Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh với nhiều tiến bộ về kỹ thuật nên có nhiều điều ngày xưa được coi là rất quan trọng mà ngày nay bị coi thường. Điển hình là muối và ánh sáng mà Chúa Giêsu đề cập đến trong bài phúc âm hôm nay.
Ngày xưa, ngoài ánh sáng trời người ta phải nhờ đến ánh lửa để nhìn thấy khi trời tối, và không dễ tạo ra lửa như ngày nay chúng ta có diêm quẹt. Muốn có lửa, người ta phải đập hai hòn đá lửa vào nhau, hay chà xát hai cành cây khô vào nhau để nóng lên và bốc lửa. Một khi đã có lửa thì phải giữ cho lửa ấy cháy trong một đĩa đựng dầu và được treo lên cao để soi sáng cả nhà vào ban đêm. Trong ban ngày thì không cần đến lửa, để tiết kiệm dầu, họ cho lửa cháy nhỏ lại và đặt bên dưới một cái giạ lớn bằng đất.
Ngày xưa muối cũng có nhiều công dụng quan trọng. Ngoài việc giữ cho thức ăn khỏi hư thối hay để làm gia vị, người ta còn dùng muối để trao đổi trong việc mua bán, để trả lương, để trả thuế, và muối còn được dùng trong việc tế lễ, để sát trùng và để chữa bệnh.
Muối có thể bị nhạt đi khi pha loãng vào trong nước. Nhưng khi còn trong dạng tinh thể, làm thế nào muối có thể “nhạt” đi được? Để hiểu điều này, chúng ta phải tìm về vùng Palestine thời của Chúa Giêsu để thấy một tác dụng khác của muối trong việc đốt lò nấu nướng.
Thời đó, vì khó tìm được củi khô nên dân chúng lấy phân lạc đà và phân lừa trộn với muối rồi phơi khô thành các mảng nhỏ. Khi đốt lò, các mảng này được đặt lên trên một phiến muối lớn hơn. Vì muối có đặc tính xúc tác nên các mảng phân này dễ bốc lửa và cháy sáng. Sau một thời gian sử dụng, phiến muối này không còn chất xúc tác nữa – nói bình dân là muối nhạt đi, hay hết mặn – nó trở nên vô dụng nên phải bỏ đi. Vì thế, Chúa Giêsu nói, “[Nhưng] nếu muối mà nhạt đi thì lấy gì làm cho nó mặn lại? Nó trở thành vô dụng, bị quăng ra ngoài và bị chà đạp dưới chân”.
Qua hình ảnh này, chúng ta mới có thể hiểu được phần nào ý nghĩa mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “các con là muối của lò đất… các con là ánh sáng của thế gian.” Chúa Giêsu muốn chúng ta trở nên chất xúc tác trong gia đình, xã hội, giúp cho mọi người bừng cháy lửa yêu mến, và nhờ ánh sáng của tình yêu, người ta sẽ nhìn thấy những gì là chân thiện mỹ trong đời sống.
Áp dụng vào thực tế, chúng ta sẽ trở nên chất xúc tác như thế nào? Tương tự như muối, tự bản chất của nó đã có chất xúc tác, con người tự bản chất cũng đã có tình yêu, nói chung.
Từ yêu mình đến yêu tha nhân là một hành trình dài ngắn khác nhau mà trong đó những sung sướng và đau khổ, những thành công và thất bại sẽ giúp người ta nhận thấy rằng, chỉ khi nào tình yêu của họ đạt đến mức độ cao quý là hy sinh để đem hạnh phúc cho người khác, tình yêu ấy mới có giá trị, mới có thể thỏa mãn mọi khát khao của con người.
Muối là một chất xúc tác để biến những gì tầm thường như phân tro trở nên hữu ích thì người theo Chúa Kitô cũng có thể giúp người khác nhận ra những giá trị cao đẹp trong cuộc đời khi sống vì tình yêu – đó là Kitô Hữu trở nên “muối cho đời.”
Chúng ta trở nên “muối cho đời” khi đem yêu thương vào nơi oán thù không những trong xã hội mà ngay trong gia đình của mình vì những đối xử thiếu tôn trọng giữa cha mẹ và các con dâu/con rể, hay sự tham lam tranh giành của cải giữa anh chị em.
