Và thỉnh thoảng rượu được trộn vào nước muối cá này. Trong câu chuyện của Gioan, hầu như cá được phơi khô hay được bảo quản.
Các học giả tự hỏi tại sao Đức Giêsu lại chọn ông Philíp để hỏi, “Chúng ta có thể mua bánh ở đâu cho những người này ăn?” Philíp cho thấy rằng không phải là ông không biết về thách đố này bởi vì theo kinh nghiệm của ông, hai trăm ngày lương cũng không thể mua đủ số bánh để nuôi đám đông này ăn.
Ông Philíp là từ Bétsaiđa, đó là thủ đô của Gaulanitis. Nằm ở bờ biển phía bắc của hồ Galilê, tên của làng này có nghĩa “làng đánh cá” (Máccô 6:45). Do đó, nếu cảnh tượng này xảy ra trong vùng Bétsaiđa (như Luca gợi ý), thì Philíp đúng là người phải lên tiếng hỏi. Ông là người quen thuộc với tình hình địa phương nhiều nhất.
Dữ kiện nền tảng về các bài đọc ở hội đường, địa lý trong vùng, và thực phẩm cũng như cá sẽ giúp các tín hữu ngày nay nhận ra rằng họ cần phải biết nhiều về văn hóa thời xưa để có thể bắt đầu dẫn giải Kinh Thánh một cách tôn kính.