Các học giả nhận biết các chương 14-17 của Phúc Âm Gioan là sự trình bày sáng tạo của tác giả về những giảng dạy của Đức Giêsu trong hình thức một “lời từ biệt”.
Kinh Thánh cũng có những lời từ biệt của ông Giacóp (St 49), Môsê (Đnl 31-33), Phaolô (Cv 20), và Đức Giêsu (Luca 22; Gioan 14-17), và nhiều người khác.
Tổng quát, các đoạn này mở đầu với một biểu thị cho biết diễn giả chuẩn bị ra đi hay từ trần. Sau đó là sự cổ vũ những người kế vị của họ. Các yếu tố trong phần diễn từ này thì thay đổi: có những tiên báo, lời cảnh cáo về tương lai, những ý định của Thiên Chúa cho tương lai. Những người kế vị còn được thúc giục hãy trao lại những lời này cho người khác. Đôi khi còn có sự nhận xét về cái chết và sự chôn cất của diễn giả.
Khi Gioan 14 kết thúc với câu “Hãy đứng dậy, chúng ta lên đường,” chúng ta ngạc nhiên thấy rằng Gioan 15 lại tiếp tục lời từ biệt. Hiển nhiên tác giả phúc âm đã nối lại với nhau, nếu không đó là những truyền thống rời rạc.
Lời khuyên sau cùng của Đức Giêsu trong phần từ biệt này là gì? Nó có thể tóm lược trong bản dịch của John Dominic Crossan câu 6: “Tôi là viễn ảnh đích thực của sự tồn tại” (I am the authentic [truth] vision [way] of existence [life]).
Đức Giêsu công bố sự ra đi sắp xảy ra và trở lại đưa các môn đệ đi với Người đến một nơi kết giao vĩnh viễn với Thiên Chúa. Và Người nhắc nhở họ: “Anh em biết đường đến nơi mà thầy sẽ đến.”
Ông Tôma, hiểu theo nghĩa đen, cho rằng ông không biết đường! Chính trong câu trả lời cho điều này Đức Giêsu chỉ về chính mình là đường, con đường duy nhất mà trong đó loài người có thể gặp gỡ Thiên Chúa.
Những lời và hành động của Đức Giêsu trong Phúc Âm này nói về tình yêu ở mọi góc cạnh. Người chứng tỏ tình yêu tuyệt đối, trọn vẹn, và phổ quát trong nhiều câu trả lời cho những ai giao tiếp với Người. Đời sống, sự giảng dạy, và lối sống của Đức Giêsu thực sự trình bày cho người ta thấy “một viễn ảnh đích thực của sự tồn tại loài người”, đó là, kiểu mẫu của một đường hướng mà người ta phải sống. Nếu một người sống như thế, người ấy chắc chắn sẽ gặp được Thiên Chúa, đấng là Tình Yêu.
Những lời đau lòng này không chỉ đối với các môn đệ của Đức Giêsu nhưng đặc biệt đối với các tín hữu trong cộng đồng của Gioan, họ bắt đầu chịu đau khổ vì tin vào Đức Giêsu, “Người Giuđê đã đồng ý rằng bất cứ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Mêsia thì sẽ bị tống ra khỏi hội đường” (Gioan 9:22; và còn 12:42; 16:2).
Sự tuyệt thông như thế khiến họ mất đi một cộng đồng và một nơi chốn rất thân thiết với họ. Hơn nữa, nó còn nêu lên vấn đề là liệu họ có thể thực sự gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi khác hay không. Nói cho cùng, hội đường đại diện cho cộng đồng được Thiên Chúa chọn. Đức Giêsu trấn an các môn đệ và qua họ đến với mọi thế hệ tín hữu sau này: “Nếu con biết Thầy, con cũng sẽ biết Cha của Thầy.” Nếu người ta đã gặp được Đức Giêsu, họ đã gặp được Chúa Cha.
Ông Philíp vẫn không hiểu điều đó. Ông xin Đức Giêsu “cho chúng con thấy Chúa Cha” (c. 8). Điều này đặc biệt làm thất vọng Đức Giêsu, một con người lịch sử sống ở trần gian. Chính Đức Giêsu gọi ông Philíp trở nên một môn đệ, và sau đó ông lại dẫn Natanien đến gặp Đức Giêsu (Gioan 1:43-38). Khi đứng trước một đám đông đang đói, Đức Giêsu tìm đến ông Philíp và hỏi có cách nào nuôi họ ăn (Ga 6:5-9). Khi những người Hy Lạp hiếu kỳ muốn gặp gỡ và nói chuyện với Đức Giêsu, họ đến với ông Philíp để xin can thiệp cho họ (Ga 12:20-22). Chính với quá trình này người ta mới có thể hiểu được sự thất vọng của Đức Giêsu như thế nào: “Anh vẫn không biết Thầy!?”
Sự thất bại của ông Philíp đem cho Đức Giêsu một cơ hội để nói đến những thành công trong tương lai của các môn đệ của Người: “Ai tin vào thầy cũng sẽ làm được những việc thầy làm và, thật vậy, họ sẽ làm những việc lớn lao hơn những điều này…” (c. 12).
Những việc làm của Đức Giêsu là việc làm của Thiên Chúa: ban sự sống, và phục hồi ý nghĩa của đời sống hoặc phong phú hóa ý nghĩa của đời sống. Ngay khi tạo dựng, Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta hãy nắm quyền phát triển (“hãy trồng trọt khu vườn này và gìn giữ nó,” St 1:26-28).
Thách đố của chúng ta là tham gia trong các sinh hoạt đem lại sự sống thay vì đương đầu với sự chết. Đây cũng là thách đố của chúng ta là hãy làm cho đời sống có ý nghĩa thay vì bòn rút nó. Đây là điều trong “di chúc và nguyện vọng cuối cùng” của Đức Giêsu, Người khích lệ các môn đệ hãy thi hành vì tình yêu tha nhân.
Đức Giêsu đã trình bày chính mình như viễn ảnh đích thực của sự tồn tại. Các tín hữu chỉ có thể lập lại lời của ông Phêrô: “Lạy Chúa, chúng con có thể đến với ai? Ngài có những lời ban sự sống đời đời” (6:68).