Trong thế giới Địa Trung Hải của Đức Giêsu, chiên thì không chỉ là các thú vật dễ thương, để vuốt ve (Kinh Thánh không bao giờ gọi chúng là đần độn). Chúng cung cấp thực phẩm, nhưng quan trọng hơn, chúng là những dấu hiệu phổ quát và mạnh mẽ. Chiên và dê được giải thích và được coi như các dấu hiệu của những khác biệt nội bộ chỉ có trong thế giới này.
Vì thế giới này được nghiêm ngặt phân chia theo giới tính, chiên và dê biểu hiệu cho đàn ông và đàn bà theo thứ tự tương ứng, và sự vinh dự và sỉ nhục cũng thế.
Trong Phúc Âm hôm nay, Đức Giêsu mở đầu bằng việc diễn tả một cảnh tượng nuôi chiên ở Palestine thế kỷ thứ nhất. Sau đó Người áp dụng cảnh này cho chính mình và sứ vụ của Người.
Đức Giêsu mở đầu bằng đưa ra sự tương phản giữa mục tử đáng tôn kính hoặc cao quý với “kẻ trộm, kẻ cướp, và người lạ” (cc 1, 5, 8, 10). Các môn đệ không hiểu điều đó thì không ngạc nhiên. Một mục tử đáng kính trong văn hóa đó là một nghịch lý, một mâu thuẫn về từ vựng. Tất cả các mục tử được xem như kẻ trộm, là những người làm cho phụ nữ nhục nhã bằng cách không chăm sóc họ khi cho chiên ăn cỏ, và là người đồi bại tìm vui thú trong chiên khi vắng mặt vợ của họ.
Tuy nhiên, Đức Giêsu thận trọng kể ra các đặc tính của một mục tử đáng kính trọng. (1) Người này ra vào bằng cửa chính thay vì lẻn vào cách khác. (2) Người giữ cổng nhận biết họ là mục tử đích thực của đàn chiên này và cho phép ông ra vào. Những người khác bị ngăn chặn. Hãy nhớ đến bản chất rộng lớn, trải dài của gia đình Trung Đông, ngay cả vai trò của người giữ cổng cũng có ý nghĩa. Mỗi gia đình có đàn chiên riêng, nhưng cho nhiều đàn chiên ăn cỏ thì phải có một chuồng chung để giữ chúng. Một người bà con biết mặt hết các mục tử thì được chỉ định làm người giữ cổng.
(3) Người mục tử dẫn chiên ra vào. Đặc tính này thì khó hiểu cho đúng. Người nuôi chiên quả quyết rằng các mục tử không dẫn chiên. Đúng hơn họ đi đằng sau và thúc giục chiên đi đến trước để như thế mới biết được những con nào đi lạc.
Tuy nhiên, trong vùng Trung Đông, một số mục tử đi trước chiên và gọi chúng với một tiếng kêu riêng biệt. Đó là một tiếng kêu thay vì chỉ là sự nhận biết tiếng nói để dẫn dắt chiên.
Tổng quát chiên thì không vững mạnh, vì thế chúng không thể tự vệ hữu hiệu. Hơn nữa, chúng rất dở nhận biết các nơi chốn, điều này giải thích tại sao chúng dễ đi lạc. Khi bị lạc, nó hoảng hốt, nằm xuống đất và kêu lớn tiếng, hy vọng mục tử sẽ để ý.
Tất cả dữ kiện và hình ảnh này thì quen thuộc và rõ ràng với các môn đệ, nhưng họ không nắm được điểm mà Đức Giêsu muốn nói. Ai là người đáng kính và ai là kẻ trộm, kẻ cướp, và người lạ? Người phải giải thích điều ấy cho họ.
Ở mức độ tiềm ẩn, dường như Đức Giêsu đang tấn công các tư tế và người Biệt Phái ở Giêrusalem. Việc dẫn chiên ra vào gợi lại sự mô tả tiêu biểu về ông Giôsuê trong sách Dân Số 27:16-17. Ông Môsê được thúc giục “hãy đặt ai đó là người lãnh đạo cộng đồng, người ấy sẽ đi ra trước họ và đi vào trước họ, người ấy sẽ dẫn dắt họ ra và đưa họ vào, để cộng đồng của ĐỨC CHÚA đừng giống như đàn chiên không có mục tử.” Các người lãnh đạo thời Đức Giêsu thì không thi hành việc này (xem Máccô 6:34).
Ở mức độ rõ ràng, Đức Giêsu tự coi mình là cổng. Tuy nhiên, hình ảnh này được giải thích trong hai ý nghĩa. Trong câu 8, Đức Giêsu nhận xét rằng bất cứ mục tử nào đến với chiên mà không qua Người (cổng) đó là một kẻ trộm và kẻ cướp. Trong các câu 9-10, Đức Giêsu là cổng mà qua đó chiên phải đi qua để có sự sống, sự cứu độ. Sự giải thích này đúng với dụ ngôn trong các câu 1-3a thì vụng về; nó phải bị xé ra từ một khung cảnh khác biệt (Tv 118:20; xem Gioan 14:6).
Tìm đồng cỏ là tìm sự sống. Chiên tìm đồng cỏ qua Đức Giêsu thì tìm được sự sống, sự sống dồi dào (c. 10). Kẻ trộm chỉ có thể cung cấp sự trộm cắp, hủy hoại, và sự chết. Một mục tử như thế thì hoàn toàn tương phản với Đức Giêsu là cổng và mục tử cao thượng, là hình ảnh mà Đức Giêsu xoay chuyển sự chú ý trong phần kế tiếp.
Nếu tín hữu Hoa Kỳ ngày nay có thể vượt qua hình ảnh con chiên để nghĩ đến vấn đề lãnh đạo trong cộng đồng Kitô Hữu, một vài câu hôm nay phải kích thích sự suy tư lành mạnh. Các nhà lãnh đạo cao thượng đương thời hướng dẫn hay giống như kẻ trộm, kẻ cướp, và người lạ?