Chúng ta trở nên “muối cho đời” là sẵn sàng tha thứ hơn căm thù, xây dựng hơn đả phá, sẵn sàng đem an hòa vào nơi tranh chấp, và luôn sống theo sự thật để đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Chúng ta là “muối cho đời” khi chân thành trong lời nói và việc làm để đem hy vọng vào những nơi đầy hoài nghi và thất vọng. Chúng ta là “muối cho đời” khi sẵn sàng hy sinh thời gian, sức lực, của cải để đem niềm vui cho những ai đang u sầu, buồn chán.
Tình yêu của chúng ta là chất xúc tác sẽ giúp bừng cháy lên những tâm hồn đang lạnh lẽo vì cô đơn, vì những bất hạnh trong đời sống, vì đổ vỡ hôn nhân, vì là nạn nhân của một xã hội tục hóa, hay vì thiếu vắng tình người. Tình yêu của chúng ta, theo gương Chúa Kitô, sẽ giúp người khác nhận ra ý nghĩa và giá trị cao quý của tình yêu.
Khi ra lệnh cho chúng ta hãy trở nên “muối cho đời,” Chúa Giêsu muốn chúng ta hòa đồng với thế gian, hơn là tách biệt. Cũng như Chúa Kitô – từ một địa vị cao sang của Thiên Chúa, Người đã hạ mình xuống, trở nên phàm nhân – để đem lại giá trị cho loài người thì chúng ta cũng đừng tự hào kiêu hãnh về sự đạo đức, tốt lành của mình mà xa cách kẻ tội lỗi. Trái lại chúng ta khiêm tốn hòa đồng với họ để giúp họ khôi phục lại phẩm giá của một con người. Điều quan trọng là chúng ta hòa đồng nhưng đừng để mất căn tính của mình là tín hữu Kitô, đừng để người đời tục hóa chúng ta vì sức quyến rũ của tiền tài, danh lợi và quyền thế – đó là khi “muối” của chúng ta không còn “mặn”, chẳng còn ích lợi gì. Trái lại, chúng ta hòa mình vào thế gian để thêm hương vị cho cuộc đời, hay nói đúng hơn, để giúp mọi người thấy được giá trị đích thực của một con người.
Điều quan trọng để có thể trở nên “muối cho đời” là tình yêu của chúng ta phải “bốc lửa” vì yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.
Lửa yêu mến này chỉ có giá trị nếu lửa ấy thiêu đốt chúng ta trước. Lửa ấy phải làm tiêu tan “cái tôi” to lớn, những tham vọng ích kỷ và xấu xa của chính mình. Lửa ấy phải thanh lọc những cặn bã của thế gian ra khỏi lối sống của chúng ta, và tinh luyện chúng ta trở nên cao quý với những hy sinh vô vị lợi và hoàn toàn vị tha.
Lửa của tình yêu ấy sẽ phát ra ánh sáng và sẽ được Thiên Chúa nhận biết như Ngôn Sứ Isaia đã nói trong bài đọc một hôm nay: “hãy chia cơm cho người đói, hãy rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, đừng ngoảnh mặt làm ngơ trước tình cốt nhục. Và rồi ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương của ngươi sẽ mau lành. Đức công chính của ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Và rồi khi ngươi lên tiếng, Đức Chúa sẽ nhận lời; ngươi cầu xin giúp đỡ, Người sẽ đáp lại: ‘Có Ta đây!’
Tóm lại, khi giao cho chúng ta – những người theo Chúa Kitô – một trách nhiệm lớn lao là thay đổi từ gia đình cho đến xã hội, Chúa Giêsu không muốn gì hơn là mỗi người chúng ta sống tình yêu của mình một cách trọn vẹn. Chúng ta không cần phải có kiến thức uyên thâm, hay có khối tài sản kếch sù, hay những tài năng đặc biệt để chu toàn trách nhiệm đó. Chúng ta chỉ cần chuyển hướng tình yêu từ vị kỷ đến vị tha theo gương Chúa Kitô. Đó là chất xúc tác có thể làm bừng cháy cả thế gian, và lúc bấy giờ, mọi người sẽ nhận ra rằng, toàn thể nhân loại là con cái của một Thiên Chúa mà Đấng ấy là Tình Yêu.